Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 780/2008/QĐ-UBND

Huế, ngày 31 tháng 3 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT DỰ TOÁN, QUYẾT TOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN, QUYẾT TOÁN VỐN DỰ ÁN HOÀN THÀNH VÀ CƠ QUAN THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN, THẨM TRA QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN HOÀN THÀNH THUỘC NGUỒN VỐN NHÀ NƯỚC

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước và Thông tư số 98/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Thông tư số 73/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, thị trấn; Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 107/2007/TT-BTC ngày 07 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 07 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Căn cứ Thông tư số 118/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước;
Thực hiện Công văn số 9959/BTC-ĐT ngày 26 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kiểm toán các dự án nhóm B;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự toán, quyết toán chi phí quản lý dự án, quyết toán vốn dự án hoàn thành và cơ quan thẩm định dự toán chi phí quản lý dự án, thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp, Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn; các Chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT DỰ TOÁN, QUYẾT TOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN, QUYẾT TOÁN VỐN DỰ ÁN HOÀN THÀNH VÀ CƠ QUAN THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN, THẨM TRA QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN HOÀN THÀNH THUỘC NGUỒN VỐN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 780/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước do địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) quản lý, Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình ngay sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng theo quy định của Nhà nước, gồm:

1. Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh để xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình sử dụng vốn Nhà nước, bao gồm: vốn Ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn Trái phiếu (Chính phủ, Chính quyền địa phương), vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn Đầu tư phát triển của các Tổng Công ty Nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

2. Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, thành phố Huế (sau đây gọi chung là Uỷ ban Nhân dân cấp huyện) để xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình bằng nguồn vốn Ngân sách huyện, vốn Ngân sách thành phố Huế (sau đây gọi chung là Ngân sách cấp huyện).

3. Các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã) để xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình bằng nguồn vốn Ngân sách xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là ngân sách cấp xã).

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự toán, quyết toán chi phí quản lý dự án đầu tư, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành (bao gồm các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình) và cơ quan thẩm định dự toán, thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành cho các cơ quan cấp dưới trực tiếp đối với dự án do địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) quản lý sử dụng vốn Nhà nước.

Đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nước ngoài (vốn do Nhà nước bảo lãnh, vốn vay, vốn viện trợ từ các Chính phủ, tổ chức, cá nhân người nước ngoài) và các công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), sau khi hoàn thành thì chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc quyết toán vốn đầu tư theo quy định của Nhà nước và các quy định liên quan của Điều ước quốc tế (hoặc Nhà tài trợ nếu có).

Điều 3. Nguyên tắc quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành

1. Nguyên tắc chung:

a) Tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước khi hoàn thành đều phải quyết toán.

b) Tất cả các dự án nhóm A, dự án nhóm B đều phải kiểm toán quyết toán trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán;

c) Các dự án nhóm C và các dự án còn lại chỉ thực hiện kiểm toán quyết toán theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

2. Nguyên tắc cụ thể:

a) Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành:

- Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác sử dụng. Chi phí hợp pháp là chi phí được thực hiện trong phạm vi thiết kế, dự toán đã phê duyệt kể cả phần điều chỉnh, bổ sung, đúng với hợp đồng đã ký kết, phù hợp với các quy định của pháp luật. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì vốn đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với các dự án có nhiều hạng mục công trình, tùy theo quy mô, tính chất và thời hạn xây dựng công trình, chủ đầu tư có thể thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng cho từng hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình ngay sau khi hạng mục công trình, công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng theo yêu cầu của người quyết định đầu tư. Giá trị đề nghị quyết toán của từng hạng mục công trình bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí tư vấn và các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hạng mục đó. Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành, chủ đầu tư tổng quyết toán toàn bộ dự án trình người có thẩm quyền phê duyệt và phân bổ chi phí chung của dự án cho từng hạng mục công trình thuộc dự án.

- Đối với các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được cấp có thẩm quyền cho phép tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình, Chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư chịu trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Chương II Quy định này.

Trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một hạng mục trong dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không tách thành dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư) thì việc quyết toán giải phóng mặt bằng, tái định cư được quyết toán chung với dự án đầu tư xây dựng công trình.

- Chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công trình, hạng mục công trình hoàn thành để trình người quyết định đầu tư phê duyệt, chậm nhất là 12 tháng đối với các dự án nhóm A, 9 tháng đối với dự án nhóm B và 6 tháng đối với dự án nhóm C kể từ khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Sau sáu tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản của dự án tại cơ quan thanh toán, cho vay, cấp phát vốn đầu tư.

b) Phê duyệt dự toán, quyết toán chi phí quản lý dự án:

- Các dự án có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án cho toàn bộ quá trình thực hiện dự án; khi dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng chủ đầu tư quyết toán chi phí quản lý dự án cùng với quyết toán dự án hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí quản lý dự án năm kế hoạch đối với các Chủ đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập để quản lý các dự án tại địa phương và các dự án có tổng mức đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Chương II dưới đây.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. PHÂN CẤP THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT DỰ TOÁN, PHÊ DUYỆT QUYẾT TOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ PHÊ DUYỆT QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN HOÀN THÀNH

Điều 4. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh

1. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm A, B (bao gồm các dự án ODA) sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách tỉnh được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương, cho phép đầu tư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.

2. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm A, B (bao gồm các dự án ODA) thuộc vốn ngân sách Trung ương khi cấp có thẩm quyền ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.

3. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn Nhà nước và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước để đầu tư vào các dự án nhóm A, B do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.

4. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A, B sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách tỉnh quản lý.

Điều 5. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh

1. Phê duyệt dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án:

a) Phê duyệt dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án đầu tư các dự án sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách tỉnh của các Chủ đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập và quản lý; được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương, cho phép đầu tư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B và dự án nhóm C có tổng mức đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên (bao gồm các dự án ODA và các dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách cấp huyện, vốn ngân sách cấp xã và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước).

b) Phê duyệt dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án đầu tư các dự án thuộc ngân sách Trung ương khi cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư của dự án đó có quyết định giao nhiệm vụ và mức chi phí quản lý tương ứng cho các Chủ đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập để thực hiện quản lý một phần hay toàn bộ dự án (bao gồm các dự án ODA) có tổng mức đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên.

c) Phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án cùng với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách tỉnh của các chủ đầu tư trong trường hợp không thành lập Ban Quản lý dự án và các Ban Quản lý dự án khác không do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập (bao gồm các dự án ODA) có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các Sở quản lý chuyên ngành quyết định đầu tư.

d) Phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư cho các dự án; phê duyệt quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án bị huỷ bỏ theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và các dự án được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các Sở quản lý chuyên ngành quyết định đầu tư.

đ) Phê duyệt dự toán kinh phí thi tuyển thiết kế từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý cho các công trình xây dựng mới trước khi lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật cho các công trình phải được thi tuyển sau đây:

- Trụ sở cơ quan Đảng và Chính quyền cấp huyện, thành phố trở lên;

- Công trình văn hóa, thể thao và các công trình công cộng khác có quy mô cấp I, cấp đặc biệt;

- Công trình xây dựng có kiến trúc đặc thù trong thành phố Huế: Tượng đài, trung tâm phát thanh truyền hình, nhà ga đường sắt trung tâm, các cầu qua sông Hương, sông Đông Ba, sông An Cựu, sông Như Ý và các cầu trong kinh thành Huế; công trình xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng quyết định đến cảnh quan kiến trúc đô thị, công trình là biểu tượng về truyền thống văn hoá và lịch sử của địa phương.

2. Phê duyệt quyết toán vốn dự án hoàn thành:

a) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm C (bao gồm các dự án ODA) sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách tỉnh được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương, cho phép đầu tư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.

b) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm C sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách tỉnh quản lý.

c) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm C (bao gồm các dự án ODA) có tổng mức đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên và các dự án có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách cấp huyện, vốn ngân sách cấp xã và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các Sở quản lý chuyên ngành quyết định đầu tư.

d) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 5 tỷ đồng (bao gồm các dự án ODA) sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, vốn ngân sách cấp huyện, vốn ngân sách cấp xã và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố Huế quyết định đầu tư trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chiếm tỷ lệ từ 50% trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án.

Điều 6. Thẩm quyền của Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

1. Phê duyệt dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án:

a) Phê duyệt dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án của các Chủ đầu tư thuộc phạm vi quản lý đối với các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.

b) Phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư cho các dự án và phê duyệt quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án bị huỷ bỏ theo quyết định của Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.

2. Phê duyệt quyết toán vốn dự án hoàn thành:

a) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách tỉnh được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

b) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm B, C sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách tỉnh quản lý.

Điều 7. Thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế

1. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm B, C (bao gồm các dự án ODA) sử dụng vốn ngân sách thành phố Huế được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế.

2. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn ngân sách thành phố Huế, vốn ngân sách cấp xã và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước để đầu tư vào các dự án nhóm B, C do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định đầu tư.

3. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 5 tỷ đồng (bao gồm các dự án ODA) sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách thành phố Huế, vốn ngân sách cấp xã và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định đầu tư trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chiếm tỷ lệ dưới 50% trong tổng mức đầu tư của dự án.

4. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm B,C sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách thành phố Huế quản lý.

Điều 8. Thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện

1. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án có mức vốn đầu tư không lớn hơn 5 tỷ đồng (bao gồm các dự án ODA) trong phạm vi vốn ngân sách huyện được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện.

2. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 5 tỷ đồng (bao gồm các dự án ODA) sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, vốn ngân sách huyện, vốn ngân sách cấp xã và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện quyết định đầu tư trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chiếm tỷ lệ dưới 50% trong tổng mức đầu tư của dự án.

3. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình có mức vốn đầu tư không lớn hơn 5 tỷ đồng sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách huyện quản lý.

Điều 9. Thẩm quyền của Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Huế

1. Phê duyệt dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án:

a) Phê duyệt dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố Huế của các Chủ đầu tư do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế quyết định thành lập và quản lý được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đối với các dự án nhóm B và dự án nhóm C có tổng mức đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên (bao gồm các dự án ODA).

b) Phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư cho các dự án; phê duyệt quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án bị huỷ bỏ theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đối với các dự án thuộc quyền quản lý nói tại Điều 7 Quy định này.

2. Phê duyệt quyết toán vốn dự án hoàn thành:

Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 3 tỷ đồng (bao gồm các dự án ODA) sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố Huế, vốn ngân sách xã, phường và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường quyết định đầu tư trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và ngân sách thành phố chiếm tỷ lệ từ 30 % trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án.

Điều 10. Thẩm quyền của Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện

1. Phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư cho các dự án; phê duyệt quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án bị huỷ bỏ theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đối với các dự án thuộc quyền quản lý nói tại Điều 8 Quy định này.

2. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 3 tỷ đồng (bao gồm các dự án ODA) sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách huyện, vốn ngân sách xã, thị trấn và vốn huy động đóng góp tự nguyện của Nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn quyết định đầu tư trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện chiếm tỷ lệ từ 30 % trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án.

Điều 11. Thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã

1. Phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án:

Phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án các dự án có mức vốn đầu tư không lớn hơn 3 tỷ đồng trong phạm vi vốn ngân sách cấp xã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phân cấp quyết định đầu tư cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã.

2. Phê duyệt quyết toán vốn dự án hoàn thành:

a) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành cùng với quyết toán chi phí quản lý dự án đối với các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 3 tỷ đồng trong phạm vi vốn ngân sách cấp xã do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã quyết định đầu tư.

b) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 3 tỷ đồng sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, vốn ngân sách huyện, vốn ngân sách cấp xã và vốn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã quyết định đầu tư trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện chiếm tỷ lệ dưới 30 % tổng mức đầu tư của dự án.

c) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng có mức vốn đầu tư không lớn hơn 3 tỷ đồng sử dụng vốn Nhà nước thuộc ngân sách cấp xã quản lý.

Mục 2. CƠ QUAN THẨM ĐỊNH DỰ TOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ THẨM TRA QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN HOÀN THÀNH

Điều 12. Sở Tài chính

1. Thẩm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành (bao gồm các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình) đối với các dự án quy định tại Điều 4 của Quy định này, trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

2. Phòng Quản lý Tài chính Đầu tư là đơn vị chuyên môn của Sở Tài chính có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự toán chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác không tính theo tỷ lệ quy định, thẩm tra dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư, dự toán kinh phí thi tuyển thiết kế, thẩm tra quyết toán chi phí quản lý dự án, thẩm tra báo cáo quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án bị huỷ bỏ và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành (bao gồm các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình) đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trình người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán nói tại Điều 4, Điều 5, Quy định này.

Điều 13. Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

Phòng quản lý Kế hoạch - Tài chính thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô chịu trách nhiệm tổ chức thẩm tra dự toán chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác không tính theo tỷ lệ quy định, thẩm tra dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư, thẩm tra quyết toán chi phí quản lý dự án, thẩm tra báo cáo quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án bị huỷ bỏ và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành (bao gồm các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình) đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trình người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán nói tại Điều 6, Quy định này.

Điều 14. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố Huế

1. Thẩm tra dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư cho các dự án; thẩm tra báo cáo quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án bị huỷ bỏ và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành (bao gồm các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình) đối với các dự án quy định tại Điều 7, Điều 8 của Quy định này.

2. Thẩm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành (bao gồm các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư xây dựng công trình) đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định đầu tư. Trên cơ sở kết quả thẩm tra quyết toán của phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố; Chủ đầu tư kiểm tra, trình người có thẩm quyền nói tại Điều 11, Quy định này ra quyết định phê duyệt quyết toán.

3. Thẩm tra dự toán chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác không tính theo tỷ lệ quy định, thẩm tra quyết toán chi phí quản lý dự án, thẩm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trình người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán nói tại Điều 9, Điều 10, Quy định này.

Điều 15. Ban Tài chính cấp xã

Ban Tài chính thuộc Ủy ban Nhân dân cấp xã có nhiệm vụ thẩm tra dự toán chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác không tính theo tỷ lệ quy định đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thuộc xã, phường, thị trấn quản lý trình người có thẩm quyền phê duyệt dự toán, quyết toán nói tại Khoản 1, Điều 11, Quy định này.

Mục 3. THỜI HẠN QUYẾT TOÁN, CHI PHÍ THẨM TRA, PHÊ DUYỆT QUYẾT TOÁN, KIỂM TOÁN VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG QUYẾT TOÁN

Điều 16. Thời hạn quyết toán dự án hoàn thành

Thời gian lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành được tính từ ngày ký biên bản bàn giao đưa vào sử dụng; Thời gian kiểm toán tính từ ngày hợp đồng kiểm toán có hiệu lực; Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán tính từ ngày nhận đủ hồ sơ quyết toán theo quy định tại Mục III, Phần II của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09/04/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước. Thời gian tối đa quy định như sau:

Dự án

Nhóm A

Nhóm B

Nhóm C

Dự án lập BCKT KTXD

Thời gian lập BCQT

12 tháng

09 tháng

06 tháng

03 tháng

Thời gian kiểm toán

08 tháng

06 tháng

04 tháng

 

Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán

07 tháng

05 tháng

04 tháng

03 tháng

Điều 17. Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán, chi phí kiểm toán

1. Định mức chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán và định mức chi phí kiểm toán dự án hoàn thành được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư (được duyệt hoặc được điều chỉnh) của dự án cụ thể và theo tỷ lệ phần trăm (%)quy định tại Khoản 1 Mục VIII Phần II Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

2. Trường hợp dự án có cơ cấu vốn thiết bị chiếm từ 51% trở lên so với tổng mức đầu tư thì mức thu chi phí thẩm tra và chi phí kiểm toán được tính bằng 70% định mức quy định tại Khoản 1, Điều này.

3. Trường hợp dự án đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán thì mức thu chi phí thẩm tra tính bằng 50% định mức quy định tại Khoản 1, Điều này.

4. Trường hợp Phòng Tài chính kế hoạch huyện được đề nghị thẩm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo lựa chọn của Người quyết định đầu tư nói tại Khoản 2, Điều 14 Quy định này thì được thu chi phí thẩm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tính bằng 0,32% giá trị tổng mức đầu tư của dự án đầu tư (tối thiểu là 300.000 đồng).

Điều 18. Quản lý, sử dụng chi phí thẩm tra và phê duyệt quyết toán

1. Cơ quan chủ trì thẩm tra được phép thu chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định tại Điều 17 của Quy định này theo Thông báo đề nghị thanh toán gửi chủ đầu tư và thực hiện chi cho công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước và các nội dung quy định tại Khoản 2 dưới đây.

2. Nội dung chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán:

a) Chi trả thù lao các thành viên tham gia thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

b) Chi trả cho các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra quyết toán dự án theo yêu cầu của cơ quan chủ trì thẩm tra, phê duyệt quyết toán (nếu có).

c) Chi công tác phí, văn phòng phẩm, dịch thuật, in ấn, hội nghị, hội thảo và các khoản chi khác phục vụ cho công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán.

3. Chi phí thẩm tra và phê duyệt quyết toán, chi phí kiểm toán báo cáo quyết toán được tính vào chi phí khác trong giá trị quyết toán của dự án.

Điều 19. Trách nhiệm trong quyết toán dự án hoàn thành

1. Trách nhiệm của Chủ đầu tư:

- Lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đầy đủ nội dung và đảm bảo thời gian quy định của Thông tư này.

- Trình duyệt, quản lý hồ sơ quyết toán đúng quy định. Chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với số liệu, tính pháp lý đối với tài liệu trong hồ sơ trình duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

- Cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành theo yêu cầu của cơ quan thẩm tra (kiểm toán).

- Sau 6 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, chủ đầu tư phải hoàn thành việc giải quyết công nợ và làm thủ tục tất toán tài khoản đầu tư của dự án (công trình) tại cơ quan thanh toán, cho vay vốn đầu tư.

2. Trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành kịp thời, đầy đủ nội dung biểu mẫu theo quy định.

- Hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành.

- Tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đầy đủ nội dung, yêu cầu theo quy định.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả trực tiếp thẩm tra dự toán, phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án; thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành trên cơ sở hồ sơ quyết toán do chủ đầu tư cung cấp.

- Trong quá trình thẩm tra quyết toán chi phí quản lý dự án có quyền thu hồi hoặc quy trách nhiệm bồi thường các khoản chi sai chế độ, yêu cầu Chủ đầu tư chấp hành nộp ngân sách Nhà nước các khoản thu nộp theo quy định.

- Hướng dẫn, đôn đốc, tạo điều kiện pháp lý để chủ đầu tư hoàn thành việc giải quyết công nợ và tất toán tài khoản của dự án sau khi phê duyệt quyết toán.

3. Trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp:

Sở Tài chính chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về phân cấp quyết toán vốn đầu tư; hướng dẫn về thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; thẩm tra phê duyệt quyết toán chi phí quản lý dự án đầu tư theo phân cấp tại Quy định này; kiểm tra công tác quyết toán vốn đầu tư và quyết toán dự án hoàn thành trong toàn tỉnh.

Cơ quan Tài chính các cấp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác quyết toán vốn đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp phát hiện có sai sót trong công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán, có quyền yêu cầu cấp phê duyệt quyết toán điều chỉnh lại cho đúng; đồng thời xử lý hoặc đề nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Xử lý vi phạm

1. Cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành có hành vi thẩm tra quyết toán sai quy định tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính gây lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Chủ đầu tư vi phạm một trong các hành vi: Quyết toán dự án hoàn thành chậm thời hạn theo quy định tại Điều 16 của Quy định này, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Xử lý chuyển tiếp

1. Tất cả các dự án nhóm A, dự án nhóm B sử dụng vốn Nhà nước khi hoàn thành đưa vào sử dụng mà chủ đầu tư đã nộp hồ sơ trình duyệt quyết toán về cơ quan thẩm tra hoặc các dự án đã được thẩm tra, phê duyệt quyết toán trước ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì không phải thực hiện kiểm toán.  

Trường hợp các dự án nhóm B có nhiều hạng mục công trình, trong đó có một số hạng mục thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán trước ngày 31 tháng 12 năm 2006. Sau ngày 31 tháng 12 năm 2006, chủ đầu tư tiếp tục lập báo cáo quyết toán các hạng mục còn lại của dự án thì không phải kiểm toán trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

2. Các dự án nhóm A, dự án nhóm B đã lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2006 nhưng chưa nộp hồ sơ báo cáo quyết toán dự án hoàn thành về cơ quan thẩm tra hoặc nộp sau ngày 31 tháng 12 năm 2006 đều phải kiểm toán quyết toán trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

Điều 22. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định này.

Các địa phương (cấp huyện, cấp xã) không được tự đặt ra các quy định yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thực hiện trái với quy định này.

2. Định kỳ hàng năm, các Chủ đầu tư, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế; Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện Quy định này về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

3. Quy định này không áp dụng cho các dự án, công trình được đầu tư bằng các nguồn vốn khác không thuộc vốn ngân sách Nhà nước do địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) quản lý.

Ủy ban Nhân dân tỉnh khuyến khích việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư theo quy định này đối với các dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này./.