- 1Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ về đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp và vùng phụ cận do Hội đồng nhân dân Hồ Chí Minh ban hành
- 2Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 3Nghị định 175-CP năm 1994 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường
- 4Nghị định 93/2001/NĐ-CP quy định phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh
- 1Quyết định 16/2023/QĐ-UBND bãi bỏ quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 303/QĐ-UBND năm 2024 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2023
- 3Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ Hệ thống hóa 2019-2023
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 80/2002/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 07 năm 2002 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993 và Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường ;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ ngày 29/6/2002 của Hội đồng nhân dân thành phố về đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các Khu công nghiệp và vùng phụ cận ;
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các Khu công nghiệp và vùng phụ cận ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.Phê duyệt đề án thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các Khu công nghiệp và vùng phụ cận.
Điều 2.Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, Trưởng Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng phải di dời có trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM VÀO KHU CÔNG NGHIỆP VÀ VÙNG PHỤ CẬN
(Ban hành kèm theo quyết định số 80 /2002/QĐ-UB ngày 08 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I- HIỆN TRẠNG Ô NHIỄM CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH :
Đô thị hóa, công nghiệp hóa và ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn của các đô thị trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất. Ngoài tác động từ các hoạt động giao thông, dịch vụ, thương mại, xây dựng ... thì các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã và đang góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị.
Trên địa bàn thành phố có nhiều khu vực chịu ảnh hưởng ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động sản xuất Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp :
- Tại quận 9 và quận Thủ Đức:
+ Khu vực Suối Cái, suối Xuân Trường, suối Nhum : trong khu vực này có khoảng 20 nhà máy có nước thải thuộc diện ô nhiễm rất nặng, chảy qua kinh Tắc vào sông Đồng Nai, ảnh hưởng tới các phường Linh Trung, Linh Xuân, Tân Phú và Long Thạnh Mỹ. Có thể điểm qua một số nhà máy trong khu vực này như: Công ty Giấy Vĩnh Huê, Công ty Giấy Xuân Đức, Công ty Giấy Hạnh Linh, Xí nghiệp Giấy An Bình....
+ Khu vực Phước Long: từ Cầu Rạch Chiếc cho đến Ngã tư Thủ Đức, vừa bị ô nhiễm nguồn nước vừa bị ô nhiễm không khí. Một số nhà máy gây ô nhiễm không khí như : Công ty Ximăng Hà Tiên Nhà máy Điện Thủ Đức, Công ty Posvina... Các nhà máy có tải lượng nước thải ô nhiễm lớn như: Công ty Dệt Phong Phú, Công ty Dệt Phước Long, Xí nghiệp Chế biến hải sản Cofidec, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Nam Hòa....
- Tại quận Tân Bình: đây là Quận tập trung nhiều nhà máy công nghiệp và cơ sở tiểu thủ công nghiệp phân bố trên hầu hết các phường. Các kênh rạch trên địa bàn Quận đều bị ô nhiễm nghiêm trọng như kênh Tham Lương, Nhiêu Lộc, Tân Hóa... Đặc biệt là các khu vực sau:
+ Phường 14 và 15: tập trung nhiều nhà máy lớn thuộc các ngành dệt nhuộm, giấy, hóa chất, chế biến thực phẩm như: Công ty Dệt Thành Công, Công ty Dệt Thắng Lợi, Nhà máy Hóa chất Tân Bình, Công ty Vifon, Công ty Bông Bạch Tuyết, Nhà máy Giấy Viễn Đông...
+ Phường 19 và 20: tập trung nhiều nhà máy lớn như: Công ty Chế biến hải sản Seaprimex, Công ty Bột giặt Tico, Xí nghiệp thực phẩm Cầu Tre, Xí nghiệp Phân bón hữu cơ....và đặc biệt rất nhiều các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hình thành các cụm cơ sở, làng nghề dệt, cồn, cán rửa cao su.
Ngoài ra còn có một số cụm cơ sở tiểu thủ công nghiệp khác như thuộc da, thủy tinh ở phường 9, nấu chì và tái chế nylon ở phường 16....
- Tại quận 11: đây là Quận tập trung nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như: tẩy nhuộm, xeo giấy, chế biến thực phẩm, xi mạ, thuộc da, thủy tinh, gia công cơ khí... Phường 5 tập trung hơn 80 cơ sở tẩy nhuộm với đa số trang bị máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, nằm xen cài trong khu dân cư đông đúc. Phường 14 tập trung các cơ sở thuộc da, thủy tinh. Phường 15 và 16 tập trung các cơ sở nhựa tái sinh....
- Tại quận 4: tình hình đất hẹp người đông; các kho tàng, nhà máy trực thuộc Trung ương chiếm gần 1/3 diện tích. Phần lớn các nhà máy này đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khu vực như: Nhà máy thuốc lá Khánh Hội, Công ty Cổ phần chế biến thủy sản 4, Nhà máy đường Khánh Hội, Xí nghiệp Nước mắm Liên Thành...
- Tại quận 5: tập trung các cơ sở cưa cán sắt tại phường 15 và phường 7, các cơ sở dịch vụ buôn bán gỗ có trang bị các máy cưa xẻ gỗ tại phường 7; một số cơ sở xi mạ phân bố rải rác tại phường 5,7,9,14,15 và dệt vải thủ công tại phường 15.
- Tại quận 6: tập trung nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp phân bổ đều trên địa bàn 14 phường (hơn 40% là ngành gia công cơ khí); ngoài ra còn có một số ngành gây ô nhiễm nước thải như giấy tái sinh, xi mạ, tẩy nhuộm... tập trung tại các phường 4, 6, 8 và một số đơn vị lớn như thuộc da (phường 9), chế biến thực phẩm (phường 6, 7).
- Tại quận 8: các kênh rạch trên địa bàn Quận đều bị ô nhiễm nặng nề: kênh Tàu Hủ, kênh Đôi... trong tổng số 23 kênh rạch lớn nhỏ chia cắt quận 8 đều bị ô nhiễm. Đặc biệt tại các phường 1, 2, 3 tập trung các cơ sở nấu, cán nhôm; phường 6, 7 tập trung các cơ sở dệt bao P.P.
Với công nghệ sản xuất trên bình diện chung còn lạc hậu và mức đầu tư trong công tác bảo vệ môi trường còn thấp, các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại thành phố đã và đang tiếp tục sản sinh ra một lượng lớn các chất thải thuộc nhiều dạng với nhiều thành phần và tính chất khác nhau gây ô nhiễm:
- Ô nhiễm không khí : Chỉ tính riêng các lò hơi và lò nung tại thành phố hàng năm thải vào không khí 578 tấn bụi, 78 tấn SO2, 84 tấn CO, 2.016 tấn NO2, 52 tấn hydrocacbon, 25 tấn aldehyde. Theo kết quả quan trắc môi trường, tại một số vị trí gần các cơ sở sản xuất nồng độ bụi trong không khí bao quanh vượt quá tiêu chuẩn cho phép (0,4-0,5 mg/m3 so với tiêu chuẩn cho phép là 0,3 mg/m3), tiếng ồn khá cao, ô nhiễm mùi hôi.
- Ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm: Nhiều khu vực nước mặt bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp như: khu vực suối Cái, Xuân Trường, suối Nhum ở Thủ Đức, kênh Tân Hóa Lò Gốm. Tầng nước ngầm tại một số khu vực bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp như: các giếng đào nông tại khu vực Xuân Hiệp-phường Linh Xuân Thủ Đức dọc theo suối Cầu Đá đã không còn sử dụng được mà phải khoan xuống tầng nước sâu hơn, các giếng nông gần các cơ sở sản xuất cụm công nghiệp Phước Long-Quận 9 cũng gặp tình trạng như vậy.
Có thể thấy tình hình ô nhiễm thông qua số lượng đơn thư khiếu nại về ô nhiễm môi trường trong năm 2001 như sau:
Cấp thành phố tiếp nhận 220 đơn khiếu nại, trong đó 51 đơn khiếu nại do sản xuất công nghiệp , 113 đơn về sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Cấp quận huyện tiếp nhận 749 đơn khiếu nại, trong đó có 85 đơn đề nghị ngưng sản xuất.
II- CÁC HỌAT ĐỘNG KHẮC PHỤC Ô NHIỄM CÔNG NGHIỆP :
Công nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê năm 2001 bình quân ngành công nghiệp tạo khoảng 41% GDP trên địa bàn và gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Nằm trong vùng tứ giác kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ đầu tư nước ngoài và xây dựng các Khu công nghiệp tập trung rất cao. Hiện nay thành phố có 02 Khu chế xuất và 10 Khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 02 Khu chế xuất và 08 Khu công nghiệp với 569 Doanh nghiệp được cấp phép, trong đó có 400 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.
Tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn là 28.573, bao gồm:
- Thuộc Trung ương quản lý : 128
- Thành phố quản lý 152 (trong đó quận huyện quản lý :26)
- Ngoài quốc doanh: 27.901 (Công ty cổ phần, TNHH, DNNN: 1.691
Cơ sở sản xuất, HTX - TTCN : 85
Cơ sở sản xuất nhỏ 26.125)
- Đầu tư nước ngòai: 390
Từ năm 1992 thành phố đã thiết lập các hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn, tổ chức triển khai Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Riêng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã nghiên cứu triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Cụ thể như sau:
1- Chương trình điều tra khảo sát hiện trạng ô nhiễm công nghiệp được thực hiện từ 1993-1996. Đã khảo sát, đo đạc chi tiết và lượng hóa mức độ ô nhiễm trên 265 doanh nghiệp. Đã công bố 87 doanh nghiệp có tên trong "Sách đen" vì có mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.
2- Chương trình Sản xuất Sạch hơn, do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc – UNIDO thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức SIDA – Thụy Điển, bắt đầu triển khai từ 1996, nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện quy trình quản lý. Tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu tối đa chất thải, giảm gánh nặng đầu tư xử lý cuối nguồn thải để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh và đảm bảo đạt được tiêu chuẩn quy định về bảo vệ môi trường.
3- Chương trình giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm 2000 ra đời nhằm phổ biến áp dụng rộng rãi kết quả của phương pháp" giảm thiểu chất thải, sản xuất sạch hơn" theo quyết định số 5289/QĐ-UB ngày 14/9/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố; kèm theo quyết định này là sự ra đời của :
- Quỹ hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm CN và TTCN từ nguồn vốn tương đương 1 triệu USD của Thành phố, theo quyết định số 5289/QD/-UB-KT ngày 14/9/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố; Quỹ xoay vòng giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp, nguồn vốn vay 2,5 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu á–ADB);
- Chương trình phối hợp giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ký ngày 25/5/1999.
- Chương trình giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của các quận huyện;
4- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu, theo Chỉ thị 04/2000/CT-UB-KT ngày 23/02/2000 của Ủy ban nhân dân thành phố (Quỹ kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa sản xuất, di dời và xử lý ô nhiễm).
5- Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển khu công nghiệp của cả nước.
* Mặc dầu có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các nhà khoa học kỹ thuật, nhưng kết quả khắc phục ô nhiễm từ các doanh nghiệp cũ (ra đời trước khi có Luật bảo vệ môi trường) còn rất hạn chế, rất chậm chạp, cộng với số doanh nghiệp mới hình thành tự phát, không theo quy họach, không tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường đã làm phá vỡ chương trình quy hoạch một số quận-huyện ven, ô nhiễm từ các cụm sản xuất thủ công được di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác.
Nguyên nhân tồn tại :
a) Phía Doanh nghiệp : Đa số giám đốc doanh nghiệp chưa quan tâm đến yêu cầu bảo vệ môi trường; thiếu thông tin về kỹ thuật, ngại đổi mới sợ bị thất bại; mặt hàng sản xuất không có sự cạnh tranh tiến bộ nên không có động cơ thúc đẩy phải đổi mới, sản xuất thủ công và quy mô nhỏ, chuyển địa điểm sẽ làm tăng giá thành, khó khăn về lao động, cuối cùng là vấn đề thiếu vốn đầu tư và cơ chế khuyến khích hấp dẫn.
b) Hiệu lực pháp luật về bảo môi trường không nghiêm, các chánh sách khuyến khích và chế tài không rõ ràng. Hệ thống tổ chức và năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không đồng bộ, không bao quát nhiệm vụ.
c) Thiếu sự phối hợp đồng bộ từ các ngành các cấp trong việc thực hiện các quy chế quản lý Nhà nước và yêu cầu bảo vệ môi trường; việc lồng ghép các họat động kinh tế - xã hội theo quy họach tổng thể của thành phố đến 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thiếu chặt chẽ; nội dung quy họach có những chương, mục phản ảnh đầy đủ hiện trạng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuy nhiên từ quy hoạch tổng thể tới kế hoạch chi tiết, kế hoạch hành động cụ thể vẫn còn khoảng cách rất xa. Thiếu chính sách đầu tư đồng bộ cho yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
B- CHƯƠNG TRÌNH DI DỜI CƠ SỞ SẢN XUẤT-KINH DOANH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ :
I.- TÍNH CẤP THIẾT CỦA CHƯƠNG TRÌNH :
Như đã đề cập ở phần tổng quan hiện trạng và hoạt động về bảo vệ môi trường, từ năm 1992 thành phố đã hỗ trợ tích cực cho cơ sở ô nhiễm để thực hiện các biện pháp đầu tư công nghệ, thiết bị xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng sản xuất sạch hơn, nhưng kết quả thực hiện của các cơ sở vẫn còn rất hạn chế. Điều này đã gây nên tình hình ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Do vậy, đến nay việc áp dụng các hình thức di dời, đình chỉ, yêu cầu phục hồi lại môi trường là hết sức cần thiết để thành phố có thể phát triển bền vững, quán triệt đúng chủ trương của Thành Ủy và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
Chủ trương thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không những chỉ giải quyết vấn đề môi trường, đổi mới công nghệ thiết bị doanh nghiệp, mà còn kết hợp bố trí dân cư, chuyển đổi cơ cấu sản xuất lao động ngoại thành, đồng thời chỉnh trang đô thị. Thường trực Thành Ủy khẳng định, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ở nội thành là một chủ trương đúng đắn, khoa học ; có ý nghĩa quan trọng trên nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Muốn làm được việc này phải có tinh thần vượt khó, chịu tốn kém, cần thiết phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong một giai đoạn nhất định để sau đó sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn. Các ngành, các cấp, các quận-huyện và các Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cần quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa nêu trên để chủ động khắc phục trở ngại, thực hiện công tác di dời với tinh thần tiến công cách mạng, năng động, quyết liệt tạo chuyển biến thật sự trong vòng 2-3 năm, rút ngắn tiến độ thực hiện trong năm 2004. Mọi sự chậm trễ thực hiện chủ trương di dời trong hiện tại là bảo thủ, duy trì sự trì trệ, lạc hậu đi ngược lại lợi ích chung, cản trở sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Niên giám thống kê năm 2001, giá trị sản xuất công nghiệp và lao động công nghiệp trên địa bàn thành phố của các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao như sau:
Ngành nghề | Giá trị SX công nghiệp | Lao động |
- Ngành hóa chất và các sp hóa chất | 6.137.881 | 23.095 |
- Ngành tái chế | 117.882 | 1.769 |
- Sản phẩm từ cao su, plastic | 4.932.002 | 51.339 |
- Thuộc da, sản xuất vali, túi xách | 3.935.910 | 127.036 |
- Sản xuất kim loại | 1.853.803 | 8.472 |
- Thuốc lá | 3.545.080 | 4.513 |
- Giấy, sản phẩm từ giấy | 1.455.048 | 14.746 |
- Chế biến gỗ và các sp từ gỗ, tre, nứa | 745.150 | 16.277 |
- Thực phẩm và đồ uống | 15.645.812 | 67.625 |
Tổng cộng: | 38.368.568 | 314.872 |
Để có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo tổ chức triển khai chương trình khảo sát lấy ý kiến về tình trạng ô nhiễm và kế hoạch khắc phục của doanh nghiệp. Căn cứ vào yêu cầu cụ thể của địa bàn quản lý, lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận - huyện đã xác định đối tượng và tổ chức triển khai đến phường- xã - thị trấn đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm, bao gồm : dệt nhuộm, chế biến thủy-hải sản, chế biến gỗ, cán kéo kim loại, xi mạ, hóa chất, bột giấy, vật liệu xây dựng, in lụa, cao su, chăn nuôi, thuốc lá, thuộc da... kết qủa khảo sát tính đến ngày 27/5/2002 cụ thể như sau :
- Tổng số đơn vị khảo sát : 12.075
- Tổng số đơn vị đã hồi đáp phiếu khảo sát : 6745,
Trong đó bao gồm :
252 đơn vị có kế hoạch tự di dời (danh sách kèm theo)
92 đơn vị có kế hoạch sẽ chuyển đổi ngành nghề (danh sách kèm theo).
280 đơn vị có yêu cầu hỗ trợ về vốn để khắc phục tại chỗ (danh sách kèm theo).
222 đơn vị có kế họach di dời và yêu cầu hỗ trợ vốn (danh sách kèm theo).
II.- YÊU CẦU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DI DỜI :
- Cải thiện và khắc phục tình trạng ô nhiễm về không khí, nước thải, ồn, rung, chất thải rắn trong khu vực dân cư ;
- Thực hiện kết hợp bố trí lại dân cư, hợp lý hóa nhu cầu đi lại, chuyển nhanh cơ cấu công-nông nghiệp ngoại thành và chỉnh trang lại nôi thị.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư hợp lý, tạo cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, thay đổi ngành hàng sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong xu thế hội nhập.
III.- MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH :
- Phấn đấu đến hết năm 2004 di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất ô nhiễm nghiêm trọng không có khả năng khắc phục tại chỗ vào khu công nghiệp và vùng phụ cận thành phố.
- Quy hoạch sắp xếp lại hoạt động sản xuất các ngành nghề ô nhiễm; tổ chức lại việc cấp phép kinh doanh cho các dự án đầu tư mới thuộc các ngành nghề ô nhiễm.
- Kết hợp việc di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công để hình thành các cơ sở lớn hoạt động ổn định, có khả năng cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
- Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố phù hợp với yêu cầu quy hoạch.
Đối tượng thực hiện chương trình là các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quy định và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội được xác định theo các tiêu chí sau đây (Theo các nguyên tắc thống kê và xác định các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xử lý triệt để trong dự thảo đề án xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường) :
- Về vị trí
+ Không phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố, quận huyện và quy hoạch môi trường của thành phố.
+ Lọai hình sản xuất có phạm vi gây ô nhiễm rộng, có chất thải nguy hại, khó có khả năng khắc phục ô nhiễm theo quy định ở những khu vực nhạy cảm như bệnh viện, trường học, hoặc khi có sự cố sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
- Về công nghệ :
+ Công nghệ lạc hậu hoặc không đồng bộ (mới thay thế một phần) ;
+ Không có hệ thống xử lý ô nhiễm hoặc đã xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh, không đạt Tiêu chuẩn môi trường, suất đầu tư xử lý tiếp tục sẽ cao dẫn đến kinh doanh không hiệu quả
- Về hiệu quả kinh tế, xã hội :
Quá trình hoạt động không có hiệu quả kinh tế : sản xuất không có lãi hoặc lãi không đủ đầu tư chi phí tái sản xuất và cải tạo môi trường và khả năng đáp ứng việc làm cho cán bộ công nhân viên kém hoặc bế tắc.
Căn cứ vào kết quả khảo sát và ý kiến của các Quận huyện (tính đến 27/5/2002), kế hoạch năm 2002-2004 tập trung giải quyết 260 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau đây :
1.- 130 đơn vị có ô nhiễm về khói bụi, ồn rung, mùi (danh sách kèm theo).
2.- 35 đơn vị có ô nhiễm về nước thải (danh sách kèm theo)
3.- 89 đơn vị có ô nhiễm cả về nước thải và khí thải (danh sách kèm theo).
4.- 6 đơn vị thường xuyên gây ách tắc giao thông (danh sách kèm theo).
1. Nhiệm vụ chung :
1.1. Ban hành các văn bản :
- Một số chính sách tài chánh cho việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận.
- Công bố danh sách các ngành nghề sản xuất kinh doanh không được cấp mới giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong khu dân cư tập trung.
- Cơ chế thu phí môi trường theo nguyên tắc : “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” đảm bảo bình đẳng về khía cạnh luật pháp và khía cạnh kinh tế.
- Cơ chế thu phí sử dụng tài nguyên.
- Ban hành các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt và áp dụng việc xử phạt chế tài có hiệu nghiệm.
1.2- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục vận động các cơ sở sản xuất tự giác giảm thiểu ô nhiễm môi trường và di dời ; Tuyên truyền phổ biến các chính sách của thành phố về vấn đề di dời cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phải làm cho các doanh nghiệp thấy được trách nhiệm, bảo đảm hài hòa được lợi ích của các doanh nghiệp với cộng đồng dân cư. Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng là điều kiện để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập vào khu vực kinh tế thế giới.
- Tổ chức phổ biến Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
- Trình diễn các mô hình thí điểm và phổ biến áp dụng.
- Tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong từng ngành sản xuất (giới thiệu mô hình di dời 37 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu vực nội thành vào cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân).
1.3- Trên cơ sở kết quả đợt khảo sát (28-02-2002 đến 27-5-2002) chung cho toàn thành phố, điều tra khảo sát thống kê, phân loại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm theo ngành nghề, theo địa bàn quận huyện... xác định danh sách các cơ sở tự nguyện di dời, danh sách các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng cần di dời :
- Kết hợp với các quận huyện tổ chức khảo sát tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
- Thống kê, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm theo từng cấp độ để hướng dẫn cơ sở thực hiện theo các bước : khắc phục tại chỗ, đổi mới công nghệ, thiết bị, cải thiện điều kiện sản xuất, chuyển đổi mặt hàng cho phù hợp, thực hiện di dời vào khu công nghiệp và vùng phụ cận hoặc phải ngưng sản xuất (rút giấy phép).
- Xác định danh sách các cơ sở tự nguyện di dời, danh sách các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng cần di dời. Tiếp cận làm việc với từng doanh nghiệp này để đôn đốc, hỗ trợ việc thực hiện phương án di dời.
1.4 - Làm việc với các cơ quan Trung ương có các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố về kế hoạch di dời.
1.5- Thống nhất danh sách các cơ sở ô nhiễm cần phải di dời tại từng địa bàn quận huyện – Công bố các ngành nghề ô nhiễm không được cấp phép kinh doanh trong khu vực dân cư tập trung.
1.6- Định kỳ hàng quý báo cáo Thường trực Thành Ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả triển khai chương trình di dời, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để xin chủ trương và chỉ đạo kịp thời đảm bảo thực hiện được mục đích yêu cầu của chương trình.
1.7- Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời nhắc nhở phê phán, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân chậm trễ trong thực hiện chủ trương này.
2. Nhiệm vụ cụ thể :
Trên cơ sở kết quả điều tra bước đầu và trao đổi giữa các Bộ Ngành, Tổng Công ty, quận huyện và doanh nghiệp để xác định và công bố danh sách các cơ sở ô nhiễm cần phải di dời để tổ chức triển khai theo các bước :
a) Giai đọan 2002 :
+ Công bố danh mục các ngành nghề không được tiếp tục đăng ký hoạt động hoặc cấp phép đầu tư mới trong khu dân cư tập trung :
- Ngành hóa chất : sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất pin-ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, dược liệu...;
-Tái chế phế thải : giấy, nhựa, kim loại...
- Luyện cán cao su.
- Ngành thuộc da.
- Ngành xi mạ điện, luyện kim, đúc.
- Sản xuất thuốc lá.
- Chăn nuôi heo, bò, gà , vịt.
- Giết mổ heo, bò.
- Ngành sản xuất bột giấy.
- Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thủy tinh.
- Ngành chế biến gỗ.
- Sản xuất chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm, muối, dầu ăn, cồn, rượu bia nước giải khát.
- Ngành chế biến than.
+ Phổ biến quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp với lọai hình công nghiệp có ô nhiễm về nước, khói bụi, ồn rung...
+ Công bố quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp tập trung, làng nghề tiểu thủ công nghiệp bên cạnh hoặc bên trong khu công nghiệp tập trung.
+ Công bố danh sách các doanh nghiệp có ô nhiễm cần phải di dời hoặc khắc phục, thúc đẩy doanh nghiệp lập phương án ; các ngành các cấp, cơ quan nghiên cứu và tư vấn kỹ thuật hỗ trợ các giải pháp khả thi để triển khai; cộng đồng dân cư xung quanh tham gia giám sát.
+ Song song với số doanh nghiệp tự nguyện xây dựng kế hoạch di dời, Ban chỉ đạo thành phố tổ chức triển khai xây dựng hoàn thiện phương án hỗ trợ di dời 10 doanh nghiệp để kịp thời rút kinh nghiệm hoàn thiện cơ chế chính sách thích hợp, bao gồm :
1.- Nhà máy thuốc lá Sàigòn
2.- Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội
3.- Xí nghiệp đúc số 1
4.- Xí nghiệp da Bình Lợi
5.- Doanh nghiệp TNHH thuộc da Hưng Thái
6.- Xí nghiệp chăn nuôi heo 3/2
7.- Xí nghiệp chăn nuôi heo Phước Long
8.- Công ty Vissan
9.- Xí nghiệp đông lạnh Việt Long
10.- Xí nghiệp thủy tinh Gò Vấp.
b) Giai đoạn 2003 và 2004 :
+ Bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế chính sách khuyến khích di dời.
+ Phổ biến quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực làng nghề tiểu thủ công nghiệp bên cạnh hoặc bên trong khu công nghiệp tập trung.
+ Công bố danh sách các doanh nghiệp phải di dời, thời hạn di dời để cộng đồng dân cư cùng tham gia kiểm tra, giám sát.
+ Hướng dẫn thủ tục, quy trình tổ chức thực hiện di dời :
. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện di dời lập dự án đầu tư di dời và tìm kiếm địa điểm xây dựng mới.
. Hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất thuộc diện xử lý môi trường tại chổ lập dự án xử lý ô nhiễm.
+ Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, liên kết chặt chẽ với các cơ quan có chức năng và doanh nghiệp phổ biến các điển hình. Phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để tác động tích cực chương trình theo kế hoạch.
+ Tổ chức triển khai thí điểm chương trình thu phí nước thải trong doanh nghiệp.
+ Phê duyệt việc phân cấp việc quản lý môi trường tại các khu công nghiệp cho Ban Quản lý khu công nghiệp.
+ Xây dựng chương trình phối hợp với các Bộ ngành chức năng, quận-huyện tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực thi các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.
Theo phương châm “Nhà nước và Cơ sở Sản xuất cùng có trách nhiệm”.
- Nhà nước tạo mọi điều kiện, nhất là hỗ trợ thủ tục, quy trình tổ chức di dời và hỗ trợ một phần tài chính (Ban hành quy định mới một số chính sách tài chính cho việc di dời , hỗ trợ lập các cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp…).
- Các Cơ sở Sản xuất kinh doanh phải xác định đây là trách nhiệm đối với cộng đồng, đồng thời cũng là quyền lợi lâu dài của mình, do đó phải tích cực hưởng ứng chủ trương di dời, chủ động xây dựng kế hoạch di dời trên cơ sở khai thác tiềm năng phát triển và tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước.
VII.- PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN (TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG) :
A- BAN CHỈ ĐẠO :
Ban Chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp và vùng phụ cận thành phố là tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, có chức năng quản lý, tổng chỉ huy tổ chức thực hiện và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vào khu công nghiệp và vùng phụ cận. Ban chỉ đạo chịu sự trực tiếp sư chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, với thành phần như sau :
- Trưởng Ban là Phó Chủ tịch phụ trách Công nghiệp của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Phó Trưởng ban thường trực, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp.
- Phó Trưởng ban, Phó Giám Đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.
- Các thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị : Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chánh - Vật giá, Văn Phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế thành phố, Quỹ Đầu tư và Phát triển thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, Sở Địa chính -và Nhà đất, Sở Xây dựng, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện, Đại diện Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng.
- Ban Chỉ đạo có 3 nhóm công tác : nhóm điều tra cơ bản, nhóm quy hoạch, nhóm chính sách tài chính.
- Giúp việc Ban Chỉ đạo có tổ thường trực chuyên trách và tổ chuyên viên.
B.- BAN CHỈ ĐẠO Ở CÁC QUẬN HUYỆN :
Tùy theo mức độ, số lượng các cơ sở gây ô nhiễm, Ủy ban nhân dân các quận-huyện thành lập Ban Chỉ đạo việc di dời và xây dựng kế hoạch triển khai công tác di dời trên địa bàn quận huyện, theo kế hoạch chung của Ban Chỉ đạo của thành phố.
C.- NHIỆM VỤ CÁC SỞ NGÀNH :
+ Sở Văn hóa Thông tin, các cơ quan thông tin báo-đài, đài truyền hình bám sát chương trình di dời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động sâu rộng chủ trương của Thành Ủy, Ủy ban nhân dân nhằm tạo sự đồng tình và tích cực hưởng ứng từ phía doanh nghiệp, sự giám sát của cộng đồng dân cư để phấn đấu đạt được mục đích yêu cầu của chương trình nầy,
+ Sở Tài chánh-Vật giá, Cục Thuế, Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận-huyện tổ chức chương trình tiếp làm việc với từng doanh nghiệp đang có vấn đề về môi trường để nắm bắt được chương trình hành động và các yêu cầu cần hỗ trợ đặc biệt là vốn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân quận-huyện, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường tăng cường công tác kiểm soát việc cấp phép đầu tư theo danh mục ngành nghề được thành phố phê duyệt và công bố hoạt động theo quy hoạch. Rà soát lại quy trình thủ tục hành chánh có liên quan đến công tác di dời, đề xuất cải tiến, rút ngắn thời gian xét duyệt ở mỗi khâu.
+ Kiến trúc sư trưởng thành phố, Viện Quy hoạch phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Ủy ban nhân dân 22 quận-huyện Ban quản lý khu chế xuất khu công nghiệp rà soát tình hình các Khu công nghiệp hiện hữu tại địa bàn các quận-huyện và Khu công nghiệp, khả năng quy hoạch ở các vùng phụ cận, đề xuất quy hoạch, sắp xếp các cơ sở di dời theo hướng phát triển bền vững. Lập quy hoạch các cụm công nghiệp mới, làng nghề, các khu dân cư và hệ thống hạ tầng liên quan. Quy hoạch sử dụng mặt bằng sau khi di dời, chú ý cần quan tâm đến quy hoạch về văn hóa và giáo dục, giữ đất cho việc xây dựng các công viên và trường học, đặc biệt ở những quận đang thiếu trường trầm trọng.
+ Sở Xây dựng, Sở Địa chính-Nhà đất có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp trong việc lập thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng cơ sở mới, về hoàn công công trình, giải quyết nhanh các vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai khi thực hiện việc bán nhà xưởng cũ và xây dựng cơ sở mới.
+ Ban Quản lý các Khu chế xuấtKhu công nghiệp chuẩn bị phương án tiếp nhận các cơ sở di dời, chuẩn bị điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Doanh nghiệp di dời, để khi di dời xong có thể hoạt động ngay.
+ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về di dời các cơ sở sản xuất của Tổng Công ty Nông nghiệp Sàigòn theo Thông báo kết luận của Thường trực Thành Ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về di dời các cơ sở sản xuất của Tổng công ty Nông nghiệp Sài gòn ngày 14/3/2002 (công văn số 307/TB-TU).
Ban chỉ đạo chương trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, thường xuyên báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, đưa nội dung chỉ đạo công tác di dời nêu trên vào giao ban định kỳ để theo dõi tiến độ thực hiện, chỉ đạo giải quyết các ách tắc, khen thưởng kịp thời những nơi thực hiện tốt, đồng thời nhắc nhở phê phán, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân chậm trễ trong thực hiện chủ trương này./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 99/2005/QĐ-UB về một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 19/2007/QĐ-UBND về chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2010
- 3Quyết định 16/2023/QĐ-UBND bãi bỏ quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 4Quyết định 303/QĐ-UBND năm 2024 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2023
- 5Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ Hệ thống hóa 2019-2023
- 1Quyết định 16/2023/QĐ-UBND bãi bỏ quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 303/QĐ-UBND năm 2024 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2023
- 3Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ Hệ thống hóa 2019-2023
- 1Quyết định 99/2005/QĐ-UB về một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ về đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp và vùng phụ cận do Hội đồng nhân dân Hồ Chí Minh ban hành
- 3Chỉ thị 04/2000/CT-UB-KT triển khai chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu" năm 2000 - 2003 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 5Nghị định 175-CP năm 1994 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường
- 6Nghị định 93/2001/NĐ-CP quy định phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh
- 7Quyết định 19/2007/QĐ-UBND về chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2010
Quyết định 80/2002/QĐ-UB phê duyệt đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các Khu công nghiệp và vùng phụ cận do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 80/2002/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/07/2002
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Quốc Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/07/2002
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực