Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 701/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 03 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ, GIAI ĐOẠN 2021-2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 3647/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 84/TTr-SNV ngày 01/3/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân công thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (sau đây viết tắt là CCHC) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:

1. Sở Nội vụ

- Là cơ quan thường trực CCHC của tỉnh, giúp UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh đã được phê duyệt đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng yêu cầu, tiến độ đề ra.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu xây dựng các Chương trình, Kế hoạch, Đề án và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh để tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, bảo đảm đúng lộ trình cải cách của tỉnh và Chính phủ.

- Chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ; giải pháp nâng cao chỉ số CCHC và các chỉ số liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành.

- Tham mưu các giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra thực hiện CCHC.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; theo dõi, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề nghị khen thưởng, kỷ luật về công tác CCHC đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tự chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh (PAR INDEX) báo cáo Bộ Nội vụ hàng năm (Chịu trách nhiệm trực tiếp lĩnh vực: Công tác Chỉ đạo, điều hành; cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ và tổng hợp báo cáo kết quả); tổ chức khảo sát, thực hiện đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

- Chủ trì triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC. Hàng năm, xây dựng, triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền CCHC.

- Hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác CCHC cho cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện công tác CCHC ở các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan ngành dọc cấp tỉnh.

- Kiểm tra, tổng hợp việc thực hiện kế hoạch CCHC của tỉnh báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nội vụ định kỳ (quý, 6 tháng, năm) và đột xuất; hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh theo đúng Kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

- Phối hợp với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh triển khai công tác CCHC.

2. Sở Tư pháp

- Chủ trì tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế; giải pháp nâng cao chỉ số CCHC thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; theo dõi, tổng hợp báo cáo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thể chế theo quy định; hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh (Par Index), lĩnh vực: Theo dõi thi hành pháp luật; rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và một số nội dung được phân công.

3. Văn phòng UBND tỉnh

- Chủ trì tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; triển khai việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; giải pháp nâng cao chỉ số CCHC thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo dõi, tổng hợp báo cáo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính và một số nhiệm vụ liên quan khác theo quy định; hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến hàng năm, cũng như lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến theo từng giai đoạn.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc vận hành, quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác của tỉnh (Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi nhận văn bản qua đường truyền mạng; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Hệ thống giao việc của tỉnh...).

- Tham mưu, giúp UBND tỉnh theo dõi, tổng hợp về mức độ hài lòng và việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

- Theo dõi tỷ lệ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc và công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện trên các phần mềm và môi trường số.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh (Par Index), lĩnh vực Chỉ đạo điều hành (thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao); Cải cách thủ tục hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Dịch vụ công trực tuyến và một số nội dung được phân công.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ cải cách tài chính công; giải pháp nâng cao chỉ số CCHC thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; theo dõi, tổng hợp báo cáo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tài chính công theo quy định; hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lập dự toán ngân sách, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ CCHC theo quy định.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh (Par Index), lĩnh vực: Cải cách tài chính công; và một số nội dung được phân công.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; giải pháp nâng cao chỉ số CCHC thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; theo dõi, tổng hợp báo cáo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo quy định; hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Tham mưu thực hiện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC trên địa bàn tỉnh; tham mưu thực hiện công tác đánh giá, chấm điểm để xếp hạng chỉ số thuộc lĩnh vực phụ trách trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện theo định kỳ hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục dịch vụ bưu chính công ích; xây dựng và thực hiện có hiệu quả các phần mềm theo quy định.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh (Par Index), lĩnh vực: Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và một số nội dung được phân công.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001, ISO điện tử tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001 được triển khai trong các cơ quan hành chính; hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng mạng lưới thông tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh cơ chế tự chủ, thực hiện xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh (Par Index), lĩnh vực: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và một số nội dung được phân công.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, giám sát đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất các biện pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); giải pháp nâng cao chỉ số CCHC thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; đẩy mạnh việc thu hút đầu tư và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh; các công trình hạ tầng cần thiết khác nhằm đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn trong công tác CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tại địa phương. Tổng hợp báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh định kỳ triển khai, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp/nhà đầu tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí từ ngân sách cho các đề án, dự án về CCHC của các sở, ngành, địa phương.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh (Par Index) về nội dung thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (thuộc lĩnh vực lĩnh vực tài chính công); mức độ thu hút đầu tư, mức độ phát triển của doanh nghiệp, tỷ lệ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn, mức độ thực hiện các chỉ tiêu do HĐND tỉnh giao (thuộc lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh) và một số nội dung được phân công.

8. Sở Y tế

- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư và chi thường xuyên. Hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Tham mưu triển khai thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư và chi thường xuyên. Hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế qua kiểm tra, đánh giá thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Tham mưu triển khai thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục.

10. Các cơ quan Trung ương được tổ chức hoạt động theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch CCHC của ngành, đảm bảo đạt được chỉ tiêu đề ra và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân đến liên hệ giải quyết công việc.

- Tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực phụ trách.

11. Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh

Chủ động xây dựng chuyên mục, chuyên trang về CCHC và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan, đơn vị để tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và phản hồi ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về thực hiện nhiệm vụ CCHC của các Sở, ban, ngành và UBND các cấp.

12. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị được giao nhiệm vụ cải cách hành chính

- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CCHC; Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và các nội dung công tác CCHC tại Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3647/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác CCHC của ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các nội dung công việc được giao trong chương trình, đề án, kế hoạch giai đoạn, hàng năm và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền.

- Căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng lộ trình cải cách của tỉnh và Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuộc ngành, lĩnh vực được phân công, phân cấp.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt công tác CCHC thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CCHC thời kỳ công nghiệp 4.0. Phối hợp với các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh triển khai nhiệm vụ CCHC.

- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm và đột xuất theo yêu cầu.

- Triển khai thực hiện tốt Đề án “Xác định Chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt hàng năm; phụ trách các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần và đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân công, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, gửi Sở Nội vụ tổng hợp; đồng thời, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu kiểm chứng phục vụ việc chấm điểm xác định Chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt công tác đánh giá, xác định các Chỉ số CCHC cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 28/02/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ CCHC, Bộ Nội vụ;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm PVHCC;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- CVP và các PCVP;
- Lưu: VT, NC(Y).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Võ Văn Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2022 về phân công thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2030

  • Số hiệu: 701/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Võ Văn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản