Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 719/QĐ-TCTK | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2016 |
VỀ VIỆC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2017
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 65/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành Điều tra lao động việc làm năm 2017 ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phương án điều tra ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Vụ Thống kê Dân số và Lao động chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện điều tra đúng Phương án quy định.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, Chánh Văn phòng Tổng cục, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 719/QĐ-TCTK ngày 24/10/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
1.1. Mục đích điều tra
Điều tra lao động việc làm năm 2017 (sau đây viết tắt là Điều tra LĐVL 2017) là cuộc điều tra chọn mẫu trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được thực hiện nhằm mục đích: thu thập thông tin về tình trạng tham gia thị trường lao động của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sống tại Việt Nam làm cơ sở để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lao động, việc làm, thất nghiệp và thu nhập của người lao động. Kết quả điều tra giúp các cấp, các ngành đánh giá, dự báo tình hình biến động của thị trường lao động trên phạm vi cả nước, xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Điều tra LĐVL 2017 còn thu thập thông tin về việc làm trong nông nghiệp, vị thế việc làm, thời gian chờ việc… nhằm thử nghiệm áp dụng theo khung lý thuyết/tiêu chuẩn mới về lao động và việc làm do Cơ quan Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc (ILO) khuyến nghị, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện phiếu điều tra để áp dụng chính thức trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 trở đi.
1.2. Yêu cầu điều tra
- Kết quả Điều tra LĐVL 2017 phải đáp ứng yêu cầu tổng hợp, biên soạn (phân tổ, kỳ báo cáo) các chỉ tiêu thống kê trong lĩnh vực lao động, việc làm thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; bảo đảm mức độ đại diện của số liệu quý đối với cả nước, khu vực thành thị và nông thôn, 6 vùng kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và số liệu năm đối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Kết quả điều tra phải phản ánh kịp thời, đầy đủ, tổng quát tình hình lao động, việc làm ở nước ta, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp chung và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, tỷ lệ thiếu việc làm chung và trong khu vực phi chính thức, tỷ lệ người có việc làm tạm thời, bấp bênh,... phục vụ việc biên soạn báo cáo nhanh tình hình kinh tế - xã hội hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm của Tổng cục Thống kê;
- Kết quả điều tra thử nghiệm phải đáp ứng việc nghiên cứu, hoàn thiện phiếu điều tra theo khung lý thuyết mới do ILO khuyến nghị để có thể áp dụng chính thức vào năm 2018;
- Kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế;
- Thực hiện điều tra phải đúng các nội dung quy định trong Phương án.
2. Đối tượng, đơn vị và phạm vi điều tra
2.1. Đối tượng điều tra
Đối tượng điều tra trong cuộc điều tra này là nhân khẩu thực tế thường trú từ 15 tuổi trở lên của hộ dân cư. Đối tượng điều tra bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ; không bao gồm những người thuộc lực lượng vũ trang sống trong các khu doanh trại.
2.2. Đơn vị điều tra
Đơn vị điều tra là hộ dân cư (sau đây gọi chung là Hộ). Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Họ có thể có hoặc không có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, nuôi dưỡng; có hoặc không có quỹ thu chi chung.
Chủ hộ (hoặc người am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin về nhân khẩu thực tế thường trú của hộ; các nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên sống tại Việt Nam là người cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động kinh tế của họ.
2.3. Phạm vi điều tra
Điều tra LĐVL 2017 là cuộc điều tra chọn mẫu được tiến hành trên phạm vi cả nước.
3. Thời điểm, thời kỳ và thời gian điều tra
3.1. Thời điểm điều tra
Thời điểm để xác định nhân khẩu thực tế thường trú của hộ là 0 giờ ngày 01 hàng tháng.
3.2. Thời kỳ điều tra
Thời kỳ điều tra (tham chiếu) là 07 ngày trước thời điểm điều tra, ngoại trừ trường hợp tìm kiếm việc làm thì thời gian tham chiếu là 30 ngày trước thời điểm điều tra.
3.3. Thời gian điều tra
Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn là 07 ngày (kể cả thời gian di chuyển), bắt đầu từ ngày 01 của tháng điều tra.
Cùng với thông tin định danh, nội dung Điều tra LĐVL 2017 bao gồm thông tin về nhân khẩu học của các thành viên trong hộ và thông tin về lao động việc làm của các thành viên từ 15 tuổi trở lên trong hộ, cụ thể:
- Thông tin về các thành viên là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ (để lọc ra nhóm đối tượng điều tra chính):
+ Họ và tên của từng người thực tế thường trú trong hộ;
+ Mối quan hệ với chủ hộ;
+ Giới tính;
+ Tháng, năm sinh hoặc tuổi tròn theo dương lịch;
+ Đối với những người từ 15 tuổi trở lên và đang cư trú ở nước ngoài; quốc gia đang cư trú, lý do cư trú và thời gian đã cư trú liên tục;
+ Đối với những người từ 15 tuổi trở lên và đang cư trú ở Việt Nam: tình trạng hoạt động kinh tế.
- Một số đặc trưng cơ bản của đối tượng điều tra chính (thành viên hộ từ 15 tuổi trở lên và đang sống tại Việt Nam):
+ Tình trạng hôn nhân;
+ Tình trạng và lý do di chuyển;
+ Trình độ học vấn/giáo dục phổ thông cao nhất;
+ Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất;
+ Phân loại tình trạng hoạt động kinh tế;
+ Công việc chính trong 7 ngày qua;
+ Công việc trước khi tạm nghỉ;
+ Số giờ làm việc, tiền công nhận được;
+ Tình trạng thiếu việc làm;
+ Tình trạng thất nghiệp hoặc không hoạt động kinh tế;
+ Đối với người có việc làm tạm thời, thất nghiệp hoặc không hoạt động kinh tế: chuyên ngành đào tạo và thời gian tốt nghiệp.
Ngoài ra, năm 2017 sẽ bổ sung điều tra thử nghiệm áp dụng tiêu chuẩn khái niệm mới của ILO về việc làm nhằm ước tính mức độ khác biệt của các chỉ tiêu lao động việc làm khi áp dụng tiêu chuẩn mới so với tiêu chuẩn cũ. Phiếu điều tra thử nghiệm bao gồm các nội dung sau:
- Thông tin về các thành viên là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ (để lọc ra nhóm đối tượng điều tra chính):
+ Họ và tên của từng người thực tế thường trú trong hộ;
+ Mối quan hệ với chủ hộ;
+ Giới tính;
+ Tháng, năm sinh hoặc tuổi tròn theo dương lịch;
+ Tình trạng đi học hiện tại và trình độ học vấn cao nhất đạt được.
- Các nội dung cơ bản về tình trạng việc làm của đối tượng điều tra chính (thành viên hộ từ 15 tuổi trở lên và đang sống tại Việt Nam):
+ Phân loại tình trạng hoạt động kinh tế;
+ Công việc chính trong 7 ngày qua;
+ Tình trạng hoạt động thị trường;
+ Số giờ làm việc, tiền công nhận được;
+ Công việc làm thêm trong 7 ngày qua;
+ Tình trạng thiếu việc làm;
+ Tình trạng thất nghiệp hoặc không hoạt động kinh tế;
+ Công việc tự sản, tự tiêu.
5. Phiếu điều tra và danh mục sử dụng trong điều tra
5.1. Phiếu điều tra
Cuộc điều tra sẽ áp dụng hai loại phiếu hỏi:
- Phiếu 01.CT/ĐTLĐVL-2017
Phiếu này được sử dụng cho Điều tra lao động việc làm chính thức năm 2017. Nội dung điều tra được thiết kế trên một tập phiếu điều tra, gồm thông tin của hộ và thông tin của các cá nhân từ 15 tuổi trở lên hiện sống tại Việt Nam (các câu hỏi về lao động, việc làm).
- Phiếu 02.TN/ĐTLĐVL-2017
Phiếu này được sử dụng cho Điều tra lao động việc làm thử nghiệm năm 2017. Nội dung điều tra được thiết kế trên một tập phiếu điều tra, gồm thông tin của hộ và thông tin của các cá nhân từ 15 tuổi trở lên hiện sống tại Việt Nam (các câu hỏi về lao động, việc làm). Ngoài ra, phiếu còn có thêm một số thông tin khác như việc làm trong nông nghiệp, vị thế việc làm, thời gian chờ việc... nhằm thí điểm áp dụng theo khung lý thuyết/tiêu chuẩn mới do ILO khuyến nghị. Hàng tháng, mỗi tỉnh/thành phố sẽ tiến hành điều tra thử nghiệm tại ít nhất 01 địa bàn riêng biệt so với điều tra chính thức.
Số lượng địa bàn phân bổ cho từng loại phiếu điều tra được quy định ở Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Phương án này.
5.2. Danh mục sử dụng trong điều tra
Điều tra LĐVL 2017 sử dụng 3 danh mục sau:
- Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và những thay đổi đã được Tổng cục Thống kê cập nhật đến thời điểm điều tra;
- Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ;
- Danh mục nghề nghiệp ban hành theo Quyết định số 1019/QĐ-TCTK ngày 12/11/2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
6. Loại điều tra, phương pháp thu thập thông tin
6.1. Loại điều tra
Điều tra LĐVL 2017 là điều tra chọn mẫu. Quy mô mẫu của Điều tra chính thức được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện thống kê của số liệu theo quý cho cấp vùng, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và theo năm cho cấp tỉnh. Quy mô mẫu của Điều tra thử nghiệm được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện số liệu 6 tháng và năm cho cấp toàn quốc, thành thị, nông thôn. Các địa bàn của điều tra chính thức sẽ không trùng với các địa bàn điều tra thử nghiệm.
Mẫu điều tra được thiết kế phân tầng 02 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1 (chọn địa bàn): mỗi tỉnh tạo thành một tầng chính được chia ra 02 tầng thứ cấp là thành thị và nông thôn, ở giai đoạn này, danh sách địa bàn điều tra của tỉnh (dàn mẫu chủ - lấy từ mẫu 20% của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01/4/2014) được chia thành 02 dàn mẫu độc lập (thành thị và nông thôn) và chọn các địa bàn theo phương pháp xác suất tỷ lệ với qui mô hộ của địa bàn. Việc chọn địa bàn điều tra do Tổng cục Thống kê (Vụ Thống kê Dân số và Lao động - sau đây viết tắt là Vụ DSLĐ) thực hiện.
Giai đoạn 2 (chọn hộ):
Đối với địa bàn điều tra chính thức: tại mỗi địa bàn điều tra mẫu được chọn ở Giai đoạn 1, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Cục Thống kê cấp tỉnh) rà soát, cập nhật địa bàn (đặc biệt chú ý những địa bàn ở khu vực có sự thay đổi về loại hình đơn vị hành chính như từ xã lên phường/thị trấn,...). Bước tiếp theo, Cục Thống kê cấp tỉnh lập bảng kê và phân chia danh sách hộ trong địa bàn điều tra mẫu thành 2 nhóm ứng với 2 phần nửa trên và nửa dưới của bảng kê. Sau đó, tại mỗi nhóm, Cục Thống kê cấp tỉnh chọn 15 hộ theo phương pháp chọn hệ thống. Hộ mẫu trong từng nhóm được thu thập thông tin trong từng kỳ điều tra quý theo cơ chế luân phiên.
Đối với địa bàn điều tra thử nghiệm: sau khi rà soát địa bàn, Cục Thống kê cấp tỉnh rà soát, lập bảng kê thực hiện chọn mẫu 15 hộ theo phương pháp chọn hệ thống. Hộ mẫu của các địa bàn này sẽ được điều tra duy nhất một lần trong năm.
Danh sách địa bàn điều tra chính thức và điều tra thử nghiệm của mỗi tỉnh sẽ được Vụ DSLĐ lập và gửi Cục Thống kê cấp tỉnh để thực hiện.
6.2. Phương pháp thu thập thông tin
Thực hiện điều tra theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp, điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra.
7. Phương pháp xử lý thông tin, tổng hợp và biểu đầu ra của điều tra
7.1. Phương pháp xử lý thông tin
Việc xử lý thông tin được thực hiện bằng chương trình nhập tin. Cục Thống kê cấp tỉnh thực hiện nhập tin theo chương trình do Tổng cục quy định và truyền dữ liệu về Tổng cục trước ngày 15 hàng tháng.
7.2. Tổng hợp và biểu đầu ra của điều tra
Vụ DSLĐ biên soạn nội dung, thiết kế hệ thống biểu đầu ra và quy định tổng hợp số liệu; chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tin học Thống kê (sau đây viết tắt là COSIS) thực hiện tổng hợp kết quả điều tra.
Điều tra LĐVL 2017 được thực hiện theo kế hoạch thời gian như sau:
TT | Nội dung công việc | Thời gian thực hiện/hoàn thành | Đơn vị phụ trách |
1 | Xây dựng phương án | Tháng 10/2016 | Vụ DSLĐ |
2 | Thiết kế mẫu phiếu điều tra | Tháng 10/2016 | Vụ DSLĐ |
3 | Xây dựng sổ tay nghiệp vụ và các tài liệu khác | Tháng 10/2016 | Vụ DSLĐ |
4 | Thiết kế mẫu | Tháng 10/2016 | Vụ DSLĐ |
5 | Rà soát địa bàn điều tra | Trước 20/12/2016 | CTK |
6 | Cấp phát kinh phí | Tháng 11/2016 | Vụ KHTC |
7 | Cập nhật, hiệu chỉnh bảng kê | Trước 30/12/2016 | CTK |
8 | Chia nhóm và chọn hộ điều tra | Trước 30/12/2016 | CTK |
9 | Rà soát hộ được chọn điều tra hàng tháng | 01 ngày trước ngày 01 hàng tháng | CTK |
10 | Nhân bản tài liệu điều tra (phương án, phiếu và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra) cho đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn cấp Trung ương | Tháng 10/2016 | CTK |
11 | Tổ chức hội nghị tập huấn cấp Trung ương cho giảng viên chủ chốt cấp tỉnh và giám sát viên | Tuần đầu tiên tháng 11/2016 | Vụ DSLĐ & Văn phòng Tổng cục Thống kê |
12 | Tổ chức biên soạn, xuất bản, in, phát hành phiếu điều tra và các tài liệu phục vụ lớp tập huấn do Cục Thống kê cấp tỉnh tổ chức và phục vụ điều tra thực địa | Tháng 10-11/2016 | Nhà Xuất bản Thống kê |
13 | Tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, đội trưởng, giám sát viên cấp tỉnh và thực hiện công tác chuẩn bị cho điều tra tại địa bàn | Tháng 11/2016 | CTK |
14 | Xây dựng chương trình nhập tin | Tháng 11, 12/2016 | COSIS |
15 | Điều tra và giám sát điều tra tại địa bàn | Theo thời gian điều tra | Vụ DSLĐ, Vụ PCTT và CTK |
16 | Bàn giao báo cáo nhanh và phiếu điều tra cho Cục Thống kê cấp tỉnh | Ngay sau khi kết thúc điều tra mỗi tháng | Tổ trưởng và Chi Cục Thống kê |
17 | Nghiệm thu, kiểm tra, đánh mã, làm sạch và hoàn thiện phiếu điều tra | Ngay sau khi kết thúc điều tra mỗi tháng | CTK |
18 | - Nhập tin - Truyền dữ liệu nhập tin về Tổng cục (theo từng tháng). | Theo Mục 7 của Phương án này | CTK |
19 | Gửi báo cáo hộ được chọn điều tra và báo cáo hộ thay thế (nếu có) về Vụ DSLĐ | Quý 1: 12/3/2017 Quý 2: 12/6/2017 Quý 3: 12/9/2017 Quý 4: 12/12/2017 | CTK |
20 | Xử lý số liệu điều tra đã nhập tin | Ngày 20 hàng tháng. | COSIS |
21 | Tổng hợp số liệu | Ngày 22 tháng cuối quý | Vụ DSLĐ |
22 | Biên soạn báo cáo phân tích kết quả ước tính phục vụ họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội hàng quý/6 tháng/9 tháng/năm của Tổng cục Thống kê | Quý 1:26/3/2017 Quý 2: 26/6/2017 Quý 3: 26/9/2017 Quý 4 và năm 2017: 26/12/2017 | Vụ DSLĐ |
23 | Đánh giá chất lượng, phân tích và biên soạn báo cáo đầy đủ kết quả chủ yếu của cuộc điều tra | Quý 1: 20/5/2017 Quý 2: 20/8/2017 Quý 3: 20/11/2017 Quý 4: 20/12/2017 Năm 2017: 10/4/2018 | Vụ DSLĐ |
24 | Tổ chức biên soạn, in, xuất bản và phát hành báo cáo kết quả điều tra | Năm 2018 | Nhà Xuất bản Thống kê |
9.1. Công tác chuẩn bị
a) Rà soát địa bàn, cập nhật, hiệu chỉnh bảng kê và chọn hộ điều tra
Địa bàn Điều tra LĐVL 2017 là khu vực dân cư được phân định trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, được rà soát và cập nhật trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014. Các địa bàn điều tra có ranh giới rõ ràng hoặc tương đối rõ ràng, được thể hiện trên sơ đồ địa bàn điều tra để giao cho điều tra viên phỏng vấn ghi phiếu.
Bảng kê số nhà, số hộ, số người được sử dụng làm dàn mẫu để chọn các hộ điều tra; là công cụ quan trọng giúp điều tra viên tiếp cận hộ nhanh chóng, thuận tiện, để tổ trưởng giám sát công việc của điều tra viên. Do đó việc lập bảng kê phải được xác định như là điều tra bước 1 của cuộc điều tra này.
Công tác rà soát địa bàn và cập nhật, bảng kê được thực hiện vào tháng 12 năm 2016. Công tác rà soát hộ được chọn điều tra phải thực hiện 01 ngày trước ngày 01 hàng tháng. Vụ DSLĐ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về rà soát địa bàn, cập nhật bảng kê và chọn hộ điều tra cho Cục Thống kê cấp tỉnh. Cục Thống kê cấp tỉnh giao Chi cục Thống kê cấp huyện phối hợp với cán bộ thôn/xóm/ấp/bản/tổ dân phố tiến hành rà soát, cập nhật đầy đủ bảng kê để phục vụ bước chọn hộ điều tra theo đúng kế hoạch.
b) Chọn điều tra viên và tổ trưởng
Do Điều tra LĐVL 2017 là cuộc điều tra chuyên sâu, để bảo đảm yêu cầu chất lượng và ổn định lực lượng thu thập thông tin, yêu cầu điều tra viên và tổ trưởng là những người có kinh nghiệm điều tra thống kê (ưu tiên những người đã tham gia các cuộc Điều tra LĐVL từ năm 2011 đến nay). Riêng đối với điều tra thử nghiệm (phiếu 02.TN/ĐTLĐVL-2017), yêu cầu điều tra viên và tổ trưởng là người có trình độ đào tạo từ trung học phổ thông trở lên, không phải là điều tra viên của Điều tra chính thức và chưa từng tham gia các cuộc điều tra lao động việc làm trước đây.
Đối với các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa có người dân tộc không nói được tiếng phổ thông thì Cục Thống kê cấp tỉnh thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch. Trường hợp đặc thù phải tuyển chọn điều tra viên từ nơi khác đến, Cục Thống kê cấp tỉnh thuê người sở tại thông thạo địa bàn giúp điều tra viên tiếp cận hộ điều tra.
c) Tập huấn nghiệp vụ điều tra
Tập huấn nghiệp vụ điều tra: Tập huấn nghiệp vụ điều tra được thực hiện ở 02 cấp.
- Cấp Trung ương (tập huấn giảng viên chủ chốt cấp tỉnh và giám sát viên): Tổng cục Thống kê tổ chức 02 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho Lãnh đạo Cục Thống kê cấp tỉnh và giảng viên chủ chốt cấp tỉnh tại hai miền Bắc, miền Nam. Thời gian mỗi hội nghị tập huấn là 3 ngày. Đối với các tỉnh miền Bắc tập huấn từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 02 tháng 11 năm 2016 và miền Nam từ ngày 04 tháng 11 đến ngày 06 tháng 11 năm 2016. Trong hội nghị tập huấn có bố trí thời gian thực tập phỏng vấn tại thực địa.
- Cấp tỉnh: Cục Thống kê cấp tỉnh tổ chức 02 Hội nghị tập huấn riêng biệt cho điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên đối với từng loại phiếu điều tra, Thời gian mỗi hội nghị là 02 ngày vào nửa cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm 2016; trong đó có bố trí thời gian thực hành phỏng vấn, kiểm tra và phân loại học viên. Cục trưởng Cục Thống kê có trách nhiệm tổ chức Hội nghị tập huấn theo đúng quy trình, nội dung nghiệp vụ và thời gian quy định cho điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên trong cuộc điều tra này.
d) Tài liệu điều tra
Tài liệu điều tra bao gồm phiếu điều tra và các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ do Tổng cục Thống kê thiết kế, in và phân phối cho Cục Thống kê.
9.2. Công tác điều tra thực địa
Cục Thống kê cấp tỉnh chỉ đạo Chi cục Thống kê cấp huyện tổ chức thực hiện điều tra tại địa bàn, bảo đảm việc thu thập thông tin được thực hiện tại hộ được chọn điều tra, đúng yêu cầu chất lượng và thời hạn quy định.
9.3. Công tác kiểm tra, giám sát
Trong cuộc điều tra này, hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào quá trình rà soát địa bàn điều tra, cập nhật bảng kê, thu thập thông tin tại hộ và kiểm tra, ghi mã phiếu điều tra. Công tác kiểm tra, giám sát được quy định chi tiết trong tài liệu “Hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”.
9.4. Kiểm tra, ghi mã phiếu điều tra, bàn giao tài liệu và xử lý thông tin
a) Tổ trưởng
Tổ trưởng kiểm tra toàn diện 100% phiếu điều tra của các điều tra viên do mình phụ trách trước khi bàn giao cho Chi Cục Thống kê cấp huyện, bảo đảm tuân thủ đúng các bước nhảy ghi trên phiếu, không có lỗi lô-gíc, các thông tin định danh được ghi đầy đủ,... theo quy định trong tài liệu “Hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”. Tổ trưởng làm báo cáo nhanh kết quả điều tra (nêu trong tài liệu “Hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”), bàn giao báo cáo nhanh cùng với phiếu điều tra, bảng kê và danh sách hộ được chọn điều tra về Chi Cục Thống kê cấp huyện theo kế hoạch quy định.
b) Chi Cục Thống kê cấp huyện
Chi Cục Thống kê cấp huyện lập báo cáo nhanh kết quả điều tra (nêu trong tài liệu “Hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”); bàn giao báo cáo nhanh cùng với phiếu điều tra, bảng kê và danh sách hộ được chọn điều tra về Cục Thống kê cấp tỉnh theo kế hoạch quy định.
c) Cục Thống kê cấp tỉnh
Trên cơ sở báo cáo nhanh của các Chi Cục Thống kê cấp huyện, Cục Thống kê cấp tỉnh làm báo cáo nhanh kết quả điều tra theo mẫu nêu trong tài liệu “Hướng dẫn nghiệp vụ điều tra”, gửi về Tổng cục Thống kê (Vụ DSLĐ) theo kế hoạch.
Ngay sau khi nghiệm thu và nhận bàn giao phiếu điều tra với các tổ trưởng, Cục Thống kê cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, ghi mã, nhập tin phiếu điều tra, truyền dữ liệu về Tổng cục Thống kê theo quy định, sau đó lưu giữ, bảo quản toàn bộ phiếu điều tra tại Cục Thống kê để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra của Tổng cục Thống kê (nếu có).
d) Vụ Thống kê Dân số và Lao động
- Cung cấp cho COSIS phiếu và các thuật toán logic để phục vụ việc xây dựng chương trình nhập tin, xử lý, tổng hợp thông tin điều tra.
- Biên soạn nội dung và quy trình hiệu đính, thiết kế mẫu biểu và quy định tổng hợp số liệu; phối hợp với COSIS xây dựng chương trình nhập tin và tổng hợp kết quả nhập tin;
- Chạy biểu tổng hợp kết quả của cuộc điều tra và gửi kết quả tổng hợp về địa phương để nghiên cứu sử dụng, đồng thời tiến hành đánh giá chất lượng, phân tích, biên soạn và phát hành kết quả điều tra theo kế hoạch đã nêu tại Mục 8 của Phương án này.
đ) Trung tâm Tin học Thống kê
- Chủ trì công tác nhập tin cả hai loại phiếu điều tra chính thức và thử nghiệm; phối hợp với Vụ DSLĐ tổng hợp kết quả nhập tin, bảo đảm cung cấp số liệu theo thời gian quy định tại Phương án này.
- Hướng dẫn và hỗ trợ các Cục Thống kê cấp tỉnh nhập tin và truyền dữ liệu về Tổng cục Thống kê.
- Xử lý số liệu nhập tin và cung cấp cho Vụ DSLĐ dữ liệu vi mô của 63 tỉnh/thành phố với định dạng có thể dùng trong môi trường STATA, SPSS vào ngày 18 hàng tháng.
- Phối hợp với Vụ DSLĐ chạy hệ biểu tổng hợp kết quả đầu ra xuất ra chương trình Excel để gửi các Cục Thống kê nghiên cứu sử dụng.
9.5. Chỉ đạo thực hiện
Ngoài những nhiệm vụ đã được phân công ở các nội dung nêu tại các mục trong Phương án này, các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện những nội dung sau đây:
a) Vụ Thống kê Dân số và Lao động chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện toàn bộ cuộc điều tra, bao gồm: xây dựng phương án, thiết kế mẫu, tính quyền số suy rộng, thiết kế phiếu điều tra và biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra; hướng dẫn công tác chọn mẫu và cập nhật bảng kê; gửi bản mềm (file định dạng pdf) phương án, phiếu và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra cho các Cục Thống kê để nhân bản cho đại biểu tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra cấp Trung ương; lập kế hoạch in và phân phối phiếu và tài liệu điều tra; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát điều tra; xây dựng quy trình hiệu đính, kiểm tra phiếu và kết quả ghi mã số, xử lý và tổng hợp số liệu, phân tích và công bố kết quả điều tra,
b) Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ DSLĐ, Vụ Kế hoạch tài chính và COSIS xây dựng kế hoạch xử lý thông tin của cuộc điều tra để đưa vào Kế hoạch công nghệ thông tin năm 2017 của Tổng cục Thống kê.
c) Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì và phối hợp với Vụ DSLĐ dự trù kinh phí; bảo đảm kinh phí cho cuộc điều tra; hướng dẫn định mức chi tiêu cho các đơn vị sử dụng kinh phí cuộc điều tra (Cục Thống kê cấp tỉnh, Văn phòng Tổng cục, COSIS, Nhà xuất bản Thống kê và những đơn vị khác có sử dụng kinh phí); cấp phát kinh phí; hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp và duyệt báo cáo quyết toán tài chính của các đơn vị.
d) Văn phòng Tổng cục Thống kê: phối hợp với Vụ DSLĐ tổ chức thành công hội nghị tập huấn cấp Trung ương theo thời gian quy định tại Điểm c, Mục 9.1 của Phương án này.
đ) Nhà Xuất bản Thống kê: tổ chức biên soạn, xuất bản, in phiếu và các tài liệu liên quan đến điều tra, phát hành đến các Cục Thống kê và các đơn vị liên quan theo danh sách do Vụ DSLĐ cung cấp, bảo đảm chất lượng in ấn và đúng tiến độ quy định.
e) Trung tâm Tin học thống kê thực hiện các nhiệm vụ như đã nêu ở điểm đ của Mục 9.4.
g) Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê độc lập tiến hành kiểm tra, thanh tra cuộc điều tra trên phạm vi cả nước, đồng thời hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm tra để Cục Thống kê cấp tỉnh tổ chức kiểm tra thực hiện phương án điều tra.
h) Cục Thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm nhân bản tài liệu điều tra (phương án, phiếu và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra) cho đại biểu của Cục tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra cấp Trung ương; tổ chức, chỉ đạo toàn diện cuộc điều tra theo phương án điều tra tại các địa bàn điều tra đã được chọn từ bước rà soát địa bàn, cập nhật, bảng kê; tuyển chọn; tập huấn cho điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên; điều tra thực địa; giám sát, kiểm tra việc tập huấn và thu thập thông tin tại địa bàn; nghiệm thu, bàn giao phiếu; nhập tin phiếu điều tra, truyền dữ liệu về Tổng cục Thống kê.
Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về chất lượng thông tin điều tra và quản lý, sử dụng kinh phí điều tra thuộc địa phương mình.
Trong thời gian điều tra, Cục Thống kê cấp tỉnh phân công người đã được tập huấn nghiệp vụ trực tiếp xuống từng địa bàn để kiểm tra, giám sát điều tra viên. Cục Thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm đánh giá, nghiệm thu và ghi mã toàn bộ phiếu trước khi nhập tin và gửi dữ liệu cho Tổng cục Thống kê. Quy định tất cả các địa bàn điều tra phải được giám sát và phản ánh kết quả trong phiếu giám sát của tổ trưởng và giám sát viên.
Để tạo sự ủng hộ của các cấp, các ngành và người dân đối với cuộc điều tra, Cục Thống kê cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên, tranh thủ sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân các cấp, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng điều tra tại các địa bàn điều tra.
i) Chi Cục Thống kê cấp huyện có nhiệm vụ hướng dẫn điều tra viên thực hiện nhiệm vụ; tham gia giám sát công tác điều tra ở địa bàn theo phân công của Cục Thống kê cấp tỉnh; nghiệm thu phiếu điều tra và lập báo cáo nhanh theo mẫu quy định sau khi kết thúc điều tra.
Kinh phí điều tra được ngân sách Nhà nước bảo đảm cho các hoạt động quy định trong Phương án này. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, Kinh phí điều tra được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, đúng định mức, tiết kiệm và hiệu quả./.
PHÂN BỔ ĐỊA BÀN TRA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 719/QĐ-TCTK ngày 24/10/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
(Sử dụng cho bảng hỏi chính thức)
Mã tỉnh | Tên | Tổng số | Thành thị | Nông thôn |
| Toàn quốc | 3,828 | 1,668 | 2,160 |
1 | Hà Nội | 216 | 126 | 90 |
2 | Hà Giang | 57 | 18 | 39 |
4 | Cao Bằng | 57 | 24 | 33 |
6 | Bắc Kạn | 57 | 21 | 36 |
8 | Tuyên Quang | 54 | 15 | 39 |
10 | Lào Cai | 57 | 27 | 30 |
11 | Điện Biên | 54 | 21 | 33 |
12 | Lai Châu | 54 | 21 | 33 |
14 | Sơn La | 54 | 21 | 33 |
15 | Yên Bái | 57 | 24 | 33 |
17 | Hòa Bình | 57 | 21 | 36 |
19 | Thái Nguyên | 54 | 24 | 30 |
20 | Lạng Sơn | 54 | 21 | 33 |
22 | Quảng Ninh | 54 | 30 | 24 |
24 | Bắc Giang | 57 | 15 | 42 |
25 | Phú Thọ | 60 | 21 | 39 |
26 | Vĩnh Phúc | 54 | 21 | 33 |
27 | Bắc Ninh | 54 | 21 | 33 |
30 | Hải Dương | 54 | 24 | 30 |
31 | Hải Phòng | 54 | 33 | 21 |
33 | Hưng Yên | 57 | 15 | 42 |
34 | Thái Bình | 54 | 9 | 45 |
35 | Hà Nam | 54 | 15 | 39 |
36 | Nam Định | 54 | 24 | 30 |
37 | Ninh Bình | 54 | 18 | 36 |
38 | Thanh Hóa | 72 | 15 | 57 |
40 | Nghệ An | 72 | 24 | 48 |
42 | Hà Tĩnh | 54 | 18 | 36 |
44 | Quảng Bình | 54 | 15 | 39 |
45 | Quảng Trị | 54 | 24 | 30 |
46 | Thừa Thiên Huế | 54 | 30 | 24 |
48 | Đà Nẵng | 54 | 48 | 6 |
49 | Quảng Nam | 54 | 18 | 36 |
51 | Quảng Ngãi | 54 | 15 | 39 |
52 | Bình Định | 54 | 24 | 30 |
54 | Phú Yên | 54 | 21 | 33 |
56 | Khánh Hòa | 54 | 30 | 24 |
58 | Ninh Thuận | 54 | 30 | 24 |
60 | Bình Thuận | 54 | 30 | 24 |
62 | Kon Tum | 60 | 33 | 27 |
64 | Gia Lai | 66 | 30 | 36 |
66 | Đắk Lắk | 60 | 24 | 36 |
67 | Đắk Nông | 66 | 15 | 51 |
68 | Lâm Đồng | 60 | 36 | 24 |
70 | Bình Phước | 60 | 18 | 42 |
72 | Tây Ninh | 60 | 24 | 36 |
74 | Bình Dương | 60 | 27 | 33 |
75 | Đồng Nai | 60 | 30 | 30 |
77 | Bà Rịa-Vũng Tàu | 60 | 30 | 30 |
79 | TP Hồ Chí Minh | 180 | 150 | 30 |
80 | Long An | 54 | 18 | 36 |
82 | Tiền Giang | 54 | 18 | 36 |
83 | Bến Tre | 54 | 27 | 27 |
84 | Trà Vinh | 54 | 18 | 36 |
86 | Vĩnh Long | 54 | 15 | 39 |
87 | Đồng Tháp | 54 | 18 | 36 |
89 | An Giang | 54 | 24 | 30 |
91 | Kiên Giang | 54 | 24 | 30 |
92 | Cần Thơ | 54 | 36 | 18 |
93 | Hậu Giang | 54 | 21 | 33 |
94 | Sóc Trăng | 54 | 18 | 36 |
95 | Bạc Liêu | 54 | 24 | 30 |
96 | Cà Mau | 54 | 18 | 36 |
PHÂN BỔ ĐỊA BÀN TRA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 719/QĐ-TCTK ngày 24/10/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
(Sử dụng cho bảng hỏi thí điểm)
Mã tỉnh | Tên tỉnh | Tổng số | Thành thị | Nông thôn |
| Toàn quốc | 780 | 332 | 448 |
1 | Hà Nội | 24 | 14 | 10 |
2 | Hà Giang | 12 | 4 | 8 |
4 | Cao Bằng | 12 | 5 | 7 |
6 | Bắc Kạn | 12 | 4 | 8 |
8 | Tuyên Quang | 12 | 3 | 9 |
10 | Lào Cai | 12 | 6 | 6 |
11 | Điện Biên | 12 | 5 | 7 |
12 | Lai Châu | 12 | 5 | 7 |
14 | Sơn La | 12 | 5 | 7 |
15 | Yên Bái | 12 | 5 | 7 |
17 | Hòa Bình | 12 | 4 | 8 |
19 | Thái Nguyên | 12 | 5 | 7 |
20 | Lạng Sơn | 12 | 5 | 7 |
22 | Quảng Ninh | 12 | 7 | 5 |
24 | Bắc Giang | 12 | 3 | 9 |
25 | Phú Thọ | 12 | 4 | 8 |
26 | Vĩnh Phúc | 12 | 5 | 7 |
27 | Bắc Ninh | 12 | 5 | 7 |
30 | Hải Dương | 12 | 5 | 7 |
31 | Hải Phòng | 12 | 7 | 5 |
33 | Hưng Yên | 12 | 3 | 9 |
34 | Thái Bình | 12 | 2 | 10 |
35 | Hà Nam | 12 | 3 | 9 |
36 | Nam Định | 12 | 5 | 7 |
37 | Ninh Bình | 12 | 4 | 8 |
38 | Thanh Hóa | 12 | 3 | 9 |
40 | Nghệ An | 12 | 4 | 8 |
42 | Hà Tĩnh | 12 | 4 | 8 |
44 | Quảng Bình | 12 | 3 | 9 |
45 | Quảng Trị | 12 | 5 | 7 |
46 | Thừa Thiên Huế | 12 | 7 | 5 |
48 | Đà Nẵng | 12 | 11 | 1 |
49 | Quảng Nam | 12 | 4 | 8 |
51 | Quảng Ngãi | 12 | 3 | 9 |
52 | Bình Định | 12 | 5 | 7 |
54 | Phú Yên | 12 | 5 | 7 |
56 | Khánh Hòa | 12 | 7 | 5 |
58 | Ninh Thuận | 12 | 7 | 5 |
60 | Bình Thuận | 12 | 7 | 5 |
62 | Kon Tum | 12 | 7 | 5 |
64 | Gia Lai | 12 | 5 | 7 |
66 | Đắk Lắk | 12 | 5 | 7 |
67 | Đắk Nông | 12 | 3 | 9 |
68 | Lâm Đồng | 12 | 7 | 5 |
70 | Bình Phước | 12 | 4 | 8 |
72 | Tây Ninh | 12 | 5 | 7 |
74 | Bình Dương | 12 | 5 | 7 |
75 | Đồng Nai | 12 | 6 | 6 |
77 | Bà Rịa-Vũng Tàu | 12 | 6 | 6 |
79 | TP Hồ Chí Minh | 24 | 20 | 4 |
80 | Long An | 12 | 4 | 8 |
82 | Tiền Giang | 12 | 4 | 8 |
83 | Bến Tre | 12 | 6 | 6 |
84 | Trà Vinh | 12 | 4 | 8 |
86 | Vĩnh Long | 12 | 3 | 9 |
87 | Đồng Tháp | 12 | 4 | 8 |
89 | An Giang | 12 | 5 | 7 |
91 | Kiên Giang | 12 | 5 | 7 |
92 | Cần Thơ | 12 | 8 | 4 |
93 | Hậu Giang | 12 | 5 | 7 |
94 | Sóc Trăng | 12 | 4 | 8 |
95 | Bạc Liêu | 12 | 5 | 7 |
96 | Cà Mau | 12 | 4 | 8 |
- 1Công văn số 1676/PAĐT-LĐTNXH ngày 30/05/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phương án điều tra lao động - việc làm 1/7/2003
- 2Công văn 2455/LĐTBXH-LĐTL năm 2016 thực hiện điều tra lao động và tiền lương trong doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Quyết định 1095/QĐ-LĐTBXH năm 2016 phê duyệt kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Quyết định 592/QĐ-TCTK năm 2018 về tiến hành Điều tra lao động việc làm năm 2019 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 5Quyết định 909/QĐ-TCTK năm 2021 về Phương án Điều tra lao động việc làm năm 2022 do Tổng cục Thống kê ban hành
- 6Quyết định 1750/QĐ-TCTK năm 2020 về tiến hành Điều tra lao động việc làm năm 2021 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 1Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn số 1676/PAĐT-LĐTNXH ngày 30/05/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phương án điều tra lao động - việc làm 1/7/2003
- 3Quyết định 124/2004/QĐ-TTg ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1019/QĐ-TCTK năm 2008 về danh mục dân tộc, tôn giáo và nghề nghiệp áp dụng cho tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 6Quyết định 65/2013/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Luật thống kê 2015
- 8Công văn 2455/LĐTBXH-LĐTL năm 2016 thực hiện điều tra lao động và tiền lương trong doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 9Nghị định 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia
- 10Quyết định 1095/QĐ-LĐTBXH năm 2016 phê duyệt kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 11Quyết định 592/QĐ-TCTK năm 2018 về tiến hành Điều tra lao động việc làm năm 2019 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 12Quyết định 909/QĐ-TCTK năm 2021 về Phương án Điều tra lao động việc làm năm 2022 do Tổng cục Thống kê ban hành
- 13Quyết định 1750/QĐ-TCTK năm 2020 về tiến hành Điều tra lao động việc làm năm 2021 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
Quyết định 719/QĐ-TCTK năm 2016 về tiến hành Điều tra lao động việc làm năm 2017 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- Số hiệu: 719/QĐ-TCTK
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/10/2016
- Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
- Người ký: Nguyễn Văn Liệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra