Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 879/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022 TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 90/2015/TTLT-BTC-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư và đặc điểm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương;

Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

Căn cứ văn bản số 3013/BKĐT-ĐTNN ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5150 /SKHĐT-EDO ngày 22 tháng 12 năm 2021,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Ninh Thuận (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Các cơ quan được giao chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình có trách nhiệm triển khai thực hiện đúng nội dung, tiến độ, đạt hiệu quả và sử dụng kinh phí đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Văn phòng Phát triển kinh tế và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&ĐT;
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Cục Đầu tư nước ngoài;
- Trung tâm XTĐT phía Nam;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành;
- Đài PTTH, Báo NT, TTX VN;
- VPĐD cơ quan thông tấn báo chí tại NT;
- UBND các huyện, TP;
- Cổng thông tin điện tử;
- VPUB: LĐ, VXNV;
- Lưu: VT, KTTH. NV

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Trần Quốc Nam

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022 TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 25/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Căn cứ Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 90/2015/TTLT-BTC-BKHĐT ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư và đặc điểm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương;

Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

Căn cứ văn bản số 3013/BKĐT-ĐTNN ngày 20/5/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022,

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2022 của tỉnh như sau:

I. Thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư tại tỉnh năm 2021

1. Kết quả đạt được trong năm 2021:

1.1. Về tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư:

Từ đầu năm đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhất là dịch bệnh bùng phát trở lại tại tỉnh nên nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp của Tỉnh phải tạm dừng hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến1, đồng thời vẫn tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ; theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh. Tập trung tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện nhanh chóng và thuận lợi, đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, cập nhật và vận hành phần mềm theo dõi các dự án đầu tư, gắn với cập nhật các quy hoạch theo công nghệ GIS tại Văn phòng Phát triển kinh tế nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý tình hình triển khai dự án đầu tư tại Tỉnh; cập nhật nội dung và vận hành tốt website của các cơ quan xúc tiến đầu tư của Tỉnh (Văn phòng Phát triển Kinh tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp) nhằm quảng bá tiềm năng và định hướng kêu gọi đầu tư rộng rãi đến cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Tỉnh; tích cực cập nhật và gửi các thông tin mới về cơ chế chính sách của Trung ương, của Tỉnh liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2. Về kết quả thu hút đầu tư:

Từ đầu năm đến nay, đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư cho 70 dự án với tổng vốn tăng thêm 1.208,18 tỷ đồng; tham mưu UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký 9.449,02 tỷ đồng, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (để làm cơ sở lựa chọn Nhà đầu tư) cho 04 dự án với tổng vốn 7.128,36 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương về địa điểm 22 dự án với tổng vốn đăng ký 35.994,74 tỷ đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 04 dự án Khu đô thị mới (Phủ Hà, Mỹ Phước, Đầm Cà Ná, bờ Sông Dinh) với tổng vốn đầu tư 7.195 tỷ đồng.

Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng có nhiều nhà đầu tư đã vượt qua khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2021, địa bàn tỉnh có 07 dự án điện gió/320MW và 02 dự án thủy điện/94MW chính thức đi vào hoạt động góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển Tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư các thành phần kinh tế trong năm 2021 ước đạt 26.723 tỷ đồng (so với cùng kỳ là 35.320 tỷ đồng); trong đó FDI giải ngân đạt 4.337 tỷ đồng (so với cùng kỳ là 2.382 tỷ đồng) tập trung ở một số dự án như Nhà máy điện gió Hanbaram, Nhà máy điện gió Phước Minh...; giải ngân vốn đầu tư các dự án trong nước ước đạt 22.386 tỷ đồng, tập trung một số dự án như Nhà máy điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, Nhà máy điện gió Bim, Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Nhà máy phong điện vị trí DK13, Nhà máy điện gió số 7A

Dự kiến năm 2022, vốn giải ngân của các thành phần kinh tế đạt 27.264 tỷ đồng. Trong đó, vốn FDI dự kiến đạt khoảng 970 tỷ đồng tập trung vào một số dự án như dự án Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam Enfinity, Công trình phong điện Việt Nam Power số 01, Nhà máy điện gió Đầm Nại 3, Nhà máy điện gió Đầm Nại 4...; vốn giải ngân các dự án trong nước ước đạt 26.280,4 tỷ đồng, tập trung vào một số dự án như Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Nhà máy điện gió số 7A, Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2, Thủy điện tích năng Phước Hòa...

1.3. Về công tác tổ chức tuyên truyền, quảng bá:

Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và biên tập lại các tài liệu phục vụ công tác quảng bá tiềm năng cơ hội đầu tư vào Tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương, trong đó đã hoàn thiện Tập sách giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Tỉnh song ngữ Việt - Anh. Bên cạnh đó, Tỉnh đã hợp tác với các Báo, Tạp chí và thông qua kênh của Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đăng tải thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhằm tăng cường quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư của Tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước(2), tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch đến các đối tác trong và ngoài nước cũng như trao đổi, cung cấp thông tin chung và tiềm năng của Tỉnh để quảng bá thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm.

Ngoài ra, tiếp tục cập nhật và vận hành phần mềm theo dõi các dự án đầu tư, gắn với cập nhật các quy hoạch theo công nghệ GIS tại Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận (cơ quan đầu mối thực hiện công tác XTĐT của Tỉnh) nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý tình hình triển khai dự án đầu tư tại Tỉnh; cập nhật nội dung và vận hành tốt website của các cơ quan XTĐT của Tỉnh (Văn phòng Phát triển Kinh tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp) nhằm quảng bá tiềm năng và định hướng kêu gọi đầu tư rộng rãi đến cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Tỉnh; tích cực gửi các thông tin cập nhật mới về cơ chế chính sách của Trung ương, của Tỉnh liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh để làm tài liệu tham khảo.

2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong công tác xúc tiến đầu tư:

- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và giao đất, cho thuê đất một số dự án còn kéo dài nên chưa tạo sự yên tâm đối với các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư.

- Công tác chuẩn bị quỹ đất sạch phục vụ xúc tiến đầu tư được triển khai thực hiện nhưng còn chậm. Một số dự án đã được cấp phép đầu tư, nhưng có tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm, làm mất cơ hội của các nhà đầu tư tiềm năng và ảnh hưởng đến việc XTĐT các dự án mới.

- Kinh phí dành cho công tác XTĐT không nhiều, ngân sách Tỉnh còn khó khăn, phần lớp tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng của Tỉnh.

- Hỗ trợ của các Trung tâm XTĐT khu vực đối với Tỉnh còn rất hạn chế; Tỉnh cũng chưa khai thác hết các đầu mối của các tổ chức XTĐT trong và ngoài nước cũng như chưa được các cơ quan XTĐT Trung ương hướng dẫn tiếp cận với các trung tâm hỗ trợ, nhà đầu tư có công nghệ nguồn, quốc gia có tiềm lực về vốn để tham khảo xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù cho nhà đầu tư nên hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của Tỉnh.

- Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác XTĐT của tỉnh còn hạn chế về mặt số lượng và chất lượng; chưa hình thành được đội ngũ chuyên trách thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, mà đa số là làm việc kiêm nhiệm; năng lực ngoại ngữ và kỹ năng xúc tiến đầu tư nhất là kỹ năng phân tích, thu thập thông tin lập hồ sơ dự án, kỹ năng thuyết trình chưa đáp ứng nhu cầu.

II. Nội dung Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022

1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu của chương trình xúc tiến đầu tư:

- Tập trung xúc tiến, thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư uy tín, có thương hiệu, năng lực tài chính để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực Tỉnh có lợi thế, cạnh tranh cao nhằm tạo động lực, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đột phá (năng lượng, du lịch), trọng điểm (năng lượng sạch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, du lịch, kinh tế đô thị); tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng cảng biển, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch... các dự án có hàm lượng công nghệ mới, công nghệ cao, lao động kỹ thuật tiên tiến, tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) đã hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy KCN; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dự án vào các Khu công nghiệp Cà Ná, các Cụm công nghiệp Tri Hải, Quảng Sơn, Hiếu Thiện và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tỉnh, trong đó, ưu tiên thu hút các dự án thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, có giá trị gia tăng và tỷ trọng xuất khẩu lớn, các dự án tiết kiệm năng lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, sạch, bền vững...

- Đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư; ưu tiên các hoạt động XTĐT có tính liên vùng, liên ngành, lồng ghép và gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan; xem trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi; chú trọng các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư; tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển.

- Thường xuyên rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện các dự án được cấp chủ trương đầu tư; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương gắn với kiểm tra, giám sát trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

2. Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022:

2.1. Nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:

- Tăng cường và duy trì nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư qua việc kết nối với các đối tác đầu tư bằng hình thức trực tuyến và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; xác định rõ nhu cầu của từng đối tác để có phương thức, hình thức tổ chức xúc tiến mới mẻ, đột phá, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

- Đẩy mạnh tìm kiếm, khảo sát, tổng hợp thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, có tiềm năng hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.

- Tăng cường tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

- Mở rộng quan hệ hợp tác của Tỉnh với các nước, Tập đoàn lớn, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… và các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA.

2.2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư:

- Tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến các Tọa đàm tăng cường hợp tác và kết nối doanh nghiệp do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự các nước tổ chức; đón tiếp và làm việc với các Đại Sứ quán, Lãnh Sự quán các nước tại Tỉnh trong điều kiện thuận tiện cho phép, thông qua đó nhờ hỗ trợ kết nối xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đại sứ quán, Tổng lãnh sự các nước tại Việt Nam và Đại sứ quán của Việt Nam tại các nước, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện các cơ quan XTĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong khu vực và tại một số nước để gửi tài liệu nhằm đề nghị hỗ trợ quảng bá, kêu gọi đầu tư vào Tỉnh cũng như tổ chức các hoạt động XTĐT.

- Tăng cường hình thức Tọa đàm, Hội thảo, Hội nghị trực tuyến để kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn Tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác XTĐT thông qua công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh, sản phẩm, môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Xây dựng Chương trình Hội thảo đánh giá, phân tích tiềm năng, lợi thế phát triển Trung tâm Logistic Cà Ná và cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sau khi cảng Cà Ná và đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo hoàn thành.

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Báo, Tạp chí, Đài truyền hình Trung ương và địa phương (Báo Đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo thế giới và Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI...) xây dựng các chuyên đề, chuyên mục quảng bá hình ảnh; giới thiệu tiềm năng, cơ hội, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn Tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, thu hút tối đa các nguồn lực phát triển.

- Đăng tải thông tin kế hoạch tổ chức các chương trình vận động đầu tư trong nước và nước ngoài trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Văn phòng Phát triển Kinh tế), Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các Sở, ngành liên quan để cộng đồng doanh nghiệp đăng ký tham gia.

- Liên kết website xúc tiến đầu tư (Văn phòng Phát triển kinh tế) với Cục Đầu tư nước ngoài, các Trung tâm Xúc tiến đầu tư của các cơ quan trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh của Ninh Thuận đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiểu rõ về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư vào Tỉnh.

2.3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư:

- Chủ động cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tình hình kinh tế - xã hội; các cơ chế chính sách về đầu tư, tiềm năng lợi thế; về danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

- Tăng cường công tác XTĐT tại chỗ; hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư các dự án đã đăng ký sớm đi vào hoạt động, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

- Tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, cà phê doanh nhân; Hội nghị kết nối Doanh nghiệp và Ngân hàng thương mại theo định kỳ, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 trong khi tổ chức sự kiện; tiếp nhận, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thành lập Tổ công tác để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình: xúc tiến đầu tư, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án đầu tư trong trường hợp cần thiết, đặc biệt là đối với dự án có quy mô lớn, có nội dung phức tạp.

- Tăng cường công tác đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh áp dụng cho Sở, ngành và UBND cấp huyện, thành phố (DDCI); tổ chức định kỳ Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp và Ngày Doanh nhân nhằm kịp thời nắm bắt và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp.

2.4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư:

- Thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng đồng bộ, khoa học, dễ tiếp cận, dễ tra cứu đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Tiếp tục cập nhật các nghị định của pháp luật, cơ chế và chính sách và thủ tục đầu tư, các dịch vụ hành chính công; giới thiệu môi trường, tiềm năng, cơ hội đầu tư; các đối tác đầu tư... đặc biệt là hướng dẫn giải đáp trực tuyến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tìm hiểu để đầu tư vào Tỉnh... trên trang thông tin điện tử của Văn phòng Phát triển Kinh tế tỉnh Ninh Thuận và Ban quản lý các khu công nghiệp Tỉnh; đẩy mạnh hoạt động Cổng thông tin điện tử của Tỉnh; kết nối mạng thông tin với các Bộ, Ngành Trung ương và các Sở, ngành, địa phương của Tỉnh; áp dụng hình thức cộng tác viên với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin tư liệu để vận hành cổng thông tin, tăng cường việc hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư qua mạng.

2.5. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư:

- Thường xuyên rà soát, cập nhật thực trạng các dự án kêu gọi đầu tư (các dự án đã được thực hiện; các dự án đã cấp chủ trương đầu tư; các dự án rút khỏi danh mục kêu gọi đầu tư…)

- Tiếp nhận, cập nhật các dự án mới do UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành đề xuất, trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở thu hút, mời gọi đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch.

2.6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư:

- Tiếp tục cập nhật, thu thập, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, môi trường đầu tư, pháp luật, chính sách đã ban hành trong năm 2021... để bổ sung, hoàn thiện in ấn tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn, Nhật phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của Tỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả tiếp cận nhà đầu tư, nhà tài trợ, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư phát triển.

- Xây dựng các ấn phẩm, tờ rơi, video clip bằng các ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Hàn cũng như áp dụng công nghệ mới khi xây dựng các ấn phẩm để tiết kiệm chi phí như sách điện tử, các bài trình bày... cập nhật lên các trang thông tin điện tử để giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, quảng bá các danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch cho du khách tại các chuỗi sự kiện Hội nghị XTĐT kết hợp với xúc tiến du lịch trong và ngoài nước vào Tỉnh.

2.7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư:

- Quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác XTĐT tham gia các lớp học, bồi dưỡng có liên quan đến công tác XTĐT do Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Trung tâm xúc tiến đầu tư trong khu vực tổ chức, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch để nâng cao kỹ năng xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, tư vấn đầu tư, lập dự án tiền khả thi, ngoại ngữ, quản trị Website, thuyết trình dự án... tăng cường hình thức đào tạo trực tuyến.

2.8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư:

- Gắn kết với Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao,các Đại sứ Quán Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các Hiệp hội và các tổ chức XTĐT nước ngoài để thực hiện các Chương trình, đề tài cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến kêu gọi đầu tư nhằm xúc tiến kêu gọi đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tỉnh.

- Phối hợp các Tỉnh, Thành phố trong vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đăk Lăk), Thành phố Hồ Chí Minh; Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các thành phố tiềm năng khác có ký kết chương trình liên kết hợp tác với Tỉnh để triển khai các chương trình hợp tác, tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực; tổ chức/tham gia các Hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu quảng bá, kêu gọi xúc tiến các dự án đầu tư vào Tỉnh.

- Tham gia các sự kiện XTĐT lớn (quốc gia, vùng) do các Bộ, ngành Trung ương chủ trì tổ chức nhằm quảng bá, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Tỉnh.

- Tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối doanh nghiệp tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Úc... do Cục Đầu tư nước ngoài

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao tổ chức (Theo chương trình chi tiết của các Bộ).

2.9. Kinh phí hoạt động: Tổng kinh phí dự kiến: 4,3 tỷ đồng. Trong đó:

- Từ nguồn ngân sách tỉnh: dự kiến 2,1 tỷ đồng.

- Từ nguồn kinh phí xã hội hóa khác: dự kiến 2,2 tỷ đồng.

III. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan chủ trì chỉ đạo thực hiện Kế hoạch thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào tỉnh Ninh Thuận.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các Sở, ban, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xúc tiến đầu tư của Tỉnh; trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh liên hệ với Cục Ngoại vụ, Cục đầu tư nước ngoài và Đại sứ quán/Lãnh sự quán Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Pháp, Ấn Độ tại Việt Nam và tại các nước sở tại đề nghị: (1) hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư và danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch thu hút đầu tư, du khách của Tỉnh đến các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm năng để kêu gọi đầu tư, thu hút khách du lịch vào Tỉnh; (2) phối kết hợp tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Pháp, Ấn Độ... vào Ninh Thuận nhân sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Pháp, Ấn Độ tại Việt Nam (theo chương trình của Cục Ngoại vụ, Cục Đầu tư nước ngoài).

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các ngành, địa phương trong Tỉnh chuẩn bị tài liệu xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi việc triển khai thực hiện kế hoạch; báo cáo và đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tình hình mới và điều kiện cụ thể của các đơn vị.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Cung cấp các ấn phẩm, tờ rơi, video clip… quảng bá xúc tiến điểm đến thu hút đầu tư và phát triển du lịch tại các chuỗi sự kiện Hội nghị XTĐT nước ngoài vào Ninh Thuận, ưu tiên sử dụng tài liệu, ấn phẩm hình thức công nghệ mới (file điện tử).

- Thường xuyên nâng cấp website chuyên đề về quảng bá, xúc tiến du lịch được trình bày bằng 02 ngôn ngữ chính là tiếng Việt và tiếng Anh. Trong trường hợp tổ chức Hội nghị XTĐT nước ngoài đối với từng nước riêng biệt, phải bổ sung nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch bằng thứ ngôn ngữ của từng nước riêng biệt đó.

- Xây dựng các pa nô, áp phích cổ động trực quan quảng bá du lịch đảm bảo thẩm mỹ tại các khu, điểm du lịch, trên các tuyến đường trọng điểm của Tỉnh mỗi khi có tổ chức Hội nghị.

4. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương thực hiện xây dựng các tài liệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh; vận động các Công ty đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động XTĐT.

5. Sở Tài chính: Trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương và vận động tài trợ, phần ngân sách còn lại phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cấp nguồn kinh phí ngân sách Tỉnh để đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện các chương trình XTĐT năm 2022 của Tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, trường hợp có những nhiệm vụ mới phát sinh nhất thiết phải bảo đảm kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Chương trình, Văn phòng Phát triển kinh tế, Trung tâm Xúc tiến Du lịch xây dựng dự toán bổ sung, gửi cho Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kinh phí triển khai thực hiện.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh -Truyền hình, Báo Ninh Thuận:

- Phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình ở Trung ương để tuyên truyền, vận động thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh của Tỉnh.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và Nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở về nhiệm vụ XTĐT.

7. Các Sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và UBND các huyện, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện tốt công tác XTĐT thuộc lĩnh vực do ngành, địa phương quản lý; trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 



1 Tọa đàm trực tuyến doanh nghiệp tỉnh Saitama (Nhật Bản) khu vực phía Nam lần thứ 7; Hội thảo trực tuyến của ASEAN về "Luật đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư (PPP)"; Phối hợp tổ chức Chương trình Caravan kết nối đầu tư với Hội Doanh nghiệp Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo trực tuyến Đầu tư Kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc; Hội thảo trực tuyến giữa kỳ về hợp tác các địa phương Việt Nam và Pháp; Gặp mặt trực tuyến với Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Cuba tại TP. Hồ Chí Minh; Tham dự Tọa đàm trực tuyến FYI ASEAN: Vietnam’s Growth Prospects and Opportunities 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên Đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) và Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam tổ chức; Hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Đông: Cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới”; Trao đổi trực tuyến - Chính sách An sinh xã hội Ấn Độ - Việt Nam.

2 (i) hợp tác với Tạp chí diễn đàn Doanh nghiệp xây dựng chuyên đề “Ninh Thuận sức hấp dẫn mới và cơ hội đầu tư mới”; (ii) Phối hợp với Báo Công Thương xây dựng số báo đặc biệt “Ninh Thuận: Phát huy tiềm năng, lợi thế

- Đổi mới để phát triển bền vững”; (iii) Phối hợp với Tạp chí Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương thực hiện chuyên đề: Tỉnh Ninh Thuận: Tiếp tục nâng cao hoạt động chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số”; (iv) Phối hợp với Tạp chí diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện chuyên đề “Ninh Thuận hiện thực hóa Nghị quyết: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội”; (v) Phối hợp Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện chuyên đề đối ngoại “Ninh Thuận: Phát huy lợi thế và đẩy mạnh thu hút đầu tư”; (vi) Phối hợp Tạp chí Du lịch thực hiện chuyên đề “Ninh Thuận điểm sáng đầu tư”; (vii) hợp tác với Báo Đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuyên truyền quảng bá toàn diện về những thành tựu phát triển KT-XH của Tỉnh năm 2021