Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
82/2003/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 05 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH “QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT DỊCH SARS TẠI CỘNG ĐỒNG” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Thực hiện Chỉ thị số 11/2003/CT-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút (SARS) ;
Nhằm chủ động ngăn ngừa, phòng chống dịch SARS xâm nhập thành phố Hồ Chí Minh và khi có trường hợp nhiễm SARS xâm nhập, sẽ phát hiện, bao vây kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan dịch tại thành phố, bảo vệ sức khỏe cộng đồng ;
Xét đề nghị của Sở Y tế (Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút thành phố) tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 12/5/2003 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt động giám sát dịch SARS tại cộng đồng” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : | KT. CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT DỊCH SARS TẠI CỘNG ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 82/2003/QĐ-UB ngày 20 tháng 5 năm 2003 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1:
ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT
Điều 1.- Đối tượng giám sát :
1.1. Người nhập cảnh Việt Nam từ các vùng có dịch SARS, cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài theo danh sách do Sở Y tế thành phố thông báo.
1.2. Người cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh có tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh SARS.
Điều 2.- Cấp độ giám sát :
Các đối tượng giám sát được phân thành hai cấp độ giám sát, tùy theo vùng dịch :
2.1. Giám sát cấp 1 : Người được giám sát sẽ được theo dõi y tế trong thời hạn 10 ngày theo nội dung quy định của ngành Y tế.
Giám sát cấp 1 được thực hiện đối với người nhập cảnh từ các vùng dịch nhẹ được quy định ở điều 1 và đối với người có tiếp xúc thông thường với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh SARS.
2.2. Giám sát cấp 2 : Người được giám sát sẽ được cách ly tại nơi cư trú trong thời hạn 10 ngày để theo dõi y tế theo nội dung quy định của ngành Y tế.
Giám sát cấp 2 được thực hiện đối với người nhập cảnh từ các vùng dịch nặng được quy định ở điều 1 và đối với người có tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh SARS.
Chương 2:
HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT DỊCH TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều 3.- Hoạt động giám sát dịch tại cộng đồng bao gồm :
3.1. Lập danh sách các đối tượng thuộc diện giám sát;
3.2. Tổ chức giám sát người có nguy cơ nhiễm bệnh tại cộng đồng;
3.3. Thực hiện cưỡng chế cách ly đối với người không tuân thủ các quy định giám sát;
3.4. Thực hiện các biện pháp can thiệp phòng chống dịch tại cộng đồng;
3.5. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống dịch SARS tại cộng đồng.
Điều 4.- Lập danh sách các đối tượng thuộc diện giám sát :
4.1. Danh sách các đối tượng giám sát được lập trên cơ sở tập hợp từ nhiều nguồn :
4.1.1. Do Sở Y tế cung cấp mỗi ngày qua các phương tiện liên lạc (chuyển file, Fax, điện thoại…) ;
4.1.2. Do Ủy ban nhân dân các quận-huyện thu thập qua thủ tục đăng ký tạm trú (đối với người nước ngoài) và thủ tục khai báo sức khoẻ tại Trạm Y tế phường-xã (đối với người Việt Nam).
4.2. Danh sách được cập nhật mỗi ngày theo cả hai chiều : Ủy ban nhân dân quận-huyện gởi Sở Y tế trước 16 giờ và Sở Y tế tổng hợp từ báo cáo của các quận-huyện và nhiều nguồn khác, gởi lại Ủy ban nhân dân quận-huyện trước 10 giờ sáng hôm sau. Trong trường hợp khẩn cấp hơn, Sở Y tế sẽ chuyển ngay thông tin cần thiết cho Ủy ban nhân dân quận-huyện.
Điều 5.- Tổ chức giám sát người có nguy cơ nhiễm bệnh tại cộng đồng :
5.1. Mỗi người được giám sát sẽ được cung cấp một tờ hướng dẫn thực hiện các biện pháp giám sát theo cấp độ giám sát thích hợp và phải ký vào một tờ cam kết thực hiện đúng các quy định giám sát đã xem (bằng tiếng Anh, tiếng Hoa cho người nước ngoài). Đối với người thuộc diện giám sát cấp 2, cơ quan y tế sẽ cung cấp khẩu trang (mỗi ngày một khẩu trang trong 10 ngày) và trong trường hợp cần thiết sẽ cung cấp khẩu trang cho những người có nhu cầu tiếp xúc với người được cách ly.
5.2. Mỗi ngày người được giám sát, cách ly phải báo cáo tình trạng sức khỏe của mình cho Trạm y tế phường-xã nơi cư trú. Nội dung báo cáo bao gồm : kết quả đo thân nhiệt ; những người đã tiếp xúc (với đối tượng thuộc diện giám sát cách ly cấp 2) hoặc những nơi đã tiếp xúc có đông người (đối với diện giám sát cấp 1).
5.2.1. Nếu người được giám sát cư trú tại nhà riêng : nhân viên y tế ghi nhận kết quả giám sát bằng tiếp xúc tại nhà hoặc qua điện thoại ;
5.2.2. Nếu người được giám sát cư trú tại khu nhà ở của cơ quan, xí nghiệp… cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm ghi nhận kết quả giám sát và nhân viên y tế sẽ tiếp xúc trực tiếp với cơ quan, xí nghiệp hoặc qua điện thoại để lấy báo cáo kết quả giám sát mỗi ngày ;
5.2.3. Nếu người được giám sát cư trú tại khách sạn, nhân viên khách sạn có trách nhiệm ghi nhận kết quả giám sát và nhân viên y tế sẽ tiếp xúc trực tiếp với khách sạn hoặc qua điện thoại để lấy báo cáo kết quả giám sát mỗi ngày ;
5.2.4. Cơ quan y tế của các cơ quan, xí nghiệp, khách sạn… có trách nhiệm hỗ trợ việc đo thân nhiệt cho người được giám sát. Trong trường hợp cần thiết, Trạm y tế phường xã sẽ hỗ trợ nhiệt kế để đo thân nhiệt cho người được giám sát.
5.3. Thông tin về kết quả giám sát cũng được báo cáo về Sở Y tế mỗi ngày tương tự như việc thiết lập danh sách.
5.4. Trong thời hạn giám sát, nếu người được giám sát có dấu hiệu bệnh nghi ngờ SARS (sốt, ho...) thì chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (số 190 Bến Hàm Tử, quận 5) bằng phương tiện cá nhân ; bệnh nhân và người chuyển bệnh đều phải mang khẩu trang trong suốt tuyến đường chuyển bệnh.
5.5. Khi hết thời hạn giám sát, Trạm y tế thông báo cho người được giám sát và gia đình họ biết đã hết thời kỳ giám sát, người được giám sát trở lại mọi sinh hoạt bình thường.
Điều 6.- Thực hiện cưỡng chế cách ly đối với người không tuân thủ các quy định giám sát :
Những người thuộc diện giám sát cấp 1 và cấp 2 nếu không tuân thủ nghiêm các quy định của ngành y tế sẽ đưa vào diện cưỡng chế cách ly tập trung. Ủy ban nhân dân quận-huyện báo cáo danh sách người cần cưỡng chế cách ly để Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Điều 7.- Thực hiện các biện pháp can thiệp phòng chống dịch tại cộng đồng :
Trường hợp có bệnh nhân được bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chẩn đoán nghi ngờ hoặc có thể bị nhiễm SARS và Trung tâm y tế dự phòng thành phố quyết định thực hiện các biện pháp can thiệp phòng chống dịch tại cộng đồng, Ủy ban nhân dân quận-huyện và phường-xã có trách nhiệm :
1. Khẩn trương phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng thành phố lập danh sách, địa chỉ cư trú và làm việc của tất cả những người có tiếp xúc với đối tượng trong khoảng 1 tuần lễ trước ngày đối tượng phát bệnh để đưa vào diện giám sát cấp 1 hoặc cấp 2.
2. Thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát với các đối tượng này, nhất là người thuộc diện giám sát cấp 2.
3. Phối hợp và hỗ trợ Trung tâm y tế dự phòng thành phố và Đội y tế dự phòng quận-huyện thực hiện xử lý thanh khiết môi trường cư trú và làm việc của đối tượng ; vận động, hướng dẫn và hỗ trợ gia đình đối tượng thực hiện tổng vệ sinh nhà ở, phòng ở với các chất sát trùng thông thường (nước Javel, chloramine B…).
Điều 8.- Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông tại cộng đồng :
Bên cạnh các hoạt động thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cần tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục tại cộng đồng với sự tham gia của Chính quyền và các đoàn thể địa phương nhằm giúp người dân hiểu rõ tình hình dịch và các hoạt động phòng chống dịch đang được thực hiện tại địa phương (nhất là ở các khu vực dân cư có triển khai các biện pháp can thiệp cụ thể) để người dân (nhất là người trong diện giám sát dịch) hiểu rõ, bình tĩnh, an tâm, đồng tình và tích cực tham gia thực hiện tốt các quy định giám sát dịch, không có hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bệnh, người trong diện giám sát và gia đình họ. Tuyệt đối không làm cho nhân dân hoang mang hoặc gây xáo trộn cuộc sống của người dân một cách không cần thiết.
Chương 3:
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.- Ủy ban nhân dân các quận huyện :
9.1. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virút của quận-huyện và phường-xã, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban với sự tham gia của lãnh đạo các ngành y tế (thường trực), Công an, Văn hóa-Thông tin, Phòng Tài chính, Hội Chữ thập đỏ và một số đoàn thể. Ban Chỉ đạo từng quận-huyện và phường-xã phải xây dựng quy chế phân công và phối hợp thực hiện nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên.
9.2. Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm giám sát đối với mọi người có nguy cơ nhiễm bệnh đang cư trú trên địa bàn quận-huyện. Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của quận-huyện chịu trách nhiệm xử lý mọi tình huống phản ứng nhanh trên địa bàn quận-huyện và cử một cán bộ chịu trách nhiệm thường trực thông tin liên lạc với Sở Y tế trong việc thiết lập danh sách đối tượng giám sát và thông tin về kết quả giám sát các đối tượng.
9.3. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch SARS theo quy định. Lập kế hoạch kinh phí và tổ chức mua sắm các vật tư phương tiện cần thiết cho hoạt động phòng chống dịch, nhất là trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ.
Điều 10.- Sở Y tế :
10.1. Thiết lập hệ thống thu thập thông tin về người nhập cảnh cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp thông tin kịp thời cho Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các ngành liên quan thực hiện các hoạt động giám sát phòng chống dịch.
10.2. Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng và mạng lưới y tế dự phòng thành phố thực hiện các quy định giám sát, xử lý thanh trùng khi có chỉ định.
10.3. Tổng hợp kế hoạch và dự trù kinh phí cần thiết cho công tác giám sát dịch tại cộng đồng từ các quận-huyện và sở-ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
10.4. Thực hiện mua sắm, phân phối và hỗ trợ các quận-huyện, sở-ngành các trang thiết bị cần thiết phục vụ giám sát dịch tại cộng đồng.
Điều 11.- Sở Du lịch :
11.1. Cung cấp danh sách khách du lịch từ vùng dịch SARS nhập cảnh trong ngày cho ngành y tế.
11.2. Chỉ đạo ngưng các tour du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đến các vùng dịch và ngược lại. Chỉ đạo các cơ sở du lịch phải báo cáo ngay khi phát hiện có khách du lịch đến từ vùng dịch hoặc có khách du lịch có các dấu hiệu bệnh SARS.
11.3. Chỉ đạo các khách sạn, nhà nghỉ… chủ động báo ngay cho Trạm y tế phường nơi trú đóng khi có khách vào cư trú thuộc diện phải giám sát phòng chống dịch để được xem xét đưa vào diện giám sát. Khi có khách thuộc diện giám sát, các khách sạn, nhà nghỉ… có trách nhiệm phối hợp với Trạm y tế phường-xã và chính quyền địa phương giám sát tốt khách theo đúng quy định.
Điều 12.- Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp :
12.1. Lập danh sách cán bộ nhân viên trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trở về từ các vùng có dịch, thông báo cho Sở Y tế để đưa vào danh sách giám sát.
12.2. Phối hợp với chính quyền địa phương, Trạm y tế địa phương thực hiện việc giám sát theo đúng quy định.
Điều 13.- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị :
Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, trường học... phải thông báo ngay cho Trạm Y tế phường-xã nơi trú đóng khi có cán bộ, nhân viên của đơn vị trở về từ vùng có dịch và chịu trách nhiệm giám sát cán bộ, nhân viên của mình thực hiện các biện pháp giám sát theo đúng quy định của ngành y tế.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.- Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình yêu cầu công tác, Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm nghiên cứu, đều xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 4419/2005/QĐ-BYT thành lập các Tiểu ban trực thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn số 7942TC/TCT ngày 1/08/2003 của Bộ Tài chính về việc giải pháp giúp ngành du lịch khắc phục hậu quả dịch SARS
- 3Chỉ thị 11/2003/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virut (SARS) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 82/2003/QĐ-UB ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động giám sát dịch SARS tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 82/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/05/2003
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Tài
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra