Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 21 tháng 05 năm 2007.

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND - UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 65/2002/NĐ.CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ về công tác Phòng không nhân dân; Thông tư số 118/2004/TT.BQP ngày 07/9/2004 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 65;

Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo công tác Phòng không nhân dân tỉnh Nghệ An) tại Công văn số 591/CV.ĐN ngày 20/3/2007; Ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 430/STP.VB ngày 07/5/2007.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác Phòng không nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Các thành viên Ban chỉ đạo công tác Phòng không nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Đình Trạc

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 67/2007/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, vai trò, mục đích, phạm vi công tác phòng không nhân dân.

1. Công tác phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân; là bộ phận của thế trận chiến tranh nhân dân; là một trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, các tổ chức và nhân dân trên mặt trận đối không.

2. Mục đích của công tác phòng không nhân dân là phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động đột nhập, tiến công bằng đường không của địch; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ tài sản của nhà nước; tính mạng, tài sản của nhân dân.

3. Phạm vi công tác phòng không nhân dân được tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương; được chuẩn bị triển khai thực hiện cả trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra do toàn dân tham gia, trong đó lực lượng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân.

1. Công tác phòng không nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chức điều hành tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo sự hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

2. Chính quyền các cấp tổ chức điều hành mọi hoạt động phòng không nhân dân theo cơ cấu 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

a) ở cấp tỉnh do UBND tỉnh tổ chức điều hành hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp tỉnh; Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp huyện, thành, thị.

b) ở cấp huyện, thành, thị do UBND cấp huyện, thành, thị tổ chức, điều hành hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp huyện, thành, thị; Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp huyện, thành, thị chỉ đạo hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

c) ở cấp xã, phường, thị trấn do UBND cấp xã, phường, thị trấn tổ chức điều hành hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không cấp mình thực hiện công tác phòng không nhân dân theo kế hoạch.

3. Các cơ quan tổ chức nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh vận động nhân dân tham gia công tác phòng không nhân dân.

Chương II

NỘI DUNG VÀ TỔ CHỨC CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Điều 3. Nội dung công tác phòng không nhân dân.

1. Tuyên truyền giáo dục công tác phòng không nhân dân:

Tuyên truyền giáo dục công tác phòng không nhân dân cho quần chúng nhân dân do chính quyền địa phương xác định nội dung, hình thức, phương pháp; chủ yếu thông qua sinh hoạt, hội họp ở cơ sở, qua các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép vào các buổi nói chuyện thời sự, tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 hàng năm, ngày kỷ niệm chiến thắng "Hà Nội - Điện biên phủ trên không" (từ ngày 18 đến ngày 30 tháng 12 hàng năm).

2. Tổ chức trình sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân, quan sát diễn biến các vụ đánh phá của địch, đánh dấu vị trí bom đạn chưa nổ.

a) Tổ chức hệ thống các vọng (đài) quan sát để phát hiện địch.

b) Tổ chức thu nguồn tin tức địch do cấp trên và đơn vị hiệp đồng, các đơn vị Quốc gia trên địa bàn (nếu có) cung cấp.

c) Tổ chức mạng thông tin, sử dụng Đài Phát thanh Truyền hình, còi, kẻng để thông báo, báo động phòng không cho nhân dân.

d) Các địa phương sử dụng các tổ dân quân tự vệ phòng không quan sát diễn biến các vụ đánh phá của địch và đánh dấu vị trí bom, đạn chưa nổ để xử lý.

3. Tổ chức nguỵ trang phòng tránh tiến công đường không của địch.

a) Tổ chức nguỵ trang giữ bí mật bằng nhiều phương pháp, từ nguỵ trang đơn giản đến nguỵ trang phức tạp, chống phản xạ ánh sáng làm biến dạng, hòa đồng để đối phương khó phân biệt mục tiêu.

b) Xây dựng công trình giao thông hào, hầm trú ẩn đơn giản và kiên cố cho tập thể và cá nhân ở các nơi công cộng và gia đình để phòng tránh khi địch tiến công đường không.

4. Các Sở, ban, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch sơ tán, phân tán ngay từ thời bình phù hợp với tình hình thực tế.

a) Yêu cầu tổ chức sơ tán, phân tán:

- Xác định vị trí đơn vị phải sơ tán và nơi tiếp nhận sơ tán.

- Không tạo ra mục tiêu mới ở khu vực sơ tán.

- Không gây hoang mang, rối loạn xã hội ở nơi sơ tán.

- Đảm bảo sản xuất và đời sống cho nhân dân nơi cư trú.

- Đảm bảo phòng tránh nơi sơ tán, phân tán.

b) Nội dung, đối tượng sơ tán, phân tán:

- Sơ tán, phân tán thời gian dài đến khi ổn định mới trở lại thực hiện đối với trẻ em, người già yếu, phụ nữ có thai ở vùng trọng điểm phòng không, những người không nhất thiết phải ở lại (nếu là thành phố) và các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp dời đi nhưng vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.

- Sơ tán, phân tán trong tình huống khẩn cấp được thực hiện đối với các khu vực có nguy cơ địch tập trung đánh phá, người, phương tiện của các nhà máy, doanh nghiệp cần phải phân tán tiếp tục sản xuất để đảm bảo cho nhu cầu Quốc phòng và nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân.

5. Tổ chức đánh địch đột nhập, tiến công đường không và phục vụ chiến đấu.

a) Đánh trả địch tiến công đường không và bắt giặc lái do lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội địa phương làm nòng cốt, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị chủ lực đóng quân trên địa bàn phục vụ chiến đấu do lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức quần chúng thực hiện.

b) Lực lượng phòng không nhân dân có trách nhiệm giúp đỡ về tinh thần, vật chất cho các đơn vị lực lượng vũ trang trong quá trình chiến đấu. Bảo đảm đường cơ động, công trình trận địa, tiếp đạn, cứu thương và công tác phục vụ chiến đấu khác theo kế hoạch hiệp đồng giữa địa phương với đơn vị lực lượng vũ trang.

6. Tổ chức khắc phục hậu quả thiệt hại do địch đánh phá

a) Lấy lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất tại chỗ là chủ yếu; nội dung khắc phục hậu quả gồm: Cấp cứu người bị thương, chôn cất người, gia súc bị chết; sửa chữa các công trình bị đánh hỏng, khôi phục thông tin liên lạc, rà phá bom đạn chưa nổ, làm sạch môi trường và phối hợp cùng các lực lượng khác giữ vững ổn định an ninh, trật tự.

b) Các nội dung khắc phục hậu quả do lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân làm nòng cốt, hiệp đồng cùng với các đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện.

c) Công tác tổ chức phải chặt chẽ, kịp thời, khẩn trương và được chuẩn bị trước; lực lượng phương tiện cần thiết và được huấn luyện, luyện tập. Quy định cụ thể nơi tập trung người, phương tiện, người phụ trách, người ra lệnh thực hiện nhiệm vụ.

Điều 4. Tổ chức Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân.

1. Các huyện, thành, thị thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân đặt tại cơ quan quân sự địa phương do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định. Cơ cấu thành phần gồm: một Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương là Phó trưởng ban thường trực; ủy viên là đại diện các phòng, ban chuyên môn có liên quan. Các thành viên Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân của cơ quan, tổ chức. Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cấp phó đảm nhiệm. Phó Ban chỉ đạo do Trưởng ban chỉ định và một số ủy viên theo yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 5. Nhiệm vụ Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân.

1. Lập kế hoạch phòng không nhân dân (theo hướng dẫn của tỉnh).

2. Tổ chức xây dựng lực lượng gồm:

a) Lực lượng phòng không nhân dân đánh trả tiến công đường không của địch.

b) Lực lượng phục vụ chiến đấu và khắc phục hậu quả.

3. Tổ chức thực hiện và điều hành các hoạt động phòng không nhân dân. Thực hiện theo cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự và các ngành làm tham mưu; trong đó cơ quan quân sự các cấp giúp Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch và chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ phòng không nhân dân.

4. Hướng dẫn kiểm tra thực hiện công tác phòng không nhân dân.

a) Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân các cấp căn cứ kế hoạch phòng không nhân dân đã được phê duyệt hướng dẫn tổ chức thực hiện và tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các cơ quan đơn vị thuộc quyền.

b) Hàng năm tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết chung với công tác quân sự địa phương, khi cần thiết tổ chức tổng kết riêng.

Chương III

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN.

Điều 6. Triển khai công tác phòng không nhân dân trong thời bình.

1. Thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân các cấp.

Chủ tịch UBND các cấp quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp mình; xây dựng, ban hành quy chế và kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện.

2. Xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân.

Căn cứ vào kế hoạch tổng thể về phòng không nhân dân của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương; Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân của địa phương mình. Kế hoạch phải xác định rõ nhiệm vụ của các thành phần, nhu cầu sử dụng lực lượng, phương tiện, dự kiến các tình huống và cách xử trí; công tác hiệp đồng giữa các lực lượng. Nội dung xây dựng kế hoạch phải theo hướng dẫn công tác tham mưu của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ Quốc phòng.

3. Bồi dưỡng kiến thức phổ thông phòng không nhân dân trong chương trình giáo dục của Bộ Quốc phòng.

a) Nội dung bồi dưỡng kiến thức phổ thông phòng không nhân dân được lồng ghép vào chương trình giáo dục Quốc phòng cho các đối tượng, tập trung vào các nội dung sau:

- Thủ đoạn đánh phá bằng các phương tiện tiến công đường không của địch.

- Tín hiệu thông báo, báo động phòng không nhân dân.

- Quy cách hầm hố cho tập thể, cá nhân.

- Biện pháp nguỵ trang, phòng tránh, sơ tán.

b) Phương pháp xử lý tình huống cứu thương, cứu sập, chữa cháy và phòng chống vũ khí hủy diệt lớn.

c) Thời gian bồi dưỡng kiến thức phổ thông phòng không nhân dân quy định trong chương trình giáo dục quốc phòng.

4. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng phòng không nhân dân theo phân cấp.

Cơ quan quân sự các cấp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền và giúp đỡ các đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức huấn luyện về chuyên môn phòng không nhân dân.

5. Tổ chức trình sát, thông báo, báo động phòng không.

Hệ thống vọng quan sát, thông báo, báo động phòng không do cơ quan quân sự địa phương tổ chức mà trực tiếp là lực lượng phòng không đảm nhiệm. Các tín hiệu, quy định thông báo, báo động phòng không tỉnh có quy chế cụ thể để thống nhất trong toàn tỉnh. Các huyện, thành, thị phải phổ biến cụ thể cho nhân dân và các đối tượng biết để thực hiện.

6. Tổ chức xây dựng lực lượng đánh trả và lực lượng chuyên môn phòng không.

a) Lực lượng đánh trả tiến công đường không của địch chủ yếu là lực lượng phòng không dân quân tự vệ được tổ chức thành các đại đội pháo phòng không, trung đội (khẩu đội) súng máy phòng không và các tổ bộ binh bắn máy bay bay thấp. Tỷ lệ phòng không dân quân tự vệ đạt từ 3% - 5% trong tổng số dân quân tự vệ toàn tỉnh.

b) Lực lượng phục vụ chiến đấu và khắc phục hậu quả gồm các trung đội, tiểu đội xây dựng công sự, vận chuyển đạn, cứu thương, cứu hỏa, cứu sập... Các địa phương căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ của mình để tổ chức cho phù hợp.

Lực lượng đánh trả và lực lượng phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả phải có danh sách cụ thể và thường xuyên kiểm tra, bổ sung trong kế hoạch.

Điều 7. Triển khai công tác phòng không nhân dân trong thời chiến.

1. Tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng không nhân dân.

Căn cứ kế hoạch công tác phòng không nhân dân thời bình, theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân tỉnh; các Sở, ban, ngành, UBND các cấp, các Nông, Lâm trường bổ sung vào kế hoạch những nội dung cần thiết để đáp ứng yêu cầu thời chiến, đảm bảo tốt việc phòng tránh, sơ tán cho nhân dân, ổn định đời sống, duy trì sản xuất, bảo đảm lực lượng giữ vững thế trận phòng không nhân dân.

2. Điều hành hoạt động công tác phòng không nhân dân.

a) Trong thời chiến, hoạt động công tác phòng không nhân dân mang tính khẩn trương thống nhất. Để tránh chồng chéo trong hoạt động phòng không nhân dân, Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân các địa phương phải nghiêm túc thực hiện các quyết định, chỉ thị của Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân tỉnh đồng thời đề xuất các phương án giúp cấp ủy chính quyền cấp mình kịp thời ra những quyết định điều hành hoạt động phòng không nhân dân.

b) Việc điều hành hoạt động công tác phòng không nhân dân thời chiến cần triển khai các nội dung công tác nguỵ trang, nghi binh, sơ tán nhân dân vùng trọng điểm, phân tán phương tiện, triển khai bổ sung các lực lượng nắm địch, các đài quan sát, thông báo, báo động phòng không, các trận địa đánh trả, trận địa dự bị, trận địa nghi binh và sẵn sàng triển khai lực lượng phục vụ chiến đấu và lực lượng khắc phục hậu quả.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Điều 8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.

1. Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh và Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân tỉnh chỉ đạo các biện pháp triển khai thực hiện; kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, nảy sinh, kịp thời báo cáo với UBND và Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân tỉnh xử lý, xác định vùng trọng điểm phòng không, tổ chức chỉ huy xây dựng lực lượng phòng không thời bình và thời chiến.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng không nhân dân và tổ chức hệ thống thông báo, báo động phòng không ở các huyện trọng điểm, thành, thị.

3. Hướng dẫn nghiệp vụ công tác phòng không nhân dân và phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương xây dựng nội dung chương trình, giáo trình tài liệu, bồi dưỡng kiến thức phòng không nhân dân và tổ chức huấn luyện chuyên môn cho lực lượng phòng không nhân dân.

4. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập kế hoạch diễn tập phòng không nhân dân cấp huyện và tổ chức chỉ đạo thực hiện.

5. Chỉ đạo các huyện, thành, thị tổ chức xây dựng lực lượng đánh trả và lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trên từng địa bàn.

6. Bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng đánh trả và một số trang bị chuyên dùng cần thiết phục vụ cho việc đánh trả tiến công đường không của địch.

7. Tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân phối hợp với Hội đồng giáo dục quốc phòng tỉnh chỉ đạo giảng dạy kiến thức phòng không nhân dân trong chương trình giáo dục Quốc phòng ở các cấp học, bậc học (khi có chương trình thống nhất của Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương).

Điều 9. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

1. Chủ trì nghiên cứu, chỉ đạo việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở các vùng trọng điểm phòng không theo yêu cầu an toàn về phòng không.

2. Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng không nhân dân; từng bước đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm ở một số khu vực trọng điểm về phòng không.

Điều 10. Công an tỉnh.

1. Nghiên cứu ban hành các quy định và tổ chức lực lượng, phương tiện, đảm bảo trật tự trị an khi thực hiện kế hoạch công tác phòng không nhân dân trong các tình huống.

2. Tổ chức huấn luyện, kiểm tra chấp hành các quy định về đảm bảo trị an, phòng cháy, chữa cháy; phối hợp với các lực lượng khác khắc phục hậu quả; vận động nhân dân tham gia công tác phòng không nhân dân.

Điều 11. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh.

1 Nắm chắc tình hình hoạt động trên tuyến biên giới, thông báo kịp thời cho Ban chỉ đạo hoặc Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân tỉnh để chủ động trong mọi tình huống.

2 Phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ công tác phòng không nhân dân cho các huyện, thị trên địa bàn đóng quân; tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân về tổ chức xây dựng lực lượng đánh trả và bố trí đội hình trên tuyến biên giới.

Điều 12. Sở Tài chính.

1. Chủ trì nghiên cứu, soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về quản lý sử dụng ngân sách thực hiện công tác phòng không nhân dân.

2. Chỉ đạo việc thực hiện dự trữ bảo đảm cho công tác phòng không nhân dân theo quy định của Pháp lệnh.

3. Hướng dẫn các huyện, thành, thị, cơ quan, đơn vị lập và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách cho công tác phòng không nhân dân theo quy định của luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng thi hành.

Điều 13. Sở Xây dựng.

1. Chỉ đạo thiết kế xây dựng công trình theo yêu cầu tiêu chuẩn an toàn về phòng không và phục vụ cho việc phòng tránh để sẵn sàng triển khai công tác phòng không nhân dân khi cần thiết.

2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo thiết kế xây dựng các công trình phòng tránh trọng điểm của tỉnh.

Điều 14. Sở Giao thông Vận tải.

1. Xây dựng kế hoạch bảo đảm phương tiện, trang bị để phục vụ việc sơ tán người, tài sản của nhân dân trong các tình huống.

2. Chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch sửa chữa, làm mới phân luồng đường sá, cầu cống, bến phà cần thiết khi có tình huống xảy ra.

Điều 15. Sở Y tế.

1. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo phòng Y tế các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng lực lượng phòng không tại chỗ để tổ chức các đội chuyên môn cấp cứu, cứu chữa người bị thương khi có tình huống xảy ra.

2. Chỉ đạo Y tế các địa phương phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp tổ chức lực lượng và phương tiện để phòng độc, phòng hóa và phòng chống vũ khí sinh học tại chỗ.

3. Chỉ đạo việc huấn luyện các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu, các kiến thức thông thường về phòng độc, phòng dịch, phòng hóa cho nhân dân.

Điều 16. Bưu điện tỉnh.

Có kế hoạch bảo đảm quyền ưu tiên sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc cho nhiệm vụ thông báo, báo động phòng không nhân dân và thực hiện công tác phòng không nhân dân.

Điều 17. Sở Văn hóa - Thông tin.

Chỉ đạo tổ chức xây dựng hệ thống thông tin công cộng, phát thanh, truyền hình để thông tin tuyên truyền công tác phòng không nhân dân và thông báo, báo động phòng không nhân dân.

Điều 18. Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đưa nội dung giáo dục về phòng không nhân dân và lồng ghép vào nội dung chương trình giáo dục quốc phòng để giáo dục cho học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức và xác định đúng trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân (khi có chương trình thống nhất của Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương).

Điều 19. Các Sở, ngành liên quan khác.

Theo phạm vi, chức năng của ngành mình; tham gia xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân tổng thể và chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân của Sở, ngành mình.

Điều 20. Ủy ban nhân dân các cấp.

1. Chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không nhân dân của địa phương.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung công tác phòng không nhân dân.

3. Thực hiện các chế độ chính sách phòng không nhân dân theo phân cấp.

4. Lập và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách địa phương cho công tác phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật.

5. Kịp thời báo cáo với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh về các dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng không nhân dân tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; huy động lực lượng phương tiện của cơ quan, tổ chức, địa phương phục vụ cho công tác phòng không nhân dân.

Chương V

CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG.

Điều 21. Chế độ chính sách.

1. Những người được huy động tham gia công tác phòng không nhân dân đi huấn luyện, diễn tập thì được hưởng các chế độ sau:

a) Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hưởng chế độ phụ cấp theo Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

b) Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có).

2. Những người trực tiếp tham gia lực lượng phòng không nhân dân mà bị thương, hy sinh trong chiến đấu thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

Điều 22. Kinh phí hoạt động.

1. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp nào do ngân sách cấp đó hỗ trợ.

2. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế do doanh nghiệp hỗ trợ.

Trên đây là quy định về công tác phòng không nhân dân trên địa bàn tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về bộ phận thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân tỉnh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) để kịp thời xử lý./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 67/2007/QĐ-UBND Quy định về công tác Phòng không nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 67/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/05/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Phan Đình Trạc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản