Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 795/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 28 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CÓ KHẢ NĂNG CAO CỦA QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2022-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 440/TTr-SCT ngày 22/3/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022-2025, với các nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XUẤT KHẨU

1. Quan điểm

Xác định sản phẩm chủ lực của tỉnh để đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với năng lực cạnh tranh, nhu cầu thị trường và tận dụng được các lợi thế từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia.

Phát huy nguồn hàng hóa, dịch vụ sản xuất của tỉnh, đầu tư các sản phẩm chủ lực, sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Tận dụng các cơ hội mới trong quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng đến những thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định sản xuất, vượt qua thời kỳ khó khăn sau dịch bệnh Covid-19, hướng đến mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Định hướng thị trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh sang các thị trường tiềm năng trong giai đoạn 2022-2025.

b) Mục tiêu cụ thể

- Xác định các sản phẩm của địa phương có tiềm năng để tập trung hỗ trợ, tìm kiếm thị trường, xúc tiến phát triển xuất khẩu.

- Phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Nam đạt 3,3 tỷ USD, trong đó đề ra mục tiêu xuất khẩu đối với từng nhóm hàng đến năm 2025[1], tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,4%/năm, nằm trong số 20 tỉnh thành xuất khẩu lớn nhất cả nước[2].

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Xác định các mặt hàng xuất khẩu chủ lực

a) Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản

Nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản có vị trí quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 3,0 - 3,5%, tầm nhìn đến năm 2030 chiếm khoảng 6% trong GRDP cơ cấu kinh tế của tỉnh[3]. Giá trị xuất khẩu đến năm 2025 đạt 300 triệu USD.

Qua đó, xác định các mặt hàng chủ lực đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn 2022-2025 trong nhóm này bao gồm:

* Nông sản:

- Sâm Ngọc Linh:

Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) là loài sâm đặc hữu, có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, là một nguồn gen quý hiếm được xếp ngang hàng với các loại sâm quý trên thế giới và Chính phủ đang xây dựng “Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045”. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh; bước đầu, đã góp phần bảo tồn, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được xác định khoảng 16.000 ha, đến nay diện tích thực tế trồng được gần 10.000 ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Định hướng đến năm 2030, Quảng Nam trở thành Trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia, hằng năm sản xuất ra được 5 - 10 triệu cây/năm (trong đó trên 50% là cây giống từ phương pháp nuôi cấy mô), với 50 đến 100 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Năm 2045, có 500-1.000 sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc.

Với mục tiêu đưa ngành sản xuất và chế biến sâm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây sâm, nên việc chọn sâm Ngọc Linh là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông sản của tỉnh là cần thiết.

- Măng cụt:

Cây măng cụt là loại cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao, có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Mỹ là 02 thị trường tiêu thụ mạnh sản phẩm này. Trên phạm vi cả nước, măng cụt được trồng nhiều ở các tỉnh thuộc khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thời gian gần đây do tình hình xâm nhập mặn nên diện tích trồng bị sụt giảm, trong khi nhu cầu xuất khẩu trái măng cụt rất lớn. Ở tỉnh Quảng Nam, cây măng cụt đã được nhân dân trồng từ lâu đời và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng trung du, miền núi. Hiện nay các địa phương triển khai trồng thí điểm số lượng lớn để phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Dự kiến đến 2025, diện tích trồng cây măng cụt tại các huyện trung du, miền núi lên khoảng 10.000ha và trở thành vùng trồng trọng điểm cây măng cụt của cả nước.

Bên cạnh đó, măng cụt nằm trong 09 loại trái cây mà Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc và chỉ có trái măng cụt được ký Nghị định thư về mở cửa thị trường, do vậy đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Nam thúc đẩy việc xuất khẩu loại trái cây này.

- Dưa hấu:

Diện tích trồng dưa hấu toàn tỉnh hiện trên 700 ha, tại 06 huyện, thị xã: Phú Ninh, Đại Lộc, Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn. Năng suất dưa khoảng 23-25 tấn/ha (sản lượng ước đạt 16.100 tấn- 17.500 tấn) và được trồng trong hai vụ Đông Xuân và Hè Thu, nhiều vùng có khả năng quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh do thổ nhưỡng ưu đãi, nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và được hỗ trợ về phương tiện, kỹ thuật. Thị trường xuất khẩu chính ưa chuộng mặt hàng này là Trung Quốc và chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch thông qua các thương lái thu mua, gom hàng để xuất khẩu.

- Chuối:

Đây là trái cây dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, đồng thời cũng là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác. Tại thị trường các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore tiêu thụ rất mạnh mặt hàng này và các huyện trung du, miền núi của tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng và phát triển với diện tích lớn như: Tiên Phước, Đông Giang, Đại Lộc, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My.

* Lâm sản:

Ngành nông nghiệp đang triển khai trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng hàng năm là 30.400 ha, nâng độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt trên 61%. Bình quân hàng năm khai thác gỗ rừng trồng trên 2.000.000 tấn/năm. Phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi, quy mô diện tích 140.000 -150.000 ha[4]. Trong đó, tập trung sử dụng giống Keo lai nuôi cấy mô vào trồng thâm canh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu và phát triển dịch vụ môi trường rừng.

* Thủy sản:

Theo kế hoạch cơ cấu nông nghiệp, đến năm 2025 duy trì mức sản lượng thủy sản khai thác khoảng 95.000 - 100.000 tấn/năm, nâng cao chất lượng, giá trị khai thác, sản lượng khai thác xa bờ đạt trên 70% tổng sản lượng khai thác từ biển (hiện tại 45%); nuôi trồng 25.000 tấn, trong đó tôm nuôi 19.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu thủy sản đạt 27.000 tấn (tăng hơn 7 lần so với năm 2015), với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10%/năm và sản lượng chế biến các mặt hàng nội địa đạt 23.500 tấn (tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015)[5]. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp nhất là đối với các sản phẩm tỉnh có thế mạnh nuôi trồng như tôm chân trắng và tôm sú (các vùng nuôi tập trung như xã Duy Vinh và Duy Thành ở huyện Duy Xuyên; các xã Bình Sa, Bình Hải và Bình Nam ở huyện Thăng Bình, xã Cẩm Thanh ở thành phố Hội An; các xã Tam Thăng, Tam Thanh và phường An Phú ở thành phố Tam Kỳ; các xã Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Giang, Tam Hiệp và Tam Hải ở huyện Núi Thành). Ngoài ra, cần thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, ứng dụng công nghệ đóng gói và bảo quản thực phẩm đối với hàng thủy sản xuất khẩu.

b) Nhóm hàng Công nghiệp, Công nghiệp hỗ trợ

Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) là đơn vị duy nhất sản xuất và lắp ráp ô tô của tỉnh Quảng Nam với 7 nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô. Kể từ cuối năm 2019, công ty đã xuất khẩu được 186 xe, đến năm 2020 tăng hơn 1.400 ôtô các loại sang Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Nhật, Mỹ,… Năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Philippines, Mỹ, Nhật và mở rộng sang các nước trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn sản xuất và xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí hàng đầu Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí năm 2020 đạt 17 triệu USD, tăng 25% so với năm 2019. Sản phẩm xuất khẩu chính gồm: cản xe du lịch, dây điện, nhíp ôtô, áo ghế, két dàn nóng, linh kiện xe bus, linh kiện composite,… Thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ý, Nga,… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty J&G, Công ty CTR Vina, Công ty Draexlmaier,… đang theo đuổi mô hình liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra giá trị trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí đáp ứng cho hoạt động sản xuất, gia công lắp ráp ôtô phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

c) Nhóm hàng gia công xuất khẩu

- Máy móc và linh kiện điện tử:

Nhóm các mặt hàng này phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp FDI, sản phẩm sản xuất với quy trình phức tạp, công nghệ tiên tiến và nhân lực yêu cầu tay nghề cao. Trong thời gian đến cần xây dựng chiến lược tiếp cận phù hợp để định hướng doanh nghiệp địa phương vào chuỗi cung ứng.

- Hàng dệt may, da giày:

Đây là sản phẩm xuất khẩu có quy mô và giải quyết việc làm cho số lượng lao động phổ thông lớn. Hiện này, các doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng các quy định khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA,… Đồng thời, cần tập trung định hướng phát triển thị trường cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, đẩy mạnh thiết kế và phát triển thị trường tiêu dùng cuối cùng.

- Hàng da giày:

Cũng tương tự hàng dệt may, hàng da giày đang nhập hầu hết nguyên phụ liệu để gia công và xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất lớn đang có xu hướng mở rộng thị trường và thu hút nhiều lao động.

2. Định hướng thị trường xuất khẩu

a) Đối với thị trường Châu Á

Châu Á là thị trường có số lượng Hiệp định FTA Việt Nam tham gia nhiều nhất trong khuôn khổ hợp tác ASEAN với các đối tác. Các mặt hàng xuất khẩu mạnh sang thị trường châu Á gồm: các sản phẩm từ gỗ, nông thủy sản chế biến, hàng may mặc, da giày, linh kiện điện tử,… Dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 939 triệu USD, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, Trung Quốc vừa là thị trường truyền thống vừa là một trong những đối tác tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh. Định hướng các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường này gồm:

- Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Ngọc Linh.

- Trái cây: Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu trái cây tươi lớn thứ hai thế giới và Việt Nam là thị trường nhập khẩu đứng thứ 4 của Trung Quốc, chiếm trên 7% nhu cầu nhập khẩu. Trong 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào nước này gồm: thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt thì tỉnh Quảng Nam có thể sản xuất và cung cấp quả dưa hấu và quả măng cụt để xuất sang thị trường này.

- Thủy sản: Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam. Thị trường này tương đối “dễ tính” so với các thị trường khác như Nhật bản, Hàn Quốc và các Quốc gia Châu Âu. Vì vậy, việc định hướng cho các doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thủy sản như tôm chân trắng, tôm sú, mực khơi,… mang lợi hiệu quả kinh tế cao.

b) Đối với thị trường Châu Âu (EU)

Liên minh Châu Âu EU luôn nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU chính là ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức 20-30%/năm và không bị hạn chế chủng loại, sản lượng.

Đối với tỉnh Quảng Nam, một số mặt hàng cần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này là nhóm hàng gia công xuất khẩu như máy móc, linh kiện điện tử, dệt may, da giày và nông sản (chuối, măng cụt - thị trường tiềm năng là Pháp, Hà Lan và Đức). Tuy nhiên, EU là thị trường có rất nhiều quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng hàng hóa, các quy định này không cố định mà thường xuyên thay đổi hoặc nâng cao hơn. Đây cũng là khu vực đề cao các yếu tố cạnh tranh lành mạnh, quyền sở hữu trí tuệ,… Vì vậy, doanh nghiệp giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kể cả quy cách đóng gói, bao bì, thông tin sản phẩm; tuân thủ các yêu cầu về cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

c) Đối với thị trường Châu Mỹ

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP được ký kết năm 2018, các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào châu Mỹ luôn được đẩy mạnh. Đây là khu vực thị trường rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa khổng lồ và là địa chỉ xuất khẩu tiềm năng cho nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ trong năm 2021 đạt hơn 114 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2020. Trong đó, ngành hàng dệt may, xuất khẩu sang khu vực này đạt trên 17 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; ngành hàng máy vi tính, điện tử và linh kiện, châu Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu lớn với tổng kim ngạch đạt gần 14 tỷ USD. Các mặt hàng tỉnh Quảng Nam xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm hàng gia công như hàng may mặc, da giày, thiết bị linh kiện điện tử,… và nhóm ngành công nghiệp phụ trợ như phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp chung

a) Công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường hỗ trợ doanh nghiệp:

- Xây dựng các kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với xuất khẩu hàng hoá.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, các cam kết, Hiệp định Thương mại tự do và chính sách xuất nhập khẩu. Tiếp tục đề xuất cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, hỗ trợ lãi suất đầu tư đổi mới công nghệ, xây lắp nhà xưởng, nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến để sản xuất hàng xuất khẩu.

b) Tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hoá

Xây dựng các chương trình, đề án hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu ổn định sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ. Các quy định về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất chế biến, hàng hóa phải đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký mã số đóng gói sản phẩm, công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong các giai đoạn tạo ra sản phẩm, các phương pháp quản lý phù hợp để chuẩn hóa sản phẩm hàng hoá xuất khẩu.

Định hướng thành lập các cơ sở đào tạo, trung tâm thử nghiệm, các tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các quy định về nhãn hiệu hàng hóa thân thiện với môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế.

c) Dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu

- Công nghệ thông tin:

Xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia phát triển thương mại xuyên biên giới trên cơ sở liên thông kết nối giữa các kênh thông tin sản phẩm http://sanphamquangnam.com và các sàn thương mại điện tử như: Alibaba.com, Amazon.com, Voso Global Postmart.vn, Lazada.vn,... để giới thiệu, quảng bá và xuất khẩu sản phẩm.

- Dịch vụ logistics:

Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng để tạo sự hài hòa giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy và đường hàng không nhằm phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

- Dịch vụ tài chính (vốn, thuế, phí,...):

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại xây dựng, đề xuất gói tín dụng lãi suất thấp và đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất và xuất khẩu sau dịch bệnh Covid -19.

Xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành sản xuất sản phẩm và các loại thuế, phí cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid 19.

2. Một số giải pháp cho các nhóm hàng

a) Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản

- Để hàng nông sản Quảng Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thì buộc nông sản phải có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, áp dụng phương thức trồng trọt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP,…

- Xây dựng chương trình, kế hoạch doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tiến hành thực hiện việc đăng ký mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sản phẩm theo Lệnh 248 về “Quy định đăng ký và Quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu”.

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hỗ trợ người dân liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn hoặc tập hợp thành mô hình hợp tác xã để dễ dàng áp dụng kỹ thuật công nghệ vào quá trình trồng trọt, đánh bắt và thu hoạch. Tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là chế biến sâu để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

- Khuyến khích người dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thúc đẩy phát triển các mối liên kết giữa người sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ; giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối; giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng các chính sách toàn diện về an toàn hợp với chuẩn mực quốc tế.

b) Đối với nhóm hàng công nghiệp, công nghiệp phụ trợ

- Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để tiếp cận thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm có lợi thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu.

- Xây dựng kế hoạch và đề xuất các cơ chế hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, nghiên cứu và phát triển. Khuyến khích liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và phát triển các chương trình, giáo trình phù hợp với thực tiễn.

c) Đối với nhóm hàng gia công xuất khẩu

Thu hút các doanh nghiệp về sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử như Samsung, LG, Foxconn. Canon, Intel,... để tạo giá trị xuất khẩu lớn và bền vững cho tỉnh.

Xây dựng chương trình, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo điều kiện phòng chống dịch cho người lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này. Định kỳ hàng năm tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương theo quy định.

2. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục kèm theo, chủ động triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ. Định kỳ trước ngày 30/11 hằng năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình thực hiện gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương.

3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP và các PCVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, KTN.
D:\Dropbox\Tai 2022\CT\QD\0325 QD ban hanh Chuong trinh xuat khau san pham co kha nang cao cua tinh.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CÓ KHẢ NĂNG CAO CỦA QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Danh mục

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian

I

Xúc tiến thương mại, thông tin thị trường

1

Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước tìm kiếm thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiềm năng của tỉnh.

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

2

Đăng ký làm việc, trao đổi với các Thương vụ ở nước ngoài để tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng, các quy định ở các nước để hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trong việc xuất khẩu sản phẩm.

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

3

Tổ chức đoàn tham gia các Hội chợ Quốc tế chuyên ngành như Hội chợ chuyên ngành ô tô, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm nông sản, thủy sản.

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

4

Xây dựng kế hoạch truyền thông, hướng dẫn doanh nghiệp cam kết và hướng tận dụng các cam kết ưu đãi của FTA đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Xây dựng kênh thông tin thị trường, các quy định và thủ tục liên quan của nước nhập khẩu đến các doanh nghiệp trong tỉnh.

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

2022-2025

5

Tuyên truyền Trang Thông tin sản phẩm Quảng Nam cho các Thương vụ ở nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh. Xây dựng chương trình hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như: Alibaba.com, Amazon.com,... để giới thiệu, quảng bá và xuất khẩu sản phẩm của tỉnh.

Sở Công Thương

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

6

Tổ chức Chương trình, kế hoạch giới thiệu sản phẩm của tỉnh thông qua cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam; Xúc tiến mời gọi các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu sản phẩm tại Quảng Nam.

Sở Ngoại vụ

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

II

Các quy định về sản phẩm hàng hóa

1

Tổ chức hướng dẫn các quy định về chất lượng, phương thức trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap,… Đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc,…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Thường xuyên

2

Định hướng, quy hoạch phát triển vùng trồng tập trung đối với nông, lâm sản, trái cây định hướng cho xuất khẩu của tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các Sở, Ban, ngành,

2022

3

Tổ chức tuyên truyền các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Thường xuyên

4

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu của từng quốc gia, khu vực.

Sở Khoa học và Công nghệ

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Thường xuyên

5

Nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình đào tạo, phương án thành lập cơ sở phân tích và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Sở Khoa học và Công nghệ

Các Sở, Ban, ngành

2022-2025

III

Dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu

1

Xây dựng, đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

Sở Giao thông và Vận tải

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

2

Thành lập Tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan tại Cửa khẩu Nam Giang hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác xuất khẩu hàng qua cửa khẩu, nhất là các mặt hàng thủy sản của tỉnh xuất khẩu qua Lào.

Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu Công nghiệp

Các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Thường xuyên

3

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chính sách tỷ giá, lãi suất; thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp xuất khẩu; theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Tiếp tục triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp.

Ngân hàng nhà nước - chi nhánh Quảng Nam

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

4

Xây dựng chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về các loại thuế, phí (các khoản thu nội địa) đối với hàng hoá, sản phẩm xuất khẩu nhất là các sản phẩm nông, lâm thủy sản của địa phương.

Cục Thuế tỉnh

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

 



[1] Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản: Xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản, trái cây như: Chuối, Măng cụt qua các thị trường như Trung Quốc, Châu Âu; Xuất khẩu Sâm Ngọc linh và các sản phẩm từ Sâm Ngọc linh; Xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ đạt 243 triệu USD. Nhóm hàng công nghiệp, công nghiệp phụ trợ: Xuất khẩu Ô tô đạt 20 triệu USD; công nghiệp phụ trợ đạt 118 triệu USD. Nhóm hàng gia công: Xuất khẩu Linh kiện điện tử đạt 428 triệu USD; Xuất khẩu Dệt may đạt 1,5 tỷ USD; Xuất khẩu Da dày đạt 430 triệu USD.

[2] Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 12/2021 Quảng Nam nằm trong số 27 tỉnh thành có trị giá xuất khẩu lớn nhất cả nước.

[3] Căn cứ Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 09/08/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

[4] Căn cứ Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 09/08/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

[5] Căn cứ Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 09/08/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 795/QĐ-UBND năm 2022 về Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 795/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Hồ Quang Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản