Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 703/2009/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 08 tháng 04 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ THUẾ THEO PHƯƠNG PHÁP ẤN ĐỊNH THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN QUÝ HIẾM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Kạn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý thuế theo phương pháp ấn định thuế đối với cơ sở khai thác tài nguyên khoáng sản quý hiếm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/5/2009 và áp dụng cho kỳ tính thuế từ ngày 01/01/2009 trở đi.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục thuế, Giám đốc Sở Công thưong, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở tài chính, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các cơ sở khai thác tài nguyên qúy hiếm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ THUẾ THEO PHƯƠNG PHÁP ẤN ĐỊNH THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN QUÝ HIẾM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 703/2009/QĐ-UBND ngày 08 tháng 04 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
1. Quy chế này quy định việc phối hợp quản lý Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế Tài nguyên theo phương pháp ấn định thuế đối với cơ sở khai thác có hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản quý hiếm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Tài nguyên khoáng sản quý hiếm nêu tại Quy chế này gồm: Vàng (gồm cả khai thác khoáng sản khác có vàng đi kèm), bạc, thiếc, vofram, antimoan, đá quý, đất hiếm.
2. Các cơ quan Nhà nước tham gia phối hợp với cơ quan thuế (sau đây gọi chung là cơ quan phối hợp, gồm: UBND các huyện và ngành liên quan) trong quản lý thu thuế theo phương pháp ấn định trong các trường hợp sau:
- Người nộp thuế không phản ánh hoặc do đặc thù ngành nghề khai thác mà không có cơ sở và điều kiện để phản ánh được đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ dẫn đến không đủ căn cứ để kê khai và xác định nghĩa vụ thuế.
- Các trường hợp khác theo quy định tại Điều 37 Luật quản lý thuế.
Điều 2. Trách nhiệm của cơ quan thuế
1. Ấn định thuế (mức tối thiểu/năm): Cục thuế xác định số thuế phải nộp hoặc từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp và ban hành thông báo ấn định thuế (mức thuế tối thiểu/năm) đối với các cơ sở khai thác (CSKT) tài nguyên quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh để các Chi cục thuế có cơ sở tạm thu trong năm.
2. Chi cục thuế các huyện, thị xã trực tiếp quản lý thuế đối với các CSKT trên địa bàn theo phân cấp. Cuối năm quyết toán thuế theo thực tế, nhưng tổng thuế quyết toán năm không thấp hơn mức thuế tối thiểu đã ấn định (trừ trường hợp phải xác định lại mức thuế ấn định như quy định tại khoản 4, Điều 4 Quy chế này).
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trao đổi thông tin, tài liệu
1. Cơ quan phối hợp thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu bằng cách trực tiếp và bằng văn bản về những chủ trương, chính sách mới, thủ tục hồ sơ cấp phép khai thác và tài liệu khác liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản quý hiếm .
Cơ quan phối hợp thông báo cho cơ quan thuế biết phòng chuyên môn trực tiếp được giao nhiệm vụ tham mưu trong công tác phối hợp để thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ.
2. Trường hợp đột xuất, cơ quan thuế đề nghị cung cấp tài liệu, hồ sơ hoặc xin ý kiến làm cơ sở quản lý thuế thì cơ quan phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, hoặc trả lời bằng văn bản với cơ quan thuế trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan thuế.
Điều 4. Phối hợp ấn định thuế
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi CSKT được cấp phép khai thác khoáng sản, được tiếp tục gia hạn khai thác khoáng sản, hoặc trong tháng 12 hàng năm (đối với đơn vị đang được phép khai thác), Cục thuế thống nhất với các cơ quan phối hợp thành lập tổ công tác để tiến hành điều tra, khảo sát, lập hồ sơ ấn định thuế đối với các trường hợp nêu tại Điều 2 quy chế này. Tổ công tác gồm đại diện các cơ quan: Cục thuế (tổ trưởng), Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, UBND huyện và cơ quan liên quan khác.
Mức thuế ấn định tối thiểu được xác định trên cơ sở thời điểm điều tra, khảo sát, gồm: sản lượng vàng đã điều tra, khảo sát; giá tính thuế; tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu do Cục thuế ban hành và thuế suất theo quy định.
Việc xác định sản lượng và giá tính thuế thực hiện theo nguyên tắc:
- Sản lượng: Không thấp hơn sản lượng đã được xác định trong giấy phép khai thác hoặc dự án đầu tư đã được phê duyệt.
- Giá tính thuế: Giá tính thuế Tài nguyên theo giá UBND tỉnh ban hành thời điểm quyết định ấn định thuế. Giá tính thuế GTGT và giá tính thuế TNDN theo tài liệu điều tra, khảo sát.
2. Trách nhiệm của cơ quan thuế: Hướng dẫn trình tự phối hợp ấn định thuế; chuẩn bị điều kiện, phương tiện cho tổ công tác làm việc; chủ trì trong điều tra, khảo sát làm cơ sở ấn định thuế theo quy định.
3. Trách nhiệm của cơ quan phối hợp:
- Sở Tài chính: Chủ trì cùng các cơ quan phối hợp xác định giá tính thuế tài nguyên, giá tính thuế GTGT và giá tính thuế TNDN.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì cùng các cơ quan phối hợp xác định sản lượng tính thuế, trao đổi tài liệu liên quan đến cấp phép khai thác, báo cáo và hồ sơ của cơ sở khai thác, tài liệu liên quan.
- Sở Công Thương: Phối hợp xác định hàm lượng quặng khoáng sản, sản lượng tính thuế.
- UBND huyện, thị xã: Tham gia điều tra, khảo sát và ấn định thuế, chỉ đạo ngành liên quan tích cực tham gia với cơ quan thuế trong quản lý thuế.
- Cơ quan liên quan khác: Xác định chỉ tiêu cần thiết, cung cấp tài liệu liên quan phục vụ cho quá trình điều tra khảo sát, ấn định thuế.
4. Trường hợp xác định lại mức thuế đã ấn định: Cơ sở khai thác được cấp phép khai thác trong năm không đủ 12 tháng; cơ sở khai thác đang được phép khai thác khoáng sản, nếu trong năm cấp có thẩm quyền yêu cầu dừng khai thác, đình chỉ khai thác hoặc do nguyên nhân bất khả kháng khác mà dẫn đến tổng thời gian khai thác thực tế dưới 12 tháng và thực sự làm giảm sản lượng khai thác thì Cục thuế chủ trì cùng các cơ quan phối hợp xem xét hồ sơ để xác định lại mức thuế đã ấn định cho từng trường hợp cụ thể.
Thời hạn xem xét xác định lại mức thuế ấn định: trong tháng 12 năm dương lịch hoặc 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động khai thác tại mỏ (đối với mỏ đã hết hạn khai thác hoặc không được tiếp tục khai thác).
Hồ sơ xem xét lại mức thuế ấn định:
- Cơ sở khai thác có đơn đề nghị gửi Chi cục thuế, ngành liên quan kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan chuyên môn và UBND xã, UBND huyện nơi có mỏ khai thác.
- Nội dung xác nhận gồm: Thời gian được cấp phép khai thác trong năm, thời gian thực tế không hoạt động khai thác khoáng sản, căn cứ và số liệu về sản lượng giảm so với sản lượng đã ấn định, kèm theo các tài liệu chứng minh.
Điều 5 . Trách nhiệm của cơ sở khai thác
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của UBND tỉnh về việc cấp phép khai thác, gia hạn khai thác hoặc thay đổi quy mô khai thác, cơ sở khai thác phải gửi cơ quan thuế toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ, thiết kế cơ sở (đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định). Cơ sở khai thác có trách nhiệm phân tích rõ các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động khai thác trong đề án và báo cáo ngành thuế đầy đủ tài liệu liên quan đến việc tính thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.
Điều 6. Xử lý vi phạm
1. Trường hợp đơn vị khai thác không hoàn thành nghĩa vụ thuế từng kỳ hoặc cả năm (quá 30 ngày kể từ khi hết kỳ tính thuế) thì Chi cục thuế báo cáo để UBND cấp huyện báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc dừng khai thác cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ thuế.
2. Cơ sở khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật về thuế và vi phạm quy chế này thì bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế và quy định tại khoản 1 Điều này.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Cục thuế hướng dẫn thực hiện Quy chế này. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì Cục thuế tổng hợp ý kiến các ngành, UBND huyện để báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo sửa đổi bổ sung Quy chế cho phù hợp.
2. Các cơ sở khai thác có trách nhiệm thực hiện đúng Luật quản lý thuế và quy định cụ thể tại Quy chế này.
Các cơ quan phối hợp, cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trao đổi thông tin, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế xác định cụ thể các chỉ tiêu: giá tính thuế; sản lượng; hàm lượng quặng khoáng sản thực tế khai thác; thời gian khai thác; thời gian ngừng hoạt động; thời gian bắt đầu thuê đất; diện tích đất thuê… để cơ quan thuế có căn cứ quản lý thuế.
UBND cấp huyện và UBND cấp xã chỉ đạo ngành liên phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong quản lý thuế đối với các cơ sở khai thác tài nguyên quý hiếm./.
Quyết định 703/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý thuế theo phương pháp ấn định thuế đối với cơ sở khai thác tài nguyên khoáng sản quý hiếm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành
- Số hiệu: 703/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/04/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
- Người ký: Trương Chí Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/05/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra