Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 694/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 17 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ MUỐI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về Quản lý sản xuất, kinh doanh muối;

Căn cứ Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1156/TTr-SNNPTNT, ngày 29/4/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/cáo);
- CT, PCT(NN) UBND tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP (NN), CBTH;
- Lưu: VT, NN-TNph167.

CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ MUỐI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025: Sản lượng muối đạt 12.000 tấn; Trong đó, sản lượng muối sạch đạt 6.000 tấn chiếm 50% tổng sản lượng muối; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến muối và xây dựng mạng lưới thị trường tiêu thụ muối ổn định và đảm bảo có lãi. Bước đầu thí điểm mô hình phát triển nghề muối gắn với du lịch nông thôn.

- Đến năm 2030: Sản lượng muối đạt trên 20.000 tấn; Trong đó, 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp. Đa dạng hóa các sản phẩm từ muối và phát triển nghề muối gắn với du lịch nông thôn.

II. Định hướng phát triển

- Thực hiện cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa hình thành vùng sản xuất tập trung để thuận lợi trong việc ứng dụng cơ giới hóa ở một số công đoạn vào sản xuất, nhằm giảm nhẹ cường độ lao động và giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất.

- Tổ chức lại sản xuất, từng bước thay thế phương pháp sản xuất thủ công truyền thống bằng phương pháp, công nghệ sản xuất tiên tiến, để hình thành vùng sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp.

- Sửa chữa, nâng cấp và xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng muối, trọng tâm là các hạng mục: Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng; hệ thống cấp nước biển và thoát nước mưa ven theo khu dân cư; hệ thống điện phục vụ sản xuất.

- Gắn sản xuất với chế biến và đa dạng hóa sản phẩm muối, xây dựng mạng lưới tiêu thụ rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho diêm dân tiêu thụ muối nguyên liệu sản xuất hàng năm với giá cả có lợi và ổn định.

- Củng cố tổ chức, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã hiện có theo Luật Hợp tác xã năm 2012, làm cho Hợp tác xã ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Về tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm

- Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng hình thành vùng sản xuất tập trung để có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong một số công đoạn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm nhẹ sức lao động và giảm chi phí sản xuất.

- Tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa cải tạo đồng ruộng và khai hoang mở mới để đến năm 2025 hoàn thành chỉnh trang toàn bộ diện tích sản xuất muối có ô kết tinh phân tán hiện nay, thành 18 vùng sản xuất có ô kết tinh tập trung theo từng đội sản xuất, lót bạt HDPE trên nền ô kết tinh và kiểm soát chất lượng sản phẩm muối.

- Hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức sản xuất lại Nhà máy muối Sa Huỳnh, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm muối đa dạng, đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường và tiêu thụ muối ổn định cho diêm dân.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ diêm dân và các thành phần kinh tế tham gia chế biến và tiêu thụ muối ăn từ muối nguyên liệu Sa Huỳnh. Hỗ trợ hộ gia đình diêm dân phát triển cơ sở chế biến bán cơ giới quy mô nhỏ và tự tổ chức tiêu thụ sản phẩm muối do cơ sở sản xuất ra.

- Hướng dẫn và hỗ trợ Hợp tác xã muối, các cơ sở chế biến thực hiện tốt việc ký hợp đồng mua muối nguyên liệu với diêm dân trước vụ sản xuất, đảm bảo tiêu thụ kịp thời với giá cả hợp lý.

- Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “muối Sa Huỳnh” đến người tiêu dùng trong phạm vi cả nước, nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ xây dựng mạng lưới tiêu thụ muối Sa Huỳnh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây nguyên.

2. Về xây dựng cơ sở hạ tầng

- Sửa chữa, nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê biển, hệ thống kênh mương, cống đầu mối lấy nước biển vào ruộng; hệ thống kênh mương tiêu thoát nước ngọt ra biển, nhằm phát huy hết năng lực thiết kế và nâng cao khả năng phục vụ của công trình để phục vụ sản xuất.

- Hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng tại vùng sản xuất, để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt. Xây dựng hệ thống đê bao, thủy lợi kết hợp với giao thông nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho sản xuất và vận chuyển sản phẩm muối.

- Tiến hành cải tạo các kênh cấp nước, nâng cao trình các khu vực có diện tích trũng thấp, kiên cố hóa mương dẫn nước chạt, nền ô kết tinh ruộng muối,... để đảm bảo thuận lợi trong sản xuất.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia xây dựng, sử dụng, sửa chữa, bảo quản nhằm tăng tuổi thọ công trình và phát huy hiệu quả cao nhất.

3. Về dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng

- Căn cứ vào số hộ đăng ký nhận đất ô từng phân khu cụ thể, tính toán diện tích sau khi cải tạo với số diện tích mà các hộ đăng ký để quyết định số hộ được nhận đất ở từng khu cho phù hợp. Sau đó tiến hành dự kiến phân ô thửa trên bản đồ, tiến hành họp dân, lập danh sách cụ thể (tên chủ hộ, diện tích,...) để làm cơ sở giao đất ngoài thực địa.

- Giao đất tại thực địa: Căn cứ kết quả phân chia từng ô thửa trên bản đồ (hoặc sơ đồ), chính quyền địa phương cùng hộ sản xuất tiến hành giao nhận đất ngoài thực địa. Ranh giới từng ô được cắm mốc chỉ giới rõ ràng ngoài thực địa và ghi chú cụ thể trên bản đồ, lập biên bản giao đất tại thực địa có chữ ký của chủ hộ, đại diện chính quyền và các hộ có nhận đất liền kề.

- Sau khi dồn điền, đổi thửa, mỗi hộ gia đinh, cá nhân chỉ còn một vị trí (tương ứng với 1 thửa); trường hợp đặc biệt, hộ có diện tích đất sản xuất quá lớn thì có thể nhận được 2 vị trí khác nhau (tương ứng 2 thửa).

- Hoàn thiện hồ sơ dồn điền, đổi thửa để lập hồ sơ địa chính, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất muối.

- Trong quá trình dồn điền, đổi thửa cần đảm bảo sự đoàn kết, ổn định chính trị trong thôn xóm, giúp đỡ lẫn nhau cùng có lợi để thúc đẩy sản xuất và không làm ảnh hưởng tới mùa vụ sản xuất. Phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai phù hợp với pháp luật đất đai.

- Thực hiện phương án phân chia ruộng đất theo diện tích được nhận (diện tích được chia sau khi tiến hành bước cải tạo xây dựng đồng ruộng).

4. Về khoa học công nghệ

- Tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để người dân có điều kiện tiếp cận học tập kinh nghiệm và áp dụng trong thực tiễn sản xuất.

- Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến muối theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tổng kết các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất, chế biến muối có hiệu quả để phổ biến ra diện rộng. Đặc biệt trong thời gian tới cần hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt HDPE, khuyến khích sử dụng mái che trên nền ô kết tinh. Kéo dài thời gian kết tinh muối lên từ 5 - 6 ngày để hàm lượng NaCl, tỷ lệ % khối lượng chất khô đạt các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng với từng loại muối, nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất, đồng thời tạo ra vùng sản xuất muối sạch đạt chất lượng theo nhu cầu thị trường.

- Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong các công đoạn bơm nước chạt vào ô kết tinh, vận chuyển muối từ ruộng đến kho bảo quản; và từng bước tiến đến cơ giới hóa toàn bộ trong các công đoạn sản xuất, thu hoạch và chế biến muối; phủ bạt che mưa trên toàn bộ ô kết tinh ruộng muối để tránh thiệt hại do mưa.

- Mở rộng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng đổi mới công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất và chế biến muối của tỉnh.

5. Về tín dụng đầu tư

- Hỗ trợ lãi xuất vay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

- Khuyến khích, ưu tiên các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến muối được vay vốn tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

6. Về phát triển nguồn nhân lực nghề muối

- Tăng cường tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất muối cho bà con diêm dân, đảm bảo đến năm 2030 có 100 % số lao động sản xuất muối trong tỉnh được tham gia các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm muối. Chương trình tập huấn bao gồm kiến thức về sản xuất mới, cập nhật các tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến muối, tiến hành các hoạt động tham quan thực tế, tổ chức hội thảo để người dân có thể tham gia và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

- Quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ HTX muối, để làm đầu tàu trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định sản xuất.

7. Về Bảo vệ môi trường

- Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối phải thiết kế đảm bảo thuận tiện cho sản xuất, đồng thời đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguồn nước sản xuất phải đảm bảo có độ mặn cao và tránh bị ô nhiễm dầu máy của các phương tiện đánh bắt hải sản, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ không hòa tan. Hệ thống ống dẫn nước hoặc kênh dẫn nước phục vụ sản xuất muối cần tránh đi qua khu dân cư để hạn chế thấp nhất nhiễm bẩn từ hệ thống nước thải của khu dân cư. Trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đồng muối cần hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến khu vực đầm nước mặn.

- Bố trí vị trí sản xuất muối phù hợp với diện tích sản xuất muối của từng khu vực, đảm bảo khu vực sản xuất muối phải ở vị trí thuận lợi cho sản xuất, đồng thời đảm bảo không bị ảnh hưởng tiêu cực từ các nguồn ô nhiễm khác.

- Cơ sở chế biến muối cần chú trọng tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Hằng năm, tổ chức phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ nhân viên tham gia chế biến; trang bị các phương tiện cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, để người trực tiếp tham gia chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm. Công tác vệ sinh đồng muối cần được tiến hành thường xuyên. Với những đồng muối nằm ngay sát khu dân cư, cần có phương án đề phòng chất thải sinh hoạt đổ lẫn vào nguồn nước sản xuất.

- Dụng cụ phục vụ cho công tác thu hoạch sản phẩm cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng, thao tác thu hoạch muối cần thực hiện đúng quy cách. Sản phẩm sau thu hoạch cần được vận chuyển và cất giữ đảm bảo để hạn chế nhiễm bẩn và thất thoát.

- Để đảm bảo môi trường cho đầm Nước Mặn, về lâu dài Ủy ban nhân dân phường Phổ Thạnh cùng với các đơn vị liên quan cần có giải pháp ngăn chặn xã thải trực tiếp (không qua hồ hoặc bể xử lý nước thải) ra đầm nước mặn từ các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản đóng trên địa bàn, thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình nhiễm mặn làm ảnh hưởng nguồn nước ngầm, tăng lượng muối trong đất.... Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ sản xuất, chế biến muối; các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản; các hoạt động tàu thuyền và khu vực dân sinh nằm trong khu vực đầm Nước Mặn.

8. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

a) Các chương trình, dự án ưu tiên về sản xuất:

- Hỗ trợ thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng.

- Sản xuất muối sạch kết tinh trên nên lót bạt HDPE.

- Hỗ trợ tập huấn, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nghề muối.

- Xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối cho người dân.

- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối kết tinh trên nền vật liệu mới, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình liên kết sản xuất muối kết tinh theo chuỗi giá trị.

b) Các dự án ưu tiên về cơ sở hạ tầng và chế biến, tiêu thụ muối:

- Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng muối Sa Huỳnh.

- Xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm muối Sa Huỳnh.

- Đầu tư nhà máy chế biến muối sạch Sa Huỳnh.

- Đầu tư kho dự trữ, bảo quản muối.

9. Nguồn vốn thực hiện

a) Tổng vốn đầu tư: Khoảng 100,5 tỷ đồng. Trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025 là 33,5 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030 là 67 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư

Bao gồm các nguồn vốn sau: Vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

(Chi tiết Danh mục Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và khai toán nguồn lực thực hiện Kế hoạch theo Phụ lục đính kèm)

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện Kế hoạch; là đầu mối tổng hợp đề xuất và giám sát các dự án đầu tư phát triển sản xuất muối theo Kế hoạch.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến Kế hoạch này.

- Theo dõi, hướng dẫn Hợp tác xã muối và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh muối đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng muối nguyên liệu, sản phẩm muối chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, chế biến muối để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, ổn định.

- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh cân đối phân bổ nguồn vốn đầu tư hàng năm đối với các chương trình, dự án đã được phê duyệt trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương bố trí vốn thực hiện các dự án theo Kế hoạch.

3. Sở Tài Chính

Trên cơ sở nhu cầu kinh phí do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Đức Phổ lập, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh theo quy định.

4. Sở Tài Nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn việc trích đo thửa đất, khu đất.

- Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

5. UBND thị xã Đức Phổ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan và chỉ đạo UBND phường Phổ Thạnh triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch này.

- Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung theo kế hoạch và chủ động cân đối, bố trí ngân sách và huy động nguồn lực của các tổ chức cá nhân để tổ chức triển khai thực hiện.

- Rà soát, cập nhật, bổ sung vùng sản xuất muối vào quy hoạch sử dụng đất kỳ 2021 - 2030 theo quy định.

- Kiểm tra, rà soát thông tin các thửa đất của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo đúng quy định của luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trước khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Phổ Thạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất muối sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối Sa Huỳnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ Hợp tác xã muối Sa Huỳnh trong việc lập kế hoạch triển khai, tổ chức lại HTX và nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm muối.

- Bố trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn để tổ chức thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, nhằm đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch đề ra.

- Lập kế hoạch thực hiện hàng năm, để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.

- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện kế hoạch.

6. Các sở ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Đức Phổ tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 694/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030

  • Số hiệu: 694/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản