Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT LỘ TRÌNH, CÁC ĐIỀU KIỆN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CẤP ĐỘ THỊ TRƯỜNG ĐIỆN LỰC TẠI VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, với các nội dung sau đây:

1. Mục đích:

a) Từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện;

b) Thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của Nhà nước cho ngành điện;

c) Tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện;

d) Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao;

đ) Đảm bảo phát triển ngành điện bền vững.

2. Lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam:

Thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ:

- Cấp độ 1 (2005 - 2014): thị trường phát điện cạnh tranh.

- Cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

- Cấp độ 3 (từ sau 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước: thí điểm và hoàn chỉnh, cụ thể như sau:

a) Bước 1 - cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2005 đến năm 2008).

- Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh giữa các nhà máy điện thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để thí điểm cạnh tranh trong khâu phát điện theo mô hình một đơn vị mua duy nhất. Các nhà máy điện, các công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện thuộc EVN sẽ được tổ chức lại dưới dạng các công ty độc lập về hạch toán kinh doanh.

- Các công ty phát điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tiếp tục bán điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã được ký kết.

- Kết thúc bước thí điểm, các nhà máy điện lớn có vai trò quan trọng trong hệ thống điện hiện đang thuộc EVN phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập IPP (Independent Power Producer) dưới dạng các công ty nhà nước độc lập; các nhà máy điện còn lại phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty cổ phần để chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

- Bộ Công nghiệp ban hành các quy định điều tiết các hoạt động của thị trường và hướng dẫn thực hiện.

b) Bước 2 - cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2009 đến năm 2014).

- Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh sau khi các điều kiện tiên quyết cho bước này đã được đáp ứng.

- Cho phép các nhà máy điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tham gia chào giá để bắt đầu thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (theo mô hình một người mua duy nhất); các đơn vị phát điện sẽ bán điện lên thị trường thông qua các hợp đồng PPA và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay với tỷ lệ điện năng mua bán theo hai hình thức của từng đơn vị do Cục Điều tiết điện lực quy định.

c) Bước 1 - cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2015 đến năm 2016).

- Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.

- Cho phép lựa chọn một số đơn vị phân phối và khách hàng lớn để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Cho phép hình thành một số đơn vị bán buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán buôn điện. Các công ty truyền tải điện hiện tại được sáp nhập thành một công ty truyền tải điện quốc gia duy nhất trực thuộc EVN; các đơn vị phân phối, đơn vị vận hành hệ thống và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện do EVN tiếp tục quản lý.

d) Bước 2 - cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2017 đến năm 2022).

- Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh khi các điều kiện tiên quyết cho bước này đã được đáp ứng.

- Cho phép các công ty phân phối điện hiện thuộc EVN được chuyển đổi thành các công ty độc lập (công ty nhà nước hoặc cổ phần) để mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện và ngược lại, các đơn vị phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các công ty này. Các đơn vị bán buôn cũng tham gia cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị phân phối và các khách hàng lớn.

đ) Bước 1 - cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2022 đến năm 2024).

- Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.

- Cho phép lựa chọn một số khu vực lưới phân phối có quy mô thích hợp để triển khai thí điểm. Theo mức độ tiêu thụ điện do Cục Điều tiết điện lực quy định, các khách hàng được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện). Chức năng kinh doanh bán lẻ điện của các công ty phân phối được lựa chọn thí điểm sẽ được tách khỏi chức năng quản lý và vận hành lưới phân phối; các đơn vị bán lẻ điện sẽ cạnh tranh để bán điện tới từng khách hàng sử dụng điện và cạnh tranh để mua điện từ các đơn vị bán buôn điện.

e) Bước 2 - cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2024).

- Theo mức độ tiêu thụ điện do Cục Điều tiết điện lực quy định, các khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc trực tiếp mua điện từ thị trường.

- Các tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu về hoạt động điện lực được phép thành lập mới các đơn vị bán lẻ điện để cạnh tranh trong khâu bán lẻ. Các đơn vị này được quyền mua điện từ các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện.

3. Các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường điện lực:

a) Cho thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (cấp độ 1 - bước 1)

Về cơ cấu tổ chức:

- Các nhà máy điện trực thuộc EVN được tách thành các đơn vị hạch toán độc lập;

- Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực và đơn vị mua duy nhất trực thuộc EVN được thành lập.

Về hệ thống các văn bản:

- Quy định lưới truyền tải và quy định vận hành thị trường điện lực thí điểm được Bộ Công nghiệp ban hành.

Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:

- Hệ thống quản lý vận hành (SCADA/EMS) và hệ thống đo đếm từ xa đã được thiết lập hoàn chỉnh tới các đơn vị phát điện thuộc EVN và tới các nút quan trọng trong lưới truyền tải, đáp ứng các hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm;

- Các hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành và giao dịch thanh toán trên thị trường được trang bị phù hợp.

Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:

Các đơn vị mới thành lập gồm Cục Điều tiết điện lực, đơn vị mua buôn duy nhất, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, đơn vị điều độ hệ thống điện, đơn vị truyền tải điện và các đơn vị phát điện cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.

b) Cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (cấp độ 1 - bước 2)

Về cơ cấu tổ chức:

Các nhà máy điện thuộc EVN được tách thành các đơn vị phát điện độc lập (không có chung lợi ích kinh tế với đơn vị mua duy nhất, đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện) dưới dạng các công ty nhà nước độc lập hoặc các công ty cổ phần. Tổng công suất đặt của một đơn vị phát điện không được vượt quá 25% công suất đặt của toàn hệ thống.

Về hệ thống các văn bản pháp lý:

- Đề án tái cơ cấu ngành điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Đề án thiết kế thị trường điện lực phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh được Bộ Công nghiệp phê duyệt;

- Quy định thị trường điện lực được bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới phù hợp với cấu trúc thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh;

- Các quy định cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh bao gồm: quy định lưới truyền tải; quy định về thủ tục giám sát thực hiện quy hoạch và thực hiện các dự án trong danh mục dự án quy hoạch; quy định về thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung và giám sát thực hiện giấy phép hoạt động điện lực; quy định về trình tự và thủ tục chọn nhà đầu tư phát triển các dự án nguồn mới theo quy hoạch nguồn chi phí tối thiểu; quy định về thủ tục đăng ký tham gia thị trường phát điện cạnh tranh; quy định về kiểm soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường điện lực; quy định về xử lý các vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động thị trường điện lực được ban hành;

- Các quy định về phương pháp xây dựng, thủ tục, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt biểu giá điện bán lẻ, khung giá phát điện, khung giá điện bán buôn, phí truyền tải điện, phí phân phối điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực, phí điều tiết, phí sử dụng dịch vụ phụ trợ và các loại phí có liên quan khác; quy định về mẫu hợp đồng PPA; quy định về giám sát hoạt động mua bán điện trên thị trường, kiểm tra thực hiện khung, biểu giá điện, các loại phí đã được ban hành;

- Quy định về xử lý các chi phí dàn xếp của các hợp đồng PPA dài hạn khi các IPP tham gia thị trường được ban hành;

Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:

- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được thiết lập hoàn chỉnh tới toàn bộ các nhà máy điện trong hệ thống điện, đáp ứng các hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh;

- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện được trang bị phù hợp;

- Các thiết bị phục vụ chức năng giám sát giao dịch thị trường tại cơ quan điều tiết điện lực được trang bị hoàn chỉnh;

- Dự phòng công suất nguồn của hệ thống phải được duy trì ở mức trên 20% công suất đặt của toàn hệ thống;

- Tỷ lệ công suất đặt của một đơn vị phát điện không được vượt quá 25% công suất đặt của toàn hệ thống.

Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:

Các đơn vị phát điện độc lập cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được được các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.

c) Cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (cấp độ 2 - bước 1)

Về cơ cấu tổ chức:

Một số công ty phân phối điện được lựa chọn để thí điểm mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện hoặc các đơn vị bán buôn.

Hệ thống các văn bản:

- Đề án thiết kế thị trường bán buôn điện thí điểm được phê duyệt;

- Các quy định về hoạt động điều tiết; quy định thị trường; quy định lưới truyền tải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cấu trúc và vận hành của thị trường bán buôn cạnh tranh;

- Quy định về điều kiện cho các khách hàng lớn được lựa chọn mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện hoặc qua thị trường điện lực được ban hành.

Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:

- Hệ thống thu thập số liệu, giám sát điều khiển/quản lý năng lượng (SCADA/EMS), hệ thống đo đếm từ xa được thiết lập hoàn chỉnh tới toàn bộ các đơn vị phân phối độc lập và tới các khách hàng sử dụng điện lớn, đáp ứng các hoạt động của thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm;

- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện được trang bị phù hợp;

Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:

Các đơn phân phối được lựa chọn cho thị trường bán buôn điện thí điểm cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.

d) Cho thị trường điện lực bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh (cấp độ 2 - bước 2)

Về cơ cấu tổ chức:

- Các công ty phân phối đã được tổ chức lại để hình thành các đơn vị phân phối điện độc lập;

- Một số đơn vị bán buôn điện mới được thành lập để tham gia giao dịch trên thị trường, đơn vị mua duy nhất trở thành một đơn vị bán buôn điện bình thường dưới dạng một công ty độc lập.

Hệ thống các văn bản:

- Đề án thiết kế thị trường điện lực bán buôn điện cạnh tranh và Đề án thành lập các đơn vị phân phối điện độc lập được phê duyệt;

- Các quy định về hoạt động điều tiết, quy định thị trường, quy định lưới truyền tải được sửa đổi bổ sung phù hợp với cấu trúc thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

- Quy định về cạnh tranh lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện mới theo quy hoạch nguồn chi phí tối thiểu được sửa đổi phù hợp với mục tiêu cạnh tranh của thị trường bán buôn.

Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:

- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được trang bị hoàn chỉnh tới tất cả các điểm đấu nối vào/ra của lưới điện truyền tải từ các đơn vị phân phối độc lập và tới các khách hàng sử dụng điện lớn;

- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện lực được trang bị phù hợp đáp ứng cấu trúc và vận hành của thị trường bán buôn.

Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:

Các đơn vị phân phối điện độc lập cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.

đ) Cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (cấp độ 3 - bước 1)

Hệ thống các văn bản pháp lý:

- Đề án thiết kế thị trường điện lực bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm và Đề án tổ chức lại các công ty phân phối và lựa chọn quy mô bán lẻ điện thí điểm được phê duyệt;

- Các quy định về hoạt động điều tiết, quy tắc thị trường điện lực và quy định lưới truyền tải được sửa đổi bổ sung phù hợp với cấu trúc và vận hành của thị trường bán lẻ điện;

- Quy định lưới phân phối được xây dựng và ban hành.

Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:

- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được đầu tư hoàn chỉnh tới tất cả các khách hàng sử dụng điện và tới các điểm đo đếm trong khu vực lưới phân phối được chọn để thí điểm;

- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện lực được trang bị phù hợp với cấu trúc và vận hành của thị trường bán lẻ điện.

Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:

Các đơn vị bán lẻ điện được lựa chọn cho thí điểm thị trường bán lẻ điện cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.

e) Cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (cấp độ 3 - bước 2)

Hệ thống các văn bản:

- Đề án thiết kế thị trường điện lực bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt;

- Các quy định về hoạt động điều tiết, quy định thị trường, quy định lưới truyền tải được sửa đổi bổ sung phù hợp với cấu trúc và vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Về cơ sở hạ tầng hệ thống điện:

- Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm từ xa được đầu tư hoàn chỉnh cho lưới phân phối;

- Hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện lực được trang bị phù hợp với cấu trúc thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Về năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường:

Các đơn vị bán lẻ điện độc lập cần có đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Bộ Công nghiệp:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành điện, phù hợp với lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện được duyệt;

b) Chỉ đạo thực hiện xây dựng và phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam theo lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện được duyệt;

c) Phê duyệt Đề án thiết kế thị trường điện các cấp độ và các đề án tổ chức lại các công ty phát điện, các đơn vị truyền tải, các đơn vị phân phối phù hợp với từng cấp độ thị trường và tổ chức thực hiện;

d) Ban hành các quy định cho vận hành thị trường điện và hoạt động điều tiết tại các cấp độ phát triển thị trường điện;

đ) Tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức tài trợ quốc tế cho các dự án phục vụ tiến trình xây dựng và phát triển các cấp độ thị trường điện;

e) Tổng hợp nhu cầu vốn cho phát triển thị trường điện lực theo kế hoạch hàng năm để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc hình thành và phát triển thị trường điện lực từng cấp độ theo dự toán được Bộ Công nghiệp phê duyệt.

3. Tổng công ty Điện lực Việt Nam:

a) Xây dựng các quy định cho hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm nội bộ trình Bộ Công nghiệp phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Triển khai thực hiện thị trường phát điện thí điểm nội bộ phù hợp với lộ trình được phê duyệt theo Quyết định này và các quy định vận hành thị trường do Bộ Công nghiệp phê duyệt;

c) Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên của các đơn vị mới thành lập trực thuộc EVN đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường thí điểm;

d) Đầu tư hoàn chỉnh cơ sơ hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh;

đ) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho hình thành và hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu cho hoạt động điều tiết điện lực, cho việc hình thành các đơn vị mới tách ra độc lập và các hoạt động nâng cao năng lực thể chế và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho hoạt động của thị trường điện lực.

4. Các đơn vị phát điện độc lập (IPP), đơn vị phân phối, đơn vị bán buôn, bán lẻ điện:

a) Đầu tư hệ thống trang thiết bị kỹ thuật cần thiết đáp ứng yêu cầu hoạt động của thị trường phát điện, bán buôn điện, bán lẻ điện cạnh tranh;

b) Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên đáp ứng các hoạt động cạnh tranh của thị trường theo từng giai đoạn.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

THỦ TƯỚNG



 
Phan Văn Khải

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 26/2006/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 26/2006/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/01/2006
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 23 đến số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản