Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 831/QĐ-UBND | Phú Thọ, ngày 26 tháng 3 năm 2012 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI BÁN BUÔN, BÁN LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 4801/2009/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 06/TTr-SCT ngày 11/01/2012;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1 : Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, như sau:
1 . Quan điểm và mục tiêu:
1.1. Quan điểm:
- Phát triển các mạng lưới bán buôn, bán lẻ phải phù hợp với xu hướng phát triển chung cả nước, vùng Trung du miền núi phía Bắc, thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội, với bản sắc văn hóa, tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng, thu nhập, mức sống của người tiêu dùng ở từng địa bàn, đầu tư phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại.
- Phát triển các loại hình bán buôn, bán lẻ dựa trên sự đa dạng, đồng bộ cả về loại hình tổ chức, quy môn, phương thức hoạt động cũng như về hình thức sở hữu của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.
- Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng được mục tiêu phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, đảm bảo đến năm 2020 Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ về phát triển thương mại nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữ mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu với phát triển thị trường trong tỉnh; nâng cao vai trò cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và quản lý,...
1.2. Mục tiêu phát triển:
1.2.1. Mục tiêu chung:
- Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh vừa đảm bảo nhu cầu mua bán của dân cư, vừa đảm bảo tính liên kết của hệ thống phân phối với nhiều kênh phân phối, nhiều phương thức kinh doanh, nhiều thành phần tham gia và giảm bớt các khâu trung gian tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa được mở rộng và gắn kết với các tỉnh, thành trong cả nước với thị trường khu vực và thế giới.
- Xây dựng và phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ theo hướng hiện đại dựa trên các cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phầm kinh tế trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý của Nhà nước.
- Nâng cao vai trò của ngành thương mại dịch vụ trong việc tăng giá trị tăng thêm đóng góp vào GDP của tỉnh: Thu hút lao động xã hội tạo việc làm mới; kết nối sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
1.2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán buôn bán lẻ và dịch vụ xã hội tăng bình quân 21%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015; tăng 24,1%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Giá trị tăng thêm của ngành thương mại chiếm tỷ trọng 8 - 9% GDP vào năm 2012 và 11 - 15% GDP vào năm 2020.
- Tốc độ phát triển khu vực dịch vụ bình quân/năm (tính theo GDP 13,8% giai đoạn 2011 - 2015; 12,6% giai đoạn 2016 - 2020.
- Tỷ trọng giá trị của gia tăng khối dịch vụ chiếm trong tổng GDP (giá hh) toàn nền kinh tế, năm 2010 đạt 35,6%; năm 2015 khoảng 39 ÷ 40% và năm 2020 khoảng 41 ÷ 42%.
2 . Nội dung quy hoạch:
2.1 . Định hướng phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ:
2.1.1. Định hướng phát triển mạng lưới chợ:
- Tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp tập trung của tỉnh. Cải tạo mạng lưới chợ theo hướng nâng cấp, mở rộng hoặc xây mới với các cấp độ, quy mô, tính chất và trình độ khác nhau để đan xen giữa loại hình hiện đại với truyền thống. Mạng lưới chợ trên địa bàn này phát triển và dịch chuyển theo 3 hướng nâng cấp thành các chợ trung tâm mua sắm khang trang và hiện đại, phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi); chuyển hóa một phần thành các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và di chuyển ra ngoại vi để hình thành các chợ đầu mối bán buôn. Thu hút các cửa hàng bán lẻ độc lập, cửa hàng truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể vào chuỗi cửa hàng tiện lợi.
- Tại khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh. Thực hiện các chương trình phát triển chợ nông thôn: cải tạo, nâng cấp, di dời và xây mới để bảo đảm có đủ chợ dân sinh ở các xã, các cụm xã phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của nhân dân; nâng cấp, xây mới các chợ trung tâm thị trấn, hình thành các chợ đầu mối bán buôn tại những nơi có sản xuất hàng hóa tập trung và đủ lớn, có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi, gần các trung tâm tiêu thụ. Từng bước liên kết một số cửa hàng bán lẻ độc lập thu hút các hộ kinh doanh cá thể ở các thị trấn vào chuỗi kéo dài các cửa hàng tiện lợi từ các khu vực thành thị có tầm ảnh hướng lớn.
2.1.2. Định hướng phát triển Trung tâm thương mại:
- Tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp tập trung: Phát triển các trung tâm thương mại loại I, loại II và loại III.
- Tại khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh: Trong giai đoạn quy hoạch phát triển chủ yếu là các trung tâm thương mại loại III.
2.1.3. Định hướng phát triển Trung tâm mua sắm:
Từ thực trạng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ, thì loại hình trung tâm mua sắm là phù hợp. Cấu trúc của trung tâm mua sắm bao gồm các hạt nhân là cửa hàng bách hóa, siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh, chợ... Trung tâm mua sắm có thể được xây dựng riêng hoặc phát triển từ chợ trung tâm. Loại hình này chủ yếu được bố trí ở các đô thị, cụm công nghiệp.
2.1.4. Định hướng phát triển mạng lưới siêu thị:
- Căn cứ theo cơ cấu hàng hóa, có thể phân thành siêu thị thực phẩm và siêu thị tổng hợp siêu thị chuyên doanh.
- Đối với các đô thị và khu công nghiệp tập trung: Quy hoạch cả siêu thị loại I, loại II và loại III. Đối với khu vực nông thôn và miền núi, chỉ quy hoạch các siêu thị loại II và loại III.
2.1.5. Định hướng phát triển Trung tâm logistics:
Tại Phú Thọ, có thể định hướng phát triển các Trung tâm logistics như sau: Phát triển dịch vụ logistics tại trung tâm bán buôn - nơi tập kết của nhiều loại hàng hóa phục vụ cho tiêu thụ nội địa và cho xuất khẩu. Ngoài ra, còn phát triển phục vụ mạng lưới bán buôn, bán lẻ theo cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh,...
2.2 . Phân bố mạng lưới bán buôn, bán lẻ theo địa bàn:
2.2.1. Thành phố Việt Trì (Phụ lục 1):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 24 chợ (trong đó: 1 chợ hạng I; 3 chợ hạng II; 20 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Giải tỏa 08 chợ; di dời xây dựng tại vị trí mới 02 chợ; xây dựng tại vị trí cũ 03 chợ; nâng cấp cải tạo mở rộng 11 chợ và Quy hoạch thêm 07 chợ. Như vậy, đến năm 2020, thành phố Việt Trì có 23 chợ (trong đó có: 1 chợ đầu mối nông sản tổng hợp; 1 chợ hạng I; 3 chợ hạng II và 18 chợ hạng III).
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015:
- Mở rộng trung tâm thương mại Happyland và xây dựng 06 trung tâm thương mại với tổng diện tích trên 150.000m2 tại các phường: Tiên Cát, Vân Phú (3 trung tâm thương mại); Thanh Miếu (2 trung tâm thương mại);
- Xây dựng 01 trung tâm mua sắm Phượng Lâu tại điểm dừng chân của đường Xuyên Á với diện tích 3ha trên địa bàn xã Phượng Lâu.
- Xây dựng 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp ở khu vực xã Kim Đức (tại ngã ba Đền Hùng), diện tích 13ha, quy mô hạng I.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Xây dựng 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp gắn liền với khu công nghiệp Thụy Vân, diện tích khoảng 50.000m2, quy mô hạng I.
- Xây dựng 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp gắn liền với Khu du lịch Bạch Hạc - Bến Gót (tại phường Bến Gót), diện tích khoảng 30.000 m2, quy mô hạng II.
- Xây dựng 04 trung tâm mua sắm trong các khu đô thị mới phía Tây Nam thành phố (thuộc phường Gia Cẩm); khu đô thị mới phía Đông thành phố (khu vực xã Trưng Vương - Dữu Lâu); Trung tâm thương mại tại khu Công nghiệp Thụy Vân; Trung tâm thương mại tại cụm công nghiệp Bạch Hạc, diện tích mỗi trung tâm mua sắm khoảng 50.000m2.
- Xây dựng mới 01 trạm thu mua hàng hóa gắn với kho hàng trong khu công nghiệp Thụy Vân có diện tích khoảng 50.000m2.
c) Mạng lưới kho hàng, bến bãi: dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn thành phố có 05 kho hàng, bến bãi, bao gồm:
* Giai đoạn 2011 - 2020:
- Nâng mới cảng xã Thụy Vân (80.000m2), cảng Dữu Lâu (30.000m2), bến bốc dỡ hàng hóa Hùng Lô (8.000m2).
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Nâng cấp, cải tạo kho hàng và bến bốc dỡ cảng Việt Trì (3.000m2).
- Nâng cấp, cải tạo cảng Minh Nông (20.000m2).
- Xây mới cảng Bạch Hạc (80.000m2).
2.2.2. Thị xã Phú Thọ (Phụ lục 2):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 08 chợ (trong đó: 1 chợ hạng I; 7 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; di dời xây dựng tại vị trí mới 04 chợ, xây dựng tại vị trí cũ 01 chợ, nâng cấp cải tạo mở rộng 02 chợ và quy hoạch thêm 04 chợ. Như vậy, đến năm 2020, thị xã Phú Thọ có 12 chợ, trong đó: 1 chợ hạng I và 11 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn, siêu thị:
Hiện trên địa bàn thị xã có 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp ở xã Phú Hộ, diện tích 2.000m2, quy mô hạng II và siêu thị tổng hợp tại trạm thu mua xuất khẩu, đường Cách mạng tháng Tám.
* Giai đoạn 2011 - 2015:
- Xây dựng mới 01 trung tâm thương mại tại xã Phú Hộ phục vụ cho dân cư khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phú Hà, diện tích khoảng 50.000m2, quy mô hạng I.
- Nâng cấp chợ Mè trên cơ sở vật chất chợ hiện có, xây dựng thêm khu nhà chợ A5 với diện tích 1.000 m2 và chuyển đổi công năng chợ thành Khu thương mại - dịch vụ tổng hợp (với hạt nhân là chợ), diện tích > 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng mới 01 trung tâm bán buôn lớn tại Phú Hộ (cạnh khu công nghiệp Phú Hà, cách điểm giao cắt, nút xuống của đường Xuyên Á khoảng 7 - 10 km), diện tích mặt bằng khoảng 50ha.
- Xây mới 01 siêu thị khu bách hóa tổng hợp Cty TMTH Miền núi.
2.2.3. Huyện Đoan Hùng (Phụ lục 3):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 15 chợ (trong đó: 1 chợ hạng II; 4 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Di dời xây dựng tại vị trí mới 02 chợ, di dời xây tại vị trí cũ 06 chợ, cải tạo nâng cấp 07 chợ và Quy hoạch thêm 14 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Đoan Hùng sẽ có 29 chợ, trong đó có 1 đầu mối rau quả; 1 chợ hạng II và 27 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015:
- Xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thị trấn huyện lỵ Đoan Hùng, diện tích 3.000m2, qui mô hạng II.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Nâng cấp, xây dựng cải tạo 02 chợ thị trấn Đoan Hùng và chợ Tây Cốc và chuyển đổi công năng thành 02 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp với hạt nhân là chợ, diện tích khoảng 10.000 m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng mới 02 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp trên địa bàn các xã Sóc Đăng và Ngọc Quan, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thị trấn Tây Cốc, diện tích 3.000m2, quy mô hạng II.
- Xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thị tứ Chí Đám, diện tích 3.000m2, quy mô hạng II.
c) Mạng lưới kho tàng, bến bãi: Dự kiến xây dựng mới kho tàng cảng sông Lô tại cụm công nghiệp làng nghề Sóc Đăng với diện tích 100.000 m2 vào giai đoạn 2011 - 2015 và nâng cấp mở rộng vào giai đoạn 2016 - 2020.
2.2.4. Huyện Hạ Hòa (Phụ lục 4):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 15 chợ. Trong đó: 1 chợ hạng II; 14 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Di dời xây dựng tại vị trí mới 04 chợ, xây dựng tại vị trí cũ 04 chợ, nâng cấp cải tạo mở rộng 07 chợ và Quy hoạch thêm 12 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Hạ Hòa sẽ có 27 chợ, trong đó có 02 chợ hạng II và 25 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015:
- Xây dựng mới 01 Trung tâm thương mại tại thị trấn Hạ Hòa phục vụ cho dân cư thị trấn và khách du lịch đến khu du lịch Ao Châu, diện tích khoảng 10.000 m2, quy mô hạng III.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Nâng cấp, xây dựng cải tạo chợ thị trấn Hạ Hòa và chuyển đổi công năng thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp với hạt nhân là chợ, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng mới 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp trên địa bàn xã Xuân Áng nút xuống của đường giao thông Xuyên Á, có khu công nghiệp Hạ Hòa, diện tích khoảng 30.000m2, quy mô hạng II.
- Bố trí xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp trong khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn huyện lỵ Hạ Hòa, diện tích 3.000m2, quy mô hạng II.
- Bố trí Xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp trong thương mại - dịch vụ tổng hợp tại xã Xuân Áng, diện tích 3.000m2, quy mô hạng II.
2.2.5. Huyện Thanh Ba (Phụ lục 5):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 16 chợ (trong đó: 1 chợ hạng II; 16 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Nâng cấp cải tạo mở rộng 01 chợ, xây mới tại vị trí cũ 15 chợ và Quy hoạch thêm 07 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Thanh Ba sẽ có 23 chợ; trong đó có 1 chợ hạng I và 22 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Nâng cấp, xây dựng cải tạo chợ thị trấn Thanh Ba và chuyển đổi công năng thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp với hạt nhân là chợ, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng mới 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Ninh Dân, diện tích khoảng 30.000m2, quy mô hạng II.
- Bố trí xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp trong khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn huyện lỵ Ninh Dân (bố trí tại khu vực chợ hiện nay còn khoảng > 2.000m2 chưa sử dụng), quy mô hạng II.
c) Mạng lưới kho tàng, bến bãi: Dự kiến đến 2020 trên địa bàn huyện xây mới 01 kho bãi tại xã Hoàng Cương (2.000 ÷ 3.000m2).
2.2.6. Huyện Cẩm Khê (Phụ lục 6):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 25 chợ (trong đó: 1 chợ hạng II; 24 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; di dời xây dựng tại vị trí mới 01 chợ xây dựng mới vị trí cũ 03, nâng cấp cải tạo mở rộng 21 chợ và Quy hoạch thêm 08 chợ. Như vậy đến năm 2020, huyện Cẩm Khê sẽ có 33 chợ, trong đó: có 2 chợ bán buôn thủy sản và rau quả; 2 chợ hạng II và 29 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng mới 01 trung tâm thương mại tại Phương Xá - là khu vực có nút xuống của đường giao thông Xuyên Á, diện tích khoảng 50.000m2m quy mô hạng I.
- Bố trí xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thị trấn Sông Thao và trong trung tâm thương mại tại Phương Xá, diện tích 5.000m2/siêu thị, quy mô hạng I.
* Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng mới 01 trung tâm thương mại tại thị trấn Sông Thao (khu vực mở rộng), diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng mới 04 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Sông Thao, các trung tâm cụm xã Phương Xá, Phú Lạc và Cát Trù, diện tích các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 30.000m2, quy mô hạng II.
- Bố trí xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại trung tâm cụm xã Phú Lạc và Cát Trù, diện tích 3.000m2, quy mô hạng II.
c) Khu Thương mại - dịch vụ tổng hợp: Dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 04 Khu Thương mại - dịch vụ tổng hợp hạng II, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 cải tạo, nâng cấp 02 khu là khu thương mại dịch vụ tổng hợp tại trung tâm cụm xã Phương Xá và trung tâm cụm thị trấn Sông Thao; giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng mới 02 khu là KTMDVTH tại trung tâm cụm xã Cát Trù và trung tâm cụm xã Phú Lạc.
2.2.7. Huyện Phù Ninh (Phụ lục 7)
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 19 chợ (trong đó: 1 chợ hạng II; 18 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Giải tỏa 02 chợ; di dời xây dựng tại vị trí mới 02 chợ, nâng cấp cải tạo mở rộng 15 chợ và Quy hoạch thêm 02 chợ. Như vậy, đến 2020 huyện Phù Ninh sẽ có 19 chợ, trong đó có 1 chợ hạng II và 18 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
- Xây dựng mới 01 Trung tâm thương mại tại thị trấn Phong Châu phục vụ cho dân cư thị trấn và khu vực lân cận, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III giai đoạn 2011 - 2015.
- Nâng cấp, xây dựng cải tạo chợ thị trấn (chợ Núi Bầng) và chuyển đổi công năng thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp với hạt nhân là chợ, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp gắn với khu vui chơi của thiếu nhi tại thị trấn Phong Châu, diện tích 5.000m2, quy mô hạng II; 02 siêu thị tổng hợp tại xã Phù Ninh và xã Phú Lộc (5.000m2).
- Xây dựng mới 05 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại 5 trung tâm cụm xã, bao gồm: thị tứ - trung tâm cụm xã Lệ Mỹ (các xã Trị Quận - Lệ Mỹ, Phú Mỹ và Liên Hoa); thị tứ - trung tâm cụm xã Trạm Thản (các xã Trạm Thản, Liên Hoa và Tiên Phú); thị tứ - trung tâm cụm xã Trung Giáp (các xã Trung Giáp, Bảo Thanh và Trị Quận); thị tứ - trung tâm cụm xã Gia Thanh (các xã Gia Thanh, Hạ Giáp, Tiên Du và Phú Nham) và thị tứ - trung tâm cụm xã An Đạo (các xã An Đạo, Bình Bộ và Tử Đà và Phù Ninh). Diện tích các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 30.000m2, quy mô hạng II.
c) Trạm thu mua hàng hóa: Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 sẽ xây dựng 01 trạm thu mua hàng hóa tại xã Phú Lộc với diện tích 10.000m2.
d) Mạng lưới kho tàng, bến bãi: dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ xây dựng 03 kho, bãi gồm khu vực kho, bến bãi từ cảng An Đại đến xã Tiên Du (600.000m2) khu vực kho, bến bãi An Đạo - Bình Bộ - Tử Đà (200.000m2) và khu vực kho, bến bãi bến Then (100.000m2).
2.2.8. Huyện Lâm Thao (Phụ lục 8):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 14 chợ (trong đó: 14 chợ hạng III, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Di dời xây dựng tại vị trí mới 01 chợ, xây dựng vị trí cũ 03 chợ, nâng cấp cải tạo mở rộng 10 chợ và Quy hoạch thêm 02 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Lâm Thao sẽ có 16 chợ, trong đó có 1 chợ bán buôn chuyên doanh nông sản, 1 chợ hạng II và chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng mới 01 trung tâm thương mại tại thị trấn Lâm Thao, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại hai thị trấn Lâm Thao và Hùng Sơn, diện tích các siêu thị khoảng 3.000m2, quy mô hạng II.
- Xây dựng mới 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp kết hợp với điểm dừng chân gần khu vực giao nhau của đường cao tốc Xuyên Á với QL2 tại xã Tiên Kiên, diện tích khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 20.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng mới 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị tứ - trung tâm cụm xã Tứ Xã, diện tích khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 30.000m2, quy mô hạng II.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại hai thị tứ - Trung tâm cụm xã Tứ Xã và Kinh Kệ - Hợp Hải, diện tích các siêu thị khoảng 3.000m2, quy mô hạng II.
- Xây dựng mới 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Hùng Sơn, trên cơ sở là thị trấn được xây dựng mới, diện tích khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 30.000m2, quy mô hạng II.
2.2.9. Huyện Tâm Nông (Phụ lục 9):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 14 chợ ( trong đó: 1 chợ hạng II; 13 chợ hạng III). Trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2020: Giải tỏa 01 chợ; xây mới tại vị trí cũ 11 chợ; nâng cấp cải tạo mở rộng 02 chợ và Quy hoạch thêm 02 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Tam Nông sẽ có 14 chợ, trong đó có 3 chợ hang II và 11 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng mới 01 trung tâm thương mại trong khu đô thị du lịch sinh thái, thể thao Tam Nông, diện tích khoảng 50.000m2, quy mô hạng I.
- Xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp trong khu đô thị du lịch sinh thái, thể thao Tam Nông, diện tích các siêu thị khoảng 5.000m2, quy mô hạng I.
- Xây dựng mới 02 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Hưng Hóa và xã Cổ Tiết, diện tích các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 30.000m2, quy mô hạng II.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp trong hai khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại hai thị trấn Hưng Hóa và Vạn Xuân, diện tích các siêu thị khoảng 3.000m2, quy mô hạng II.
2.2.10. Huyện Thanh Thủy (Phụ lục 10):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 14 chợ (trong đó: có 1 chợ hạng II; 13 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: Nâng cấp cải tạo mở rộng 06 chợ, xây dựng tại vị trí cũ là 08 chợ và Quy hoạch thêm 01 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Thanh Thủy sẽ có 15 chợ, trong đó có 1 chợ bán buôn chuyên doanh hàng nông sản, 1 chợ hạng II và 13 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng mới 02 trung tâm thương mại bao gồm: Trung tâm thương mại tại xã La Phù, diện tích 30.000m2, quy mô hạng II và Trung tâm thương mại tại xã Hoàng Xá, diện tích khoảng 20.000m2, quy mô hạng II.
- Xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại hai xã Hoàng Xá và La Phù, diện tích các siêu thị khoảng 1.000m2 (dành quĩ đất 3.000m2), quy mô hạng III.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
Xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại hai xã Yến Mao và Bảo Yên, diện tích các siêu thị khoảng 3.000m2, quy mô hạng II.
- Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất và mặt hàng kinh doanh của 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại hai xã Hoàng Xá và La Phù, diện tích các siêu thị khoảng 3.000m2, đạt quy mô hạng II.
c) Trạm thu mua hàng hóa: dự kiến đến năm 2015 trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 02 trạm thu mua hàng hóa tại trung tâm thị trấn Thanh Thủy và xã Hoàng Xá với diện tích tương ứng là 25.000m2 và 15.000m2.
d) Khu Thương mại - dịch vụ tổng hợp: Dự kiến đến năm 2020 huyện sẽ xây dựng mới 03 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại: Khu công nghiệp Trung Hà (xã Xuân Lộc) 30.000m2; thị trấn Thanh Thủy 25.000m2; xã Đồng Luận 20.000m2.
2.2.11. Huyện Yên Lập (Phụ lục 11):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 15 chợ (trong đó: 1 chợ hạng II; 14 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: nâng cấp cải tạo mở rộng 15 chợ và Quy hoạch thêm 02 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Yên Lập sẽ có 17 chợ, trong đó có 1 chợ hạng II và 16 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng mới 02 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Yên Lập (hạng II, diện tích 30.000m2) và trung tâm xã Lương Sơn (15.000m2) nhằm phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa, dịch vụ của dân cư thị trấn, cụm công nghiệp.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thị trấn Yên Lập và trung tâm cụm xã Lương Sơn diện tich khoảng 1.000m2/siêu thị, quy mô hạng 3.
- Xây dựng mới 04 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại trung tâm xã Xuân Thủy; trung tâm xã Minh Hòa; trung tâm xã Ngọc Lập và trung tâm xã Trung Sơn (diện tích mỗi khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 15.000m2).
2.2.12. Huyện Thanh Sơn (Phụ lục 12):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 20 chợ (trong đó: 1 chợ hạng II; 19 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: di dời xây dựng tại vị trí mới 01 chợ, xây dựng tại vị trí cũ 10 chợ, nâng cấp cải tạo mở rộng 07 chợ, chuyển đổi công năng 02 chợ, quy hoạch mới 04 chợ. Như vậy, đến năm 2020 huyện Thanh Sơn sẽ có 22 chợ, trong đó có 02 chợ hạng II và 20 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Nâng cấp, mở rộng diện tích, cải tạo 02 chợ thị trấn là chợ Vàng và chợ Hùng Nhĩ (tại ngã tư Hùng Nhĩ) và chuyển đổi công năng thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp với hạt nhân là chợ, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Xây dựng mới 02 trung tâm thương mại tại Phố Vàng (thị trấn Thanh Sơn) và khu 3 Mỏ (thị trấn Thanh Sơn).
- Xây dựng mới 04 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại 04 thị tứ - trung tâm cụm xã được hình thành trong thời gian tới là: Văn Miếu, Cự Đồng, Khả Cửu và Hương Cần, diện tích các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
- Bố trí xây dựng 02 siêu thị kinh doanh tổng hợp trong 02 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Thanh Sơn, diện tích 1.000m2, quy mô hạng III.
2.2.13. Huyện Tân Sơn (Phụ lục 13):
a) Mạng lưới Chợ: Hiện có 13 chợ (trong đó: có 13 chợ hạng III). Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020: nâng cấp cải tạo mở rộng 09 chợ, xây dựng tại vị trí cũ 04 chợ và Quy hoạch thêm 05 chợ. Như vậy, đến năm 2020, huyện Tân Sơn sẽ có 18 chợ, trong đó có 1 chợ bán buôn chuyên doanh hàng nông sản và 17 chợ hạng III.
b) Mạng lưới trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm, siêu thị:
* Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng mới 01 trung tâm thương mại tại thị tứ Thu Cúc, diện tích 18.700m2, quy mô hạng III.
* Giai đoạn 2016 - 2020:
- Bố trí xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại khu vực trung tâm huyện Tân Sơn, diện tích 1.000m2, quy mô hạng III.
- Nâng cấp, mở rộng diện tích, cải tạo chợ trung tâm huyện và chuyển đổi công năng thành khu thương mại - dịch vụ tổng hợp với hạt nhân là chợ, diện tích khoảng 10.000m2, quy mô hạng III.
3 . Nhu cầu sử dụng đất:
Theo tính toán của quy hoạch theo không gian, nhu cầu sử dụng đất tối thiểu để phát triển các công trình thương mại là 3.358.060m2, trong đó phân theo các loại hình như sau:
- Nhu cầu sử dụng đất cho mạng lưới chợ: 569.560m2.
- Nhu cầu sử dụng đất cho các trung tâm bán buôn: 1.000.000m2.
- Nhu cầu sử dụng đất cho mạng lưới trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm: 568.700m2.
- Nhu cầu sử dụng đất cho mạng lưới siêu thị: 188.800m2.
- Nhu cầu sử dụng đất cho mạng lưới khu thương mại - dịch vụ tổng hợp: 1.010.000 m2.
- Nhu cầu sử dụng đất cho hệ thống kho tàng, bến bãi: 21.000m2.
4 . Nhu cầu về vốn:
Trong thời kỳ đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng thương mại phục vụ phát triển hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cần khoảng 3.750 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2011 - 2015 = 1.500 tỷ đồng
- Giai đoạn 2016 - 2020 - 2.250 tỷ đồng
5 . Giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ trên địa bàn.
- Huy động doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động bán buôn, bán lẻ. Doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng bán buôn, bán lẻ thì được giao quản lý, kinh doanh.
- Dành quỹ đất hợp lý thuận tiện cho việc kinh doanh đối với các thành phần kinh
tế đầu tư vào mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
5.2. Giải pháp tạo nguồn hàng cung ứng chất lượng, ổn định cho mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh:
a) Phát triển nguồn cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản:
- Hình thành các vùng sản xuất cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong tỉnh và làm nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn. Mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây thực phẩm, ứng dụng các tiến bộ về công nghệ sinh học, từng bước thực hiện một nền nông nghiệp sạch.
- Liên kết trao đổi, lưu thông hàng hóa với các địa phương lân cận để tạo phong phú nguồn hàng.
b) Phát triển nguồn cung ứng các mặt hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:
Hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề... để sản xuất để cung ứng các mặt hàng cho hoạt động bán buôn, bán lẻ như:
- Đan lát xuất khẩu: Phát triển các làng nghề đan lát xuất khẩu với chất liệu sử dụng chính là mây tre giang đan tại các địa phương. Hình thành các cơ sở làm đầu mối phát triển thị trường và tham gia xuất khẩu...
- Sản xuất và chế biến chè: Khuyến khích các cơ sở chế biến chè xuất khẩu đang có thị trường ổn định, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và công suất chế biến.
- Chế biền mì, miến, bún, bánh: Ưu tiên phát triển tại các vùng cận cùng nguyên liệu và gần thị trường tiêu thụ.
- Chế biến rau quả: Phát triển các nhà sơ chế, bảo quản ngay tại vùng nguyên liệu như chuối, bưởi, hồng, khoai tây, kiệu, bưởi Đoan Hùng, hồng Hạc Trì...
- Sản xuất mành dệt: Duy trì và mở rộng trung tâm sản xuất mành dệt tại thành phố Việt Trì, huyện Đoan Hùng và nhân cấy nghề ra các huyện lân cận.
- Cơ khí nhỏ: Phát triển tại mỗi huyện lỵ, thị trấn từ 1 - 2 cơ sở làm nòng cốt cho sản xuất cơ khí nhỏ, dịch vụ sửa chữa cơ khí, hỗ trợ cơ giới hóa cho các khâu trong sản xuất nông nghiệp và trong xây dựng và dân dụng.
- Hàng thủ công mỹ nghệ. Phát triển sản phẩm sơn mài, mộc mỹ nghệ, phát triển các nghề mới như đúc đồng...
- Sản xuất đồ gỗ: Phát triển các cơ sở sản xuất gỗ, đi sâu vào phát triển các sản phẩm gỗ thủ công sử dụng gỗ rừng trồng.
5.3. Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh:
a) Đối với công tác tổ chức, quản lý các loại hình bán buôn, bán lẻ:
- Xây dựng và ban hành nội quy mẫu đối với từng loại hình bán buôn, bán lẻ sao cho vừa phù hợp với thực tiễn phát triển kinh doanh trên địa bàn tỉnh, vừa phù hợp với các quy định của các ngành liên quan.
- Từng bước thay đổi mô hình tổ chức quản lý loại hình bán buôn, bán lẻ truyền thống (chợ) như hiện nay theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Trước mắt, thực hiện thí điểm chuyển quản lý chợ theo mô hình Ban quản lý chợ sang quản lý theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ, sau đó nhân rộng ra các chợ khác.
b) Đối với công tác quản lý, khai thác cơ sở vật chất của hệ thống bán buôn, bán lẻ:
- Qui định rõ các phương thức khai thác cơ sở vật chất của hệ thống bán buôn, bán lẻ phù hợp với các đối tượng tham gia để đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư cũng như đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
- Bán quyền sử dụng diện tích kinh doanh trong cơ sở bán buôn, bán lẻ trong thời gian tương đối dài.
- Cho thuê diện tích kinh doanh trong các cơ sở của hệ thống bán buôn, bán lẻ theo từng năm.
- Cho thuê diện tích kinh doanh trong hệ thống bán buôn, bán lẻ theo tháng, quý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi buôn lậu, gan lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời tổ chức, phát huy quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng tỉnh.
5.4. Giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ:
a) Lựa chọn loại hình hoạt động phù hợp:
Nhận diện đặc điểm loại hình, thị trường và cơ hội hướng tới sự lựa chọn loại hình của khách hàng để định hướng phát triển loại hình bán buôn, bán lẻ cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương trong tỉnh như loại hình trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp, loại hình cửa hàng tiện lợi, hệ thống dịch vụ logisstcs, hệ thống chợ.
b) Tăng cường áp ựng phương thức bán hàng qua mạng (thương mại điện tử):
- Tham gia thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử là để thuận tiện cho việc tiến hành các giao dịch trực tuyến.
- Kết nối giữa người mua và người bán để có thể trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác qua những không gian điện tử.
5.5. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực:
- Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đào tạo đội ngũ lao động trong doanh nghiệp có đủ kiến thức kinh doanh, ngoài chuyên môn, cần chú trọng kiến thức về an toàn phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường, an toàn lao động.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác liên doanh, các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở đại lý... để nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở kinh doanh. Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh, khu vực...
- Hàng năm có kế hoạch mở các lớp đào tạo với nhiều hình thức để có đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, kinh doanh đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới.
5.6. Giải pháp bảo vệ môi trường của mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ:
- Xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động thương mại gây ra: Ô nhiễm tại các loại hình thương mại bán lẻ (trong đó ô nhiễm tại các chợ cần đặc biệt quan tâm), ô nhiễm do hoạt đông vận chuyển, lưu giữ hàng hóa (nội địa và xuất nhập khẩu)...
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng và hoàn thiện các quy định có liên quan đến bảo vệ môi trường chung trên địa bàn tỉnh cũng như đối với các hoạt động thương mại.
- Thực hiện các quy chế kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong chuỗi cung ứng hàng hóa, thực hiện các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi và các cơ sở vi phạm.
- Tuyên truyền để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng, người kinh doanh; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật liên quan tới các tiêu chuẩn môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những sản phẩm có ảnh hưởng tới môi trường.
5.7. Giải pháp về công tác phòng cháy chữa cháy:
- Tuyên truyền và triển khai về Luật phòng cháy, chữa cháy tới mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên kiểm tra giám sát việc đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy cho các công trình bán buôn, bán lẻ mới xây dựng và các công trình đang hoạt động nhất là các công trình trong hệ thống chợ.
- Hướng dẫn việc bố trí hàng hóa trong hệ thống bán buôn, bán lẻ để phù hợp với công tác phòng cháy, chữa cháy khi có hoả hoạn xảy ra.
Điều 2 . Tổ chức thực hiện:
1. Sở Công thương có trách nhiệm: Công bố công khai quy hoạch; tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức quản lý nhà nước về mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ loại I, trung tâm thương mại, siêu thị...); phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch, chủ trì phối hợp cùng các ngành, các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư hợp lý cho nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thương mại phục vụ phát triển hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm: Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành các quy định khung giá hay mức phí cho thuê hoặc bán điểm kinh doanh có thời hạn kinh doanh của mỗi loại hình bán buôn, bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,...
4. Sở Giao thông vận tải có trách nhiện: Triển khai hoặc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Giao thông của tỉnh, tạo điều kiện cho phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa trên thị trường.
5. Sở Xây dựng có trách nhiệm: Thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng công trình, thẩm định về quy hoạch xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác của tỉnh trong thời kỳ từ nay đến năm 2020.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Quản lý về đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện sử dụng đất của các dự án theo quy định hiện hành.
7. Sở Y tế có trách nhiệm: Phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm với các Sở, ban ngành có liên quan để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.
8. UBND các huyện, thị có trách nhiệm:
- Cần xác định cụ thể kế hoạch đầu tư, xây dựng nâng cấp mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thời kỳ đến 2020, trong đó xác định rõ nguồn vốn đầu tư.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra và lập lại trật tự về môi trường, vệ sinh và an toàn thực phẩm tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn, trực tiếp xử lý các vi phạm đã và đang xảy ra. Giao trách nhiệm cụ thể cho các doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ; ban quản lý hoặc tổ chức quản lý thực hiện việc quản lý, đảm bảo về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên tại các cơ sở.
- Việc thiết kế xây dựng các cơ sở nhất thiết phải chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước, rác thải...
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các cơ quan: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thực hiện.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 5058/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 5981/QĐ-UBND năm 2012 điều chỉnh phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 4Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020
- 5Quyết định 1559/QĐ-UBND năm 2016 về Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, định hướng 2030
- 1Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 99/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 4801/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
- 5Quyết định 5058/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 6Quyết định 5981/QĐ-UBND năm 2012 điều chỉnh phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 7Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 8Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020
- 9Quyết định 1559/QĐ-UBND năm 2016 về Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, định hướng 2030
Quyết định 831/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
- Số hiệu: 831/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/03/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Người ký: Phạm Quang Thao
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/04/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra