Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/2017/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 18 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 40/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 8 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1936 /TTr-SLĐTBXH ngày 11 tháng 9 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 9 năm 2017 và đối với vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, áp dụng từ năm ngân sách 2018.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Bình

 

QUY ĐỊNH

VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ KINH PHÍ SỰ NGHIỆP NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 90/2017/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 3. Nguyên tắc phân bổ

Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Quyết định 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chí, định mức phân bổ

1. Chương trình 30a (Dự án 1):

Tiêu chí, định mức phân bổ vốn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chương trình 135 (Dự án 2)

Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản khác có liên quan.

a) Các tiêu chí cụ thể

- Tiêu chí về xã (xã khu vực III, II, I);

- Tiêu chí về thôn đặc biệt khó khăn;

- Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo;

b) Cách tính hệ số các tiêu chí theo khoản 2 Điều 5 Quyết định 48/2016/QĐ-TTg

- Tiêu chí về xã: áp dụng hệ số (H1)

- Tiêu chí về thôn đặc biệt khó khăn: theo hệ số (H2)

- Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo:

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện

Hệ số (H3)

Nhỏ hơn hoặc bằng 1,5 lần tỷ lệ chung của tỉnh

0,02

Nhỏ hơn hoặc bằng 2 lần tỷ lệ chung của tỉnh

0,03

Nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 lần tỷ lệ chung của tỉnh

0,04

Cao hơn 2,5 lần tỷ lệ chung của tỉnh

0,05

- Tiêu chí về tỷ lệ người dân tộc thiểu số: theo hệ số (H4)

c) Phương pháp tính mức vốn được phân bổ

Căn cứ vào các tiêu chí trên để tính ra số Hệ số của từng huyện; tổng Hệ số của các huyện thực hiện Chương trình 135 sử dụng ngân sách trung ương làm căn cứ phân bổ vốn như sau:

Tổng hệ số các nội dung của huyện (Y) Y = (H1 + H2) x (1+H3+H4)

N = Tổng hệ số các huyện cộng lại

Tổng mức vốn được phân bổ của chương trình (M)

M = Tổng vốn đầu tư phát triển + Tổng kinh phí sự nghiệp.

- Xác định mức phân bổ vốn:

Mức vốn bình quân phân bổ cho 01 hệ số (K) K = M : N

- Số vốn phân bổ cho từng huyện ( X): X = K x Y

3. Các dự án khác

a) Tiêu chí phân bổ cho các địa phương:

- Tỷ lệ hộ nghèo:

+ Huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 22%: hệ số 0,5.

+ Huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo từ 22% đến dưới 37%: hệ số 0,55.

+ Huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo từ 37% trở lên: hệ số 0,6.

- Quy mô hộ nghèo: hộ nghèo được xác định trên cơ sở chuẩn nghèo cuối năm 2015.

+ Huyện, thành phố có quy mô hộ nghèo dưới 3.300 hộ: hệ số 0,5.

+ Huyện, thành phố có quy mô hộ nghèo từ 3.300 hộ đến dưới 4.950 hộ: hệ số 0,6.

+ Huyện có quy mô hộ nghèo từ 4.950 hộ trở lên: hệ số 0,7.

b) Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 (kinh phí sự nghiệp)

- Phạm vi hỗ trợ: các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.

- Định mức phân bổ:

Tổng vốn bố trí cho huyện = A x N x X; trong đó: A: Định mức bình quân cho một xã (triệu đồng)

N: Số xã ngoài Chương trình 135 và Chương trình 30a trên địa bàn huyện.

X: Tổng các hệ số theo 02 tiêu chí (hệ số theo tỷ lệ hộ nghèo + hệ số theo quy mô hộ nghèo).

c) Dự án 4. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (kinh phí sự nghiệp)

- Phạm vi hỗ trợ: các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc miền núi.

- Định mức phân bổ: nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được phân bổ 50% kế hoạch vốn cho cơ quan quản lý chương trình cấp tỉnh và 50% kế hoạch vốn còn lại phân bổ theo hệ số từng huyện, thành phố thực hiện.

* Đối với cấp tỉnh: căn cứ kinh phí hằng năm do Trung ương phân bổ, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ, triển khai thực hiện có hiệu quả.

* Phân bổ kinh phí cho cấp huyện:

Tổng vốn bố trí cho một huyện = (A + B x tổng số xã) x X Trong đó:

A: Định mức bình quân cho một huyện (triệu đồng). B: Định mức bình quân cho một xã (triệu đồng).

X: Tổng các hệ số theo 02 tiêu chí (hệ số theo tỷ lệ hộ nghèo + hệ số theo quy mô hộ nghèo).

d) Dự án 5. Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình (kinh phí sự nghiệp)

- Phạm vi hỗ trợ: các sở, ngành, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc miền núi.

- Định mức phân bổ: nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được phân bổ 50% kế hoạch vốn cho cơ quan quản lý chương trình cấp tỉnh và 50% kế hoạch vốn còn lại phân bổ theo hệ số từng huyện, thành phố thực hiện chương trình.

* Đối với cấp tỉnh: căn cứ kinh phí hằng năm do Trung ương phân bổ, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ, triển khai thực hiện có hiệu quả.

* Phân bổ kinh phí cho cấp huyện:

Tổng vốn bố trí cho một huyện = (A + B x tổng số xã) x X; Trong đó: A: Định mức bình quân cho một huyện (triệu đồng).

B: Định mức bình quân cho một xã (triệu đồng).

X: Tổng các hệ số theo 02 tiêu chí (hệ số theo tỷ lệ hộ nghèo + hệ số theo quy mô hộ nghèo).

Điều 5. Tỷ lệ và phân bổ vốn đối ứng của ngân sách địa phương

1. Tỷ lệ vốn đối ứng: nguồn vốn ngân sách địa phương phân bổ thực hiện chương trình bằng 10% tổng nguồn vốn của Trung ương phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh. Trong đó, tổng nguồn vốn phân bổ cho vốn đầu tư phát triển chiếm tỷ lệ 70,7%, vốn sự nghiệp chiếm tỷ lệ 29,3%. Nguồn vốn đối ứng này được phân bổ cho các thôn, xã ngoài chương trình 30a của Chính phủ.

2. Phân bổ vốn đối ứng a) Dự án 1

- Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn. Phân bổ 78%/tổng vốn ngân sách địa phương hỗ trợ, trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển: 70,7%

+ Vốn sự nghiệp: 7,3%.

- Tiểu dự án 2: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn (vốn sự nghiệp). Phân bổ 12%/tổng vốn đối ứng của ngân sách địa phương hỗ trợ.

- Tiểu dự án 3: nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn (vốn sự nghiệp). Phân bổ 1%/tổng vốn đối ứng của ngân sách địa phương hỗ trợ.

b) Dự án 2: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 (vốn sự nghiệp). Phân bổ 4%/tổng vốn đối ứng của ngân sách địa phương hỗ trợ.

c) Dự án 3: truyền thông và giảm nghèo về thông tin (vốn sự nghiệp). Phân bổ 2%/tổng vốn đối ứng của ngân sách địa phương hỗ trợ.

d) Dự án 4: nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình (vốn sự nghiệp). Phân bổ 3%/tổng vốn đối ứng của ngân sách địa phương hỗ trợ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì thẩm định, tổng hợp kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 do các ngành liên quan đề xuất để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức tại Quy định này, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 7. Sở Tài chính

1. Chủ trì thẩm định, tổng hợp kế hoạch phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 do các ngành liên quan đề xuất để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức tại Quy định này.

2. Hàng năm, cân đối nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương theo tỷ lệ quy định để hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Điều 8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm thực hiện các dự án thành phần (Dự án 1; Dự án 3, Dự án

4; Dự án 5) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức tại Quy định này; gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Ban Dân tộc

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm thực hiện dự án thành phần (Dự án 2, chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức tại Quy định này; gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Quy định này.

2. Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư và kinh phí sự nghiệp được giao hàng năm, tổ chức phân bổ và triển khai thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả, đúng quy định hiện hành.

3. Trường hợp các đơn vị địa phương sử dụng vốn không đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ, sử dụng vốn không bảo đảm hiệu quả đầu tư, sử dụng không hết vốn trong năm thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh vốn hoặc hạn chế vốn phân bổ trong năm kế hoạch tiếp theo.

Điều 11. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị và địa phương có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 90/2017/QĐ-UBND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 90/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lê Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản