Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2006/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 12 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp” áp dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 (mười) ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất 05 (năm) ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2006/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2006 của UBND thành phố Cần Thơ)

Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làm cơ sở xét công nhận làng nghề và tạo điều kiện bảo tồn, khôi phục, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống; xây dựng và phát triển làng nghề mới; phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (sau đây viết tắt là CN - TTCN), phát triển hoạt động văn hóa du lịch, giao lưu kinh tế; bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất CN - TTCN trên địa bàn.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khái niệm chung:

Làng nghề, làng nghề CN - TTCN là một cộng đồng dân cư tập trung trên một địa bàn như: làng xóm, ấp, thị trấn, khu phố,… (sau đây gọi chung là làng nghề); mà ở đó, dân cư cùng nhau sản xuất một hoặc một số loại sản phẩm hàng hóa trong đó có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, thu hút đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính và chiếm tỷ trọng lớn so với thu nhập dân cư tạo ra trên địa bàn của làng hoặc cộng đồng dân cư đó.

Điều 2. Tên và biểu tượng của làng nghề:

Tên gọi của làng nghề được gắn với nghề sản xuất chính và địa danh của làng nghề (nếu chỉ có một nghề tồn tại và phát triển thì lấy nghề đó đặt tên cho nghề của làng; nếu là có nhiều nghề phát triển thì tên nghề của làng lấy tên nghề nào có giá trị sản xuất và thu nhập cao nhất để đặt tên nghề gắn với tên làng nghề; nếu nghề hoạt động trên địa bàn từ 2 địa danh trở lên trong cùng một xã thì tên nghề được gắn với tên xã).

Làng nghề có thể có biểu tượng (logo) để các thành viên của làng nghề sử dụng và nhằm làm tăng thêm vị thế cạnh tranh, quảng bá sản phẩm. Biểu tượng của làng nghề phải nêu được đặc trưng, hình tượng hóa nghề nghiệp của làng nghề và tuân thủ các quy định hiện hành về biểu trưng, biểu tượng.

Điều 3. Phạm vi áp dụng:

Các địa phương có ngành nghề sản xuất CN - TTCN trên địa bàn thành phố, bao gồm các nhóm ngành nghề sau đây:

- Vật liệu xây dựng;

- Chế biến, sơ chế nông, lâm, thủy sản;

- Dệt, thêu, may, da giày;

- Thủ công mỹ nghệ;

- Đồ gỗ, mây tre đan;

- Xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tại các vùng, làng nghề;

- Cơ khí nhỏ, đóng sửa ghe tàu;

- Phục vụ tiêu dùng.

Điều 4. Đối tượng áp dụng:

1. Hợp tác xã, Tổ hợp tác.

2. Hộ gia đình, cá nhân, tổ, nhóm hợp tác được đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh .

Chương II

TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP – TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

Điều 5. Phân loại làng nghề:

1. Làng nghề CN - TTCN: là làng nghề mà đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình trong làng nghề cùng tham gia làm nghề CN - TTCN, đem lại nguồn thu chính của người dân trong làng, sản phẩm CN-TTCN của làng có tính chuyên biệt, được nhiều người biết đến.

2. Làng nghề truyền thống: là làng nghề được duy trì và tồn tại qua nhiều thế hệ, tên làng nghề gắn với địa danh của một vùng. Nếu làng nghề nhiều đời, nổi tiếng nhưng nay phát triển chưa ổn định, có khả năng mai một, chưa đạt chuẩn để công nhận làng nghề và hiện có 25 hộ hay 100 lao động trở lên trong một làng nghề cùng làm nghề truyền thống thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống để có biện pháp hỗ trợ củng cố, khôi phục ngành nghề.

3. Làng nghề mới: là làng có nghề mới được hình thành và phát triển; nếu chưa đạt chuẩn để công nhận làng nghề CN - TTCN nhưng có từ 15 hộ hay 40 lao động trở lên trong một làng cùng làm nghề thì có biện pháp hỗ trợ phát triển ngành nghề.

4. Làng có nghề: là làng có nghề sản xuất CN - TTCN nhưng lao động hoặc số hộ sản xuất CN - TTCN chưa đạt chuẩn để công nhận. Đây là đối tượng cần lưu ý động viên, khuyến khích phát triển ngành nghề để trở thành làng nghề CN - TTCN.

Điều 6. Các làng nghề đạt tiêu chuẩn dưới đây thì được xem xét công nhận làng nghề CN - TTCN, như sau:

1. Làng nghề CN - TTCN sản xuất các mặt hàng mà pháp luật không cấm.

2. Số hộ hoặc lao động làm nghề CN - TTCN ở làng nghề đạt từ 20% trở lên so với tổng số hộ, lao động của làng nghề hoặc có ít nhất 30 hộ và trên 100 lao động có nghề của ấp, thị trấn và khu vực.

3. Giá trị sản xuất hoặc thu nhập từ sản xuất CN - TTCN ở làng nghề chiếm tỷ trọng trên 35% so với tổng giá trị sản xuất, thu nhập của làng hoặc ấp, thị trấn, khu vực trong năm. Tuân thủ quy tắc vệ sinh môi trường theo các quy định pháp luật hiện hành.

4. Có hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp, chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, quản lý chuyên ngành của các Sở, ngành liên quan, gắn với mục tiêu kinh tế, xã hội và văn hóa của địa phương.

Chương III

TỔ CHỨC XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ

Điều 7. Việc tổ chức xét duyệt, công nhận làng nghề CN - TTCN theo trình tự như sau:

1. Điều kiện:

a) Các địa phương có làng nghề nếu đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 nêu trên thì được đề nghị xét công nhận là làng nghề CN - TTCN;

b) Được UBND xã, phường, thị trấn đề nghị và có ý kiến đồng ý của UBND quận, huyện (thông qua Phòng Kinh tế quận, huyện tham mưu đề xuất).

2. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị xét công nhận làng nghề CN - TTCN của tổ chức, cá nhân (đại diện làng nghề được nhân dân tín nhiệm đề cử);

b) Bảng tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của làng nghề và báo cáo về làng nghề đạt các quy định tại Điều 6;

b) Văn bản đề nghị công nhận làng nghề của UBND xã, phường, thị trấn có ý kiến đồng ý của UBND quận, huyện.

3. Tổ chức xét duyệt:

Việc công nhận làng nghề CN - TTCN, làng nghề truyền thống thuộc thẩm quyền của UBND thành phố thông qua Hội đồng xét duyệt làng nghề CN - TTCN cấp thành phố. Hội đồng xét duyệt có nhiệm vụ xét duyệt hồ sơ xin công nhận theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 nêu trên, thực hiện xét duyệt 02 lần/năm và có trách nhiệm tổng hợp trình UBND thành phố Cần Thơ xem xét quyết định công nhận.

Chương IV

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA LÀNG NGHỀ

Điều 8. Nghĩa vụ của làng nghề CN - TTCN

1. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, các nghệ nhân, thợ giỏi xây dựng phát triển ngành nghề, làng nghề, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển, hoàn thành tốt các nghĩa vụ với nhà nước.

2. Nghiên cứu cải tiến thiết bị, công nghệ sản xuất; đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm chất lượng cao, du nhập nghề mới, sản xuất sản phẩm mới,…; đồng thời, đảm bảo vệ sinh môi trường.

3. Chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành, gửi báo cáo tình hình hoạt động của làng nghề về Phòng Kinh tế quận, huyện và Sở Công nghiệp theo quy định. Trong trường hợp đột xuất phải báo cáo kịp thời về Sở Công nghiệp và UBND thành phố để chỉ đạo giải quyết.

4. Sau khi được công nhận, nếu 05 (năm) năm liền không duy trì các tiêu chuẩn tại Điều 6 nêu trên thì Sở Công nghiệp xem xét, tổng hợp trình UBND thành phố hủy Quyết định công nhận làng nghề CN - TTCN.

Điều 9. Quyền lợi của làng nghề CN - TTCN

1. Được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của nhà nước.

2. Được ưu tiên trong thực hiện chính sách khuyến công theo dự án đã duyệt.

3. Được hỗ trợ về thông tin làng nghề CN - TTCN và tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại trong thành phố và các địa phương khác trong cả nước.

4. Được nhà nước bảo hộ quyền sở hữu bản quyền công nghiệp.

5. Hàng năm được tham gia đăng ký và xét thưởng trong phong trào thi đua sản xuất CN - TTCN của thành phố.

6. Các nghệ nhân có tay nghề cao, thợ giỏi đóng góp lớn trong phát triển làng nghề, phổ biến nghề được nhà nước xem xét khen thưởng, tặng danh hiệu vinh dự.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, ngành và địa phương

1. Giám đốc Sở Công nghiệp tham mưu, trình UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt làng nghề CN - TTCN; đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố ban hành các cơ chế hỗ trợ khôi phục và phát triển làng nghề.

2. Các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, bố trí cán bộ theo dõi hoạt động làng nghề và hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Quy định này.

Hàng năm, tổ chức tổng kết đánh giá việc khôi phục, đầu tư phát triển làng nghề tại địa phương để rút ra kinh nghiệm bổ sung hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn làng nghề, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển làng nghề CN - TTCN trong thời kỳ tiếp theo.

3. UBND quận, huyện gắn việc khôi phục và phát triển làng nghề với quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Các làng nghề chưa đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 nêu trên nhưng có nhiều đời sản xuất, sản phẩm có tiếng, phát triển chưa bền vững có khả năng mai một thì UBND xã, phường, thị trấn xem xét đề nghị UBND quận, huyện (thông qua Phòng Kinh tế) có kế hoạch phát triển, đảm bảo đủ điều kiện xét công nhận.

Làng nghề mới, làng có nghề phải đăng ký phấn đấu xây dựng trở thành làng nghề CN - TTCN với UBND xã, phường, thị trấn và Phòng Kinh tế quận, huyện để tổ chức theo dõi hoạt động và đánh giá định kỳ 6 tháng, năm.

4. UBND xã, phường, thị trấn phân công cán bộ theo dõi, quản lý làng nghề; tập hợp đầy đủ các thông tin, kiến nghị của chủ cơ sở, người làm nghề, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển làng nghề.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Những tổ chức, cá nhân có công đóng góp trong việc xây dựng, phát triển, truyền nghề, du nhập nghề mới sẽ được xem xét tuyên dương, khen thưởng.

Điều 12. Quy định này được thực hiện trên địa bàn thành phố, trong quá trình tổ chức thực hiện có vướng mắc các Sở, ngành, địa phương, các làng nghề, cơ sở sản xuất phản ánh kịp thời về Sở Công nghiệp để tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 69/2006/QĐ-UBND quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 69/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/09/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Võ Thanh Tòng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản