Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8460/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM VÀ XẾP LOẠI THI ĐUA THỰC HIỆN PHONG TRÀO NGÀY CHỦ NHẬT XANH - SẠCH - ĐẸP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;

Căn cứ Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2008 của Chủ tịch UBND thành phố về việc ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 909/TTr-STNMT ngày 14 tháng 11 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua thực hiện Phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ngành, hội, đoàn thể thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường vụ Thành ủy;
- TT HĐND thành phố;
- Chủ tịch và các PCT UBND.TP;
- Lưu: VT, QLĐTh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CHẤM ĐIỂM VÀ XẾP LOẠI THI ĐUA THỰC HIỆN PHONG TRÀO NGÀY CHỦ NHẬT XANH - SẠCH - ĐẸP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 8460 /QĐ-UBND ngày 21 /11 /2014 của Chủ tịch UBND thành phố)

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Tiêu chí đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua là công cụ để giám sát, đánh giá hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp (sau đây viết tắt là “Phong trào”), là căn cứ để khen thưởng và xét các danh hiệu thi đua cấp thành phố, cấp cơ sở hoặc trong phạm vi đơn vị, cơ quan.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về đối tượng, số lượng, hình thức, tiêu chí, hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xét công nhận các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Phong trào.

2. Việc đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua thực hiện Phong trào được tổ chức mỗi năm một lần trước ngày 15 tháng 02 năm sau.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng cấp phường, xã, quận, huyện, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các tổ chức hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Tiêu chí là những nội dung yêu cầu cần thực hiện ở một thành phần cụ thể của lĩnh vực đánh giá được dùng làm chuẩn để đánh giá kết quả, chất lượng hoạt động của tổ chức; mỗi tiêu chí bao gồm các chỉ số đánh giá khác nhau.

Chỉ số là những nội dung yêu cầu và điều kiện cần thực hiện về một khía cạnh cụ thể của tiêu chí đánh giá.

Nội dung đánh giá là mức độ yêu cầu về nội dung và điều kiện cần thiết cho phép nhận thấy có sự thay đổi xảy ra hay không trong mỗi khía cạnh cụ thể của chỉ số đánh giá.

Điều kiện chấm điểm là những căn cứ dựa vào đó có thể chứng minh về điều kiện hay mức độ đạt được kết quả của từng nội dung đánh giá.

Yêu cầu minh chứng là những cơ sở và căn cứ chứng minh kết quả đạt được của từng nội dung đánh giá.

Điểm chuẩn là tổng điểm tối đa quy định cho mỗi tiêu chí, chỉ số đánh giá.

Điểm đạt được là điểm của mỗi nội dung đánh giá cụ thể trong từng chỉ số, tùy thuộc vào mức độ đạt được của từng nội dung đánh giá trong chỉ số đó.

Chương II

PHƯƠNG PHÁP, NỘI DUNG VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

Điều 5. Phương pháp đánh giá

1. Đánh giá theo phương pháp chấm điểm. Sử dụng thang điểm 100, ứng với mỗi tiêu chí đánh giá sẽ có điểm chuẩn cụ thể.

2. Căn cứ mức độ hoàn thành theo các tiêu chí quy định, cách tính điểm được xác định như sau:

a) Tiêu chí nào hoàn thành 100% thì đạt điểm tối đa.

b) Tiêu chí nào đã thực hiện nhưng chưa đạt 100% thì số điểm được chấm tương đương với mức độ hoàn thành so với số điểm chuẩn tối đa của nội dung đó.

c) Tiêu chí nào chưa thực hiện thì đạt 0 điểm.

d) Tổng số điểm để xếp loại thi đua là tổng cộng của các điểm đã đạt được đối với từng tiêu chí đánh giá và điểm thưởng, điểm phạt (nếu có).

Điều 6. Tiêu chí đánh giá và chấm điểm thi đua

1. Nội dung tiêu chí đánh giá

a) Chỉ đạo, điều hành, quản lý, giám sát:

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức có xây dựng kế hoạch mỗi năm thực hiện Phong trào.

- Định kỳ hàng tháng, quý và mỗi năm có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Phong trào.

- Thường xuyên và liên tục có chỉ đạo đến cấp dưới định kỳ hoặc đột xuất để thúc đẩy phong trào, bằng các hình thức như: thông báo, kết luận tại họp giao ban, họp chuyên đề, chỉ đạo bằng văn bản, điện thoại

- Có lịch ra quân hàng tuần hoặc hàng tháng để tập trung giải quyết về môi trường ở địa phương, khu vực.

- Trực tiếp theo dõi kết quả mỗi đợt ra quân đảm bảo hiệu quả Phong trào.

- Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Phong trào đối với các khu vực, tuyến đường được UBND thành phố phân công.

b) Tổ chức thực hiện:

- Thực hiện tốt nội dung được phân công trong kế hoạch Phong trào cấp thành phố.

- Cấp mình hoặc chỉ đạo cấp dưới tổ chức ra quân thực hiện Phong trào hàng tuần hoặc hàng tháng có chủ đề.

- Áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về Phong trào.

- Có chủ động huy động nguồn lực, tài chính từ nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động phong trào để phát huy hiệu quả.

- Có mô hình bảo vệ môi trường tốt đang được nhân rộng ở đơn vị, địa phương, ngành.

- Có sáng kiến cải tiến nâng cao chất lượng Phong trào tại địa phương, cơ quan, đơn vị

- Tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Bảng chấm điểm thi đua (kèm theo tại Phụ lục 1).

Điều 7. Danh hiệu thi đua và hình thức tuyên dương, khen thưởng

1. Dựa vào kết quả giám sát thực tế và bảng tự chấm điểm của các tổ chức, cá nhân đề nghị xét thi đua, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị chủ quản tổ chức đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua.

2. Danh hiệu thi đua:

a) Điểm đạt được từ 90 điểm trở lên, xếp loại: Xuất sắc;

b) Điểm đạt được từ 80 điểm đến dưới 90 điểm, xếp loại: Vững mạnh;

c) Điểm đạt được từ 65 điểm đến dưới 80 điểm, xếp loại: Khá;

d) Điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 65 điểm, xếp loại: Trung bình;

đ) Điểm đạt được dưới 50 điểm, xếp loại: Yếu.

3. Hình thức tuyên dương, khen thưởng:

a) Đối với các tổ chức, cá nhân đạt danh hiệu xuất sắc đã được Hội đồng thẩm định, xét công nhận và đề nghị Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng:

- Được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố kèm tiền thưởng thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Tiền thưởng được chi từ nguồn Quỹ thi đua, khen thưởng của thành phố.

- Được tặng hiện vật (dụng cụ, phương tiện lao động,...) từ hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ (nếu có).

b) Đối với các tổ chức, cá nhân đạt danh hiệu vững mạnh, UBND các quận, huyện, cơ quan, đơn vị chủ quản tổ chức tuyên dương, khen thưởng tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị mình theo quy định.

c) Việc trao quyết định công nhận và khen thưởng được tổ chức vào Hội nghị Tổng kết Phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp mỗi năm ở mỗi cấp hoặc dịp tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới hằng năm.

d) Căn cứ Thông tư số 13/2010/TT-BTNMT ngày 28 tháng 7 năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào cấp thành phố trong 02 năm liên tục trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tặng thưởng Danh hiệu “Giải thưởng Môi trường Việt Nam”.

e) Kết quả xếp loại thi đua hằng năm được công bố trên Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, Báo Đà Nẵng và các phương tiện thông tin truyền thông ở địa phương nhằm khuyến khích, động viên kịp thời và tạo động lực cho các đơn vị phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng Phong trào trong những năm tiếp theo.

4. Số lượng khen thưởng cấp thành phố:

a) Đối với tập thể: 20 - 30 tập thể xuất sắc.

b) Đối với cá nhân: 10 - 20 cá nhân xuất sắc.

Chương III

QUY TRÌNH, THỜI GIAN, HỒ SƠ XÉT THI ĐUA, CÔNG NHẬN

Điều 8. Quy trình, thời gian xét thi đua, công nhận

1. Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị chủ quản đánh giá, chấm điểm, xếp loại và đề nghị xét công nhận thi đua thực hiện Phong trào về Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị chủ quản có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có thành tích trong Phong trào lập hồ sơ đề nghị xét thi đua; từ đó, tổ chức đánh giá, chấm điểm, xếp loại thi đua theo quy định tại Điều 7.

Đối với các tổ chức, cá nhân đạt danh hiệu xuất sắc, UBND các quận, huyện, cơ quan, đơn vị chủ quản gửi hồ sơ đề nghị xét công nhận về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01.

3. Trước ngày 01 tháng 02, căn cứ vào hồ sơ đề nghị xét công nhận, sau khi kiểm tra tính hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp hồ sơ, chủ trì phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố tổ chức Hội đồng thẩm định hồ sơ và kết quả thực hiện tiêu chí của tập thể, cá nhân đề nghị.

4. Trước ngày 10 tháng 02, Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào về Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố).

5. Trước ngày 15 tháng 2, Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố) tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, lập thủ tục trình Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng.

Điều 9. Hội đồng xét công nhận các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào (sau đây viết tắt là Hội đồng)

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thành lập Hội đồng, gồm có:

a) Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực môi trường.

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố.

c) Các thành viên:

- Lãnh đạo UBND 07 quận, huyện;

- Lãnh đạo các Sở: Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động, thương binh và xã hội, Khoa học và Công nghệ;

- Lãnh đạo Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hội Nông dân thành phố;

- Lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, Ban Quản lý Khu công nghệ cao.

2. Tùy vào yêu cầu thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường có thể mời thêm một số đơn vị, cá nhân có liên quan làm thành viên Hội đồng.

Điều 10: Hồ sơ đề nghị xét thi đua, công nhận

1. Hồ sơ đề nghị xét thi đua:

a) Báo cáo thành tích của tổ chức, cá nhân thực hiện Phong trào;

b) Bảng tự chấm điểm dựa vào tiêu chí đánh giá, chấm điểm quy định tại Điều 6, Chương II của Quy định này;

c) Hình ảnh, video, tư liệu chứng minh thành tích.

2. Hồ sơ đề nghị xét công nhận:

a) Tờ trình đề nghị xét công nhận;

b) Biên bản họp xét thi đua của địa phương, cơ quan, đơn vị;

c) Báo cáo thành tích (có xác nhận của đơn vị chủ quản) và bảng tự chấm điểm của các tổ chức, cá nhân đề nghị xét công nhận;

d) Hình ảnh, video, tư liệu chứng minh thành tích.

3. Hồ sơ Sở Tài nguyên và Môi trường gửi về Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố) gồm:

a) Tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào (kèm theo danh sách);

b) Biên bản họp xét công nhận, khen thưởng của Hội đồng;

c) Báo cáo thành tích và bảng tự chấm điểm của các tổ chức, cá nhân đề nghị xét công nhận;

d) Hình ảnh, video, tư liệu chứng minh thành tích.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Phân công thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố) tổ chức đánh giá, xét công nhận và tham mưu UBND thành phố khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào.

2. UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố tổ chức quán triệt Quy định này đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để hướng dẫn triển khai đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua thực hiện Phong trào.

3. Sở Tài chính tham mưu trình UBND thành phố cân đối kinh phí để tổ chức thực hiện việc xét công nhân, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thông tin liên quan đến việc xét công nhận và tổ chức khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào.

Điều 12. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 8460/QĐ-UBND năm 2014 Quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm và xếp loại thi đua thực hiện Phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 8460/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/11/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản