Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 86/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VĂN HOÁ CÔNG SỞ CƠ QUAN BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Văn hoá công sở cơ quan Bộ Tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận
:
- Bộ trưởng (báo cáo);
- Thứ trưởng Đinh Trung Tụng;
- Như Điều 3;
- Lưu VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Hoàng Thế Liên

 

QUY CHẾ

VĂN HOÁ CÔNG SỞ CƠ QUAN BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 86/QĐ-BTP ngày 18/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về trang phục, lễ phục, bài trí công sở, thời gian làm việc, hội họp, chế độ ra, vào trụ sở cơ quan, tiếp khách đến liên hệ công tác, quản lý phương tiện giao thông trong trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp (58 - 60 Trần Phú, thành phố Hà Nội).

2. Quy chế này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên bảo vệ, tạp vụ vệ sinh đang làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp; các cá nhân đến liên hệ công tác.

3. Các đoàn khách Quốc tế đến làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp áp dụng theo các quy định trong Quy chế công tác đối ngoại của Bộ Tư pháp.

Điều 2. Mục đích

Việc thực hiện văn hoá công sở nhằm các mục đích sau đây:

1. Bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của cơ quan Bộ;

2. Xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ trong hoạt động công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có văn hoá, có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;

3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chặt chẽ tài sản Nhà nước và công dân.

Điều 3. Các hành vi bị cấm

1. Hút thuốc lá trong phòng làm việc;

2. Sử dụng đồ uống có cồn tại trụ sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao;

3. Quảng cáo thương mại tại trụ sở;

4. Lập bàn thờ, thắp hương, đốt vàng mã trong khuôn viên cơ quan;

5. Đun nấu, tổ chức ăn uống tại các phòng làm việc.

Chương 2:

TRANG PHỤC, GIAO TIẾP VÀ ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 4. Trang phục, lễ phục

1. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ phải mặc gọn gàng, lịch sự, không đi dép lê.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên có trang phục riêng thì phải mặc trang phục đó khi thực hiện nhiệm vụ.

3. Cán bộ, công chức, viên chức được phân công phục vụ hoặc tham dự những buổi lễ lớn, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài phải mặc lễ phục theo mùa: nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ comple, áo sơ mi, cravat, bộ ký giả; nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ comple nữ, bộ váy; ngoài khoác áo ấm tùy điều kiện.

Điều 5. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức

1. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức phải có tên cơ quan, ảnh, họ và tên, chức danh, số hiệu của cán bộ, công chức, viên chức.

2. Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ.

3. Văn phòng Bộ làm thẻ theo mẫu và hướng dẫn cách đeo thẻ theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Điều 6. Giao tiếp và ứng xử

1. Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.

2. Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, niềm nở; chăm chú lắng nghe ý kiến của nhân dân; giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, đúng trách nhiệm về các vấn đề liên quan; thực hiện đúng lời hứa của mình liên quan đến giải quyết công việc của nhân dân.

Cán bộ, công chức, viên chức không được hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ.

3. Trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, cởi mở, thân thiện, hợp tác.

4. Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trả lời nhã nhặn, lịch sự; trao đổi ngắn gọn nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.

Chương 3:

BÀI TRÍ CÔNG SỞ

Điều 7. Treo Quốc huy, Quốc kỳ

Quốc huy và Quốc kỳ được treo trang trọng tại phía trên Nhà N1. Kích cỡ Quốc huy phải phù hợp với không gian treo. Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định.

Điều 8. Biển tên cơ quan

Biển tên cơ quan được đặt tại cổng chính (cổng phố Trần Phú), trên đó ghi:

Bộ Tư pháp

58 - 60 Trần Phú

Điều 9. Phòng làm việc

Phòng làm việc phải có biển tên ghi rõ tên đơn vị, họ và tên, chức danh cán bộ, công chức, viên chức. Văn phòng Bộ làm biển, gắn biển theo mẫu thống nhất.

Việc sắp xếp, bài trí phòng làm việc phải bảo đảm gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý, thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chung và của các thành viên trong phòng.

Điều 10. Khu vực để phương tiện giao thông

1. Khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp là tầng hầm và các nhà để xe.

2. Khách đến liên hệ công tác để xe tại địa điểm theo hướng dẫn của bộ phận thường trực cơ quan.

Chương 4:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, HỘI HỌP

Điều 11. Thời gian làm việc

1. Thời gian làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Văn phòng Bộ có trách nhiệm thông báo giờ làm việc cụ thể áp dụng trong từng thời kỳ.

2. Cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm túc giờ giấc làm việc theo quy định, đảm bảo ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả. Cán bộ, công chức, viên chức phải hoàn tất công việc trong ngày và rời khỏi trụ sở cơ quan trước 18h00’.

3. Văn phòng Bộ có trách nhiệm ghi tên cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan muộn quá 15 (mười lăm) phút hoặc rời trụ sở cơ quan trước 15 (mười lăm) phút so với thời gian làm việc theo quy định hoặc ở lại trụ sở cơ quan sau 18h00’ mà không đăng ký làm việc ngoài giờ, thông báo cho Thủ trưởng đơn vị có người vi phạm, Vụ Tổ chức cán bộ và Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng trước ngày 25 hàng tháng.

Đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi làm việc ngoài trụ sở cơ quan Bộ dẫn tới việc đến cơ quan muộn hoặc rời cơ quan sớm, bị Văn phòng Bộ ghi tên và thông báo cho đơn vị thì Thủ trưởng đơn vị phải thông báo danh sách cho Vụ Tổ chức cán bộ và Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng trước ngày 30 hàng tháng; trường hợp không thông báo thì cán bộ, công chức, viên chức đó vẫn bị coi là vi phạm kỷ luật lao động.

4. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc chấp hành kỷ luật lao động của cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình; chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ khi để xảy ra những vi phạm kỷ luật lao động trong đơn vị.

Những đơn vị có nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật lao động thì đơn vị và Thủ trưởng đơn vị sẽ bị trừ điểm thi đua cuối năm.

Điều 12. Làm việc ngoài giờ

1. Trong trường hợp vì yêu cầu công việc phải làm việc quá 18h00’ trong những ngày làm việc thì cán bộ, công chức, viên chức phải đăng ký làm việc ngoài giờ theo mẫu do Văn phòng Bộ ban hành. Giấy đăng ký làm việc ngoài giờ phải có chữ ký xác nhận của Thủ trưởng đơn vị và phải được gửi cho Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ để theo dõi.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức ở lại phòng làm việc sau 18h00’ mà không đăng ký làm việc ngoài giờ thì bị coi là vi phạm kỷ luật lao động.

2. Trong các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết theo quy định của Nhà nước, cơ quan đóng cổng. Trường hợp phải tổ chức Hội thảo, Hội nghị, Toạ đàm, Lễ bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học và các cuộc họp khác theo yêu cầu công việc thì đơn vị chủ trì phải đăng ký lịch làm việc trước với Văn phòng Bộ.

3. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài giờ hoặc làm việc vào các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết phải tuân thủ nghiêm các quy định trong Quy chế này; chấp hành sự kiểm tra của cán bộ bảo vệ cơ quan trong những trường hợp cần thiết.

Điều 13. Chế độ hội họp

1. Các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm… (sau đây gọi chung là cuộc họp) chỉ được tổ chức khi thật sự cần thiết, có tác dụng tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

2. Đơn vị chủ trì họp phải xác định đúng thành phần dự họp; chuẩn bị kỹ nội dung, tài liệu họp; đảm bảo chất lượng và hiệu quả của cuộc họp.

3. Đơn vị chủ trì các cuộc họp có sự tham gia của đại biểu bên ngoài phải cử người đón khách tại bộ phận thường trực cơ quan.

4. Những người dự họp phải nghiên cứu kỹ tài liệu họp; đến họp đúng giờ; phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; giữ gìn trật tự, không để chuông điện thoại, không nghe điện thoại; không đi ra, đi vào trong lúc tiến hành cuộc họp; không bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc.

Chương 5:

NỘI QUY RA VÀO CƠ QUAN, TIẾP KHÁCH, VÀ QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG

Điều 14. Nội quy ra, vào trụ sở cơ quan

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ:

Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ khi qua cổng vào trụ sở cơ quan phải xuống xe và tháo khăn che mặt.

2. Đối với khách đến trụ sở cơ quan Bộ:

a) Khách được mời đến làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ phải xuất trình giấy mời, giấy triệu tập đến làm việc và tuỳ từng trường hợp cụ thể phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân theo yêu cầu của bộ phận thường trực cơ quan.

b) Khách đến liên hệ công tác hoặc gặp người nhà phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, giấy giới thiệu đến liên hệ công tác, công lệnh... cho bộ phận thường trực. Khách đến liên hệ công tác hoặc gặp người nhà thì phải đợi người đón.

c) Khách đến trụ sở cơ quan Bộ phải nhận thẻ khách và đeo thẻ khách trong suốt thời gian làm việc; khi ra về phải trả lại thẻ khách và nhận lại giấy tờ đã gửi lại phòng bảo vệ.

d) Khách đến trụ sở cơ quan Bộ phải tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ bảo vệ cơ quan, không được tự tiện vào các phòng làm việc của cơ quan.

Điều 15. Tiếp khách

1. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ không được tuỳ tiện đưa khách hoặc người nhà vào trụ sở cơ quan; trường hợp có khách đến liên hệ công tác cần hướng dẫn khách của mình hoặc đơn vị mình chấp hành nội quy công sở; không để khách làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức khác trong cơ quan.

2. Khách là người nước ngoài đến liên hệ công tác hoặc giải quyết yêu cầu xin con nuôi phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân và chờ cán bộ của đơn vị chức năng đón tiếp.

Việc tiếp khách nước ngoài được thực hiện tại phòng khách của cơ quan.

Điều 16. Quản lý phương tiện giao thông

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ:

a) Cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ bằng phương tiện giao thông cá nhân phải nhận vé xe tại phòng bảo vệ và trả vé xe khi rời khỏi trụ sở; không có vé xe thì không được mang xe khỏi trụ sở cơ quan; trường hợp mất vé xe phải báo ngay cho bảo vệ cơ quan để có biện pháp xử lý;

b) Để xe đúng nơi quy định tại tầng hầm và các nhà để xe. Không để xe trên hè trước, hè sau nhà N 1, N 2, N 3 và N 4.

c) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi công tác dài ngày có nhu cầu gửi xe tại trụ sở cơ quan Bộ thì phải thông báo với bảo vệ cơ quan; trường hợp không thông báo, nếu xảy ra mất mát, bảo vệ cơ quan sẽ không chịu trách nhiệm.

2. Đối với khách đến trụ sở cơ quan:

a) Khách đến trụ sở cơ quan bằng phương tiện giao thông cá nhân phải nhận vé xe tại phòng bảo vệ và trả vé xe khi rời khỏi trụ sở.

b) Để xe đúng nơi quy định theo hướng dẫn của bảo vệ cơ quan.

3. Đối với bảo vệ cơ quan:

a) Phát và thu vé xe cho người vào, ra khỏi trụ sở cơ quan;

b) Hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong trụ sở cơ quan Bộ và khách đến liên hệ công tác để xe đúng nơi quy định;

c) Tổ chức trông, giữ xe theo quy định; nếu để mất xe do lỗi của mình phải bồi thường;

d) Phát hiện và có biện pháp xử lý các trường hợp kẻ gian lợi dụng vé xe để lấy cắp hoặc đánh tráo xe;

đ) Không thu phí gửi phương tiện giao thông của khách đến liên hệ công tác, làm việc;

e) Được quyền ghi tên và thông báo công khai tên của cán bộ, công chức, viên chức để xe không đúng quy định; tạm khoá xe để không đúng nơi quy định.

Điều 17. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

1. Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm triệt để tiết kiệm trong việc sử dụng điện thoại, văn phòng phẩm, điện chiếu sáng, điều hoà nhiệt độ, thiết bị tin học, thiết bị văn phòng... Khi hết giờ làm việc, ra khỏi phòng phải tắt hết các thiết bị sử dụng điện.

2. Đơn vị sử dụng phòng họp phải có trách nhiệm tắt các thiết bị sử dụng điện tại phòng họp khi cuộc họp kết thúc.

3. Nhân viên phục vụ có trách nhiệm kiểm tra các phòng họp để tắt các thiết bị dùng điện sau khi các cuộc họp kết thúc.

4. Cán bộ quản trị và bảo vệ kiểm tra điện chiếu sáng ở các khu vực công cộng để bật, tắt điện chiếu sáng hợp lý cho việc đi lại và bảo vệ cơ quan.

Điều 18. Phòng cháy, chữa cháy

1. Cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, biện pháp phòng cháy, chữa cháy.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, khách đến trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp không được mang theo các vật dễ gây cháy, nổ.

Chương 6:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm thực hiện

1. Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên đang làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp, khách đến liên hệ công tác phải thực hiện đúng các quy định trong Quy chế này.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm quán triệt Quy chế đến cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình; chủ động đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc chấp hành Quy chế văn hoá công sở của cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình; chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ khi để xảy ra những vi phạm Quy chế trong đơn vị.

3. Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức, khách đến liên hệ làm việc tại trụ sở cơ quan Bộ thực hiện đúng Quy chế; theo dõi và định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ, thông báo cho Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng, Vụ Tổ chức cán bộ về tình hình chấp hành Quy chế văn hoá công sở của các đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức tạo cơ sở đánh giá cán bộ và bình xét thi đua cuối năm.

4. Các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động, đôn đốc, kiểm tra đoàn viên, hội viên của mình chấp hành tốt Quy chế.

Điều 20. Xử lý vi phạm

1. Việc chấp hành Quy chế là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác khi xét thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân.

2. Đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy chế này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 86/QĐ-BTP năm 2008 về quy chế văn hoá công sở cơ quan Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 86/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Hoàng Thế Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản