Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 865/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2024 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG CỬA KHẨU THÔNG MINH TẠI ĐƯỜNG CHUYÊN DỤNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA KHU VỰC MỐC 1119 -1120 VÀ ĐƯỜNG CHUYÊN DỤNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA KHU VỰC MỐC 1088/2 -1089 THUỘC CẶP CỬA KHẨU QUỐC TẾ HỮU NGHỊ (VIỆT NAM) - HỮU NGHỊ QUAN (TRUNG QUỐC)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia 2003;
Căn cứ Luật Hải quan năm 2014;
Căn cứ Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;
Căn cứ Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chính sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền hiện đại, thuận lợi hóa thông quan; phù hợp với các điều ước, thoả thuận quốc tế có liên quan và các quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới, bảo đảm sự ổn định, rõ ràng của đường biên giới, mốc quốc giới.
2. Tăng cường trao đổi chính sách và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thương mại điện tử qua biên giới, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp về logistics, nghiên cứu thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch quốc gia hai nước về thanh toán điện tử, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để mở rộng các kênh thương mại, đầu tư mới thông qua thương mại điện tử, thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước,...
3. Việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh bảo đảm không gây ảnh hưởng tới mô hình giao nhận hàng hóa truyền thống, nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ vào quá trình giao nhận hàng hóa nhằm nâng cao hiệu suất thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp hai bên; bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới, hợp tác đôi bên cùng có lợi.
4. Đề án được triển khai đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119- 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089. Phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác; xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng. Đồng thời giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân hai bên biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.
b) Phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 02-03 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800 - 1.200 xe/ngày.
c) Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 04-05 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000 - 3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐỀ ÁN
1. Đối tượng của Đề án: thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089.
2. Phạm vi của Đề án: xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa XNK tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089. Mô hình cửa khẩu thông minh thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm, bên cạnh đó phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động đồng thời.
3. Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh: mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian thí điểm tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án.
4. Thời gian thực hiện Đề án: từ Quý III/2024 đến hết Quý III/2029, trong đó:
Giai đoạn 1 (xây dựng cơ sở hạ tầng): từ Quý III/2024 đến hết Quý II/2026.
Giai đoạn 2 (thực hiện thí điểm): từ Quý III/2026 đến hết Quý III/2029.
5. Lộ trình triển khai thực hiện:
a) Giai đoạn 1 từ Quý III/2024 đến hết Quý II/2026 (xây dựng cơ sở hạ tầng), bao gồm các nội dung:
- UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng và ký kết với Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc về cơ chế gặp gỡ trao đổi thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
- Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh thuộc trách nhiệm Nhà nước.
- Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp.
- Xây dựng các hướng dẫn để triển khai xây dựng, quản lý và vận hành cửa khẩu thông minh.
- Xây dựng các quy trình vận hành, kiểm tra, giám sát chi tiết, cụ thể. Phân định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu thông minh.
- Triển khai đấu nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin với phía Trung Quốc để vận hành thử nghiệm cửa khẩu thông minh.
b) Giai đoạn 2 từ Quý III/2026 đến hết Quý III/2029 (thực hiện thí điểm):
- Triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh; trong quá trình vận hành thường xuyên kiểm tra, đánh giá, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
- Tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng hạ tầng khu vực cửa khẩu bảo đảm đồng bộ với phía Trung Quốc, trọng tâm là hạ tầng bến bãi.
6. Chế độ báo cáo
Kết thúc giai đoạn 1, UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo kết quả thực hiện Đề án gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan; kết thúc giai đoạn 2, tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án triển khai tiếp theo.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 1
a) Xây dựng các quy định, văn bản hướng dẫn về việc triển khai xây dựng và vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh
(1) Xây dựng quy định tạm thời về quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, quy định về quyền hạn, vai trò và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc tham gia vào quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa, đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận. Trong quá trình triển khai, cần kiểm tra, đánh giá hiệu quả để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin các lô hàng xuất nhập nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh với phía Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu; trao đổi, thống nhất với phía Hải quan Nam Ninh về việc hai Bên sẽ thành lập nhóm làm việc để xây dựng kế hoạch triển khai và thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; nội dung, phương thức, tần suất tiếp nhận, xử lý dữ liệu thông tin tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển qua lại giữa hai Bên.
Xây dựng quy định tạm thời về quy trình, thủ tục hải quan và giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu thông minh. Chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc: (i) Thẩm định an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình thiết kế, xây dựng phương án đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống thông tin phục vụ triển khai Đề án; (ii) Giám sát bảo đảm an ninh mạng trong quá trình kết nối liên thông dữ liệu với Hải quan Trung Quốc; chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia.
Xây dựng kế hoạch mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhà nước về hải quan cần thiết để triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
(2) Hướng dẫn đảm bảo duy trì an ninh, trật tự để triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh.
Cơ quan chủ trì: Bộ Quốc phòng.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
(3) Bảo đảm an ninh mạng đối với việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu kết nối thông tin Logistics và hệ thống thông tin liên quan.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
(4) Hướng dẫn về cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hai bên (phía Việt Nam và phía Trung Quốc).
Cơ quan chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
(5) Xây dựng quy định tạm thời về quy trình kiểm dịch y tế đối với phương tiện, hàng hóa xuất, nhập khẩu để triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
(6) Hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát công nghệ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Cơ quan chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
b) Tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa
(1) Chủ động phát huy cơ hội có được từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi để giữ ổn định các hàng hóa truyền thống, mở rộng thêm các hàng hóa mới. Thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”, thúc đẩy kết nối các phương thức vận chuyển hàng hóa.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
(2) Đẩy nhanh việc đàm phán, ký kết Nghị định thư xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh việc đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở bao gói gắn với truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, bảo đảm chất lượng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trước khi đưa ra thị trường.
Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn.
c) Về quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền và đối ngoại
Trao đổi, thống nhất với Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc về việc xây dựng, ký kết cơ chế gặp gỡ định kỳ, đột xuất để trao đổi về thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh của hai Bên, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thực hiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu Trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Rà soát, cập nhật các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với diện tích mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089.
Tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 từ 04 làn xe lên 08 làn xe và mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 từ 06 làn xe lên 08 làn xe; đầu tư xây dựng Nhà làm việc liên ngành cho các lực lượng chức năng tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089. Triển khai đấu nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin với phía Trung Quốc để vận hành thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến; xây dựng sổ tay hướng dẫn và tổ chức đào tạo tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình vận hành và khai thác cửa khẩu thông minh.
Cơ quan chủ trì: UBND tỉnh Lạng Sơn.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương.
d) Về phương tiện xe dẫn đường thông minh
Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông và bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc quy định, hướng dẫn triển khai các nội dung liên quan đến phương tiện xe dẫn đường thông minh theo quy định của pháp luật để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa thực hiện các mục tiêu của Đề án.
2. Nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2
a) Triển khai vận hành thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh
Triển khai vận hành thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh theo đúng các hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia. Trong quá trình vận hành, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh nếu có.
Cơ quan chủ trì: UBND tỉnh Lạng Sơn.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương.
b) Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; điều chỉnh mở rộng quy mô cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Tiếp tục nghiên cứu, đàm phán với phía Trung Quốc về mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa để bảo đảm đồng bộ với quy hoạch phía Trung Quốc.
Rà soát, đề xuất bổ sung cập nhật các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan đối với diện tích mở rộng Quy mô cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và mở rộng khu vực bến bãi tại 02 cửa khẩu.
Triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng bến bãi tại khu vực cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Cơ quan chủ trì: UBND tỉnh Lạng Sơn.
Cơ quan phối hợp: Bộ, ngành Trung ương.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Kinh phí thực hiện Đề án từ các nguồn: ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công), kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, đề án đã được phê duyệt và huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. UBND tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định; chủ trì trong chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ thực hiện Đề án cửa khẩu thông minh; trong quá trình triển khai giai đoạn 1, duy trì cơ chế hội đàm với phía Trung Quốc về việc thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh của hai Bên, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tiến hành khảo sát và đàm phán về thời điểm mở rộng thêm làn xe của đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa bảo đảm đồng bộ về cơ sở hạ tầng và quy hoạch của phía Trung Quốc; có trách nhiệm huy động nguồn lực xã hội hóa và yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cửa khẩu thông minh đảm bảo đồng bộ, đáp ứng mục tiêu đề ra.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện trình tự, thủ tục đối ngoại theo quy định tại các văn kiện pháp lý và thoả thuận có liên quan; hướng dẫn UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện triển khai xây dựng công trình cắt qua đường biên giới theo quy định.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục hải quan và giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan tổng hợp đề nghị của bộ, địa phương, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện Đề án theo quy định, bảo đảm tiến độ, lộ trình đề ra.
5. Các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Lạng Sơn căn cứ nhiệm vụ được giao tại mục IV Điều 1 Quyết định này chủ động ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm mục tiêu đề ra. Trong quá trình triển khai Đề án, yêu cầu các Bộ, ngành, UBND tỉnh Lạng Sơn, cơ quan liên quan thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Công văn 8062/VPCP-KTTH năm 2023 về Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 9124/VPCP-CN năm 2023 về rút nội dung Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu chính Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn tại Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 101/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 – 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 865/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 865/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/08/2024
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thành Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra