Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 82/2005/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI; CHỐNG SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ VÀ KINH DOANH TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
- Căn cứ Quyết định số 96-CP ngày 18/02/1995 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép”;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội tại Tờ trình 907/TT-STM-QLTT ngày 12/5/2005.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất buôn bán hàng giả và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố Hà Nội”

Điều 2: Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 968/QĐ-UB ngày 14/3/1996 của Uỷ ban nhân dân Thành phố “về ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố Hà Nội trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép”.

Điều 3: Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Quận Huyện và các cơ quan, đoàn thể khác có liên quan nêu tại bản Quy chế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Quang

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI CHỐNG SẢN XUẤT BUÔN BÁN HÀNG GIẢ VÀ KINH DOANH TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, số 82/2005/QĐ-UB ngày 03 tháng 6 năm 2005)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế này quy định những nguyên tắc, trách nhiệm, và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các Sở, Ban, Ngành, Thành phố, UBND các quận huyện, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng (gọi chung là các cơ quan quản lý Nhà nước) và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội Luật gia Việt Nam, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp, các tổ chức sở hữu trí tuệ... (gọi chung là các đoàn thể quần chúng) trong công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, trốn lậu thuế và các hành vi kinh doanh trái phép khác (gọi chung là công tác quản lý thị trường) trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

- Ban Chỉ đạo 127 Thành phố là cơ quan trực tiếp giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu gian lận thương mại, chống sản xuất buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép và thực hiện quy chế này trên địa bàn Thành phố.

- Sở Thương mại Hà Nội (Chi cục quản lý thị trường) là cơ quan chủ trì phối hợp lực lượng trong công tác quản lý thị trường theo quy chế này.

Điều 2: Công tác quản lý thị trường là một nhiệm vụ quan trọng, được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm mục đích xây dựng thị trường lành mạnh, tạo điều kiện bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật được coi là một biện pháp quan trọng phòng ngừa vi phạm trong công tác quản lý thị trường.

Điều 3: Theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thị trường trong phạm vi ngành và địa phương mình, nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước về quản lý thị trường.

Theo thẩm quyền và phạm vi được phân cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức (hoặc phối hợp với các đoàn thể quần chúng) làm tốt các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật trong thương nhân và nhân dân, đồng thời điều tra phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hoạt động buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép, kiến nghị với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý những vụ, việc có dấu hiệu tội phạm.

Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp thuộc Thành phố là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về những vi phạm pháp luật xảy ra trong ngành, địa phương mình.

Điều 4: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm chủ động tổ chức phối hợp hoạt động với các cơ quan, đơn vị hữu quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố.

Việc phối hợp được tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu của công tác quản lý thị trường theo từng lĩnh vực, chuyên đề, hoặc vụ việc trong từng thời gian, địa bàn cụ thể.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG THUỘC THÀNH PHỐ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Điều 5: Quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý thị trường trên địa bàn Thành phố như sau:

5.1/ Sở Thương mại Hà Nội: có trách nhiệm giúp UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn Thành phố bao gồm các lĩnh vực: lưu thông hàng hoá trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử, quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành thương mại trên địa bàn Thành phố; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân Thành phố và theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức (hoặc phối hợp với các đoàn thể quần chúng tổ chức) làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thương nhân; tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Uỷ ban nhân dân Thành phố; giúp Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp Thành phố trong công tác quản lý thị trường theo quy chế này.

5.2/ Công an Thành phố: có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng Công an từ Thành phố đến Quận, huyện, Xã, Phường tổ chức trinh sát, điều tra, phát hiện và xử lý theo Pháp luật các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép, chủ yếu là đối với các vụ việc lớn, có tổ chức, đường dây, ổ nhóm, có dấu hiệu phạm tội; đồng thời tham gia phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng thuộc các ngành, các cấp khi có yêu cầu để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép.

- Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố: Trực tiếp bắt giữ, xử lý lái xe và phương tiện vận tải vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý các loại xe mô tô ba bánh không có biển số, lưu hành trái phép, vận chuyển hàng hoá phạm pháp.

Chỉ đạo các Đội cảnh sát giao thông bố trí lực lượng phối hợp, hỗ trợ kịp thời các lực lượng chức năng khác dừng các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hoá phạm pháp để kiểm tra, bắt giữ khi có nhu cầu, theo quy định của Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

5.3/ Cục Hải quan Hà Nội: có trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vụ buôn lậu, hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua các cửa khẩu nhất là đối với các hàng hoá cấm kinh doanh và cấm xuất nhập khẩu; đồng thời phối hợp cung cấp thông tin, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước Thành phố điều tra các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua cửa khẩu đã lọt vào nội địa khi có yêu cầu.

5.4/ Cục Thuế Hà Nội: có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chống các hành vi gian lận thương mại; tổ chức sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc các ngành, các cấp Thành phố cung cấp thông tin, tiến hành kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác chống thất thu thuế và các khoản thu ngân sách khác, xử lý các hành vi vi phạm luật thuế.

5.5/ Sở Văn hoá thông tin Hà Nội: có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường văn hoá phẩm, dịch vụ văn hoá nghệ thuật, in ấn, xuất bản và quảng cáo, đặt biển hiệu; tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố kiểm tra và xử lý các hành vi về buôn lậu, kinh doanh và lưu hành trái phép các sản phẩm văn hoá và dịch vụ văn hoá nghệ thuật; in ấn, xuất bản, quảng cáo, đặt biển hiệu trái phép.

5.6/ Sở Y tế Hà Nội: có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý các hoạt động hành nghề kinh doanh dược phẩm, dược liệu và dịch vụ y tế bảo vệ sức khoẻ trên địa bàn Thành phố; tổ chức kiểm tra, thanh tra, hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng có chức năng liên quan thuộc các ngành, các cấp kiểm tra xử lý các hành vi buôn lậu và kinh doanh trái phép về dược phẩm, dược liệu và dịch vụ y tế.

Chỉ đạo Thanh tra y tế và các Trung tâm y tế dự phòng kiểm tra tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.

5.7/ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về sản xuất gia công, vận chuyển, buôn bán, làm dịch vụ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và kiểm dịch động vật ra vào Thành phố. Tổ chức kiểm tra, hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh trái phép các hàng hoá và dịch vụ nói trên.

5.8/ Chi cục Kiểm lâm: có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, kiểm soát các hoạt động về sản xuất, chế biến, vận chuyển gỗ và các loại lâm sản, thực vật, động vật rừng quý hiếm; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh trái phép các hàng hoá nói trên.

5.9/ Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Thành phố: có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ về vàng, bạc, đá quý, tiền tệ; tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng có chức năng liên quan kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu và kinh doanh, dịch vụ trái phép vàng bạc, đá quý và ngoại tệ.

5.10/ Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội: có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, dịch vụ, về dụng cụ đo lường, nhãn hiệu hàng hoá, sở hữu công nghiệp; tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, về phương tiện, dụng cụ đo lường, về nhãn hiệu hàng hoá và về vệ sinh môi trường đối với các đối tượng kinh doanh và dịch vụ trên thị trường.

5.11/ Bộ Chỉ huy Quân sự Thành Phố Hà Nội: có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị và quân nhân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước về chống buôn lậu và kinh doanh trái phép; tổ chức kiểm tra thanh tra đối với các đơn vị quân đội để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu và kinh doanh trái phép xảy ra trong các đơn vị quân đội hoặc liên quan đến quân đội, đồng thời phối hợp, chi viện lực lượng với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia bắt giữ các vụ việc buôn lậu và kinh doanh trái phép khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

5.12/ Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Quận, Huyện:

Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Quận, Huyện tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố, Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện xử lý các vụ việc vi phạm thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân Thành phố và Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện.

Phối hợp, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố trong kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý thị trường.

5.13/ Sở Tài chính Hà Nội và Phòng Tài chính các Quận, Huyện: Có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Thành phố, Quận, Huyện tổ chức xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, trích lập quỹ chống buôn lậu, Quỹ chống hàng giả theo đúng các quy định của Nhà nước và của Uỷ ban nhân dân Thành phố.

Điều 6: Các đoàn thể quần chúng có trách nhiệm: tuyên truyền hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng trong tổ chức và vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý thị trường.

Điều 7: Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện có trách nhiệm:

7.1/ Tổ chức chỉ đạo công tác quản lý thị trường trên địa bàn Quận, Huyện: thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của Uỷ ban nhân dân Thành phố về công tác quản lý thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường ổn định và phát triển.

7.2/ Chỉ đạo và tổ chức sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Quận, Huyện; phối hợp với các lực lượng thuộc các Ngành của Thành phố đóng trên địa bàn thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong việc chấp hành pháp luật về quản lý thị trường; phát hiện và ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép theo thẩm quyền.

7.3/ Kịp thời kiến nghị với Uỷ ban nhân dân Thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy chế, các biện pháp có liên quan đến công tác quản lý thị trường.

Chương III

TỔ CHỨC SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Điều 8: Theo yêu cầu cụ thể trong từng thời gian, trên từng địa bàn về công tác quản lý thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố và các Quận, Huyện chủ động xác lập mối quan hệ, tổ chức lực lượng phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, bảo đảm cho công tác điều tra, phát hiện, kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép trên địa bàn Thành phố có hiệu quả và đúng pháp luật. Nội dung và phương pháp tổ chức phối hợp như sau;

8.1/ Phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp công tác quản lý thị trường theo ngành, lĩnh vực và địa bàn. Những vấn đề có liên quan đến các cơ quan, ngành, hoặc địa phương khác thì trong khi xây dựng phương án kế hoạch phải có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với các cơ quan đó trước khi quyết định theo thẩm quyền, hoặc trình cấp trên quyết định, phê duyệt.

8.2/ Phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp về hành chính, kinh tế, tuyên truyền giáo dục để đẩy mạnh công tác quản lý thị trường trên địa bàn Thành phố và từng Quận, Huyện.

8.3/ Phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa các ngành, các lực lượng của Thành phố với các Quận, Huyện; giữa các Quận, Huyện về tình hình thị trường, các đối tượng, hành vi, thủ đoạn buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép.

8.4/ Phối hợp chỉ đạo, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật... theo yêu cầu của liên ngành Thành phố và Quận, Huyện để tham gia thực hiện công tác điều tra, phát hiện, kiểm tra, bắt giữ và xử lý các vụ việc về buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép theo đợt công tác, hoặc từng chuyên đề, vụ việc kiểm tra.

- Việc tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành theo chuyên đề phải căn cứ vào phương án, chương trình kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kết thúc mỗi chuyên đề công tác đều có sơ kết rút kinh nghiệm cho lần sau.

Đối với những đợt công tác tập trung lớn phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố và những vụ việc xét thấy có tính chất phức tạp thì mời Viện kiểm sát nhân dân (Thành phố, quận, huyện) cử cán bộ tham gia để giám sát việc chấp hành pháp luật.

Cán bộ được cử tham gia biệt phái trong Lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành theo chuyên đề do cơ quan chủ trì đợt kiểm tra trực tiếp quản lý và điều động cho đến khi kết thúc đợt công tác.

- Việc tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành để kiểm tra và xử lý theo từng vụ việc phải căn cứ vào nguồn thông tin và công tác điều tra của lực lượng từng ngành (Thành phố, quận, huyện) và phải do người có thẩm quyền của cơ quan chủ trì kiểm tra yêu cầu phối hợp bằng văn bản.

Nghiêm cấm các cán bộ không có thẩm quyền tự ý tổ chức sự phối hợp các lực lượng để tiến hành kiểm tra, kiểm soát trái pháp luật và trái với quy chế này, hoặc để thực hiện các hành vi tiêu cực khác.

8.5/ Phối hợp hoặc tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện các biện pháp cưỡng chế chấp hành đối với các đối tượng có hành vi vi phạm theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại điều 66 và điều 67 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 16 tháng 7 năm 2002.

Điều 9: Thẩm quyền tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành trong công tác quản lý thị trường theo quy chế này như sau:

9.1/ Đối với từng đợt công tác tập trung hoặc triển khai công tác theo từng chuyên đề và vụ việc cần huy động lực lượng và phương tiện phối hợp kiểm tra với quy mô lớn:

- Trên phạm vi toàn thành phố: do Trưởng Ban chỉ đạo 127 Thành phố quyết định.

Tuỳ theo tính chất từng chuyên đề, vụ việc, Trưởng Ban chỉ đạo 127 Thành phố sẽ giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các Sở, Ngành nói tại điều 5 quy chế này chủ trì, tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành.

- Trên địa bàn Quận, Huyện: do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện quyết định huy động lực lượng phối hợp kiểm tra.

Tùy theo tính chất từng chuyên đề Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện sẽ giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các lực lượng chức năng trên địa bàn chủ trì, tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành.

9.2/ Ngoài những trường hợp tổ chức huy động lực lượng phối hợp nói trên, Thủ trưởng các đơn vị chức năng dưới đây được quyền yêu cầu sự phối hợp, đồng thời được huy động người và phương tiện thuộc đơn vị mình trực tiếp quản lý để tham gia phối hợp lực lượng kiểm tra thị trường và xử lý theo từng vụ việc cụ thể:

- Giám đốc các Sở chuyên ngành có chức năng quản lý thị trường;

- Giám đốc Công an Thành phố;

- Trưởng các phòng có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường thuộc Công an Thành phố;

- Trưởng công an Quận, Huyện;

- Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường;

- Đội trưởng các Đội quản lý thị trường;

- Chánh thanh tra chuyên ngành: Sở Y tế, Sở Văn hoá Thông tin;

- Chánh thanh tra Sở Khoa học công nghệ;

- Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;

- Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Chi cục trưởng: Chi cục Thú y, Chi cục bảo vệ thực vật;

- Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm nhân dân;

- Cục trưởng Cục thuế Thành phố;

- Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận, Huyện;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Trưởng công an Phường, Xã, Thị trấn.

Điều 10: Phạm vi trách nhiệm trong tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành quản lý thị trường trong phạm vi Thành phố được thực hiện như sau:

10.1/ Thủ trưởng đơn vị tổ chức kiểm tra, hoặc chủ trì tổ chức lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành có trách nhiệm:

- Phải đảm bảo về tính pháp lý và trình tự thủ tục đối với các vụ việc tiến hành kiểm tra.

- Chịu trách nhiệm về chi phí trong quá trình tổ chức kiểm tra theo quy định hiện hành.

- Phải thống nhất bằng văn bản với đơn vị phối hợp kiểm tra về kết luận hành vi vi phạm và mức độ xử lý trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

10.2/ Các lực lượng có chức năng kiểm tra chuyên ngành, hoặc lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành của Thành phố có trách nhiệm và được quyền kiểm tra đối với các đối tượng kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn toàn Thành phố. Nhưng kiểm tra vụ việc tại địa bàn Quận, Huyện nào thì khi bắt đầu tiến hành kiểm tra phải thông báo cho người phụ trách lực lượng chuyên ngành quản lý địa bàn biết để phối hợp lực lượng khi có yêu cầu.

10.3/ Các lực lượng có chức năng kiểm tra chuyên ngành, hoặc lực lượng kiểm tra phối hợp liên ngành thuộc Quận, Huyện nào thì chỉ được quyền kiểm tra trong phạm vi ranh giới hành chính thuộc quận huyện ấy; những trường hợp vụ việc kiểm tra phát sinh từ Quận, Huyện này cần truy xét tiếp tại địa bàn Quận, Huyện khác thì phải có sự liên hệ, thông báo kịp thời cho người phụ trách lực lượng chuyên ngành quản lý địa bàn biết để kịp thời hỗ trợ, hoặc phối hợp kiểm tra và xử lý.

10.4/ Trên một địa bàn trong cùng một thời điểm, một đối tượng kinh doanh đang có đơn vị kiểm tra và chưa có kết luận xử lý thì đơn vị kiểm tra khác không đến kiểm tra tiếp. Trường hợp có nguồn tin trinh sát phát hiện hành vi phạm ngoài nội dung đang được kiểm tra thì thông tin cho đơn vị đang kiểm tra biết để kiểm tra không bỏ sót hành vi vi phạm.

Trường hợp vụ việc đã có quyết định xử lý của đơn vị kiểm tra trước, nhưng nay phát hiện đương sự có vi phạm mới phát sinh hoặc tái phạm thì đơn vị kiểm tra sau chỉ kiểm tra hành vi mới phát sinh hoặc tái phạm.

Quá trình kiểm tra, nếu thấy có liên quan đến vụ việc đã được kiểm tra và kết luận thì dựa vào tài liệu đã kiểm tra để xem xét và chỉ yêu cầu người bị kiểm tra báo cáo thêm những vấn đề chưa rõ. Trường hợp phát hiện những hành vi vi phạm mà lần kiểm tra trước chưa được kết luận hoặc xử lý không đúng quy định của Pháp luật thì tiếp tục việc kiểm tra, xử lý.

Chương IV

TỔ CHỨC SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỚI CÁC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Điều 11: Cơ quan quản lý nhà nước được giao triển khai một chủ trương lớn về quản lý thị trường phải lập kế hoạch triển khai, hoặc phối hợp với các đoàn thể quần chúng trên địa bàn triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho các đối tượng được kiểm tra và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân Thủ đô.

Các đoàn thể quần chúng có trách nhiệm phổ biến và phối hợp với các cơ quan nhà nước phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý thị trường trong tổ chức, đoàn thể của mình và trong nhân dân địa phương.

Chương V

TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Điều 12: Ban Chỉ đạo 127 Thành phố là cơ quan thường trực giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo công tác quản lý thị trường và thực hiện quy chế này trên địa bàn Thành phố.

12.1/ Theo dõi, đôn đốc các ngành các cấp thuộc Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý thị trường.

12.2/ Được yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành, các cấp, cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình thị trường và công tác quản lý thị trường để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố.

12.3/ Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan nhà nước, thông báo với các cơ quan liên quan để có các biện pháp cần thiết bổ khuyết, chấn chỉnh những lệch lạc, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời, trong chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường. Nếu những kiến nghị không được các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan chấp thuận thì phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định.

12.4/ Định kỳ tổ chức việc sơ kết, tổng kết công tác quản lý thị trường trên địa bàn Thành phố.

Điều 13: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định và Quy chế này, Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng của Thành phố và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Quận, huyện có trách nhiệm:

13.1/ Phân công một đồng chí lãnh đạo (Phó giám đốc Sở, Ngành, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện) tham gia Ban Chỉ đạo 127/TP; cử cán bộ có trách nhiệm tham gia Bộ phận thường trực giúp việc theo Quyết định của Ban chỉ đạo 127 Thành phố.

Thành lập Ban Chỉ đạo 127 của Ngành, địa phương giúp Giám đốc Sở, Ngành, Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường đồng thời làm đầu mối quan hệ với thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 127 Thành phố về công tác này.

13.2/ Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác quản lý thị trường trong Ngành và Quận, Huyện mình quản lý.

13.3/ Tổ chức sự phối hợp công tác với các ngành, các cấp trong từng thời gian và trên từng địa bàn khi có nhu cầu, theo quy chế này.

13.4/ Thực hiện chế độ thông tin báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình thị trường và kết quả công tác quản lý thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả; kinh doanh trái phép của Ngành, Quận, Huyện với Ban Chỉ đạo 127/TP, Sở Thương mại Hà Nội để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ Thương mại.

Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, điều chỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 82/2005/QĐ-UB về quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; chống sản xuất, buôn bán hàng giả và kinh doanh trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 82/2005/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/06/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thế Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản