Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 12 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN CÁT TIÊN ĐẾN NĂM 2035 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của UBND huyện Cát Tiên tại Tờ trình số 229/TTr-UBND ngày 23/11/2020 và đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3313/TTr-SXD ngày 16/12/2020 (kèm theo Văn bản thẩm định số 310/BC-SXD-QHKT ngày 16/12/2020).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu phát triển:

- Xây dựng và phát triển vùng huyện Cát Tiên đặt trong tổng thể phát triển của vùng tỉnh Lâm Đồng; đồng thời liên hệ với vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ.

- Phát triển vùng huyện Cát Tiên đảm bảo tính toàn diện, hài hòa và bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường.

- Phát triển không gian vùng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Tiên; tích hợp phát triển các ngành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên đặc trưng của khu vực.

- Xây dựng khung kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ kết nối hiệu quả với các đầu mối hạ tầng vùng lân cận, vùng tỉnh, vùng quốc gia.

2. Phạm vi lập quy hoạch:

Toàn bộ ranh giới thuộc huyện Cát Tiên, gồm: 02 thị trấn (Cát Tiên, Phước Cát) và 7 xã (Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát 2, Gia Viễn, Nam Ninh, Tiên Hoàng và Đồng Nai Thượng). Tổng diện tích 42.694 ha; ranh giới cụ thể như sau:

- Phía Bắc: giáp huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông;

- Phía Tây: giáp huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước;

- Phía Nam: giáp huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai;

- Phía Đông: giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Bảo Lâm.

3. Tính chất:

- Thuộc vùng kinh tế động lực phía Tây Nam, tỉnh Lâm Đồng; vùng đệm của thành phố Bảo Lộc trong quy hoạch vùng III của tỉnh.

- Là vùng trọng tâm của tỉnh về phát triển dược liệu, trồng trọt và chăn nuôi chất lượng cao, đảm bảo an toàn, chất lượng tốt cho người sản xuất và tiêu dùng; hướng đến hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

- Thuộc vùng bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên.

- Là vùng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ.

4. Các dự báo phát triển vùng:

4.1. Dự báo dân số, tỷ lệ đô thị hóa:

- Đến năm 2025: dân số toàn huyện khoảng 40.700 người (dân số đô thị khoảng 19.700 người, dân số nông thôn khoảng 21.000 người); tỷ lệ đô thị hóa khoảng 48,4% (gồm: 2 đô thị loại V là Cát Tiên và Phước Cát).

- Đến năm 2035: dân số toàn huyện khoảng 48.000 người (dân số đô thị khoảng 26.000 người, dân số nông thôn khoảng 22.000 người); tỷ lệ đô thị hóa khoảng 54,17% (gồm: 2 đô thị loại V là Cát Tiên và Phước Cát).

- Đến năm 2050: dân số toàn huyện khoảng 56.000 người (dân số đô thị khoảng 32.800 người, dân số nông thôn khoảng 23.200 người); tỷ lệ đô thị hóa khoảng 58,57% (gồm: 2 đô thị loại V là Cát Tiên và Phước Cát).

4.2. Dự báo nhu cầu sử dụng đất:

- Đất xây dựng đô thị: đến năm 2025, khoảng 442 ha; đến năm 2035, khoảng 524 ha; đến năm 2050 khoảng 636 ha.

- Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn: đến năm 2025, khoảng 290 ha; đến năm 2035, khoảng 352 ha; đến năm 2050, khoảng 426 ha.

5. Định hướng phát triển không gian vùng:

5.1. Phân vùng phát triển kinh tế:

5.2. Vùng huyện Cát Tiên được định hướng phát triển thành 02 tiểu vùng phát triển kinh tế, như sau:

a) Tiểu vùng I:

- Tính chất: Vùng trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế; đô thị - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp chất lượng cao; du lịch sinh thái. Là vùng phát triển kinh tế động lực của vùng huyện Cát Tiên.

- Phạm vi, diện tích: 02 thị trấn (Cát Tiên và Phước Cát) và các xã: Đức Phổ, Phước Cát 2, Quảng Ngãi; trong đó, thị trấn Cát Tiên là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật; thị trấn Phước Cát là trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Nam của huyện; tổng diện tích tiểu vùng I khoảng 21.825 ha.

b) Tiểu vùng II:

- Tính chất: Vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phát triển lâm nghiệp gắn với bảo tồn, phát triển rừng; du lịch sinh thái.

- Phạm vi, diện tích: các xã: Nam Ninh, Gia Viễn, Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng; trong đó xã Gia Viễn là trung tâm tiểu vùng, định hướng giai đoạn 2035- 2050 tiếp cận tiêu chí đô thị loại V; tổng diện tích tiểu vùng II khoảng 20.869 ha.

5.2. Cấu trúc không gian vùng:

a) Cấu trúc giao thông:

- Giao thông đối ngoại:

Quốc lộ 55B (đường tỉnh 721 được nâng cấp đi qua thị trấn Cát Tiên, thị trấn Phước Cát và các xã: Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát 2) kết nối đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và Quốc lộ 14.

Đường Đồng Nai Thượng kết nối xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm và tỉnh Đắk Nông.

- Các trục giao thông liên vùng huyện, liên xã và các trục giao thông kết nối liên vùng phục vụ sản xuất du lịch và sản xuất.

- Trục đường vành đai thị trấn: đường ven sông Đồng Nai và Trần Lê (thị trấn Cát Tiên); đường Bù Khiêu, Cát Lâm, Cát Lợi (thị trấn Phước Cát); đường tránh đô thị từ dốc đá mài đến cầu Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2.

b) Các vùng phát triển đô thị, dân cư nông thôn, tiểu thủ công nghiệp:

- Vùng phát triển đô thị: thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát được định hướng phát triển đô thị loại V.

- Vùng tiệm cận tiêu chí đô thị loại V, gồm: xã Gia Viễn và xã Quảng Ngãi.

- Cụm công nghiệp tại xã Đức Phổ và thị trấn Cát Tiên làm nơi tập trung các đầu mối sản xuất, chế biến, khai thác, xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng,....

- Vùng dân cư nông thôn: phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở các điểm dân cư hiện hữu và xây dựng thêm các điểm dân cư nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong huyện; các điểm dân cư nông thôn tập trung tại các xã: Gia Viễn, Đức Phổ, Quảng Ngãi, Nam Ninh, Tiên Hoàng, Đồng Nai Thượng, xã Phước Cát 2.

- Phát triển vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo có năng suất và chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trên địa bàn thị trấn Cát Tiên và các xã: Đức Phổ, Quảng Ngãi, Gia Viễn; vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng trồng dâu nuôi tằm phân bố đều ở các xã; vùng chuyên canh trồng cây điều tập trung tại các xã: Nam Ninh, Tiên Hoàng, Phước Cát 2,…

- Vùng phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực đất cằn cỗi, khó canh tác, khu vực xa khu dân cư, với các con nuôi chính: bò thịt, heo gắn với các cơ sở giết mổ và chế biến; tập trung trên địa bàn các xã: Nam Ninh, Quảng Ngãi, Gia Viễn, Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng, Đức Phổ.

c) Các vùng cảnh quan và không gian mở:

- Khu vực nghiên cứu khoa học, bảo tồn: Vườn quốc gia Cát Tiên.

- Khu vực nghiên cứu lịch sử gắn với giáo dục truyền thống cách mạng: di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI.

- Khu vực nghiên cứu khoa học, tâm linh: di tích khảo cổ học Cát Tiên.

- Vùng cảnh quan mặt nước tìm hiểu văn hóa bản địa, khám phá và du thuyền dọc sông Đồng Nai, hồ Đạ Sị, hồ Đắk Lô.

- Vùng cảnh quan du lịch sinh thái: thác Đạ Rong, hang Thoát Y ....

d) Vùng hạn chế và cấm xây dựng:

- Hạn chế xây dựng tại các khu vực ven sông có nguy cơ sạt lở, không ổn định địa chất.

- Cấm xây dựng trong khu vực rừng đặc dụng và rừng sản xuất, vùng đệm thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, các hành lang ven sông (trừ trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép) để đảm bảo an toàn, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên nước.

5.3. Quy hoạch hệ thống đô thị trên địa bàn huyện:

Giai đoạn đến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn yếu và thiếu của thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát theo tiêu chí đô thị loại V; giai đoạn đến năm 2035 tiếp tục đầu tư nâng cấp 02 đô thị này đạt chuẩn đô thị loại V; cụ thể như sau:

a) Đô thị Cát Tiên (đô thị loại V, trung tâm huyện):

- Quy mô đô thị:

Về dân số, dự kiến: đến năm 2025, khoảng 11.200 người; đến năm 2035, khoảng 15.000 người; đến năm 2050, khoảng 19.200 người.

Về đất xây dựng đô thị: đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 262 ha (trong đó: đất dân dụng khoảng 188 ha); đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 313 ha (trong đó: đất dân dụng khoảng 218 ha); đến năm 2050, đất xây dựng đô thị 384 ha (trong đó: đất dân dụng là khoảng 265 ha).

- Tính chất và chức năng đô thị:

Đô thị thị trấn Cát Tiên đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của vùng huyện, vừa là đô thị trong hệ thống đô thị vệ tinh của tiểu vùng III (theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng).

Là đô thị loại V; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của vùng huyện.

Là trung tâm dịch vụ, thương mại của vùng huyện, đầu mối giao thương quan trọng của huyện; có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng của vùng.

Là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao của huyện Cát Tiên.

Là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.

Trung tâm giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp tỉnh.

Đô thị đảm bảo các tiêu chí tăng trưởng xanh theo quy định hiện hành.

- Động lực phát triển:

Tiềm năng về vị trí chiến lược phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ cấp vùng.

Tiềm năng về đất đai, nguồn nước, cảnh quan, văn hóa lịch sử phát triển đô thị mới, phát triển du lịch.

Tiềm năng nguồn nhân lực và phát triển khoa học kỹ thuật cho ngành nông nghiệp.

- Định hướng không gian:

Phát triển đô thị Cát Tiên theo dạng tuyến dọc theo trục không gian chủ đạo là Quốc lộ 55B (đường tỉnh 721 cũ).

Phát triển vùng nội thị theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan thiên nhien, hệ thống công viên cây xanh và khu di tích khảo cổ học Cát Tiên, làng dân tộc Buôn Go, Vườn quốc gia Cát Tiên, khu di tích lịch sử kháng chiến Khu VI.

b) Đô thị Phước Cát (đô thị loại V):

- Quy mô đô thị:

Về dân số, dự kiến đến: năm 2025, khoảng 8.500 người; đến năm 2035, khoảng 11.000 người; đến năm 2050, khoảng 13.600 người.

Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến: năm 2025, tổng diện tích xây dựng khoảng 179 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 110 ha); đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 211 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 132,0 ha); đến năm 2050, đất xây dựng đô thị khoảng 252 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 163 ha).

- Tính chất và chức năng đô thị:

Đô thị loại V; là trung tâm tiểu vùng, trung tâm giao lưu kinh tế - văn hoá, trung tâm thương mại, dịch vụ phía Tây Nam của huyện Cát Tiên.

- Động lực phát triển: Phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát triển bản sắc các làng văn hóa đồng bào dân tộc.

- Định hướng không gian:

Phát triển điểm dân cư tập trung theo trục không gian chủ đạo Quốc lộ 55B (đường tỉnh 721 nâng cấp).

Bố trí sắp xếp lại trong các điểm dân cư tập trung theo hướng quy hoạch chỉnh trang các điểm dân cư hiện hữu kết hợp mở rộng phát triển.

5.4. Quy hoạch nông thôn và hệ thống các điểm dân cư nông thôn:

a) Định hướng phát triển:

- Quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới tập trung gắn với hệ thống giao thông liên huyện, liên xã. Điểm dân cư mới hình thành gắn với các vùng chuyên canh lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống các điểm dân cư có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ đồng bộ điểm dân cư tập trung với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, giảm dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị.

- Xây dựng mô hình làng đô thị xanh, tổ chức cải tạo, chỉnh trang và xây dựng mới các điểm dân cư phù hợp với địa hình, cảnh quan nông thôn, gắn với giữ gìn bản sắc đặc trưng của từng vùng, từng khu vực kết hợp với hoạt động du lịch, dịch vụ. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực cho việc xây dựng và duy trì các điểm dân cư nông thôn, giảm áp lực cho các đô thị.

- Xây dựng các làng đồng bào dân tộc kiểu mẫu: bảo tồn và phục hồi hình thái kiến trúc và hệ sinh thái tự nhiên của làng, phát triển truyền thống giữ gìn bản sắc dân tộc.

- Xây dựng mới các điểm dân cư tập trung đảm bảo tiêu chí phù hợp, thích ứng cao với tác động của biến đổi khí hậu.

b) Quy mô dân số: đến năm 2025, khoảng 21.000 người chiếm 51,6 % so tổng dân số toàn huyện; đến năm 2035, dân số nông thôn khoảng 22.000 người, chiếm tỷ lệ 45,6 % tổng dân số toàn huyện; đến năm 2050, dân số nông thôn khoảng 23.200 người, chiếm 41,4 % tổng dân số toàn huyện.

c) Quy hoạch hệ thống điểm dân cư nông thôn:

- Giai đoạn đến năm 2035, tập trung đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho 9 điểm dân cư nông thôn hiện trạng của 07 xã và định hướng phát triển mới 30 điểm dân cư tập trung; đồng thời, quy hoạch 50% xã theo các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã kế cận đô thị (gồm các xã: Đức Phổ, Gia Viễn, Quảng Ngãi), cụ thể:

Xã Gia Viễn: hiện có 1 điểm dân cư (khu trung tâm xã) và 6 điểm dân cư quy hoạch mới (gồm: 01 điểm bản Brun, 01 điểm thôn Vân Minh, 01 điểm thôn Tiến Thắng, 01 điểm thôn Liên Phương, 02 điểm thôn Trung Hưng).

Xã Đức Phổ: hiện có 1 điểm dân cư (khu trung tâm xã) và 4 điểm dân cư quy hoạch mới (gồm: 01 điểm thôn 1, 01 điểm thôn 3, 02 điểm thôn 4).

Xã Quảng Ngãi: hiện có 2 điểm dân cư (khu trung tâm xã; sau khi xã Tư Nghĩa sáp nhập vào xã Quảng Ngãi thì trung tâm xã Tư nghĩa sẽ là điểm dân cư tập trung thôn 3 của xã Quảng Ngãi) và 2 điểm dân cư quy hoạch mới (gồm: 01 phía Nam, thôn 1 và 01 phía Bắc, thôn 2).

Xã Nam Ninh: hiện có 2 điểm dân cư (khu trung tâm xã, sau khi xã Mỹ Lâm sáp nhập vào xã Nam Ninh thì trung tâm xã Mỹ Lâm sẽ là điểm dân cư thôn Mỹ Bắc của xã Nam Ninh) và 4 điểm dân cư quy hoạch mới (gồm: 01 điểm thôn Ninh Hậu, 01 điểm thôn Ninh Đại và 02 điểm thôn Mỹ Nam).

Xã Tiên Hoàng: hiện có 1 điểm dân cư (khu trung tâm xã) và 4 điểm dân cư quy hoạch mới (gồm: 01 điểm thôn 2, 02 điểm thôn 3 và 01 điểm thôn 5).

Xã Phước Cát 2: hiện có 1 điểm dân cư (khu trung tâm xã) và 6 điểm dân cư quy hoạch mới (gồm: 02 điểm thôn Phước Thái, 02 điểm thôn 3, 01 điểm thôn 4 và 01 điểm thôn Phước Trung).

Xã Đồng Nai Thượng: hiện có 1 điểm dân cư (khu trung tâm xã) và 4 điểm dân cư quy hoạch mới (gồm: 01 điểm thôn Bù Gia Ra, 01 điểm thôn Đạ Cọ, 01 điểm thôn Bi Nao và 01 điểm thôn Bê Đê).

- Giai đoạn 2035- 2050, định hướng xã Gia Viễn tiệm cận các tiêu chí đô thị loại V, là trung tâm tiểu vùng II theo kịch bản phát triển của huyện và phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại.

d) Các hình thái dân cư nông thôn:

- Đối với cụm dân cư trong khu vực phát triển cây trồng như lúa và các loại cây ăn trái gắn kết với mô hình du lịch cộng đồng.

- Hình thái dân cư theo tuyến giao thông đường tỉnh, đường huyện kết hợp thương mại, dịch vụ.

- Các xã gần thị trấn Cát Tiên (Đức Phổ, xã Gia Viễn, xã Quảng Ngãi): phát triển các điểm dân cư tập trung, khu trung tâm xã, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với đô thị.

- Tổ chức dân cư theo mô hình tập trung tại trung tâm xã và các điểm dân cư tập trung.

đ) Hình thức kiến trúc dân cư nông thôn:

- Gìn giữ, phát huy nét văn hóa đặc trưng của mô hình làng xã, tập quán của vùng đất do người dân di cư mang đến để phục vụ cho phát triển du lịch.

- Bảo tồn các ngôi làng truyền thống có giá trị kiến trúc cảnh quan, những công trình văn hóa truyền thống (đền, chùa, miếu ...);

- Mô hình phát triển điểm dân cư nông thôn theo hướng đồng tâm (phát triển đều ra các hướng) hoặc mô hình phát triển về một phía (tùy thuộc hiện trạng đất đai, hướng phát triển của từng cụm dân cư, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của khu vực).

- Xây dựng hồ điều hòa, công viên cây xanh, vườn hoa đối với khu vực có hệ thống hồ, ao, sân bãi để tạo cảnh quan sinh thái kết hợp vui chơi giải trí để phục vụ nhu cầu của nhân dân, khách du lịch.

5.5. Định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

a) Quan điểm phát triển:

- Khai thác lợi thế vị trí vùng huyện Cát Tiên trong mối quan hệ giao thương với vùng lân cận, tiểu vùng III của vùng tỉnh và vùng tỉnh Lâm Đồng.

- Phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dựa vào tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ như: lúa, dâu tằm, điều, cao su, cây ăn quả, dược liệu, …

- Phát triển theo chiều sâu đối với các ngành công nghiệp chế biến trên cơ sở đổi mới trình độ công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến sản xuất các sản phẩm có thương hiệu đặc trưng.

- Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp, nông thôn và thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch. Kết hợp hài hòa giữa ngành nghề truyền thống với ứng dụng thiết bị, công nghệ mới.

- Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành tiểu thủ công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nhẹ, ngành tiểu thủ công nghiệp công nghệ tiên tiến, chuyên ngành, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị hàng hóa.

b) Dự báo các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

- Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến tập trung gắn với nguồn nguyên liệu của huyện (nhà máy chế biến lúa gạo có công suất 20.000 - 30.000 tấn/năm, nhà máy chế biến hạt điều có công suất 2.000 tấn/năm, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi có công suất 10.000 tấn/năm); nhà máy điện năng lượng mặt trời và phát triển các cơ sở sản xuất cơ khí để phục vụ phát triển các ngành kinh tế, sửa chữa máy móc nông nghiệp có kết nối thuận lợi với Quốc lộ 55B, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và Quốc lộ 14.

- Phát triển cụm công nghiệp tại xã Đức Phổ và thị trấn Phước Cát.

- Phát triển 3 làng nghề truyền thống hiện nay (làng nghề dệt thổ cẩm Buôn Go, làng nghề dệt thổ cẩm Tổ dân phố 15 và làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dạy nghề mây tre đan lát Tổ dân phố 6 thị trấn Cát Tiên); quy hoạch phát triển khu làng nghề truyền thống tập trung phía Nam thị trấn Cát Tiên để phát triển du lịch trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng cảnh quan, môi trường, khí hậu,…

5.6. Định hướng phát triển các vùng du lịch:

a) Quan điểm phát triển:

- Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cát Tiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng.

- Phát triển du lịch dựa trên khai thác có hiệu quả lợi thế vùng cảnh quan rừng đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, các vùng sản xuất nông nghiệp… Phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ, thác gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Tiên.

- Phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng.

b) Các sản phẩm du lịch chính:

- Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên.

- Du lịch nghiên cứu lịch sử với giao dục truyền thống cách mạng: di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI.

- Du lịch tâm linh: di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, hang Thoát Y,…

- Du lịch nghiên cứu, tìm hiểu các văn hoá dân tộc: làng dân tộc kiểu mẫu Buôn Go, làng Bù Đạt, các làng nghề truyền thống như: trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt thổ cẩm, đan lát mỹ nghệ…;

- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các hồ: Đắk Lô, Tư Nghĩa, Phước Trung, Đạ Sị và thác Đạ Rông,…

- Du lịch cảm giác mạnh trên sông Đồng Nai.

- Khai thác các tuyến du lịch:

Tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học trên sông Đồng Nai, hồ Đắk Lô, các hồ sinh thái, Vườn quốc gia Cát Tiên kết hợp tham quan tìm hiểu các vùng chuyên canh lúa.

Tuyến du lịch nghiên cứu dân tộc học, văn hoá bản Buôn Go - làng Bù Đạt - xã Đồng Nai Thượng.

Tuyến du lịch trải nghiệm, tìm hiểu truyền thuyết về sự ra đời hang Thoát Y, nghiên cứu lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày - Nùng.

Tuyến du lịch tham quan nghiên cứu khoa học, lịch sử căn cứ kháng chiến khu VI và khu di tích khảo cổ học Cát Tiên.

Khai thác phát triển tuyến du lịch Mađaguôi - ĐạTẻh - Cát Tiên trên Quốc lộ 55B.

5.7. Định hướng phân bố không gian vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản:

a) Quan điểm phát triển:

- Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn; phát triển nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao, hạn chế phát triển nông nghiệp nhà kính.

- Bảo vệ và phát triển rừng trồng, rừng tự nhiên theo quy hoạch 3 loại rừng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường.

- Khai thác diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản.

- Phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, an toàn.

b) Đối với vùng trồng trọt: hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; trong đó, tập trung vào các ngành hàng, nông sản chủ lực đặc trưng của huyện gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm như: vùng trồng lúa, vùng chuyên canh dâu tằm (ở các vùng đất thấp ven sông suối không bị ngập lũ), vùng phát triển sản xuất rau chuyên canh, rau an toàn (ven sông Đồng Nai), vùng trồng dược liệu (dưới tán rừng) và vùng trồng cây lâu năm.

c) Vùng chăn nuôi:

- Phát triển chăn nuôi ở vùng đảm bảo về nguồn nước, xa khu dân cư, vùng đất cằn cỗi khó canh tác tại các xã: Nam Ninh, Quảng Ngãi, Gia Viễn, Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng, Đức Phổ.

- Duy trì và phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, chủ yếu trên diện tích của các hồ: Đắk Lô, Đạ Sị, Phước Trung, Ninh Trung, Mỹ Trung, Đạ Bo B và các ao hồ nhỏ trong khu dân cư, các sông suối.

d) Vùng phát triển lâm nghiệp:

- Bảo vệ diện tích rừng đặc dụng hiện có do Vườn quốc gia Cát Tiên quản lý với tổng diện tích 21.832 ha.

- Bảo vệ và phát triển diện tích rừng sản xuất với diện tích 5.385 ha, bình quân mỗi năm trồng từ 200-300 ha rừng tập trung, hàng năm trồng từ 150-200 nghìn cây phân tán.

5.8. Định hướng phát triển hạ tầng xã hội và dịch vụ:

a) Về giáo dục đào tạo: giữ nguyên vị trí và quy mô Trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề Cát Tiên và các trường Trung học phổ thông. Nâng cấp, mở rộng 10 trường Trung học cơ sở hiện có.

b) Về y tế: nâng cấp Trung tâm y tế huyện Cát Tiên đến năm 2035 thành bệnh viện loại II, quy mô 160 giường; sau năm 2050 đạt quy mô 200 giường.

c) Về văn hóa, thể dục thể thao: đầu tư, nâng cấp hệ thống văn hóa, thể dục thể thao hiện có.

d) Về thương mại, dịch vụ:

- Đến năm 2025, đầu tư, nâng cấp 10 chợ hiện có (gồm: 01 chợ hạng II và 09 chợ hạng III).

- Giai đoạn 2025- 2035, phát triển thêm trung tâm thương mại tại thị trấn Cát Tiên và các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất.

đ) Về cơ sở tôn giáo: tổng diện tích đất tôn giáo trên địa bàn huyện khoảng 5,95 ha; trong đó có 0,15 ha quy hoạch mới để xây dựng các cơ sở tôn giáo theo nhu cầu mới.

5.9. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

a) Cốt nền xây dựng đô thị:

- Cao độ khống chế cốt nền xây dựng các đô thị đảm bảo đô thị không ngập lụt, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tránh đào đắp quy mô lớn, đồng thời tạo điều kiện thoát nước tốt cho đô thị.

- Cao độ khống chế cốt nền xây dựng đô thị cao hơn mực nước ngập lụt tính toán từ 0,5m trở lên.

b) Giải pháp san nền:

- Khu dân cư hiện hữu: san nền cục bộ bám theo địa hình tự nhiên, hạn chế khối lượng đào đắp.

- Khu vực đất thấp trũng ở ven sông Đồng Nai và các suối hay bị ngập lụt so mưa lũ: san nền cục bộ các khu vực xây dựng hiện hữu, san lấp tập trung các khu vực xây dựng mới, đảm bảo cốt nền xây dựng lớn hơn cốt ngập lụt tính toán.

- Cao độ cốt nền xây dựng, giải pháp san nền các khu vực thuộc đô thị và điểm dân cư nông thôn được tính toán, xác định cụ thể trong quá trình thiết kế thi công xây dựng theo quy định.

c) Giao thông:

- Đường Quốc lộ: nâng cấp Tỉnh lộ 721 thành Quốc lộ 55B (đoạn từ xã Quảng Ngãi qua thị trấn Cát Tiên, xã Đức Phổ, thị trấn Phước Cát, xã Phước Cát 2), tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, lộ giới 24m - 40m.

- Hệ thống đường huyện: nâng cấp, cải tạo các tuyến đường huyện đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, lộ giới 23,5m - 30m.

- Đường vành đai của thị trấn: 02 tuyến đường vành đai thị trấn Cát Tiên và 01 tuyến đường vành đai của thị trấn Phước Cát.

- Đường tránh đô thị: phát triển tuyến đường tránh đô thị từ dốc Đá mài đến cầu Phước Cát 2.

- Hệ thống đường giao thông đô thị và nông thôn kết nối liên hoàn với hệ thống đường tỉnh, đường huyện trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên cơ sở kế thừa và phát triển mạng lưới các tuyến đường giao thông hiện có.

- Quy hoạch hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng: đường kết nối từ xã Phước Cát 2 đi tỉnh Bình Phước; kết nối từ thị trấn Phước Cát đi tỉnh Bình Phước; đường kết nối từ trung tâm xã Đồng Nai Thượng đi xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; đường kết nối từ xã Đồng Nai Thượng đi tỉnh Đắk Nông; đường kết nối từ khu di tích khảo cổ học Cát Tiên đến tuyến đường ĐH 96; kết nối từ đường ĐH 90 (thôn Ninh Hạ) đến đường ĐH 91 (thôn Trung Hưng) và kết nối đường ĐH 96 (thôn 3 xã Quảng Ngãi) đến ĐH 92,...

- Tuyến kết nối du lịch:

Tuyến kết nối Đông Nam - Tây Bắc và phía Bắc: từ Khu di tích khảo cổ học Cát Tiên đến khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến khu VI, kết nối tiếp hang Thoát Y (thôn 4, xã Phước Cát 2) và điểm cuối kết nối với Vườn quốc gia Cát Tiên.

Tuyến kết nối về phía Đông Bắc: từ Khu di tích khảo cổ học Cát Tiên đến hồ Đắk Lô (xã Gia Viễn), qua trung tâm xã Gia Viễn và trung tâm xã Tiên Hoàng đến hồ Đạ Sỵ kết nối với đường ĐH 94 đến thác Đạ Rông ở xã Đồng Nai Thượng (điểm cuối).

- Tuyến kết nối sản xuất: quy hoạch hệ thống đường kết nối liên vùng sản xuất và rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hoá nông sản bằng các đường nội đồng, chiều rộng 2 làn xe.

- Đường thủy: khai thác tuyến giao thông trên sông Đồng Nai.

- Bến xe và điểm dừng chân:

Duy trì bến xe phía Nam trung tâm thị trấn Cát Tiên; bố trí 8 bến xe nội huyện ở từng xã và thị trấn.

Quy hoạch các điểm dừng chân dọc tuyến Quốc lộ 55B tại các xã (Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát), 2 thị trấn (Cát Tiên, Phước Cát) và các tuyến đường nhánh kết nối trung tâm.

d) Vận tải hàng hóa và hành khách:

- Nhu cầu vận tải khách: phương tiện ô tô khách phát triển đến năm 2025 đạt 5.300 chuyến/64.000 khách/năm, đến năm 2035 đạt 6.600 chuyến/80.000 khách/năm.

- Nhu cầu vận tải hàng hoá, phương tiện có tải trọng trung bình: 8,35 tấn/xe đến năm 2025 đạt 3.400 chuyến và đến năm 2035 đạt trên 3.700 chuyến.

- Duy trì các tuyến vận tải hiện hữu (bến xe liên tỉnh Đà Lạt đến bến xe Cát Tiên, bến xe Đức Long thành phố Bảo Lộc và bến xe Cát Tiên); mở mới tuyến từ bến xe Cát Tiên đến: thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

- Kết nối tuyến xe buýt hiện hữu Đà Lạt - Bảo Lộc, kết nối thêm tuyến Bảo Lộc - Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên mở mới tuyến xe buýt.

- Phát triển các loại hình xe vận chuyển công cộng trên địa bàn huyện.

đ) Cấp nước:

- Tổng nhu cầu dùng nước tại các đô thị: đến năm 2025, toàn huyện khoảng 5.700 m³/ngày đêm (đô thị 3.200 m³/ngày đêm, nông thôn 2.500 m³/ngày đêm); đến năm 2035, toàn huyện khoảng 6.800 m³/ngày đêm (đô thị 4.200 m³/ngày đêm, nông thôn 2.600 m³/ngày đêm); đến năm 2050, toàn huyện khoảng 8.100 m³/ngày đêm.

- Nguồn cấp: sử dụng 02 nguồn nước mặt (từ Sông Đồng Nai, hồ thủy lợi Đắk Lô) và nguồn nước ngầm.

- Nhà máy cấp nước: hiện tại, trên địa bàn huyện có 02 nhà máy cấp nước (tại thị trấn Cát Tiên công suất 3.700 m3/ngày đêm và xã Đức Phổ công suất 2000 m3/ngày đêm) cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 02 đô thị trong tương lai; khu vực nông thôn sử dụng nguồn nước ngầm (mỗi thôn 01 trạm bơm).

e) Cấp điện:

- Tổng nhu cầu công suất dùng điện toàn huyện: đến năm 2025, khoảng 14 MW; đến năm 2035, khoảng 40 MW; đến năm 2050, khoảng 47 MW.

- Nguồn điện: từ trạm 110/110kV Đạ Tẻh (công suất 40 MVA tại xã An Nhơn huyện Đạ Tẻh) theo tuyến trung thế cấp điện cho toàn huyện Cát Tiên.

g) Năng lượng khác: phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối (biogas).

h) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

- Thoát nước thải:

Tổng lượng nước thải sinh hoạt toàn huyện: đến 2025, khoảng 3.800 m3/ngày đêm (trong đó: đô thị khoảng 2.100 m3/ngày đêm, nông thôn khoảng 1.700m3/ngày đêm); đến năm 2035, khoảng 4.500 m3/ngày đêm (trong đó: đô thị khoảng 2.800 m3/ngày đêm, nông thôn khoảng 1.700 m3/ngày đêm); đến năm 2050, khoảng 6.700 m3/ngày đêm.

Nước thải được xử lý đảm bảo quy chuẩn hiện hành trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.

- Quản lý chất thải rắn (CTR):

Chất thải rắn toàn huyện: đến năm 2025, khoảng 44 tấn/ngày; đến năm 2035, khoảng 54 tấn/ngày; đến năm 2050, khoảng 62 tấn/ngày.

Chất thải rắn sinh hoạt (được phân loại tại nguồn), chất thải rắn khác (xây dựng, công nghiệp thông thường, nông nghiệp, y tế thông thường) được thu gom tập trung về các điểm tập kết của khu vực, sau đó sử dụng xe chuyên dùng đưa về các khu xử lý chất thải rắn của huyện để xử lý theo quy định (bãi rác tổ dân phố 14, thị trấn Cát Tiên, diện tích 2,1 ha; bãi rác tại tổ dân phố 2 thị trấn Phước Cát, diện tích 4,4 ha).

Chất thải nguy hại (phát sinh trong sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp,...) được phân loại từ nguồn, thu gom và xử lý bằng hệ thống xử lý cục bộ tự đầu tư hoặc đưa về nhà máy xử lý chất thải rắn cấp vùng tại thôn 4, xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai (theo định hướng quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng để xử lý cho 06 huyện phía Nam của tỉnh).

Chất thải rắn y tế thông thường được thu gom xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn nguy hại được xử lý bằng công nghệ phù hợp hoặc đưa về nhà máy xử lý rác tại xã Đại Lào thành phố Bảo Lộc.

- Nghĩa trang: mở rộng diện tích 10/21 nghĩa trang hiện có và quy hoạch mới 4 nghĩa trang tại các xã: Nam Ninh, Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2. Tổng diện tích nghĩa trang đến năm 2050 khoảng 53 ha. Xây dựng mới 2 nhà tang lễ 5.000 m2/nhà trong khuôn viên nghĩa trang thị trấn Cát Tiên và Phước Cát; khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng.

6. Định hướng các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường trong giai đoạn lập dự án:

a) Xác định, phân vùng kiểm soát về tác động đến môi trường đối với các khu vực: khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không tác động; khu vực có thể xây dựng công trình (khu đô thị, khu dân cư, sản xuất công, nông nghiệp, khai thác khoáng sản, du lịch lưu trú, thương mại).

b) Xây dựng công trình phù hợp với địa hình và điều kiện tự nhiên, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định khi thi công, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm năng lượng.

c) Thực hiện có hiệu quả các phương án về quy hoạch, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; tăng cường trồng cỏ, cây xanh tạo cảnh quan, môi trường sinh thái cho khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn.

d) Thường xuyên chỉnh trang các tuyến đường; tổ chức thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định.

đ) Ưu tiên đầu tư xử lý nước thải rắn với công nghệ xử lý tiên tiến, có thể phân loại, tái chế rác,…, hạn chế chôn lấp; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; tuyên truyền, hướng dẫn, có biện pháp chế tài phù hợp để nâng cao ý thức cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, phân loại chất thải từ nguồn phát sinh trước khi được thu gom và xử lý.

e) Ngoài một số nội dung nêu trên, các đồ án quy hoạch triển khai quy hoạch xây dựng vùng huyện; các dự án, công trình xây dựng phải đảm bảo phù hợp với cảnh quan của khu vực và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

7. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư:

a) Chương trình chiến lược phát triển vùng:

- Chương trình phát triển Tiểu vùng I, Tiểu vùng II, các vùng thương mại dịch vụ hỗ trợ sản xuất.

- Chương trình phát triển nông thôn.

- Chương trình phát triển các tuyến đường liên kết vùng, đầu mối giao thông liên kết các loại phương tiện giao thông cộng cộng nội vùng và tuyến vận tải hành khách công cộng.

- Chương trình phát triển năng lượng điện mặt trời.

- Chương trình cải thiện môi trường đô thị và phát triển các công trình dịch vụ cấp vùng.

- Chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, gồm: bảo vệ nguồn nước, bờ sông, rừng sản xuất, rừng đặc dụng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện:

- Giai đoạn đến năm 2035 tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ vùng huyện gắn kết hạ tầng kỹ thuật cấp vùng và cấp tỉnh, đẩy nhanh quá trình phát triển thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát.

- Giai đoạn 2035 đến năm 2050: tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn kết đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh và cấp khu vực trên địa bàn huyện.

(Quy mô các hạng mục đầu tư được thiết kế, thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành).

c) Nguồn lực thực hiện:

- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

- Các nguồn viện trợ, đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước.

- Thông qua cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dự án; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá - thể thao...

- Khai thác hiệu quả quỹ đất, tài sản công, tài nguyên của địa phương và các nguồn lực khác để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định.

(Chi tiết cụ thể theo hồ sơ quy hoạch do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Lâm Đồng lập và Sở Xây dựng thẩm định tại Văn bản số 310/BC-SXD-QHKT ngày 16/12/2020).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân huyện Cát Tiên có trách nhiệm:

1.1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt tổ chức công bố quy hoạch được duyệt bằng nhiều hình thức (tổ chức hội nghị công bố tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trưng bày công khai thường xuyên bản vẽ tại nơi công cộng, tại cơ quan, đơn vị quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện, …) để các tổ chức cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

1.2. Hoàn chỉnh quy định quản lý đồ án quy hoạch được duyệt trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

1.3. Tổ chức rà soát các đồ án quy hoạch có liên quan: quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù,… đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện được duyệt.

1.4. Xây dựng kế hoạch chương trình, dự án ưu tiên đầu tư triển khai thực hiện đồ án quy hoạch và cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch.

2. Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan với chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Cát Tiên để quản lý, thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Tiên, Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 67/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 67/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Văn Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản