Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 881/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 23 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỂ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở TỈNH AN GIANG

(giai đoạn 2009-2012)

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành ăn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển nhà ở toàn quốc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

Căn cứ Quyết định số 40/2008/QĐ-UBND ngày 04/11/2008 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại văn bản số 183/SXD-QLN ngày 22/4/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo quyết định này về Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2009-2012, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đề án: Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh An Giang.

2. Phạm vi áp dụng: áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ đang cư trú tại khu vực nông thôn.

3. Mục tiêu hỗ trợ: Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm mục tiêu cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

4. Quan điểm hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cùng với các nguồn lực huy động trong cộng đồng, dòng tộc và sự nỗ lực của chính hộ gia đình thụ hưởng chính sách để phấn đấu tự hoàn thiện nhà ở của mình, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

5. Đối tượng được hỗ trợ: Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở phải có đủ ba điều kiện sau:

- Là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010, đang cư trú tại địa phương thuộc khu vực nông thôn, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân các xã quản lý tại thời điểm Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành;

- Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

- Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác.

6. Mức hỗ trợ:

- Ngân sách TW hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ. Riêng những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ–TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ là 07 triệu đồng/hộ; ngân sách tỉnh bố trí 10% vốn đối ứng để hỗ trợ thêm và huy động nguồn lực trong cộng đồng, của hộ gia đình để giúp các hộ làm nhà ở.

- Mỗi hộ dân có nhu cầu, được vay tín dụng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để làm nhà ở. Mức vay tối đa không quá 08 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3% năm. Thời hạn vay là 10 năm trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời điểm hoàn trả nợ vay bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.

7. Nguyên tắc hỗ trợ:

- Hỗ trợ trực tiếp đến các hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng được quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục tiêu, chính sách của Chương trình;

- Bảo đảm công khai, công bằng minh bạch, đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật, chính sách Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

8. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở:

Hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở có diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên; phấn đấu huy động các nguồn lực của công đồng để xây dựng hoàn chỉnh nhà vệ sinh có hố xí tự hoại phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

9. Số hộ được hỗ trợ nhà ở: 9.466 hộ, trong đó phân ưu tiên như sau:

- Hộ gia đình có công với cách mạng: 30 hộ;

- Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số: 1.432 hộ (trong đó có 1.375 hộ đang sống trong vùng đặc biệt khó khăn);

- Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 34 hộ;

- Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn: 1.996 hộ;

- Hộ gia đình đang sống tại vùng đặc biệt khó khăn: 2.806 hộ (chưa tính 1.375 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống trong khu vực này);

- Hộ gia đình còn lại: 3.168 hộ.

10. Nguồn vốn hỗ trợ:

Tổng số nhu cầu vốn: 161.206 triệu đồng;

- Vốn ngân sách Trung ương: 67.075 triệu đồng;

- Vốn ngân sách địa phương: 6.098 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 75.728 triệu đồng;

- Dự kiến vốn huy động tại địa phương từ quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và từ các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động: 9.466 triệu đồng;

- Dự kiến vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và chính hộ gia đình được hỗ trợ: 2.839 triệu đồng;

11. Tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn:

a). Năm 2009: Hoàn thành các công tác chuẩn bị và thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 2.486 hộ, trong đó gồm có: 30 hộ thuộc đối tượng 1 (hộ gia đình có công với cách mạng), 1.432 hộ thuộc đối tượng 2 (hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số), 34 hộ thuộc đối tượng 3 (Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai) và 50% số hộ (# 990 hộ) thuộc đối tượng 4 (Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn). Tổng nhu cầu vốn cho năm 2009: 42.669 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 17.920 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương đối ứng: 1.629 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 19.888 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 3.232 triệu đồng.

b). Năm 2010: Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 2.966 hộ, trong đó bao gồm 50% đối tượng ưu tiên 4 còn lại (# 1.006 hộ) và 70% số hộ thuộc diện đối tượng ưu tiên 5 (# 1.960 hộ gia đình đang sống trong vùng đặc biệt khó khăn). Tổng nhu cầu vốn cho năm 2010: 51.291 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 21.732 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương đối ứng: 1.976 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 23.728 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 3.856 triệu đồng.

c). Năm 2011: Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 3.046 hộ bao gồm 30% số đối tượng ưu tiên 5 và 70% số đối tượng còn lại. Tổng nhu cầu vốn cho năm 2011: 51.274 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 21.034 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương: 1.912 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 24.368 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 3.960 triệu đồng.

d). Năm 2012: thực hiện hỗ trợ dứt điểm 30% số đối tượng còn lại là 968 hộ. Tổng nhu cầu vốn cho năm 2012: 15.972 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 6.398 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương đối ứng: 581 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 7.744 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 1.258 triệu đồng.

12. Tổ chức thực hiện: Giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo thực hiện đề án; và tổ chức theo dõi, đôn đốc các đơn vị và địa phương thực hiện đề án theo nhiệm vụ được phân công.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ XD, Bộ KH&ĐT, Bộ TC, Bộ NN&PTNT,
NHNNVN, NHCSXHVN (để báo cáo) ;
- TT.TU, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố
- VP.UBND tỉnh: CVP, P.KT, TH, XDCB;
- Website Chính phủ, Cục Kiểm tra VB (Bộ Tư pháp);
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH 




Phạm Kim Yên

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở TỈNH AN GIANG
(ban hành kèm theo quyết định số 881/QĐ-UBND ngày 23/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

I. MỞ ĐẦU:

1. Khái quát chung

An Giang là tỉnh biên giới ở miền Tây Nam bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: 09 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố với 154 xã, phường, thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên trên 353 ngàn ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 280 ngàn ha, đất lâm nghiệp 14,72 ngàn ha.

Dân số trên 2,2 triệu người với hơn 455 ngàn hộ, chủ yếu là người Kinh chiếm trên 94%, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số gồm Khmer, Chăm, Hoa (gần 24 ngàn hộ, dân số gần 115 ngàn người) chiếm 5,17% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào Khmer, Chăm có những đặc thù riêng về tôn giáo và phong tục tập quán, đại bộ phận sống ở vùng nông thôn, thường tập trung ở phum, sók vùng cao và ven sông ở 36 xã (Khmer: 27 xã, Chăm: 9 xã) thuộc 8 huyện trong tỉnh, trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn và 19 xã biên giới.

Với vị trí nằm ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, An Giang có nhiều thuận lợi về nguồn nước, khí hậu, thời tiết ôn hòa, đất đai được phù sa bồi đắp hàng năm nên có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó thế mạnh của tỉnh là sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu) và nuôi trồng thủy sản (cá, tôm) với gần 75% dân số sống bằng nghề nông. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhiều năm lũ lớn đã gây thiệt hại đáng kể đến tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước khiến đời sống của cư dân nông thôn còn không ít khó khăn.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều chương trình, dự án đã được tích cực triển khai góp phần ổn định cuộc sống người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số ….. đã đưa tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 8,93% của năm 2007 xuống còn 6,96% vào cuối năm 2008, trong đó tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là 27,32% (giảm hơn năm 2007 là 0,87%). Qua đó, các đối tượng là người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người khuyết tật và các đối tượng bảo trợ khác xã hội khác được hưởng chính sách trợ giúp thường xuyên; người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống. Số người lao động tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng ….;

Thành tựu này là kết quả của sự tăng cường đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực trong xã hội cho các chương trình như: xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nước sạch và vệ sinh môi trường ..… trong đó việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về nhà ở như: Hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8/1945 cải thiện nhà ở (Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000); Hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở (Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996); Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004), Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ; chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương ……. đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết mục tiêu cải thiện nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh;

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo vẫn còn không ít tồn tại và bất cập, nhiều đối tượng gặp khó khăn chưa được trợ giúp, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng thiếu vững chắc, đời sống hộ dân tộc thiểu số còn khó khăn; mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội còn thấp, chỉ bằng 50% thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trong đó có chính sách hỗ trợ về nhà ở còn hạn chế, xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ về nhà ở có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu.

2. Sự cần thiết phải lập Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

Cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, nhằm trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 (sau đây gọi tắt là Quyết định 167) về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giai đoạn năm 2009 - 2012;

Để tổ chức triển khai thực hiện tốt Quyết định 167 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cần phân tích, đánh giá thực trạng; các mô hình huy động nguồn lực; biện pháp quản lý; giải pháp thực hiện …. các chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong thời gian qua, trong đó có hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm đúc kết những bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra kế hoạch cụ thể để làm căn cứ triển khai thực hiện, đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc lập Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm làm rõ những nội dung quan trọng trên là rất cần thiết.

3. Các căn cứ để lập Đề án

- Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển nhà ở toàn quốc đến năm 2020;

- Quyết định số 167/2008/QĐ–TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010;

- Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn;

- Quyết định số 40/2008/QĐ-UBND ngày 04/11/2008 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang đến năm 2010, định hướng đếnnăm 2020;

- Công văn số 2561/BXD–QLN ngày 23/12/2008 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Công văn số 340/BXD-QLN ngày 10/3/2009 của Bộ xây dựng về việc hướng dẫn bổ sung việc xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở để thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

II. ĐÁNH GIÁ THƯC TRẠNG NHÀ Ở VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở của các hộ nghèo toàn tỉnh:

a) Về số lượng nhà ở: Theo Báo cáo kết quả điều tra nhà ở năm 2005, toàn tỉnh có 454.059 hộ gia đình cư ngụ trong 439.745 căn nhà và 2.765 ghe, bè. Tỉ lệ hộ có nhà ở và sở hữu nhà khu vực nông thôn (95,75%) cao hơn thành thị (94,30%); ngược lại, ở khu vực nông thôn thì các hộ ở nhà tạm bợ chiếm tỉ lệ khá cao: 81,48% tổng số nhà tạm bợ toàn tỉnh (59.094/72.530 căn).

Từ những Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, trong đó có mục tiêu hỗ trợ về nhà ở thông qua các chương trình như: Chương trình xây dựng cụm-tuyến dân cư, chương trình 134, xây nhà đại đoàn kết ….. đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai nên số lượng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tính đến năm 2008, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh có 33.461 hộ, chiếm tỉ lệ 6,96%, trong đó số hộ nghèo cần được hỗ trợ nhà ở trên 15.000 hộ; số hộ đã được hỗ trợ trong năm là 5.500 hộ với tổng kinh phí trên 36 tỉ đồng.

b) Về chất lượng nhà ở: Các hộ nghèo có nhà ở đơn sơ, tạm bợ (cột tre, vách lá, mái lá…) xuống cấp, sau khi được hỗ trợ từ các chính sách đã sửa chữa hoặc cất mới với kết cấu cột gỗ, vách tole, mái tole. Thông qua chính sách cho vay trả chậm nền nhà và nhà ở từ Chương trình xây dựng cụm-tuyến dân cư vượt lũ, nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở khá kiên cố, nhiều trường hợp vận động thêm các nguồn từ trong dòng tộc đã sửa chữa, xây dựng nhà ở bán kiên cố có niên hạn trên 15 năm với vật liệu như cột bê tông, vách tole hoặc gạch, mái tole với nhiều kiểu mẫu kiến trúc phong phú đa dạng;

Mặt khác, do nguồn vốn huy động và mức hỗ trợ về nhà ở có hạn của một số Chương trình mục tiêu nên một số hộ nghèo dù đã được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở nhưng qua thời gian sử dụng thì nhà ở lại tái xuống cấp phải hỗ trợ tiền sửa chữa nhiều lần.

c) Về điều kiện nơi ở: Thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong những năm qua bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đảm bảo các điều kiện thiết yếu của người dân về ăn ở, đi lại, học hành, khám và điều trị bệnh, điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường…. Tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sách hàng năm đều tăng (từ 15,52% năm 1996 lên 40,59% năm 2007); tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh có sự chuyển biến rõ nét (từ 26,40% năm 2004 lên 32,97% năm 2007); hệ thống giao thông nông thôn đã cơ bản nối liền các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ (số xã nông thôn có đường ô tô về đến trung tâm xã đạt 97,50%); tỉ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đạt trên 90% (năm 2007)…. cho thấy điều kiện nơi ở của những hộ nghèo khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ nghèo chưa có điều kiện thụ hưởng do ở phân tán tại các vùng sâu, vùng xa.

2. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở do Nhà nước ban hành đang thực hiện trên địa bàn tỉnh:

Toàn tỉnh hiện đang có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở do Chính phủ và tỉnh ban hành đang thực hiện trên địa bàn tỉnh với các nội dung chủ yếu như sau:

a). Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở, căn cứ vào tình hình và khả năng ngân sách địa phương hỗ trợ thêm và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng;

b). Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Mức hỗ trợ để mua đất cấp trực tiếp bình quân cho mỗi hộ chưa có đất ở là 10 triệu đồng/hộ (trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 8 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 2 triệu đồng);

c). Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 02/8/2002 về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Mỗi hộ được mua trả chậm 01 nền nhà với giá trị tối đa không quá 10 triệu đồng với lãi suất bằng không (0%) và 01 căn nhà với giá trị tối đa không quá 7 triệu đồng với lãi suất 3%/năm;

d). Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg ngày 15/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long: Điều chỉnh mức vay mua nhà ở trả chậm từ 7 triệu đồng/hộ lên 9 triệu đồng/hộ với cơ chế trả chậm và lãi suất như Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg;

đ). Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở: chuyển đổi nhà ở hoặc giao đất không thu tiền tối đa không quá 400 m2 và hỗ trợ kinh phí xây dựng không quá 200 m2 sàn để làm nhà ở mới (cho đối tượng là Người gia nhập tổ chức cách mạng từ ngày 31/12/1935 về trước); giao đất không thu tiền tối đa không quá 300 m2 và hỗ trợ kinh phí xây dựng không quá 200 m2 sàn để tự làm nhà ở mới (cho đối tượng là Người gia nhập tổ chức cách mạng trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1936 đền ngày 31/12/1944, được tặng thưởng Huân chương Sao vàng hoặc Huân chương Hồ Chí Minh hoặc Huân chương Độc lập hạng nhất); giao đất không thu tiền tối đa không quá định mức đất ở do UBND tỉnh quyết định nhưng phải dưới 300 m2 và hỗ trợ kinh phí xây dựng không quá 100 m2 sàn để tự làm nhà ở mới (cho đối tượng là Người gia nhập tổ chức cách mạng trong khoản thời gian từ ngày 01/01/1936 đến ngày 31/12/1944); miễn toàn bộ tiền nhà, tiền sử dụng đất và hỗ trợ thêm 20 triệu đồng (cho đối tượng là Người hoạt động cách mạng từ trước năm 1945 đang ở căn hộ khép kín thuộc nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ)...;

e). Chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh: Đối với nhà Đại đoàn kết, tỉnh hỗ trợ sửa chữa nhà 5 triệu đồng/hộ, cất mới 10 triệu đồng/hộ, địa phương đối ứng 100%.

3. Đánh giá về các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở:

a) Về ưu điểm:

- Nhận thức của các cấp Ủy, chính quyền các cấp, các ngành ngày càng được nâng cao, có quan tâm và tập trung chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo thực sự đạt hiệu quả; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cho hộ nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thông qua các Chương trình hỗ trợ về nhà ở, nhiều hộ nghèo đã có chổ ở ổn định, tạo điều kiện tích cực để từng bước vươn lên thoát nghèo;

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội được tiến hành rộng rãi và thường xuyên, giúp người nghèo, người cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn chuyển biến từ trong ý thức, quyết tâm tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước và của cộng đồng; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế chia xẻ khó khăn cùng Nhà nước, quan tâm đóng góp chăm lo cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho người nghèo;

- Việc tổ chức xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách của từng Chương trình của từng cấp, từng ngành có sự tập trung, chính xác, đảm bảo thực hiện tốt tính công khai dân chủ nên hầu hết các chính sách hỗ trợ về nhà ở đều đến đúng đối tượng, đúng chế độ;

- Công tác phối hợp để đôn đốc, kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên nên những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện luôn được phát hiện xử lý kịp thời

b) Về các hạn chế, tồn tại:

- Dù được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống cho người nghèo, nhiều chính sách, chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo được ban hành tuy từng bước đã phát huy hiệu quả nhưng nhìn chung do chưa có kế hoạch tổng thể, chính sách hỗ trợ còn phân tán, thiếu tập trung nên kết quả đạt được vẫn chưa cao, chưa thực sự vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, toàn tỉnh vẫn còn một lượng lớn hộ dân tộc nghèo cần hỗ trợ nhà ở;

- Tình hình khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh trên lúa, gia súc, gia cầm, lạm phát, giá cả tăng cao...làm ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân nên kết quả vận động nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình chính sách;

- Mức hỗ trợ về nhà ở chưa phù hợp khiến một số đối tượng gia đình chính sách được cấp nhà, qua thời gian sử dụng nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp, dù địa phương hỗ trợ tiền sửa chữa nhà nhiều lần.

4. Tình hình và kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở trên địa bàn tỉnh :

a) Về triển khai thực hiện các chính sách:

Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là một nội dung quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, được cấp Ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, Đoàn thể trong tỉnh đặc biệt quan tâm, tích cực phối hợp trong tổ chức triển khai với trách nhiệm cao nên phần lớn các chính sách hỗ trợ được thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao. Mặt khác, các hình thức vận động tuyên truyền, hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo ngày càng mang tính xã hội cao, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế tích cực tham gia đóng góp bằng tiền, bằng hiện vật thông qua các cuộc vận động gây quỹ từ thiện; trong nhân dân đã hình thành nhiều mô hình tương trợ góp vốn làm nhà, xây cầu nông thôn…. khá phong phú, cùng với các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, trợ cấp xã hội đã góp phần ổn định cuộc sống dân nghèo nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo tập trung phát triển kinh tế gia đình, cải thiện mức thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững;

b) Kết quả hỗ trợ: Trong thời gian qua, một số chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã được triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang qua như: Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư; Chương trình 134, chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết (do Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động) với tổng kinh phí là: 431.920 triệu đồng, trong đó bao gồm:

- Ngân sách Trung ương: 28.130 triệu đồng (Chương trình 134);

- Ngân sách địa phương: 8.890 triệu đồng; (Quỹ “Vì người nghèo”: 1.000 triệu đồng, Chương trình 134: 7.890 triệu đồng);

- Vay tín dụng ưu đãi: 221.000 triệu đồng (cụm, tuyến dân cư);

- Huy động khác: 173.900 triệu đồng,

Về số lượng nhà ở: đã hỗ trợ là 48.073 căn, trong đó: xây dựng mới: 42.456 căn, sửa chữa: 5.617 căn;

Về chất lượng nhà ở: Thông qua các chương trình hỗ trợ, nhà ở cho hộ nghèo từng bước được cải thiện. Hiện nay, đa số nhà ở được hỗ trợ có quy mô từ 32 m2 – 40 m2, kiến trúc phổ biến kiểu nhà đơn giản, thường là kiểu một mái hoặc hai mái; khung bê tông cốt thép (vốn cụm, tuyến dân cư) hoặc khung gỗ (vốn huy động & chương trình 134), vách xây hoặc ván, tôle tráng kẽm; nền lát gạch tàu, gạch ciment hoặc céramic. Thời gian sử dụng tối thiểu là 10 năm;

5. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở:

a). Về ưu điểm:

- Quan điểm giải quyết đói nghèo đã có nhiều thay đổi mang tính toàn diện hơn. Nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực, trong đó có các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tập trung chăm lo cho dân nghèo về mọi mặt, được nhân dân đồng tình;

- Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự nổ lực phấn đấu của các sở, ban, ngành, Mặt trận, Đoàn thể tích cực trong phối hợp thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, huy động được nguồn lực xã hội để hỗ trợ nhà ở cho người nghèo. Mỗi cuộc vận động, mỗi chương trình đều có mục tiêu rõ ràng, nội dung phong phú với phương thức vận động đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và được sự ủng hộ, đồng tình của mọi tầng lớp nhân dân. Việc thu chi được thanh quyết toán đầy đủ, công khai minh bạch tạo được niềm tin trong cộng đồng;

- Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hỗ trợ các địa phương được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do đó, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo chương trình đề ra thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

b). Những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

- Nhu cầu về nhà ở cho hộ nghèo là rất lớn, nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở còn dàn trãi, thiếu tập trung nên mang lại hiệu quả chưa cao do mức hỗ trợ thường được giới hạn ở mức thấp, nhiều trường hợp nhà ở được hỗ trợ sau thời gian sử dụng nhanh chóng xuống cấp, phải hỗ trợ nhiều lần;

- Một số địa phương còn lúng túng trong tổ chức điều hành; một bộ phận cán bộ cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng nên chưa thực sự năng động trong cách nghĩ, cách làm; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình từng lúc, từng nơi chưa được chặt chẽ;

- Tính chủ động của người nghèo còn hạn chế, một số còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, chưa nỗ lực tìm hoặc không nắm bắt cơ hội để vươn lên thoát nghèo.

Để khắc phục các hạn chế trên, cần phải có hệ thống chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã, cùng sự tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp và các tổ chức, đoàn thể... thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức toàn xã hội để biến việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ hộ nghèo thành phong trào xã hội hóa, tập trung nguồn lực để giải quyết thoát nghèo về nhà ở bền vững.

III. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cùng với các nguồn lực huy động trong cộng đồng, của dòng tộc và sự nỗ lực của chính hộ gia đình thụ hưởng chính sách phấn đấu tự hoàn thiện nhà ở của mình để từng bước vươn lên thoát nghèo;

2. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ

a) Mục tiêu hổ trợ: Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm mục tiêu cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững;

b) Nguyên tắc hỗ trợ:

- Hỗ trợ trực tiếp đến các hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng được quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Bảo đảm công khai, công bằng minh bạch, đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương;

3. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở xây dựng mới:

- Hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn vay ưu đãi có diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên;

- Tuỳ vào kết quả huy động của cộng đồng, hộ nghèo có thể được hỗ trợ thêm để hoàn thiện căn nhà và xây dựng hố xí tự hoại phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

4. Mức hỗ trợ, mức vay để làm nhà ở:

a) Mức hỗ trợ: Ngân sách TW hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ. Riêng những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ–TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ là 07 triệu đồng/hộ; ngân sách tỉnh bố trí 10% vốn đối ứng để hỗ trợ thêm và huy động nguồn lực trong cộng đồng, của hộ gia đình, dòng tộc để giúp các hộ nghèo làm nhà ở.

b) Mức vay: Mỗi hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Quyết định 167 nếu có nhu cầu thì được vay tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để làm nhà ở. Mức vay tối đa là 08 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3% năm. Thời hạn vay là 10 năm trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời điểm hoàn trả nợ vay bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay;

5. Đối tượng được hỗ trợ

a) Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở phải có đủ ba điều kiện sau:

- Là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010), đang cư trú tại địa phương thuộc khu vực nông thôn, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành;

- Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

- Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và các chính sách hỗ trợ nhà ở khác.

b) Thứ tự ưu tiên thực hiện hỗ trợ:

b.1- Hộ gia đình có công với cách mạng;

b.2- Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số;

b.3- Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;

b.4- Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…);

b.5- Hộ gia đình đang sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn;

b.6- Các hộ gia đình còn lại.

6. Phạm vi điều chỉnh: Được áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 167 đang cư trú tại khu vực nông thôn.

7. Xác định số lượng hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh

a) Tổng số hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010: 33.461 hộ; trong đó: Số hộ nghèo tại khu vực nông thôn: 25.838 hộ;

b) Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn (tính đến thời điểm Quyết định 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành): 9.466 hộ và được xác định cụ thể theo từng loại như sau:

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là đồng bào dân tộc thiểu số: 1.432 hộ;

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là người Kinh: 8.034 hộ;

- Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ: 4.181 hộ, trong đó bao gồm: hộ đồng bào dân tộc thiểu số: 1.375 hộ; hộ người Kinh: 2.806 hộ;

8. Phân loại đối tượng ưu tiên:

a) Hộ gia đình có công với cách mạng: 30 hộ;

b) Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số: 1.432 hộ (trong đó có 1.375 hộ đang sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn);

c) Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 34 hộ;

d) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, ...): 1.996 hộ;

đ) Hộ gia đình người Kinh trong vùng đặc biệt khó khăn: 2.806 hộ;

e) Các hộ gia đình còn lại: 3.168 hộ;

9. Nguồn vốn thực hiện: Các nguồn vốn quy định tại Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và các nguồn vốn khác do tỉnh huy động.

10. Xác định tổng vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện:

Tổng số nhu cầu vốn toàn Chương trình: 161.206 triệu đồng;

- Vốn ngân sách Trung ương: 67.075 triệu đồng (trong đó bao gồm 10% vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp là 6.098 triệu đồng);

- Vốn ngân sách địa phương đối ứng: 6.098 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 75.728 triệu đồng;

- Dự kiến vốn huy động tại địa phương từ quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và từ các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động: 9.466 triệu đồng (Dự kiến mức hỗ trợ thêm bình quân 1 triệu đồng/hộ);

- Dự kiến vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và chính hộ gia đình được hỗ trợ: 2.839 triệu đồng; (Dự kiến bình quân 0,30 triệu đồng/hộ).

IV. GIẢI PHÁP VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Bình xét và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở:

- Công tác bình xét đối tượng và phân loại ưu tiên phải được tổ chức công khai, minh bạch theo trình tự từ ấp đến xã. Các cuộc họp bình xét phải có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND các xã; Ban giảm nghèo cấp xã, chi bộ Đảng, Trưởng khóm, ấp; đại diện các tổ chức, đoàn thể các xã (Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh) và đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện. Kết quả bình xét và phân loại ưu tiên phải được lập thành biên bản;

- UBND các xã tổng hợp danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở đồng thời với danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn, báo cáo UBND cấp huyện xem xét, phúc tra (nếu có) và gởi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh phê duyệt;

2. Cấp vốn làm nhà ở:

- Căn cứ tổng số vốn từ các nguồn được Trung ương phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác, UBND tỉnh thông báo chỉ tiêu vốn thực hiện hỗ trợ về nhà ở hàng năm cho từng huyện, thị xã, thành phố;

- Căn cứ chỉ tiêu được thông báo, UBND cấp huyện phân bổ vốn hỗ trợ về nhà ở cho các xã theo danh sách đã phê duyệt;

- Căn cứ danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn xây dựng nhà ở, Chi nhánh Ngân sách Chính sách Xã hội lập kế hoạch và phát vay cho từng hộ phù hợp với tiến độ thực hiện Chương trình. Hộ dân trực tiếp ký khế ước vay vốn với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội theo trình tự, thủ tục quy định;

3. Thực hiện xây dựng nhà ở:

UBND các xã chịu trách nhiệm chỉ đạo Ban Giảm nghèo của xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định; tổ chức giải ngân vốn (ngân sách cấp, vay tín dụng ưu đãi, vốn huy động …..) phù hợp theo tiến độ xây dựng nhà ở của từng hộ đảm bảo sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đúng mục đích;

Trường hợp các hộ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật….) không thể tự quản lý, xây dựng nhà ở thì Chủ tịch UBND các xã chỉ đạo Ban Giảm nghèo các xã tổ chức xây dựng nhà;

4. Tiến độ thực hiện:

a). Năm 2009: Hoàn thành các công tác chuẩn bị và thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 2.486 hộ, trong đó gồm có: 30 hộ thuộc đối tượng 1 (hộ gia đình có công với cách mạng), 1.432 hộ thuộc đối tượng 2 (trong đó có 1.375 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống tại vùng đặc biệt khó khăn), 34 hộ thuộc đối tượng 3 (Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai) và 990 hộ thuộc đối tượng 4 (Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn). Tổng nhu cầu vốn cho năm 2009: 42.669 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 17.920 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương đối ứng: 1.629 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 19.888 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 3.232 triệu đồng.

b). Năm 2010: Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 2.966 hộ, trong đó bao gồm 1.006 hộ thuộc đối tượng ưu tiên 4 còn lại và 1.960 hộ thuộc diện đối tượng ưu tiên 5 (hộ gia đình đang sống trong vùng đặc biệt khó khăn). Tổng nhu cầu vốn cho năm 2010: 51.291 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 21.732 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương đối ứng: 1.976 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 23.728 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 3.856 triệu đồng.

c). Năm 2011: Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 3.046 hộ bao gồm 846 hộ thuộc đối tượng ưu tiên 52.200 hộ thuộc đối tượng còn lại. Tổng nhu cầu vốn cho năm 2011: 51.274 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 21.034 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương: 1.912 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 24.368 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 3.960 triệu đồng.

d). Năm 2012: thực hiện hỗ trợ dứt điểm 968 hộ thuộc đối tượng còn lại. Tổng nhu cầu vốn cho năm 2012: 15.972 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 6.398 triệu đồng (bao gồm phần vốn đối ứng do Ngân sách Trung ương cấp);

- Ngân sách địa phương đối ứng: 581 triệu đồng;

- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 7.744 triệu đồng;

- Vốn huy động khác: 1.258 triệu đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh

- Kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo thực hiện đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh;

- Chỉ đạo ngành chức năng bố trí đủ vốn đối ứng theo quy định;

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn vận động cộng đồng giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở;

- Phê duyệt danh sách đối tượng các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang

- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch vận động phù hợp tình hình thực tế từng huyện, thị, thành phố để tập trung cho mục tiêu hỗ trợ người nghèo về nhà ở;

- Chủ trì tổ chức các đợt vận động gây quỹ hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Phối hợp với các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đúng đối tượng, đúng chính sách.

3. Sở Xây dựng

- Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn toàn tỉnh;

- Nghiên cứu một số mẫu thiết kế Nhà ở phù hợp và phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức giới thiệu rộng rãi để nhân dân lựa chọn;

- Phối hợp cùng các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện;

- Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất về kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.

4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Tổ chức công bố, công khai các tiêu chuẩn, đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 167; phối hợp UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã tiến hành rà soát, bình xét, lập danh sách các hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ về nhà ở, trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải quyết những phát sinh vướng mắc về đối tượng theo thẩm quyền.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, lập kế hoạch vốn theo tiến độ cho các huyện, thị, thành phố;

- Phối hợp với các ngành liên quan xử lý các phát sinh về vốn của Chương trình (nếu có). Tổ chức lồng ghép các nguồn vốn khác để xây dựng hoàn chỉnh các vấn đề có liên quan đến nâng cao chất lượng sống về nhà ở.

6. Sở Tài chính

- Tổ chức tiếp nhận nguồn vốn của Trung ương và chuẩn bị nguồn vốn đối ứng của tỉnh đảm bảo kịp thời theo tiến độ hỗ trợ;

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, phân bổ vốn kế hoạch hàng năm;

- Bố trí kinh phí hoạt động cho các ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo dự toán kinh phí hoạt động hàng năm;

- Hướng dẫn địa phương quản lý, cấp phát, thanh – quyết toán kinh phí hỗ trợ đúng quy định.

7. Ban Dân tộc

- Phối hợp các địa phương tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa của việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo của Chính phủ nhằm nâng cao ý thức thoát nghèo, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững trong cộng đồng là đồng bào dân tộc thiểu số;

- Phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề phát sinh khác trong quá trình thực hiện;

8. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội

- Xây dựng kế hoạch cho vay, tổ chức tiếp nhận nguồn vốn vay và phát vay và thu hồi nợ vay đúng kế hoạch tiến độ.

- Hướng dẫn trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện việc cho vay đảm bảo đúng tiến độ, phù hợp với các quy định của Trung ương;

- Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm cho UBND tỉnh và Sở Xây dựng về tiến độ giải ngân vốn vay để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã tổ chức công khai các cơ chế, chính sách của Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và giới thiệu rộng rãi các mẫu thiết kế nhà ở cho các hộ dân lựa chọn;

- Kiểm tra, rà soát kết quả bình xét đối tượng là hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở của UBND cấp xã;

- Chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn giúp đỡ các hộ nghèo tổ chức quản lý chất lượng nhà ở và trình tự, thủ tục vay vốn xây dựng nhà, sử dụng vốn đúng mục đích;

- Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất (nếu có) về tiến độ thực hiện cho Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo Ban Điều phối - Bộ Xây dựng.

10. Ủy ban nhân dân cấp xã

- Tổ chức công bố, công khai rộng rãi các chính sách có liên quan đến Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên các phương tiện truyền thông của địa phương; trực tiếp chỉ đạo công tác bình nghị đảm bảo dân chủ, công khai niêm yết danh sách đối tượng được xét duyệt và các mẫu nhà ở tại trụ sở UBND cấp xã và Văn phòng Ban ấp, Tổ tự quản;

- Hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng được xét duyệt và các ngành liên quan thực hiện nhanh gọn, hiệu quả các thủ tục cấp phát kinh phí hỗ trợ và vốn vay xây dựng nhà ở;

- Theo dõi, kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp tiến độ của Chương trình.

VI. KIẾN NGHỊ:

1. Tiến độ thực hiện hàng năm trong Đề án này được phân theo nhóm đối tượng ưu tiên là căn cứ vào Đề cương hướng dẫn kèm theo công văn số 2561/BXD-QLN ngày 23/12/2008 của Bộ Xây dựng. Thực tế trên địa bàn tỉnh, số đối tượng ưu tiên được hưởng chính sách của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg phân bố không đều khiến một số huyện, thị, thành phố sẽ chậm triển khai trong những năm đầu. Do đó, đề nghị trên cơ sở chỉ tiêu Trung ương phân bổ hàng năm, cho phép tỉnh chủ động phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các địa phương phù hợp với tiến độ chung của Chương trình.

2. Một số hộ nghèo đã được xét duyệt bố trí vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ nhưng do quá nghèo, ngán ngại nợ nên không vay xây dựng nhà. Đề nghị xem xét giải quyết cho các hộ này được hưởng kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg .

3. Các hộ nghèo thuộc khu vực nông thôn nói chung phần lớn khi có khó khăn về nhà ở thường đi đôi với không có đất ở, nhưng đề án chưa đề cập đến việc giải quyết hỗ trợ về đất ở. Trong quá trình triển khai đề án địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn và lúng túng khi việc tổ chức vận động cộng đồng hỗ trợ giải quyết về đất ở không được. Đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu để giải quyết việc hỗ trợ về nhà ở theo quyết định 167 được trọn vẹn./.