ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/2009/QĐ-UBND | Nha Trang, ngày 08 tháng 9 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 656/TTr-STTTT ngày 06 tháng 8 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1624/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2007 về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2009/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Khánh Hòa (gọi chung là cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa) theo các quy định của pháp luật về báo chí.
Điều 2. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (sau đây gọi là người phát ngôn) của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân công người phát ngôn của Ủy ban nhân dân tỉnh và thành lập Tổ cung cấp thông tin cho báo chí, bao gồm lãnh đạo của các cơ quan: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Cục Thống kê, Hội Nhà báo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy do Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng.
b) Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc phân công người phát ngôn chính thức của cơ quan, địa phương cho báo chí và chịu trách nhiệm về nội dung phát ngôn và những thông tin cung cấp cho báo chí.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Tổ cung cấp thông tin cho báo chí bao gồm lãnh đạo của các đơn vị: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài chính và Kế hoạch, Phòng Thống kê, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Văn phòng Huyện ủy do Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân làm Tổ trưởng.
2. Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải công bố bằng văn bản về họ tên, chức vụ người phát ngôn của cơ quan, địa phương để Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh biết. Khi có thay đổi người phát ngôn, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa phải có văn bản thông báo việc thay đổi.
3. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan, địa phương phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
4. Người phát ngôn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
a) Là cán bộ, công chức thuộc biên chế nhà nước và đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa.
b) Có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan.
c) Có am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan, địa phương đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí.
d) Có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí.
5. Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật, không trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí.
Chương II
PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ
Điều 3. Phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ
1. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, điều hành Tổ cung cấp thông tin cho báo chí, tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thông qua các hình thức sau:
a) Hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trên Trang tin điện tử do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành.
b) Ba tháng một lần, tổ chức họp báo theo đúng quy định hiện hành để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
c) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Trang tin điện tử của Chính phủ theo quy định hiện hành.
2. Sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động của cơ quan, địa phương, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý cho báo chí qua các hình thức sau:
a) Hàng tháng hoặc ít nhất ba tháng một lần cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trên Trang tin điện tử của cơ quan, địa phương (nếu có) và cung cấp cho Trang tin điện tử của tỉnh theo quy định.
b) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản, làm việc trực tiếp hoặc tổ chức họp báo. Việc tổ chức họp báo thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Nội dung thông tin cho báo chí phải gửi Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi và phối hợp.
c) Định kỳ hàng quý, các cơ quan hành chính nhà nước nếu có yêu cầu truyền thông trong quý kế tiếp cho báo chí các thông tin về các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý thì có văn bản gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trước ngày 25 của tháng cuối quý để tổng hợp và thông qua trong cuộc họp giao ban báo chí hàng tháng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Điều 4. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường
Người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:
1. Khi xảy ra các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, đột xuất, biến động nhạy cảm thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, địa phương, kể từ khi sự việc xảy ra, người phát ngôn của cơ quan, địa phương phải có trách nhiệm cung cấp thông tin ngay cho báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông), người phát ngôn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời hạn không quá 04 (bốn) giờ bằng các phương tiện nhanh nhất, kể cả trong những ngày nghỉ.
2. Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, địa phương nhằm ổn định, định hướng và cảnh báo kịp thời trong xã hội; thông tin về quan điểm và cách xử lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa có liên quan đối với các sự kiện, vấn đề đó.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 02 (hai) ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.
3. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có văn bản hoặc tiếp xúc trực tiếp yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, địa phương.
4. Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan, địa phương quản lý và yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn
1. Người phát ngôn được nhân danh, đại diện cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới được coi là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Khánh Hòa.
2. Người phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ quan, địa phương cung cấp thông tin để phát ngôn, để cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quy chế này hoặc để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí theo quy định của pháp luật.
3. Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau:
a) Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước, những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn.
b) Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
c) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
d) Những kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép công bố.
4. Người phát ngôn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.
Trong trường hợp người phát ngôn không phải là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thì còn phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về tính chính xác, tính trung thực của nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.
5. Đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, người phát ngôn có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về nội dung phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trước khi công bố.
6. Người phát ngôn được đào tạo, tập huấn về nội dung và kỹ năng phát ngôn, được xét khen thưởng hoặc bị kỷ luật do vi phạm quy chế này và theo các quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Chế độ báo cáo tình hình thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Chế độ báo cáo
a) Báo cáo định kỳ
- Định kỳ hàng quý (bao gồm các báo cáo quý I, quý II và quý III): chậm nhất vào ngày 15 của tháng cuối quý, các sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo tình hình thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo những nội dung quy định đến Sở Thông tin và Truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối quý.
- Báo cáo năm: chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hàng năm, các sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo tình hình thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo những nội dung quy định đến Sở Thông tin và Truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 hàng năm.
b) Báo cáo đột xuất: các sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Nội dung báo cáo
- Số lượt phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí, nguồn cung cấp thông tin.
- Nội dung, mục đích cung cấp thông tin cho báo chí và người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí.
- Tên cơ quan báo chí, thu thập thông tin phát ngôn (đài, báo nào).
- Đánh giá kết quả sau khi cung cấp thông tin cho báo chí, về mức độ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, chính trị trong cơ quan, đơn vị và ngoài xã hội.
- Những đề xuất, kiến nghị có liên quan đến việc phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, địa phương (nếu có).
Điều 7. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Phối hợp với Sở Nội vụ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Tổ cung cấp thông tin cho báo chí và phê duyệt quy chế làm việc của Tổ.
2. Hướng dẫn nội dung cần thông tin định kỳ hoặc đột xuất cho báo chí của sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện để đảm bảo sự phối hợp tốt trong cung cấp thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Tổ chức thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin được quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Điều 4 Quy chế này.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, sở, ban ngành cấp tỉnh và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện Quy chế này.
2. Thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin được quy định tại Khoản 2 Điều 3 và Điều 4 Quy chế này.
3. Thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
Điều 9. Trách nhiệm của sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Công bố họ, tên, chức vụ người phát ngôn của cơ quan, địa phương bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông, và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực.
2. Thực hiện chế độ báo cáo đến Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
3. Thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được quy định tại Khoản 2 Điều 3 và Điều 4 Quy chế này.
Điều 10. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thi hành Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 11/2008/QĐ-UBND về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 2Quyết định 1624/QĐ-UBND năm 2007 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa
- 3Quyết định 15/2009/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương kèm theo Quyết định 637/2008/QĐ-UBND của tỉnh Ninh Bình
- 4Quyết định 38/2008/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Lào Cai
- 5Quyết định 48/2008/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 6Quyết định 05/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 7Quyết định 493/QĐ-UBND năm 2009 về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 8Quyết định 1963/QĐ-UBND năm 2009 về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 9Quyết định 70/2008/QĐ-UBND về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 10Quyết định 51/2008/QĐ-UBND quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An
- 11Quyết định 1671/2009/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 12Quyết định 25/2013/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang
- 13Quyết định 2277/2008/QĐ-UBND về Quy định phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 14Quyết định 27/2013/QĐ-UBND Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Khánh Hòa
- 1Quyết định 77/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Báo chí 1989
- 3Luật Báo chí sửa đổi 1999
- 4Nghị định 51/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Báo chí, Luật Báo chí sửa đổi
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Quyết định 11/2008/QĐ-UBND về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 7Quyết định 15/2009/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương kèm theo Quyết định 637/2008/QĐ-UBND của tỉnh Ninh Bình
- 8Quyết định 38/2008/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Lào Cai
- 9Quyết định 48/2008/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 10Quyết định 05/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 11Quyết định 493/QĐ-UBND năm 2009 về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 12Quyết định 1963/QĐ-UBND năm 2009 về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 13Quyết định 70/2008/QĐ-UBND về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 14Quyết định 51/2008/QĐ-UBND quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An
- 15Quyết định 1671/2009/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 16Quyết định 25/2013/QĐ-UBND về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang
- 17Quyết định 2277/2008/QĐ-UBND về Quy định phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Quyết định 71/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành
- Số hiệu: 71/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/09/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Võ Lâm Phi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/09/2009
- Ngày hết hiệu lực: 17/11/2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực