Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 790/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 30 tháng 04 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRANG BỊ CHO LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

Căn cứ Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 142/TTr-CAT- PCCC ngày 12 tháng 4 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; lực lượng dân phòng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Sơn La;
- Như Điều 3;
- VP UBND tỉnh: LĐVP; Trung tâm thông tin;
- Lưu: VT, NC, ĐH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRANG BỊ CHO LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 30 tháng 04 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (viết gọn là PCCC&CNCH) trang bị cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm của lực lượng dân phòng được trang bị, sử dụng phương tiện; điều kiện, trách nhiệm của cán bộ, đội viên lực lượng dân phòng được giao sử dụng phương tiện; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi bảo quản phương tiện; các chức danh của lực lượng dân phòng được sử dụng phương tiện và loại phương tiện được trang bị, sử dụng; các nội dung khác có liên quan.

2. Phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng, gồm:

a) Các phương tiện được đầu tư, mua sắm theo Phụ lục I - Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và theo các quy định trước đây về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

b) Các phương tiện được đầu tư, mua sắm, cho, tặng từ các nguồn kinh phí, tài trợ hợp pháp khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Cơ quan Công an (Công an tỉnh; Công an cấp huyện; Công an cấp xã).

3. Lực lượng dân phòng.

4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Tuân thủ các quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Phương tiện PCCC&CNCH được trang bị cho lực lượng dân phòng phải được quản lý, sử dụng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Người quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định.

4. Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng phương tiện PCCC&CNCH phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình.

5. Quy trình về quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH của lực lượng dân phòng được xây dựng phải phù hợp trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất và đặc thù trong khai thác, sử dụng.

6. Bảo đảm thống nhất, chặt chẽ trong thực hiện trách nhiệm quản lý, sử dụng đối với phương tiện PCCC&CNCH của lực lượng dân phòng, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1. Quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là hoạt động lập kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và kiểm tra công tác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH do cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện để duy trì chất lượng tốt nhất của các phương tiện, đảm bảo công tác thường trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Bảo quản phương tiện PCCC&CNCH là hoạt động giữ gìn phương tiện để tránh hư hỏng, mất mát.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tổ chức quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng

1. Phương tiện phải được thống kê, theo dõi, tổ chức bảo quản, bảo dưỡng theo quy định. Các cơ quan và đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng và sửa chữa phương tiện kịp thời khi hư hỏng, hết niên hạn sử dụng.

2. Có phân công trách nhiệm quản lý phương tiện; việc bàn giao phương tiện cho lực lượng dân phòng, thành viên đội dân phòng phải được lập thành biên bản, có chữ ký bên giao, bên nhận.

3. Điều kiện, cách thức bảo quản phương tiện PCCC&CNCH

a) Bố trí nơi bảo quản phương tiện phải phù hợp với thực tế địa phương nhưng phải dễ lấy sử dụng khi cần thiết và đáp ứng yêu cầu bảo quản (phương tiện để trong phòng phải đảm bảo khô ráo, thoáng khí, sạch sẽ; phương tiện để ngoài trời phải được bố trí mái che hoặc có biện pháp phòng chống mưa, nắng).

b) Phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ (rìu cứu nạn, búa tạ, xà beng, kìm cộng lực); phương tiện, dụng cụ cứu người (túi sơ cứu, cáng cứu thương); bình chữa cháy xách tay phải được sắp xếp, làm sạch; bảo quản trên giá, kệ, sàn kê hoặc trong tủ bảo quản; không được quăng, quật khi sắp xếp, vận chuyển; không được đặt gần nơi có xăng, dầu, axit, hóa chất ăn mòn.

4. Phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng được sử dụng cho nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH như:

a) Tham gia xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn phụ trách hoặc địa bàn khác khi được cấp có thẩm quyền huy động, điều động.

b) Tham gia tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng, hội thao, hội thi nghiệp vụ PCCC&CNCH theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Tham gia diễn tập, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được lập, phê duyệt theo quy định.

d) Tham gia các nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan Công an

1. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Công an cấp huyện

a) Chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng trong phạm vi quản lý.

b) Chỉ đạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng theo quy định.

c) Thống kê, báo cáo cơ quan Công an cấp trên về công tác quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng.

2. Trách nhiệm của Công an cấp xã

a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Hướng dẫn, tổ chức hoạt động và huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý.

c) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng.

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Chỉ đạo việc thực hiện quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng trong phạm vi quản lý.

2. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, nắm bắt tình hình thực tế trên địa bàn, đề nghị trang cấp bổ sung phương tiện PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng theo quy định.

3. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý.

2. Tổ chức bàn giao phương tiện cho các đội dân phòng để quản lý, sử dụng.

3. Xem xét phê duyệt phương án, kế hoạch về công tác quản lý, sử dụng phương tiện của các đội dân phòng (bao gồm địa điểm quản lý; người quản lý, sử dụng; các trường hợp khác được sử dụng và những nội dung khác có liên quan).

4. Chỉ đạo việc thống kê, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho lực lượng dân phòng.

5. Thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm quyền và trình tự, thủ tục để huy động, điều động lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH.

6. Đánh giá hiện trạng, tính hiệu quả, đề xuất bổ sung phương tiện PCCC&CNCH phù hợp với tình hình thực tế.

7. Lập sổ, thống kê trang bị, phương tiện PCCC&CNCH (theo phụ lục/biểu mẫu kèm theo). Định kỳ 6 tháng thống kê, gửi báo cáo về Công an cấp huyện tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện (trước ngày 30 tháng 5 và trước 30 tháng 11 hàng năm).

Điều 9. Trách nhiệm của lực lượng dân phòng

1. Tổ chức tiếp nhận phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị; đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt phương án, kế hoạch quản lý, sử dụng phương tiện cho phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo an toàn, hiệu quả theo Quy chế này và đúng quy định pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về phương tiện PCCC&CNCH được trang bị theo hướng dẫn của cơ quan Công an.

3. Phân công cụ thể người chịu trách nhiệm quản lý ở địa điểm bảo quản phương tiện của đội dân phòng. Trường hợp tổ chức bảo quản tập trung tại nhiều địa điểm hoặc giao phương tiện cho cá nhân quản lý tại nhà ở riêng lẻ phải phân công rõ ràng người chịu trách nhiệm ở từng địa điểm hoặc trách nhiệm cá nhân được giao quản lý tại nhà riêng.

4. Tổ chức quản lý, sử dụng phương tiện được trang bị để duy trì chất lượng, tình trạng kỹ thuật tốt nhất của phương tiện, tránh hư hỏng, mất mát hoặc sử dụng sai mục đích.

5. Thường xuyên, định kỳ kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện được trang bị và sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ. Khi phát hiện hư hỏng, hao hụt, mất mát phải báo cáo, đề xuất việc sửa chữa, bổ sung, thay thế kịp thời.

6. Tổ chức phân công thành viên đội dân phòng sử dụng phương tiện được trang bị khi thực hiện nhiệm vụ công tác tại khoản 4 Điều 5 Quy chế này.

7. Định kỳ 6 tháng (ngày 15 tháng 5 và ngày 15 tháng 11 hàng năm), thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện.

Điều 10. Điều kiện, trách nhiệm của thành viên đội dân phòng được giao sử dụng phương tiện

1. Chỉ những thành viên đội dân phòng (được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã), có đủ sức khỏe, đã được huấn luyện và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới được giao sử dụng phương tiện PCCC&CNCH.

2. Đội viên lực lượng dân phòng được sử dụng phương tiện phá dỡ thô sơ, bình chữa cháy xách tay (kể cả những phương tiện PCCC&CNCH cơ giới; phương tiện cứu người; phương tiện thông tin, liên lạc được trang bị thêm ngoài danh mục trang bị theo Phụ lục I - Thông tư số: 150/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công an) trong các trường hợp sau:

a) Theo mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

b) Theo mệnh lệnh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khi tham gia các hoạt động PCCC, ứng phó sự cố thiên tai, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

3. Đội trưởng, đội phó lực lượng dân phòng được sử dụng túi sơ cứu khi làm nhiệm vụ. Trường hợp đội viên lực lượng dân phòng có chuyên môn, nghiệp vụ sơ, cấp cứu hoặc đã được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ sơ, cấp cứu thì được giao cho người đó sử dụng khi làm nhiệm vụ.

Điều 11. Điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi bảo quản phương tiện

1. Người được giao quản lý kho, nơi bảo quản phương tiện phải là cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã hoặc thành viên đội dân phòng.

2. Trường hợp không bố trí kho, nơi bảo quản tập trung mà giao phương tiện cho cá nhân quản lý tại nhà riêng thì chỉ được giao cho thành viên đội dân phòng.

3. Người giao quản lý kho, nơi bảo quản phương tiện phải thường xuyên kiểm tra nơi bảo quản phương tiện PCCC&CNCH, kịp thời phát hiện phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi bảo quản không đảm bảo an toàn để báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý, khắc phục.

4. Trường hợp cá nhân được giao quản lý kho làm mất, hư hỏng hoặc sử dụng không đúng mục đích phương tiện PCCC&CNCH thì sẽ phải đền bù số phương tiện đó và bị xử lý theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm thực hiện

1. Công an tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trang bị phương tiện PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh; chủ trì, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La; hướng dẫn Công an cấp huyện, Công an cấp xã về quản lý, sử dụng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị theo đúng mục đích, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

2. Công an huyện, Công an xã có trách nhiệm tham mưu với Ủy ban nhân dân cùng cấp đề xuất trang cấp bổ sung phương tiện PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng trên địa bàn huyện; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng trên địa bàn huyện; hướng dẫn đội dân phòng quản lý, sử dụng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị theo đúng mục đích, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị cho lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Công an tỉnh để được hướng dẫn hoặc xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.


Mẫu số 01

BIỂU MẪU SỔ THEO DÕI, THỐNG KÊ BÁO CÁO

....(1).....
....(2).....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

SỔ THEO DÕI

Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng

Số TT

Đội dân phòng

Tổng số người tham gia

Phương tiện PCCC&CNCH

Tình trạng hoạt động của phương tiện

Bình chữa cháy

Đèn pin

Rìu cứu nạn

Xà beng

Búa tạ

Kìm cộng lực

Túi sơ cứu loại A

Cáng cứu thương

Mũ chữa cháy/ cứu nạn, cứu hộ

Quần áo chữa cháy/ cứu nạn, cứu hộ

Găng tay chữa cháy/ cứu nạn, cứu hộ

Giầy, ủng chữa cháy/ cứu nạn, cứu hộ

Mặt nạ lọc độc

Bộ đàm cầm tay (đáp ứng tiêu chuẩn IP54)

Tốt

Trung bình

Hư hỏng

Mất

Đã cấp

Hiện còn

Niên hạn sử dụng

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Tên đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý.

(2) Tên đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 790/QĐ-UBND năm 2024 về Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La

  • Số hiệu: 790/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/04/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Hoàng Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/04/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản