Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 266-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 1977

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ LƯƠNG THỰC

Việc quản lý lương thực hiện nay có nhiều khó khăn và phức tạp. Ở các tỉnh và thành phố phía Nam, bọn tư thương đầu cơ và phá rối thị trường bằng cách lợi dụng, giả mạo giấy tờ của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, của quân đội, công an, và công đoàn… mua với giá rất cao và buôn lậu nhiều loại hàng nông sản do Nhà nước thống nhất quản lý thu mua, nhất là thóc gạo. Có nơi chúng còn giả bộ đội lấy lý do đi mua lương thực cho hậu cần hoặc thóc giống cho bộ đội sản xuất. Chúng còn lợi dụng hành khách để chuyên chở trên xe đò và có lúc còn chở bằng xe con  (vì xe con ít bị trạm kiểm soát xét). Cũng có một số ít người hư hỏng trong các cơ quan Nhà nước và trong quân đội bị lợi dụng vật chất bao che làm bình phong hoặc tham gia với bọn tư thương đầu cơ buôn lậu v.v…

Ở các tỉnh phía Bắc, có tình hình khá phổ biến là lương thực bị đánh cắp và bán lậu trên đường vận chuyển cả đường bộ và đường thủy. Đó là chưa nói đến việc cân đo, giao nhận gian lận, móc ngoặc và ăn cắp có tổ chức.

Để quản lý chặt chẽ lương thực, chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, bộ đội và các đoàn thể cách mạng, đồng thời trừng trị thích đáng bọn tư thương đầu cơ buôn lậu, phá rối thị trường lương thực, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ trưởng, Thủ tướng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần giáo dục và nghiêm cấm cán bộ và công nhân viên lợi dụng danh nghĩa cơ quan, xí nghiệp chở lương thực lẻ tẻ (ngoài cơ quan hậu cần và lương thực đã được phép và trách nhiệm vận chuyển lương thực).

2. Tất cả các đơn vị bộ đội thuộc các binh chủng, công an thuộc các ngành từ nay không đi mua hoặc chuyên chở lẻ tẻ thóc gạo. Những việc này do cơ quan hậu cần của quân đội và công an phụ trách.

3. Tất cả những việc cơ quan, đơn vị được phép mua bán lương thực và những nông sản do Nhà nước thống nhất quản lý đều phải đến trực tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố có Ty lương thực hoặc Ty thương nghiệp giúp giải quyết.

4. Tất cả các loại xe (kể cả xe ô-tô con nếu thấy cần), ca-nô, tàu, thuyền đều phải chịu sự kiểm soát của các trạm kiểm soát đã có quy định đặt ra ở mỗi tỉnh phía Nam.

5. Những người dùng giấy tờ giả mạo, không hợp lệ phải giữ lại và điều tra cho rõ.

Những kẻ buôn lậu bị bắt quả tang phải lập biên bản, đưa ra xét xử theo luật pháp.

6. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lương thực và Thực phẩm phải kiểm tra lại những cơ sở phụ trách vận chuyển lương thực (đường bộ và đường thủy) để chấn chỉnh và tổ chức lại cho chặt chẽ, Đảng ủy, Chi ủy và cán bộ các cơ sở phải bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ và không để tình trạng xấu xảy ra như nói trên.

7. Các Ủy ban nhân dân tỉnh phía Bắc phải kiểm tra và củng cố nhân sự những tàu, thuyền đi chở lương thực, có cán bộ đủ năng lực và tín nhiệm phụ trách để tránh tình trạng ăn cắp, buôn bán lậu trên đường đi vận chuyển như đã nói trên.

Yêu cầu Bộ Quốc phòng có kế hoạch truyền đạt và thi hành chỉ thị này cho các binh chủng và các quân khu.

Muốn hoàn thiện quan hệ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo và xây dựng quan hệ xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, điều rất quan trọng là các cơ quan Nhà nước, quân đội, công an và các đoàn thể phải không ngừng giáo dục và củng cố nội bộ mình cho thật chặt chẽ cả về năng lực công tác, quản lý và ý thức tổ chức và kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và đạo đức cách mạng tiến công.

Tình hình quản lý lương thực của chúng ta có nhiều nhược điểm và thiếu sót, một phần rất quan trọng là do những quy định đã có không được chấp hành nên càng sinh nhiều sơ hở để cho bọn thương dân đầu cơ lợi dụng. Vì vậy chúng ta cần kiên quyết thực hiện những biện pháp trên đây để quản lý tốt lương thực hiện nay.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 266-TTg năm 1977 về biện pháp quản lý lương thực do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 266-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/06/1977
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản