Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 91/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 23 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998;
Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định về việc thi hành Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định về việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước;
Căn cứ Thông tư số 02/2005/TT-BTN&MT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Quyết định số 17/2006/QĐ-BTN&MT ngày 12/10/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất;
Căn cứ Thông tư số 05/2005/TT-BTN&MT ngày 22/7/2005 hướng dẫn thi hành Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 91/2006/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này áp dụng cho việc quản lý, khảo sát, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước (gọi chung là hoạt động tài nguyên nước) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có các hoạt động liên quan đến việc khảo sát, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; ngăn cản trái phép sự lưu thông của nước; san lấp trái phép ao, hồ, bàu nước công cộng; phá hoại các công trình khai thác và sử dụng tài nguyên nước; cản trở quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quyền xả nước hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

2. Đưa hoặc thải vào nguồn nước các chất dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn gây dịch bệnh, các chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Xả nước thải hoặc đưa các chất gây ô nhiễm vào vùng bảo hộ vệ sinh của khu vực lấy nước sinh hoạt.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong phạm vi gia đình là khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không kinh doanh, có quy mô không vượt quá:

a) 0,02 m3/s (1.728 m3/ngày đêm) đối với khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp;

b) Công suất lắp máy 50 kW đối với khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện không có chuyển đổi dòng chảy;

c) 100 m3/ngày đêm đối với khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục

đích khác;

d) 20 m3/ngày đêm đối với khai thác, sử dụng nước dưới đất;

đ) 10 m3/ngày đêm đối với xả nước thải.

2. Khu vực khai thác nước dưới đất là vùng diện tích bố trí công trình khai thác và đới phòng hộ vệ sinh quy định trong giấy phép khai thác.

3. Công trình khai thác nước dưới đất là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất, nằm trong một khu vực khai thác nước và khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 mét, thuộc sở hữu của một tổ chức hoặc cá nhân.

4. Lưu lượng của một công trình khai thác nước dưới đất là tổng lưu lượng của các giếng khoan, giếng đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc công trình đó.

5. Tổng lượng dòng ngầm trung bình mùa kiệt của một vùng được tính bằng tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông, suối trong vùng đó vào các tháng mùa kiệt (đối với vùng miền núi) hoặc bằng lượng nước chứa trong đới dao động mực nước giữa đầu mùa kiệt và cuối mùa kiệt của tầng chứa nước khai thác (đối với vùng đồng bằng).

6. “Nước dưới đất” là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 5. Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước và mọi hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước trong phạm vi địa bàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh phân công, phân cấp quản lý tài nguyên nước cho các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật và theo quy định này.

Điều 6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Là cơ quan chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo các quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 2363/QĐ-CTUBBT ngày 18/9/2003, bao gồm:

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, thông tin, tuyên truyền, cấp phép, thanh tra, kiểm tra hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của nhân dân, cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước giữa các tỉnh trong hệ thống lưu vực sông, với các cơ quan liên quan trong công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch, quản lý hoạt động tài nguyên nước; xây dựng và phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước, phòng chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra.

3. Tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan cho các trường hợp đề nghị cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước, khai thác sử dụng tài nguyên nước; xem xét cấp phép theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Xây dựng kế hoạch, tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và những nhiệm vụ cụ thể được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn về hoạt động tài nguyên nước; kiểm tra và phối hợp kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý, cấp phép hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Các sở, ngành liên quan

1. Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền về việc triển khai chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép, thuế tài nguyên, phí xả nước thải vào nguồn nước.

2. Sở Khoa học và Công nghệ: phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, nghiên cứu đánh giá, sử dụng hợp lý tài nguyên nước; phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước cho mục đích sử dụng.

3. Sở Xây dựng: quản lý nhà nước đối với việc cấp nước sạch và các công trình tiêu thoát nước của tỉnh về các mặt như: xây dựng, sửa chữa, nạo vét, thông tắc, đảm bảo dòng chảy, điều phối tiêu thoát trong các công trình thoát nước, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để điều phối tiêu thoát vừa đảm bảo tiêu thoát nước, vừa đảm bảo chất lượng nước cho các mục đích sử dụng nước mặt từng thời kỳ; thông báo các thông số kỹ thuật về lưu lượng, mực nước giới hạn được phép xả thải vào các công trình cụ thể trong hệ thống thoát nước cho từng thời gian thích hợp; chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch mạng lưới khai thác và cung cấp nước. Trong phạm vi chức năng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giới thiệu điểm các công trình cho phù hợp đảm bảo nguồn nước thực hiện dự án, công trình.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: quản lý việc xây dựng, khai thác công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều (đê sông và đê biển), quản lý nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý việc khai thác và phát triển tổng hợp các dòng sông trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Y tế: quản lý nhà nước đối với chất lượng nước uống và sinh hoạt. Căn cứ vào các tiêu chuẩn vệ sinh nước uống, nước sạch do Bộ Y tế ban hành, có trách nhiệm kiểm tra định kỳ chất lượng nước khai thác cho mục đích ăn uống, sinh hoạt; đặc biệt, đối với các đơn vị kinh doanh nước sạch. Trong trường hợp chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu các chủ thể khai thác khắc phục ngay đồng thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý.

6. Sở Nội vụ: phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài nguyên nước phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời nghiên cứu, đề xuất tăng thêm biên chế cho công tác quản lý tài nguyên nước ở các cấp, các ngành.

7. Các sở, ngành liên quan khác: các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý, bảo vệ; xây dựng chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực ngành quản lý.

Điều 8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn, không để xảy ra các hoạt động tài nguyên nước trái phép trên địa bàn.

2. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức việc đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân đối với các công trình thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại khoản 3, Điều 14 của Quy định này.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước trên địa bàn; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

4. Tuyên truyền giáo dục nhân dân thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 9. Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố

1. Là bộ phận chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về kết quả công tác được giao, đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Tiếp nhận, xác nhận và quản lý hồ sơ đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân đối với các công trình thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại khoản 3, Điều 14 của Quy định này; giám sát việc thực hiện theo giấy phép của chủ các giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước tại địa phương.

3. Kiểm tra, lập biên bản vi phạm, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường để ra quyết định xử lý vi phạm, đình chỉ, thu hồi giấy phép theo quy định.

4. Tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện chính sách quản lý tài nguyên nước.

Điều 10. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về các hoạt động tài nguyên nước tại địa phương.

2. Tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật cho nhân dân, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước thuộc địa bàn quản lý.

3. Phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý về tài nguyên nước giám sát các hoạt động tài nguyên nước tại địa phương; nếu phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Chương III

HOẠT ĐỘNG VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 11. Điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân hoạt động khoan nước dưới đất phải có các điều kiện:

1. Có cán bộ kỹ thuật đảm bảo năng lực nghề nghiệp; có máy móc, thiết bị thi công khoan bảo đảm các tính năng kỹ thuật và an toàn lao động theo quy định hiện hành.

2. Có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Việc cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, điều chỉnh hiệu lực và thu hồi giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 17/2006/QĐ-BTN&MT ngày 12/10/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 12. Cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, điều chỉnh hiệu lực và thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

- Các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước (ngoại trừ các trường hợp được ghi tại Điều 14 của Quy định này) phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được phép thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép;

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, điều chỉnh hiệu lực và thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh.

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đối với các trường hợp:

a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với các công trình có lưu lượng khai thác từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;

c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên;

d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kW trở lên;

e) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;

f) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 5.000 m3/ngày đêm trở lên.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép đối với các trường hợp nằm ngoài quy định tại khoản 1, Điều này. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép đối với các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quy mô nhỏ (theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, điều chỉnh hiệu lực và thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về xin cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, điều chỉnh hiệu lực đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải nộp 02 bộ hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ (tại Sở Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cấp phép hoặc tại Cục Quản lý Tài nguyên nước đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép).

2. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, điều chỉnh hiệu lực và thu hồi giấy phép đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thực hiện theo Thông tư số 02/2005/TT-BTN&MT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ và theo Quy định này.

Điều 14. Các trường hợp không phải xin cấp giấy phép

1. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải xin phép trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất với quy mô nhỏ phục vụ sinh hoạt trong phạm vi gia đình;

b) Khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất với quy mô nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thủy điện và các mục đích khác trong phạm vi gia đình;

c) Khai thác, sử dụng nước biển với quy mô nhỏ sử dụng trong phạm vi gia đình cho sản xuất muối và nuôi trồng hải sản;

d) Khai thác, sử dụng nước mưa, nước mặt, nước biển trong phạm vi diện tích đã được giao, được cho thuê theo quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật;

đ) Khai thác tài nguyên nước không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, hải sản, sản xuất muối, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học;

e) Khai thác nước dưới đất từ các công trình thay thế có quy mô không lớn hơn và mực nước hạ thấp nhỏ hơn giới hạn cho phép đã được xác định trong giấy phép, nằm trong khu vực đã được cấp phép.

2. Xả nước thải vào nguồn nước với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình:

Giới hạn của việc xả nước thải vào nguồn nước với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình không phải xin phép được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 của Quy định này.

3. Khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình không phải xin phép nhưng phải đăng ký trong trường hợp sau đây:

a) Nằm trong vùng bảo hộ vệ sinh, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

b) Chiều sâu giếng khai thác vượt quá mức quy định cho phép khai thác;

c) Khai thác, sử dụng nước dưới đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng mà tổng lượng nước khai thác vượt quá tổng lượng nước ngầm trung bình trong mùa kiệt.

Việc đăng ký thực hiện tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã, thành phố theo mẫu biểu tại Phụ lục II ban hành kèm theo quy định này và phải tuân thủ các quy định về vùng bảo hộ vệ sinh, vùng hạn chế khai thác, vùng cấm khai thác và độ sâu giếng cho phép khai thác.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức khoanh vùng các vùng khai thác nước dưới đất phải đăng ký; vùng hạn chế khai thác, vùng cấm khai thác, vùng bảo hộ vệ sinh và độ sâu giếng khai thác phải đăng ký ở các vùng khác nhau trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định ban hành.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động về tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động về tài nguyên nước có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ và Điều 4 quy định về cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất ban hành kèm theo Quyết định số 17/2006/QĐ-BTN&MT ngày 12/10/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, chủ giấy phép được hưởng các quyền ghi trong giấy phép, được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp ghi trong giấy phép, nhưng đồng thời chủ giấy phép có nghĩa vụ phải chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về tài nguyên nước và quy định ghi trong giấy phép.

2. Chủ giấy phép có trách nhiệm triển khai công tác giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo chế độ hiện hành. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước khi gặp sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước hoặc phát hiện các trường hợp bất thường về chất lượng nguồn nước phải báo cáo ngay cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra sự cố để được hướng dẫn xử lý.

3. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng, hành nghề khoan nước dưới đất có nghĩa vụ trám lấp các giếng khoan, giếng đào bị hư hỏng, không còn sử dụng hoặc không đạt yêu cầu sau khi kết thúc giai đoạn thăm dò, khai thác theo đúng quy định. Trước khi trám lấp giếng, chủ giấy phép hoặc người quản lý vận hành công trình có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp giấy phép thăm dò, khai thác hoặc thụ lý việc đăng ký khai thác biết để quản lý.

Chương IV

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 16. Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, theo đó:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước. Nhiệm vụ và thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước quy định tại các Điều 66 và Điều 67 của Luật Tài nguyên nước, Luật Thanh tra và các quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Các sở, ngành có liên quan có nhiệm vụ phối hợp, tạo điều kiện cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng kiểm tra các hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn; cử người tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên khi có yêu cầu.

Điều 17. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước trái phép, không có giấy phép của cấp có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở việc bảo vệ tài nguyên nước, cản trở hoạt động tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, cản trở việc kiểm tra, thanh tra tài nguyên nước hoặc các vi phạm khác theo quy định của pháp luật thì tùy thuộc mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có).

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm các quy định đối với việc cấp, thực hiện các giấy phép về tài nguyên nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Điều 18. Khen thưởng

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước.

2. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ tài nguyên nước được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân (hoặc người đại diện hợp pháp) bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền.

2. Mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân và tố cáo hành vi vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Điều khoản thi hành

Căn cứ nội dung Quy định này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

 

PHỤ LỤC I

BẢNG PHÂN CẤP CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

STT

Trường hợp cấp phép

Thẩm quyền cấp phép

UBND tỉnh

Sở tài nguyên và môi trường

1

Thăm dò, khai thác nước dưới đất

Công trình có lưu lượng từ 500 đến dưới 3.000 m3/ ngày đêm

Công trình có lưu lượng dưới 500 m3/ ngày đêm

2

Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác

Lưu lượng từ 5.000 đến dưới 50.000 m3/ngày đêm

Lưu lượng dưới 5.000 m3/ngày đêm

3

Khai thác, sử dụng nước mặt sản xuất nông nghiệp

Lưu lượng từ 1 đến dưới 2 m3/giây

Lưu lượng dưới 1 m3/giây

4

Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện

Công suất lắp máy từ 500 đến dưới 2.000 KW

Công suất lắp máy dưới 500 KW

5

Xả nước thải vào nguồn nước

Lưu lượng từ 2.000 đến dưới 5.000 m3/ngày đêm

Lưu lượng dưới 2.000 m3/ngày đêm

 

PHỤ LỤC II

BẢN MẪU ĐĂNG KÝ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

(Đối với trường hợp không phải xin phép nhưng phải đăng ký)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

BẢN ĐĂNG KÝ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Kính gửi: Phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện.......

1. Tổ chức/cá nhân đăng ký khai thác:

Tên tổ chức/cá nhân đăng ký khai thác:.....................................................(1)

Địa chỉ:.......................................................................................................(2)

Điện thoại:..................................................Fax..........................................(3)

2. Hiện trạng khai thác nước trong khu vực:..............................................(4)

3. Nội dung đăng ký:

- Mục đích khai thác sử dụng:....................................................................(5)

- Vị trí công trình khai thác: (Thôn/ấp........., xã/phường........., huyện....  .)(6)

- Tọa độ công trình khai thác:.....................................................................(7)

- Tầng chứa nước khai thác:.......................................................................(8)

- Thông tin về giếng khai thác:

+ Số lượng giếng khai thác:........................................................................(9)

+ Chiều sâu, đường kính giếng khai thác:.................................................(10)

+ Đơn vị thi công:......................................................................................(11)

- Tổng lưu lượng khai thác:.................................................m3/ngày đêm (12)

- Chế độ khai thác:.....................................................................................(13)

- Phương thức khai thác:............................................................................(14)

- Chất lượng nước khai thác:...........................................................m........(15)

Chúng tôi cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về khai thác, sử dụng hợp lý, bảo vệ nguồn nước và môi trường, thực hiện đầy đủ các quy định khác có liên quan./.

 

 

Xác nhận đăng ký của
Phòng Tài nguyên và Môi trường

.........., ngày......tháng.......năm.........

Tên tổ chức/cá nhân đăng ký

Ký, ghi rõ họ tên (đóng dấu nếu có)

 

* Ghi chú: Các mục (1), (2), (3), (4), (5), (6), (9), (10), (11), (13), (14) tổ chức, cá nhân bắt buộc phải điền vào những chổ trống theo hướng dẫn dưới đây; những mục còn lại để trống. Sau khi bản đăng ký này nộp tại phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, trong vòng 05 ngày làm việc sau khi nhận bản đăng ký, phòng Tài nguyên và Môi trường cử người xuống kiểm tra thực tế; đồng thời, giúp bổ sung bản đăng ký đầy đủ theo hướng dẫn.

Hướng dẫn viết bản đăng ký:

(1) Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép: đối với cá nhân ghi rõ họ, tên, số chứng minh nhân dân, ngày và nơi cấp, cơ quan cấp; đối với tổ chức thì ghi tên tổ chức, ngày, tháng, năm thành lập, số và ngày, cơ quan ký quyết định thành lập hoặc số giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(2) Trụ sở của các tổ chức hoặc nơi cư trú của các cá nhân đề nghị cấp phép.

(3) Ghi số điện thoại, số Fax đang sử dụng (nếu có).

(4) Nêu rõ hiện trạng khai thác nước xung quanh khu vực đăng ký khai thác: số lượng giếng khai thác (số lượng giếng khoan, giếng đào) khoảng cách công trình khai thác tới các giếng, lưu lượng khai thác của các giếng đó.

(5) Ghi cụ thể cho từng mục đích khai thác, sử dụng nước (tưới, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, khai khoáng, phát điện, nuôi trồng thủy sản,...).

(7) Tọa độ công trình khai thác theo hệ tọa độ VN 2000, kinh tuyến trục 108030'.

(8) Loại đất đá, cát, cát pha, sét pha, sạn sỏi, chiều dày tầng chứa nước khai thác (nếu biết).

(9) Số lượng giếng khoan và giếng đào xin đăng ký khai thác.

(10) Ghi cụ thể chiều sâu, đường kính giếng khoan hoặc giếng đào.

(11) Nêu rõ đơn vị thi công, lắp đặt (nếu tự thi công lắp đặt thì ghi tự thi công).

(12) Tổng lượng khai thác: là tổng lưu lượng của tất cả giếng khoan, giếng đào.

(13) Chế độ khai thác bao nhiêu giờ trong một ngày đêm.

(14) Loại hình công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất, ví dụ: máy bơm (ghi rõ công suất máy), trạm bơm nước,...

(15) Chất lượng nước khai thác: mặn hay nhạt, có phù hợp với mục đích yêu cầu./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 91/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 91/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản