Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6788/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ GIỮA SỞ Y TẾ VÀ UBND QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ TRONG LĨNH VỰC Y TẾ VÀ DÂN SỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thành phố Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 3453/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức lại Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 4600/TTr-SYT ngày 16/10/2018 và Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2587/TTr-SNV ngày 09/11/2018 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý giữa Sở Y tế và UBND quận, huyện, thị xã trong lĩnh vực y tế và dân số,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý giữa Sở Y tế và UBND quận, huyện, thị xã trong lĩnh vực y tế và dân số.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- VPUB: PCVP P.C.Công, Đ.H.Giang;
- Phòng KGVX, KT, NC, TKBT, TH;
- Lưu VT, KGVX

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ GIỮA SỞ Y TẾ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ TRONG LĨNH VỰC Y TẾ VÀ DÂN SỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6788/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, hình thức và nội dung phối hợp quản lý giữa Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là UBND huyện) trong lĩnh vực y tế và dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Mỗi cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan  Nhà Nước cấp trên của mình về chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các công việc về chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn.

2. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết những công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành y tế khi cần thiết, nhằm đảm bảo tính thống nhất khi giải quyết các tình huống khẩn cấp về y tế, (DS-KHHGĐ) trên địa bàn.

3. Việc phối hợp hoạt động được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đồng thời trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ không làm giảm vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan và không cản trở công việc của nhau. Những thông tin được chia sẻ thường xuyên theo quy định của Sở Y tế và UBND huyện, đồng thời trao đổi cho nhau biết những thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe của nhân dân.

Điều 3. Hình thức phối hợp

1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

2. Tổ chức họp liên ngành.

3. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết.

4. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành.

5. Các hình thức khác.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Quy định mối quan hệ công tác về y tế

1. Đối với Sở Y tế

Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện.

a) Thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh, Y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống bệnh xã hội, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn.

b) Phối hợp với Phòng Y tế thẩm định các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý và tham gia đoàn thẩm định cơ sở an toàn thực phẩm tuyến Thành phố quản lý trên địa bàn, tham gia đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của huyện và Thành phố tổ chức. Giám sát, hướng dẫn, tuyên truyền, tư vấn, tập huấn các biện pháp thực hành đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các mô hình điểm về an toàn thực phẩm.

c) Báo cáo định kỳ kết quả về hoạt động chuyên môn trên địa bàn với Sở Y tế và UBND huyện theo quy định và khi có yêu cầu.

d) Phối hợp với Phòng Y tế tham mưu giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về y tế, công tác y tế dự phòng, quản lý các bệnh xã hội, phục hồi chức năng, tai nạn thương tích, y tế học đường và truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn. Phối hợp với Phòng Y tế thẩm định và kiện toàn cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập khi được yêu cầu.

e) Phối hợp với Phòng Y tế kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động về y tế trên địa bàn khi có yêu cầu.

f) Kiểm tra, giám sát chuyên môn, dịch vụ y tế về (DS-KHHGĐ) và các hoạt động về (DS-KHHGĐ) cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã); tổ chức các hoạt động về truyền thông, giáo dục, vận động, phổ biến các sản phẩm truyền thông về (DS-KHHGD).

g) Chỉ đạo Trạm Y tế (TYT) xã làm tốt công tác tham mưu với UBND xã trong tổ chức thực hiện phòng chống dịch, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

2. Đối với UBND huyện

UBND huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo Phòng Y tế huyện.

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND cùng cấp và theo quy định của Pháp luật, góp phần đảm bảo sự thống nhất quản lý của ngành từ Trung ương đến cơ sở.

b) Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn của Sở Y tế.

c) Chịu trách nhiệm và báo cáo định kỳ công tác trước HĐND - UBND huyện, Sở Y tế khi được yêu cầu.

d) Phòng Y tế chủ trì và phối hợp với Trung tâm Y tế dự thảo các Quyết định, Chỉ thị, Quy hoạch, Kế hoạch dài hạn, hàng năm, đề án, chương trình phát triển y tế, cải cách hành chính, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, dự thảo các Quyết định, Chỉ thị và biện pháp huy động liên ngành trong quản lý, sử dụng các nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, (DS-KHHGĐ), an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tai nạn thương tích, thiên tai thảm họa ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân xảy ra trên địa bàn huyện. Trình UBND huyện phê duyệt và có trách nhiệm đôn đốc các xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

e) Chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế giúp UBND huyện tổ chức công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, an toàn thực phẩm, (DS-KHHGĐ) của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của xã, phường, thị trấn, cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn.

f) Chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế triển khai tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển y tế, an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tai nạn thương tích, thiên tai thảm họa ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân xảy ra trên địa bàn huyện sau khi được phê duyệt.

g) Tham mưu UBND huyện trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo đúng các quy định của Nhà nước. Chủ trì thẩm định và chuẩn bị hồ sơ giúp UBND huyện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và cam kết an toàn thực phẩm theo phân cấp. Chủ trì đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ, đột xuất khi được UBND huyện ủy quyền. Tham gia đoàn kiểm tra, thẩm định cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của Thành phố khi có yêu cầu. Chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo số liệu cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết, tự công bố sản phẩm, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm liên ngành, chuyên ngành y tế

h) Phối hợp với Trung tâm Y tế kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Sở Y tế về các hoạt động y tế, (DS-KHHGĐ), các hoạt động y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện.

i) Tham mưu UBND quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở hoạt động khi chưa được cấp phép hoạt động. Phối hợp với Đoàn thẩm định của Sở Y tế, thực hiện thẩm định các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập; tham gia thanh tra, tổ chức kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn và đề xuất hình thức xử lý đối với các cơ sở vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật. Tổ chức phổ biến các văn bản pháp quy, quy chế chuyên môn, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, kiểm tra xác nhận các cơ sở hành nghề y, dược đóng cửa hạ biển, ngừng hoạt động. Thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 02/5/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage) trên địa bàn.

k) Phối hợp với Trung tâm Y tế giúp UBND huyện hướng dẫn UBND xã tổ chức thực hiện chương trình y tế cơ sở, (DS-KHHGĐ), an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn.

Điều 5. Quy định mối quan hệ công tác về dân số

1. Đối với Sở Y tế

a) Xây dựng trình Thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án; chính sách và các biện pháp thực hiện công tác dân số trên địa bàn Thành phố.

b) Trình UBND Thành phố ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về dân số trên địa bàn Thành phố.

c) Trình UBND Thành phố ban hành và triển khai kế hoạch hàng năm, 5 năm và giai đoạn về công tác dân số trên địa bàn Thành phố.

d) Tổ chức, phối hợp thực hiện công tác dân số giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân và các tổ chức ở Thành phố tham gia thực hiện chính sách dân số.

e) Quản lý, hướng dẫn quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ về dân số; công tác thu thập, xử lý, khai thác, lưu trữ thông tin, số liệu về dân số; công tác đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành dân số; hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn Thành phố.

f) Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước về công tác dân số; tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dân số trên địa bàn Thành phố.

g) Tổ chức, quản lý và thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về dân số, chính sách dân số; thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số trên địa bàn Thành phố.

h) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dân số thuộc thẩm quyền.

i) Xây dựng và trình Thành phố phê duyệt, bố trí kinh phí, nguồn lực của Thành phố để đảm bảo thực hiện chính sách dân số phù hợp trên địa bàn Thủ đô; đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của công tác dân số trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và quy định của Thành phố.

2. Đối với UBND huyện

a) Xây dựng, tổ chức và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và các biện pháp thực hiện công tác dân số trên địa bàn huyện.

b) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về dân số trên địa bàn huyện.

c) Xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm, 5 năm và giai đoạn về công tác dân số của huyện thực hiện chỉ đạo của Trung ương, HĐND Thành phố, UBND Thành phố.

d) Tổ chức, phối hợp thực hiện công tác dân số giữa các cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân và các tổ chức, cá nhân tham gia công tác dân số trên địa bàn huyện.

e) Quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước về dân số; tổ chức, quản lý công tác thu thập, xử lý, khai thác, lưu trữ thông tin, số liệu về dân số; công tác đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổng điều tra dân số định kỳ theo địa bàn huyện.

f) Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước về công tác dân số; tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dân số trên địa bàn địa bàn huyện.

g) Tổ chức, quản lý và thực hiện giáo dục, phổ biến nhân dân thực hiện pháp luật về dân số; thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số trên địa bàn địa bàn huyện.

h) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dân số trên địa bàn địa bàn huyện.

i) Cân đối, bố trí kinh phí nguồn quận, huyện (ngoài định mức của Thành phố) để đảm bảo các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch cao hơn mức Thành phố giao; đảm bảo thù lao theo các nhiệm vụ giao cho cộng tác viên dân số ở thôn, làng, tổ dân phố; các nội dung kinh phí khác theo phân cấp và quy định của Luật Ngân sách.

Điều 6. Thông tin, báo cáo

1. Báo cáo định kỳ và các báo chuyên đề khi có yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan chuyên môn và theo thẩm quyền được phân cấp.

2. Các đơn vị thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin về chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định tại mối quan hệ công tác.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Chủ trì tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo đề nghị của cơ quan phối hợp.

3. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoặc đề xuất nội dung phối hợp liên ngành trong việc phối hợp công tác tại địa phương.

4. Chủ động chuẩn bị nội dung, tổ chức các cuộc họp liên ngành thường kỳ hoặc đột xuất hoặc trao đổi ý kiến liên ngành bằng văn bản để đảm bảo hiệu quả của công tác phối hợp.

5. Đôn đốc, theo dõi, đánh giá về công tác phối hợp.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp liên ngành để tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Quy chế, kinh nghiệm, những vướng mắc, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp,

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn theo thẩm quyền được phân cấp.

2. Giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, đề xuất kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở, ban, ngành và cơ quan có liên quan

Thực hiện các nhiệm vụ được UBND Thành phố giao.

Trên đây là một số quy định về mối quan hệ công tác giữa Sở Y tế và UBND quận, huyện, thị xã về lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố. UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị triển khai thực hiện.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6788/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế phối hợp quản lý giữa Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong lĩnh vực y tế và dân số do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 6788/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/12/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Đức Chung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản