- 1Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 2Nghị định 44/2011/NĐ-CP về sửa đổi Điều 3 Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 3Quyết định 1216/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7040/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ;
Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 về các chiến lược phát triển của ngành Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Xét kết quả thẩm định ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020 và đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI QUY HOẠCH
1. Quan điểm
a) Quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 -2020.
b) Phát triển nhân lực ngành Công Thương phải phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, các chiến lược phát triển của Ngành, đảm bảo phù hợp về cơ cấu nhân lực theo ngành, lĩnh vực và yêu cầu hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Định hướng những chỉ tiêu cơ bản về số lượng, cơ cấu trình độ nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đảm bảo thực hiện được các chiến lược phát triển của Ngành, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời đề ra các giải pháp phát triển, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc gia, khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo các cấp trình độ trong lĩnh vực công nghiệp từ 78,0% năm 2010 lên mức 82% năm 2015 và đạt 92,0% vào năm 2020; lĩnh vực thương mại tăng từ 67,0% vào năm 2015 lên 80,0% năm 2015 và đạt 88,0% vào năm 2020.
- Phát triển đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao ở mọi lĩnh vực, tập trung ưu tiên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai khoáng, luyện kim, hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại.
3. Phạm vi quy hoạch
Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương được thực hiện trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương về công nghiệp và thương mại theo quy định hiện hành của Chính phủ.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐẾN NĂM 2020
1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo
a) Nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp
- Nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghiệp tăng từ mức 7,9 triệu người năm 2010 lên mức khoảng 10 triệu người năm 2015 và gần 12 triệu người năm 2020. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 8,2 triệu người, đạt tỷ lệ 82% và năm 2020 khoảng 11 triệu người, đạt tỷ lệ 92% so với tổng số nhân lực công nghiệp.
- Về cơ cấu bậc đào tạo
Năm 2015, số nhân lực được đào tạo bậc sơ cấp nghề khoảng 5,4 triệu người, tỷ lệ 65,9% so với tổng số nhân lực qua đào tạo; bậc trung cấp khoảng 1,8 triệu người, tỷ lệ 21,9%; bậc cao đẳng khoảng 460 nghìn người, tỷ lệ 5,6%; bậc đại học và trên đại học khoảng 540 nghìn người, tỷ lệ 6,6%.
Năm 2020, số nhân lực được đào tạo bậc sơ cấp nghề khoảng 5,7 triệu người, tỷ lệ 51,8% so với tổng số nhân lực qua đào tạo; bậc trung cấp khoảng 4,0 triệu người, tỷ lệ 36,4%; bậc cao đẳng khoảng 500 nghìn người, tỷ lệ 4,54%; bậc đại học và trên đại học khoảng 800 nghìn người, tỷ lệ 7,26%.
- Giai đoạn 2011 - 2020, có khoảng 40,0% tổng số nhân lực qua đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.
b) Nhân lực trong lĩnh vực thương mại
- Nhân lực trong lĩnh vực thương mại tăng từ mức 5,5 triệu người năm 2010 lên khoảng 7 triệu người năm 2015 và khoảng 8,5 triệu người vào năm 2020. Nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 5,6 triệu người, đạt tỷ lệ 80,0% tổng số nhân lực lĩnh vực thương mại; năm 2020 khoảng 7,5 triệu người, đạt tỷ lệ 88,2%.
- Về cơ cấu bậc đào tạo
Năm 2015, số nhân lực được đào tạo trình độ sơ cấp nghề khoảng 2,4 triệu người, chiếm 45,2% so với tổng số nhân lực qua đào tạo; bậc trung cấp khoảng 1,3 triệu người, tỷ lệ 24,5%; bậc cao đẳng khoảng 400 nghìn người, tỷ lệ 7,5%; bậc đại học và trên đại học khoảng 1,2 triệu người, tỷ lệ 22,6%.
Năm 2020, số nhân lực được đào tạo trình độ sơ cấp nghề khoảng 2,6 triệu người, chiếm 37,1% so với tổng số nhân lực qua đào tạo; bậc trung cấp khoảng 1,6 triệu người, tỷ lệ 22,8%; bậc cao đẳng khoảng 840 nghìn người, tỷ lệ 12,0%; bậc đại học và trên đại học khoảng 1,96 triệu người, tỷ lệ 28,0%.
- Giai đoạn 2011 - 2020 tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc cho khoảng 35,0% tổng số nhân lực qua đào tạo của lĩnh vực thương mại.
2. Phát triển nhân lực một số ngành có số lượng lao động lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp
a) Nhân lực công nghiệp chế biến
Nhân lực công nghiệp chế biến theo phân loại hiện nay bao gồm: sản xuất thực phẩm và đồ uống; các sản phẩm thuốc lá; dệt; sản xuất trang phục; thuộc và sơ chế da; sản xuất va li, túi xách, yên đệm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; sản xuất các sản phẩm từ kim loại; sản xuất thiết bị văn phòng và máy tính; sản xuất máy và thiết bị điện; sản xuất radio, ti vi và thiết bị truyền thông; sản xuất dụng cụ y tế, dụng cụ chính xác, dụng cụ quang học và đồng hồ; sản xuất xe có động cơ, rơ-moóc; sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và các sản phẩm khác; tái chế;...
- Năm 2015, tổng số nhân lực công nghiệp chế biến khoảng 9 triệu người. Số nhân lực qua đào tạo khoảng 7,4 triệu người (tỷ lệ 82,2%). Trong đó bậc sơ cấp nghề khoảng 5 triệu người (tỷ lệ 67,6%); bậc trung cấp khoảng 1,6 triệu người (tỷ lệ 21,6%); bậc cao đẳng khoảng 340 nghìn người (tỷ lệ 4,6%); bậc đại học và trên đại học khoảng 460 nghìn người (tỷ lệ 6,2%).
- Năm 2020, tổng số nhân lực công nghiệp chế biến khoảng 11,3 triệu người. Số nhân lực qua đào tạo khoảng 10,4 triệu người (tỷ lệ 92,0%). Trong đó bậc sơ cấp nghề khoảng 5,4 triệu người (tỷ lệ 52,0%); bậc trung cấp khoảng 3,8 triệu người (tỷ lệ 36,5%); bậc cao đẳng khoảng 470 nghìn người (tỷ lệ 4,5%); bậc đại học và trên đại học khoảng 730 nghìn người (tỷ lệ 7,0%).
b) Nhân lực công nghiệp khai thác mỏ bao gồm: khai thác than cứng, than non và than bùn; khai thác dầu thô và khí tự nhiên; khai thác quặng kim loại; Khai thác đá và khai thác các mỏ khác.
- Năm 2015, tổng số nhân lực công nghiệp khai thác mỏ khoảng 393 nghìn người. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khoảng 90,0%. Trong đó đào tạo sơ cấp nghề và trung cấp chiếm khoảng 89,0%; bậc cao đẳng khoảng 4,5%); bậc đại học và trên đại học khoảng 6,5%.
- Năm 2020, tổng số nhân lực công nghiệp khai thác mỏ khoảng 316 nghìn người. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khoảng 96,0%. Trong đó đào tạo sơ cấp nghề và trung cấp khoảng 88,0%; bậc cao đẳng khoảng 5,0%; bậc đại học và trên đại học khoảng 7,0%.
c) Nhân lực công nghiệp sản xuất điện, phân phối điện, khí đốt và nước bao gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt và hơi nước; khai thác, lọc và phân phối nước.
- Năm 2015, tổng số nhân lực công nghiệp sản xuất điện, phân phối điện, khí đốt và nước khoảng 354 nghìn người. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khoảng 85,0%. Trong đó đào tạo sơ cấp nghề và trung cấp chiếm khoảng 89,0%; bậc cao đẳng khoảng 4,5%; bậc đại học và trên đại học khoảng 6,5%.
- Năm 2020, tổng số nhân lực công nghiệp sản xuất điện, phân phối điện, khí đốt và nước khoảng 388 nghìn người. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khoảng 96,0%. Trong đó đào tạo sơ cấp nghề và trung cấp khoảng 88,0%); bậc cao đẳng khoảng 5,0%; bậc đại học và trên đại học khoảng 7,0%.
3. Nhân lực các cơ quan quản lý nhà nước đến năm 2020
- Trung ương: tổng số cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước của Ngành khoảng 2.600 người, với tỷ lệ 100% cán bộ, công chức qua đào tạo. Trong đó tiến sĩ 80 người; thạc sĩ 420 người; đại học: 1.900 người; trình độ khác: 200 người.
- Các địa phương: tổng số cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước ngành Công Thương các địa phương khoảng 18.000 người, với tỷ lệ 100% cán bộ, công chức qua đào tạo. Trong đó trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 1%; thạc sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 3%; đại học, cao đẳng khoảng 94%; trình độ khác khoảng 2%.
- Tỷ lệ cán bộ, công chức cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 20%, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 15% tổng số cán bộ công chức của Ngành.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo,...; huy động các doanh nghiệp tích cực phối hợp, tham gia hoạt động đào tạo, đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực cho toàn ngành.
2. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo
- Trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới các trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có các trường thuộc Bộ Công Thương để triển khai việc sắp xếp; tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện, phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo vững mạnh; nâng cấp các trường có đủ điều kiện theo quy định; xác định quy mô đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành theo từng giai đoạn.
- Đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương: Tập trung đầu tư cho các trường mới được nâng cấp trình độ đào tạo, các trường đã có các dự án được phê duyệt để sớm đưa vào khai thác, chỉ đạo các trường tích cực thực hiện mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, nhất là các trường đại học, cao đẳng theo quy định. Các cơ sở được phép đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cần đặc biệt chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
- Tăng cường phân cấp, tạo môi trường chủ động hơn cho các cơ sở đào tạo.
3. Thực hiện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực nhằm huy động cả hệ thống giáo dục đào tạo, dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng tham gia phát triển nhân lực; đồng thời, chú ý xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích đối với nhân tài.
4. Huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nhân lực (đào tạo, dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng,...) giai đoạn 2011 - 2020 được hình thành từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường các nguồn vốn cho phát triển nhân lực: huy động từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đóng góp của người học, các dự án tài trợ, vay vốn của nước ngoài,...; Đồng thời sử dụng đúng quy định và có hiệu quả các nguồn vốn phục vụ mục tiêu phát triển nhân lực.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
- Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo giảng viên và cán bộ quản lý, bao gồm đào tạo mới, đào tạo bồi dưỡng, đào tạo ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.
- Đẩy mạnh hợp tác với các nước có trình độ đào tạo hiện đại, tiên tiến để từng bước tiếp thu, chuyển giao công nghệ đào tạo, phát triển chương trình đào tạo, trao đổi học sinh, sinh viên, đầu tư cơ sở vật chất,... đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của Ngành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Thành lập Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của Ngành giai đoạn 2011-2020
2. Các cơ sở đào tạo, đào tạo-bồi dưỡng thuộc Bộ chủ động xây dựng và tích cực triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà trường, kế hoạch đào tạo hàng năm và từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của Ngành.
3. Các doanh nghiệp, các đơn vị trong toàn Ngành, kể cả các sở công thương hoàn thiện và chủ động, tích cực triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực thuộc phạm vi quản lý; đồng thời tích cực tham gia, phối hợp với các cơ sở đào tạo để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.
4. Trách nhiệm của các Vụ thuộc Bộ Công Thương
- Vụ Tổ chức cán bộ
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của Ngành; Xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm về phát triển nhân lực của Ngành theo quy hoạch, gửi các Bộ liên quan để phối hợp trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhân lực của Ngành.
Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án Tổ chức, sắp xếp mạng lưới các trường thuộc Bộ Công Thương sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hàng năm và mỗi thời kỳ 5 năm tổ chức đánh giá công tác triển khai thực hiện Quy hoạch và đề xuất các nội dung cần điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu quy hoạch trong từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể.
- Vụ Kế hoạch
Chủ trì, phối hợp các Vụ chức năng của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nâng cao năng lực đào tạo của các trường thuộc Bộ giai đoạn 2011 - 2020.
- Vụ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các Vụ liên quan thuộc Bộ Công Thương xây dựng dự toán ngân sách hàng năm cho các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, huy động các nguồn vốn thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Ngành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Chỉ thị 895/CT-BGDĐT năm 2013 thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 299/QĐ-TCTK năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 3Quyết định 310/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020
- 1Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 2Nghị định 44/2011/NĐ-CP về sửa đổi Điều 3 Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 3Quyết định 1216/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 895/CT-BGDĐT năm 2013 thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5Quyết định 299/QĐ-TCTK năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 6Quyết định 310/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020
Quyết định 7040/QĐ-BCT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- Số hiệu: 7040/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2011
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/12/2011
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực