Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/2012/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 22 tháng 10 năm 2012.

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ VÀ THIẾT KẾ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH.

UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004; Luật Xây dựng năm 2003; Luật Quy hoạch đô thị năm 2008; Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/2/2010 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 về quản lý chiếu sáng đô thị; số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị; số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về xây dựng ngầm đô thị; số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Bộ Giao thông Vận tải; các Thông tư của Bộ Xây dựng: Số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 hướng dẫn quản lý đường đô thị, số 16 /2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 04/2008/TT-BXD; số 02/2010/TT-BXD ngày 05/2/2010 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (số hiệu 07/QCVN:2010/BXD);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số nội dung về quản lý và thiết kế đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, Ban, Ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng, Bộ GTVT; (b/c)
- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- TT UBMTTQ tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: HC, CN.XDCB, KTKH, VX, NC, LĐVP.

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ VÀ THIẾT KẾ ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 20121 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Quy định này áp dụng cho các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhằm xây dựng các đô thị trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính bền vững, hiện đại.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

1. Hè đường là bộ phận tính từ mép ngoài của bó vỉa tới chỉ giới đường đỏ, dành cho người đi bộ, bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật và trồng cây xanh.

2. Bó vỉa là bộ phận cấu tạo dùng để ngăn cách, chuyển tiếp cao độ giữa một số bộ phận trên đường đô thị, bó vỉa thường được bố trí ở mép hè đường, dải phân cách và đảo giao thông…

3. Dải trồng cây xanh: Có thể được bố trí trên hè đường, trên dải phân cách, đảo giao thông hoặc trên dải đất dành riêng ở hai bên đường.

4. Phần xe chạy: Là phần mặt đường dành cho các phương tiện tham gia giao thông.

5. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến: Bao gồm hệ thống đường truyền thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải, xử lý các chất thải và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

6. Điểm đỗ xe taxi, xe buýt: Là phần mặt đường được thiết kế dành riêng, trên đó có kẻ vạch, phân làn, phục vụ cho việc dừng, đỗ xe taxi , xe buýt trên các tuyến đường cấp đô thị (đường cao tốc đô thị, đường trục chính đô thị, đường trục đô thị, đường liên khu vực). Các điểm đỗ xe taxi, xe buýt phải có biển báo phù hợp theo quy định của pháp luật.

7. Ủy ban nhân dân sau đây gọi tắt là UBND.

8. UBND các phường, thị trấn sau đây gọi tắt là UBND cấp phường.

Chương II

QUY ĐỊNH CHI TIẾT

Điều 3. Nguyên tắc thiết kế mặt đường và hè đường.

1. Mặt đường: Khuyến khích sử dụng kết cấu áo đường mềm, móng kín, mặt đường bê tông nhựa cấp cao A1 hoặc mặt đường bê tông xi măng công nghệ đầm lăn

2. Hè đường.

a) Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu lát hè có chất lượng và tính thẩm mỹ cao như đá tự nhiên, gạch terrazzo, gạch granitô. Đối với các khu vực quan trọng và tập trung đông người như quảng trường, các tuyến phố chính, khu trung tâm đô thị, công viên… cần được thiết kế thống nhất, hạn chế sử dụng các loại vật liệu lát như gạch block tự chèn, gạch bê tông đúc sẵn, gạch nung… được sản xuất bằng phương pháp thủ công hoặc bán thủ công, chất lượng bề mặt thấp, trừ trường hợp có nghiên cứu và thiết kế cụ thể.

b) Trên hè đường phải đảm bảo có các dấu hiệu nhận biết và đường đi cho người tàn tật tiếp cận sử dụng; dấu hiệu chỉ dẫn các đường ống ngầm (điện, cáp quang...). Nên sử dụng vật liệu lát có cùng chủng loại, được nhận biết bằng màu sắc và độ nhám bề mặt, tránh sử dụng các loại vật liệu có tính chất không tương đồng trên cùng một khu vực, gây mất mỹ quan đô thị.

c) Hè đường được phép sử dụng ngoài mục đích giao thông phải dành phần cho người đi bộ với bề rộng tối thiểu là 1,5m và phải được sơn kẻ vạch để phân biệt.

d) Các loại nắp hố ga, nắp cống trên hè đường phải được thiết kế đồng bộ với vật liệu lát hè, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn sử dụng (có thể hạ thấp nắp hố ga, sau đó lát gạch bên trên).

3. Bó vỉa.

a) Về vật liệu: Ưu tiên sử dụng các loại viên bó vỉa bằng đá xẻ hoặc bê tông đúc sẵn trong nhà máy có chất lượng bề mặt tốt (nhẵn, mịn, bóng), không sử dụng viên bó vỉa đúc tại chỗ bằng phương pháp thủ công.

b) Về quy cách: Đối với đường đi qua các khu dân cư, thiết kế bó vỉa vát cạnh đảm bảo thuận lợi cho các phương tiện thô sơ di chuyển lên hè, tránh việc tự ý xây cầu, bậc để đưa xe lên hè đường. Đối với đường qua các khu không có dân cư sinh sống, cần nghiên cứu khoảng cách phù hợp để hạ cao độ hè, tạo đường lên cho các phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.

Tại các khu vực có lối dành cho người đi bộ sang đường, bến xe buýt, và các vị trí khác theo thiết kế, cần hạ thấp hè tạo lối lên xuống cho người đi bộ và người khuyết tật lên xuống theo quy định.

Đối với viên bó vỉa vát trên các tuyến đường đi qua khu dân cư, viên bó vỉa phải được lắp đặt phù hợp với độ dốc tối đa là 1:1,2 và độ cao từ đỉnh viên bó vỉa đến mép ngoài của mặt đường tối đa là 12,5cm.

Điều 4. Quy định cụ thể về bề rộng tối thiểu của đường.

Đối với đường cao tốc đô thị và đường trục chính đô thị, khuyến khích thiết kế dải phân cách có bề rộng trên 20m, nhằm tạo quỹ đất dự trữ xây dựng đường cao tốc đô thị (trên cao hoặc ngầm dưới đất) trong tương lai.

1. Đường cao tốc đô thị: Thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

2. Đường trục chính đô thị.

a) Đối với đô thị loại IV trở lên:

- Phương án 1: Tổng chiều rộng của đường là 60m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 10m, lòng đường mỗi bên rộng 14m, giải phân cách giữa rộng 12m (60m = 10m+14m+12m+14m+10m); trong điều kiện có thể, khuyến khích bố trí dải phân cách giữa có bề rộng trên 20m.

- Phương án 2: Tổng chiều rộng của đường là 70m, trong đó đường gom được bố trí 2 bên đường chính; lòng đường gom rộng 7,5m, hè đường đường rộng 10m, giải phân cách với đường gom rộng 2m, lòng đường chính mỗi bên rộng 14m, giải phân cách giữa rộng 5m (70m = 10m+7,5m+2m+14m+5m+14m+2m+7,5m+10m);

b) Đối với các đô thị còn lại: Tổng chiều rộng của đường là 54m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 8m, lòng đường mỗi bên rộng 14m, giải phân cách giữa rộng 10m (54m = 8m+14m+10m+14m+8m);

3. Đường trục đô thị.

a) Đối với đô thị loại IV trở lên: Tổng chiều rộng của đường là 53m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 10m, lòng đường mỗi bên rộng 14m, giải phân cách giữa rộng 5m (53m = 10m+14m+5m+14m+10m);

b) Đối với các đô thị còn lại: Tổng chiều rộng của đường là 40m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 8m, lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, giải phân cách giữa rộng 3m (40m = 8m+10,5m+3m+10,5m+8m);

4. Đường liên khu vực.

a) Đối với đô thị loại IV trở lên: Tổng chiều rộng của đường là 40m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 8m, lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, giải phân cách giữa rộng 3m (40m = 8m+10,5m+3m+10,5m+8m);

b) Đối với các đô thị còn lại: Tổng chiều rộng của đường là 30m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 8m, lòng đường rộng 14m (30m = 8m+14m+8m);

5. Đường chính khu vực.

a) Đối với đô thị loại IV trở lên: Tổng chiều rộng của đường là 30m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 8m, lòng đường rộng 14m (30m = 8m+14m+8m);

b) Đối với các đô thị còn lại: Tổng chiều rộng của đường là 24m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 6m, lòng đường rộng 12m (24m = 6m+12m+6m);

6. Đường khu vực.

a) Đối với đô thị loại IV trở lên: Tổng chiều rộng của đường là 22,5m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 6m, lòng đường rộng 10,5m (22,5m = 6m+10,5m+6m);

b) Đối với các đô thị còn lại: Tổng chiều rộng của đường là 20,5m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 5m, lòng đường rộng 10,5m (20,5m = 5m+10,5m+5m);

7. Đường phân khu vực.

a) Đối với đô thị loại IV trở lên: Tổng chiều rộng của đường là 20,5m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 5m, lòng đường rộng 10,5m (20,5m = 5m+10,5m+5m);

b) Đối với các đô thị còn lại: Tổng chiều rộng của đường là 16,5m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 4,5m, lòng đường rộng 7,5m (16,5m = 4,5m+7,5m+4,5m);

8. Đường nhóm nhà ở.

a) Đối với đô thị loại IV trở lên: Tổng chiều rộng của đường là 16m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 4,5m, lòng đường rộng 7m (16m = 4,5m+7m+4,5m);

b) Đối với các đô thị còn lại: Tổng chiều rộng của đường là 15m, trong đó hè đường mỗi bên rộng 4m, lòng đường rộng 7m (15m = 4m+7m+4m);

Điều 5. Cây xanh.

1. Cây xanh phải được trồng thống nhất, phù hợp với khí hậu, văn hóa, phong tục tập quán, cảnh quan của từng khu vực, đảm bảo an toàn giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

2. Cây xanh bóng mát theo tuyến phải được trồng trên tất cả các tuyến đường, tuyến phố (không tính cây xanh trên dải phân cách).

3. Việc trồng cây xanh bóng mát trên hè đường được quy định như sau:

- Trồng cây xanh là một hạng mục trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường; phải được thực hiện sớm nhất, phù hợp với việc tổ chức các giai đoạn thi công xây dựng.

- Đối với các tuyến đường có chiều rộng hè đường đến 6m, yêu cầu trồng tối thiểu một hàng cây xanh bóng mát dọc tuyến.

- Đối với các tuyến đường có chiều rộng hè đường từ trên 6m đến 10m, yêu cầu tổ chức trồng 1 hàng cây xanh bóng mát và 1 dải cây tạo cảnh (cây lúp xúp) trên thảm cỏ với bề rộng không nhỏ hơn 2m.

- Đối với các tuyến đường có chiều rộng hè đường trên 10m, yêu cầu bố trí 2 hàng cây xanh bóng mát hoặc 1 hàng cây xanh bóng mát và 1 dải cây tạo cảnh (cây lúp xúp) hoặc thảm cỏ với bề rộng không nhỏ hơn 3m.

4. Kích thước, hình thức các bồn trồng cây được sử dụng thống nhất đối với cùng 1 loại cây trên cùng một tuyến phố, cùng đoạn đường, đảm bảo phù hợp với độ rộng, độ bằng phẳng của hè đường, an toàn cho người đi bộ, thuận tiện cho người chăm sóc cây. Với bồn hình vuông nên sử dụng kích thước không nhỏ hơn 1,2mx1,2m, bồn hình tròn nên có đường kính không nhỏ hơn 1,2m. Các bồn cây yêu cầu không xây bó bờ cao hơn mặt hè đường quá 3cm, cây xanh được trồng trên thảm cỏ để đảm bảo mỹ quan đô thị.

5. Về chủng loại cây.

Cây xanh bóng mát được trồng phải có tuổi thọ cao, là cây thân gỗ, phù hợp với cảnh quan đô thị, điều kiện khí hậu và an toàn (đặc biệt trong mùa mưa bão), cần chọn lựa cây bóng mát theo hướng:

- Ưu tiên lựa chọn các cây khỏe, có kích thước trung bình; chiều cao cây từ 4m trở lên, đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn từ 10cm trở lên (đường kính thân cây theo tiêu chuẩn được tính bằng 1/3 chu vi thân cây tại chiều cao 1,3m).

- Không trồng những giống cây dễ gẫy cành, bật gốc; có nhựa, trái, có lá mang nhiều độc tố; có mùi hương quá hắc, khó chịu; có gai nhọn; các loại cây có rễ chùm, rễ nổi gây phá hỏng bề mặt đường hoặc hè đường.

- Trên mỗi tuyến phố cần lựa chọn một loài cây và loài hoa chủ đạo, ưu tiên chọn chủng loại cây phù hợp với ý nghĩa của tên đường, khu dân cư; tạo nét đặc trưng và hấp dẫn của từng khu vực, đường đô thị; đảm bảo mùa nào cũng có hoa nở.

Điều 6. Hệ thống chiếu sáng.

1. Yêu cầu chung: Hệ thống chiếu sáng bắt buộc phải được thiết kế và sử dụng thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng được chứng nhận, ưu tiên sử dụng công nghệ LED; đảm bảo các yêu cầu về chiếu sáng theo quy định. Hệ thống chiếu sáng phải có thiết bị đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn chuyên ngành.

2. Chỉ dẫn cụ thể.

a) Tủ điện chiếu sáng phải sử dụng vật liệu cách điện theo tiêu chuẩn (ưu tiên sử dụng vật liệu composite) và lựa chọn hình dáng phù hợp với cảnh quan kiến trúc đô thị.

b) Chủng loại đèn chiếu sáng: Ưu tiên sử dụng đèn LED, tuyệt đối không sử dụng đèn có hiệu suất chiếu sáng dưới 60lm/w.

c) Phương pháp điều khiển chiếu sáng: Sử dụng hệ thống điều khiển tự động giảm tiêu thụ năng lượng chiếu sáng về đêm, có tính toán đến giải pháp điều khiển trung tâm.

d) Chủng loại và hình dáng cột đèn được thiết kế phù hợp với cảnh quan và kiến trúc khu vực, không sử dụng nhiều chủng loại cột đèn khác nhau trên cùng một đoạn phố.

đ) Các vật liệu sắt, thép sử dụng trong hệ thống chiếu sáng phải được mạ kẽm nhúng nóng.

Điều 7. Hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật.

1. Yêu cầu chung.

a) Toàn bộ hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo phải được đi ngầm trên hè đường, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn trong sử dụng.

b) Tại các đường đô thị xây dựng mới phải đầu tư xây dựng hệ thống tuynel, hào kỹ thuật để bắt buộc lắp đặt, dùng chung cho các công trình đường dây, đường ống kỹ thuật, trừ trường hợp các đường dây, đường ống theo quy chuẩn riêng không thể đưa vào trong tuynel, hào kỹ thuật.

d) Đối với các khu dân cư có khoảng cách phía sau giữa 2 dãy nhà với bề rộng từ 2m trở lên, yêu cầu phải bố trí toàn bộ các hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật trong khu vực này bao gồm: Cấp nước, thoát nước thải, cấp điện sinh hoạt, thông tin liên lạc, cấp khí…. Bề mặt khu vực này phải được lát phẳng (gạch lát hoặc bê tông), đảm bảo mỹ quan, an ninh đô thị và vệ sinh môi trường.

đ) Các tủ công tơ điện phải được thiết kế dùng vật liệu cách điện theo tiêu chuẩn (ưu tiên sử dụng vật liệu composite) và lựa chọn hình dáng phù hợp với cảnh quan và kiến trúc đô thị. Đối với các khu vực đặt tủ công tơ điện trên hè đường, cần đảm bảo việc lắp đặt không cản trở giao thông của người đi bộ, phù hợp với thiết kế đô thị được duyệt và mỹ quan khu vực, đảm bảo an toàn trong sử dụng và thuận lợi trong vận hành, sửa chữa; trong tủ phải bố trí đủ không gian phù hợp để dùng chung cho hệ thống thông tin liên lạc (viễn thông, truyền hình, internet…).

2. Hướng dẫn chi tiết.

a) Nội dung về thiết kế tuynel, hào kỹ thuật được thực hiện theo hướng dẫn số 09/HD-SXD ngày 14/11/2011.

b) Các hàm ếch của các hố thu nước phải có thiết kế và cấu tạo phù hợp với viên bó vỉa xung quanh, tuyệt đối không sử dụng hàm ếch vuông trên các tuyến bó vỉa vát.

c) Các công trình hạ tầng kỹ thuật khác được thực hiện theo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Điều 8. Bãi đỗ xe, điểm đỗ xe taxi, xe buýt.

1. Bãi đỗ xe, điểm đỗ xe taxi, xe buýt phải được bố trí ở những vị trí thuận lợi cho hành khách, gần trường học, cơ quan, xí nghiệp, chung cư, trung tâm thương mại, công trình công cộng, nhà ga, bến xe, khu tập trung đông dân cư…, với khoảng cách đi bộ từ những địa điểm trên đến điểm đỗ tối đa là 500m.

2. Việc bố trí bãi đỗ xe, điểm đỗ xe taxi, xe buýt phải đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, trên cơ sở giữ nguyên số lượng làn đường trên tuyến, đảm bảo bề rộng hè đường tối thiểu (yêu cầu có tính toán cụ thể về mật độ và lưu lượng người đi bộ trên tuyến). Đối với các tuyến đường bắt buộc phải cải tạo để sử dụng phần xe chạy làm điểm đỗ, cần tính toán mật độ giao thông phù hợp, bề rộng phần dành cho xe tham gia giao thông tối thiểu (giờ cao điểm), trên cơ sở đó xác định phần đất dành lại làm điểm đỗ.

3. Quy mô điểm đỗ được tính toán cụ thể, phụ thuộc vào lưu lượng hành khách; diện tích chỗ đỗ xe theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Điều 9. Thu gom và vận chuyển rác thải, nhà vệ sinh công cộng.

1. Vị trí, quy mô điểm tập kết rác thải, nhà vệ sinh công cộng được xác định theo quy hoạch đô thị.

2. Trên các trục phố chính, các khu thương mại, công viên, các bến xe và các nơi công cộng khác phải bố trí các phương tiện lưu chứa chất thải rắn và nhà vệ sinh công cộng. Khoảng cách giữa các thùng lưu chứa chất thải rắn không lớn hơn 100m; khoảng cách giữa các nhà vệ sinh công cộng trên tuyến phố chính không lớn hơn 500m, trên các tuyến vành đai không lớn hơn 800m.

Điều 10. Quảng cáo trên đường đô thị.

1. Việc quảng cáo trên đường đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị được phê duyệt và phải được cấp giấy phép.

2. Vị trí, quy mô, hình dáng, chất liệu, nội dung biển quảng cáo trên đường đô thị phải bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, phòng cháy chữa cháy, an toàn chịu lực và chất lượng công trình xây dựng.

Điều 11. An toàn giao thông.

Thiết kế đảm bảo an toàn giao thông (bao gồm biển báo, vạch sơn, đèn tín hiệu, các chỉ dẫn giao thông…), được lập trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường, và phải được hoàn chỉnh khi đưa tuyến đường vào khai thác sử dụng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Các nội dung quản lý đường đô thị.

1. Lập quy hoạch, kế hoạch nâng cấp, cải tạo, bảo trì và phát triển đường đô thị.

2. Kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi phá hoại đường và các công trình trên đường, lấn chiếm hè đường, lòng đường, chặt phá cây xanh để xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

3. Quản lý và đảm bảo trật tự xây dựng, an toàn giao thông, chiếu sáng, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

4. Cấp giấy phép tạm thời sử dụng lòng đường, hè đường ngoài mục đích giao thông; giấy phép đào đường; giấy phép dịch chuyển, chặt hạ cây xanh trong đô thị.

5. Cấp giấy phép cho các hoạt động quảng cáo trên đường đô thị.

Điều 13. Trình tự, thủ tục thực hiện cấp các loại giấy phép.

1. Cấp giấy phép sử dụng hè đường để kinh doanh, buôn bán hàng hóa

a) Các khu vực được cấp phép kinh doanh, buôn bán trên hè đường

- Thuộc danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè đường vào việc kinh doanh, buôn bán theo quy định của UBND cấp huyện.

- Có chiều rộng hè đường còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m.

- Không thuộc khu vực mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị.

b) Đối tượng thực hiện: Cá nhân và tổ chức có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc pháp nhân, có ngành nghề hoạt động phù hợp với hoạt động xin cấp phép theo quy định của pháp luật.

c) Thành phần hồ sơ.

- Đơn xin cấp giấy phép, trong đó nêu rõ thời gian xin sử dụng tạm thời, cam kết hoàn trả giao thông khi hết hạn cấp phép (theo mẫu).

- Hồ sơ bản vẽ và thuyết minh (do đối tượng xin cấp phép hoặc thuê tổ chức khác lập) thể hiện đầy đủ vị trí, kích thước và hiện trạng khu vực xin cấp phép; giải pháp thiết kế; giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn giao thông, an toàn sử dụng cho các công trình lân cận và các hoạt động công cộng khác; phương án gia cố và hoàn trả giao thông khi hết hạn giấy phép (nếu có).

- Các văn bản thoả thuận liên quan với chủ sở hữu công trình có không gian mặt tiền bị che khuất, đấu nối hạ tầng kỹ thuật... (nếu có).

d) Trình tự thực hiện.

- Tổ chức, cá nhân nộp đơn (theo mẫu) kèm theo 02 bộ hồ sơ tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện.

- Trong vòng 7 ngày làm việc, UBND cấp huyện cấp giấy phép nếu đủ điều kiện hoặc có văn bản thông báo nếu không được cấp phép.

- Tổ chức, cá nhân nhận giấy phép kèm theo 1 bộ hồ sơ có đóng dấu thẩm định của cơ quan chủ trì cấp phép, hoặc văn bản thông báo không cấp phép kèm theo 02 bộ hồ sơ được trả lại.

đ) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép tối đa là 3 năm.

2. Cấp giấy phép sử dụng lòng đường, hè đường làm nơi để xe

a) Các khu vực được cấp phép:

- Thuộc các khu vực được quy hoạch làm bến, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe được UBND cấp huyện phê duyệt.

- Chỉ cấp phép để xe 2 bên đường với các đường có bề rộng phần xe chạy tối thiểu 14m; 1 bên đường với các đường có bề rộng phần xe chạy tối thiểu 10,5m; đối với lòng đường có bề rộng 7,5m chỉ cấp phép để xe 1 bên đối với đường một chiều.

- Việc để xe trên hè đường phải đảm bảo nguyên tắc:

+ Không thuộc khu vực mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị và các tuyến phố tại trung tâm chính trị, văn hoá, du lịch.

+ Không thuộc khu vực cấm để xe do UBND cấp huyện quy định.

+ Không được cản trở giao thông của người đi bộ; có chiều rộng hè đường còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m.

+ Không ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động bình thường của các tổ chức, hộ gia đình sống 2 bên đường.

b) Đối tượng thực hiện, thành phần hồ sơ, trình tự cấp phép, thời hạn có hiệu lực của giấy phép thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, khoản 1 điều này.

3. Cấp giấy phép sử dụng hè đường để xây dựng cửa hàng, ki ốt, lắp đặt mái che.

a) Các khu vực được cấp phép:

- Tuân thủ quy hoạch chi tiết được phê duyệt về xây dựng các cửa hàng, kiốt, mái che trên hè đường đối với các đô thị mới, đường phố mới.

- Có chiều rộng hè đường còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m.

- Đối với khu phố hiện trạng, chỉ được cấp phép lắp đặt tạm thời các cửa hàng, kiốt phục vụ cho các dịp lễ hội, phải tháo dỡ sau khi kết thúc lễ hội.

- Việc xây dựng, lắp đặt mái che mưa, che nắng phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng và được xem xét đồng thời khi cấp phép xây dựng.

b) Đối tượng thực hiện, thành phần hồ sơ, trình tự cấp phép, thời hạn có hiệu lực của giấy phép thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, khoản 1 điều này.

4. Cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè đường cho việc cưới, việc tang.

a) Thành phần hồ sơ:

- Đơn xin cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè đường cho việc cưới, việc tang (theo mẫu).

- Phiếu đề nghị thực hiện vệ sinh khu vực sau khi xong việc cưới, việc tang với đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường.

b) Trình tự thực hiện: Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời hè đường cho việc cưới, việc tang đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp phường gồm những nội dung sau:

- Điền thông tin theo mẫu vào đơn xin cấp giấy phép do cán bộ “một cửa” cung cấp.

- Điền thông tin vào phiếu đề nghị đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện dọn vệ sinh theo mẫu do cán bộ “một cửa” cung cấp.

- Tạm ứng kinh phí cho đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường. Mức thu do UBND cấp phường quy định phù hợp với tình hình thực tế, nhưng không vượt quá 50.000 đồng. Sau khi xong việc cưới, việc tang, hộ gia đình, cá nhân đến tại bộ phận “một cửa” để được thanh toán số tiền vệ sinh theo quy định.

- UBND cấp phường có trách nhiệm cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè đường cho việc cưới, việc tang ngay trong một làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

đ) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép tối đa là 48 giờ.

5. Cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè đường để tập kết vật liệu xây dựng, máy móc phục vụ thi công xây dựng công trình

a) Yêu cầu trong việc sử dụng tạm thời hè đường để tập kết vật liệu xây dựng, máy móc phục vụ thi công xây dựng công trình

- Chiều rộng hè đường còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m. Vật liệu xây dựng, máy móc phải được che chắn kín, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

- Trong trường hợp cần tập kết vật liệu xây dựng với khối lượng lớn, chỉ được phép tập kết vật liệu hết bề rộng của hè đường trong khoảng thời gian ban đêm (từ sau 22 giờ hôm trước đến trước 5 giờ sáng hôm sau).

- Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không tập kết vật liệu xây dựng, máy móc trên phần xe chạy.

b) Thành phần hồ sơ:

- Đơn xin cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè đường để tập kết vật liệu xây dựng, máy móc phục vụ thi công xây dựng công trình (theo mẫu).

- Sơ đồ sử dụng tạm thời hè đường do chủ công trình tự vẽ. Trong trường hợp sử dụng một phần hè đường trước mặt tiền của chủ sở hữu khác cần có ý kiến của chủ sở hữu đó và xác nhận của Chủ tịch UBND cấp phường.

- Ảnh chụp thể hiện đầy đủ hiện trạng đường đô thị (hè đường, phần xe chạy, bó vỉa, bồn hoa...) tại khu vực xin phép sử dụng.

c) Trình tự thực hiện.

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đến nộp hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè đường để tập kết vật liệu xây dựng, máy móc phục vụ thi công xây dựng công trình tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện như sau:

- Nộp hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản này.

- Nộp đặt cọc chi phí xây dựng sửa chữa, hoàn trả các bộ phận của đường đô thị, mức thu do UBND cấp huyện quy định theo điểm c khoản 3 điều 15 của quy định này.

- UBND cấp huyện có trách nhiệm cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè đường để tập kết vật liệu xây dựng, máy móc phục vụ thi công xây dựng công trình trong vòng 7 ngày làm việc.

d) Trình tự hoàn trả tiền đặt cọc chi phí xây dựng sửa chữa, hoàn trả.

- Sau khi hết hạn giấy phép hoặc hoàn thành việc sử sụng tạm thời hè đường, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm tự hoàn trả hè đường theo nguyên trạng ban đầu; đồng thời đến bộ phận “một cửa” đề nghị nhận lại tiền đặt cọc khi xin giấy phép (theo mẫu).

- Trong 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị, UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra chất lượng công tác sửa chữa, hoàn trả các bộ phận của đường đô thị. Nếu chất lượng công tác hoàn trả đảm bảo yêu cầu, UBND cấp huyện có trách nhiệm hoàn trả tiền đặt cọc không tính lãi suất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Nếu chất lượng hoàn trả không đảm bảo yêu cầu theo nguyên trạng (được xác định theo ảnh chụp nguyên trạng khi nộp hồ sơ), hoặc chủ công trình không tự thực hiện việc hoàn trả sau 10 ngày kể từ khi hết hạn giấy phép, UBND cấp huyện có trách nhiệm gửi thông báo yêu cầu. Sau 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo mà chủ công trình không tự thực hiện, UBND cấp huyện có trách nhiệm sử dụng tiền đặt cọc của chủ công trình để tổ chức thi công hoàn trả theo nguyên trạng. Thủ tục thanh quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành.

đ) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép tối đa là 6 tháng.

6. Cấp giấy phép đào đường đô thị.

a) Yêu cầu trong việc đào đường đô thị.

- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào đường đô thị phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua đô thị, việc xin phép đào đường thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đường bộ.

b) Thành phần hồ sơ.

- Đơn xin cấp phép (theo mẫu).

- Hồ sơ kèm thuyết minh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hoàn trả các bộ phận của đường đô thị do một tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật, trong đó mô tả và thể hiện rõ vị trí, kích thước đào, kết cấu hoàn trả, tính toán khối lượng và dự toán công tác hoàn trả.

- Tiến độ thi công, hồ sơ biện pháp thi công và phương án đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông.

- Ảnh chụp thể hiện đầy đủ hiện trạng đường đô thị (hè đường, phần xe chạy, bó vỉa, bồn hoa...) tại khu vực xin phép sử dụng; đơn cam kết hoàn trả hiện trạng hè đường, phần xe chạy, bó vỉa sau khi hết hạn giấy phép.

c) Trình tự thực hiện.

- Chủ đầu tư nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện.

- Nộp tiền đặt cọc chi phí xây dựng sửa chữa, hoàn trả các bộ phận của đường đô thị, mức thu tối đa bằng 1,2 lần dự toán chi phí xây dựng hoàn trả do đơn vị xin cấp phép lập, được phòng quản lý xây dựng cấp huyện thẩm định.

- UBND cấp huyện có trách nhiệm cấp giấy phép trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

d) Hồ sơ đề nghị hoàn trả tiền đặt cọc chi phí xây dựng sửa chữa, hoàn trả các bộ phận của đường đô thị bao gồm:

- Đơn đề nghị hoàn trả tiền đặt cọc chi phí xây dựng sửa chữa, hoàn trả các bộ phận của đường đô thị (theo mẫu).

- Hồ sơ quản lý chất lượng công tác xây dựng sửa chữa, hoàn trả các bộ phận của đường đô thị (gồm các bản vẽ hoàn công, các biên bản nghiệm thu công việc, bộ phận xây lắp, nhật ký công trình, các chứng chỉ vật liệu, cấu kiện xây dựng, kết quả thí nghiệm kiểm tra độ chặt nền đường, mặt đường).

Trình tự hoàn trả tiền đặt cọc chi phí xây dựng sửa chữa, hoàn trả thực hiện theo điểm d khoản 5 điều này.

đ) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép tối đa là 1 tháng.

7. Cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh.

a) Mọi trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đường phố phải được cấp giấy phép, trừ các trường hợp được miễn cấp giấy phép.

Các trường hợp được miễn giấy phép bao gồm: Chặt hạ ngay do tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy. Trước khi chặt hạ, dịch chuyển trong trường hợp khẩn cấp phải có biên bản với UBND cấp phường (hoặc lệnh khẩn cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành), ảnh chụp hiện trạng và phải báo cáo về UBND cấp huyện chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong.

b) Thành phần hồ sơ.

- Đơn đề nghị chặt hạ, dịch chuyển (theo mẫu).

- Bản vẽ sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.

- Ảnh (kích thước tối thiểu 9x12cm) chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.

c) Trình tự thực hiện.

- Tổ chức, cá nhân nộp 1 bộ hồ sơ tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm cấp giấy phép trong vòng 15 ngày làm việc.

d) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép tối đa là 1 tháng.

8. Cấp giấy phép quảng cáo trên đường đô thị: Việc cấp giấy phép quảng cáo trên đường đô thị thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BVHTT-BYT-NN-BXD ngày 28/2/2007 của Liên Bộ Văn hóa Thể thao, Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo một cửa liên thông (nộp hồ sơ tại cơ quan đầu mối là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Điều 14. Bàn giao công trình đường đô thị sau khi đầu tư.

1. Đối với các tuyến đường đô thị không do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, chậm nhất 12 tháng sau khi công trình được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ bàn giao và bàn giao công trình cho UBND cấp huyện để quản lý và khai thác sử dụng, trừ trường hợp các tuyến đường do chủ đầu tư tự quản lý được quy định trong dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt. Việc bàn giao các dự án đường đô thị triển khai theo hình thức hợp đồng BT thực hiện theo quy định riêng.

2. Sau 10 ngày kể từ khi nhận được đề nghị bàn giao của chủ đầu tư, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức nhận bàn giao theo quy định.

3. Trong trường hợp công trình chưa đủ điều kiện để tiến hành bàn giao đồng bộ, nhưng cần thiết phải đưa một số hạng mục công trình vào khai thác sử dụng, chủ đầu tư có thể bàn giao một phần công trình hoặc một số hạng mục, trong đó nêu rõ yêu cầu và trách nhiệm về việc bảo hành công trình.

4. Các công trình được bàn giao phải đảm bảo làm việc bình thường tại thời điểm bàn giao sau thời gian vận hành thử, tuân thủ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành và các quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm quản lý đường đô thị.

1. Sở Xây dựng: Là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về đường đô thị trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc quản lý, cấp giấy phép các hoạt động quảng cáo trên đường đô thị.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm.

a) Quản lý đường đô thị trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện.

b) Lập danh mục tuyến phố được phép sử dụng hè đường vào việc kinh doanh, buôn bán; làm bến, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe; xây dựng các cửa hàng, kiốt, mái che.

c) Quy định đơn giá tạm thu tiền đặt cọc chi phí xây dựng sửa chữa, hoàn trả các bộ phận của đường đô thị. Đơn giá tạm thu được ban hành hàng năm trên nguyên tắc:

- Tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để sửa chữa, hoàn trả cho một đơn vị công việc tương ứng.

- Mức tạm thu đảm bảo cao hơn mức tính toán nêu trên tối đa 20%.

d) Cấp các loại giấy phép theo quy định, trừ trường hợp nêu tại điểm a khoản 4 điều này.

d) Nhận bàn giao công trình đường đô thị do các chủ đầu tư chuyển giao theo quy định.

Đối với các khu vực đặc biệt quan trọng về cảnh quan kiến trúc đô thị và văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng trước khi cấp phép, bao gồm các khu vực: Tượng đài, đài tưởng niệm; khuôn viên Trung tâm văn hóa Kinh Bắc; dọc các tuyến đường có mặt cắt ngang từ 100m trở lên; các khu bảo tồn văn hóa, lịch sử; và các khu vực theo điều lệ quản lý quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc quy định.

4. Ủy ban nhân các phường, thị trấn có trách nhiệm

a) Cấp giấy phép tạm thời cho phép sử dụng tạm thời hè đường cho việc cưới, việc tang.

b) Kiểm tra, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc sử dụng đường đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Điều 16. Những nội dung quy định trong văn bản này thống nhất việc quản lý và thiết kế đường đô thị trên địa bàn toàn tỉnh, trừ các dự án đặc thù có nghiên cứu và thiết kế chi tiết riêng theo chuyên đề được phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng, Bộ GTVT; (b/c)
- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- TT UBMTTQ tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: HC, CN.XDCB, KTKH, VX, NC, LĐVP.

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 73/2012/QĐ-UBND Quy định về quản lý và thiết kế đường đô thị tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 73/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản