Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 48/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 10 tháng 01 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀ CHỐNG BUÔN LẬU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được HĐNN công bố ngày 11/7/1989;

Căn cứ Nghị định số 398-HĐBT ngày 6/12/91 v/v tổ chức chỉ đạo quản lý thị trường;

Căn cứ vào tình hình và yêu cầu nhiệm vụ quản lý thị trường, chống hàng gian, hàng giả, chống hàng hóa nhập lậu trên địa bàn Tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay thành lập Ban chỉ đạo Quản lý thị trường và chống buôn lậu Tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất Ban công tác đặc nhiệm và Ban chỉ đạo QLTT của Tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND Tỉnh AG.

Điều 2. Ở các huyện biên giới và Thị xã Long Xuyên được phép thành lập Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu thuộc cấp mình, các huyện còn lại không thành lập Ban chỉ đạo mà chỉ Chủ tịch UBND Huyện trực tiếp chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện công tác QLTT và chống buôn lậu.

Điều 3. Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu Tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo công tác QLTT, chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác trên địa bàn Tỉnh An Giang.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu Tỉnh được quy định như sau:

A. NHIỆM VỤ:

1. Tổ chức phối hợp liên ngành, nghiên cứu và đề xuất các chủ trương kế hoạch biện pháp chung về quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại và du lịch trên thị trường của Tỉnh.

2. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các đoàn thể quần chúng, phổ biến và vận động quần chúng tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về QLTT, chống đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác.

3. Trực tiếp chỉ đạo, hoặc tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra một số vụ việc trọng điểm về đầu cơ buôn lậu, kinh doanh hàng giả và kinh doanh trái phép khác trên địa bàn của Tỉnh.

4. Thường xuyên thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn công tác và trao đổi kinh nghiệm công tác QLTT và chống buôn lậu với Ban chỉ đạo QLTT và UBND các huyện, thị.

Định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh kết quả và những vấn đề cần xử lý trong công tác QLTT và chống buôn lậu.

5. Ngoài các nhiệm vụ trên, Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu của các huyện, thị biên giới còn có trách nhiệm tổ chức phối hợp với các lực lượng tại biên giới, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chận, bảo đảm an ninh biên giới, quản lý cột mốc, đường biên, xây dựng mối quan hệ lành mạnh hữu nghị giữa nhân dân và chính quyền hai bên biên giới.

B. QUYỀN HẠN:

1. Được yêu cầu các tổ chức và cá nhân kinh doanh, các cơ quan, đoàn thể và lực lượng vũ trang cung cấp các thông tin, tư liệu cần thiết cho công tác QLTT, chống đầu cơ buôn lậu, kinh doanh trái phép.

2. Tổ chức kiểm tra mọi thành phần kinh tế trên địa bàn của Tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường và kiến nghị các ngành có trách nhiệm thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa hoặc xử lý các trường hợp vi phạm.

Quyết định xử phạt hành chính hoặc chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật đối với những vụ vi phạm có tính chất phức tạp hoặc đòi hỏi phải phối hợp nhiều lực lượng để kiểm tra.

Xem xét để kiến nghị cơ quan hữu quan giải quyết lại hoặc để trình Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định việc xử lý những vụ đầu cơ buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả và kinh doanh trái phép khác mà thủ trưởng ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị đã xử lý nhưng chưa thỏa đáng hoặc có sự khiếu nại.

3. Trong trường hợp khẩn cấp theo lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh được yêu cầu các cơ quan, đoàn thể (kể cả quân đội và công an) điều động lực lượng và phương tiện để kịp thời ngăn chận có hiệu quả những vụ đầu cơ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả.

Điều 5. Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu gồm có trưởng Ban, 1 hoặc 2 Phó trưởng ban và một số ủy viên kiêm nhiệm.

Trưởng Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu của Tỉnh là Phó chủ tịch UBND Tỉnh, các Phó trưởng Ban và các ủy viên của Ban là các Chánh, Phó Giám đốc các cơ quan: Thương Mại và Du lịch, Tài chính, Thuế, công an, Hải quan, Tỉnh Đội, Viện kiểm sát nhân dân.

Trưởng Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu của huyện, thị là Chủ tịch UBND huyện, thị (các huyện không thành lập BCĐ, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo công tác QLTT và chống buôn lậu), Phó trưởng Ban và ủy viên là Trưởng phó phòng chức năng: Thương nghiệp, Thuế, Công an, Tài chính của huyện, thị.

Điều 6. Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu của tỉnh có bộ máy văn phòng làm việc gọn nhẹ (gồm các cán bộ, chuyên viên chuyên trách giúp việc cho BCĐ); được sử dụng con dấu như dấu của Sở; được mở tài khoản tại Ngân hàng.

Đối với cấp huyện, thị không tổ chức bộ máy như BCĐ QLTT và chống buôn lậu của tỉnh và không sử dụng con dấu riêng. Riêng các huyện biên giới và thị xã Long Xuyên có 1 cán bộ chuyên trách.

Điều 7. Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu tỉnh được tổ chức đội KTTT trực thuộc mình để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa… trên thị trường của tỉnh.

Đội kiểm tra thị trường của tỉnh và huyện, thị do Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu tỉnh trực tiếp tổ chức và quản lý theo đúng nội dung QĐ 48-QLTT.TW ngày 28/1/92 của Trưởng Ban chỉ đạo QLTT TW và QĐ 49/QĐ.UB ngày 25/1/92 của Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang.

Điều 8. Cán bộ, nhân viên của Ban chỉ đạo QLTT và chống buôn lậu và các Đội kiểm tra thị trường Tỉnh, Huyện là viên chức Nhà nước được tuyển chọn kỹ lưỡng, nắm vững chính sách, pháp luật, hiểu biết về nghiệp vụ, có sức khỏe, được tin cậy về chính trị và đạo đức, được cấp trang phục và phù hiệu thống nhất theo quy định của Ban chỉ đạo QLTT TW, được trang bị các phương tiện cần thiết để làm nhiệm vụ, nếu bị thương hoặc bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì được hưởng chính sách như thương binh liệt sĩ.

Điều 9. Toàn bộ kinh phí hoạt động của Ban và các Đội kiểm tra thị trường Tỉnh, Huyện, Thị kể cả tiền lương và phụ cấp đều do ngân sách Nhà nước cấp. Mọi khoản thu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xử lý về QLTT và chống buôn lậu đều nộp vào ngân sách Nhà nước. Việc trích thưởng cho những người có công trong việc thực hiện nhiệm vụ phải theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 10. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được thay thế cho các quyết định trước đây về tổ chức Ban chỉ đạo QLTT và Ban công tác đặc nhiệm của Tỉnh An Giang.

Điều 11. Ông Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo QLTT, Ban công tác đặc nhiệm của Tỉnh, Thủ trưởng các Sở ban ngành và Chủ tịch UBND các Huyện, Thị chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH




Trương Công Thận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 48/QĐ.UB năm 1992 về tổ chức chỉ đạo quản lý thị trường chống buôn lậu do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 48/QĐ.UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/01/1992
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Trương Công Thận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản