Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 770/QĐ-UBND | Cà Mau, ngày 26 tháng 4 năm 2023 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 25/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2030;
Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống” theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 107/2021/TT-BTC ngày 03/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Chương trình số 28-CTr/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 28-CT/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 573/SNN-KHTC ngày 21/02/2023 và Công văn số 1427/SNN-KHTC ngày 18/4/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án này; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm, 05 năm, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết; đề xuất điều chỉnh các danh mục thực hiện Đề án và giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Tổng hợp, xây dựng kế hoạch, dự toán hàng năm để triển khai thực hiện theo mục tiêu, nội dung của Đề án.
2. Các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GIỐNG PHỤC VỤ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2023 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Cà Mau là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt nằm ở cực Nam của Tổ quốc, là địa phương duy nhất của Việt Nam giáp cả Biển Đông và Biển Tây với tổng chiều dài bờ biển khoảng 254 km. Cà Mau có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm nuôi), sản xuất lúa, lâm nghiệp; khai thác và chế biến thủy sản. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, diện tích nuôi tôm 280.000 ha chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước, sản lượng tôm mỗi năm đạt khoảng 220.000 tấn chiếm 29% sản lượng tôm đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước; diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 110.000 ha, sản lượng lúa đạt 500.000 tấn; diện tích trồng chuối khoảng 5.500 ha, sản lượng 60.000 tấn; chăn nuôi heo ở tỉnh Cà Mau chủ yếu là chăn nuôi theo phương thức nông hộ nhỏ lẻ, các trang trại chăn nuôi heo tập trung còn rất ít, quy mô nhỏ, sản lượng thịt heo cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội tỉnh khoảng trên 30.000 tấn/năm; sản lượng thịt heo từ nguồn chăn nuôi nông hộ cung cấp cho thị trường tiêu nội tỉnh chiếm khoảng 46%, còn lại 54% là nguồn heo nhập tỉnh; diện tích rừng sản xuất khoảng 60.000 ha.
Với tiềm năng như trên, công tác giống được xem là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phục vụ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỉnh đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất cua giống, tôm sú giống, một số loài thủy sản nước ngọt và chủ động cung cấp được gần 49% nhu cầu tôm sú giống cho toàn tỉnh (chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân). Tuy nhiên, công tác giống hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn khoảng 51% phải di nhập từ các tỉnh; sản xuất giống cây lâm nghiệp chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu trồng rừng trong tỉnh; Đối với giống lúa chủ yếu là nhập tỉnh, năng lực Trung tâm Giống Nông nghiệp chỉ đáp ứng 4% nhu cầu sử dụng giống lúa mới cấp xác nhận trong dân; về giống gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi chủ yếu là heo, gà, vịt, phần lớn được sản xuất và cung ứng từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 75%, còn lại là nguồn nhập tỉnh.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, cung cấp cho sản xuất các giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, việc xây dựng “Đề án Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2030” là cần thiết và cấp bách.
- Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 25/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2030;
- Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 979/QĐ-BNN-KH ngày 19/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
- Thông tư số 10/2021/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống” theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ;
- Thông tư số 107/2021/TT-BTC ngày 03/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;
- Công văn số 11292/BTC-HCSN ngày 02/11/2022 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030;
- Công văn số 7356/BNN-KH ngày 03/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030;
- Chương trình số 28-CTr/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 28-CT/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
THỰC TRẠNG SẢN XUẤT GIỐNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2022 VÀ NHU CẦU GIỐNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT ĐẾN NĂM 2030
I. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT GIỐNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2022 VÀ NHU CẦU GIỐNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT ĐẾN NĂM 2030
1. Giống thủy sản
1.1. Tôm
- Tôm sú và tôm thẻ chân trắng
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau hàng năm khoảng 300.000 ha, diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, trong đó: diện tích nuôi tôm thâm canh năm 2022 khoảng 6.300 ha với 7.899 hộ (diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 4.300 ha với 4.465 hộ); diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 173.800 ha; diện tích tôm - lúa khoảng 36.822 ha; diện tích tôm - rừng khoảng 25.922 ha.
Năm 2022 nhu cầu con giống phục vụ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ước gần 42 tỷ con giống (trong đó: Giống tôm sú khoảng 23,7 tỷ post, giống tôm thẻ chân trắng khoảng 18 tỷ post) để phục vụ cho tất cả các loại hình nuôi: Thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh, tôm - lúa, tôm - rừng.
Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 524 cơ sở sản xuất tôm giống, khoảng 94.294 m3 bể ương, năng lực sản xuất 19 - 21 tỷ con giống/năm, đáp ứng khoảng 49% nhu cầu nuôi trong tỉnh, chủ yếu là tôm sú, trong tỉnh có khoảng 300 cơ sở kinh doanh giống thủy sản, khoảng 2.000 m3 bể ương, trong đó hơn 80% là các cơ sở nhỏ lẻ, nằm phân tán tại các địa bàn như huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân, Trần Văn Thời và huyện Ngọc Hiển. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở chưa đáp ứng các quy định, rất khó khăn trong quản lý; kỹ thuật viên vận hành sản xuất có bằng cấp chuyên môn không nhiều (khoảng 20%) và số còn lại chỉ được tập huấn ngắn hạn. Việc hạn chế về trình độ kỹ thuật đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh. Tỉnh đã khuyến khích các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ liên kết thành hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, áp dụng quy trình công nghệ hiện đại nhưng số lượng cơ sở sản xuất quy mô lớn không nhiều. Đối với giống tôm thẻ chân trắng, theo thống kê, chỉ có 4 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng kết hợp với giống tôm sú có công suất thiết kế trên 16,5 tỷ post, trong đó, Tập đoàn Việt Úc đầu tư khu sản xuất tôm giống với quy mô hơn 120 ha, công suất thiết kế hơn 14 tỷ con giống/năm, (đã đi vào sản xuất giai đoạn I, công suất thiết kế 7 tỷ con giống/năm, nhưng mới phát huy được khoảng 50%); Công ty Thảo Nguyên và Việt Mỹ với công suất thiết kế 2,5 tỷ con nhưng chỉ sản xuất khoảng 50 - 60% so với công suất thiết kế.
Công tác quản lý tôm giống nhập tỉnh còn nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, một số tôm giống nhập nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo. (51% tôm giống phải di nhập từ các tỉnh, chủ yếu các tỉnh miền Trung, với khoảng 20 - 23 tỷ con tôm giống/năm, trong đó khoảng 70% là tôm thẻ chân trắng). Có 300 cơ sở ương giống (gièo) tôm giống để cung ứng cho các vùng nuôi, hàng năm đều được kiểm tra điều kiện kinh doanh. Để quản lý nguồn tôm giống nhập tỉnh có chất lượng tốt, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường nhiều mặt, trong đó có tổ chức ký kết phối hợp với các tỉnh về quản lý chất lượng giống, qua đó việc quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống cũng từng bước được nâng lên.
Định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi tôm sú khoảng 250.810 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 9.190 ha, tổng sản lượng tôm sú và thẻ chân trắng đối với các loại hình nuôi khoảng trên 328.000 tấn, nhu cầu tôm sú giống phục vụ nuôi khoảng 27,8 tỷ con, tôm thẻ chân trắng khoảng 23,5 tỷ con.
- Tôm càng xanh
Nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa, nuôi kết hợp với cá, tôm sú, cua biển theo hình thức quảng canh. Diện tích nuôi chủ yếu nằm ở các huyện thuộc vùng Bắc Cà Mau, diện tích nuôi năm 2022 đạt 19.761 ha. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 20.000 ha, sản lượng đạt 8.000 tấn, năng suất trung bình 400 kg/ha/năm; đến năm 2030 duy trì diện tích 20.000 ha, sản lượng đạt 10.000 tấn, năng suất trung bình đạt 500 kg/ha/năm. Trung tâm Giống Nông nghiệp hàng năm hợp tác với Trung tâm Giống thủy sản An Giang ương ấu trùng tôm càng xanh toàn đực sản xuất theo công nghệ Israel (tại Trại Giống thủy sản Tân Ân) lên tôm postlarvae khoảng 3 triệu con tôm giống/năm.
Cà Mau hiện chưa có cơ sở sản xuất giống, nguồn giống chủ yếu nhập từ các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số nước như nhập từ Thái Lan...; nhu cầu giống thả nuôi giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 1,314 tỷ con, bình quân nhu cầu con giống mỗi năm khoảng 438 triệu con; giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu con giống thả nuôi khoảng 2,66 tỷ con, bình quân mỗi năm cần khoảng 532 triệu con giống để thả nuôi.
1.2. Cua biển
Hiện nay, diện tích nuôi cua trên địa bàn tỉnh khoảng 240.000 ha, đa số nuôi kết hợp với đối tượng khác, diện tích nuôi chuyên cua rất ít, sản lượng thu hoạch hàng năm trung bình 23.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh cua biển giống, đa số các cơ sở sản xuất theo mùa vụ, hàng năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1 tỷ cua giống, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trong tỉnh.
Nhu cầu cua giống thả nuôi giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 1,528 tỷ con; bình quân nhu cầu con giống mỗi năm khoảng 509 triệu con. Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu cua giống thả nuôi khoảng 2,626 tỷ con, bình quân mỗi năm cần khoảng 525 triệu con giống để thả nuôi. Với năng lực sản xuất cua giống như hiện nay, đủ đáp ứng nhu cầu thả nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên, cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cua giống nhằm cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
1.3. Sò huyết
Theo thống kê năm 2022, tổng diện tích nuôi sò huyết trên địa bàn tỉnh là 5.271,6 ha (nuôi ven sông, biển 280 ha; nuôi kết hợp 4.991,6 ha), chủ yếu tại các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn và Ngọc Hiển. Bước đầu các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo thu nhập ổn định cho bà con ngư dân. Tiềm năng nuôi sò huyết thương phẩm trên địa bàn tỉnh là rất lớn, tuy nhiên hiệu quả kinh tế của mô hình chưa đảm bảo do tập quán nuôi hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, mang tính mùa vụ nên kém chủ động; nguồn giống trong tỉnh không đáp ứng, phải mua trên thị trường nhưng khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng trong khi giá giống cao; mặt khác, với nguồn giống nhập tỉnh không phù hợp với điều kiện nuôi tại địa phương nên tốc độ sinh trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp trong khi đây là đối tượng chủ lực cần được khuyến khích đầu tư phát triển trong thời gian tới1.
Với sự phát triển nghề nuôi thương phẩm sò huyết rất lớn như hiện nay (nuôi xen canh kết hợp hoặc nuôi bãi bùn ven biển) thì nhu cầu con giống phục vụ cho người nuôi thương phẩm là rất lớn, với số lượng con giống khoảng từ 3 - 4 tỷ con mỗi năm và định hướng đến năm 2030 có ít nhất từ 2 - 3 cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống nhân tạo đạt chất lượng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
1.4. Thủy sản khác
- Thủy sản nước lợ - mặn: Hiện nay tỉnh chưa có cơ sở sản xuất các giống thủy sản đặc trưng, nhiều hộ nuôi cá bớp, cá mú, cá nâu, cá kèo, cá dứa, các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ,…… chỉ khai thác giống từ thiên nhiên hoặc di nhập từ các tỉnh để phục vụ nhu cầu nuôi. Để cơ cấu lại ngành thủy sản, khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, hiệu quả và bền vững, tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nuôi hải sản trên biển giai đoạn 2019 - 2021 và định hướng đến năm 2030, làm cơ sở cho phát triển nghề nuôi biển theo quy mô công nghiệp, tập trung.
- Thủy sản nước ngọt: Diện tích nuôi cá nước ngọt đến năm 2022 là 15.837 ha, các đối tượng nuôi có giá trị như cá chình, cá bống tượng và một số loài cá đồng bản địa (rô, lóc, trê, bổi,...). Hiện tại Cà Mau chưa có trại sản xuất cá giống nên người nuôi phải nhập giống từ ngoài tỉnh. Về giống cá bổi, đã chuyển giao cho người dân làm chủ công nghệ sản xuất nhưng quy mô và công suất chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu nuôi.
2. Giống cây nông nghiệp
2.1. Lúa
Diện tích gieo trồng lúa hàng năm của tỉnh khoảng 110.000 ha, trong đó vụ Hè Thu và vụ Đông Xuân khoảng 70.000 ha, lúa tôm khoảng 37.000 ha, lúa mùa khoảng 3.000 ha. Đây là cây lương thực chủ lực có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và phương thức canh tác phù hợp sản xuất lúa hữu cơ, lúa an toàn, đủ khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu. Cơ cấu giống lúa cho vùng sản xuất chuyên 2 vụ lúa/năm gồm các giống lúa chất lượng cao như: OM18, OM5451, OM6162,... chiếm tỷ lệ 60 - 65%; các giống lúa thơm đặc sản như: ST24, ST25, RVT, Đài Thơm 8 chiếm tỷ lệ 20 - 25%; các giống lúa chất lượng trung bình như: OM576, OM2517 chiếm 5 - 10%. Đối với vùng sản xuất 1 vụ lúa/năm (lúa tôm, lúa mùa) cơ cấu giống gồm các giống lúa mùa địa phương như: Một bụi đỏ, Một bụi lùn, Trắng phếu,... chiếm khoảng 40 - 50% diện tích; các giống lúa thơm đặc sản như: ST24, ST25, Đài Thơm 8 và các giống lúa chất lượng cao như OM5451, OM18,... chiếm khoảng 40 - 45% diện tích; các giống lúa chất lượng trung bình như: OM576, OM2517, BTE1,... chiếm khoảng 5 - 10% diện tích. Lượng lúa giống sử dụng hàng năm khoảng 13.000 tấn, trong đó lúa giống vụ Hè Thu và Đông Xuân khoảng 9.000 tấn, vụ Mùa khoảng 4.000 tấn.
Hiện nay toàn tỉnh chỉ có 01 đơn vị sản xuất giống là Trung tâm Giống nông nghiệp, hàng năm cung cấp khoảng 550 tấn lúa giống các loại chiếm 4% nhu cầu lúa giống trong tỉnh, người dân tự sản xuất hoặc sử dụng lúa lương thực làm giống khoảng 20% và trên 75% lượng giống còn lại chủ yếu được nhập từ các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh giống ngoài tỉnh; có 52 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp gắn với kinh doanh lúa giống phân bố đều trên các vùng sản xuất trong tỉnh. Để từng bước tự chủ nguồn cung ứng lúa giống phục vụ sản xuất, dự kiến nhu cầu lúa giống đến năm 2025 khoảng 10.000 tấn, trong đó các giống lúa thơm 2.750 tấn, tự sản xuất 700 tấn với diện tích sản xuất 200 ha; các giống lúa chất lượng cao 4.000 tấn, tự sản xuất 1.100 tấn, với diện tích 300 ha; các giống lúa mùa 2.000 tấn, tự sản xuất 1.000 tấn, với diện tích 300 ha. Định hướng đến năm 2030 nhu cầu giống 9.500 tấn, trong đó các giống lúa thơm 2.850 tấn, tự sản xuất 1.500 tấn với diện tích sản xuất 400 ha; các giống lúa chất lượng cao 4.200 tấn, tự sản xuất 2.000 tấn, với diện tích 500 ha; các giống lúa mùa 1.800 tấn, tự sản xuất 1.600 tấn, với diện tích 400 ha. Các giống lúa tập trung sản xuất gồm: Nhóm giống lúa thơm như ST24, ST25, Đài Thơm 8,...; Nhóm lúa chất lượng cao như OM18, OM5451, Hương Châu 6,... Nhóm lúa mùa như Tài nguyên, Một bụi đỏ, Một bụi lùn,...
2.2. Chuối
Diện tích chuối toàn tỉnh khoảng 5.500 ha, trong đó chuối Xiêm chiếm hơn 90% còn lại là các giống chuối già, chuối cau, chuối Nam Mỹ.... Người dân trồng chủ yếu bằng phương pháp tách chồi từ cây mẹ nên nguồn chuối giống có chất lượng không cao, không đồng đều về năng suất chất lượng. Những năm qua một số địa phương chuyển đổi sang trồng giống chuối cấy mô (nhưng tỷ lệ khoảng 10% diện tích), giá cây giống cao, chưa đảm bảo hiệu quả kinh tế. Về công tác sản xuất giống, toàn tỉnh chỉ có 01 đơn vị sản xuất là Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ Cà Mau năng lực sản xuất khoảng 1.000.000 cây/năm, phần lớn là tiêu thụ ngoài tỉnh như Gia Lai, Kon Tum,...
Để từng bước tự chủ nguồn cung ứng giống chuối phục vụ sản xuất (dự kiến đến năm 2025 nhu cầu chuối giống 150.000 cây, đến năm 2030 nhu cầu chuối giống 300.000 cây), cần tập trung sản xuất các giống chuối có chất lượng cao có nguồn gốc bản địa như chuối Xiêm, chuối già, chuối cau,... thay thế dần các vườn chuối đã lão hóa năng suất kém.
3. Giống vật nuôi
3.1. Heo
Chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh phần lớn theo hình thức nông hộ với hơn 14.000 hộ nuôi, quy mô tổng đàn trên 90.000 con, tổng đàn xuất chuồng trung bình trên 150.000 con/năm; có 07 trang trại chăn nuôi heo tập trung, quy mô xuất chuồng trung bình khoảng 30.000 con/năm. Định hướng đến năm 2030, nhu cầu heo giống trong tỉnh là 421.000 con, trung bình khoảng 180.000 con/năm; trong đó nguồn giống cung ứng trong tỉnh (chủ yếu từ chăn nuôi nông hộ) chiếm 70%, còn lại giống nhập tỉnh.
Công tác giống luôn được quan tâm đầu tư, các giống heo có năng suất và chất lượng cao như Yorkshire, Landrace và Duroc được phổ biến rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở sản xuất giống nên phần lớn nguồn giống được sản xuất từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh, chất lượng giống chưa đảm bảo, dịch bệnh khó kiểm soát, khó cạnh tranh được với nguồn giống nhập từ tỉnh ngoài.
3.2. Gà, vịt
Hoạt động chăn nuôi gà, vịt trên địa bàn tỉnh hầu hết là hình thức chăn nuôi nông hộ với hơn 84.000 hộ nuôi, quy mô tổng đàn hiện có trên 3.000.000 con, tổng đàn xuất chuồng trung bình đạt trên 5.000.000 con/năm, đến nay chưa có trang trại chăn nuôi gà, vịt tập trung theo quy mô công nghiệp. Với nhu cầu cung ứng con giống phục vụ cho sản xuất chăn nuôi trung bình trên 5.000.000 con/năm thì nguồn giống cung ứng trong tỉnh chủ yếu đến từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 80%, còn lại là nguồn nhập tỉnh. Định hướng đến năm 2030, nhu cầu gà, vịt giống cần cung ứng phục vụ cho hoạt động sản xuất chăn nuôi trong tỉnh là 9.480.000 con.
Công tác sản xuất, phát triển giống gà, vịt ngày càng được cải thiện về năng suất và chất lượng thông qua các mô hình ứng dụng các giống tiến bộ kỹ thuật, các giống gà, vịt chất lượng cao như: gà lông màu thả vườn (Tàu Vàng, Lương Phượng, Nòi, Nòi Lai); vịt siêu thịt (Super M, CV, Hòa Lan, Xiêm Pháp). Tuy nhiên, do thiếu cơ sở sản xuất giống nên nguồn giống phần lớn được sản xuất và cung ứng từ các hộ chăn nuôi trong tỉnh, chất lượng giống chưa đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn giống còn lai tạp với giống địa phương làm giảm năng suất và chất lượng, an toàn dịch bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên khó cạnh tranh với nguồn giống nhập tỉnh.
4. Giống cây lâm nghiệp
4.1. Tràm
Tổng diện tích đất rừng sản xuất 02 huyện U Minh và Trần Văn Thời là 36.350 ha, trong đó diện tích rừng tràm khoảng 15.000 ha; diện tích trồng rừng mới và trồng sau khai thác hàng năm khoảng 1.200 ha, nhu cầu giống tràm phục vụ trồng rừng khoảng 24 triệu cây/năm. Thời gian qua, nhu cầu giống cây tràm giảm do giá gỗ tràm trên thị trường giảm, nên một số hộ dân chuyển từ trồng tràm sang trồng keo lai.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau vẫn chưa có cơ sở sản xuất giống tràm để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong tỉnh. Hiện nay, 100% cây tràm giống được nhập từ các tỉnh để phục vụ trồng rừng (như Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An...).
Định hướng đến năm 2030, vẫn duy trì diện tích trồng mới và trồng sau khai thác 1.000 ha tràm nên nhu cầu giống tràm phục vụ trồng rừng hàng năm khoảng 20 triệu cây.
4.2. Keo lai
Diện tích rừng trồng Keo lai hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 10.000 ha; diện tích trồng rừng mới và trồng sau khai thác hàng năm khoảng 1.300 ha, nhu cầu giống keo lai phục vụ trồng rừng khoảng 3,9 triệu cây/năm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 cơ sở sản xuất giống keo lai nuôi cấy mô: Trung tâm giống Nông nghiệp năng lực sản xuất theo thiết kế 300.000 cây/năm và Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ năng lực sản xuất theo thiết kế 01 triệu cây/năm, tuy nhiên khả năng sản xuất và cung ứng cho thị trường đến năm 2022 mới đạt tổng số 50.000 cây/năm. Lượng giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô không đủ đáp ứng cho nhu cầu trồng rừng, mặt khác giá thành của giống nuôi cấy mô khá cao, các cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô Keo lai còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp theo hợp đồng đặt hàng. Khả năng cung ứng keo lai nuôi cấy mô đạt khoảng 1,1% nhu cầu toàn tỉnh, nên các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng phải mua từ các tỉnh, thành phố khác (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...).
Riêng giống Keo lai giâm hom, hiện chỉ có 03 cơ sở sản xuất giống, khả năng cung ứng khoảng 3.000.000 cây/năm, trong đó Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ có khả năng cung ứng giống khoảng 1.000.000 cây/năm phục vụ cho việc trồng rừng tại Công ty; Công ty TNHH MTV cây giống Ngọc Mỹ Lâm có khả năng cung ứng giống khoảng 1.000.000 cây/năm; Hộ kinh doanh sản xuất giống cây lâm nghiệp Phúc Khang có khả năng cung ứng giống khoảng 1.000.000 cây/năm. Như vậy, khả năng cung ứng giống cây keo lai giâm hom đạt khoảng 77% nhu cầu toàn tỉnh.
Nhu cầu giống Keo lai phục vụ trồng rừng hàng năm đến năm 2030 khoảng 4,5 triệu cây/năm cho 1.500 ha diện tích.
4.3. Đước
Tổng diện tích đất rừng sản xuất ở khu vực rừng ngập mặn là 55.326 ha trong đó diện tích rừng đước khoảng 21.400 ha; diện tích trồng rừng mới và trồng sau khai thác hàng năm khoảng 1.200 ha; nhu cầu giống phục vụ trồng rừng đước khoảng 300 - 350 tấn trụ mầm đước/năm. Năm 2016, tỉnh đã đầu tư xây dựng Dự án rừng giống, vườn giống, vườn ươm cây rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau, kết quả dự án đã thực hiện và công nhận 200 cây trội, năm 2021 đã trồng 10 ha vườn giống và 10 ha rừng giống tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ngọc Hiển.
Từ việc triển khai có hiệu quả dự án nêu trên, đến nay giống đước được cung ứng 100% cho trồng rừng ngập mặn trên toàn tỉnh và được thu gom trên lâm phần các Ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển. Đến năm 2030, diện tích trồng đước hàng năm là 1.200 ha với nhu cầu giống khoảng 300 - 350 tấn trụ mầm.
1. Mặt làm được
Với sự quan tâm, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, sự tập trung đầu tư từ ngân sách tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nghiên cứu, phát triển sản xuất giống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng ngày càng cao. Các tiến bộ về giống được ứng dụng nhanh, có hiệu quả vào sản xuất, tỷ lệ sử dụng giống mới, giống cải tiến, giống có chất lượng ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Doanh nghiệp và nông dân quan tâm hơn đến việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hiệu quả sản xuất được nâng lên.
Trong đó, lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh, năng suất, sản lượng tăng, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mới hiệu quả cao (nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến,...). Sản xuất tôm giống phát triển, năng lực cung ứng khoảng 49% nhu cầu con giống để thả nuôi trong tỉnh. Ngoài sản xuất tôm giống thành công, sản xuất cua giống nhân tạo trong thời gian gần đây cũng phát triển nhanh, cơ bản cung cấp chủ động lượng cua giống cho nhu cầu nuôi.
Cây lúa phát triển theo hướng lúa an toàn, hữu cơ, đạt chứng nhận, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao trong hộ dân chiếm hơn 80% diện tích, qua đó đã hình thành được những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn có năng suất, chất lượng cao. Cơ cấu giống lúa chuyển dần sang nhóm giống lúa thơm, sản xuất lúa hữu cơ phát triển.
Chất lượng giống vật nuôi không ngừng được cải thiện, các giống vật nuôi có năng suất cao được ứng dụng phổ biến như giống heo lai ngoại chất lượng cao, gà hướng thịt lông màu, vịt siêu thịt đã góp phần cải thiện về chất lượng giống và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, áp dụng nhân rộng trong dân như mô hình về chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP nông hộ, ứng dụng đệm lót sinh học và công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi,... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn dịch bệnh và thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Việc bổ sung loài cây Keo lai vào trồng rừng tại Cà Mau, bước đầu đã tạo ra năng suất, sản lượng cao, nhanh khai thác, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích rừng, đã khuyến khích các nhà đầu tư và hộ dân tham gia vào trồng rừng, bên cạnh đó việc lên liếp trồng rừng (Tràm, Keo lai...) theo hướng thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó làm cho đời sống kinh tế người trồng rừng từng bước được cải thiện.
2. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
2.1 Khó khăn, hạn chế
Mặc dù công tác sản xuất giống phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng qua đánh giá, công tác giống hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh. Mặc dù đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất cua giống, tôm sú giống, một số loài thủy sản nước ngọt nhưng vẫn còn khoảng 51% phải di nhập từ các tỉnh; chất lượng giống cua bị thoái hóa, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp. Sản xuất giống cây lâm nghiệp chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu trồng rừng trong tỉnh. Đối với giống lúa chủ yếu là nhập tỉnh, năng lực Trung tâm Giống nông nghiệp chỉ đáp ứng 4% nhu cầu sử dụng giống lúa cấp xác nhận. Về giống gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu chăn nuôi, chủ yếu là hộ chăn nuôi tự để giống khoảng 70%, còn lại là nhập tỉnh, Trung tâm Giống cung ứng không đáng kể.
2.2 Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế
Công tác quy hoạch, kế hoạch thực hiện công tác giống vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc sản xuất, cung ứng giống trong tỉnh còn manh mún, công nghệ chưa hiện đại, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh giống chưa đáp ứng được các quy định trong sản xuất kinh doanh giống; công tác xây dựng, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng giống còn hạn chế; quy trình sản xuất giống chưa đúng theo quy định; nhân viên kỹ thuật chưa đủ năng lực; thiếu nhân viên, thiết bị kiểm nghiệm chất lượng các loại giống thương mại. Trong khi đó, Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh chưa được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất nên chưa phát huy được vai trò là đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong công nghiệp hóa sản xuất giống.
Công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý về giống chưa thực hiện triệt để; chưa kiểm soát tốt nguồn gốc cũng như chất lượng giống nhập tỉnh; một số chính sách hỗ trợ về giống được ban hành nhưng rất hạn chế, nhất là khi nguồn vốn hỗ trợ được lồng ghép vào nguồn ngân sách của tỉnh. Vẫn còn một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng, vai trò của việc ứng dụng giống chất lượng cao trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng sản xuất giống giai đoạn 2016 - 2022, định hướng nhu cầu giống phục vụ sản xuất đến năm 2030, tỉnh xác định các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh cần đầu tư, khuyến khích phát triển trong thời gian tới, gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, sò huyết, cá đồng (sặc rằn, lóc, rô, trê,..), cá nước mặn-lợ (hanh, nâu, bớp, mú, kèo, dứa, đối, chẽm,..); giống cây nông nghiệp gồm: lúa, chuối; giống vật nuôi gồm: heo, gà vịt; giống cây lâm nghiệp gồm: keo lai, tràm và đước. Trong đó, giống chủ lực quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn2 gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, lúa, chuối, heo, gà vịt, keo lai, tràm và đước. Để góp phần tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nông sản, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn 5%/năm, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
1. Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, từng bước đảm bảo cung cấp đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tập trung phát triển sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh và giống khác (ngoài giống chủ lực quốc gia) có khả năng phát triển trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu như sau:
Lĩnh vực thủy sản: Sản xuất tôm sú giống đáp ứng 80%, tôm thẻ giống đáp ứng 50%, cua giống đáp ứng 100%, sò huyết giống đáp ứng 50% nhu cầu nuôi.
Lĩnh vực trồng trọt: Đảm bảo sử dụng 90% giống lúa cấp xác nhận; 70% diện tích chuối được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn.
Lĩnh vực chăn nuôi: Sản xuất heo giống đáp ứng 80%; gà, vịt giống đáp ứng 85% nhu cầu nuôi.
Lĩnh vực lâm nghiệp: Keo lai và đước đáp ứng 100%, tràm đáp ứng 70% nhu cầu giống trồng rừng trong tỉnh.
- Ngoài mục tiêu tự sản xuất cung ứng giống nêu trên, 100% lượng giống nhập tỉnh được tăng cường kiểm tra, quản lý để đáp ứng đủ nhu cầu cả về chất lượng và số lượng phục vụ tốt cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Phát triển khoa học công nghệ về giống
Bảo tồn, lưu giữ và phát triển sản xuất giống các nguồn gen quý hiếm, các loài đặc hữu, bản địa; tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống và phát triển các loài cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao và ưu tiên loài có giá trị khoa học.
Triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống mới; nghiên cứu các quy trình công nghệ sản xuất giống tiên tiến, sản xuất giống hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn.
Áp dụng các tiến bộ khoa học trong quản lý, kiểm soát chất lượng giống. Phối hợp các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống trong và ngoài tỉnh để phát huy lợi thế sẵn có về kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tranh thủ nguồn lực từ các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn tỉnh thúc đẩy nhanh tiến độ sử dụng giống tốt, giống tiên tiến vào sản xuất đại trà.
2. Đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống
Nâng cao năng lực cho Trung tâm Giống nông nghiệp trong hoạt động sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng đội ngũ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển giống phục vụ sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa đối tượng sản xuất, phát triển hệ thống nhân giống, cung cấp nguồn giống chất lượng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống nhỏ lẻ theo quy mô tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất; ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn có đầy đủ năng lực về chuyên môn, tài chính và khoa học công nghệ.
Đầu tư các khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại các địa phương có đủ điều kiện, cụ thể: tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của dự án khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển; đồng thời, xây dựng các khu sản xuất giống thủy sản tập trung mới có đủ cơ sở hạ tầng tại địa bàn thuận lợi khác.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản, nhằm từng bước xã hội hóa công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống thủy sản.
Hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất giống, doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng và phát triển thương hiệu, đầu tư cơ sở, nâng cao năng lực sản xuất giống, đảm bảo điều kiện, chất lượng để hoạt động cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
3.1. Giống thủy sản
3.1.1. Tôm
- Tôm sú và tôm thẻ chân trắng:
Thực hiện các dự án thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào đầu tư, kinh doanh giống chất lượng cao; bảo tồn nguồn gen của giống tôm bản địa. Chọn tạo được giống tôm sú bản địa chất lượng, tăng trưởng nhanh thông qua việc thực hiện dự án chọn tạo giống tôm sú sạch bệnh, tăng trưởng nhanh tại Cà Mau phục vụ nhu cầu sản xuất trong tỉnh.
Huy động các nguồn lực để phối hợp nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận các quy trình công nghệ tiên tiến tạo đàn tôm giống bố mẹ chất lượng cao, bền vững nhằm cung cấp cho các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh. Áp dụng công nghệ và kỹ thuật truy xuất nguồn gốc để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất tôm giống.
- Tôm càng xanh:
Tổ chức điều tra, thống kê diện tích nuôi và nhu cầu con giống tôm càng xanh hàng năm trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng đến việc xác định diện tích nuôi và nhu cầu giống tôm càng xanh toàn đực để phát triển nuôi thương phẩm. Rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh giống, xác định khả năng cung cấp tôm giống đảm bảo cho nhu cầu thả nuôi đúng mùa vụ.
Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh ngành hàng tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh, khép kín từ công đoạn cung cấp con giống, vật tư đầu vào - tổ chức nuôi thương phẩm - thu mua tiêu thụ, sản phẩm đầu ra để chia sẻ rủi ro và nâng cao lợi nhuận trong từng công đoạn sản xuất.
Hợp tác với các Trung tâm giống, viện, trường đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực để hợp tác, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị trong tỉnh. Tổ chức các mô hình thí điểm ương dưỡng giống tôm càng xanh toàn đực từ các nguồn ấu trùng được sinh sản trong nước và di nhập từ Israel, trên cơ sở đánh giá chọn lựa nguồn giống thích hợp với điều kiện môi trường nuôi tại Cà Mau, để phát triển nghề nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật nuôi tôm càng xanh thương phẩm theo lịch mùa vụ để thu được sản phẩm tôm đạt chất lượng và kích cỡ phù hợp thị trường.
Phát triển mô hình liên hoàn ương - nuôi tôm càng xanh năng suất cao thông qua đề xuất thực hiện dự án sản xuất, ương nuôi tôm càng xanh quy mô công nghiệp.
Thực hiện các mô hình thí điểm về nuôi tôm càng xanh hữu cơ theo mô hình tôm - lúa, tiến tới nhân rộng nuôi đại trà và xây dựng thành thương hiệu tôm càng xanh hữu cơ Cà Mau.
3.1.2. Cua biển
Tổ chức, sắp xếp lại các trại sản xuất cua giống tại địa phương, nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hướng đến sản xuất bền vững.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về kỹ thuật sản xuất cua giống, liên kết chuỗi sản xuất, thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và một số tiêu chí khác, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất giống, kỹ thuật nuôi cua thương phẩm, quản lý quá trình nuôi nhằm cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Xây dựng thương hiệu cua giống Cà Mau uy tín, chất lượng.
3.1.3. Sò huyết
Tổ chức rà soát, điều tra, thống kê lại diện tích nuôi sò huyết ở các huyện, xác định được nhu cầu về con giống, kích cỡ và nguồn gốc sò giống cung cấp hàng năm. Trong đó, xác định được khả năng sản lượng sò giống tại địa phương cung cấp.
Thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu các bãi sò huyết giống xuất hiện trên các vùng bãi triều của tỉnh. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn sò giống cung cấp cho nghề nuôi trong tỉnh hàng năm.
Thực hiện các mô hình thí điểm về ương giống bằng nhiều nguồn giống khác nhau: Nguồn giống tại địa phương, giống Trà Vinh, Bến Tre, Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu; thí điểm ương nuôi bằng nguồn sò giống sản xuất nhân tạo và nguồn giống khai thác tự nhiên; qua đó, tổng kết, đánh giá, chọn lựa nguồn giống phù hợp để phát triển nghề ương nuôi sò huyết trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức lại các vùng ương dưỡng, vùng nuôi sò huyết trên địa bàn tỉnh theo hình thức các hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao khả năng đồng quản lý về môi trường ương, nuôi và quản lý an ninh trật tự các vùng nuôi.
Phát triển nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống sò huyết. Chủ động phối hợp với Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, III và các đơn vị có liên quan nhận chuyển giao quy trình, công nghệ sản xuất giống sò huyết đáp ứng nhu cầu nuôi.
3.1.4. Giống thủy sản khác
Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các loài thủy sản nước ngọt, mặn bản địa,...; tiếp tục nâng cao tay nghề hộ dân tự sản xuất giống cá bổi để cung cấp nuôi quy mô hộ gia đình; khai thác hợp lý và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ương dưỡng để nâng cao tỷ lệ sống các nguồn giống cá nâu, cá kèo, cá dứa, cá đối,... sinh sản tự nhiên để cung cấp cho các khu nuôi thương phẩm trong tỉnh.
Phối hợp với các viện, trường tiếp nhận chuyển giao và tiếp tục nghiên cứu các đề tài, dự án sinh sản nhân tạo và ương dưỡng giống các đối tượng nuôi tiềm năng, giá trị kinh tế cao nhằm chủ động tạo nguồn giống chất lượng tốt phục vụ phát triển nghề nuôi thương phẩm của tỉnh, các đối tượng một số loài như: cá mú, cá chẽm, cá nâu, cá kèo, cá hanh, cá chình, nhuyễn thể, ....
Nghiên cứu và nhập công nghệ sản xuất giống phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tiễn đối với các loài vi tảo, rong biển, thủy sinh vật cảnh, loài thủy sản để làm giải trí, mỹ nghệ, trang sức và dược phẩm.
3.2. Giống cây nông nghiệp
3.2.1. Lúa
Điều tra, khảo sát thu thập thông tin của người dân và nắm bắt thông tin thị trường để đàm phán với các chủ sở hữu giống lúa để nhượng quyền sản xuất hoặc chia sẻ bản quyền tác giả để sản xuất lúa giống.
Xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể trong từng giai đoạn, trên từng vụ, từng giống lúa đảm bảo phát huy tối đa nguồn nhân lực, tài nguyên hiện có, liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác có đủ điều kiện và năng lực tham gia sản xuất, từng bước tự chủ nguồn cung ứng lúa giống trong tỉnh.
Củng cố năng lực cung ứng Trung tâm Giống Nông nghiệp, xây dựng hệ thống nhân giống lúa quy mô 150 ha; trong đó 5 ha giống nguyên chủng và 145 ha giống xác nhận, cung ứng khoảng 550 tấn lúa giống cho các cơ sở kinh doanh giống lúa của địa phương, trong đó tỷ lệ giống mua bản quyền, nhượng quyền 90%, giống thương hiệu Cà Mau 10%.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu giống lúa của người dân, Trung tâm Giống Nông nghiệp xác định nhu cầu lúa giống cho từng vụ, từng loại giống, chủ động liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác có đủ điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực tổ chức sản xuất lúa giống cung cấp cho các vùng sản xuất. Đến năm 2025, liên kết sản xuất giống diện tích khoảng 650 ha, cung cấp sản lượng khoảng 2.250 tấn lúa giống; đến năm 2030 liên kết sản xuất giống diện tích khoảng 1.200 ha, cung cấp sản lượng khoảng 4.500 tấn lúa giống.
Phối hợp với các viện, trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới có chất lượng cao phục vụ nhu cầu sản xuất trong tỉnh, từng bước tự chủ nguồn giống lúa. Bên cạnh đó, phục tráng các giống lúa đang canh tác bị thoái hóa, duy trì sự đa dạng nguồn giống trong sản xuất. Ngoài ra, tăng cường sản xuất thử các giống lúa mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, bổ sung vào nguồn giống lúa địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách đầu tư mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, sản xuất và kinh doanh lúa giống.
3.2.2. Chuối
Điều tra, khảo sát thu thập thông tin của người dân và nắm bắt thông tin thị trường để sản xuất chuối giống phục vụ sản xuất.
Trồng khảo nghiệm, tuyển chọn một số giống chuối có năng suất chất lượng theo nhu cầu thị trường để bổ sung cơ cấu giống chuối địa phương đa dạng sản phẩm.
Xây dựng hệ thống phân phối thông qua các điểm bán cây giống, liên kết với các cơ sở bán cây giống để quảng bá, giới thiệu, cung cấp chuối giống cho người dân tại các vùng sản xuất.
3.3. Giống vật nuôi
3.3.1. Heo
Tăng cường ứng dụng các giống heo cao sản và giống lai ngoại từ 2 đến 3 máu thuộc các giống Yorkshire, Landrace, Duroc nhằm tăng tỷ lệ nạc, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục phổ biến và chuyển giao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo và tiêu chuẩn hóa các cơ sở, chất lượng heo đực giống nhằm gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng đàn heo của tỉnh.
Hỗ trợ heo đực giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất giống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng giống. Hàng năm, tổ chức đánh giá, bình tuyển chất lượng đối với đàn đực giống trên địa bàn nhằm loại thải những đực giống kém chất lượng, không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.
Khuyến khích phát triển các đàn giống ông bà, bố mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất giống đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Hàng năm, tổ chức nhập bổ sung thêm nguồn giống heo ngoại hậu bị cấp ông bà, bố mẹ có năng suất và chất lượng cao để chủ động được nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ sản xuất.
Khuyến khích các trang trại, hộ chăn nuôi phát triển đàn heo nái sinh sản chất lượng cao, góp phần tăng cường cung ứng nguồn giống bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và an toàn dịch bệnh phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân.
3.3.2 Gà, vịt
Tăng cường phổ biến, ứng dụng các giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng như: gà lông màu thả vườn (gà Nòi, Nòi lai, Tàu vàng, Lương Phượng...); vịt Hoà lan, CV, Super, xiêm Pháp, vịt biển,... có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh, gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu để mở rộng phát triển sản xuất giống trong dân.
Quản lý giống gia cầm theo mô hình tháp; chọn tạo, xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp cho từng vùng sinh thái, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, sự đồng nhất về sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình chọn tạo và duy trì đàn giống ông bà, bố mẹ, góp phần cung cấp đủ nhu cầu gia cầm giống chất lượng tốt cho chăn nuôi.
Khuyến khích các trang trại, nông hộ tăng cường phát triển đàn gia cầm ông bà, bố mẹ đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng giống, không sử dụng gia cầm thương phẩm để làm giống bố mẹ.
Hỗ trợ giống gà, vịt hậu bị cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất giống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng giống. Tổ chức, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống.
3.4. Giống cây lâm nghiệp
3.4.1. Tràm
Tập trung triển khai thực hiện đầu tư bình tuyển, xây dựng rừng giống, vườn giống và vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng hàng năm.
Tổ chức đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống; nhân rộng mô hình sản xuất giống tràm đến năm 2030 giống tràm đạt 14 triệu cây/năm đáp ứng 70% nhu cầu giống trồng rừng trong tỉnh.
3.4.2. Cây Keo lai
Phối hợp các Trung tâm nghiên cứu sản xuất giống công nghệ cao nhằm chuyển giao công nghệ và quy trình sản xuất nhân giống nuôi cấy mô cho các cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô tại địa phương (chuyển giao công nghệ từ 3 - 4 dòng).
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất nuôi cấy mô (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ, Trung tâm Giống Nông nghiệp). Xây dựng nhà nuôi cấy mô và trang thiết bị tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ; Đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô, nhà lưới nhà kho và nâng cấp trang thiết bị tại Trung tâm Giống nông nghiệp.
Huy động nguồn vốn và nhân lực từ các tổ chức, cá nhân sản xuất nhân giống keo lai, để sản xuất giống keo lai đến năm 2030 đạt 4,5 triệu cây/năm, đáp ứng 100% nhu cầu giống trồng rừng trong tỉnh.
3.4.3. Đước
Tập trung chăm sóc rừng giống, vườn giống, thiết lập được hệ thống nguồn giống cây đước chuyển tiếp từ dự án xây dựng rừng giống, vườn giống, vườn ươm cây rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 10/5/2016 tại khu vực rừng ngập mặn giống đước đạt 300-350 tấn trụ mầm/năm, đáp ứng 100% cho diện tích trồng rừng đước đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/20220 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách khác.
Ưu tiên hỗ trợ đầu tư, tín dụng, đất đai và thuế cho các cơ sở đầu tư, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống theo các quy định hiện hành. Kêu gọi nguồn vốn và nhân lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống nông nghiệp có chất lượng cao.
Tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung và mức chi từ ngân sách địa phương cho sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau và ban hành Danh mục giống nông nghiệp chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh và giống khác cần tập trung đầu tư phát triển làm cơ sở hỗ trợ chính sách.
5. Công tác quản lý Nhà nước về giống
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp về hoạt động sản xuất và kinh doanh giống; sử dụng giống đúng quy định, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, cung ứng, tiêu chuẩn và chất lượng giống.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý giống từ tỉnh đến huyện nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống theo đúng quy định.
Tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống.
Tổng khái toán kinh phí thực hiện Đề án là 296,95 tỷ đồng, chia thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 2023 - 2025: 154,34 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030: 142,61 tỷ đồng. Bao gồm:
1. Ngân sách Nhà nước: 244,34 tỷ đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 100 tỷ đồng (lồng ghép từ nguồn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 do Trung ương thực hiện triển khai trên địa bàn tỉnh).
- Ngân sách địa phương: 144,34 tỷ đồng, gồm:
+ Nguồn đầu tư phát triển: 53,6 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất giống;
+ Nguồn sự nghiệp: 90,74 tỷ đồng (sự nghiệp khoa học: 23,09 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ về giống; sự nghiệp kinh tế: 67,65 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác giống, triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống).
Đối với nguồn ngân sách địa phương thực hiện các dự án đầu tư, các chương trình, dự án phát triển sản xuất giống, trước khi triển khai thực hiện phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan, đảm bảo phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn.
2. Các nguồn vốn hợp pháp khác huy động từ các tổ chức, cá nhân: 52,61 tỷ đồng.
1. Hiệu quả về kinh tế
Đối với sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp; giảm thiệt hại trong sản xuất. Đối với sản xuất giống, tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới, có chất lượng, đảm bảo chủ động được nguồn giống, giúp tăng năng suất, chất lượng trên đơn vị diện tích đất, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất và cung ứng giống ra thị trường ngoài tỉnh.
2. Hiệu quả về xã hội, môi trường
Giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động khi chủ động được nguồn giống có chất lượng cao; góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng và quản lý Nhà nước về giống nông nghiệp. Thực hiện quản lý tốt an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án này; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm, 5 năm, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và các bộ ngành có liên quan; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết; đề xuất điều chỉnh các danh mục thực hiện Đề án và giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Tổng hợp, xây dựng kế hoạch, dự toán hàng năm để triển khai thực hiện theo mục tiêu, nội dung của Đề án.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Đề án phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, pháp luật có liên quan và khả năng cân đối ngân sách.
3. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cấp thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (vốn sự nghiệp cấp tỉnh) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ về nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống các loài cây trồng, vật nuôi được phê duyệt triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh hàng năm.
Phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, tham mưu các cơ chế, chính sách có liên quan tới tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất giống nông nghiệp.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn thực hiện chính sách về đất đai, hướng dẫn việc đánh giá tác động môi trường và thực hiện quản lý bảo vệ môi trường theo quy định.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Đề án này.
6. Các hội, hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội
Chủ động tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung Đề án này và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp; hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất giống; phối hợp thực hiện hỗ trợ sản xuất giống, chọn địa điểm xây dựng các mô hình điểm sản xuất giống phù hợp, hiệu quả cao; có chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương gắn với các chương trình, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích phát triển sản xuất theo Đề án.
Chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển sản xuất giống của địa phương cho phù hợp với định hướng, mục tiêu và nội dung của Đề án; thực hiện việc lồng ghép Đề án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
8. Các tổ chức, cá nhân
Tổ chức phát triển sản xuất theo đúng mục tiêu, định hướng của Đề án, sản xuất đảm bảo các điều kiện, đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững; huy động các nguồn vốn của tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Đề án theo quy định.
Trên đây là Đề án Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2030./.
DANH MỤC GIỐNG NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC KHUYẾN KHÍCH, ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Kèm Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
STT | DANH MỤC GIỐNG NÔNG NGHIỆP |
I | Giống nông nghiệp chủ lực Quốc gia* |
1 | Tôm sú |
2 | Tôm thẻ chân trắng |
3 | Lúa |
4 | Chuối |
5 | Heo |
6 | Gà vịt |
7 | Keo lai |
8 | Tràm |
9 | Đước |
II | Giống nông nghiệp khác |
1 | Tôm càng xanh |
2 | Cua biển |
3 | Sò huyết |
4 | Cá đồng (sặc rằn, lóc, rô, trê,..) |
5 | Cá nước mặn-lợ (hanh, nâu, bớp, mú, kèo, dứa, đối, chẽm,..) |
* Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công văn 7356/BNN-KH ngày 03/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030
THỰC TRẠNG GIỐNG THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2016-2022 VÀ NHU CẦU GIỐNG GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Kèm theo Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Số TT | Chỉ tiêu | ĐVT | Giai đoạn 2016-2022 | Tăng bq 2016-2022 (%) | Nhu cầu 2023-2030 | Tăng bq 2023-2030 (%) | |||||||||||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2027 | 2028 | 2029 | 2030 | |||||
I | TÔM SÚ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích nuôi | Ha | 259.228 | 260.489 | 258.409 | 262.464 | 261.827 | 255.589 | 253.083 | -0,40 | 254.100 | 252.290 | 252.060 | 251.870 | 251.620 | 251.340 | 251.060 | 250.810 | -0,19 |
2 | Năng suất bình quân | kg/ha | 296 | 303 | 358 | 351 | 342 | 353 | 385 | 4,49 | 417 | 467 | 502 | 525 | 534 | 540 | 544 | 554 | 4,14 |
3 | Sản lượng | Tấn | 76.660 | 78.966 | 92.562 | 92.192 | 89.650 | 90.150 | 97.420 | 4,08 | 105.960 | 117.795 | 126.480 | 132.147 | 134.484 | 135.792 | 136.598 | 138.923 | 3,95 |
4 | Nhu cầu giống | Tr.con | 17.629 | 18.767 | 21.356 | 25.041 | 24.700 | 23.500 | 23.700 | 5,06 | 24.000 | 24.500 | 24.700 | 25.500 | 26.200 | 27.000 | 27.700 | 27.800 | 2,12 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Tr.con | 9.031 | 10.540 | 12.276 | 12.890 | 13.560 | 15.300 | 15.200 | 9,06 | 15.800 | 16.500 | 17.700 | 19.000 | 20.500 | 21.500 | 22.000 | 22.240 | 5,01 |
| Tỷ lệ | % | 51,23 | 56,16 | 57,48 | 51,48 | 54,90 | 65,11 | 64,14 | 3,82 | 66 | 67 | 72 | 75 | 78 | 80 | 79 | 80 | 2,82 |
| - Nhập tỉnh | Tr.con | 8.598 | 8.227 | 9.080 | 12.151 | 11.140 | 8.200 | 8.500 | -0,19 | 8.200 | 8.000 | 7.000 | 6.500 | 5.700 | 5.500 | 5.700 | 5.560 | -5,40 |
II | TÔM THẺ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích nuôi | Ha | 19.414 | 9.393 | 8.032 | 7.304 | 7.425 | 7.031 | 5.944 | -17,90 | 6.100 | 7.810 | 7.940 | 8.130 | 8.380 | 8.660 | 8.940 | 9.190 | 6,03 |
2 | Năng suất bình quân | kg/ha | 2.991 | 6.912 | 8.875 | 10.980 | 12.391 | 14.237 | 17.660 | 34,44 | 17.885 | 16.420 | 16.816 | 17.399 | 18.224 | 19.054 | 19.888 | 20.574 | 2,02 |
3 | Sản lượng | Tấn | 58.061 | 64.922 | 71.280 | 80.200 | 92.000 | 100.100 | 104.970 | 10,37 | 109.100 | 128.240 | 133.520 | 141.453 | 152.716 | 165.008 | 177.802 | 189.077 | 8,17 |
4 | Nhu cầu giống | Tr.con | 6.422 | 7.624 | 9.153 | 8.509 | 9.950 | 13.300 | 18.000 | 18,74 | 18.500 | 19.000 | 19.500 | 20.000 | 20.500 | 21.000 | 22.500 | 23.500 | 3,48 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Tr.con | 370 | 551 | 413 | 1.080 | 1.650 | 2.500 | 5.200 | 55,35 | 5.500 | 6.200 | 7.100 | 7.300 | 8.200 | 8.500 | 8.900 | 9.400 | 7,96 |
| Tỷ lệ | % | 5,76 | 7,23 | 4,51 | 12,69 | 16,58 | 18,80 | 28,89 | 30,83 | 30 | 33 | 36 | 37 | 40 | 40 | 40 | 40 | 4,33 |
| - Nhập tỉnh | Tr.con | 6.052 | 7.073 | 8.740 | 7.429 | 8.300 | 10.800 | 12.800 | 13,30 | 13.000 | 12.800 | 12.400 | 12.700 | 12.300 | 12.500 | 13.600 | 14.100 | 1,17 |
III | TÔM CÀNG XANH |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích nuôi | Ha | 4.335 | 10.967 | 16.472 | 15.202 | 12.238 | 17.028 | 19.761 | 28,77 | 19.800 | 19.900 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 0,14 |
2 | Năng suất bình quân | kg/ha | 145 | 191 | 164 | 177 | 208 | 200 | 220 | 7,21 | 300 | 350 | 400 | 420 | 440 | 460 | 480 | 500 | 7,57 |
3 | Sản lượng | Tấn | 628 | 2.100 | 2.700 | 2.684 | 2.550 | 3.400 | 4.350 | 38,07 | 5.940 | 6.965 | 8.000 | 8.400 | 8.800 | 9.200 | 9.600 | 10.000 | 7,72 |
4 | Nhu cầu giống | Tr.con | 87 | 219 | 329 | 304 | 245 | 341 | 395 | 28,77 | 416 | 438 | 460 | 480 | 500 | 520 | 560 | 600 | 5,38 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Tr.con | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0,00 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0,00 |
| Tỷ lệ | % | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0,00 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0,00 |
| - Nhập tỉnh | Tr.con | 100 | 250 | 400 | 400 | 350 | 450 | 450 | 28,49 | 500 | 550 | 550 | 600 | 650 | 650 | 650 | 700 | 4,92 |
IV | CUA |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích nuôi | Ha | 220.000 | 230.000 | 240.000 | 250.000 | 252.000 | 252.000 | 252.000 | 2,29 | 252.000 | 254.000 | 258.000 | 260.000 | 261.000 | 263.000 | 264.000 | 265.000 | 0,72 |
2 | Năng suất bình quân | kg/ha | 0,08 | 0,08 | 0,08 | 0,08 | 0,09 | 0,09 | 0,09 | 1,98 | 0,09 | 0,09 | 0,10 | 0,10 | 0,10 | 0,11 | 0,11 | 0,11 | 2,91 |
3 | Sản lượng | Tấn | 17.414 | 20.086 | 21.993 | 22.177 | 23.000 | 24.000 | 24.500 | 5,85 | 25.500 | 26.500 | 27.500 | 28.000 | 28.500 | 29.000 | 29.500 | 30.000 | 2,35 |
4 | Nhu cầu giống | Tr.con | 440 | 460 | 480 | 500 | 504 | 504 | 504 | 2,29 | 504 | 508 | 516 | 520 | 522 | 526 | 528 | 530 | 0,72 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Tr.con | 550 | 680 | 750 | 800 | 900 | 950 | 1.000 | 10,48 | 1.100 | 1.200 | 1.250 | 1.300 | 1.350 | 1.400 | 1.400 | 1.400 | 3,51 |
| Tỷ lệ | % | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 0,00 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 0,00 |
| - Nhập tỉnh | Tr.con | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0,00 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0,00 |
V | SÒ HUYẾT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích nuôi | Ha | 2.621 | 6.608 | 8.053 | 8.127 | 8.327 | 7.145 | 5.000 | 11,37 | 6.500 | 7.000 | 7.500 | 8.000 | 8.500 | 9.000 | 9.500 | 10.000 | 6,35 |
2 | Năng suất bình quân | kg/ha | 300 | 311 | 500 | 504 | 710 | 900 | 1.000 | 22,22 | 1.050 | 1.050 | 1.100 | 1.100 | 1.100 | 1.150 | 1.150 | 1.200 | 1,93 |
3 | Sản lượng | Tấn | 786 | 2.056 | 4.027 | 4.099 | 5.912 | 6.431 | 5.000 | 36,12 | 6.825 | 7.350 | 8.250 | 8.800 | 9.350 | 10.350 | 10.925 | 12.000 | 8,40 |
4 | Nhu cầu giống | Tr.con | 1.050 | 2.650 | 3.220 | 3.250 | 3.350 | 2.850 | 2.000 | 11,34 | 2.600 | 2.800 | 3.000 | 3.200 | 3.400 | 3.600 | 3.800 | 4.000 | 6,35 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Tr.con | 50 | 70 | 110 | 150 | 180 | 200 | 250 | 30,77 | 300 | 500 | 1.000 | 1.500 | 1.500 | 1.500 | 2.000 | 2.000 | 31,13 |
| Tỷ lệ | % | 5 | 2,71318 | 3,53698 | 4,83871 | 5,67823 | 7,54717 | 14,2857 | 19,12 | 12 | 18 | 33 | 47 | 44 | 42 | 53 | 50 | 23,30 |
| - Nhập tỉnh | Tr.con | 1.000 | 2.580 | 3.110 | 3.100 | 3.170 | 2.650 | 1.750 | 9,78 | 2.300 | 2.300 | 2.000 | 1.700 | 1.900 | 2.100 | 1.800 | 2.000 | -1,98 |
THỰC TRẠNG GIỐNG CÂY NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2022 VÀ NHU CẦU GIỐNG GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Kèm theo Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Số TT | Chỉ tiêu | ĐVT | Giai đoạn 2016-2022 | Tăng bq 2016-2022 (%) | Nhu cầu 2023-2030 | Tăng bq 2023-2030 (%) | |||||||||||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2027 | 2028 | 2029 | 2030 | |||||
I | LÚA |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích trồng | Ha | 112.243 | 113.148 | 117.390 | 115.585 | 112.414 | 100.089 | 110.975 | -1,1 | 110.000 | 100.000 | 90.245 | 90.245 | 90.245 | 85.024 | 85.024 | 85.024 | -29,4 |
2 | Năng suất bình quân | Tấn/ha | 4,0 | 3,9 | 4,5 | 4,5 | 4,0 | 4,6 | 5,0 | 20,0 | 4,5 | 5,0 | 5,5 | 5,5 | 5,5 | 5,9 | 5,9 | 5,9 | 22,7 |
3 | Sản lượng | Tấn | 451.965 | 445.999 | 530.734 | 525.419 | 446.875 | 459.014 | 552.443 | 18,2 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | 500.000 | 0,0 |
4 | Nhu cầu giống | Tấn | 13.469 | 13.578 | 14.087 | 13.870 | 13.490 | 12.011 | 13.317 | -1,1 | 13.200 | 11.200 | 10.000 | 10.000 | 10.000 | 9.500 | 9.500 | 9.500 | -38,9 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Tấn | 550 | 550 | 550 | 550 | 550 | 550 | 550 | 0,0 | 1.000 | 2.100 | 3.400 | 3.700 | 4.000 | 4.275 | 4.750 | 5.200 | 80,8 |
| Tỷ lệ | % | 4,1 | 4,1 | 3,9 | 4,0 | 4,1 | 4,6 | 4,1 | 0,0 | 8 | 19 | 34,0 | 37 | 40 | 45 | 50 | 54,7 | 86,2 |
| - Nhập tỉnh và tự để | Tấn | 12.919 | 13.028 | 13.537 | 13.320 | 12.940 | 11.461 | 12.767 | -1,2 | 12.200 | 9.100 | 6.600 | 6.300 | 6.000 | 5.225 | 4.750 | 4.300 | -183,7 |
II | CHUỐI |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Diện tích trồng | Ha | 5.448 | 5.522 | 5.440 | 5.330 | 5.351 | 5.690 | 5.500 | 0,9 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 0,0 |
2 | Năng suất bình quân | Tấn/ha | 9,9 | 10,1 | 10,4 | 11,2 | 11,6 | 11,4 | 10,9 | 9,2 | 12 | 12 | 12 | 12 | 12 | 12 | 12 | 12 | 0,0 |
3 | Sản lượng | Tấn | 52.031 | 53.318 | 54.357 | 57.311 | 59.538 | 59.852 | 60.000 | 13,3 | 60.000 | 60.000 | 60.000 | 60.000 | 60.000 | 60.000 | 60.000 | 60.000 | 0,0 |
4 | Nhu cầu giống đáp ứng | % | 7,9 | 1,2 | 0,0 | 0 | 1 | 1 | 0 |
| 5 | 5 | 5 | 5 | 10 | 10 | 10 | 10 | 0,0 |
THỰC TRẠNG GIỐNG CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2016-2022 VÀ NHU CẦU GIỐNG GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Kèm theo Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
TT | Chỉ tiêu | ĐVT | Giai đoạn 2016-2022 | Tăng bq 2016-2022 (%) | Nhu cầu 2023-2030 | Tăng bq 2023-2030 (%) | |||||||||||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2027 | 2028 | 2029 | 2030 | |||||
I | HEO |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Số hộ | Hộ | 14.700 | 15.000 | 14.200 | 13.500 | 12.400 | 14.000 | 14.000 | -0,8 | 14.200 | 14.600 | 15.000 | 15.300 | 15.500 | 15.800 | 16.000 | 16.200 | 1,90 |
2 | Số trang trại | Trại | 6 | 6 | 6 | 6 | 7 | 7 | 7 | 2,6 | 10 | 10 | 15 | 15 | 17 | 17 | 20 | 20 | 10,41 |
3 | Tổng đàn xuất chuồng | Con | 214.320 | 218.382 | 209.345 | 183.213 | 170.249 | 173.123 | 205.000 | -0,7 | 225.000 | 295.000 | 370.000 | 375.000 | 380.000 | 387.000 | 393.000 | 400.000 | 8,57 |
4 | Nhu cầu giống | Con | 225.600 | 229.800 | 220.400 | 193.000 | 179.200 | 182.300 | 215.800 | -0,7 | 237.000 | 311.000 | 390.000 | 396.000 | 400.000 | 408.000 | 414.000 | 421.000 | 8,55 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Con | 135.400 | 139 000 | 134.500 | 121.500 | 115.000 | 122.500 | 151.000 | 1,8 | 166.500 | 221.000 | 280.000 | 287.000 | 294.000 | 306.000 | 320.000 | 337.000 | 10,60 |
| Tỷ lệ | % | 60 | 60,5 | 61 | 63 | 64,2 | 67,2 | 70 | 2,6 | 70,3 | 71,1 | 71,8 | 72,5 | 73,5 | 75,0 | 77,3 | 80 | 1,88 |
| - Nhập tỉnh | Con | 90.200 | 90.800 | 85.900 | 71.500 | 64.200 | 59.800 | 64.800 | -5,4 | 70.500 | 90.000 | 110.000 | 109.000 | 106.000 | 102.000 | 94.000 | 84.000 | 2,53 |
II | GÀ, VỊT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Số hộ | Hộ | 68.000 | 73.000 | 76.000 | 80.000 | 82.000 | 84.000 | 84.000 | 3,6 | 85.000 | 85.500 | 86.000 | 86.200 | 86.400 | 86.600 | 86.800 | 87.000 | 0,33 |
2 | Số trang trại | Trại | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2 | 2 | 3 | 5 | 5 | 7 | 7 | 10 | 25,85 |
3 | Tổng đàn xuất chuồng | Con | 2.663.010 | 3.048.785 | 3.555.950 | 4.363.073 | 5.469.090 | 5.739.850 | 5.300.000 | 12,2 | 5.000.000 | 6.000.000 | 7.300.000 | 7.600.000 | 7.900.000 | 8.200.000 | 8.600.000 | 9.000.000 | 8,76 |
4 | Nhu cầu giống | Con | 2.805.000 | 3.201 000 | 3.743.000 | 4.593.000 | 5.757.000 | 6.042.000 | 5.580.000 | 12,1 | 5.260.000 | 6.310.000 | 7.680.000 | 8.000.000 | 8.320.000 | 8.630.000 | 9.060.000 | 9.480.000 | 8,78 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Con | 1.683.000 | 1.985.000 | 2.433.000 | 3.077.000 | 4.030.000 | 4.532.000 | 4.465.000 | 17,7 | 4.218.500 | 5.080.000 | 6.221.000 | 6.520.000 | 6.823.000 | 7.163.000 | 7.611.000 | 8.060.000 | 9,69 |
| Tỷ lệ | % | 60 | 62 | 65 | 67 | 70 | 75 | 80 | 4,9 | 80,2 | 80,5 | 81 | 81,5 | 82 | 83 | 84 | 85 | 0,84 |
| - Nhập tỉnh | Con | 1.122.000 | 1.216.000 | 1.310.000 | 1.516.000 | 1.727.000 | 1.510.000 | 1.115.000 | -0,1 | 1.041.500 | 1.230.000 | 1.459.000 | 1.480.000 | 1.497.000 | 1.467.000 | 1.449.000 | 1.420.000 | 4,53 |
THỰC TRẠNG GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2022 VÀ NHU CẦU GIỐNG GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Kèm theo Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Số TT | Chỉ tiêu | ĐVT | Giai đoạn 2016-2022 | Tăng bq 2016-2022 (%) | Nhu cầu 2023-2030 | Tăng bq 2023-2030 (%) | |||||||||||||
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2027 | 2028 | 2029 | 2030 | |||||
I | KEO LAI |
| 557 | 456 | 893 | 710 | 900 | 1.000 | 1.300 | 7,90 | 1.300 | 1.350 | 1.400 | 1.400 | 1.400 | 1.450 | 1.500 | 1.500 | 1,76 |
1 | Diện tích trồng | Ha | 557 | 456 | 893 | 710 | 900 | 1.000 | 1.300 |
| 1.300 | 1.350 | 1.400 | 1.400 | 1.400 | 1.450 | 1.500 | 1.500 |
|
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Trồng mới | Ha | 110 | 8 | 20 | 20 | 0 | 0 | 0 |
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
|
| - Trồng sau khai thác | Ha | 447 | 448 | 873 | 690 | 900 | 1.000 | 1.300 |
| 1.300 | 1.350 | 1.400 | 1.400 | 1.400 | 1.450 | 1.500 | 1.500 |
|
2 | Sản lượng khai thác | Ng.m3 | 58.441 | 47.880 | 93.765 | 74.550 | 94.500 | 105.032 | 136.500 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Nhu cầu cây giống | Triệu cây | 1,67 | 1,37 | 2,68 | 2,13 | 2,70 | 3,00 | 3,90 | 7,90 | 3,90 | 4,05 | 4,20 | 4,20 | 4,20 | 4,35 | 4,50 | 4,50 | 1,76 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Tr.cây | 0,70 | 0,70 | 0,70 | 0,70 | 1,30 | 1,30 | 3,00 |
| 3,00 | 3,50 | 3,50 | 3,60 | 3,80 | 4,00 | 4,20 | 4,50 |
|
| Tỷ lệ | % | 42 | 51 | 26 | 33 | 48 | 43 | 77 |
| 77 | 86 | 83 | 86 | 90 | 92 | 93 | 100 |
|
| - Nhập tỉnh | Triệu cây | 0,97 | 0,67 | 1,98 | 1,43 | 1,40 | 1,70 | 0,90 |
| 0,90 | 0,55 | 0,70 | 0,60 | 0,40 | 0,35 | 0,30 | 0,00 |
|
II | TRÀM |
| 1.575 | 1.500 | 1.833 | 2.000 | 1.708 | 1.500 | 1.200 |
| 1.200 | 1.100 | 1.050 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 |
|
1 | Diện tích trồng | Ha | 1.575 | 1.500 | 1.833 | 2.000 | 1.708 | 1.500 | 1.200 | -4,92 | 1.200 | 1.100 | 1.050 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | -2,36 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Trồng mới | Ha | 39 |
| 233 | 100 | 208 |
|
|
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
|
| - Trồng sau khai thác | Ha | 1.536 | 1.500 | 1.600 | 1.900 | 1.500 | 1.500 | 1.200 |
| 1.200 | 1.100 | 1.050 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 |
|
2 | Sản lượng khai thác | Ng.m3 | 114.975 | 109.500 | 133.802 | 146.000 | 124.684 | 109.500 | 87.600 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Nhu cầu cây giống | triệu cây | 32 | 30 | 37 | 40 | 34 | 30 | 24 |
| 24,00 | 22,00 | 21,00 | 20,00 | 20,00 | 20,00 | 20,00 | 20,00 | -2,36 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | Triệu cây | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
| 4,00 | 4,00 | 4,00 | 8,00 | 10,00 | 12,00 | 14,00 | 14,00 |
|
| Tỷ lệ | % | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
| 17 | 18 | 19 | 40 | 50 | 60 | 70 | 70 |
|
| - Nhập tỉnh | Triệu cây | 32 | 30 | 37 | 40 | 34 | 30 | 24 | 0 | 20 | 18 | 17 | 12 | 10 | 8 | 6 | 6 |
|
III | ĐƯỚC |
| 598 | 562 | 398 | 697 | 727 | 1.192 | 1.200 | 5,58 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 |
|
1 | Diện tích trồng | Ha | 598 | 562 | 398 | 697 | 727 | 1.192 | 1.200 |
| 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 | 1.200 |
|
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Trồng mới | Ha | 274 | 249 | 121 | 139 | 27 | 92 |
|
| 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 |
|
| - Trồng sau khai thác | Ha | 324 | 313 | 277 | 558 | 700 | 1.100 | 1.200 |
| 900 | 900 | 900 | 900 | 900 | 900 | 900 | 900 |
|
2 | Sản lượng khai thác | Ng.m3 | 50.815 | 47.773 | 33.813 | 59.245 | 61.753 | 101.320 | 102.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Nhu cầu cây giống | Trụ mầm (tấn) | 149 | 141 | 99 | 174 | 182 | 298 | 300 | 5,58 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 0,00 |
| Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| - Sản xuất trong tỉnh | trụ mầm (tấn) | 149 | 141 | 99 | 174 | 182 | 298 | 300 |
| 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 | 300 |
|
| Tỷ lệ | % | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
| 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
|
| - Nhập tỉnh | trụ mầm (tấn) | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
| 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
|
DANH MỤC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GIỐNG PHỤC VỤ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2023 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Số TT | Danh mục | Tổng vốn đầu tư (tỷ đồng) | Thời gian thực hiện | Ghi chú | |||||
GĐ 2023 - 2025 | GĐ 2026 - 2030 | ||||||||
Ngân sách Nhà nước | Vốn khác | Ngân sách Nhà nước | Vốn khác | ||||||
NSTW | NSĐP | NSTW | NSĐP | ||||||
| TỔNG CỘNG (A + B) | 296,95 | 45,00 | 83,71 | 25,63 | 55,00 | 60,63 | 26,98 |
|
A | VỐN SỰ NGHIỆP (I + II) | 143,35 | 0,00 | 44,11 | 25,63 | 0,00 | 46,63 | 26,98 |
|
I | Nguồn sự nghiệp kinh tế (1 + 2) | 100,85 | 0,00 | 31,02 | 17,72 | 0,00 | 36,63 | 15,48 |
|
1 | Công tác triển khai, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý giống | 7,05 | 0,00 | 1,90 | 0,60 | 0,00 | 3,55 | 1,00 |
|
1.1 | Hội nghị, hội thảo, hội thi, tọa đàm tuyên truyền giống nông nghiệp | 2,80 |
| 0,50 | 0,60 |
| 0,70 | 1,00 | Lồng ghép từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương, kinh phí thường xuyên của đơn vị |
1.2 | Xây dựng các ấn phẩm về giống nông nghiệp | 0,80 |
| 0,30 |
|
| 0,50 |
| |
1.3 | Tập huấn - Tư vấn giống nông nghiệp | 1,05 |
| 0,35 |
|
| 0,70 |
| |
1.4 | Đào tạo nâng cao năng lực quản lý giống nông nghiệp | 1,50 |
| 0,45 |
|
| 1,05 |
| |
1.5 | Học tập kinh nghiệm | 0,90 |
| 0,30 |
|
| 0,60 |
| |
2 | Dự án phát triển sản xuất giống | 93,80 | 0,00 | 29,12 | 17,12 | 0,00 | 33,08 | 14,48 |
|
2.1 | Dự án nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực quy mô công nghiệp | 6,00 |
|
|
|
| 6,00 |
|
|
2.2 | Mua bản quyền từ 2-3 giống lúa mới | 6,00 |
| 3,00 |
|
| 3,00 |
|
|
2.3 | Dự án xây dựng cơ sở sản xuất tinh heo giống chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp | 10,00 |
| 2,00 | 8,00 |
| - | - |
|
2.4 | Dự án sản xuất giống heo chất lượng cao, an toàn dịch bệnh | 11,00 |
| 2,50 | 2,50 |
| 3,00 | 3,00 |
|
2.5 | Dự án sản xuất giống gia cầm an toàn dịch bệnh | 7,00 |
| 1,50 | 1,50 |
| 2,00 | 2,00 |
|
2.6 | Dự án đầu tư bình tuyển 100 cây trội giống tràm; xây dựng 10 ha rừng giống; 10 ha vườn giống giai đoạn 2023-2030 tại khu vực rừng U Minh Hạ (huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời) | 21,00 |
| 6,00 | 4,00 |
| 6,00 | 5,00 |
|
2.7 | Dự án đầu tư xây dựng 7 ha vườn ươm sản xuất giống tràm rễ trần giai đoạn 2023-2030 tại khu vực rừng U Minh Hạ | 11,20 |
| 1,12 | 1,12 |
| 4,48 | 4,48 |
|
2.8 | Dự án đầu tư xây dựng nhà nuôi cấy mô, sản xuất nhân giống các dòng cây keo lai tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau | 8,00 |
| 5,00 |
|
| 3,00 |
|
|
2.9 | Dự án đầu tư xây dựng nhà nuôi cấy mô, sản xuất nhân giống các dòng cây keo lai tại Công ty TNHH MTV LN U Minh Hạ | 13,60 |
| 8,00 |
|
| 5,60 |
|
|
II | Nguồn sự nghiệp khoa học | 42,50 | 0,00 | 13,09 | 7,91 | 0,00 | 10,00 | 11,50 |
|
1 | Dự án: "Phát triển sản xuất giống sò huyết (Anarara granosa) tại Cà Mau" | 2,00 |
| 0,59 | 1,41 |
|
|
| Lồng ghép nguồn sự nghiệp khoa học đã được bố trí năm 2023 và hoàn thành vào năm 2024 |
2 | Nghiên cứu cải thiện, nâng cao chất lượng cua giống | 5,00 |
| 2,50 |
|
| 2,50 |
|
|
3 | Dự án chọn tạo giống tôm sú chất lượng cao | 13,00 |
| 2,00 | 3,00 |
| 3,00 | 5,00 |
|
4 | Dự án tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất cá nâu giống | 7,00 |
| 4,00 | 2,00 |
| 0,50 | 0,50 | Đặt hàng |
5 | Nghiên cứu nuôi dưỡng thành thục và sản xuất giống cá hanh | 12,50 |
| 1,00 | 1,50 |
| 4,00 | 6,00 | Đặt hàng |
6 | Dự án nghiên cứu bảo tồn nguồn gen thủy sản bản địa (tôm, cá sặc rằn, trê vàng) | 3,00 |
| 3,00 |
|
| 0,00 |
|
|
B | VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN | 153,60 | 45,00 | 39,60 | 0,00 | 55,00 | 14,00 | 0,00 |
|
1 | Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu sản xuất giống thủy sản tập trung chất lượng cao (Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời) | 100,00 | 45,00 |
|
| 55,00 |
|
| Lồng ghép kinh phí dự kiến được tính trung bình cho các tỉnh theo Phụ lục II (Kèm theo Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ) |
2 | Dự án sửa chữa, xây dựng nâng cấp Trại giống Thủy sản | 12,00 |
| 8,00 |
|
| 4,00 |
|
|
3 | Xây dựng hệ thống đường nội bộ ra khu sản xuất lúa giống | 5,00 |
| 5,00 |
|
|
|
|
|
4 | Dự án đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô nhà lưới, nhà kho và nâng cấp trang thiết bị cho các đơn vị sản xuất giống | 21,60 |
| 18,60 |
|
| 3,00 |
|
|
5 | Dự án xây dựng Trại heo giống sinh sản | 15,00 |
| 8,00 |
|
| 7,00 |
|
|
1 Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 29/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phát triển nuôi hải sản trên biển Cà Mau giai đoạn 2019 - 2021 và định hướng đến năm 2030
2 Công văn số 7356/BNN-KH ngày 03/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030
- 1Nghị quyết 208/2022/NQ-HĐND quy định nội dung được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí và mức chi thực hiện nhiệm vụ Phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 2Nghị quyết 26/2022/NQ-HĐND về quy định nội dung, mức hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 3Nghị quyết 21/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi từ ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác theo Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An
- 4Thông báo 579/TB-UBND năm 2023 về kết luận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về thông qua Tờ trình và dự thảo Nghị quyết ban hành quy định nội dung, mức chi đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
- 5Nghị quyết 07/2023/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi từ ngân sách địa phương cho phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 6Quyết định 2327/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 4Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 5Luật Đầu tư công 2019
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Quyết định 979/QĐ-BNN-KH năm 2020 về Kế hoạch xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 8Quyết định 703/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 324/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 255/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Thông tư 10/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất
- 12Thông tư 107/2021/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ Phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 13Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 985/QĐ-TTg năm 2022 về Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 2460/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chương trình 28-CTr/TU về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Cà Mau ban hành
- 16Quyết định 2461/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 17Nghị quyết 208/2022/NQ-HĐND quy định nội dung được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí và mức chi thực hiện nhiệm vụ Phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 18Nghị quyết 26/2022/NQ-HĐND về quy định nội dung, mức hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 19Nghị quyết 21/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi từ ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác theo Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An
- 20Thông báo 579/TB-UBND năm 2023 về kết luận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về thông qua Tờ trình và dự thảo Nghị quyết ban hành quy định nội dung, mức chi đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
- 21Nghị quyết 07/2023/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi từ ngân sách địa phương cho phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 22Quyết định 2327/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030
Quyết định 770/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2030
- Số hiệu: 770/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/04/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
- Người ký: Lê Văn Sử
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/04/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra