Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/2004/QĐ-UB

Hưng Yên, ngày 31 tháng 08 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993 và Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông báo số 604/TB-TU ngày 06/8/2004 của Thường trực Tỉnh ủy về quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hưng Yên tại Tờ trình số 22/TT-TNMT ngày 27/5/2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký; Các văn bản trước đây trái với quy chế bảo vệ môi trường ban hành kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cường

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 77/2004/QĐ-UB ngày 31/8/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định cụ thể cụ thể một số nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội khóa IX - kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993 và Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường vào điều kiện thực tế của tỉnh.

Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thi hành quy chế bảo vệ môi trường và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Điều 2. Mọi tổ chức, cá nhân sống, làm việc và các hoạt động khác trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có các hoạt động có liên quan đến môi trường đều phải thực hiện các quy định trong quy chế này.

Điều 3. Nghiêm cấm mọi hành vi làm suy thoái môi trường, gây ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường.

Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và doanh nghiệp trong tỉnh phải gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội với việc bảo vệ môi trường nhằm giữ gìn, cải thiện môi trường sống, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Mục 1. Chỉ tiêu, chất lượng các thành phần môi trường

Điều 4. Tiêu chuẩn môi trường được áp dụng trên địa bàn tỉnh là tiêu chuẩn Việt Nam được quy định trong Quyết định số 35/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 25/6/2002 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Phụ lục 1 kèm theo Quy chế này).

Mục 2. Bảo vệ môi trường không khí, đất, nước

Điều 5. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân xả thải vào môi trường các thành phần: hóa chất độc hại, bụi, khí thải, mùi hôi thối, bức xạ ion hóa, các vật liệu chứa chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, các chất làm suy giảm tầng ozon (ODS), vi khuẩn gây bệnh, dầu mỡ, tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn quy định gây tác động xấu đến sức khỏe con người, cảnh quan, môi trường sinh thái.

Điều 6. Việc lưu hành, vận chuyển, giao thông phải thực hiện theo quy định sau:

1. Cấm lưu hành các phương tiện giao thông cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn, độ rung.

2. Nghiêm cấm chuyên chở trên các phương tiện giao thông chở khách các loại chất độc hại, dễ gây cháy nổ, súc vật và các chất có mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của hành khách.

3. Các phương tiện giao thông chuyên chở các chất độc hại, dễ cháy nổ phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyên chở các chất này phải tuân theo các quy định hiện hành.

4. Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt phải tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường tại Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ.

5. Các loại phương tiện giao thông có động cơ khi qua các bệnh viện, khu điều dưỡng, trường học và khu dân cư vào giờ nghỉ trưa và từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau không được bấm còi.

Điều 7. Khi tiến hành xây dựng các công trình trên phạm vi đường thủy nội địa, khai thác tài nguyên phải có phương án làm giảm tác động trực tiếp đến thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, xói mòn đất, gây tác hại đến hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Điều 8. Việc khai thác, sử dụng đất vào các mục đích khác nhau phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và có biện pháp cải tạo, bảo vệ, ngăn ngừa suy thoái và ô nhiễm đất.

Điều 9. Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân theo Luật Khoáng sản, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, phục hồi môi trường, đất đai sau khi kết thúc hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Phải có các phương án phòng tránh và phương tiện xử lý kịp thời khi có sự cố về môi trường xảy ra.

Điều 10. Nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu khoa học; nước thải sinh hoạt của các đô thị, khu du lịch, khu vui chơi giải trí; nước thải trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Điều 11. Hoạt động khoan thăm dò, khai thác và sử dụng nước dưới đất phải tuân theo Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước; các quy định về hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Nghiêm cấm việc khoan khai thác nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân tại các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp đã có nguồn cung cấp nước sạch.

Điều 12. Việc chôn cất, bốc mộ, di chuyển hài cốt ở cả đô thị và nông thôn phải tuân theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế Hưng Yên.

Khi quy hoạch và xây dựng khu nghĩa trang, nghĩa địa… phải đảm bảo vệ sinh môi trường, xa khu dân cư và không ở đầu nguồn nước.

Mục 3. Bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản

Điều 13. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ các giống loài động, thực vật quý hiếm và côn trùng có ích. Cấm săn bắt, khai thác động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng thuộc danh mục nhà nước cần bảo vệ. Khi phát hiện thấy các sinh vật lạ xuất hiện trong khu vực sinh sống và làm việc phải báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý.

Cấm mua bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến các món ăn đặc sản từ các loài động vật hoang dã, quý hiếm.

Điều 14. Nghiêm cấm khai thác nguồn lợi thủy sản bằng các loại phương tiện hủy diệt hàng loạt như chất nổ, điện, xung điện, chất độc, hóa chất, lưới có kích thước nhỏ hơn quy định và các hình thức khai thác có tính hủy diệt khác.

Điều 15

1. Nghiêm cấm nhập và phổ biến các giống, loài không có nguồn gốc, có nguy cơ đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường sinh sống của các loài sinh vật tại địa phương.

2. Mọi tổ chức, cá nhân khi nhập các giống, loài động vật, thực vật lạ từ nơi khác đến phải đăng ký với Sở Nông nghiệp và PTNT để kiểm tra, thẩm định.

Mục 4. Bảo vệ môi trường khu đô thị và khu công nghiệp

Điều 16. Việc quy hoạch, xây dựng và phát triển các công trình, khu đô thị và khu công nghiệp phải gắn với việc bảo vệ môi trường và chỉ được thực hiện sau khi cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có thẩm quyền thẩm định phê duyệt.

Điều 17. Bãi chứa rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp (trừ rác thải nguy hại) phải được quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo đúng quy định tại thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT ngày 18/01/2001 giữa Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng, Chỉ thị số 199/TTg ngày 03/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp.

Địa điểm các bãi trung chuyển rác phải được bố trí cố định, xa nơi dân cư, trường học, bệnh viện, công sở, công viên, nơi an dưỡng, điều trị, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, sông, hồ và phải trang bị các thùng đựng rác đúng quy định, áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế ảnh hưởng môi trường.

Điều 18.

1. Các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình phải có thùng rác hợp vệ sinh và đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định của phố phường và thị trấn.

2. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải độc hại, chất cháy nổ phải thực hiện đúng quy định của cơ quan quản lý môi trường.

3. Cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ hệ thống tiêu thoát nước thải và thường xuyên khơi thông cống rãnh.

Điều 19. Việc thi công xây dựng, cải tạo, mở rộng các công trình, vận chuyển, khai thác, lưu giữ vật liệu xây dựng ở các khu công nghiệp và đô thị phải thực hiện các biện pháp hạn chế ô nhiễm về khói, bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung.

Điều 20. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân và các hộ gia đình sống, hoạt động trong thị xã, thị trấn không được:

1. Hoạt động sản xuất, dịch vụ gây: ồn, rung, mùi hôi, bụi, nóng và các hình thức ô nhiễm khác vượt tiêu chuẩn môi trường ảnh hưởng tới hộ gia đình xung quanh;

2. Đổ rác sinh hoạt, các chất phế thải, xác động vật ra vỉa hè, đường phố, sông, hồ, khu vực công cộng.

3. Chăn dắt, nuôi súc vật nơi công cộng.

4. Dùng phân tươi, nước hôi thối để tưới cây.

Điều 21. Cấm đổ rác, chất thải độc hại, chát gây mùi hôi thối ở khu dân cư, nơi có mạch nước ngầm và đầu hướng gió gây ảnh hưởng đến môi trường.

Chất thải từ quá trình sản xuất công nghiệp phải được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy chế quản lý chất thải.

Chất thải có chứa vi sinh vật, vi trùng gây bệnh phải được xử lý nghiêm ngặt theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế.

Mục 5. Bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn

Điều 22. Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn phải gắn với việc BVMT theo chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững.

UBND xã, thị trấn dành một phần đất thích hợp trong quỹ đất công để làm bãi rác thải và tổ chức tổ, đội thu gom vận chuyển rác thải về khu vực đã quy định để xử lý. Chỉ đạo ban quản lý các chợ xây dựng hệ thống vệ sinh công cộng, thu gom rác thải vào nơi quy định và hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường cho những người buôn bán, vận chuyển hàng hóa trong chợ.

Điều 23. Các tổ chức, cá nhân sản xuất vôi, gạch, ngói, đất nung phải thực hiện quy định tại Quyết định số 1478/1999/QĐ-UB ngày 01/9/1999 của UBND tỉnh. Chỉ được đốt lò ở khu vực đã được quy hoạch, theo thời gian cho phép của chính quyền địa phương để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường sinh thái.

Điều 24.

1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tàng trữ và vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Nghiêm cấm việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục Nhà nước cấm, thuốc nhập lậu, quá hạn sử dụng hoặc mất tem, nhãn hàng hóa.

3. Cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật phải có kho chứa, trang thiết bị cần thiết, giấy phép hành nghề và chứng chỉ chuyên môn, phương tiện bảo hộ lao động. Không được đặt gần nơi kinh doanh lương thực, thực phẩm, cơ sở công cộng, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, nhà trẻ…

Điều 25. Chất thải của làng nghề phải được kiểm soát và phải có biện pháp xử lý trước khi thải ra môi trường.

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: tái chế (chì, đồng, nhôm, nhựa…), thuộc da, chế biến nông sản, thực phẩm phải được quy hoạch trong cụm công nghiệp tập trung, xa khu dân cư và có hệ thống xử lý chất thải chung đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường.

Chương III

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, KIỂM SOÁT Ô NHIỄM VÀ CẤP GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG

Điều 26. Chủ đầu tư, chủ quản dự án và người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các đối tượng sau đây phải lập và trình duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường:

1. Các quy hoạch xây dựng (gồm quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, khu công nghiệp, làng nghề), các quy hoạch khu dân cư và các quy hoạch khác có ảnh hưởng đến môi trường.

2. Các dự án mới, các dự án thay đổi địa điểm, thay đổi quy mô, nội dung hoạt động của các cơ sở hiện có.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề hoạt động trước ngày ban hành quy chế này nhưng chưa lập các thủ tục về môi trường theo quy định.

Điều 27.

Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đối tượng nêu tại Điều 26 quy chế này như sau:

1. Các đối tượng thuộc khoản 1 và 2 Điều 26 quy chế này phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm 2 bước:

Bước 1: Ở giai đoạn nghiên cứu khả thi lập giải trình các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường theo nội dung tại phụ lục số 2 kèm theo quy chế này.

Bước 2: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo mẫu phụ lục số 3) khi xin phê chuẩn của cấp có thẩm quyền.

2. Các đối tượng thuộc khoản 3 tại Điều 26 của quy chế này phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo một trong hai hình thức sau:

a. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hoạt động theo Luật hợp tác xã và cá nhân kinh doanh hoạt động theo Luật hợp tác xã ngày 03/4/1996 được sửa đổi, bổ sung năm 2003 do UBND huyện, thị xã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được nêu tại phụ lục 4 kèm theo quy chế này phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dưới dạng kê khai hoạt động sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường.

b. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh không có trong danh mục tại phụ lục 4 kèm theo quy chế này phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết theo nội dung phụ lục 5 kèm theo quy chế này.

3. Nội dung đánh giá tác động môi trường bao gồm:

a. Đánh giá hiện trạng môi trường tại địa bàn hoạt động của dự án hoặc cơ sở.

b. Đánh giá tác động xảy ra đối với môi trường do hoạt động của dự án hoặc cơ sở.

c. Kiến nghị các biện pháp xử lý vè mặt môi trường.

Các nội dung ở khoản 3 của điều này được thể hiện thành một báo cáo riêng gọi là báo cáo đánh giá tác động mô trường.

Điều 28: Về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường:

Phân cấp thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư theo Nghị định số 143/2004/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định 175/CP về hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường (phụ lục 6).

Việc tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, cơ sở đang hoạt động ở địa phương do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện (theo Quyết định số 04/2003/QĐ-BTNMT ngày 21/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Thời gian thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường không quá 2 tháng, kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản liên quan.

Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tỉnh Hưng Yên do UBND tỉnh ra quyết định thành lập.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, cấp quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo ủy quyền của UBND tỉnh) và xem xét cấp phiếu xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường các dự án đầu tư (theo Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Điều 29. Các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập các phương án, biện pháp bảo vệ môi trường (kể cả hệ thống xử lý chất thải, tiêu thoát nước) ngay từ khi xây dựng báo cáo khả thi.

Điều 30. Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng kinh phí của mình để thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm theo quy định tại Thông tư số 276/TT-MTg ngày 06/3/1997 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các cam kết về kiểm soát ô nhiễm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường. Kết quả gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

Cơ quan, tổ chức đã tham gia tư vấn hoặc xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án, cơ sở thì không được thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm cho dự án, cơ sở đó.

Trước khi thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm chủ dự án, cơ sở phải thông báo với Sở Tài nguyên và Môi trường để thống nhất nội dung và phương pháp thực hiện.

Điều 31. Các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tiến hành hoạt động phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có thẩm quyền cấp.

Chương IV

KHẮC PHỤC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG, SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG, SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 32. Tất cả các đơn vị, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải có kế hoạch an toàn và phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, nhân lực và kinh phí để sẵn sàng giải quyết sự cố môi trường; Chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả và bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường theo quy định của Nhà nước. Khi phát hiện sự cố môi trường phải báo ngay cho UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan quản lý môi trường huyện, thị xã; đồng thời nhanh chóng khắc phục sự cố không để ảnh hưởng kéo dài. Trường hợp ngoài khả năng khắc phục của mình phải tiếp tục báo cho UBND huyện, thị xã và Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp, kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Sự cố môi trường xảy ra ở xã, phường, thị trấn nào thì xã, phường, thị trấn phải chủ động khắc phục, giải quyết.

Trường hợp cần thiết phải phối hợp với cơ quan bảo vệ môi trường cấp huyện cùng ngăn chặn, khắc phục hậu quả thì phải: xác định rõ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường, mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục. Nếu không khắc phục được thì phải báo cáo huyện, thị xã xử lý. Trường hợp khẩn cấp: UBND huyện, thị xã phải báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) đồng thời huy động nhân lực, vật tư, tài chính, phương tiện để nhanh chóng khắc phục sự cố môi trường dưới sự hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chương V

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 34. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về môi trường, ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người dân.

2. Phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trình UBND tỉnh.

3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra và hướng dẫn thực hiện Luật, các văn bản dưới luật và của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường. Giải quyết các đơn thư kiến nghị, khiếu nại tố cáo về môi trường, xử phạt các vi phạm về bảo vệ môi trường theo phân cấp ở địa phương.

4. Tổ chức thực hiện kiểm soát và quan chắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Hàng năm lập báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Tổ chức thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư, các cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh theo sự ủy quyền của UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thừa ủy quyền UBND tỉnh cấp và thu hồi giấy phép về môi trường theo phân cấp.

6. Đề xuất, trình UBND tỉnh về các biện pháp bảo vệ, cải thiện môi trường, phòng chống và khắc phục hậu quả của các sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.

7. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và các thành phần môi trường theo quy định.

8. Thực hiện các chương trình quan hệ quốc tế và hợp tác với các tỉnh bạn trong lĩnh vực BVMT do Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh giao.

Điều 35. Các sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường thuộc ngành mình quản lý, cụ thể:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường. Tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh chấp thuận hoặc phê duyệt dự án khi có nhận xét đánh giá về môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Tài chính: Chịu trách nhiệm đảm bảo ngân sách đã được duyệt cho công tác bảo vệ môi trường và công tác khắc phục các tình trạng ô nhiễm môi trường đột xuất.

3. Sở Công nghiệp: Chịu trách nhiệm về việc quy hoạch phát triển công nghiệp - thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, hướng dẫn thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

4. Sở Xây dựng: chịu trách nhiệm trong quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị và khu công nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường. Chỉ đạo ngành về quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý chặt chẽ các hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải; quy hoạch, thiết kế, xây dựng bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; quy hoạch xây dựng và quản lý các công trình công viên, cây xanh.

5. Sở Y tế: Chịu trách nhiệm về công tác phòng dịch và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn chính quyền các cấp, các đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện công tác phòng dịch, vệ sinh môi trường. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải y tế (theo Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý chất thải nguy hại và quy chế quản lý chất thải của Bộ Y tế).

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chịu trách nhiệm quản lý việc kinh doanh, sử dụng thuộc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Đẩy mạnh các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, quản lý các công trình thủy lợi, cung cấp nước sạch, kiểm soát vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm. Bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm dịch động thực vật theo quy định. Có kế hoạch và biện pháp phòng chống thiên tai bão, lũ lụt, sụt lở đất, hạn hán…

7. Sở Khoa học và Công nghệ: thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kiểm soát, an toàn bức xạ hạt nhân; chịu trách nhiệm xem xét về mặt công nghệ của các dự án nhằm đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, nhất là các công nghệ liên quan đến xử lý chất thải; xem xét trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt các đề tài, dự án về sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

8. Sở Giao thông - Vận tải: Chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ chất lượng các phương tiện tham gia giao thông. Đình chỉ hoạt động các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ thải khói bụi, dầu, khí độc, tiếng ồn ra môi trường vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam và không đảm bảo an toàn giao thông.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chịu trách nhiệm về công tác giáo dục nâng cao nhận thức môi trường cho học sinh và giáo viên trong trường học thuộc các cấp học trong tỉnh theo nội dung phù hợp với từng đối tượng.

10. Sở Thương mại và Du lịch: Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hàng hóa, hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 01/3/1999 của Chính phủ. Chỉ cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân có cam kết đảm bảo môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Các hoạt động du lịch, nhà hàng, khách sạn phải gắn với việc bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, buôn bán các loại động vật hoang dã quý hiếm trong danh mục nhà nước cấm.

11. Công an tỉnh: Chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm môi trường trong lĩnh vực buôn bán các hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, thuốc nổ và các sự cố cháy, nổ. Chủ trì công tác phòng, chống tội phạm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý các tội phạm về môi trường theo quy định của Bộ luật Hình sự.

12. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: Chịu trách nhiệm quản lý môi trường trong các hoạt động thuộc lực lượng vũ trang quản lý; có phương án, kế hoạch phối hợp với các lực lượng khác trong công tác phòng chống ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và sự cố môi trường.

13. Sở Tư pháp: chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quy chế này tới mọi tầng lớp nhân dân.

14. Sở văn hóa - Thông tin:

Chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức công tác bảo vệ cảnh quan môi trường trong việc tổ chức lễ hội, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa.

Đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào việc xét duyệt công nhận cơ quan, đơn vị và làng văn hóa.

15. Các cơ quan thông tin đại chúng:

Chịu trách nhiệm tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường.

Phản ánh trung thực, kịp thời các sự việc về môi trường, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.

Điều 36. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội có trách nhiệm phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động các hội viên và các tàng lớp nhân dân tham gia công tác bảo vệ môi trường, thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường như làm xanh sạch đẹp ở công sở, trường học, đường phố, công viên và các nơi công cộng khác…

Điều 37. UBND các huyện, thị xã có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức thực hiện các văn bản, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Trung ương và tỉnh trong phạm vi địa phương.

2. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường. Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ảnh hưởng tới môi trường trên địa bàn quản lý. Chủ động giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi trường của các đơn vị trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì và thực hiện tốt phong trào bảo vệ, giữ gìn nguồn nước, vệ sinh môi trường, xanh - sạch - đẹp tại địa phương.

3. Thông báo kịp thời các diễn biến xấu về môi trường tại địa phương cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức huy động nhân lực để phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường.

4. Kiểm tra, giám sát và xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Điều 38. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hỗ trợ các cơ quan nhà nước thực hiện các chương trình, kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cơ sở.

2. Tổ chức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải thiện môi trường, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, suy thoái môi trường, sự cố môi trường ở cơ sở.

3. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và quy chế bảo vệ môi trường của UBND tỉnh đến mọi người dân trên địa bàn cơ sở. Định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất có sự cố môi trường) phải báo cáo, phản ánh diễn biến về môi trường ở cơ sở với UBND huyện.

4. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương cơ sở.

Chương VI

NGUỒN TÀI CHÍNH CHO NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 39. Nguồn thu tài chính cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường bao gồm:

1. Ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động bảo vệ môi trường, cho nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

2. Các khoản thu khác gồm tiền phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, đóng góp của các tổ chức kinh tế, xã hội và các cơ sở sản xuất trong tỉnh.

3. Phí, lệ phí bảo vệ môi trường đối với nước tải và các thành phần môi trường khác, giấy phép môi trường.

Điều 40. Quỹ bảo vệ môi trường.

1. UBND tỉnh lập quỹ bảo vệ môi trường nhằm chủ động khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

2. Nguồn tài chính lập quỹ bảo vệ môi trường được trích từ ngân sách nhà nước, đóng góp và tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và ngoài nước cho hoạt động bảo vệ môi trường của tỉnh, phí bảo vệ môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính xây dựng quy chế, điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 41. Nguồn tài chính chi cho bảo vệ môi trường hàng năm gồm nội dung sau:

1. Nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về môi trường, chú trọng các thành phần môi trường đất, nước, không khí.

2. Điều tra về tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, khu dân cư, vùng sinh thái đặc trưng.

3. Các biện pháp bảo vệ, khôi phục, cải tạo môi trường, quản lý chất thải.

4. Các dự án bảo tồn, khôi phục các hệ sinh thái có tầm quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và duy trì tính đa dạng sinh học.

5. Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường.

Chương VII

THANH TRA VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 42.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

2. UBND các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Điều 43. Mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường phải chịu sự thanh tra định kỳ (không quá 01 lần/năm) hoặc đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường. Đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành những yêu cầu trong biên bản thanh tra.

Điều 44. Nội dung thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm:

1. Thanh tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các ngành, UBND các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh.

2. Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường.

3. Thanh tra các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khi có khiếu nại, tố cáo.

Điều 45. Thanh tra về bảo vệ môi trường có các quyền hạn sau:

1. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu bằng văn bản, trả lời chất vấn.

2. Trưng cầu giám định.

3. Kết luận và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

4. Tạm đình chỉ hoạt động nếu xét thấy có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe của nhân dân và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết.

5. Chuyển hồ sơ có dấu hiệu cấu thành tội phạm sang cơ quan điều tra.

6. Kết quả thanh tra gửi cho cơ sở được thanh tra, cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương để làm cơ sở theo dõi, giám sát.

Điều 46. Các đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo.

Điều 47. Các cơ sở được thanh tra hoặc khiếu nại, tố cáo nếu không nhất trí với kết luận, kiến nghị, biện pháp và hình thức xử lý của đoàn thanh tra, trong thời hạn 10 ngày có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của người ra văn bản. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được khiếu nại, cơ quan cấp trên trực tiếp của người ra văn bản phải xem xét và ra quyết định giải quyết. Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 48. Các tổ chức, cá nhân phải thực hiện các kiến nghị, yêu cầu, quyết định của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong thời hạn ghi tại biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND các cấp hoặc của tổ chức thanh tra về bảo vệ môi trường. Trong lần thanh tra tiếp theo, nếu vẫn chưa thực hiện, sẽ bị lập biên bản và đề nghị các cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu của đoàn thanh tra.

Chương VIII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 49. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động bảo vệ môi trường, tích cực phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, ngăn chặn các hành vi gây hại đến môi trường sẽ được biểu dương, khen thưởng.

Điều 50. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây tổn hại đến môi trường, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm quy định trong bản quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 51. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây về bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Hưng Yên trái với quy chế này đều bãi bỏ.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp; các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên liên quan đến việc sử dụng các thành phần môi trường chị trách nhiệm thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để giải quyết./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 77/2004/QĐ-UBND về Quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 77/2004/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/08/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 09/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản