Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 84/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 5 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ XE XÍCH LÔ ĐẠP VÀ BA GÁC ĐẠP CỦA THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
Căn cứ quy định và nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lãnh vực quản lý kinh tế ban hành kèm theo Nghị định số 24-CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ.
Để thống nhất công tác quản lý xe xích lô đạp và ba gác đạp của thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. – Nay ban hành bản quy định về công tác quản lý xe xích lô đạp và ba gác đạp của các quận, huyện như văn bản kèm theo.

Điều 2. – Giao nhiệm vụ cho ngành giao thông vận tải thành phố và quận, huyện quản lý tất cả công việc hành nghề của xe xích lô đạp và ba gác đạp của thành phố, theo bản quy định kèm theo.

Ngành Công an có trách nhiệm quản lý quyền sở hữu tài sản và cấp biển số đăng ký.

Điều 3. – Các đồng chí Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các Quận, Huyện, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Công an chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Võ Thành Công

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ XE XÍCH LÔ ĐẠP VÀ BA GÁC ĐẠP CỦA CÁC QUẬN, HUYỆN.

Thời gian qua, việc quản lý các xe xích lô đạp và ba gác đạp chưa được đầy đủ. Gần đây, hai loại xe này, nhất là xích lô đạp, phát triễn mạnh và tuỳ tiện.

Tình hình trên cần có sự quản lý thống nhất trong toàn thành phố.

I. – PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ:

Hoạt động của xe xích lô đạp và ba gác đạp là trong phạm vi thành phố. Những người hành nghề vận chuyển bằng loại xe này sống gắn liền với sự quản lý hằng ngày của địa phương. Do đó công tác quản lý phân công như sau:

1) Sở giao thông vận tải:

- Xét duyệt yêu cầu đóng mới phương tiện của ngành giao thông vận tải các quận, huyện.

- Duyệt thiết kế mẫu xe đóng mới.

2) Uỷ ban Nhân dân Quận, Huyện cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các cơ sở sản xuất xe mới sau khi có sự thoả thuận của Sở Giao thông vận tải.

3) Giao thông vận tải các quận, huyện:

Công tác quản lý xe xích lô đạp và ba gác đạp của giao thông vận tải quận, huyện gồm có:

a) Đăng ký quản lý việc hành nghề của chủ phương tiện và phương tiện.

b) Theo dõi và hướng dẫn những cá nhân và tổ chức hành nghề xe xích lô đạp và ba gác đạp phục vụ tốt khách hàng.

c) Giải quyết những vấn đề xảy ra trong quá trình xe hoạt động.

d) Xét và quyết định thi hành những biện pháp xử lý hành chánh đối với những xe vi phạm những điều quy định về quản lý của liên Sở Giao thông vận tải và Sở Công an.

e) Quản lý việc đóng mới xe

g) Tổng hợp và lập kế hoạch yêu cầu vật tư sửa chữa bảo dưỡng xe và xét phân phối sử dụng.

4) Công an các quận, huyện:

Trên cơ sở quản lý hành nghề của ngành giao thông vận tải, Công an các quận, huyện chịu trách nhiệm đăng ký quản lý cấp biển số và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho xe.

II. – TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1) Đóng mới:

Giao thông vận tải các quận, huyện quản lý việc đóng mới xe xích lô đạp và ba gác đạp như sau:

a) Thủ tục xin phép đóng mới gồm có:

- Đơn xin phép đóng mới xe để hành nghề có phường, xã nơi cư ngụ xác nhận.

- Bản sơ yếu lý lịch.

- Bản vẽ thiết kế đóng mới (nếu có).

- Giấy chứng nhận sức khoẻ do y tế quận, huyện cấp.

b) Tập hợp yêu cầu đóng mới trình Sở Giao thông vận tải duyệt cho phép và duyệt bản vẽ thiết kế mới (nếu có)

c) Giới thiệu đóng mới theo thiết kế mẫu hay thiết kế mới và kiểm tra an toàn kỹ thuật sau khi xe xuất xưởng.

d) Giới thiệu sang Công an để đăng ký chủ quyền và cấp biển số xe.

Người xin phép đóng mới xe xích lô và ba gác đạp phải là người trực tiếp hành nghề bằng chiếc xe đó.

2) Cải tạo số xe đã có:

Tất cả các xe xích lô đạp và ba gác đạp được tập hợp vào các tổ chức vận chuyển do Giao thông vận tải quận, huyện quản lý. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng quận, huyện mà tổ chức thành tổ hợp hay hợp tác xã.

Đối với những người chủ có nhiều xe cho thuê, Sở Giao thông vận tải và Ban Cải tạo thành phố nghiên cứu đề xuất các hình thức cải tạo thích hợp.

3) Quản lý hành nghề:

a) Đăng ký hành nghề:

Những người muốn hành nghề vận tải bằng xe xích lô đạp và ba gác đạp phải đăng ký hành nghề ở Giao thông vận tải quận, huyện và nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy phép hành nghề.

Thủ tục đăng ký hành nghề gồm có:

- Đơn xin đăng ký hành nghề có địa phương chứng nhận cư trú.

- Chứng từ chủ quyền xe.

- Bản sơ yếu lý lịch của người hành nghề.

- Giấy chứng nhận sức khoẻ do y tế quận, huyện.

Đối với những người hợp tác với chủ xe chạy theo ca, phải có thêm giấy uỷ quyền sử dụng xe của chủ xe. Trường hợp cha mẹ ruột hay vợ của người đăng ký hành nghề lâu nay đã đứng tên chủ quyền xe thì giao thông vận tải các quận, huyện hướng dẫn lập lại chứng từ chủ quyền để tiện việc quản lý. Nếu do gia cảnh mà cha mẹ phải đứng tên thì chỉ xét trường hợp cá biệt.

Điều kiện để xét cho phép hành nghề xe xích lô đạp và ba gác đạp.

+ Những người lao động được chính quyền địa phương xác nhận trong đơn xin hành nghề.

+ Sức khoẻ bảo đảm, tuổi từ 18 đến 60 tuổi. Trường hợp đặc biệt sẽ xét ngoại lệ.

+ Có hộ khẩu ở thành phố.

+ Thông hiểu luật lệ giao thông có liên quan đến nghề nghiệp vận tải.

b) Tổ chức hành nghề:

Xe xích lô đạp và ba gác đạp hoạt động không cố định ở địa bàn nào của thành phố, phục vụ khách hàng rất cơ động, giá cước thu theo thoả thuận.

Do đó, trong việc tổ chức hành nghề, giao thông vận tải các quận, huyện phải thường xuyên quan hệ với ngành công an và các phường, xã để nắm tình hình, tổ chức và quản lý các bến đậu xe; đề ra nội qui rước khách để các xe thực hiện, tránh trường hợp tranh giành khách hay bắt chẹt khách để buộc đi xe giá cao.

Các tổ chức vận tải của xe xích lô đạp và ba gác đạp phải có nội quy hoạt động cụ thể.

c) Công tác quản lý:

Đối với xe hiện nay đang hoạt động, cũng như xe đóng mới sau khi được ngành giao thông vận tải các quận, huyện cấp đăng ký hành nghề, công an các quận, huyện sẽ xét cấp giấy chứng nhận chủ quyền, đóng số sườn xe và cấp biển số đăng ký.

- Sang tên xe:

Trường hợp chủ quyền xe còn là tư nhân, việc mua bán, sang nhượng phải có ý kiến của giao thông vận tải quận, huyện. Người mua xe phải bảo đảm có đủ điều kiện như những phần trên đã nêu.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 84/QĐ-UB năm 1981 về công tác quản lý xe xích lô đạp và ba gác đạp của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 84/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/05/1981
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Thành Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/05/1981
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản