Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 733/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 10 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU BẢO TỒN DỰ TRỮ THIÊN NHIÊN NA HANG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ; Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 375/QĐ-CT ngày 26/4/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt chủ trương lập Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 1720/TCLN-BTTN ngày 06/11/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng bền vững 03 khu rừng đặc dụng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2226/TTr-SNN, ngày 09/12/2013 về đề nghị phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ thiên nhiên Na Hang đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

- Bảo vệ toàn bộ diện tích khu rừng đặc dụng hiện có; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục hồi thành rừng 470 ha đất rừng đặc dụng, nhằm duy trì và nâng cao chất lượng độ che phủ của rừng đạt trên 86%. Bảo tồn các hệ sinh thái hiện có, tạo và mở rộng môi trường sống cho các loài động, thực vật, đặc biệt là 48 loài thực vật và 39 loài động vật quý hiếm, đặc hữu. Bảo tồn các di tích văn hóa, cảnh quan rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tạo hành lang xanh để xây dựng Quy hoạch hành lang đa dạng sinh học nối liền Khu Dự trữ thiên nhiên Na Hang với các Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia khác trong khu vực giai đoạn từ 2020 trở đi.

- Tổ chức và phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục bảo tồn và môi trường, đồng thời, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, xây dựng cơ sở phục vụ quản lý bảo vệ rừng và thực hiện phát triển nguồn nhân lực, nhằm tạo ra phương thức, nguồn thu mới để đảm bảo cơ bản cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phục hồi phát triển rừng, phục vụ phát triển bền vững Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang đến năm 2020. Đảm bảo tính ổn định bền vững các phân khu chức năng, phù hợp với thực tiễn và các quy định của Nhà nước. Góp phần tổ chức quản lý và thực hiện tốt việc bảo tồn và phát triển rừng bền vững.

- Thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 72 thôn vùng đệm. Thu hút tạo việc làm cho lao động tham gia sản xuất lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người làm nghề rừng.

2. Nội dung quy hoạch

2.1. Tổng diện tích: 21.238,70 ha, thuộc địa bàn 4 xã: Khâu Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương và thị trấn Na Hang, huyện Na Hang.

2.2. Quy hoạch các phân khu chức năng:

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 14.675,70 ha, chiếm 69,10% diện tích khu dự trữ thiên nhiên Na Hang.

b) Phân khu phục hồi sinh thái: 6.100,40 ha, chiếm 28,72% diện tích khu dự trữ thiên nhiên Na Hang.

c) Phân khu dịch vụ Hành chính: 642,5 ha, chiếm 4,2% diện tích khu dự trữ thiên nhiên Na Hang.

2.3. Quy hoạch phát triển vùng đệm:

a) Vùng đệm bên ngoài, diện tích: 20.517,28 ha gồm: Toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ và sản xuất thuộc các xã: Thượng Nông, Sinh Long, Yên Hoa, huyện Na Hang; xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa; xã Thượng Lâm, Huyện Lâm Bình.

b) Vùng đệm bên trong: gồm 05 thôn (thôn Tát Kẻ, xóm Nà Tạng, xã Khâu Tinh; thôn Phia Trang, thôn Nà Cọn xã Sơn Phú, thôn Bản Bung xã Thanh Tương, huyện Na Hang).

2.4. Quy hoạch bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng:

a) Quản lý bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học

- Thực hiện quản lý, bảo vệ 21.238,70 ha rừng, bảo tồn các hệ sinh thái Khu dự trữ thiên nhiên nhằm phát triển, nâng cao chất lượng rừng, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học;

- Ngăn chặn các hoạt động xâm phạm trái phép vào Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang và vùng đệm; nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng bảo vệ rừng, tăng cường các hoạt động bảo vệ và quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư.

b) Phục hồi hệ sinh thái: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 470 ha đất chưa có rừng.

c) Bảo tồn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường như: núi Pác Tạ, thác Pác Ban, đền Pác Tạ, Bắc Vãng...; hệ sinh thái rừng nguyên sinh tại Khau Tinh, Nà Tạng, Tát Kẻ, Bản Bung...; hệ sinh thái rừng dọc tuyến sông Gâm, sông Năng...

d) Phối hợp với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học đảm bảo theo quy định hiện hành của nhà nước.

2.5. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ và giáo dục môi trường gắn với bảo tồn và phát triển:

a) Quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch

- Xây dựng khu dự trữ thiên nhiên Na Hang trở thành khu du lịch sinh thái đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, du lịch; tạo nguồn thu ổn định để tiếp tục tái đầu tư bảo tồn và phục hồi rừng; nâng cao thu nhập của người dân từ du lịch và dịch vụ môi trường; kêu gọi đầu tư, liên doanh và cho thuê môi trường rừng để bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

- Định hướng một số tuyến du lịch:

+ Tuyến 1: Trụ sở BQL (thôn Nà Thôm xã Thanh Tương) đến bến Pắc Ban đi thuyền trên hồ qua đền Pắc Tạ - Thác Đén - Bản Sắm - Bản Lãm - Đà Vị - thác Đầu Đẳng - hồ Ba Bể (Bắc Kạn): Du lịch sinh thái, ngắm cảnh rừng trên mặt hồ.

+ Tuyến 2: Trụ sở BQL (thôn Nà Thôm xã Thanh Tương) đi đường bộ thăm chợ Thị trấn Na Hang - Công trình thủy điện Tuyên Quang - Sơn Phú - Đà Vị (thăm chợ đầu mối khu C) - Yên Hoa (thăm chợ Văn hóa) - khu nghỉ dưỡng Khau Tinh.

+ Tuyến 3: Trụ sở BQL (thôn Nà Thôm xã Thanh Tương) đến bến Pắc Ban đi thuyền trên hồ - đền Bắc Vãng - Thôn 7 xã Côn Lôn: Ngắm cảnh rừng trên mặt hồ, du lịch văn hóa thăm đền Bắc Vãng, du lịch sinh thái dọc tuyến đến thăm cộng đồng thôn 7 xã Côn Lôn.

+ Tuyến 4: Trụ sở BQL (thôn Nà Thôm xã Thanh Tương) đến Thị trấn Na Hang đi du lịch thăm đền Pắc Tạ, leo núi Pắc Tạ.

+ Tuyến 5: Trụ sở BQL (thôn Nà Thôm xã Thanh Tương) qua Thị trấn Na Hang đi Bản Chủ - Nậm Trang - Mu Măn.

+ Tuyến 6: Trụ sở BQL (thôn Nà Thôm xã Thanh Tương) qua Thị trấn Na Hang đi thuyền đến Thác Đén (đường lòng hồ) lên đường đi chốt Tát Kẻ đi thôn Tát Kẻ xã Khâu Tinh: Du lịch sinh thái xem Vạc Hoa đến cộng đồng thôn Tát Kẻ, đi Thác Đén, leo núi Khau Tép.

b) Giáo dục môi trường

- Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, gắn liền với bảo tồn và phát triển bền vững nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức để người dân tham gia tích cực và hiệu quả hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Thực hiện các chương trình, dự án đào tạo bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên hoạt động dịch vụ, du lịch; tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân dân địa phương sống gần khu rừng đặc dụng.

2.6. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng về bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển cộng đồng:

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật khu dự trữ thiên nhiên Na Hang trong quản lý, sử dụng rừng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của Khu bảo tồn.

- Nâng cao năng lực cho cộng đồng nhân dân trong khu bảo tồn và vùng đệm về hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất, kỹ năng trong các hoạt động phục vụ du lịch để nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

2.7. Quy hoạch phát triển hạ tầng:

Xây dựng trụ sở Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang; cải tạo, nâng cấp Trạm kiểm lâm hiện có; xây dựng, cải tạo các chốt kiểm lâm bảo vệ rừng; xây dựng Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và du lịch; xây dựng Trạm cứu hộ các loài động vật hoang dã; xây dựng khu vườn thực vật, khu vườn sưu tập thực vật và vườn ươm sản xuất các loài cây giống bản địa; xây dựng các biển báo, biển cấm và cắm mốc ranh giới rừng đặc dụng; xây dựng nhà quản lý trưng bày mẫu vật; xây dựng hệ thống đường tuần tra, bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp du lịch sinh thái; xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch.

3. Giải pháp thực hiện quy hoạch

3.1. Giải pháp về cơ chế chính sách:

a) Chính sách về đất đai: Thực hiện các thủ tục giao đất, cấp GCNQSD đất cho Ban Quản lý; cắm mốc ranh giới các khu rừng; sử dụng đất trong khu rừng đặc dụng theo điều 13, khoản 2 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sử dụng bền vững tài nguyên theo điều 21, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Chính sách về tài chính, đầu tư: Huy động nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn phát triển rừng, phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống của nhân dân trong và ngoài vùng dự án; vận dụng và tổ chức thực hiện linh hoạt Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh doanh du lịch sinh thái trong khu rừng đặc dụng.

c) Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chuyển nhượng Chứng chỉ Cacbon: Thực hiện theo Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm: Hỗ trợ phát triển vùng đệm theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015” và các Quyết định hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

3.2. Giải pháp về khoa học công nghệ:    

- Phối hợp với các tổ chức, các nhà khoa học và viện nghiên cứu liên quan xây dựng các Chương trình, Dự án khoa học công nghệ bảo tồn đa dạng sinh học và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Nghiên cứu mô hình quản lý rừng bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều tra, giám sát, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo cháy rừng, tuyên truyền quảng bá giá trị đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan của khu rừng đặc dụng. Đồng thời với ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào để gây giống đặc biệt là các loài cây có nguy cơ tuyệt chủng cao;...

3.3. Giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực và phát triển cộng đồng:

Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, đặc biệt các kỹ năng về bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, phát triển cộng đồng thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn như: tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề hoặc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp.

3.4. Giải pháp bảo vệ môi trường:

Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chung của khu dự trữ thiên nhiên Na Hang, thông qua các phương tiện truyền thông, sách báo, tờ rơi, bảng hiệu, hội thảo...; thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

3.5. Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm:

Hỗ trợ nhân dân sinh sống trong Khu bảo tồn và vùng đệm phát triển sản xuất trên cơ sở nâng cao năng lực, kỹ năng lao động của người dân và phát triển kết cấu hạ tầng của địa phương, nhằm tăng thu nhập, người dân dần ổn định cuộc sống, tiến tới giảm áp lực lên rừng và thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng; tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các công việc của Khu bảo tồn để tăng thu nhập, như: Nhận khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, hoạt động dịch vụ, du lịch…

3.6. Giải pháp liên kết vùng và hợp tác quốc tế:

- Ban quản lý khu dự trữ thiên nhiên Na Hang chủ động phối hợp với các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang xây dựng chương trình phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng các xã vùng giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh.

- Liên kết với với Vườn Quốc gia Ba Bể tỉnh Bắc Kạn và các khu bảo tồn tỉnh Hà Giang nhằm thiết lập hành lang đa dạng sinh học nối liền các khu bảo tồn...

- Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, các viện nghiên cứu có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án về khoa học và công nghệ bảo tồn Đa dạng sinh học khu dự trữ thiên nhiên Na Hang; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, kêu gọi các nguồn đầu tư của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ phục vụ công tác bảo tồn và phát triển.

3.7. Giải pháp về tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch:

- Thành lập Ban quản lý khu dự trữ thiên nhiên Na Hang để quản lý bảo vệ và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng.

- Chi cục Kiểm lâm là cơ quan tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý Nhà nước đối với Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang.

4. Khái toán tổng vốn đầu tư đến năm 2020

4.1. Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020: 150,166 tỷ đồng, gồm:

- Vốn ngân sách nhà nước: 99,091 tỷ đồng, chiếm 65,99%.

- Vốn tín dụng: 2,9 tỷ đồng, chiếm 1,93%.

- Huy động nguồn vốn hợp pháp khác: 48,175 tỷ đồng, chiếm 32,08%.

4.2. Phân kỳ đầu tư:

- Giai đoạn 2014-2015: 64,5584 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: 85,6077 tỷ đồng.

5. Danh mục các dự án ưu tiên

a) Đề án thành lập Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang và các đơn vị trực thuộc theo quy định của Nhà nước. Thời gian thực hiện: 2014-2015.

b) Dự án cắm mốc ranh giới phân khu chức năng khu dự trữ thiên nhiên Na Hang. Thời gian thực hiện: 2015-2016;

c) Dự án giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang. Thời gian thực hiện: 2016-2017;

d) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang đến năm 2020. Thời gian thực hiện: 2017 -2020.

đ) Dự án Hỗ trợ phát triển Kinh tế xã hội Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang và vùng đệm đến năm 2020. Thời gian thực hiện: 2015 -2020.

e) Dự án điều tra, đánh giá đầu tư phát triển du lịch sinh thái Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang và vùng lân cận đến năm 2020.

f) Dự án Quy hoạch mở rộng, nâng cấp Khu dự trữ thiên nhiên Na Hang thành Khu dự trữ thiên nhiên quốc gia Na Hang.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Na Hang công bố công khai quy hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ thiên nhiên Na Hang đến năm 2020.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất cân đối, bố trí vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch này.

3. Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình rà soát quy hoạch sử dụng đất và giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho phù hợp với quy hoạch được duyệt.

4. Các sở, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả nội dung bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ thiên nhiên Na Hang đến năm 2020.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện: Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học và Công báo;
- Trưởng phòng KT, TH, QH;
- Chuyên viên NLN, ĐC;
- Lưu: VT, (Hòa 60).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Quang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 733/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ thiên nhiên Na Hang đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 733/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Đình Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản