Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7641/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ LÀO CAI - HÀ NỘI - HẢI PHÒNG - QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Khai thác tối đa lợi thế và chủ động tạo lợi thế để phát triển công nghiệp khu vực tuyến hành lang kinh tế với tốc độ hợp lý, hướng tới bền vững; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu, từng bước cơ cấu lại ngành một cách hợp lý.

- Tăng cường mối liên kết giữa các địa phương trên tuyến, kết hợp hài hòa giữa phát triển các ngành công nghiệp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển

- Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-­2020 đạt khoảng 13% ÷ 14%, trong đó giai đoạn 2016-2020 đạt 14% ÷ 15%.

- Tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 35 ÷ 37% trong cơ cấu GDP của cả nước.

3. Định hướng phát triển

3.1. Định hướng chung

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế; chú trọng đầu tư vào các dự án tạo ra các sản phẩm có năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tăng nhanh hàm lượng khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Phân bố không gian công nghiệp một cách hợp lý nhằm phát huy hết lợi thế của từng địa phương trên tuyến; đẩy mạnh mối liên kết trong sản xuất và phân phối sản phẩm.

3.2. Định hướng phát triển các nhóm ngành công nghiệp chủ yếu

a) Công nghiệp cơ khí, luyện kim

- Phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao.

- Đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện môi trường; chủ động liên doanh, liên kết với các tập đoàn xuyên quốc gia và đa quốc gia, hướng tới trở thành nhà cung cấp và là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

b) Ngành điện tử, công nghệ thông tin

- Hình thành tổ hợp sản xuất điện tử và các khu công nghệ thông tin để trở thành một trung tâm của cả nước về thiết kế sản phẩm, sản xuất phần mềm, sản xuất linh kiện và các dịch vụ điện tử - tin học.

- Tăng cường liên kết với các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia để tiếp nhận công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại và năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Đầu tư các dự án sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử, viễn thông có quy mô lớn và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

c) Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống

- Phát triển ngành theo hướng hiện đại, chú trọng nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, giá trị gia tăng, chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm; xây dựng chiến lược phát triển thị trường, đi đôi với xây dựng, phát triển thương hiệu; điều chỉnh hợp lý cơ cấu sản phẩm, tăng cường chế biến sâu và hướng đến các thị trường có tiềm năng.

- Chủ động đầu tư đổi mới trang thiết bị và công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng công nghệ tiến tiến trong bảo quản, sơ chế nhằm ổn định nguồn nguyên liệu chế biến.

- Kết hợp với các địa phương khu vực tuyến hành lang để phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ cho chế biến, tránh lãng phí. Đồng thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển nguồn nguyên liệu nhằm tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống.

d) Công nghiệp năng lượng

Sản xuất điện

- Tập trung phát triển nhiệt điện than, khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng, thuận lợi nối lưới.

- Phát triển và hoàn thiện hệ thống lưới điện nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện theo tiêu chí N-1, giảm thiểu tổn thất điện năng.

Sản xuất than

- Tăng cường thăm dò tài nguyên, trữ lượng và nghiên cứu công nghệ khai thác than hầm lò dưới mức -300 m ở bể than Đông Bắc; thăm dò mở rộng phần tài nguyên và trữ lượng ở khu vực triển vọng và triển khai một số dự án thử nghiệm, khai thác bể than đồng bằng sông Hồng.

- Tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ khai thác vỉa dốc thoải với thiết bị cơ giới hóa hiện đang áp dụng. Đồng thời nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích họp để nâng cao hiệu quả khai thác các vỉa dày dốc nghiêng và dốc đứng.

đ) Công nghiệp dệt may, da giầy

- Phát triển ngành theo hướng giảm gia công thuần túy, chuyển dần sang phương thức mua nguyên liệu bán sản phẩm; chú trọng ngành sản xuất sợi và xơ sợi phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Hình thành khu công nghiệp hỗ trợ để sản xuất phụ kiện cho ngành nhằm giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Đồng thời chú trọng nâng cao kỹ năng quản lý về phát triển sản phẩm và đẩy mạnh ứng dụng phần mềm trong khâu thiết kế mẫu mốt.

e) Công nghiệp hóa chất

- Phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh cao; chú trọng sử dụng các loại công nghệ thân thiện với môi trường.

- Ưu tiên phát triển sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời khuyến khích ngành hóa dược nhằm đưa ngành công nghiệp hóa chất thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong khu vực tuyến hành lang kinh tế.

Tập trung đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tạo đa dạng hóa sản phẩm góp phần đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

g) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Tăng cường liên kết giữa các địa phương khu vực tuyến hành lang kinh tế, tránh đầu tư chồng chéo gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng; sử dụng công nghệ hiện đại để phát triển sản xuất vật liệu xây không nung để thay thế dần vật liệu nung.

4. Quy hoạch phát triển

4.1. Ngành cơ khí, luyện kim

4.1.1. Đến năm 2020

Tiếp tục phát triển sản xuất phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, các loại máy móc phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp, chế biến thủy hải sản, thực phẩm, thiết bị y tế và kết cấu thép, thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Chú trọng đầu tư phát triển mạnh các lĩnh vực thiết bị đồng bộ, sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao, máy móc chuyên dụng ngành hàng không dân dụng, ngành khai thác, ngành giáo dục, ngành du lịch, ngành công nghiệp môi trường và ngành công nghiệp năng lượng, thiết bị điều khiển CNC.

Đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận chuyển giao và đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện môi trường.

4.1.2. Tầm nhìn đến năm 2030

Đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch, kim loại màu và vật liệu mới; tăng cường sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí và máy móc phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản.

4.2. Ngành điện tử, công nghệ thông tin

4.2.1. Đến năm 2020

Đầu tư sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính, thiết bị quang học, đồ gia dụng, thiết bị viễn thông và thiết bị văn phòng, tập trung phát triển phần mềm ứng dụng, điều khiển, giải trí. Đồng thời phát triển sản xuất linh kiện điện tử, bo mạch điều khiển, thiết bị không dây, thiết bị mạng và các chi tiết nhựa trong sản phẩm điện tử.

Triển khai sản xuất phần mềm, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như rô bốt, thiết bị điện tử cơ điện tử, hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử và mạch tích hợp, bộ nhớ dung lượng cao và các thiết bị lưu trữ khác.

4.2.2. Tầm nhìn đến năm 2030

Hình thành khu vực sản xuất, lắp ráp điện tử và khu công nghiệp công nghệ thông tin. Đồng thời tập trung đầu tư sản xuất linh kiện điện tử và phần mềm phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao.

4.3. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống

4.3.1. Đến năm 2020

Đầu tư một số dự án sản xuất bia, nước giải khát, dầu thực vật, bánh kẹo, sôcôla, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm. Đồng thời phát triển sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu ngành chăn nuôi.

Đầu tư mở rộng, nâng công suất kết hợp với tăng cường chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng và thương hiệu của sản phẩm.

4.3.2. Tầm nhìn đến năm 2030

Đầu tư các dự án sản xuất thực phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sạch, sản xuất giấy, chế biến đồ gỗ nội thất phục vụ xuất khẩu.

4.4. Công nghiệp hóa chất

4.4.1. Đến năm 2020

Đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhựa, sơn, bột nhẹ, chất tẩy rửa tổng hợp; hoàn thiện và nâng công suất dự án sản xuất phân DAP. Tiếp tục phát triển sản xuất các sản phẩm cao su, sản xuất các sản phẩm hóa dược và một số sản phẩm điện hóa như pin nhiên liệu rắn, pin NiMH hoặc pin ion-Li, ắc qui; tăng cường sản xuất linh kiện nhựa cho sản xuất lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện tử.

4.4.2. Tầm nhìn đến năm 2030

Tiếp tục sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật và triển khai một số dự án hóa dược cao cấp, hóa mỹ phẩm cao cấp, sản phẩm sơn cao cấp và pin nhiên liệu các loại.

4.5. Công nghiệp dệt may, da giầy

4.5.1. Đến năm 2020

- Tiếp tục đầu tư mới và nâng công suất một số nhà máy sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giầy, trong đó tập trung vào may xuất khẩu, sản xuất xơ sợi, dệt vải, dệt kim, kéo sợi.

- Đầu tư một số dự án sản xuất giầy da thời trang, giầy thể thao, giầy vải, dép và giầy xuất khẩu. Đồng thời xây dựng trung tâm kinh doanh, cung ứng nguyên phụ liệu để gắn kết sản xuất với nguồn nguyên liệu.

- Xây dựng trung tâm thiết kế mẫu thời trang và hình thành một số khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy.

4.5.2. Tầm nhìn đến năm 2030

Tập trung khâu thiết kế mẫu mốt đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời ưu tiên sản xuất quần áo thời trang, giầy dép cao cấp chất lượng cao.

4.6. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

4.6.1. Đến năm 2020

- Hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay; tăng cường sản xuất vật liệu không nung bằng công nghệ hiện đại nhằm thay thế dần vật liệu nung.

- Đầu tư mới một số dự án sản xuất gạch granit và gạch ceramic, sản xuất vật liệu nhẹ, vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng làm tường chắn, vách ngăn.

- Triển khai một số dự án sản xuất xi măng theo Quyết định 1448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

4.6.2. Tầm nhìn đến năm 2030

Đầu tư ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp, vật liệu tổng hợp phục vụ xây dựng và trang trí nội thất.

4.7. Công nghiệp năng lượng

4.7.1. Đến năm 2020

a) Ngành điện: đưa vào vận hành an toàn các công trình điện như: nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả và các công trình lưới điện đồng bộ ở các cấp điện áp khu vực tuyến hành lang kinh tế.

- Tiếp tục triển khai các công trình nguồn và lưới điện theo theo quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 và quy hoạch phát triển điện lực các địa phương trên tuyến.

b) Ngành than: Thực hiện xong thăm dò tài nguyên, trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300 m và một số khu vực có triển vọng dưới mức -300 m để triển khai các dự án khai thác tại bể than Đông Bắc; thăm dò xong một phần tài nguyên và trữ lượng ở các khu vực có triển vọng, đồng thời triển khai dự án khai thác thử nghiệm theo công nghệ khai thác hầm lò, công nghệ khí hóa than ngầm và đánh giá dự án khai thác thử nghiệm làm cơ sở để khai thác trong giai đoạn sau tại bể than đồng bằng sông Hồng.

4.8. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

4.8.1. Đến năm 2020

Tập trung khai thác và đầu tư mở rộng quy mô khai thác một số khoáng sản có trữ lượng lớn như sắt, than, apatit, đá xây dựng và một số mỏ kim loại quý như vàng, đồng. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các dự án chế biến sâu một số loại khoáng sản như sắt, đồng, apatit, chì, kẽm, cao lanh.

Tăng cường công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng của một số mỏ tiềm năng và tiếp tục tập trung khai thác phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng và cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến sâu.

4.8.2. Tầm nhìn đến năm 2030

Tiếp tục đầu tư cho công tác thăm dò tài nguyên và đánh giá trữ lượng các mỏ nhằm đảm bảo đủ tin cậy cho hoạt động của các dự án khai thác. Đồng thời tập trung chế biến sâu và đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị tăng thêm và nâng cao hiệu quả trong chế biến khoáng sản.

(Danh mục các chương trình, dự án chủ yếu tại Phụ lục kèm theo Quyết định này)

5. Quy hoạch phân bố không gian

a) Định hướng phân bố không gian công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

- Lào Cai: là địa phương đầu tuyến và nằm trong khu vực có nhiều tài nguyên, khoáng sản nên tập trung vào các lĩnh vực như: khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất phân bón, hóa chất; sản xuất xi măng; sản xuất chế biến gỗ; sản xuất điện (thủy điện nhỏ). Với vị trí thuận lợi, Lào Cai có thể tham gia sản xuất một số lĩnh vực như: lắp ráp ô tô cỡ nhỏ, sản xuất, lắp ráp hàng điện tử gia dụng. Khu kinh tế cửa khẩu sẽ tập trung vào sản xuất, gia công, lắp ráp, bảo quản, đóng gói hàng xuất khẩu.

- Yên Bái: do có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng nên có thể hợp tác và liên kết trong khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là trong sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng và đá các loại, bột đá) và khai thác quặng sắt. Ngoài ra, Yên Bái sẽ là khu vực tập trung sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp như: chế biến chè, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, chế biến gỗ, sản xuất giấy và thủy điện nhỏ.

- Phú Thọ: phối hợp với các địa phương trên tuyến phát triển một số ngành sản xuất như: phân bón, hóa chất, giấy, cơ khí chế tạo (đặc biệt là sản xuất ô tô tải cỡ nhỏ, phụ tùng, linh kiện), sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng), sản xuất và lắp ráp hàng điện tử, hàng gia dụng.

- Vĩnh Phúc: phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, khu vực Vĩnh Phúc sẽ hình thành khu công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí và lắp ráp điện tử.

- Hà Nội: chủ yếu phát triển công nghiệp công nghệ cao như: điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa và sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội sẽ hình thành trung tâm thời trang và một số khu công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin, để kéo theo các dự án sản xuất phụ tùng, linh kiện cho lắp ráp và sản xuất hàng tiêu dùng.

- Hưng Yên: phát triển một số dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, thiết bị điện, điện tử, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc và một số dự án về cơ khí chế tạo. Đồng thời hình thành khu công nghiệp dệt may, khu công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giầy.

- Hải Dương: kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành trung tâm nhiệt điện của phía bắc. Đồng thời, Hải Dương cũng nằm trong khu vực sản xuất xi măng cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành mối liên kết chặt chẽ để sản xuất và phân phối xi măng cho toàn tuyến và các khu vực khác. Ngoài ra, Hải Dương sẽ là khu vực để phát triển dệt may và da giầy, thiết bị điện, điện tử; chế biến thực phẩm và đồ uống.

- Hải Phòng: Ngoài việc sản xuất điện và xi măng, Hải Phòng sẽ là nơi sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, sản xuất thép, thiết bị siêu trường, siêu trọng, luyện kim, chế biến thủy sản, đồ uống. Hải Phòng còn tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ để sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử phục vụ sản xuất lắp ráp trong nước và xuất khẩu do lợi thế về cảng biển.

- Quảng Ninh: tập trung vào khai thác than và nhiệt điện đồng thời kết hợp với Hải Phòng thành trung tâm sản xuất thiết bị siêu trường, siêu trọng, đóng mới và sửa chữa tàu thủy. Ngoài ra, với lợi thế về nguồn nguyên liệu Quảng Ninh có khả năng phát triển sản xuất xi măng, lắp ráp ô tô tải cỡ lớn phục vụ khai thác.

b) Liên kết tuyến

Do có lợi thế về mặt địa lý và khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc sẽ liên kết sản xuất lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Các công ty mẹ và một số doanh nghiệp hỗ trợ sẽ đặt tại khu vực này, kéo theo mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất linh, phụ kiện từ các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Khu vực sản xuất dệt may - da giầy bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Trong đó, Hà Nội sẽ thành lập trung tâm thiết kế thời trang (bao gồm cả thiết kế sản phẩm dệt may và da giầy) và Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng sẽ thành lập các khu công nghiệp dệt may, da giầy và khu công nghiệp hỗ trợ để sản xuất phụ kiện.

Khu vực sản xuất năng lượng gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai và Yên Bái. Liên kết sản xuất năng lượng khu vực này không những đóng vai trò cung cấp cho năng lượng cho tuyến mà còn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.

Lĩnh vực sản xuất cơ khí, chế tạo đặc biệt là sản xuất lắp ráp ôtô, xe máy tập trung tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Riêng sản xuất các sản phẩm siêu trường, siêu trọng, đóng tàu, sản xuất thiết bị đồng bộ phục vụ các ngành sản xuất xi măng, nhiệt điện, thiết bị kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn chủ yếu tận dụng thế mạnh tiềm năng về vị trí địa lý và cảng biển nên chủ yếu liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh.

Liên kết sản xuất trong ngành hóa chất chủ yếu giữa các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ và Hải Phòng. Theo đó nguồn nguyên liệu Apatit của Lào Cai sẽ cung cấp cho nhà máy Super phốt phát Lâm Thao và nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng.

Sản xuất vật liệu xây dựng đặc biệt là sản xuất xi măng của toàn tuyến được liên kết giữa các địa phương có nguồn nguyên liệu và thuận tiện sản xuất là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Ngành khai thác và chế biến khoáng sản được liên kết giữa Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hải Phòng trong sản xuất phân bón và luyện gang thép.

Lĩnh vực chế biến lâm sản được liên kết giữa Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ để sản xuất giấy, bột giấy và chế biến gỗ, tre, nứa.

6. Một số giải pháp chủ yếu

6.1. Giải pháp ngắn hạn

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử và cơ khí chế tạo như một khâu đột phá để tạo điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp tuyến Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong giai đoạn tới và góp phần nâng cao giá trị tăng thêm, cũng như đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

6.2. Giải pháp dài hạn

- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các công trình đầu mối trên phạm vi toàn tuyến, hình thành khu công nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp.

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, tạo điều kiện phát triển kinh tế tri thức, phương pháp luận sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tác phong công nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, các nhà quản lý và quản trị doanh nghiệp.

- Đẩy nhanh quá trình đổi mới và chuyển giao công nghệ kết hợp với phát triển thị trường công nghệ và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án quy mô lớn và có sức lan toả kết hợp với khuyến khích các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn.

- Tập trung phát triển mạnh hệ thống tài chính, ngân hàng, vận tải, kho bãi, phục vụ cho phát triển dịch vụ công nghiệp.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo việc triển khai quy hoạch một cách thống nhất, tuân thủ phân bố không gian và liên kết tuyến nhằm hạn chế việc đầu tư chồng chéo gây lãng phí, khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương trong tuyến và phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố “Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

2. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên tuyến hành lang đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên tuyến hành lang kinh tế:

a) Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch, chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư. Đồng thời nhanh chóng triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đặc biệt là hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao thông để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

b) Căn cứ vào Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp cho phù hợp, tránh đầu tư chồng chéo.

c) Xây dựng chương trình chung về xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai quy hoạch một cách thống nhất, góp phần phát triển hài hoà, giải quyết vấn đề lao động và an sinh xã hội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh;
- Lãnh đạo Bộ Công Thương;
- Các Vụ: CNNg, CNN, XNK, TTTN, TMMN, KV1;
- Tổng cục Năng lưọng;
- Cục Công nghiệp địa phương;
- Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KH (2b)

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ LÀO CAI - HÀ NỘI - HẢI PHÒNG - QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2030
(Kèm theo Quyết định số 7641/QĐ-BCT ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Công nghiệp điện tử, tin học

STT

Dự án

1

Dự án sản xuất, gia công phần mềm; sản xuất thiết bị viễn thông, thiết bị thu - phát vệ tinh, truyền hình kỹ thuật số - thế hệ mới.

2

Dự án sản xuất điện thoại di động; máy tính xách tay; linh kiện điện tử

3

Dự án sản xuất chế tạo động cơ điện chuyên dụng; thiết bị, rô bốt công nghiệp; thiết bị đo lường điều khiển; thiết bị lưu trữ tốc độ cao, dung lượng lớn.

4

Dự án sản xuất và lắp ráp điện tử; điện gia dụng và thiết bị điện.

5

Sản phẩm máy in, máy photocopy đa chức năng và các sản phẩm thiết bị văn phòng, thiết bị điện tử y tế.

2. Công nghiệp cơ khí, chế tạo

STT

Dự án

1

Dự án phát triển sản xuất thiết bị cơ điện tử; động cơ điện; động cơ ô tô, xe máy; thép không gỉ; máy nâng hạ, vận chuyển; thang máy; băng chuyền; dụng cụ cắt gọt, thiết bị hàn, van công nghiệp.

2

Dự án sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy; máy công cụ CNC; thiết bị y tế; máy nông nghiệp; thiết bị chế biến nông, lâm sản, thực phẩm.

3

Dự án đóng mới và sửa chữa tàu thủy; công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu và lắp ráp ôtô, xe máy, máy nông nghiệp.

4

Dự án sản xuất gang thép, kết cấu thép; thiết bị thủy lực; cơ khí nặng; thiết bị đồng bộ; thiết bị siêu trường, siêu trọng.

5

Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển xe điện, toa xe, ôtô, xe máy.

3. Công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm.

STT

Dự án

1

Dự án sản xuất bia; rượu nước giải khát; nước uống bổ dưỡng; chế biến thực phẩm.

2

Dự án xây dựng kho lạnh bảo quản bảo quản rau quả, thịt gia súc, hải sản.

3

Dự án chế biến thịt; thủy hải sản; các sản phẩm từ tinh bột; sản xuất sản phẩm sôcôla; ca cao; tinh luyện dầu thực vật; sản xuất thức ăn gia súc.

4

Dự án sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, ván dăm.

5

Dự án sản xuất chế biến chè; trích ly dầu đậu nành,..

4. Công nghiệp hóa chất và sản phẩm hóa chất

STT

Dự án

1

Dự án sản xuất săm, lốp; cao su kỹ thuật; băng tải; curoa; sản xuất pin; ắc quy,...

2

Dự án hóa dược

3

Dự án sản xuất phân bón, phân DAP, phốt pho vàng.

4

Dự án sản xuất sơn tĩnh điện; sản xuất hoá chất hoạt động bề mặt; sản xuất hoá mỹ phẩm; sunfat amôn (SA).

5

Dự án sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật; bao bì cho chứa, đựng, bao gói sản phẩm; khuôn mẫu; tái chế phế liệu nhựa.

5. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

STT

Dự án

1

Dự án sản xuất xi măng; gạch không nung; gạch bê tông khí chưng áp AAC, gạch ốp lát và trang trí; đá ốp lát và xây dựng, nguyên liệu làm phụ gia xi măng và thạch cao từ bã gyps...

2

Dự án sản xuất các loại vật liệu xây dựng cao cấp: vật liệu chống cháy, nổ và các vật liệu cách âm, cách nhiệt trúc xonotlite; vật liệu nhẹ, siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn và các loại sản phẩm dùng cho trang trí và hoàn thiện.

6. Công nghiệp dệt may - da giầy

STT

Dự án

1

Dự án xây dựng trung tâm thời trang và nghiên cứu thiết kế mẫu; trung tâm xúc tiến thương mại và phát triển thời trang giầy dép, đồ da.

2

Dự án xây dựng dự án sản xuất sợi và xơ sợi.

3

Dự án sản xuất dệt vải, nhuộm hoàn tất; may mặc xuất khẩu.

4

Dư án sản xuất giầy dép; giầy thể thao; cặp da, túi,….

5

Dự án xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành dệt may, da giầy và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may da giầy

7. Công nghiệp năng lượng

STT

Dự án

1

Dự án phát triển nguồn điện: nhiệt điện và thủy điện nhỏ; lưới điện.

2

Dự án thăm dò và khai thác than khu vực bể than Đông Bắc và bể than đồng bằng Sông Hồng.

8. Công nghiệp hỗ trợ

STT

Dự án

1

Dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh, phụ kiện phục vụ ngành sản xuất và lắp ráp điện tử.

2

Dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành cơ khí, chế tạo. Đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và cho ngành công nghệ cao.

3

Dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất phụ kiện cho ngành dệt may, da giầy.

9. Công nghiệp khai thác

STT

Dự án

1

Dự án khai thác khoáng sản phục vụ cho: sản xuất gang thép, hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng,... và các khoáng sản quí hiếm.

2

Dự án thăm dò đánh giá trữ lượng các mỏ tiềm năng phục vụ khai thác và chế biến sâu.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 7641/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 7641/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/12/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản