Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 721/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 05 tháng 8 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V QUY ĐỊNH PHẠM VI BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 30/6/1989;

Căn cứ Pháp lệnh về đê điều đã được Hội đồng Nhà nước công bố ngày 15/11/1989 và Nghị định số 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) "quy định việc thi hành pháp lệnh về đê điều";

Xét tờ trình số 219 ngày 16/7/1994 của Sở Thủy lợi về phạm vi bảo vệ đê điều,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định "Phạm vi bảo vệ đê điều" trong toàn tỉnh.

Điều 2: Việc xây dựng và tu bổ đê điều, bảo vệ và sử dụng đê điều, hộ đê thực hiện theo Nghị định 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Điều 3: Giao cho đồng chí Giám đốc Sở Thủy lợi hướng dẫn các địa phương thi hành bản quy định này.

Điều 4: Các đồng chí Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thủ trưởng các cơ quan Trung ương có liên quan đóng trên địa bàn tỉnh căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thủy lợi;
- TV Tỉnh Ủy; Để B/c
- TT HĐND tỉnh;
- Như điều 4;
- Lưu.

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Hữu Trung

 

QUY ĐỊNH

PHẠM VI BẢO VỆ ĐÊ
(Ban hành kèm theo quyết định 721/QĐ-UB ngày 05/8/1994 của UBND tỉnh)

Hệ thống đê trong tỉnh hiện nay gần 150km, nằm ở 2 bên bờ các con sông chính. Nhiệm vụ chủ yếu của các tuyến đê hiện nay là ngăn mặn, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm đầu vụ để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

- Căn cứ Pháp lệnh về đê điều đã được Hội đồng Nhà nước công bố ngày 15/11/1989;

- Căn cứ Nghị định số 429/HĐBT ngày 15/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) "quy định việc thi hành pháp lệnh về đê điều";

- Căn cứ nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất của các tuyến đê trong tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình quy định "Phạm vi bảo vệ đê điều" như sau:.

I. Phạm vi bảo vệ đê điều:

- Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm thân đê, kè, cống và vùng phụ cận.

- Đất trong phạm vi bảo vệ đê điều được sử dụng trồng cây chắn sóng, lúa và cây ngắn ngày.

II. Quy định cụ thể vùng phụ cận bảo vệ đê:

1.Đối với các tuyến đê:

- Tả và hữu sông Ròn (huyện Quảng Trạch)

- La Hà - Văn Phú, Văn Lôi - Tân Lý (huyện Quảng Trạch)

- Hữu sông Gianh (huyện Quảng Trạch)

- Tả và hữu sông Lý Hòa (huyện Bố Trạch)

- Tả và hữu sông Lệ Kỳ (thị xã Đồng Hới, huyện Quảng Ninh) (bao gồm đê Nghĩa Ninh).

- Tả và hữu sông Kiến Giang. Kể từ thượng lưu đập ngăn mặn Mỹ trung trở lên (huyện Quảng Ninh + huyện Lệ Thủy)

- Tả sông Gianh (huyện Quảng Trạch)

- Hữu sông Gianh (huyện Bố Trạch)

- Tả Nhật Lệ (thị xã Đồng Hới + huyện Quảng Ninh)

- Hữu Nhật Lệ (huyện Quảng Ninh) từ Võ Xá đến hạ lưu đập ngăn mặn Mỹ Trung.

- Tả và hữu sông Kiến Giang (huyện Quảng Ninh) từ hạ lưu đập ngăn mặn Mỹ trung về xuôi.

Vùng phụ cận bảo vệ đê: kể từ chân đê trở ra 20m về phía sông, 25m về phía đồng.

2. Đối với kè bảo vệ dân sinh, kinh tế:

Kể từ chân kè trở ra 100m về phía sông (biển), 20m về phía đông, từ đầu kè trở ngược, cuối kè trở xuôi dọc theo bờ sông (biển) mỗi phía 100m.

3. Đối với mỏ hàn (kể cả mỏ hàn sông và biển)

Cách đầu mũi mỏ hàn trở vào bờ 50m và từ chân mỏ hàn trở ra về phía sông (biển), cách 2 bên chân mỏ hàn mỗi phía 20m.

4. Đối với cống, tràn:

Đối với cống trực tiếp chịu tác động của nước sông, nước biển, kể từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía 50m.

Đối với đê các sông, hói khác, trục tiêu và đê khoanh vùng lớn thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã đề nghị cụ thể thông qua Sở Thủy lợi để trình UBND tỉnh quyết định.

III. Phân công trách nhiệm:

- UBND các huyện, thị xã có đê và các cơ quan hữu quan tổ chức phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân biết để thực hiện nghiêm túc quy định này.

- Sở Thủy lợi chịu trách nhiệm theo dõi kiểm tra các địa phương trong quá trình thực hiện, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh, Bộ Thủy lợi và các cơ quan chức năng Nhà nước./.