Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6713/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ THỊ TRƯỜNG PHÁT ĐIỆN CẠNH TRANH VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam;

Căn cứ Quyết định 153/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Thiết kế Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam với các nội dung sau đây:

1. Tên gọi của thị trường

a) Tên tiếng Việt: Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam;

b) Tên tiếng Anh: Vietnam Competitive Generation Market;

c) Tên viết tắt: VCGM.

2. Cơ cấu và nguyên tắc hoạt động của thị trường

a) Cơ cấu của thị trường: Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam gồm 2 thị trường thành phần chính sau:

- Thị trường hợp đồng: Các đơn vị phát điện ký hợp đồng với Đơn vị mua buôn duy nhất theo cơ chế hợp đồng quy định tại điểm a khoản 4 của điều này.

- Thị trường điện giao ngay: áp dụng mô hình thị trường điều độ tập trung chào giá theo chi phí (tiếng Anh: Mandatory Cost-based Gross Pool), theo cơ chế hoạt động quy định tại điểm b khoản 4 của điều này;

b) Nguyên tắc hoạt động của thị trường

- Trong thị trường phát điện cạnh tranh VCGM, toàn bộ điện năng phát của các nhà máy điện được bán cho đơn vị mua buôn duy nhất, lịch huy động các tổ máy được lập căn cứ trên bản chào giá theo chi phí biến đổi. Điện năng mua bán được thanh toán theo giá hợp đồng và giá thị trường giao ngay của từng chu kỳ giao dịch thông qua hợp đồng sai khác;

- Tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng cho năm đầu tiên của thị trường được quy định ở mức bằng 90% - 95% tổng sản lượng điện phát của nhà máy, phần còn lại được thanh toán theo giá thị trường giao ngay. Tỷ lệ này sẽ được giảm dần qua các năm tiếp theo để tăng tính cạnh tranh trong hoạt động phát điện, nhưng không thấp hơn 60%.

3. Các đối tượng tham gia thị trường

a) Các đơn vị tham gia cạnh tranh phát điện: gồm các nhà máy điện có công suất đặt từ 30 MW trở lên đấu nối vào lưới điện quốc gia (trừ các nhà máy điện gió, điện địa nhiệt);

b) Đơn vị mua buôn duy nhất: Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

c) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện: Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia;

d) Các đơn vị cung cấp dịch vụ

- Đơn vị cung cấp dịch vụ thu thập và quản lý số liệu đo đếm điện năng: Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Công ty Thông tin viễn thông điện lực;

- Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tải điện: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

4. Các cơ chế hoạt động của thị trường

a) Cơ chế hợp đồng mua bán điện trong thị trường

- Các nhà máy điện tham gia cạnh tranh trên thị trường (trừ các nhà máy điện BOT, các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu): ký hợp đồng mua bán điện (PPA) dưới dạng hợp đồng sai khác (CfD) với Đơn vị mua buôn duy nhất. Giá hợp đồng được quy đổi từ giá công suất và giá điện năng do hai bên thoả thuận nhưng không vượt quá khung giá cho nhà máy điện chuẩn do Bộ Công Thương ban hành. Sản lượng hợp đồng hàng năm được xác định trước khi bắt đầu năm vận hành theo kết quả tính toán tối ưu hệ thống điện của năm tiếp theo. Tỷ lệ sản lượng thanh toán theo giá hợp đồng do Cục Điều tiết điện lực quy định hàng năm. Sản lượng thanh toán theo giá hợp đồng của từng chu kỳ giao dịch được tính toán phân bổ từ sản lượng hợp đồng hàng năm;

- Các nhà máy điện BOT: do Đơn vị mua buôn duy nhất chào giá thay trong thị trường để thực hiện nghĩa vụ bao tiêu trong các hợp đồng PPA và tối ưu chí phí mua điện của Đơn vị mua buôn duy nhất;

- Các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu: ký hợp đồng mua bán điện với Đơn vị mua buôn duy nhất theo mẫu do Bộ Công Thương ban hành, đảm bảo cho các nhà máy thu hồi đủ chi phí thực tế;

- Các nhà máy điện cung cấp các dịch vụ phụ trợ (dự phòng khởi động nhanh, dự phòng nguội và dự phòng vận hành phải phát do ràng buộc an ninh hệ thống điện): ký hợp đồng hàng năm với Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo mẫu do Bộ Công Thương ban hành. b) Cơ chế vận hành của thị trường điện giao ngay

- Thị trường điện giao ngay có chu kỳ giao dịch là một giờ. Các đơn vị phát điện công bố công suất sẵn sàng và chào giá phát điện của từng tổ máy cho từng chu kỳ giao dịch của ngày tới;

- Các nhà máy nhiệt điện chào giá theo chi phí biến đổi của từng tổ máy trong giới hạn giá trần của nhà máy sử dụng công nghệ chuẩn. Các nhà máy thuỷ điện chào giá phát điện trong phạm vi ±10% giá trị nước do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán và công bố cho từng nhà máy;

- Lịch huy động các tổ máy được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập cho từng chu kỳ giao dịch căn cứ trên bản chào giá của các tổ máy, dự báo phụ tải hệ thống điện và khả năng tải của lưới điện truyền tải theo nguyên tắc tổng chi phí mua điện là thấp nhất;

- Giá điện năng thị trường giao ngay (SMP) được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện xác định cho từng chu kỳ giao dịch theo nguyên tắc giá biên hệ thống điện căn cứ trên phụ tải thực tế của hệ thống, các bản chào giá và công suất sẵn sàng thực tế của các tổ máy;

- Giá thị trường toàn phần cho từng chu kỳ giao dịch sử dụng trong tính toán thanh toán hợp đồng CfD được xác định bằng tổng giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường.

c) Cơ chế giá công suất thị trường

- Các nhà máy điện tham gia cạnh tranh trên thị trường (trừ các nhà máy điện BOT, các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu) được thanh toán giá công suất thị trường khi được lập lịch huy động;

- Giá công suất thị trường được xác định hàng năm đảm bảo cho Nhà máy điện mới tốt nhất (là nhà máy nhiệt điện chạy nền, có tổng chi phí phát điện thấp nhất trong các nhà máy mới được đưa vào vận hành trong năm) thu hồi đủ tổng chi phí phát điện trong năm;

- Giá công suất thị trường được xác định cho từng giờ, tỷ lệ thuận với phụ tải hệ thống điện giờ cao điểm và giờ bình thường. Giá công suất giờ thấp điểm bằng zero (0).

d) Cơ chế cung cấp dịch vụ phụ trợ trong thị trường

- Các dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện (dự phòng khởi động nhanh, dự phòng nguội và dự phòng vận hành phải phát để đảm bảo an ninh hệ thống điện) do các đơn vị phát điện cung cấp theo hợp đồng ký hàng năm với Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện;

- Số lượng dịch vụ phụ trợ cần thiết hàng năm do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện xác định để đảm bảo an ninh vận hành hệ thống điện. Giá các dịch vụ phụ trợ được xác định đảm bảo cho các nhà máy điện thu hồi đủ chi phí thực tế. Tổng chi phí dịch vụ phụ trợ hàng năm được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện xây dựng và trình duyệt trong tổng chi phí vận hành hệ thống điện và thị trường điện hàng năm;

- Dịch vụ điều chỉnh tần số và dự phòng quay được thanh toán cho toàn bộ lượng công suất được lập lịch huy động theo giá công suất thị trường và cho toàn bộ điện năng phát theo giá điện năng thị trường.

đ) Cơ chế thanh toán trong thị trường

- Chu kỳ thanh toán trong thị trường là một tháng;

- Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chịu trách nhiệm tính toán và công bố các khoản thanh toán trong thị trường điện giao ngay cho từng chu kỳ giao dịch và cho toàn bộ chu kỳ thanh toán;

- Căn cứ số liệu thanh toán do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố và hợp đồng mua bán điện đã ký với Đơn vị mua buôn duy nhất, đơn vị phát điện tính toán và phát hành hoá đơn cho chu kỳ thanh toán;

- Căn cứ số liệu thanh toán do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố và hợp đồng mua bán điện đã ký với đơn vị phát điện,

Đơn vị mua buôn duy nhất chịu trách nhiệm kiểm tra và thực hiện thanh toán cho các nhà máy điện;

- Căn cứ số liệu thanh toán do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố và hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ đã ký, đơn vị phát điện phát hành hoá đơn cho các dịch vụ phụ trợ đã cung cấp trong chu kỳ thanh toán.

e) Cơ chế huy động các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu Các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập và công bố lịch huy động theo giá trị nước đảm bảo an ninh vận hành hệ thống điện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

a) Xây dựng đề án Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát hoạt động của thị trường điện trình Bộ Công Thương phê duyệt trong quý I năm 2010 để triển khai thực hiện;

b) Đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho vận hành thị trường điện của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị mua buôn duy nhất và các đơn vị trực thuộc và cho giám sát hoạt động thị trường điện của Cục Điều tiết điện lực;

c) Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị tham gia thị trường điện;

d) Xây dựng quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm cho các nhà máy điện thuộc EVN theo mô hình thị trường phát điện cạnh tranh được duyệt, trình Bộ Công Thương ban hành trong quý II năm 2010;

đ) Định kỳ hàng quý báo cáo Cục Điều tiết điện lực về tình hình vận hành thị trường thí điểm và công tác chuẩn bị cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức.

2. Giao các đơn vị phát điện:

a) Đầu tư các trang thiết bị cần thiết cho các nhà máy điện tham gia thị trường điện theo thiết kế thị trường điện được duyệt, đảm bảo tương thích với hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường điện được duyệt;

b) Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà máy điện đáp ứng yêu cầu tham gia thị trường điện.

3. Giao Cục Điều tiết điện lực:

a) Chủ trì xây dựng Thông tư Quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, trình Bộ Công Thương ban hành trong quý II năm 2010;

b) Chủ trì xây dựng các quy định có liên quan khác cho hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh theo thiết kế được duyệt trình Bộ Công Thương ban hành trong quý II năm 2010, bao gồm các Thông tư:

- Quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự thủ tục xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện mới, trình tự thủ tục thẩm định và phê duyệt hợp đồng mua bán điện;

- Quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ phụ trợ và hợp đồng mẫu dịch vụ phụ trợ;

- Quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành giá truyền tải điện;

- Quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt chi phí điều độ hệ thống điện - điều hành giao dịch thị trường điện và chi phí dịch vụ phụ trợ;

- Quy định hệ thống điện truyền tải;

- Quy định hệ thống điện phân phối;

- Quy định phương pháp lập, trình tự thủ tục xây dựng và ban hành chi phí điều tiết hoạt động điện lực.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Chánh văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng có liên quan thuộc Bộ, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị phát điện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng (để báo cáo);
- PTTg Hoàng Trung Hải (để báo cáo);
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (để báo cáo);
- Như Điều 4;
- Lưu:VP, ĐTĐL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hữu Hào

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 6713/QĐ-BCT năm 2009 phê duyệt Thiết kế Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 6713/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Đỗ Hữu Hào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản