Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 783/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH AN GIANG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tại Tờ trình số 192/TTr-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 1403/BC-HĐTĐ ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và Báo cáo số 194/BC-UBND ngày 16 tháng 04 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung sau:

I. TÊN QUY HOẠCH

Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH

1. Phạm vi quy hoạch: Phần lãnh thổ tỉnh An Giang với tổng diện tích tự nhiên là 3.536,7 km2.

- Phía Tây Bắc giáp Vương quốc Campuchia;

- Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang;

- Phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ;

- Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp.

Có tọa độ địa lý: từ 10°20’07” đến 10°34’23” vĩ độ Bắc và 104°47’20” đến 105°35’10” kinh độ Đông.

2. Thời kỳ Quy hoạch:

- Thời kỳ quy hoạch: 2021 - 2030.

- Tầm nhìn dài hạn: đến năm 2050.

III. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH

1. Quan điểm, nguyên tắc:

a) Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của cả nước; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Phải đánh giá đúng thực trạng, dự báo được xu hướng phát triển nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh; phù hợp với khả năng cân đối, huy động nội lực và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các vùng của tỉnh. Đảm bảo tính thống nhất, liên kết giữa quy hoạch tỉnh An Giang với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh, vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo;

c) Bảo đảm tính nhân dân, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; tính khả thi, khoa học, khách quan; ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, tiết kiệm, hiệu quả; hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017;

d) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân; tái cơ cấu dân cư theo hướng tập trung, tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, tạo sự thống nhất trong đa dạng nền văn hóa Việt Nam; tăng cường quốc phòng, ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu:

a) Nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn;

b) Để xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển mới của tỉnh An Giang và các phương án phát triển các vùng huyện, liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế; danh mục các dự án đầu tư quan trọng, đề xuất các giải pháp lớn và nguồn lực thực hiện quy hoạch theo các kịch bản khác nhau.

c) Làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và huy động các nguồn lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường; là căn cứ quan trọng để tỉnh An Giang lập các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống, làm việc và việc giám sát, đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt.

IV. NỘI DUNG LẬP QUY HOẠCH

1. Yêu cầu về nội dung lập Quy hoạch

a) Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên;

b) Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ tỉnh An Giang; phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hoá, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai;

c) Việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập Quy hoạch phải thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bố đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái;

d) Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện;

đ) Có sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường trong quá trình lập Quy hoạch;

e) Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của cộng đồng, giữa lợi ích của các vùng, các địa phương; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai;

g) Bảo đảm quyền tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong quá trình lập Quy hoạch; tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước;

h) Nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện bằng báo cáo Quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

2. Xác định nội dung Quy hoạch

Nội dung Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017Điều 28 Nghị định số 37/2019/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh An Giang;

b) Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn;

c) Đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước;

d) Xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án Quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang:

- Xây dựng quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển;

- Xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn;

- Xây dựng và lựa chọn các phương án:

+ Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội.

+ Phương án Quy hoạch và phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, các khu vực và khu chức năng; phương án tổ chức lãnh thổ và phân bố dân cư (thực hiện theo đúng quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017).

+ Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (thực hiện theo đúng quy định tại các điểm đ, e, g, h, i, k, khoản 2, Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017).

+ Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.

+ Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.

+ Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng hóa sinh học trên địa bàn.

+ Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn.

+ Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

+ Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

- Danh mục dự án của Tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện.

- Hệ thống các giải pháp, nhiệm vụ và nguồn lực thực hiện Quy hoạch.

đ) Các nội dung đề xuất nghiên cứu:

Các nội dung được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh An Giang được nghiên cứu đề xuất đảm bảo cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương, xuất phát từ nhu cầu phát triển, yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Các nội dung đề xuất tập trung làm rõ các phương án phát triển không gian kinh tế - xã hội các thành phố, thị xã, huyện và các vùng đặc trưng, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, đặc thù của tỉnh An Giang.

V. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH

1. Yêu cầu về phương pháp lập Quy hoạch:

Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.

2. Các phương pháp lập Quy hoạch:

- Phương pháp tích hợp quy hoạch;

- Phương pháp điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu;

- Phương pháp phân tích, đánh giá và tổng hợp;

- Phương pháp thực chứng, ứng dụng các bài học thực tiễn;

- Phương pháp mô hình hoá;

- Phương pháp xây dựng kịch bản phát triển;

- Phương pháp chồng lớp, đối chiếu bản đồ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS);

- Phương pháp điều tra xã hội học;

- Phương pháp quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng, các bên liên quan;

- Phương pháp chuyên gia;

- Sử dụng công cụ hỗ trợ lập quy hoạch (Bộ công cụ này bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu và công cụ phân tích. Bộ công cụ này có thể được tích hợp thông qua các cổng thông tin cơ sở dữ liệu quy hoạch được xây dựng phục vụ quá trình lập quy hoạch).

VI. THÀNH PHẦN, CHI PHÍ, TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH

1. Thành phần hồ sơ

a) Phần văn bản:

- Tờ trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang.

- Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang.

- Báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh An Giang, báo cáo tóm tắt và các báo cáo liên quan kèm theo các sơ đồ, bản đồ thu nhỏ.

- Các phụ lục và văn bản pháp lý liên quan.

- Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

b) Hệ thống bản đồ và sơ đồ:

Danh mục và tỷ lệ bản đồ Quy hoạch tỉnh quy định tại mục IX Phụ lục I Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, gồm:

- Bản đồ in tỷ lệ 1:250.000 - 1:1.000.000: Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh An Giang.

- Bản đồ số và bản đồ in, tỷ lệ 1:25.000 - 1:100.000:

+ Các bản đồ về hiện trạng phát triển;

+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng;

+ Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn;

+ Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng;

+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;

+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

+ Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất;

+ Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên;

+ Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu;

+ Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;

+ Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện;

+ Hệ thống bản đồ chuyên đề khác (nếu có).

- Bản đồ in tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000: Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển khu vực trọng điểm của tỉnh (nếu có).

- Các sơ đồ nghiên cứu phân tích Quy hoạch tỉnh.

c) Cơ sở dữ liệu Quy hoạch.

2. Chi phí lập Quy hoạch: Thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Thời hạn lập Quy hoạch: Không quá 18 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập Quy hoạch Tỉnh được phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017 và quy định pháp luật liên quan.

2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang triển khai thực hiện lập Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh An Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg các PTTgCP, các Vụ, Cục, TGĐ cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHĐP (3) Tùng.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 783/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 783/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/06/2020
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản