Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 5 năm 1981 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN PHÒNG GTVT TRỰC THUỘC UBND QUẬN, HUYỆN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
- Xét yêu cầu kiện toàn tổ chức các phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện để bảo đảm thực hiện tốt chủ trương phân công, phân cấp cho quận, huyện;
-Xét đề nghị của các đồng chí Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. – Nay chuyển Tổ Giao thông vận tải thuộc Ban Công nghiệp giao thông vận tải quận, huyện thành Phòng Giao thông vận tải trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện. Phòng là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý hành chánh – kinh tế đối với ngành giao thông vận tải quận, huyện. Phòng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân quận, huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giao thông vận tải.
Phòng được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở Ngân hàng theo quy định của Nhà nước.
Điều 2. – Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Giao thông vận tải quận, huyện:
1) Căn cứ vào quy hoạch tổng thể của quận, huyện và quy hoạch ngành giao thông vận tải thành phố, nghiên cứu và xây dựng phương án cải tạo, xây dựng phát triển mới hệ thống đường xá, cầu cống, bến bãi thuộc quận, huyện quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương và hợp thành hệ thống màng lưới giao thông thống nhất trong toàn thành phố.
2) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng của quận, huyện trong việc tổ chức thực hiện bảo vệ màng lưới cầu đường, bến bãi thuộc thành phố hoặc Trung ương quản lý nằm trên địa bàn quận, huyện; kịp thời phát hiện hư hỏng cầu đường, bến bãi của thành phố hoặc Trung ương quản lý trên điạ bàn quận, huyện báo lên Sở Giao thông vận tải giải quyết.
3) Tổ chức việc thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các loại cầu đường, bến bãi do quận, huyện quản lý với kinh phí thành phố cấp một phần và sử dụng lao động nghĩa vụ của nhân dân ở quận, huyện; Đối với cầu đường, bến bãi do thành phố quản lý nằm trên điạ bàn quận, huyện thì nhận vốn ủy thác theo kế hoạch để thực hiện.
4) Được Ủy ban nhân dân và Quận, Huyện ủy ủy quyền quản lý và chỉ đạo các đơn vị, sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc ngành giao thông vận tải quận, huyện gồm: các đội vận tải hàng hoá, đội vận tải hành khách, các hợp tác xã vận tải, đội duy tu bảo dưỡng cầu đường về các mặt: kế hoạch và điều hành vận tải, sản xuất, thực hiện cước phí theo chế độ, chính sách của Nhà nước về giao thông vận tải.
Theo dõi nắm vững khả năng và tình hình hoạt động của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa và tổ chức lại các công tác vận tải, sửa chữa, sản xuất phụ tùng và phương tiện vận tải theo sự phân công, phân cấp cho quận, huyện.
5) Lập kế hoạch và tổ chức quản lý việc thực hiện kế hoạch vận tải, kế hoạch xăng dầu, xăm lốp, phụ tùng thay thế do thành phố cho yêu cầu giao thông vận tải quận, huyện và kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường và các loại phương tiện vận tải của quận, huyện.
6) Phân cấp và hướng dẫn nghiệp vụ quản lý cho các phường, xã quản lý một số cầu đường nhỏ, lực lượng vận tải thô sơ không có động cơ nằm trên địa bàn phường, xã.
7) Phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo việc chấp hành các chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về giao thông vận tải.
Điều 3.- Cơ cấu tổ chức của Phòng Giao thông vận tải quận, huyện.
1) Phòng Giao thông vận tải quận, huyện do 1 Trưởng phòng phụ trách, có 1 đến 2 Phó Trưởng phòng giúp việc Trưởng phòng. Trưởng phòng do Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị sau khi đã có sự nhất trí của Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định bổ nhiệm. Phó Trưởng phòng do Ủy ban nhân dân quận, huyện bổ nhiệm sau khi đã có sự nhất trí của Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
2) Bộ máy tổ chức của Phòng Giao thông vận tải quận, huyện gồm:
- Tổ quản lý giao thông vận tải quốc doanh, công tư hợp doanh.
- Tổ quản lý giao thông vận tải hợp tác xã, tổ hợp, cá thể.
- Bộ phận tổng hợp – hành chánh – quản trị - phục vụ.
3) Các đơn vị sản xuất kinh doanh sự nghiệp được Ủy ban nhân dân quận, huyện giao nhiệm vụ cho phòng quản lý, chỉ đạo trực tiếp:
- Đội vận tải hàng hoá
- Đội vận tải hành khách (nếu có)
- Các xưởng sửa chữa phương tiện, sản xuất phục hồi phụ tùng phương tiện vận tải.
- Đội duy tu sửa chữa cầu đường.
Các đơn vị nói trên có tư cách pháp nhân, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế độc lập, có con dấu riêng, được cấp vốn, vay vốn và mở tài khoản ở Ngân hàng theo quy định của Nhà nước và được Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập theo đề nghị của quận, huyện.
4) Tổ chức và biên chế lao động của Phòng Giao thông vận tải do Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định trên nguyên tắc tổ chức tinh, gọn, có hiệu lực và trong phạm vi chỉ tiêu biên chế và quỹ tiền lương cho Ủy ban nhân dân thành phố giao cho các quận, huyện hàng năm.
Điều 4.- Mối quan hệ công tác và lề lối làm việc của Phòng Giao thông vận tải quận, huyện :
1) Phòng Giao thông vận tải làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể trước khi quyết định các việc quan trọng.
Trưởng phòng phụ trách chung, toàn diện, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân quận, huyện điều hành mọi công tác của phòng;
Mỗi Phó trưởng phòng được Trưởng phòng phân công phụ trách công tác nghiệp vụ chuyên môn của phòng, được Trưởng phòng ủy quyền giải quyết trực tiếp một số công việc của phòng. Trong các Phó Trưởng phòng có 1 Phó Trưởng phòng được Trưởng phòng ủy quyền thay mặt Trưởng phòng giải quyết công việc chung của phòng khi Trưởng phòng đi vắng.
2) Quan hệ giữa Phòng Giao thông vận tải với các ban, ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện là quan hệ bình đẳng, hợp tác xã hội chủ nghĩa, có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt các mặt công tác của quận, huyện.
3) Quan hệ giữa Phòng Giao thông vận tải với Sở Giao thông vận tải là quan hệ chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan ngành chủ quản cấp trên. Phòng Giao thông vận tải phải nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương công tác, sự chỉ đạo và tranh thủ sự hướng dẫn giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giao thông vận tải. Trước khi triển khai thực hiện các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải, Phòng phải xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận, huyện. Trong trường hợp giữa Phòng Giao thông vận tải với các cơ quan chuyên môn cấp trên có vấn đề chưa nhất trí thì Phòng Giao thông vận tải phải báo cáo với Ủy ban nhân dân quận, huyệnđể Ủy ban nhân dân quận, huyện trực tiếp bàn bạc với ngành hữu quan cùng nhau giải quyết. Nếu là vấn đề thuộc về chánh sách, chủ trương quan trọng thì Ủy ban nhân dân phải báo cáo lên Ủy ban nhân dân thành phố xét giải quyết,
4) Phòng Giao thông vận tải quận, huyện quan hệ chặt chẽ với Ủy ban nhân dân phường, xã, hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, giúp Ủy ban nhân dân phường, xã trong công tác quản lý giao thông vận tải do quận, huyện phân cấp cho phường, xã.
Điều 5. - Quyết định này có giá trị thi hành kể từ ngày ban hành. Việc sửa đổi các điều khoản của quyết định do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Các quy định trước đây trái với quyết định này nay bãi bỏ.
Điều 6. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Quyết định 78/QĐ-UB năm 1981 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Phòng Giao thông vận trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 78/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/05/1981
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Quang Chánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/05/1981
- Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra