Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 258/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Về thành lập, vị trí và chức năng

1. Thành lập Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công nghiệp.

2. Cục Điều tiết điện lực có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (sau đây gọi tắt là Bộ trưởng) thực hiện chức năng điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực nhằm góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

3. Cục Điều tiết điện lực có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và nguồn thu các loại phí, lệ phí từ hoạt động điện lực; có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội và các chi cục tại các khu vực; có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh là Electricity Regulatory Authority of Vietnam (viết tắt là ERAV).

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

Cục Điều tiết điện lực có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành điện phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Xây dựng biểu giá bán lẻ điện để Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Trình Bộ trưởng ban hành các quy định:

a) Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực;

b) Quy tắc hoạt động của thị trường điện lực cạnh tranh, đấu nối lưới điện truyền tải, điều độ hệ thống điện trong thị trường điện lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ cung cấp điện và các quy định khác có liên quan đến thị trường điện lực.

c) Thẩm định các loại phí liên quan đến hoạt động của thị trường điện lực: phí truyền tải điện, phí phân phối điện, phí tham gia thị trường điện, phí giao dịch thị trường, phí điều tiết, phí sử dụng các dịch vụ phụ trợ và các phí khác;

d) Thẩm định khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện;

đ) Thủ tục và trình tự lựa chọn nhà đầu tư phát triển các nguồn điện mới theo chi phí tối thiểu;

e) Phương thức hỗ trợ và khuyến khích đầu tư thực hiện các dự án quản lý nhu cầu điện (DSM) và áp dụng tiết kiệm năng lượng (EE);

g) Quy tắc hoạt động cạnh tranh, chống cấu kết phá giá, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia thị trường điện lực;

h) Thủ tục giải quyết khiếu nại và tranh chấp trong thị trường điện lực cạnh tranh;

i) Xử lý các đối tượng vi phạm quy định hoạt động của thị trường điện lực;

k) Điều kiện, trình tự thủ tục ngừng, giảm cung cấp điện đối với bên bán điện; cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện đối với khách hàng sử dụng điện.

4. Thẩm định phương thức hỗ trợ tài chính các dự án thực hiện quản lý nhu cầu điện (DSM) và tiết kiệm năng lượng; kết quả lựa chọn nhà đầu tư các nguồn điện mới theo chi phí tối thiểu.

5. Thẩm định việc cấp mới, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực.

6. Kiểm tra việc thực hiện:

a) Các quy định về thị trường điện lực;

b) Các nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực của các đơn vị điện lực;

c) Các hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã được ký;

d) Các chương trình, dự án thực hiện quản lý nhu cầu điện (DSM) và tiết kiệm năng lượng (EE) được duyệt;

đ) Các đơn vị điện lực và các đối tượng tham gia hoạt động điện lực về định biểu giá điện và phí, về quy định và thủ tục vận hành thị trường điện lực và các quy định khác của pháp luật về hoạt động của thị trường điện lực.

7. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới biểu giá điện bán lẻ, khung giá, phí các loại:

a) Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về biểu giá bán lẻ điện báo cáo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Thông qua các hợp đồng mua bán điện song phương có thời hạn (PPA) để bảo đảm đúng quy định phương pháp tính toán giá điện đã được ban hành và nguyên tắc chi phí tối thiểu.

c) Kết quả lựa chọn nhà đầu tư các nguồn điện mới theo chi phí tối thiểu do đơn vị điện lực trình.

8. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quản lý quan hệ cung cầu điện:

a) Theo dõi biến động nhu cầu phụ tải điện, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân bằng cung cầu điện;

b) Theo dõi việc thực hiện các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện trong danh mục các dự án đầu tư hàng năm để bảo đảm phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt;

c) Đề xuất các giải pháp khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư phát triển các công trình nguồn điện, lưới điện để bảo đảm cân bằng cung cầu dài hạn và vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn, tin cậy có mức độ dự phòng hợp lý, có chi phí sản xuất, vận hành thấp nhất;

d) Xác định và công bố tỷ lệ công suất và điện năng giữa hình thức mua bán thông qua hợp đồng song phương có thời hạn và mua bán giao ngay cho các đơn vị phát điện phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện lực;

đ) Cập nhật, hệ thống các biến động về giá trên thị trường theo quan hệ cung cầu để có giải pháp xử lý kịp thời;

e) Công bố danh mục các dự án đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải cần đầu tư phát triển hàng năm theo quy hoạch được duyệt để đảm bảo cân bằng cung cầu;

g) Xác nhận tình trạng mang tải của lưới điện theo đề nghị của đơn vị điện lực.

9. Điều tiết hoạt động cạnh tranh giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực trong thực hiện quy định về cạnh tranh. Giải quyết các khiếu nại và tranh chấp trên thị trường điện lực. Đề xuất cấp có thẩm quyền các phương án về sáp nhập hoặc chia tách các đơn vị hoạt động điện lực nhằm bảo đảm hoạt động cạnh tranh minh bạch của thị trường điện lực.

10. Thiết kế đề án xây dựng và phát triển các cấp độ thị trường điện lực. Tham gia phát triển thị trường điện lực và mua bán điện với nước ngoài.

11. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tiết điện lực và phát triển thị trường điện lực, các hoạt động liên quan tới liên kết lưới điện khu vực và phát triển thị trường điện lực các nước tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) và ASEAN.

12. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong hoạt động điều tiết điện lực.

13. Tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của hoạt động điều tiết điện lực và vận hành thị trường ở các cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

14. Lập báo cáo tổng kết hoạt động điều tiết và vận hành của thị trường điện lực hàng năm theo quy định.

15. Sử dụng ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu lệ phí cấp phép, phí điều tiết và các phí khác theo quy định của pháp luật.

16. Đình chỉ và đề xuất hình thức xử lý đối với các đơn vị điện lực và các đối tượng tham gia hoạt động điện lực có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực, các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, các nguyên tắc, thủ tục về định biểu giá điện, phí và các quy định khác của pháp luật về hoạt động điện lực.

17. Quan hệ với các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng.

18. Yêu cầu các đơn vị điện lực cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

19. Quản lý về tổ chức, bộ máy và biên chế được duyệt theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục.

20. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Lãnh đạo Cục

Lãnh đạo Cục có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.

Cục trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về toàn bộ mọi hoạt động của Cục.

Phó Cục trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

2. Bộ máy giúp việc Cục trưởng:

a) Văn phòng (bao gồm tổ chức, kế hoạch, hành chính, kế toán);

b) Ban Pháp chế;

c) Ban Giá điện và Phí;

d) Ban Điều tiết và Phát triển thị trường điện lực;

đ) Ban Quy hoạch và Cấp giấy phép;

e) Ban Quan hệ khách hàng;

g) Ban Công nghệ thông tin.

3. Các Chi cục

a) Chi cục Điều tiết điện lực miền Trung;

b) Chi cục Điều tiết điện lực miền Nam.

4. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục

Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện và Đào tạo nguồn nhân lực.

5. Biên chế của Cục Điều tiết điện lực gồm biên chế quản lý hành chính và biên chế sự nghiệp.

a) Biên chế hành chính gồm lãnh đạo Cục, bộ máy giúp việc và các Chi cục trực thuộc có 90 người;

b) Biên chế sự nghiệp có 10 người.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác, hàng năm Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực xây dựng, trình Bộ trưởng quyết định cụ thể về biên chế cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG



 

Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 258/2005/QĐ-TTg thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 258/2005/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/10/2005
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 26/10/2005
  • Số công báo: Từ số 37 đến số 38
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản