Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 75-CP | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1974 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG XÓA BỎ THỊ TRƯỜNG TỰ DO VỀ LƯƠNG THỰC VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ LƯƠNG THỰC
Lương thực là nhu cầu cơ bản của nhân dân, là vật tư quan trọng của Nhà nước. Từ lâu trung ương Đảng và Chính phủ vẫn thường xuyên quan tâm lãnh đạo chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng lương thực. Mới đây, nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của trung ương Đảng lại nhấn mạnh cần “có biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính, chỉ đạo chặt chẽ để kiên quyết xóa bỏ thị trường tự do về lương thực ở thành thị và nông thôn, tăng cường quản lý việc phân phối lương thực, gắn chặt quản lý lương thực với quản lý lao động”. Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị trung ương Đảng cũng chỉ rõ: “Ngoài phần lương thực phân phối chung, Nhà nước thống nhất quản lý thu mua và phân phối lương thực, xóa bỏ thị trường tự do về lương thực cả ở thành thị và nông thôn”. Thực hiện các nghị quyết trên, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ ngày 27 tháng 03 năm 1974 quyết định một số chủ trương và biện pháp sau đây để các ngành, các địa phương thi hành.
I. THỐNG NHẤT THU MUA, PHÂN PHỐI VÀ XOÁ BỎ THỊ TRƯỜNG TỰ DO VỀ LƯƠNG THỰC
Lương thực là nguồn vật tư chiến lược của Nhà nước nên phải được quản lý thống nhất. Nhà nước phải nắm độc quyền về mua bán lương thực và phải thống nhất quản lý việc thu mua, phân phối lương thực để quản lý chặt chẽ các mặt hoạt động khác trong xã hội. Trong khi thống nhất quản lý lương thực, Nhà nước vẫn khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất lương thực bằng các biện pháp giúp đỡ sản xuất và thi hành chính sách mua giá cao đối với lương thực bán ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước.
Để thống nhất thu mua, phân phối và xóa bỏ thị trường tự do về lương thực phải thực hiện những chủ trương và biện pháp sau đây:
1. Việc phân phối lương thực trong nội bộ hợp tác xã nông nghiệp vẫn áp dụng đúng theo chính sách phân phối hiện hành. Đối với người lao động thì mức ăn bằng lương thực cho người được phân phối nhiều nhất cũng không quá mức ăn của một lao động giỏi ở địa phương. Số còn lại, được phân phối bằng tiền tùy theo giá bán cho Nhà nước.
Việc phân phối lương thực trong nội bộ các hợp tác xã nông nghiệp phải theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Không được sử dụng lương thực lãng phí, không được dùng lương thực vào liên hoan, hội họp, chiêu đãi.v.v..; không được phân phối bình quân, tràn lan hoặc bớt xén lương thực của người được cấp.
Ban quản trị các hợp tác xã nông nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý lương thực trong nội bộ hợp tác xã theo đúng chính sách của Nhà nước để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước; không để lọt lương thực ra thị trường tự do.
2. Nghiêm cấm tư nhân và hợp tác xã buôn bán thóc, gạo, ngô, bột mì (kể cả thứ phẩm, phế phẩm), những sản phẩm chế biến từ các mặt hàng đó và các loại tem, phiếu, sổ lương thực.
Nông dân sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lương thực, nếu còn thừa lương thực cũng phải thông qua hợp tác xã nông nghiệp bán cho Nhà nước theo giá khuyến khích. Đối với số lượng thực sản xuất trên diện tích 5% nếu không dùng để chăn nuôi và cần bán cũng chỉ được bán cho Nhà nước theo giá khuyến khích. Những người không thừa lương thực, nhưng vì tạm thời cần tiền phải bán lương thực thì có thể bán ký gửi cho Nhà nước.
Những người được Nhà nước cung cấp lương thực, nếu không dùng hết phải bán lại cho Nhà nước, không được đem cho, đem bán, đem trao đổi hoặc sử dụng lãng phí.
3. Nghiêm cấm tư nhân và hợp tác xã vận chuyển lương thực trái phép. Cơ quan Nhà nước vận chuyển lương thực phải có vận đơn hợp lệ. Nông dân có việc đi xa, cần mua lương thực ở nơi khác phải đem khẩu phần lương thực của mình đổi lấy tem lương thực, cần đến đâu đổi đến đấy. Ngành lương thực có nhiệm vụ tổ chức đổi tem rộng rãi và thuận tiện phục vụ nhân dân khi cần thiết.
4. Nghiêm cấm tư nhân và hợp tác xã dùng thóc, gạo, ngô, bột mì (kể cả thứ phẩm, phế phẩm) để nấu rượu lậu hoặc chế biến ra quà bánh hoặc trao đổi các sản phẩm khác. Ngành thương nghiệp phải nhanh chóng mở rộng mạng lưới ăn uống rộng khắp của thương nghiệp có tổ chức để đảm bảo nhu cầu ăn sáng của nhân dân và nhu cầu ăn uống của những người qua lại. Riêng ở những vùng mà thương nghiệp có tổ chức chưa kinh doanh được, có thể cho phép một số người làm gia công một vài thứ quà bánh cần thiết tùy theo tập quán để đổi cho nhân dân ở địa phương.
II. QUẢN LÝ CUNG CẤP LƯƠNG THỰC TRONG KHU VỰC NHÀ NƯỚC
Lương thực cung cấp trong khu vực Nhà nước (bao gồm số lương thực cung cấp theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, cho các lực lượng vũ trang thường trực, cho học sinh và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; số lương thực cấp theo kế hoạch làm thủy lợi, giao thông, lâm nghiệp, dùng cho ăn uống công cộng, bệnh viện, cán bộ xã đi dự hội nghị, lớp huấn luyện…, dùng làm thức ăn cho chăn nuôi, làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.v.v..) đều phải được xét cấp đúng đối tượng, đúng chính sách, đúng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định và phải được quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu: kho, vận tải, cửa hàng, nhà ăn, nhà máy, v.v..triệt để chống lấy cắp, lợi dụng, tham ô, buôn bán lương thực dưới mọi hình thức, hoặc khai man số người, tăng tiêu chuẩn để lấy thừa lương thực của Nhà nước.
Phải có biện pháp kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình thay đổi trong các đối tượng được cung cấp lương thực (thay đổi ngành nghề cần tăng hoặc giảm tiêu chuẩn; có người đi công tác nước ngoài, đi B, C; có người chết…) để điều chỉnh việc cấp phát cho kịp thời.
Những người tự ý bỏ việc hoặc nghỉ việc không có lý do chính đáng thì không được cấp hoặc phải giảm bớt lương thực. Cơ quan lương thực phải kết hợp với các cơ quan , xí nghiệp Nhà nước trong việc cấp sổ lao động để thực hiện việc này được tốt.
Các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước được dùng lương thực theo kế hoạch phải căn cứ vào định mức và kế hoạch Nhà nước giao mà lập dự trù xin cấp phát và phải thanh toán, quyết toán minh bạch, kịp thời với cơ quan lương thực về số lương thực đã cấp kỳ trước mới được cấp tiếp kỳ sau; lương thực dùng không hết phải trả lại cho Nhà nước, không được đem dùng vào việc khác.
Đối với nhà ăn tập thể và cửa hàng ăn uống, phải chấm dứt ngay tệ khai man lấy cắp, bớt xén lương thực, thực phẩm; phải quản lý chặt chẽ số lương thực được cấp từ khâu vận chuyển, bảo quản đến sử dụng và cải tiến việc nấu nướng, bảo đảm cho mọi người ăn đủ tiêu chuẩn; phải thực hiện đều đặn chế độ thanh toán công khai giữa nhà ăn và người ăn, giữa nhà ăn và cơ quan Nhà nước; phải cùng với Công đoàn cơ sở tổ chức và động viên người ăn kiểm tra, giám sát và ngăn chặn kịp thời những hành vi không tốt.
Theo sự hướng dẫn của cơ quan lương thực, các nhà ăn tập thể và cửa hàng ăn uống phải thực hiện kiểm kê thường xuyên và chính xác số lương thực còn lại; số lương thực còn thừa phải được báo cáo kịp thời và đem nộp lại cho nhà nước (phần thuộc tiêu chuẩn của người ăn thì tính thành tiền trả lại cho người ăn).
Thủ trưởng các ngành, các cấp, các cơ sở (kể cả các đơn vị bộ đội) phải chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ lương thực trong phạm vi mình phụ trách; thường xuyên nắm chắc tình hình và thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra do ngành lương thực quy định. kịp thời biểu dương khen thưởng những người có thành tích tiết kiệm lương thực; cùng cơ quan lương thực và các cơ quan chấp hành pháp luật phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm các quy định về quản lý lương thực; chịu trách nhiệm về tình hình sai phạm xảy ra trong phạm vi của mình.
III. QUẢN LÝ CUNG CẤP LƯƠNG THỰC TRONG KHU VỰC HỢP TÁC XÃ
Lương thực cung cấp trong khu vực hợp tác xã (bao gồm số lương thực cung cấp theo tiêu chuẩn cho người lao động trong các hợp tác xã sản xuất tiểu và thủ công nghiệp, xây dựng vận tải, v. v… và số lương thực cung cấp thêm cho các hợp tác xã trồng cây công nghiệp, trồng rau, làm muối, đánh cá, v. v…theo tinh thần chỉ thị số 115-TTg ngày 27-3-1971 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 04 ngày 5-5-1971 của Bộ lương thực và thực phẩm) cũng phải được quản lý rất chặt chẽ từ khâu xét duyệt, cấp phát đến khâu quyết toán số lượng thực được cấp. Đối với các hợp tác xã, việc quản lý cung cấp lương thực phải gắn với quản lý lao động và quản lý sản phẩm hàng hóa.
Đối với các hợp tác xã tiểu và thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải v.v…phải căn cứ vào thái độ chấp hành các chế độ chính sách kinh doanh và đối chiếu với khối lượng, chất lượng sản phẩm gia công, bán cho Nhà nước, hoặc khối lượng hoàn thành công việc được cơ quan Nhà nước giao mà thực hiện cung cấp lương thực.
Nhà nước sẽ giảm một phần hoặc sẽ không cung cấp lương thực cho những hợp tác xã hoặc cá nhân nào cố tình vi phạm các chế độ quản lý của Nhà nước (vi phạm thể lệ kinh doanh công thương nghiệp, chế độ quản lý tiền công, giá cả, thị trường…)., không thực hiện đầy đủ việc giao sản phẩm cho Nhà nước mà không có lý do chính đáng, hoặc làm ăn trái phép, không theo sự quản lý của Nhà nước. Xã viên nào tự ý nghỉ việc hoặc bỏ hợp tác xã ra làm ăn phi pháp cũng không được cung cấp lương thực.
Đối với các hợp tác xã trồng cây công nghiệp, trồng rau, làm muối, đánh cá…phải quyết toán số lương thực được cấp, đối chiếu với số sản phẩm đã bán cho Nhà nước theo nguyên tắc có làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước thì mới được cung cấp đầy đủ lương thực đã quy định.
Nhà nước không cung cấp lương thực cho hợp tác xã nào ngoài nhiệm vụ sản xuất cây công nghiệp, cá, muối, rau.v.v..vẫn còn có đủ ruộng đất để trồng lương thực mà không trồng lương thực, hoặc dành ruộng đất để làm ra sản phẩm để tiêu thụ riêng, không làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Trường hợp vì bị thiên tai, mất mùa, hợp tác xã không làm được đủ nghĩa vụ thì Nhà nước có thể cho vay lương thực để bảo đảm sản xuất; hợp tác xã nào bán vượt mức sản phẩm cho Nhà nước thì Nhà nước sẽ thưởng bằng giá cao chứ không thưởng bằng lương thực.
IV. QUẢN LÝ CUNG CẤP LƯƠNG THỰC CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP KHÁC
Lương thực cung cấp cho những người không sản xuất nông nghiệp khác (bao gồm số lương thực cung cấp cho những thành phần khác chưa nói ở các phần trên, cho những người chưa đến tuổi lao động và những người không còn sức lao động trong gia đình cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, bộ đội, thợ thủ công, v.v…sống ở thành thị) cũng phải được quản lý rất chặt chẽ theo chính sách, tiêu chuẩn đã quy định. Phải thông qua chế độ đăng ký, quản lý hộ khẩu của Nhà nước và kết hợp việc đăng ký nghĩa vụ lao động, đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ của khu vực hợp tác xã và tư nhân mà cung cấp lương thực cho các đối tượng này.
Phải quản lý thật chặt chẽ những trường hợp tách người ở khu vực sản xuất nông nghiệp ra đưa vào diện Nhà nước cung cấp lương thực.
Những người đến tuổi lao động và những người còn sức lao động đã được sắp xếp việc làm mà không chịu lao động và làm ăn không chính đáng thì không được cung cấp lương thực.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC NGÀNH VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
Thủ trưởng các ngành ở trung ương phải chịu trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc và kiểm tra bảo đảm việc chấp hành đúng chính sách quản lý và sử dụng lương thực trong các đơn vị, cơ quan và cơ sở thuộc quyền quản lý của mình. Đi đôi với việc giáo dục ý thức quý trọng, tiết kiệm lương thực, phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, uốn nắn cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành thực hiện đầy đủ các chế độ quy định về quản lý lương thực, phê phán và xử lý kịp thời những hành động sai phạm. Thủ trưởng từng đơn vị, cơ quan, xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về những việc sai phạm xảy ra trong phạm vi cơ quan xí nghiệp của mình.
Bộ Quốc phòng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ về việc lập dự trù, cấp phát, sử dụng lương thực trong quân đội theo đúng chính sách, và thực hiện đầy đủ chế độ quyết toán với Bộ Lương thực và thực phẩm. Căn cứ vào quyết định này, Bộ Quốc phòng phải có kế hoạch soát xét lại để chấm dứt ngay tình trạng lãng phí, tham ô lương thực trong các đơn vị, cơ quan xí nghiệp quốc phòng.
Ủy ban hành chính các cấp chịu trách nhiệm bảo đảm việc nghiêm chỉnh chấp hành chính sách lương thực đối với tất cả các đối tượng được cung cấp lương thực đang cư trú ở địa phương, bảo đảm thực hiện các biện pháp xóa bỏ thị trường tự do về lương thực ở địa phương.
Trong phạm vi quản lý của mình. Ủy ban hành chính các cấp có quyền kiểm tra việc sử dụng lương thực ở bất cứ cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã nào đang ở địa phương và phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng vi phạm chính sách cung cấp, sử dụng và quản lý thị trường lương thực ở địa phương mình. Ủy ban hành chính các cấp phải có kế hoạch huy động và phối hợp chặt chẽ các bộ máy quản lý ở địa phương như lương thực, thương nghiệp, công an v.v…để thực hiện tốt chủ trương xóa bỏ thị trường tự do về lương thực. Phải đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, nhất là trong nông dân tập thể để quần chúng tự giác chấp hành chính sách lương thực của Đảng và Nhà nước.
VI. QUẢN LÝ LƯƠNG THỰC TRONG HỆ THỐNG NGÀNH LƯƠNG THỰC VÀ THỰC PHẨM
Bản thân ngành lương thực và thực phẩm phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ quản lý lương thực từ trung ương đến cơ sở, đồng thời phải chịu trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ, kiểm tra hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện theo quy định của Nhà nước. Bộ Lương thực và thực phẩm phải phối hợp với các ngành và có kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương xóa bỏ thị trường tự do về lương thực.
Ngành lương thực phải quản lý tốt nội bộ từ trung ương đến tận cơ sở. Phải chỉnh đốn đội ngũ những người làm công tác lương thực có đầy đủ tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ, liêm khiết, gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, chế độ về quản lý lương thực, chống tệ “làm nghề nào ăn nghề ấy”. Kiên quyết thi hành kỷ luật những người thiếu tinh thần trách nhiệm, xử phạt nghiêm khắc những kẻ tham ô, lấy cắp lương thực của Nhà nước hay của khách hàng.
Ngành lương thực phải chấp hành đúng các quy định hiện hành trong các khâu quản lý, phát hiện kịp thời và có biện pháp ngăn chặn những sơ hở thiếu sót; định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân trong mỗi khâu công tác, quy định thành chế độ, điều lệ chặt chẽ trong ngành; đồng thời ngành lương thực phải kịp thời đề nghị Hội đồng Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành nếu thấy cần thiết.
Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của ngành đồng thời tạo điều kiện để quần chúng nhân dân kiểm tra công tác của cán bộ, nhân viên trong ngành. Phải xây dựng và thực hiện chế độ kiểm tra từ trên xuống cơ sở và kiểm tra lẫn nhau trong từng cửa hàng, từng đơn vị của ngành lương thực để ngăn chặn và sửa chữa kịp thời những sai sót trong việc quản lý, thực hiện kịp thời và nghiêm minh chế độ thưởng, phạt.
Ngoài việc kiểm tra nội bộ, ngành lương thực còn phải làm tốt việc kiểm tra tình hình sử dụng lương thực của các ngành và địa phương, ở bất cứ cơ quan, xí nghiệp nào.
Bộ trưởng Bộ Lương thực và thực phẩm phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lãng phí, tham ô, lấy cắp, làm mất hoặc làm hư hỏng lương thực của Nhà nước; cung cấp lương thực xấu (do bảo quản không tốt) hoặc không đúng tiêu chuẩn.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Quyết định 75-CP năm 1974 về việc thực hiện chủ trương xóa bỏ thị trường tự do về lương thực và tăng cường quản lý lương thực do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 75-CP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/04/1974
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra