Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1559/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 09 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI BÁN BUÔN, BÁN LẺ SẢN PHẨM THUỐC LÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ngày 18/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá;

Căn cứ ý kiến thống nhất của Lãnh đạo UBND tỉnh tại Hội nghị thông qua 03 dự án quy hoạch: Khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá và sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh ngày 15/3/2016;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 130/TTr-SCT ngày 14 tháng 4 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm quy hoạch:

Mạng lưới kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá được quy hoạch trên cơ sở sắp xếp, phân bố lại mạng lưới thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá; lựa chọn, tập trung đầu mối, không phát triển dàn trải.

Mạng lưới kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá được quy hoạch theo hướng ngày càng hệ thống, đồng bộ, chuyên nghiệp, gắn kết/phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh, góp phần hạn chế kinh doanh các sản phẩm thuốc lá và hạn chế tiêu dùng; tạo tiền đề nhằm kiểm soát được các sản phẩm thuốc lá bán ra thị trường, hạn chế buôn bán các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá kém chất lượng.

Mạng lưới kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá được quy hoạch trên cơ sở phát triển thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ theo hướng nâng cao năng lực cung ứng và đảm bảo tuân thủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của nhà nước.

Mạng lưới kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá được quy hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển các loại hình kinh doanh sản phẩm thuốc lá hiện đại; kết hợp kinh doanh sản phẩm thuốc lá với kinh doanh một số sản phẩm có điều kiện khác, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của thương nhân và hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng và sắp xếp lại mạng lưới thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá đồng bộ, hợp lý để kiểm soát, hạn chế kinh doanh tự phát, kinh doanh không giấy phép nhằm đảm bảo chất lượng, giá cả sản phẩm thuốc lá bán ra thị trường, qua đó góp phần tích cực vào việc phòng, chống tác hại thuốc lá và bảo vệ quyền lợi của mọi thành phần tham gia mua bán sản phẩm thuốc lá, nhất là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cuối cùng.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020:

 + Tiếp tục cấp phép đối với các thương nhân kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá đang hoạt động và thương nhân bán lẻ mới có nhu cầu tham gia thị trường bán lẻ thuốc lá có đủ các điều kiện cấp phép theo quy định.

+ 100% các cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn có giấy phép đăng ký kinh doanh.

+ Số thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá được cấp tối đa là 22; số thương nhân bản lẻ sản phẩm thuốc lá được cấp tối đa là 4.684; kiềm chế được mức tiêu thụ thuốc lá trung bình xuống còn 60 bao/người/năm.

- Định hướng đến năm 2030:

Tiếp tục sắp xếp lại số lượng thương nhân tham gia bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trong giai đoạn trước để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý đặt ra trong thời kỳ. Trong đó, ưu tiên khuyến khích và hỗ trợ các thương nhân không vi phạm các quy định về kinh doanh sản phẩm thuốc lá đầu tư nâng cấp các cơ sở kinh doanh theo hướng hiện đại; duy trì việc cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá chỉ cho các thương nhân đủ điều kiện.

3. Định hướng mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá:

a) Đối với thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá

Định hướng trong ba năm đầu của thời kỳ quy hoạch (từ nay đến năm 2018), cần tiếp tục cấp giấy phép cho thương nhân bán buôn đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành. Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở xem xét hiệu quả hoạt động của các thương nhân bán buôn và sự phát triển tương thích với mạng lưới thương nhân bán lẻ để điều chỉnh theo hướng giảm dần đầu mối nhưng tập trung về số lượng và chất lượng hàng hoá cung ứng cho giai đoạn sau. Cùng với đó, cơ cấu lại mạng lưới bán buôn sản phẩm thuốc lá theo một trình tự ưu tiên mang tầm chiến lược, đồng thời bám sát theo sự vận động nhu cầu của thương nhân bán lẻ cũng như khả năng và điều kiện phát triển thực tế tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

b) Đối với thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Định hướng trong ba năm đầu của thời kỳ quy hoạch (từ nay đến năm 2018), cần tiếp tục cấp phép cho các thương nhân đang kinh doanh sản phẩm thuốc lá đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Trong giai đoạn tiếp theo, hạn chế cấp mới giấy phép cho các thương nhân mới kinh doanh sản phẩm thuốc lá, xem xét hiệu quả hoạt động của các thương nhân để điều chỉnh theo hướng không tăng nhanh về số lượng thương nhân bán lẻ để tập trung về số lượng và chất lượng. Tiếp đến, cơ cấu lại mạng lưới thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá theo hướng không phát triển dàn trải và kiểm soát được thị trường.

4. Nội dung của quy hoạch

4.1. Chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá

a) Đối với thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá;

- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;

- Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên) - Là đơn vị trực thuộc hệ thống kinh doanh của nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của doanh nghiệp phân phối sản phẩm thuốc lá; có hợp đồng và văn bản giới thiệu của nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của doanh nghiệp phân phối sản phẩm thuốc lá;

- Có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu tổng diện tích phải từ 50 m2 trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo quản chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian lưu kho;

- Có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 01 xe có tải trọng từ 500kg trở lên); đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian vận chuyển;

- Có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy xác nhận của ngân hàng, tối thiểu 01 tỷ đồng trở lên);

- Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

- Có kinh nghiệm, khả năng xâm nhập thị trường để kinh doanh mặt hàng thuốc lá (thường là thương nhân đã kinh doanh sản phẩm thuốc lá hoặc mặt hàng tiêu dùng khác).

b) Đối với thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá:

- Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá;

- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; địa điểm kinh doanh không được gần cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế, phường thị trấn trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó;

- Diện tích điểm kinh doanh tối thiểu phải từ 3m2 (đối với điểm chuyên kinh doanh thuốc lá có diện tích tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên; đối với điểm kinh doanh tổng hợp trong đó phải có diện tích tối thiểu dành riêng cho thuốc lá từ 0,5 m2 trở lên);

- Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá;

- Phù hợp với quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá do UBND tỉnh phê duyệt /Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc công bố.

c) Số lượng thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá:

- Số lượng thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá được xác định trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc không quá một thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá trên năm mươi nghìn (50.000) người dân.

- Số lượng thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được xác định trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo nguyên tắc không quá một thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá trên ba trăm (300) người dân.

4.2. Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá

a) Quy hoạch mạng lưới bán buôn sản phẩm thuốc lá: Số lượng thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá tối đa trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020 là 22.

b) Quy hoạch mạng lưới bán lẻ sản phẩm thuốc lá: Số lượng thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá tối đa trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020 là 4.684. Trong đó, Thành phố Vĩnh Yên có tối đa 531 giấy phép, Thị xã Phúc Yên có tối đa 607 giấy phép, huyện Lập Thạch có tối đa 437 giấy phép, huyện Tam Dương có tối đa 619 giấy phép, huyện Tam Đảo có tối đa 358 giấy phép, huyện Bình Xuyên có tối đa 541 giấy phép, huyện Yên Lạc có tối đa 537 giấy phép, huyện Vĩnh Tường có tối đa 712 giấy phép, huyện Sông Lô có tối đa 335 giấy phép.

Số lượng thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuôc lá tối đa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Bán buôn sản phẩm thuốc lá

Bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Đã cấp phép đến hết năm 2014

2020

Đã cấp phép đến hết năm 2014

2020

1

TP. Vĩnh Yên

7

22

55

531

2

TX. Phúc Yên

48

607

3

H. Lập Thạch

23

443

4

H. Tam Dương

7

619

5

H. Tam Đảo

50

358

6

H. Bình Xuyên

11

541

7

H. Yên Lạc

19

537

8

H. Vĩnh Tường

9

712

9

H. Sông Lô

0

335

 

Tổng

222

4.684

5. Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất và vốn đầu tư đến năm 2020.

+ Nhu cầu sử dụng đất: Diện tích đất sử dụng tối thiểu trung bình dự kiến là 15.000 m2, trong đó diện tích điểm bán lẻ sản phẩm thuốc lá tối thiểu là 14.000m2 (nếu tính trung bình mỗi điểm bình quân tối thiểu 3m2/điểm, diện tích đất sử dụng làm kho 1.000m2.

+ Nhu cầu vốn đầu tư: Căn cứ thực tế mức vốn đầu tư trung bình để đầu tư cho một điểm kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá 10-15 triệu đồng/điểm, năng lực tài chính khoảng 1.000 triệu đồng/thương nhân bán buôn. Dự tính mức đầu tư tối thiểu theo số lượng thương nhân phát triển tối đa sẽ vào khoảng 92.000 triệu đồng.

6. Giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm thuốc lá của cơ quan quản lý nhà nước:

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin và truyền thông

Thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá trên báo, đài phát thanh, truyền hình và trong các cuộc mít tinh, diễu hành trong các dịp lễ, tết. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá hàng năm từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 5.

Ban hành các quy định, tài liệu giảng dạy về phòng chống tác hại của thuốc lá; triển khai giảng dạy và tổ chức các cuộc vận động phòng chống tác hại của thuốc lá trong hệ thống các trường học.

Phổ biến kịp thời các văn bản pháp lý về sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh sản phẩm thuốc lá cho thương nhân đang hoạt động trên địa bàn, trên cơ sở đó tăng cường chỉ đạo, giám sát việc chấp hành của thương nhân ; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

Tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép với các hoạt động giáo dục sức khỏe tại địa phương, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên và thông qua các hoạt động giáo dục trong trường học.

Gắn các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cộng đồng.

Tuyên truyền và tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân dân về tác hại của thuốc lá và cách cai nghiện thuốc lá.

- Quản lý chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại và các hình thức tài trợ

Cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, kể cả việc sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng của các sản phẩm thuốc lá với các sản phẩm và các dịch vụ không liên quan đến thuốc lá.

Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện cấm quảng cáo, tiếp thị, tặng quà đối với các sản phẩm thuốc lá của các điểm kinh doanh.

Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động tiếp thị, kể cả việc sử dụng hệ thống tiếp viên để chào hàng, in nhãn, mác quảng cáo trên các phương tiện vận chuyển. Thực hiện nghiêm pháp luật về Thương mại, trong đó quy định cấm khuyến mại bằng thuốc lá và các hình thức tiếp thị tương tự đối với trẻ em dưới 18 tuổi của thương nhân bán buôn và bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

Cấm các tổ chức nhận tài trợ của các thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có gắn với việc quảng cáo thuốc lá.

- Quản lý chặt chẽ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước

Định kỳ sáu (6) tháng : thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh về Sở Công Thương Vĩnh Phúc; thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh về Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng trên địa bàn các huyện (gọi chung là Phòng Công Thương).

Trong quá trình kinh doanh, nếu chấm dứt hợp đồng mua bán với thương nhân đã đăng ký hay điều chỉnh (tăng, giảm) địa bàn kinh doanh đối với thương nhân thuộc hệ thống của doanh nghiệp, phải báo cáo về Sở Công Thương, phòng Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính để làm thủ tục rút, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá. Sở Công Thương, Phòng Công Thương căn cứ vào tình hình thực tế đó để điều chỉnh, cấp bổ sung cho thương nhân khác khi cần thiết.

b) Phát triển loại hình kinh doanh sản phẩm thuốc lá theo phương thức mới:

- Thương nhân bán lẻ chủ động bám sát thị trường, tìm hiểu xu hướng kinh doanh mặt hàng thuốc lá như kết hợp kinh doanh sản phẩm thuốc lá với một số mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác như: rượu bia, xổ số, báo chí… nhằm tăng hiệu quả hoạt động đầu tư.

- Cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá kinh doanh một số mặt hàng có điều kiện khác; khuyến khích phát triển thương nhân bán lẻ là doanh nghiệp tham gia kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

- Khuyến khích tạo điều kiện cấp phép đối với những thương nhân bán buôn, bán lẻ có điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá không nằm trong diện tích nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện khác theo quy định.

c) Đẩy mạnh công tác phối hợp của các cơ quan liên quan:

- Với các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá đã được cấp phép, Sở Công Thương, Phòng Công Thương các huyện, thị xã cùng với cơ quan quản lý thị trường và các ban ngành liên quan phối hợp rà soát và kiểm tra thường xuyên để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng thuốc lá. Với các điểm kinh doanh được cấp phép mà kinh doanh thuốc lá nhập lậu, ngoài chấp hành xử phạt hành chính theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP tùy vào mức độ cụ thể có thể sẽ bị đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh.

- Tăng cường kiểm tra, nhất là ở các khu du lịch có cửa hàng, nhà hàng khách sạn để kiểm soát việc bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá kém chất lượng.

d) Chính sách hỗ trợ các thương nhân, cơ sở kinh doanh đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo đúng quy định hiện hành:

Hỗ trợ các thương nhân bán buôn, bán lẻ trong việc đảm bảo thực hiện yêu cầu về điều kiện tham gia kinh doanh sản phẩm thuốc lá và các yêu cầu tối thiểu về mặt bằng, thiết bị kỹ thuật, nhà kho.

Hỗ trợ các thương nhân bán buôn, bán lẻ thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ quý/hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với các thương nhân bán buôn lâu năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nếu có nhu cầu thuê kho để chứa sản phẩm thuốc lá thì xem xét áp dụng cơ chế: giảm tiền thuế sử dụng đất, miễn tiền thuê đất trong khoảng thời gian nhất định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tham mưu giám sát thực hiện, phổ biến quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch; tham mưu triển khai các giải pháp kiểm soát chặt mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

- Theo dõi, quản lý và tham gia ý kiến đối với thiết kế xây dựng hệ thống kho, điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá; đảm bảo phát triển hệ thống kinh doanh sản phẩm thuốc lá phù hợp theo quy hoạch chung và các quy hoạch phát triển thương mại, đô thị... trên địa bàn.

- Thực hiện việc xem xét, thẩm định các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật.

- Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, chủ trì tham mưu kế hoạch lộ trình phải đầu tư nâng cấp, di dời, giải tỏa các kho, các điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá không phù hợp với quy hoạch, không đủ điều kiện về địa điểm kinh doanh, không được cấp phép, làm mất trật tự cảnh quan, vi phạm an toàn giao thông, xây dựng trái phép.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn thẩm định các thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân bán buôn, bán lẻ cho các đơn vị kinh doanh sản phẩm thuốc lá dựa trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và các quy định của pháp luật.

3. Sở Tài chính: Hướng dẫn các cơ sở mua bán sản phẩm thuốc lá thực hiện chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp khi có yêu cầu; phối hợp các cơ quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán của các doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4. Công an tỉnh: Quản lý nhà nước về An ninh trật tự đối với các cơ sở sản xuất, bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá. Chỉ đạo lực lượng công an trong tỉnh chủ động phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện các quy định về An ninh trật tự tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá theo quy định của pháp luật, đồng thời phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các hành vi nhập lậu và kinh doanh, sử dụng thuốc lá trái pháp luật hiện hành.

5. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy:

- Thẩm duyệt thiết kế về PCCC và nghiệm thu về mặt PCCC các nhà kho, điểm kinh doanh sau khi thi công xong đưa vào hoạt động. Tổ chức hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC đối với thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá trong quá trình hoạt động.

- Chủ trì phối hợp các đơn vị lập kế hoạch ứng cứu sự cố tại các kho, điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

6. Sở Xây dựng: Xem xét, góp ý địa điểm đầu tư, thẩm tra hồ sơ thiết kế và cấp giấy phép xây dựng công trình (kho, điểm kinh doanh) kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

7. Sở Y tế: Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế và cán bộ công tác xã hội để kịp thời phát hiện, thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tác hại của thuốc lá; khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn cai nghiện thuốc lá, nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá; tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

8. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị, thành phố:

- Tăng cường phối hợp với các sở, ngành trong quá trình thực hiện quy hoạch và quản lý mạng lưới kinh doanh các sản phẩm thuốc lá trên địa bàn quản lý.

- Quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng kho, điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn và chỉ cấp phép xây dựng cho thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá đúng theo quy hoạch. Hàng năm báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương) về việc thực hiện quy hoạch mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn mình quản lý; xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước của thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn.

- Hàng năm tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh thuốc lá không phù hợp báo cáo Sở Công Thương trình các cấp có thẩm quyền.

9. Trách nhiệm của các thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá:

- Nghiêm chỉnh thực hiện “Quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc lá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh và các quy định khác có liên quan.

- Định kỳ 06 (sáu) tháng thương nhân bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá báo cáo tình hình kinh doanh về các cơ quan quản lý nhà nước của huyện, thị xã thành phố hoặc cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

- Thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

- Chấp hành các yêu cầu hướng dẫn của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm thuốc lá. Đặc biệt, thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hỏa hoạn, huấn luyện về kỹ thuật an toàn cháy nổ cho cán bộ nhân viên.

10. Trách nhiệm các cơ quan Thông tin, Tuyên truyền của tỉnh: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng và việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với việc kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các tổ chức, cá nhân và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thực hiện./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Duy Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1559/QĐ-UBND năm 2016 về Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, định hướng 2030

  • Số hiệu: 1559/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Lê Duy Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản