Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -Hạnh phúc
-------

Số: 70/2008/QÐ-BNN

Hà Nội, ngày 5 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI CÁ TRA

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NÐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản;
Căn cứ Quyết định số 224/1999/QÐ-TTg ngày 8 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999 -2010;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Nuôi trồng thuỷ sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý vùng và cơ sở nuôi cá tra.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ, Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Việt Thắng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI CÁ TRA

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 70 /2008/QÐ-BNN ngày 5 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu

Quy chế này quy định nội dung quản lý vùng và cơ sở nuôi cá tra để đảm bảo phát triển bền vững nghề nuôi cá tra.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878) trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan quản lý có liên quan trong phạm vi cả nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nuôi cá tra siêu thâm canh là hình thức nuôi cá tra với mật độ thả ≥ 30 con cá giống lớn/m2 hoặc ≥ 40 con cá giống nhỏ/m2 (cá giống lớn là cá có chiều cao thân 2,5 - 3,0cm, cỡ 10 - 12 con/kg; cá giống nhỏ là cá có chiều cao thân 1,5 - 2,0cm, cỡ 60 - 70 con/kg – quy định tại Tiêu chuẩn ngành số 28 TCN 170 : 2001) theo quy trình công nghệ phù hợp để đạt năng suất ≥ 300 tấn/ha/vụ.

2. Nuôi cá tra thâm canh là hình thức nuôi cá tra với mật độ thả 15 - 20 con cá giống lớn/m2 hoặc 20 - 30 con cá giống nhỏ/m2 theo quy trình công nghệ phù hợp để đạt năng suất từ 150 - 200 tấn/ha/vụ.

3. Cơ sở nuôi cá tra là nơi có hoạt động trực tiếp nuôi cá tra do một tổ chức, cá nhân làm chủ.

4. Vùng nuôi cá tra là vùng đất để nuôi cá tra có từ 2 cơ sở nuôi cá tra trở lên, sử dụng chung nguồn nước cấp và hệ thống thải nước.

5. GAP (Good Aquaculture Practices - Thực hành tốt trong nuôi trồng thuỷ sản) được ứng dụng trong nuôi cá tra.

6. BMP (Better Management Practices - Thực hành quản lý tốt hơn) được ứng dụng trong nuôi cá tra.

7. CoC (Code of Conduct for Responsible Aquaculture - Bộ Quy tắc ứng xử có trách nhiệm trong nuôi trồng thuỷ sản) được ứng dụng trong nuôi cá tra.

(GAP, BMP và CoC được xây dựng dựa trên các nguyên tắc quy định tại Điều 9 - Phát triển nuôi trồng thuỷ sản của Bộ Quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của FAO, 1995).

8. Nuôi cá tra an toàn là quá trình nuôi cá tra có áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm nuôi, an toàn về dịch bệnh cho cá nuôi, thân thiện với môi trường và đảm bảo có hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

9. Cơ sở nuôi cá tra an toàn là cơ sở nuôi cá tra áp dụng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quy chế này và được cấp Giấy Chứng nhận cơ sở nuôi cá tra an toàn; cơ sở áp dụng một trong các bộ tiêu chuẩn quốc tế như GAP, BMP, CoC hoặc tiêu chuẩn nuôi an toàn khác và được tổ chức ban hành tiêu chuẩn tương ứng cấp Giấy Chứng nhận cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn.

10. Vùng nuôi cá tra an toàn là vùng nuôi cá tra có 100% số cơ sở nuôi cá tra trong vùng áp dụng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quy chế này hoặc áp dụng một trong các tiêu chuẩn quốc tế như GAP, BMP, CoC hoặc tiêu chuẩn nuôi an toàn khác, trong đó có ít nhất 80% số cơ sở đã được cấp Giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn tương ứng.

Chương 2.

QUẢN LÝ VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI CÁ TRA

Điều 4. Điều kiện nuôi cá tra

1. Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi cá tra phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi cá tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Cơ sở nuôi cá tra phải sử dụng con giống đạt yêu cầu chất lượng theo quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 170 : 2001. Chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra chất lượng.

3. Cơ sở nuôi cá tra phải sử dụng thức ăn công nghiệp theo quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 188 : 2004 hoặc thức ăn tự chế đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh theo quy định của Tiêu chuẩn ngành số 28 TCN 176 : 2002.

4. Nước thải từ ao nuôi cá tra phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng nước thải theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6774 : 2000 và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5942 - 1995.

5. Chất thải rắn phải được thu gom, xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y. Khuyến khích xử lý và tái sử dụng chất thải rắn trong nuôi cá tra để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

6. Không sử dụng hoá chất và các chế phẩm sinh học ngoài danh mục được phép sử dụng để xử lý môi trường.

7. Chủ cơ sở nuôi cá tra phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết đó.

Điều 5. Phòng ngừa dịch bệnh trong vùng và cơ sở nuôi cá tra

1. Việc phòng ngừa dịch bệnh cho cá nuôi được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.

2. Không sử dụng các loại thuốc và hoá chất trong Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản để phòng, trị bệnh cá.

Điều 6. Khuyến khích nuôi cá tra an toàn

1. Khuyến khích xây dựng cơ sở nuôi cá tra theo công nghệ nuôi và mô hình quản lý tiên tiến, phù hợp với điều kiện của địa phương và đảm bảo phát triển nuôi bền vững (như GAP, BMP, CoC hoặc các tiêu chuẩn khác).

2. Chủ cơ sở nuôi cá tra an toàn có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản cấp tỉnh ghi tên cơ sở của mình vào Danh sách cơ sở nuôi cá tra an toàn.

b) Quảng bá cơ sở nuôi cá tra an toàn của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Nuôi trồng thuỷ sản

1. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi cả nước.

2. Đôn đốc các cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh tổ chức thực hiện Quy chế này.

3. Chỉ đạo tổ chức việc nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tra tiên tiến để đảm bảo nuôi cá tra an toàn và phát triển bền vững nghề nuôi cá tra.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản cấp tỉnh

1. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này trên địa bàn cấp tỉnh.

2. Phối hợp với Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh thủy sản tổ chức thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản cho vùng nuôi cá tra.

3. Định kỳ hàng năm lập và công bố Danh sách cơ sở nuôi cá tra an toàn để quảng bá cho các cơ sở nuôi cá tra an toàn; Danh sách vùng và cơ sở nuôi cá tra siêu thâm canh và Danh sách vùng và cơ sở nuôi cá tra thâm canh trên địa bàn cấp tỉnh làm cơ sở cho công tác quản lý vĩ mô và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

4. Tổng hợp tình hình nuôi cá tra tại địa phương và báo cáo Cục Nuôi trồng thuỷ sản theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất (khi có yêu cầu).

Chương 4.

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Điều 9. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Quy chế này thì bị xử lý theo quy định tại Mục C chương II Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản và Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Điều 11. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại; cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm Quy chế này của tổ chức, cá nhân với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

1. Khi tiêu chuẩn ngành và văn bản khác liên quan đến việc thực hiện Quy chế này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản mới.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế, có điều gì chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Nuôi trồng thủy sản để tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 70/2008/QĐ-BNN về Quy chế Quản lý vùng và cơ sở nuôi cá tra do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 70/2008/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/06/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Việt Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 355 đến số 356
  • Ngày hiệu lực: 05/07/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 05/09/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản