Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 782/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC KHUYẾN NGHỊ THEO CƠ CHẾ RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC (UPR) CHU KỲ II (2015-2018)

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ văn bản số 954/VPCP-NC ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về việc chấp thuận các khuyến nghị UPR chu kỳ II;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) chu kỳ II giai đoạn 2015-2018.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ Nội chính);
- Bộ Ngoại giao (Vụ Các tổ chức quốc tế);
- Cổng TTĐT của Bộ;
- Lưu: VT, TTĐN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Minh Tuấn

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC KHUYẾN NGHỊ THEO CƠ CHẾ RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC (UPR) CHU KỲ II (2015-2018)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 782/QĐ-BTTTT ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

I. Căn cứ xây dựng Kế hoạch hành động - Mục đích và Yêu cầu

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thiết lập năm 2007 và được tổ chức bốn năm một lần tại Hội đồng Nhân quyền nhằm kiểm tra định kỳ để đánh giá một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Tại Khóa họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền, ngày 20/6/2014, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ II trong bối cảnh vừa trúng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên. Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị từ các nước. Các khuyến nghị được chấp nhận xuất phát từ chính sách và cam kết nhất quán của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quyền con người, đặc biệt là cam kết tự nguyện của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Thực hiện ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 954/VPCP-NC ngày 30 tháng 5 năm 2014 về việc chấp thuận các khuyến nghị UPR chu kỳ II; căn cứ các khuyến nghị được phân công, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ II (2015-2018) với các mục tiêu, yêu cầu sau:

1. Thể hiện sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc góp phần thực hiện tốt trách nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc của Chính phủ Việt Nam.

2. Cụ thể hóa các nội dung và tổ chức thực hiện những khuyến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông được phân công theo văn bản số 954/VPCP-NC ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về việc chấp thuận các khuyến nghị UPR chu kỳ II.

3. Việc triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu lồng ghép thống nhất và hiệu quả với các nhiệm vụ chuyên môn khác của các đơn vị, Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ, đảm bảo tính khả thi về thời gian và các nguồn lực.

II. Thời gian triển khai thực hiện

Thời gian triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ II từ năm 2015 đến năm 2018. Sau năm 2018, căn cứ kế hoạch bảo vệ Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung các nội dung, yêu cầu mới trên cơ sở Kế hoạch hành động này.

III. Những nhiệm vụ chủ yếu

1. Thống nhất nhận thức về vấn đề quyền con người trong cán bộ ngành thông tin và truyền thông

Cục Thông tin đối ngoại chủ trì, phối hợp với Văn phòng và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin cho Lãnh đạo chủ chốt các cơ quan báo chí. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành Thông tin và Truyền thông nhằm thống nhất nhận thức về vấn đề quyền con người.

2. Đảm bảo tính hợp hiến, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành thông tin và truyền thông

a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, thẩm định đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật của ngành thông tin và truyền thông do Bộ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với Điều 25, Hiến pháp năm 2013, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

b) Cục Báo chí chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan đảm bảo minh bạch, đúng quy trình, tham khảo rộng rãi ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế trong quá trình xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII.

c) Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thanh tra Bộ và Cục Viễn thông rà soát, đánh giá sự phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP và 174/2013/NĐ-CP liên quan đến việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế theo các Điều 19, 21 và 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; đề xuất sửa đổi nếu cần thiết.

d) Cục An toàn thông tin bổ sung thêm một số nội dung cơ bản liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng trong dự thảo Luật An toàn thông tin, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã hoặc sắp tham gia trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

e) Văn phòng chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan, kịp thời trả lời những vấn đề của cử tri, các đại biểu và các cơ quan của Quốc hội quan tâm; các vấn đề, kiến nghị liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương.

3. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về quyền con người

a) Cục Báo chí chủ trì, phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Vụ Thông tin cơ sở:

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người.

- Tăng cường tuyên truyền về các cam kết và kết quả triển khai thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo quyền con người tại Việt Nam trong đó có các khuyến nghị UPR chu kỳ II.

- Phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về các vấn đề được xã hội quan tâm; chủ động thông tin định hướng dư luận, nhất là đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, bảo đảm tính khách quan, trung thực nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

- Tổ chức sản xuất các ấn phẩm, phim, tư liệu và tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trong lĩnh vực quyền con người.

b) Cục Thông tin đối ngoại chủ trì phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan tổ chức cung cấp thông tin cho đối tác quốc tế, báo đài nước ngoài về tình hình thực hiện nhân quyền tại Việt Nam thông qua cơ chế đối thoại nhân quyền, đoàn ra - đoàn vào và các hoạt động hội thảo, hội nghị hợp tác quốc tế của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội

Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tiếp tục tham gia, phối hợp để triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội. Tiếp tục và đẩy mạnh triển khai một số chương trình, dự án, tiểu dự án có sự lồng ghép đảm bảo hiệu quả, cụ thể là:

a) Các Chương trình Mục tiêu quốc gia;

b) Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích;

c) Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và hoàn thiện để nâng cao hoạt động có hiệu quả hệ thống Điểm Bưu điện - Văn hóa xã;

d) Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”;

đ) Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400;

e) Chương trình “Máy tính cho cuộc sống”.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Giao Cục Thông tin đối ngoại chủ trì, giúp Lãnh đạo Bộ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ và các cơ quan có liên quan.

2. Các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch này có trách nhiệm:

- Rà soát các nhiệm vụ được phân công để chủ động lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của đơn vị mình; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả các khuyến nghị.

- Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả triển khai thực hiện các Khuyến nghị được phân công, gửi về Cục Thông tin đối ngoại để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Kế hoạch hành động, các đơn vị chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ (qua Cục Thông tin đối ngoại) để xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG TRIỂN KHAI CÁC KHUYẾN NGHỊ UPR CHU KỲ II (2015-2018)
(Kèm theo Quyết định số 782/QĐ-BTTTT ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

TT

Nội dung công việc

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1.

Tiến hành thêm nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tự do ngôn luận và tự do truyền thông phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất (khuyến nghị 144)

Cục Thông tin đối ngoại

Cục Viễn thông

2.

Tiến hành mọi hoạt động cần thiết nhằm tôn trọng và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế (khuyến nghị 145)

Vụ Hợp tác quốc tế

3.

Đảm bảo rằng khuôn khổ pháp luật của Việt Nam cho phép truyền thông quốc gia và quốc tế hoạt động tự do và độc lập phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) (khuyến nghị 163)

Vụ Pháp chế

4.

Thực hiện một cách có hiệu quả hơn các khuyến nghị nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận (khuyến nghị 168)

 

5.

Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ hoạt động không có bất kỳ trở ngại nào về tự do ngôn luận (khuyến nghị 169)

Hội Nhà báo Việt Nam

6.

Thúc đẩy tích cực các bước nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận, cũng như quyền tự do và độc lập của báo chí, trong đó có internet (khuyến nghị 146)

Cục Báo chí

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử

7.

Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trong đó có internet (khuyến nghị 158)

8.

Đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và các tổ chức xã hội khác (khuyến nghị 167)

9.

Duy trì đà phát triển của truyền thông đại chúng, trong đó có internet để bảo vệ quyền tự do ngôn luận (khuyến nghị 170)

10.

Đảm bảo thực hiện Điều 25 Hiến pháp năm 2013 và tuân thủ các nghĩa vụ theo ICCPR (khuyến nghị 2)

Vụ Pháp chế

 

11.

Đảm bảo rằng Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến quyền tự do ngôn luận (khuyến nghị 147)

Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Hợp tác quốc tế

12.

Bảo vệ và đảm bảo việc tôn trọng quyền tự do thông tin và ngôn luận, đặc biệt là của nhà báo, blogger và những người bảo vệ nhân quyền, tiến hành rà soát luật pháp về quản lý báo chí nhằm đảm bảo các luật này phù hợp với chuẩn mực quốc tế (khuyến nghị 149)

Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử

13.

Phù hợp với các cam kết trước đây của Việt Nam, thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, trong đó có internet được đảm bảo đầy đủ trong luật pháp và trong thực tế bằng cách làm cho luật pháp của Việt Nam phù hợp với các nghĩa vụ theo công ước ICCPR (khuyến nghị 164)

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử

14.

Đảm bảo mọi luật liên quan đến internet phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam như là quốc gia thành viên ICCPR (khuyến nghị 4)

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử

Cục Viễn thông, Cục Báo chí

15.

Bảo vệ tự do ngôn luận trên thực tế và trên mạng bằng việc làm cho luật pháp như Nghị định số 159/2013/NĐ-CP và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP phù hợp với luật nhân quyền quốc tế (khuyến nghị 153)

Thanh tra Bộ, Cục Báo chí

16.

Xem xét lại Nghị định 72/2013/NĐ-CP và 174/2013/NĐ-CP liên quan đến việc quản lý, cung cấp và sử dụng internet, để đảm bảo tính nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, cụ thể là các điều 19, 21 và 22 của ICCPR (khuyến nghị 154)

Cục Viễn thông

17.

Đảm bảo rằng Nghị định 72/2013/NĐ-CP không hạn chế các quyền cá nhân về bày tỏ quan điểm trên mạng (khuyến nghị 155)

18.

Đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên mạng và thực tế, làm cho Nghị định 72/2013/NĐ-CP phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế (khuyến nghị 161)

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử

 

19.

Tiến hành các biện pháp cho phép tiếp cận không giới hạn và sử dụng internet với mọi công dân và đảm bảo quyền tự do bày tỏ và ngôn luận với mọi người, cũng như quyền tự do báo chí và truyền thông (khuyến nghị 159)

Cục Viễn thông

20.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, cả trên mạng và trên thực tế (khuyến nghị 165)

 

21.

Hoàn thành các nghĩa vụ theo công ước ICCPR và đảm bảo đầy đủ quyền tự do ngôn luận trên internet cũng như trên thực tế với mọi công dân (khuyến nghị 171)