Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 70/2013/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 26 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16 tháng 7 năm 2012;

Căn cứ Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết số 90/2013/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa VIII, kỳ họp thứ 8 về quy định mức vận động đóng góp Quỹ Quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 3203/STC-NS ngày 19 tháng 12 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ Quốc phòng - An ninh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 41/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành quy chế thu, quản lý và sử dụng quỹ Quốc phòng - An ninh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc sở, ngành; Tài chính, Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công an;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Mặt trận TQVN tỉnh Lâm Đồng;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng;
- Website Chính phủ, Trung tâm công báo tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Đài PTTH, Báo Lâm Đồng;
- Như điều 3;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

QUY CHẾ

VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2013/QĐ- UBND Ngày 26 tháng 12 năm 2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc vận động đóng góp, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh.

Điều 2. Nguyên tắc vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh của các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức theo mức vận động đóng góp đã quy định tại Điều 4 Quy chế này. Ủy ban nhân dân cấp xã phải tổ chức tuyên truyền phổ biến và vận động để các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và các tổ chức có liên quan trên địa bàn biết và tự nguyện đóng góp nhằm chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng dân cư vào việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ lại chính người dân và cơ quan, tổ chức.

2. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp cao hơn mức vận động thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tiếp nhận và nộp đầy đủ vào Quỹ quốc phòng - an ninh.

3. Các đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy chế này nhưng có điều kiện, tự nguyện đăng ký đóng góp cho Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn thì bộ phận quản lý Quỹ cấp xã tổ chức tiếp nhận bổ sung nguồn thu vào Quỹ theo quy định.

4. Việc tổ chức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch và việc sử dụng Quỹ phải đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý, sử dụng số tiền vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh theo đúng quy định.

Chương 2.

ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Điều 3. Đối tượng vận động đóng góp và đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp

1. Đối tượng vận động đóng góp

a) Hộ gia đình;

b) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang có hoạt động kinh tế (sau đây gọi chung là các cơ quan, tổ chức);

c) Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;

d) Các tổ chức khác.

2. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp có thẩm quyền công nhận; hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú dưới 6 tháng;

b) Hộ gia đình thuộc các đối tượng theo Khoản 1, Điều 2, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.

c) Hộ gia đình có quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; hộ gia đình có cán bộ, chiến sỹ Dân quân nòng cốt đang thực hiện nghĩa vụ Dân quân; Dân phòng.

d) Hộ gia đình người già neo đơn, không có lương hưu; hộ gia đình có lao động chính duy nhất là người tàn tật, người không có khả năng lao động, người mất sức lao động có đời sống khó khăn.

e) Các Hội gồm: Nạn nhân chất độc da cam, Người mù, Người cao tuổi, Chiến sỹ bị địch bắt tù đày

Điều 4. Mức vận động đóng góp

1. Đối với hộ gia đình:

a) Hộ gia đình cư trú tại các phường, thị trấn: 20.000 đồng/hộ/năm.

b) Hộ gia đình cư trú tại các xã: 15.000 đồng/hộ/năm.

2. Đối với hộ sản xuất, kinh doanh:

a) Hộ sản xuất, kinh doanh có thuế môn bài bậc 1 và bậc 2: 150.000 đồng/hộ/năm.

b) Hộ sản xuất, kinh doanh có thuế môn bài bậc 3 và bậc 4: 120.000 đồng/hộ/năm.

c) Hộ sản xuất, kinh doanh có thuế môn bài bậc 5 và bậc 6: 80.000 đồng/hộ/năm.

Trường hợp những hộ đăng ký kinh doanh nhiều loại hình khác nhau, thì áp dụng một mức vận động đóng góp theo loại hình kinh doanh có bậc thuế môn bài cao nhất.

Đối với các hộ gia đình có cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) hoặc tạm trú trên địa bàn 1 xã nhưng có hộ khẩu thường trú tại 1 xã khác thì thực hiện vận động đóng góp quỹ trên địa bàn xã nơi gia đình có cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc xã hiện đang đăng ký tạm trú.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khác: 250.000 đồng/đơn vị/năm.

4. Hợp tác xã; các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật: 300.000 đồng/đơn vị/năm.

5. Các tổ chức khác: 250.000 đồng/đơn vị/năm.

Chương 3.

PHƯƠNG THỨC VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Điều 5. Phương thức vận động đóng góp, nộp Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Cơ quan thực hiện vận động đóng góp: Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

2. Phương thức vận động đóng góp

a) Bằng chuyển khoản: Đơn vị, tổ chức, cá nhân chuyển vào tài khoản tiền gửi của xã, phường, thị trấn mở tại Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố.

b) Bằng tiền mặt: Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn sử dụng biên lai thu tiền do Sở Tài chính phát hành và quản lý theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 6. Hạch toán, quản lý nguồn thu từ vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Việc hạch toán nguồn thu từ vận động đóng góp, chi từ nguồn thu vận động Quỹ quốc phòng - an ninh được thực hiện theo đúng quy định của chế độ kế toán tài chính, ngân sách do Bộ Tài chính quy định.

2. Toàn bộ số thu từ vận động đóng góp cho Quỹ quốc phòng - an ninh được tập trung vào tài khoản tiền gửi của xã, phường, thị trấn mở tại Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố.

3. Định kỳ hàng quý, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm trích 10% trên số thu từ vận động đóng góp quỹ từ tài khoản tiền gửi để chi cho công tác tổ chức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh tại địa phương theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy chế này. Số tiền vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh còn lại (sau khi trừ đi số kinh phí được trích nêu trên) được sử dụng để chi cho công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế này.

Điều 7. Sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Chi phục vụ cho công tác tổ chức vận động đóng góp với mức tối đa không quá 10% trên tổng số thực thu, gồm: Mua biên lai ấn chỉ; Văn phòng phẩm; Hỗ trợ công tác vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh.

2. Nguồn thu từ vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh còn lại được cân đối, bố trí cho công tác quốc phòng - an ninh tại các địa phương hàng năm theo một số nội dung chi như sau:

a) Chi hỗ trợ cho công tác huấn luyện dân quân tự vệ, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở;

b) Khen thưởng cho đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào quốc phòng toàn dân;

c) Chi tuyên truyền vận động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự, hỗ trợ cho công tác tuyển quân;

d) Chi hỗ trợ thuốc men, thăm hỏi cán bộ và nhân dân hy sinh hay bị thương trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh;

e) Mua sắm phương tiện cần thiết, chi bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ mục tiêu được xác định;

f) Chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ, cứu nạn;

g) Chi tham gia thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xã hội theo điều động đột xuất của cấp có thẩm quyền;

h) Chi hỗ trợ các hoạt động khác theo quy định của pháp luật đối với lực lượng dân quân, công an, bảo vệ dân phố, tổ dân phòng và tổ tuần tra của xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào các nội dung chi Quỹ quốc phòng, an ninh và tình hình thực tế ở địa phương để chủ động quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn cho phù hợp và đạt hiệu quả.

Điều 8. Công tác lập dự toán thu, chi

Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập dự toán thu từ vận động đóng góp, chi từ Quỹ quốc phòng - an ninh, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố tổng hợp làm cơ sở cân đối, bố trí dự toán thu, chi ngân sách theo quy định.

Điều 9. Báo cáo quyết toán và công khai Quỹ

1. Báo cáo quyết toán thu, chi hàng năm của Quỹ quốc phòng - an ninh:

a) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh năm trên địa bàn xã gửi Ủy ban nhân dân và Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố trước ngày 15 tháng 02 năm sau.

b) Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh năm trên địa bàn huyện, thành phố gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo Sở Tài chính, Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trước ngày 15 tháng 3 năm sau để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Nội dung công khai Quỹ quốc phòng- an ninh phải được thể hiện bằng văn bản, thông báo rộng rãi hoặc niêm yết công khai cho các đối tượng đóng góp Quỹ biết và theo dõi. Đồng thời, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11 tháng 3 năm 2005 về công khai tài chính đối với các quỹ có vốn ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn gốc từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện

1. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng cấp hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện việc vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh thuộc địa bàn quản lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, thường xuyên theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện tại các xã, phường, thị trấn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong tổ chức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh.

3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, vận động cơ quan tổ chức, cán bộ và nhân dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn và những nội dung quy định trong Quy chế này đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và các tổ chức có liên quan trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức để tự nguyện đóng góp xây dựng Quỹ quốc phòng - an ninh đạt kết quả thiết thực. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản vận động đóng góp, chi từ Quỹ quốc phòng - an ninh theo quy định của Luật Ngân sách và những quy định tại Quy chế này.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình

Các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và tích cực đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh tại địa phương nhằm góp phần tạo thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Điều 12. Khen thưởng, xử lý vi phạm và điều khoản thi hành

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, quản lý và đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh được khen thưởng theo chế độ quy định của nhà nước.

2. Người được giao nhiệm vụ vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh địa phương mà vi phạm các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tổ chức vận động đóng góp, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn, đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tài chính) để nghiên cứu và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 70/2013/QĐ-UBND về Quy chế vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ Quốc phòng - An ninh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 70/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản