Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 851/QĐ-UBND

An Giang, ngày 30 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC VÙNG SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2016-2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2532/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-Ctr/TU ngày 28/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 16/3/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định định mức chi đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;

Xét Tờ trình số 223/TTr-SKHCN ngày 23/3/2016 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020”, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Chương trình: Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020.

2. Cơ quan quản lý: Sở Khoa học và Công nghệ.

3. Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Đơn vị điều phối: Chi cục Bảo vệ Môi trường.

5. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

6. Mục tiêu Chương trình

a) Mục tiêu tổng quát:

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và các giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững các vùng sinh thái thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu, vùng Bảy Núi và Tứ giác Long Xuyên trong điều kiện biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang. Kết quả Chương trình là cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh nhằm: bảo vệ, khai thác hợp lý các dịch vụ hệ sinh thái bền vững, nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, từ đó tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Hàng năm, đề xuất khoảng 20 đề tài nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ tiên tiến và định hướng phát triển của tỉnh theo mục tiêu Chương trình và có ít nhất 20% đề xuất được phê duyệt thực hiện.

Trong đó tập trung vào các mục tiêu như: bảo tồn các hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng sinh học; công tác bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ mới giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; sử dụng năng lượng mới như năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối; Đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành, địa phương, đề xuất giải pháp thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng;...

- Đẩy mạnh phát triển các nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và chuyển giao các thành tựu mới trong lĩnh vực xử lý môi trường, ứng dụng công nghệ mới nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên,... Khuyến khích ươm tạo phát triển các doanh nghiệp có tâm huyết trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong và ngoài tỉnh; phấn đấu đến năm 2020, thu hút, ươm tạo được 05 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Đánh giá hiện trạng 03 vùng sinh thái bao gồm: Vùng sinh thái sông Tiền, sông Hậu; Vùng sinh thái Bảy Núi; Vùng sinh thái Tứ giác Long Xuyên, làm cơ sở phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách nhằm bảo tồn, khai thác bền vững các hệ sinh thái.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở dữ liệu, cách thức quản lý và chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở đề xuất phương án khai thác, chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn, phục vụ công tác nghiên cứu, quy hoạch và quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

7. Nội dung

a) Các định hướng nghiên cứu: Các định hướng nghiên cứu, ứng dụng phải hướng đến mục tiêu chung là: Kiểm soát, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững sau:

- Cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông đã bị ô nhiễm, suy thoái trong các đô thị, khu dân cư.

- Xử lý, cải tạo các vùng đất bị nhiễm độc, tồn dư đi-ô-xin, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và các chất gây ô nhiễm khác.

- Điều tra, đánh giá tình trạng bị suy thoái, xuống cấp nhằm phục hồi hệ sinh thái tự nhiên đặc thù hoặc có tính đại diện tỉnh; phục hồi, tái sinh các hệ sinh thái tự nhiên đã bị suy thoái.

- Quản lý tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông; kết hợp quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều nước với quy hoạch tìm kiếm và khai thác tài nguyên nước; Tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, chú trọng kiểm soát ô nhiễm các lưu vực sông và nguồn nước xuyên biên giới.

- Nghiên cứu đổi mới cơ chế cấp nước tưới tiêu trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhân rộng mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hệ sinh thái nhằm bảo vệ các nguồn nước.

- Nghiên cứu, thử nghiệm phân vùng chức năng theo các hệ sinh thái phục vụ quy hoạch phát triển, hướng tới làm rõ khu vực được ưu tiên, khu vực hạn chế hoặc cấm phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản nhằm giảm xung đột giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

- Điều tra, đánh giá tình trạng bị suy thoái, xuống cấp và lập quy hoạch phục hồi hệ sinh thái tự nhiên đặc thù hoặc có tính đại diện, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước của tỉnh.

- Nghiên cứu các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp nâng cao khả năng chống chịu của hệ sinh thái trước tác động của biến đổi khí hậu; đề xuất các mô hình chi trả dịch vụ hệ sinh thái theo hướng thúc đẩy phục hồi, tái tạo, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ, phục hồi năng suất sinh học và khả năng cung cấp nguồn dinh dưỡng, nơi sinh sản, ươm mầm nguồn lợi thủy sản của các hệ sinh thái sông Tiền, sông Hậu nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu biện pháp canh tác, sử dụng đất bền vững trong nông nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất, phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, chống xói mòn, rửa trôi, suy thoái đất.

- Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tài nguyên khai thác thực sự có hiệu quả và bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sử dụng năng lượng xanh (năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học,...) và giảm tiêu thụ xăng, dầu, giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính.

- Nghiên cứu hiện trạng, đặc điểm địa chất, địa mạo và các giá trị của các núi đá trên địa bàn tỉnh. Từ đó đề xuất công tác bảo tồn, quản lý phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

- Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành, lĩnh vực và xây dựng các giải pháp ứng phó, tập trung ưu tiên các lĩnh vực là: tài nguyên nước, tài nguyên đất, phòng chống thiên tai, nông nghiệp và an ninh lương thực, thủy sản và đa dạng sinh học, môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

- Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến vấn đề ngập lụt trên địa bàn tỉnh và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong vấn đề chống ngập.

- Quản lý bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và nguồn tài nguyên tự nhiên, đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế bền vững của người dân.

- Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ đánh giá thích nghi sinh thái đối với các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực để có hướng đề xuất điều chỉnh các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bố trí các vùng sản xuất hiệu quả và bền vững.

b) Các nội dung chính:

Nội dung 1: Khảo sát, đánh giá phân vùng 03 khu vực sinh thái bao gồm: khu vực sông Tiền, sông Hậu; khu vực Bảy Núi; và khu vực Tứ giác Long Xuyên.

- Khảo sát, điều tra thông tin về hiện trạng, các nghiên cứu liên quan hệ sinh thái tại 03 vùng sinh thái, từ đó lụa chọn các hệ sinh thái cần quan tâm bảo tồn trên địa bàn tỉnh, đề xuất các định hướng nghiên cứu, các giải pháp, các mô hình ứng dụng...

Nội dung 2: Tổ chức hội thảo khoa học đa thành phần, hội thảo quốc tế và tham vấn ý kiến chuyên gia về Chương trình.

Tổ chức hội thảo, toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân, nhà quản lý để xác định nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cấp thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn, tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đặc trưng cho từng vùng sinh thái. Thành phần tham dự gồm các chuyên gia đầu ngành đến từ các viện, trường; các cơ quan, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; các Sở, ban ngành tỉnh và địa phương; các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, các tổ chức nước ngoài...

- Tổ chức 05 hội thảo gồm: 01 hội thảo quốc tế; 03 hội thảo sơ kết hàng năm và 01 hội thảo tổng kết.

- Tổ chức khảo sát các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh: dự kiến 03 chuyến/năm.

Nội dung 3: Rà soát, đánh giá cơ sở dữ liệu về khí tượng - thủy văn trên địa bàn tỉnh và đề xuất xây dựng phần mềm quản lý chia sẻ dữ liệu, phục vụ công tác nghiên cứu, quy hoạch và quản lý nhà nước.

Rà soát đánh giá hiện trạng quản lý dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở đề xuất các mô hình quản lý và chia sẻ thông tin, tạo nguồn dữ liệu thống nhất trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, khoa học công nghệ...

Trên cơ sở báo cáo kết quả và mô hình quản lý dữ liệu về khí tượng - thủy văn của tỉnh. Sẽ đề xuất giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng bộ số liệu trên cho từng đối tượng liên quan, nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu này.

Nội dung 4: Đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ nâng cao cho cán bộ kỹ thuật và doanh nghiệp.

Tổ chức 04 lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ nâng cao cho cán bộ kỹ thuật và doanh nghiệp liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên dành cho cán bộ kỹ thuật và các doanh nghiệp; 75 học viên/lớp tập huấn.

8. Tổng dự toán kinh phí thực hiện: 560.360.000 đồng (Năm trăm, sáu mươi triệu, ba trăm, sáu mươi ngàn đồng).

a) Phân nguồn thực hiện:

- Năm 2016:

164.440.000 đồng.

- Năm 2017:

90.560.000 đồng.

- Năm 2018:

104.550.000 đồng.

- Năm 2019:

90.560.000 đồng.

- Năm 2020:

110.250.000 đồng.

b) Dự toán các khoản mục chi:

- Khảo sát, đánh giá phân vùng khu vực sinh thái: 75.500.000 đồng;

- Hội thảo khoa học và hội thảo quốc tế: 157.380.000 đồng;

- Hoạt động tổ chuyên gia: 193.200.000 đồng;

- Chi phí hỗ trợ đề xuất ý tưởng nhiệm vụ khoa học và công nghệ được duyệt: 30.000.000 đồng (1.000.000 đồng/ý tưởng được duyệt);

- Báo cáo chuyên đề khảo sát số liệu khí tượng, thủy văn: 9.200.000 đồng;

- Đào tạo tập huấn: 57.680.000 đồng

- Chi phí quản lý: 37.400.000 đồng.

9. Tổ chuyên gia và nhóm chuyên trách thực hiện Chương trình:

a) Tổ chuyên gia tư vấn về khoa học: Bao gồm các thành viên sau:

- Mời PGS.TS. Châu Văn Tạo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.

- Mời PGS.TS. Nguyễn Du Sanh - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.

- Mời PGS.TS. Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài Nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

- Mời PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà - Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

* Nhiệm vụ của Tổ chuyên gia:

- Có trách nhiệm cố vấn cho tỉnh trong công tác định hướng nghiên cứu, thẩm định, đánh giá phản biện các đề tài, dự án, mô hình theo nhiệm vụ được giao.

- Tham gia các hội thảo, hội nghị, khảo sát thực tế.

- Thực hiện tốt vai trò tham mưu, điều chỉnh nội dung kế hoạch trên cơ sở tham vấn, lấy ý kiến các sở, ban, ngành đoàn thể, người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tiễn.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất, tư vấn, hỗ trợ các kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ thực hiện, giám sát các mô hình.

b) Nhóm chuyên trách: Bao gồm các thành viên sau:

- ThS. Trần Hiến Phương, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường - Trưởng nhóm.

- Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường - Phó trưởng nhóm.

- Ông Trần Phú Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Phó trưởng nhóm.

- Ông Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thành viên.

- Ông Lê Máy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật - Thành viên.

- TS. Nguyễn Trần Thiện Khánh, Phó trưởng bộ môn Môi trường và PTBV, Trường Đại học An Giang - Thành viên.

- TS. Chau Thi Đa, Phó trưởng bộ môn Thủy sản, Trường Đại học An Giang - Thành viên.

- TS. Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang - Thành viên.

- Ông Nguyễn Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú - Thành viên.

- Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn - Thành viên.

- Bà Ngô Thi Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng kinh tế - thành phố Long Xuyên - Thành viên.

- Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Châu Đốc - Thành viên.

- Ông Lê Ngọc Quỳnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành - Thành viên.

- Bà Nguyễn Thị Phương Đài, Trung tâm quan trắc KT TNMT - Thành viên.

- ThS. Nguyễn Bảo Lâm, Sở Khoa học và Công nghệ - Thành viên.

- ThS. Lê Nguyên Cẩn, Chi cục Bảo vệ môi trường - Thành viên.

* Nhiệm vụ của nhóm chuyên trách:

- Tham mưu, đề xuất danh mục các đề tài nghiên cứu, dự án theo mục tiêu đề ra của Chương trình. Phối hợp các đơn vị tư vấn, viện, trường khảo sát triển khai thực hiện các nội dung liên quan theo nội dung đề ra của Chương trình.

- Tổ chức hội thảo, học tập kinh nghiệm, đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất, tư vấn, hỗ trợ các kỹ thuật chuyên môn.

- Có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn đơn vị điều phối xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong khi thực hiện kế hoạch. Định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện về các bên liên quan Chương trình này về Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan.

- Thực hiện tốt vai trò tham mưu, điều chỉnh nội dung Chương trình trên cơ sở tham vấn, lấy ý kiến các Sở, ban, ngành đoàn thể, người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tiễn.

10. Tổ chức thực hiện

a) Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì thẩm định nội dung và kinh phí thực hiện chương trình, đảm bảo đạt các mục tiêu đề ra theo định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Giám sát thực hiện tốt chương trình theo các nội dung đã được phê duyệt. Kịp thời có ý kiến điều chỉnh nội dung chương trình khi có phát sinh, vướng mắc. Cân đối đủ kinh phí và giải ngân phù hợp đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường: Có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các nội dung và kinh phí triển khai thực hiện. Chỉ đạo, kiểm tra đơn vị điều phối trong việc thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Chương trình đề ra.

c) Chi cục Bảo vệ Môi trường: Chịu trách nhiệm điều phối chính, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xây dựng các nội dung và kinh phí triển khai thực hiện chương trình; phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tốt các nội dung chương trình, các đề xuất đặt hàng nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường góp phần phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang; và hàng năm có trách nhiệm đề xuất các đề tài nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ tiên tiến và định hướng phát triển của tỉnh theo mục tiêu và định hướng của Chương trình đã đề ra; xem xét và đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung chương trình cho phù hợp.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố

- Phối hợp với Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phổ biến sâu rộng và triển khai thực hiện tốt nội dung Chương trình.

- Cử nhân sự tham gia phù hợp với yêu cầu thành lập Nhóm chuyên trách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan trong Chương trình. Đặc biệt là phối hợp, hướng dẫn đoàn khi làm việc, công tác tại địa phương.

- Tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị đến địa phương thực hiện nghiên cứu, khảo sát, triển khai xây dựng mô hình,...

- Hàng năm cùng có trách nhiệm phối hợp các Sở, ngành đơn vị liên quan rà soát, xem xét các nội dung kế hoạch để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chi cục Bảo vệ Môi trường; Các thành viên tổ chuyên gia, nhóm chuyên trách và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT. UBND tỉnh;
- Sở KH&CN, Sở Tài chính;
- Sở TN&MT;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Chi cục Bảo vệ Môi trường;
- Thành viên Tổ chuyên gia;
- Thành viên nhóm chuyên trách;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- P. KT, P.HCTC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Hồ Việt Hiệp

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 851/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020"

  • Số hiệu: 851/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Hồ Việt Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản