Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 800/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 09 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN DẬP DỊCH CHÂU CHẤU TRE LƯNG VÀNG HẠI RỪNG VẦU, NỨA VÀ CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP BẰNG MÁY ĐỘNG CƠ PHUN THUỐC DẠNG KHÓI NĂM 2017 TẠI HUYỆN NA RÌ VÀ NGÂN SƠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số: 2033/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017;

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25/11/2013;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 63/TTr-SNN ngày 05 tháng 6 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án dập dịch châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, nứa và cây trồng nông nghiệp bằng máy động cơ phun thuốc dạng khói, năm 2017 tại huyện Na Rì và Ngân Sơn theo nội dung chi tiết đính kèm.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các huyện tổ chức thực hiện Phương án dập dịch châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, nứa và cây trồng nông nghiệp bằng sử dụng máy động cơ phun thuốc dạng khói, năm 2017 tại huyện Na Rì và Ngân Sơn theo đúng nội dung được phê duyệt và quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Ngân Sơn và Na Rì và các Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đỗ Thị Minh Hoa

 

PHƯƠNG ÁN

DẬP DỊCH CHÂU CHẤU TRE LƯNG VÀNG HẠI RỪNG VẦU, NỨA VÀ CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP BẰNG MÁY ĐỘNG CƠ PHUN THUỐC DẠNG KHÓI NĂM 2017 TẠI HUYỆN NA RÌ VÀ NGÂN SƠN
(Kèm theo Quyết định số: 800/QĐ-UBND ngày 09/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

I. TÌNH HÌNH DỊCH CHÂU CHẤU TRE LƯNG VÀNG

Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 4 năm 2017, châu chấu tre lưng vàng bắt đầu nở tại các xã Thượng Quan, Bằng Vân, Thuần Mang huyện Ngân Sơn và các xã Vũ Loan, Lương Thành, Lương Thượng, Kim Hỷ, Lạng San, Văn Học huyện Na Rì, mật độ châu chấu phổ biến từ 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ có điểm lên đến trên 10.000 con/m2. Ngoài ra, châu chấu còn xuất hiện ổ nhỏ ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông; các xã Như Cố, Thanh Bình, huyện Chợ Mới.

Đến ngày 31/5/2017, tổng diện tích rừng vầu, nứa bị châu chấu gây hại khoảng 700ha (huyện Ngân Sơn, Na Rì); diện tích lúa, ngô, dong riềng bị châu chấu gây hại là 14,4ha (đã và đang phun trừ kịp thời). Tuy nhiên dự báo trong thời gian tới châu chấu trưởng thành, di chuyển rộng theo đàn, khó kiểm soát và xác định vị trí. Nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời thì châu chấu có thể gây hại trên cây trồng nông nghiệp tại các xã lân cận, khu vực giáp ranh.

Nhằm ngăn chặn kịp thời, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất do châu chấu tre lưng vàng gây ra Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Phương án dập dịch châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, nứa và cây trồng nông nghiệp bằng máy động cơ phun thuốc dạng khói năm 2017 tại huyện Na Rì và Ngân Sơn, nội dung cụ thể như sau:

II. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Địa điểm, quy mô, tiến độ thực hiện

- Địa điểm: Các xã Thuần Mang, Bằng Vân, Thượng Quan huyện Ngân Sơn; các xã Vũ Loan, Văn Học, Lạng San, Lương Thành, Lương Thượng, Kim Hỷ huyện Na Rì.

- Quy mô: 700ha.

- Tiến độ thực hiện theo biểu sau:

TT

Nội dung công việc

Thời gian

Tổ chức thực hiện

1

Mua vật tư, máy phun thuốc BVTV dạng khói

10 - 15/6/2017

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

2

Liên hệ, khảo sát, xác định khu vực cần phun

10 - 15/6/2017

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Trạm Trồng trọt Bảo vệ thực vật huyện Ngân Sơn và huyện Na Rì.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn và huyện Na Rì.

- Ủy ban nhân dân các xã có rừng, cây trồng nông nghiệp bị châu chấu tre gây hại.

3

Tổ chức phun trừ châu chấu tre lưng vàng

16/6 - 05/7/2017

- Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật Trạm Trồng trọt Bảo vệ thực vật huyện Ngân Sơn, huyện Na Rì.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn và huyện Na Rì.

- Ủy ban nhân dân các xã có rừng, cây trồng nông nghiệp bị châu chấu tre gây hại

- Chủ rừng, các hộ dân (Tổ, đội phun thuốc).

4

Theo dõi sau phun

18/6 - 07/7/2017

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Trạm Trồng trọt Bảo vệ thực vật huyện Ngân Sơn và huyện Na Rì

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn và huyện Na Rì.

- Ủy ban nhân dân các xã có rừng, cây trồng nông nghiệp bị châu chấu tre gây hại

- Chủ rừng.

5

Kiểm tra, giám sát

Theo tiến độ hoặc đột xuất

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

2. Kỹ thuật sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật dạng khói

- Liều lượng thuốc tính cho 1ha: 0,3 lít thuốc + 0,5 lít dung môi.

- Nhiên liệu sử dụng cho máy phun dạng khói: Xăng A95.

- Thời điểm phun: Phun vào buổi sáng sớm và chiều tối. Tránh phun vào lúc có gió, trời nắng nóng.

- Khu vực phun: Phun trừ trên các diện tích rừng vầu, nứa bị châu chấu tre lưng vàng gây hại gần khu vực trồng cây nông nghiệp.

3. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện sử dụng nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán chi tiết trình Sở Tài chính thẩm định. Sở Tài chính thẩm định theo quy định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong ngày 13/6/2017.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Kạn thường xuyên kiểm tra, theo dõi và dự báo chính xác tình hình châu chấu tre, cử cán bộ kỹ thuật tham gia chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre lưng vàng bằng máy phun thuốc dạng khói và cách sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật dạng khói.

- Giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Kạn thực hiện mua vật tư, máy phun thuốc bảo vệ thực vật dạng khói; liên hệ, khảo sát, xác định khu vực cần phun trừ và tổ chức phun trừ châu chấu tre lưng vàng theo đúng quy định.

- Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, trừ châu chấu tre hại cây trồng.

2. Sở Tài chính

Sở Tài chính thẩm định dự toán theo quy định, cân đối, bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để cấp kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện.

3. Ủy ban nhân dân các huyện Ngân Sơn và Na Rì

- Chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên theo dõi và xác định khu vực châu chấu gây hại và hướng di chuyển của đàn châu chấu, thông báo tới chủ rừng để triển khai phun trừ kịp thời, hiệu quả; cử cán bộ kỹ thuật tham gia chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, trừ châu chấu tre lưng vàng bằng máy phun thuốc dạng khói và cách sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật dạng khói. Kiểm tra, tổng hợp số liệu và báo cáo kết quả thực hiện phun trừ.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình phát sinh, phát triển của châu chấu tre lưng vàng; tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân huyện các biện pháp phòng trừ châu chấu tre kịp thời, hiệu quả, không để dịch phát triển ra diện rộng; tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, kiểm tra giám sát Ủy ban nhân dân các xã thực hiện biện pháp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã thông báo tình hình, tác hại của châu chấu tre lưng vàng đến các hộ dân trên địa bàn, đôn đốc bà con nhân dân thường xuyên kiểm tra rừng vầu, nứa, diện tích trồng cây nông nghiệp gần khu vực châu chấu tre gây hại; phát hiện kịp thời và thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ châu chấu tre theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đôn đốc, hướng dẫn chủ rừng, các hộ dân kiểm tra, thống kê, khai báo tình hình châu chấu tre gây hại; huy động lực lượng, phối hợp với cơ quan chuyên môn và thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã để thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương về tình hình châu chấu tre và các biện pháp phòng trừ; vận động và khuyến khích chủ rừng, các hộ nông dân chủ động các nguồn lực của gia đình tham gia phun trừ châu chấu tre đúng thời gian và yêu cầu kỹ thuật.

Mỗi xã thành lập ít nhất 01 tổ, đội để sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật dạng khói phun trừ châu chấu tre trên toàn bộ diện tích rừng vầu, nứa, đặc biệt là khu vực rừng có châu chấu gây hại gần với diện tích trồng cây nông nghiệp (lúa, ngô, dong riềng).

Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của xã phục vụ công tác phòng, trừ châu chấu tre lưng vàng khi cần thiết.

Trên đây là Phương án dập dịch châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, nứa và cây trồng nông nghiệp bằng sử dụng máy động cơ phun thuốc dạng khói năm 2017 tại huyện Na Rì và Ngân Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; Ủy ban nhân dân các huyện Ngân Sơn và Na Rì, các Sở, Ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 800/QĐ-UBND phê duyệt Phương án dập dịch châu chấu tre lưng vàng hại rừng vầu, nứa và cây trồng nông nghiệp bằng máy động cơ phun thuốc dạng khói năm 2017 tại huyện Na Rì và Ngân Sơn do tỉnh Bắc Kạn ban hành

  • Số hiệu: 800/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Đỗ Thị Minh Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản