Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 731/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 21 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP VÀ BỐ TRÍ SẮP XẾP DÂN CƯ HUYỆN NẬM PỒ ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

n cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1006/TTr-SKHĐT ngày 07/8/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí sắp xếp dân cư huyện Nậm Pồ đến năm 2025, với nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và sắp xếp ổn định dân cư huyện Nậm Pồ đến năm 2025 gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện.

- Xác định phát triển nông, lâm, ngư nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính của huyện; đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của từng xã; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu lao động trong nội bộ ngành nông nghiệp, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả để phát triển theo quy hoạch;

- Bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp và gắn với các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế gắn với ổn định chính trị, lấy ổn định chính trị làm tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, lấy phát triển kinh tế để thúc đẩy tiến bộ xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; đảm bảo, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung

- Phấn đấu đến năm 2025 huyện Nậm Pồ có nền kinh tế - xã hội phát triển ngang bằng với các huyện trung bình trong tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

- Rà soát, cân đối, khai hoang mở mang quỹ đất, bố trí đủ đất phát triển sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực; triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo giá trị gia tăng và hình thành các sản phẩm hàng hóa. Quy hoạch các bãi chăn thả gia súc tập trung, đầu tư vốn, kỹ thuật để phát triển đàn đại gia súc; tăng cường các biện pháp để bảo vệ rừng, song song với đầu tư khoanh nuôi tái sinh phục hồi, trồng rừng, từng bước đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành ngành sản xuất chính.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2020

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt từ 8% - 10%/năm; trong đó: nông lâm nghiệp tăng 8 - 10%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 6 - 8%/năm, dịch vụ tăng 10 - 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 15 - 20 triệu đồng;

- Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp 48,59%, công nghiệp và xây dựng 29,83%, thương mại và dịch vụ 21,58%;

- Tổng sản lượng cây có hạt toàn huyện đạt 20.165 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 374,2kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 8-10 triệu đồng/người/năm;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 72,09 % năm 2015 (theo chuẩn nghèo đa chiều) xuống còn khoảng 50 % năm 2020, bình quân giảm khoảng trên 4%/năm (giảm tương đương với 286 hộ nghèo/năm); các hộ nghèo cơ bản không phải ở nhà tạm, dột nát; phấn đấu có 50% số hộ nghèo có nhà đạt 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng);

- Tỷ lệ lao động nông thôn được thông qua đào tạo, tập huấn đạt 43,2%, tạo việc làm mới cho khoảng 1.800 lao động (bình quân 360 lao động/năm), tỷ lệ lao động nông lâm nghiệp còn khoảng 70% so với tổng số lao động;

- Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tiến hành rà soát quy hoạch các vùng sản xuất nương rẫy tập trung, thực hiện giao đất sản xuất nương rẫy để nhân dân sản xuất ổn định; giao đất lâm nghiệp chưa có rừng để nhân dân trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, nhằm nâng cao thu nhập góp phần cải thiện cuộc sống, từng bước đưa sản xuất lâm nghiệp thành nghề sản xuất chính;

- Phấn đấu có 01 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 08 xã cơ bản đạt nhóm hoàn thành từ 15 - 18 tiêu chí, 04 xã đạt nhóm hoàn thành từ 10 - 14 tiêu chí và 02 xã đạt trên 5 tiêu chí.

b) Mục tiêu đến năm 2025

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt từ 9% - 11%/năm; trong đó: nông lâm nghiệp tăng 9 - 10%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 8-11%/năm, dịch vụ tăng 10 - 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 25 - 30 triệu đồng;

- Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp 43,28%, công nghiệp và xây dựng 36,88%, dịch vụ thương mại 19,84%;

- Tổng sản lượng cây có hạt toàn huyện đạt 22.300 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 376,2kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 12-15 triệu đồng/người/năm;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 50% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều) xuống còn 29,5 % năm 2025, bình quân giảm khoảng trên 4%/năm (giảm tương đương với 385 hộ nghèo/năm); không còn hộ nghèo phải ở nhà tạm, dột nát; phấn đấu có trên 85% số hộ nghèo có nhà ở đạt 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng);

- Tỷ lệ lao động nông thôn được thông qua đào tạo, tập huấn đạt 54,03%, tạo việc làm mới cho khoảng 2.500 lao động (bình quân 500 lao động/năm), tỷ lệ lao động nông lâm nghiệp còn khoảng 60% so với tổng số lao động;

- Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện còn; phấn đấu đưa diện tích trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng đạt tỷ lệ thành rừng trên 70%, đảm bảo đến năm 2025 tỷ lệ che phủ của rừng đạt 50%;

- Phấn đấu có 8 xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí;

- Phấn đấu 100% số thôn bản định canh, định cư, ở tập trung không phân tán, không di cư tự do trái phép.

3. Nội dung quy hoạch

3.7. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp

a) Trồng trọt

- Đầu tư sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi, hồ chứa nước; nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho số diện tích ruộng nước hiện có, nâng một số diện tích ruộng nước có điều kiện tưới từ 1 vụ lên 2 vụ và mở mang diện tích khai hoang ruộng nước mới. Phấn đấu đảm bảo cho 100% diện tích ruộng nước 2 vụ có đủ nước tưới. Theo hướng giảm dần diện tích nương rẫy trong thời gian tới để chuyển diện tích đất nương rẫy sang trồng cây lâm nghiệp.

- Triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong trồng trọt để tạo giá trị gia tăng và hình thành các sản phẩm hàng hóa

b) Chăn nuôi:

- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cảm theo quy mô hộ gia đình trên địa bàn tất cả các xã trong huyện nhằm đảm bảo sức cày kéo và cung cấp thực phẩm tại chỗ; kiểm soát và phòng chống được dịch bệnh, cần đầu tư xây dựng chuồng trại và chăn thả có kiểm soát, hạn chế chăn nuôi thả rông. Cải tạo dần đàn lợn và đàn gia cầm, từng bước đưa giống mới, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để giúp các hộ gia đình áp dụng kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất, sản lượng chăn nuôi dần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.

- Quy hoạch vùng chăn nuôi đàn đại gia súc tập trung trên địa bàn các xã: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Na Cô Sa, Vàng Đán, Na Bủng, Nà Hỳ. Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ, nguồn vốn vay tín dụng có lãi suất thấp cho nhân dân mua giống trâu, bò, dê; trồng giống cỏ mới bình quân 1.000 - 1.500 m2/hộ để phát triển chăn nuôi. Chuyển dần phương thức chăn nuôi từ quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ sang mô hình gia trại, trang trại tập trung; ngoài việc để cung cấp sức kéo, sản phẩm chăn nuôi sẽ trở thành hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước.

- Tốc độ tăng đàn trâu đạt khoảng 3%/năm, đàn bò đạt khoảng 6%/năm, đàn lợn khoảng 6%/năm, đàn gia cầm 20%/năm.

c) Phát triển lâm nghiệp

* Bảo vệ rừng: Đối tượng đưa vào bảo vệ rừng bao gồm toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện còn phân bố trên tất cả các xã trong huyện, năm 2016 với tổng điện tích 58.906,08 ha; trong đó thuộc quy hoạch rừng sản xuất 29.284,35 ha, thuộc rừng phòng hộ 29.621,73ha. Dự kiến đến năm 2020 diện tích rừng cần bảo vệ của toàn huyện là 71.315ha, tăng ha 12.409 ha so với năm 2016, diện tích rừng tăng thêm chủ yếu là do khoanh nuôi tái sinh thành rừng; trong đó thuộc quy hoạch rừng sản xuất 35.472 ha, thuộc rừng phòng hộ 35.843,0 ha. Dự kiến đến năm 2025 diện tích rừng cần bảo vệ của toàn huyện là 82.866 ha, tăng 11.550 ha so với năm 2020, diện tích rừng tăng thêm là do khoanh nuôi tái sinh và diện tích trồng thành rừng; trong đó thuộc quy hoạch rừng sản xuất 41.245,0 ha, thuộc rừng phòng hộ 41.621,0 ha.

* Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên: Đối tượng đưa vào khoanh nuôi tái sinh tự nhiên bao gồm toàn bộ diện tích đất trồng có cây gỗ mọc tái sinh, và đất có cây bụi có khả năng tái sinh thành rừng (trạng thái Ic, Ib) phân bố trên tất cả các xã trong huyện; dự kiến giai đoạn 2016-2025 đầu tư hỗ trợ để đưa 30.657 ha vào khoanh nuôi tái sinh tự nhiên; trong đó, thuộc quy hoạch rừng sản xuất 15.409 ha (giai đoạn năm 2016-2020 khoảng 8.000 ha, giai đoạn năm 2021-2025 khoảng 7.409 ha); thuộc quy hoạch rừng phòng hộ 15.248 ha (giai đoạn năm 2016-2020 khoảng 8.000 ha, giai đoạn năm 2021-2025 khoảng 7.248 ha). Áp dụng biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để sau 4 đến 5 năm có khoảng 70% diện tích đạt tiêu chuẩn thành rừng.

* Trồng rừng mới: Đối tượng đưa vào trồng rừng bao gồm diện tích đất trống trảng cỏ (trạng thái Ia), đất nương rẫy bạc màu ở những vùng giao thông đi lại khá thuận lợi; giai đoạn 2016-2025 đưa khoảng 5.000 ha vào trồng rừng. Trong đó:

- Trồng rừng sản xuất khoảng 2.350 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Si Pa phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Nà Hỳ, Nà Khoa, Nậm Chua...; giai đoạn 2016-2020 trồng 1.175 ha, giai đoạn 2021-2025 trồng 1.175 ha.

- Trồng rừng phòng hộ khoảng 2.650 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Chà Cang, Chà Tở, Na Cô Sa, Nà Bủng, Vàng Đán, Nậm Chua, Nậm Tin và một số xã khác; giai đoạn 2016-2020 trồng 1.325 ha, giai đoạn 2021-2025 trồng 1.325 ha.

d) Phát triển thủy sản:

- Tận dụng tối đa những vùng có khả năng mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản như: đào ao, đắp đập tạo hồ nhỏ; tận dụng hồ chứa của các công trình thủy lợi.

- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mô hình nuôi trồng đa loại hình, đa đối tượng; chú ý phát triển các đối tượng thủy sản theo phương thức thâm canh và bán thâm canh.

- Tận dụng các nguồn vốn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản; thực hiện đầu tư có trọng điểm ở những xã có lợi thế để hình thành sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy mô hộ gia đình;

- Quản lý nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhằm bảo tồn và phát triển các loài thủy sản quý hiếm bản địa, chú ý thả bổ sung đề tái tạo nguồn lợi.

- Nhà nước đầu tư cho công tác khuyến ngư dưới hình thức chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư giống và cơ sở hạ tầng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, quản lý các hoạt động phát triển thủy sản theo quy hoạch; đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

- Phấn đấu đưa quy mô diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn huyện lên 150 ha vào năm 2025

3.2. Bố trí sắp xếp dân cư

a) Ổn định tại chỗ cho 131 bản với 7.040 hộ, 38.423 nhân khẩu.

b) Thực hiện tách bản tại chỗ (tách hành chính) do dân cư quá đông tại 9 bản cũ để thành lập 9 bản mới; thành lập kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý thôn, bản và các đoàn thể theo quy định.

c) Bố trí xen ghép 256 hộ với 1.587 nhân khẩu sống phân tán, có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai,... di chuyển, bố trí xen ghép với 20 bản thuộc 10 xã: Vàng Đán, Nậm Tin, Chà Tở, Phìn Hồ, Si Pa Phìn, Chà Nưa, Nà Bủng, Nà Khoa, Phìn Hồ, Nặm Khăn.

d) Di chuyển 90 hộ với 354 nhân khẩu ở các vùng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt đến địa điểm thuận lợi để thành lập bản mới tại các xã: Phìn Hồ, Nậm Khăn.

4. Kinh phí, nguồn vốn thực hiện quy hoạch

4.1. Tổng khái toán nhu cầu vốn đầu tư và hỗ trợ: 1.188.457 triệu đồng

a) Phân theo hạng mục

- Vốn đầu tư và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp: 227.526 triệu đồng;

- Vốn đầu tư và hỗ trợ cho sản xuất lâm nghiệp: 567.210 triệu đồng;

- Vốn hỗ trợ cho sản xuất thủy sản: 4.347 triệu đồng;

- Vốn đầu tư công trình thủy lợi: 221.960 triệu đồng;

- Vốn hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư: 59.372 triệu đồng;

- Vốn dự phòng: 108.042 triệu đồng.

b) Phân theo giai đoạn

- Giai đoạn 2016-2020: 569.590 triệu đồng;

- Giai đoạn 2021-2025: 618.867 triệu đồng.

4.2. Nguồn vốn:

a) Giai đoạn 2016-2020: 569.590 triệu đồng:

- Vốn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP: 75.000 triệu đồng;

- Vốn Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng: 206.151 Triệu đồng;

- Vốn Chương trình sắp xếp, ổn định dân cư: 33.502 triệu đồng;

- Vốn ngân sách địa phương: 3.410 triệu đồng;

- Vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng: 117.812 triệu đồng;

- Vốn khác (huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư): 81.935 triệu đồng.

b) Giai đoạn 2021-2025: 618.867 triệu đồng (Bao gồm các nguồn vốn: Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng; Chương trình bố trí, ổn định dân cư; cân đối ngân sách địa phương; chi trả dịch vụ môi trường rừng; huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư).

5. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch

5.1. Giải pháp về tuyên truyền vận động: Tổ chức công bố quy hoạch và tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn, bản, cộng đồng dân cư để nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn toàn huyện; tuyên truyền nhân dân thay đổi tập quán canh tác trên nương rẫy sang sản xuất lúa ruộng; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tổ chức trồng rừng kinh tế; phát động phong trào chăn nuôi, đặc biệt là phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

5.2. Giải pháp về đất đai: Thực hiện hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình sản xuất ổn định lâu dài. Hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ theo luật đất đai, đặc biệt là việc khuyến khích các hộ gia đình liên doanh, với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư để phát triển rừng kinh tế tập trung.

Đối với những xã quy hoạch là vùng phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc tập trung, cần chuyển đổi một số diện tích đất trồng trảng cỏ xa vùng sản xuất lương thực, xa khu vực dân cư để hình thành các vùng chăn thả tập trung có trồng cỏ, tạo thức ăn xanh phục vụ cho phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt. Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp.

5.3. Giải pháp chính sách: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí dân cư như: Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Phát triển hệ thống dịch vụ kỹ thuật khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật sản xuất hỗ trợ nông dân huyện nghèo; chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã,... đầu tư vào sản xuất, chế biến và kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp để tạo nên các chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng; chính sách tín dụng cho người sản xuất ở huyện nghèo; chính sách đào tạo, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất,...

5.4. Giải pháp về nguồn vốn và huy động vốn: Huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, ODA, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư, đóng góp của doanh nghiệp và dân cư; vốn thực hiện lồng ghép từ các chương trình, dự án được ghi trong kế hoạch hàng năm và cho cả giai đoạn.

5.5. Giải pháp tổ chức thực hiện: Huyện Nậm Pồ cần tăng cường và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của dự án quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí sắp xếp dân cư huyện Nậm Pồ đến năm 2025 nói riêng và các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung đối với từng năm và cho cả giai đoạn.

(Có dự án quy hoạch chi tiết kèm theo)

Điều 2. Căn cứ Quyết định này, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, và các ngành, các cấp có liên quan có trách nhiệm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch để xây dựng kế hoạch hằng năm đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch đã đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- LĐ UBND tỉnh;
- LĐVPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN(NNT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Văn Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 731/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí sắp xếp dân cư huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đến năm 2025

  • Số hiệu: 731/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản