Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 741/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 12 năm 1977 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRƯỜNG, LỚP DẠY NGHỀ CỦA TƯ NHÂN TRONG THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ nghị định của Hội đồng Chính phủ số 24-CP ngày 2-2-1976 ban hành Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế ;
- Để các trường dạy nghề tư nhân có thể dạy nghề theo mục tiêu đào tạo chung của Nhà nước là có hiểu biết chính trị, có lý thuyết chuyên môn, thành thạo tay nghề, với quy mô thích hợp, có cơ sở vật chất kỹ thuật, với đội ngũ giáo viên có chất lượng về chính trị và chuyên môn, với nội dung chương trình hợp lý, đáp ứng nhu cầu học nghề của nhân dân và góp phần đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cho thành phố,
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Lao động,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này “Bản quy định tạm thời về một số điều cụ thể trong việc chấn chỉnh các trường, lớp dạy nghề tư nhân trong thành phố”.
Điều 2.- Đồng chí Giám đốc Sở Lao động có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các trường, lớp dạy nghề tư nhân thực hiện Bản quy định tạm thời. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Trưởng Ban Cải tạo của Thành phố, Giám đốc Sở Lao động, Giám đốc các ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRƯỜNG, LỚP DẠY NGHỀ CỦA TƯ NHÂN
(Ban hành do quyết định số 741/QĐ-UB, ngày 24-12-1977)
Chương I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1.- Các trường, lớp dạy nghề của tư nhân đều phải được chấn chỉnh lại theo Bản quy định này nhằm đào tạo những người lao động yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, vừa có lý thuyết chuyên môn, vừa có tay nghề thành thạo.
Điều 2.- Các trường, lớp dạy nghề của tư nhân, muốn tiếp tục hoạt động phải đăng ký hành nghề tại Sở Lao động.
Chương II
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG TRƯỜNG, LỚP DẠY NGHỀ
Điều 3.- Mỗi trường, lớp dạy nghề của tư nhân phải có phòng học lý thuyết và xưởng thực hành có đủ học cụ, đồ nghề, máy móc, thiết bị để dạy nghề theo quy định của Nhà nước và bảo đảm điều kiện ánh sáng và thoáng khí cần thiết.
Điều 4.- Những trường, lớp có đủ điều kiện và sẵn có quy mô thích hợp, có đủ giáo viên, sau khi chấn chỉnh sẽ được tiếp tục hoạt động theo sự hướng dẫn của Nhà nước.
Điều 5.- Những trường, lớp nhỏ bé, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, phải sát nhập lại để thành một trường lớp có quy mô thíchg hợp, có cơ sở vật chất kỹ thuật và số giáo viên cần thiết.
Điều 6.- Mỗi trường, lớp cần có bản nội quy nhà trường.
Chương III
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY VÀ TUYỂN SINH
Điều 7.- Nội dung chương trình dạy nghề các trường, lớp của tư nhân phải có phần chính trị, phần lý thuyết và phần thực hành. Chương trình phải có đủ thời gian cần thiết để bảo đảm chất lượng học tập.
Điều 8.- Các trường dạy nghề của tư nhân có thể mở những lớp học ban đêm, nhưng phải bảo đảm thực hiện đủ số giờ quy định trong chương trình.
Điều 9.- Trước khi mãn khoá, học sinh sẽ thi tốt nghiệp 3 môn : chính trị, lý thuyết, thực hành. Đề thi và kết quả thi phải được Sở Lao động duyệt.
Điều 10.- Học sinh tốt nghiệp, được trường, lớp cấp giấy chứng nhận. Học sinh không tốt nghiệp phải học lại từ 1 đến 2 tháng và thi lại những môn không đạt yêu cầu mới được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp.
Những tháng học lại, học sinh chỉ trả tiền bằng 50% mỗi tháng.
Điều 11.- Học sinh vào học nghề, cần có sức khoẻ, trình độ văn hoá tối thiểu để tiếp thu bài giảng và sau khi tốt nghiệp có thể tham gia lao động sản xuất.
Chương IV
BỘ MÁY QUẢN LÝ TRƯỜNG, LỚP VÀ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
Điều 12.- Hiệu trưởng, hiệu phó trường, lớp dạy nghề của tư nhân phải biết nghiệp vụ kỹ thuật, hiểu biết đường lối, chủ trương, mục tiêu dạy nghề của Nhà nước.
Điều 13.- Mỗi trường, lớp phải có giáo viên chính trị, giáo viên lý thuyết, giáo viên thực hành theo quy định của Nhà nước. Giáo viên phải tinh thông nghiệp vụ và hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công tác giảng dạy.
Điều 14.- Hiệu trưởng, hiệu phó và các giáo viên trường, lớp dạy nghề của tư nhân phải có lý lịch rõ ràng.
Điều 15.- Hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên trường, lớp dạy nghề tư nhân được dự những lớp tập huấn nghiệp vụ do Sở Lao động tổ chức.
Chương V
HỌC PHÍ
Điều 16.- Các trường, lớp dạy nghề của tư nhân được thu một khoản học phí hợp lý.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.- Hiệu trưởng các trường, lớp dạy nghề tư nhân hoặc người đứng tên đăng ký hành nghề có bổn phận thi hành đầy đủ pháp luật và những điều quy định của Nhà nước. Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về mọi hoạt động của trường, lớp mình.
Điều 18.- Các trường, lớp dạy nghề tư nhân ở địa phương nào, phải chịu sự quản lý dân sự của chính quyền địa phương đó.
Điều 19.- Sở Lao động Thành phố có trách nhiệm cấp giấy phép hành nghề, quản lý nghiệp vụ và hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các trường, lớp dạy nghề tư nhân thuộc phạm vi quản lý của ngành mình thực hiện các điều quy định trên.
Điều 20.- Bản quy định tạm thời này có hiệu lực kể từ ngày ký.
- 1Quyết định 6699/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 19/2012/QĐ-UBND quy định về quản lý, tổ chức thực hiện việc dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp nghề; bổ túc văn hóa và nghề theo Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 1Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp 1962
- 2Nghị định 24-CP năm 1976 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 19/2012/QĐ-UBND quy định về quản lý, tổ chức thực hiện việc dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp nghề; bổ túc văn hóa và nghề theo Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
Quyết định 741/QĐ-UB năm 1977 ban hành bản quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của các trường, lớp dạy nghề của tư nhân trong thành phố của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 741/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/12/1977
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Văn Đại
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra