Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 743/QĐ-TCT | Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2015 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIẢI QUYẾT ĐƠN TỐ CÁO TẠI CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011;
Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo;
Căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/09/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo;
Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh;
Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 2278/2007/QĐ-TTCP ngày 24/10/2007 của Thanh tra Chính phủ về việc ban hành Quy chế lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giải quyết đơn tố cáo tại cơ quan Thuế các cấp, thay thế Quyết định số 1717 /QĐ-TCT ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy chế giải quyết đơn tố cáo tại cơ quan Thuế các cấp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các Vụ, đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
GIẢI QUYẾT ĐƠN TỐ CÁO TẠI CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 743/QĐ-TCT ngày 20 tháng 4 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định và hệ thống một số quy định về việc nhận và giải quyết đơn tố cáo của công dân tại cơ quan Thuế các cấp (không bao gồm giải quyết tố cáo về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế) với các nội dung, bao gồm: Thời hạn thụ lý giải quyết tố cáo; thời hạn giải quyết tố cáo; Đơn tố cáo có nhiều người đứng tên; Đơn tố cáo không được thụ lý giải quyết; Giải quyết lại tố cáo; Trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác giải quyết tố cáo; Kiểm tra công tác giải quyết tố cáo; Đôn đốc thực hiện và lưu trữ hồ sơ; Chế độ thông tin báo cáo; Khen thưởng và kỷ luật.
2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Quy chế này là cơ quan Thuế các cấp; các đơn vị, công chức, viên chức thuộc cơ quan Thuế các cấp.
Điều 2. Nguyên tắc giải quyết tố cáo
1. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, người giải quyết tố cáo được giao xác minh nội dung tố cáo phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền để áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.
Trong quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người giải quyết tố cáo là cơ quan Thuế có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
2. Giải quyết tố cáo là việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo.
3. Cơ quan Thuế các cấp bao gồm: Tổng cục Thuế; Cục Thuế; Chi cục Thuế.
4. Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp bao gồm: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng Chi cục Thuế.
5. Bộ phận Kiểm tra nội bộ tại cơ quan Thuế các cấp bao gồm: Vụ Kiểm tra nội bộ Tổng cục Thuế; Phòng Kiểm tra nội bộ Cục Thuế; Đội Kiểm tra nội bộ Chi cục Thuế (Đội được giao nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm tra nội bộ đối với các Chi cục Thuế chưa có Bộ phận Kiểm tra nội bộ chuyên trách).
6. Trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Thuế các cấp gồm: Vụ trưởng và các chức vụ tương đương của các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế; Trưởng các phòng thuộc Cục Thuế; Đội trưởng các đội thuộc Chi cục Thuế.
7. Trưởng bộ phận kiểm tra nội bộ tại cơ quan Thuế các cấp bao gồm: Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ Tổng cục Thuế; Trưởng phòng Phòng Kiểm tra nội bộ Cục Thuế; Đội trưởng Đội Kiểm tra nội bộ Chi cục Thuế (Đội trưởng Đội được giao nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm tra nội bộ đối với các Chi cục Thuế chưa có Bộ phận Kiểm tra nội bộ chuyên trách).
8. Thời điểm đóng hồ sơ giải quyết tố cáo: Là ngày người có thẩm quyền giải quyết tố cáo thực hiện xong việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo.
9. “Ngày” và “ngày làm việc”:
- “Ngày” là ngày liên tục kể cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ.
- “Ngày làm việc” là ngày làm việc không kể ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ.
10. “Ngày thụ lý”: Là ngày ban hành thông báo thụ lý giải quyết tố cáo hoặc quyết định thụ lý giải quyết tố cáo.
THỜI HẠN THỤ LÝ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO; THỜI HẠN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
Điều 4. Thời hạn xử lý thông tin và thụ lý giải quyết tố cáo
1. Tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thuế nhận đơn
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý để giải quyết, người giải quyết tố cáo phải xử lý thông tin, kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày.
2. Tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thuế nhận đơn
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan Thuế nhận đơn tố cáo phải chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo.
Điều 5. Thời hạn giải quyết tố cáo
Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Trường hợp không thể kết thúc giải quyết tố cáo theo đúng thời hạn quy định thì bộ phận được giao thụ lý giải quyết có trách nhiệm báo cáo kịp thời với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo về những nguyên nhân khách quan, chủ quan để người có thẩm quyền giải quyết tố cáo gia hạn thời gian giải quyết bằng văn bản. Việc gia hạn được thực hiện một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
Điều 6. Đơn tố cáo có nhiều người đứng tên
1. Đơn tố cáo có nhiều người cùng đứng tên thì trong đơn tố cáo ngoài các nội dung quy định tại khoản 2, điều 19 Luật Tố cáo phải kèm theo văn bản cử người đại diện tố cáo và phải có những nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Họ tên và địa chỉ của người đại diện;
c) Nội dung được đại diện;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ và ghi rõ họ tên, địa chỉ của những người tố cáo;
đ) Các nội dung khác có liên quan (nếu có).
2. Việc cử người đại diện được thực hiện như sau:
a) Trường hợp có từ 5 đến 10 người tố cáo thì cử 01 hoặc 02 người đại diện;
b) Trường hợp có từ 10 người tố cáo trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người.
3. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.
Điều 7. Đơn tố cáo không được thụ lý giải quyết
1. Tố cáo về vụ việc đã được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới;
2. Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
3. Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.
Điều 8. Dấu hiệu vi phạm pháp luật để thụ lý, giải quyết lại tố cáo
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, nếu phát hiện việc giải quyết tố cáo của cơ quan Thuế cấp dưới có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Thuế cấp trên trực tiếp phải thụ lý, giải quyết lại tố cáo đó.
2. Các dấu hiệu vi phạm pháp luật để thụ lý, giải quyết lại tố cáo
a) Có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo.
b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo.
c) Kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những chứng cứ thu thập được.
d) Việc xử lý người bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật đã được kết luận.
e) Có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc.
g) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của người bị tố cáo nhưng chưa được phát hiện.
TRÁCH NHIỆM, THẨM QUYỀN TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
Điều 9. Thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp
1. Thẩm quyền của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế
Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức do cấp mình bổ nhiệm và trực tiếp quản lý.
2. Thẩm quyền của Cục Trưởng Cục Thuế
Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức do cấp mình bổ nhiệm và trực tiếp quản lý.
3. Trường hợp cần thiết Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế, Cục Trưởng Cục Thuế có thể giao đơn vị trực tiếp sử dụng công chức, viên chức thực hiện kiểm tra xác minh nội dung đơn. Trên cơ sở kết luận nội dung xác minh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế, Cục Trưởng Cục Thuế xem xét, kết luận nội dung tố cáo.
Điều 10. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp trong giải quyết tố cáo
1.Tiếp người tố cáo, tiếp nhận, giải quyết tố cáo đúng quy định của pháp luật.
2. Xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
3. Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo.
4. Bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.
Điều 11. Trách nhiệm của đơn vị thực hiện xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết tố cáo
1. Bộ phận Kiểm tra nội bộ tại cơ quan Thuế các cấp hoặc bộ phận được giao nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm tra nội bộ (đối với cơ quan Thuế chưa có bộ phận kiểm tra nội bộ chuyên trách) có trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung xác minh, kiến nghị việc giải quyết tố cáo đối với những vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình hoặc theo chỉ đạo của Cơ quan cấp trên.
2.Trong quá trình giải quyết tố cáo, đối với những vụ việc cần thiết phải lấy ý kiến của các đơn vị khác (có vướng mắc về chính sách; có ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, trưởng bộ phận…), bộ phận Kiểm tra nội bộ dự thảo nội dung giải quyết, gửi xin ý kiến bằng phiếu lấy ý kiến tham gia (kèm theo hồ sơ, tài liệu hiện có), ghi rõ thời hạn gửi lấy ý kiến tham gia và chịu trách nhiệm về hồ sơ gửi tham gia hoặc tổ chức họp lấy ý kiến tham gia trực tiếp của các đơn vị có liên quan.
Hết thời hạn đề nghị tham gia ý kiến mà không nhận được ý kiến tham gia của đơn vị được đề nghị tham gia ý kiến (bao gồm cả đơn vị được đề nghị tham gia ý kiến giữ hồ sơ gốc), thì bộ phận Kiểm tra nội bộ báo cáo bằng văn bản về các đơn vị chưa có ý kiến tham gia, các đơn vị đã có ý kiến tham gia, nội dung tham gia, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan đối với các đơn vị chưa có ý kiến tham gia để có hướng xử lý tiếp theo.
Điều 12. Trách nhiệm của công chức khi giải quyết tố cáo
1. Thực hiện giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về tố cáo và các quy định khác của pháp luật, của ngành có liên quan.
2. Không gây phiền hà, sách nhiễu người tố cáo hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình giải quyết tố cáo.
3. Không tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính người tố cáo.
4. Đảm bảo việc giải quyết tố cáo đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ.
5. Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.
Điều 13. Trách nhiệm của đơn vị phối hợp giải quyết tố cáo
Các đơn vị khi nhận được phiếu lấy ý kiến tham gia (kèm theo hồ sơ, tài liệu, dự thảo nội dung giải quyết tố cáo) do bộ phận Kiểm tra nội bộ chuyển đến, đơn vị phối hợp phải có ý kiến tham gia đúng thời gian quy định tại phiếu lấy ý kiến hoặc theo Quy chế làm việc của cơ quan kể từ ngày nhận được văn bản đến.
Đơn vị được đề nghị tham gia ý kiến phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cơ quan về ý kiến tham gia và sự chậm trễ của đơn vị mình (nếu có).
KIỂM TRA CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
Điều 14. Lập kế hoạch kiểm tra hàng năm và kiểm tra đột xuất
Khi xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ hàng năm, cơ quan Thuế các cấp cần đưa nội dung kiểm tra công tác giải quyết tố cáo vào chương trình, kế hoạch kiểm tra nội bộ hàng năm và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 15. Trình tự, thủ tục kiểm tra
Trình tự, thủ tục kiểm tra công tác giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của ngành về kiểm tra.
ĐÔN ĐỐC THỰC HIỆN VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ
Điều 16. Đôn đốc thực hiện Kết luận giải quyết tố cáo
Cơ quan Thuế các cấp giải quyết tố cáo có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện Kết luận giải quyết tố cáo.
Giải thích, yêu cầu người tố cáo chấp hành nghiêm chỉnh Kết luận giải quyết tố cáo nếu nội dung tố cáo không đúng; trường hợp cần thiết yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền để bảo đảm việc thi hành nghiêm chỉnh Kết luận giải quyết tố cáo.
Điều 17. Bàn giao và lưu trữ hồ sơ tố cáo
Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm đóng hồ sơ, người cuối cùng được giao thụ lý giải quyết tố cáo phải hoàn chỉnh việc sắp xếp, lập danh mục và bàn giao toàn bộ hồ sơ giải quyết tố cáo cho người được giao nhiệm vụ lưu trữ (tại bộ phận được phân công xử lý đơn), việc bàn giao hồ sơ giải quyết tố cáo được lập thành biên bản.
Việc bàn giao hồ sơ giải quyết tố cáo cho bộ phận lưu trữ của cơ quan được thực hiện theo quy định chung về công tác văn thư lưu trữ.
Điều 18. Thời kỳ Báo cáo và thời hạn gửi báo cáo
Báo cáo giải quyết đơn tố cáo được gộp chung với báo cáo công tác tiếp công dân và giải quyết đơn khiếu nại, cụ thể như sau:
Định kỳ cơ quan Thuế các cấp tổng hợp, lập báo cáo công tác giải quyết đơn tố cáo gửi cơ quan cấp trên trực tiếp bao gồm (báo cáo quý I, II, III, IV, 6 tháng, 9 tháng, báo cáo năm) theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế
Cơ quan Thuế các cấp phải hoàn thành và gửi báo cáo công tác giải quyết đơn tố cáo cho cơ quan cấp trên trực tiếp đúng thời hạn quy định của Tổng cục Thuế.
Điều 19. Hình thức và nội dung báo cáo
1. Hình thức báo cáo phải bằng văn bản và gửi qua đường văn thư, đồng thời gửi qua hộp thư điện tử (Vụ Kiểm tra nội bộ - Tổng cục Thuế; Phòng Kiểm tra nội bộ - Cục Thuế).
2. Nội dung báo cáo bao gồm các nội dung chủ yếu: Công tác nhận xử lý đơn, kết quả giải quyết đơn, đánh giá việc thực hiện và phương hướng nhiệm vụ công tác giải quyết tố cáo kỳ sau...
3. Biểu mẫu và chi tiết cụ thể của báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
Điều 20. Tổng hợp số liệu báo cáo từ các bộ phận khác trong đơn vị
Bộ phận Kiểm tra nội bộ tại cơ quan Thuế các cấp là đầu mối tổng hợp số liệu báo cáo về việc nhận và giải quyết đơn tố cáo.
Các bộ phận thuộc cơ quan Thuế các cấp nhận và giải quyết đơn tố cáo trong kỳ thì gửi số liệu về bộ phận Kiểm tra nội bộ trước 03 ngày của thời hạn gửi báo cáo theo quy định của Tổng cục Thuế để bộ phận Kiểm tra nội bộ tổng hợp, trình Lãnh đạo cơ quan Thuế báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.
Cơ quan Thuế, các đơn vị thuộc cơ quan Thuế, công chức, viên chức thuộc cơ quan Thuế các cấp có thành tích trong công tác giải quyết tố cáo thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng cơ quan Thuế, công chức, viên chức thuộc cơ quan Thuế các cấp có vi phạm pháp luật trong công tác giải quyết tố cáo thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp, Trưởng các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Thuế các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy chế này trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Thuế (qua Vụ Kiểm tra nội bộ) để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi./.
- 1Quyết định 43/2007/QĐ-BTC về Quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại các đơn vị trong ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành
- 2Quyết định 155/2002/QĐ-BTC về Quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại các đơn vị trong ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 899/QĐ-TCT năm 2010 ban hành Quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại cơ quan thuế các cấp do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 4Quyết định 744/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình giải quyết đơn tố cáo tại cơ quan thuế các cấp do Tổng cục Thuế ban hành
- 5Quyết định 882/QĐ-TCT năm 2015 sửa đổi, bổ sung và thay thế Quy chế phòng, chống tham nhũng trong ngành Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 6Quyết định 914/QĐ-BKHĐT năm 2014 Quy chế giải quyết tố cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 7Quyết định 183/QĐ-TCT năm 2019 về Quy trình giải quyết tố cáo tại cơ quan Thuế các cấp do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 1Luật quản lý thuế 2006
- 2Quyết định 43/2007/QĐ-BTC về Quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại các đơn vị trong ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành
- 3Quyết định 2278/2007/QĐ-TTCP về Quy chế lập, quản lý hồ sơ Thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 155/2002/QĐ-BTC về Quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại các đơn vị trong ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5Quyết định 115/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục thuế trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 899/QĐ-TCT năm 2010 ban hành Quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại cơ quan thuế các cấp do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 7Luật tố cáo 2011
- 8Nghị định 76/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật tố cáo
- 9Luật quản lý thuế sửa đổi 2012
- 10Thông tư 03/2013/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 11Thông tư 06/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- 12Thông tư 07/2014/TT-TTCP quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 744/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình giải quyết đơn tố cáo tại cơ quan thuế các cấp do Tổng cục Thuế ban hành
- 14Quyết định 882/QĐ-TCT năm 2015 sửa đổi, bổ sung và thay thế Quy chế phòng, chống tham nhũng trong ngành Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 15Quyết định 914/QĐ-BKHĐT năm 2014 Quy chế giải quyết tố cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 16Quyết định 183/QĐ-TCT năm 2019 về Quy trình giải quyết tố cáo tại cơ quan Thuế các cấp do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
Quyết định 743/QĐ-TCT năm 2015 về việc ban hành Quy chế giải quyết đơn tố cáo tại cơ quan thuế các cấp do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 743/QĐ-TCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/04/2015
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Bùi Văn Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra