Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 66/2009/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 21 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢNG GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về Phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Nghị định số 123/2007/NĐ-CP, ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2004 về Phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Thông tư số 80/2005/TT-BTC, ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn việc tổ chức mạng lưới thống kê và điều tra, khảo sát giá đất, thống kê báo cáo giá các loại đất theo quy định tại Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về Phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Thông tư số 145/2007/TT-BTC, ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về Phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP, ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị quyết số 29/2009/NQ-HĐND, ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VII, kỳ họp thứ 18 về Bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Điều 2. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ để:

1. Tính thuế đối với việc sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

2. Tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất cho các trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật Đất đai năm 2003;

3. Tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trong các trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật Đất đai năm 2003;

4. Xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp Nhà nước khi doanh nghiệp cổ phần hóa, lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật Đất đai năm 2003;

5. Tính giá trị quyền sử dụng đất để thu lệ phí trước bạ theo quy định của Pháp luật.

6. Tính giá trị quyền sử dụng đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế quy định tại Điều 39, Điều 40 của Luật Đất đai năm 2003;

7. Tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, thay thế Quyết định số 100/2008/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về Ban hành bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 11 năm 2009 về Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 100/2008/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Điều 4. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này theo quy định.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt

 

BẢNG GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT
(Ban hành kèm theo quyết định số 66 /2009/QĐ-UBND ngày 21/12/2009 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Phần A:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHÂN VÙNG, PHÂN LOẠI, PHÂN VỊ TRÍ ĐẤT

1. Phân vùng, phân loại xã, phường, thị trấn: (gọi tắt là xã)

Đất trên địa bàn toàn tỉnh được xếp vào vùng đồng bằng và được phân chia thành 03 loại xã (xã loại I, xã loại II và xã loại III)

Gồm: 17 xã loại I, 56 xã loại II và 22 xã loại III.

1.1. Thị xã Tây Ninh: (bao gồm: 05 xã thuộc xã loại I , 05 xã thuộc xã loại II)

- Xã loại I, gồm: Phường 1, phường 2, phường 3, phường 4 và phường Hiệp Ninh.

- Xã loại II, gồm các xã: Thạnh Tân, Tân Bình, Ninh Sơn, Bình Minh và xã Ninh Thạnh.

1.2. Huyện Tân Biên: (bao gồm: 01 xã thuộc xã loại I, 06 xã thuộc xã loại II và 03 xã thuộc xã loại III.)

- Xã loại I: Thị trấn Tân Biên

- Xã loại II, gồm các xã: Tân Lập, Thạnh Tây, Trà Vong, Mỏ Công, Tân Phong và xã Thạnh Bình.

- Xã loại III, gồm các xã: Tân Bình, Hòa Hiệp và xã Thạnh Bắc.

1.3. Huyện Tân Châu: (bao gồm: 01 xã thuộc xã loại I, 07 xã thuộc xã loại II và 04 xã thuộc xã loại III)

- Xã loại I: Thị trấn Tân Châu

- Xã loại II, gồm các xã: Thạnh Đông, Tân Hưng, Tân Hiệp, Tân Hội, Suối Dây, Tân Phú và xã Tân Đông.

- Xã loại III, gồm các xã: Tân Hà, Suối Ngô, Tân Hòa và xã Tân Thành.

1.4. Huyện Dương Minh Châu: (bao gồm: 01 xã thuộc xã loại I, 10 xã thuộc xã loại II)

- Xã loại I: Thị trấn Dương Minh Châu

- Xã loại II, gồm các xã: Bàu Năng, Suối Đá, Lộc Ninh, Cầu Khởi, Phan, Chà Là, Truông Mít, Bến Củi, Phước Minh và xã Phước Ninh.

1.5. Huyện Châu Thành: (bao gồm: 02 xã thuộc xã loại I, 06 xã thuộc xã loại II và 07 xã thuộc xã loại III).

- Xã loại I, gồm Thị trấn và xã Thanh Điền.

- Xã loại II, gồm các xã: Hảo Đước, Trí Bình, An Bình, An Cơ, Đồng Khởi và xã Thái Bình.

- Xã loại III, gồm các xã: Long Vĩnh, Biên Giới, Hòa Thạnh, Hòa Hội, Ninh Điền, Phước Vinh và xã Thành Long

1.6. Huyện Hòa Thành: (bao gồm: 02 xã thuộc xã loại I, 06 xã thuộc xã loại II)

- Xã loại I, gồm Thị trấn và xã Hiệp Tân.

- Xã loại II, gồm các xã: Long Thành Bắc, Long Thành Trung, Long Thành Nam, Trường Tây, Trường Đông và xã Trường Hòa.

1.7. Huyện Bến Cầu: (bao gồm: 02 xã thuộc xã loại I, 02 xã thuộc xã loại II và 05 xã thuộc xã loại III).

- Xã loại I, gồm Thị trấn và xã Lợi Thuận.

- Xã loại II, gồm xã An Thạnh và xã Long Thuận.

- Xã loại III, gồm các xã: Tiên Thuận, Long Khánh, Long Giang, Long Chữ và xã Long Phước.

1.8. Huyện Gò Dầu: (bao gồm: 01 xã thuộc xã loại I, 08 xã thuộc xã loại II)

- Xã loại I: Thị trấn Gò Dầu.

- Xã loại II, gồm các xã: Phước Thạnh, Phước Đông, Cẩm Giang, Thạnh Đức, Phước Trạch, Bàu Đồn, Hiệp Thạnh và xã Thanh Phước.

1.9. Huyện Trảng Bàng: (bao gồm: 02 xã thuộc xã loại I, 06 xã thuộc xã loại II và 03 xã thuộc xã loại III).

- Xã loại I, gồm Thị trấn và xã An Tịnh.

- Xã loại II, gồm các xã: Gia Lộc, An Hòa, Gia Bình, Lộc Hưng, Hưng Thuận và xã Đôn Thuận.

- Xã loại III, gồm các xã: Phước Chỉ, Phước Lưu và xã Bình Thạnh.

2. Phân khu vực trong xã:

2.1. Phạm vi áp dụng: áp dụng cho đất phi nông nghiệp ở nông thôn.

2.2. Phân loại khu vực:

Mỗi loại xã (quy định tại điểm 1 mục I phần A) được chia thành 3 khu vực thuộc địa giới hành chính cấp xã.

2.2.1. Khu vực I: Đất tiếp giáp Quốc lộ, tỉnh lộ, Hương lộ hoặc đường liên huyện, đường liên xã, đường bao quanh chợ hoặc khu thương mại và dịch vụ (trong quy định này, gọi tắt là đường giao thông chính).

2.2.2. Khu vực II: Đất tiếp giáp đường giao thông liên ấp (các tuyến đường không thuộc quy định tại khu vực I)

2.2.3. Khu vực III: Đất những khu vực còn lại.

3. Phân loại đô thị:

- Đô thị loại IV: Thị xã Tây Ninh (phường 1, 2, 3, 4 và phường Hiệp Ninh);

- Đô thị loại V gồm: Thị trấn của 8 huyện còn lại.

Trong đó: Một số tuyến đường của Thị trấn Hòa Thành, Gò dầu và Trảng Bàng được xếp tương đương các tuyến đường của thị xã Tây Ninh (tương đương đô thị loại IV). Một số tuyến đường chính ngoài khu vực đô thị, nhưng có vị trí thuận lợi, khả năng sinh lợi cao, giá đất được xác định như khu vực đô thị.

4. Phân loại đường phố:

Đường phố của thị xã và thị trấn của các huyện trong tỉnh được phân thành 04 loại đường phố, cụ thể :

- Đường phố loại 01: áp dụng đối với đường phố tại trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch; có mức sinh lợi cao nhất, có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi nhất.

- Đường phố loại 02:

+ Đường phố tại trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch; nhưng có mức sinh lợi và kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn đường phố loại 01.

+ Đường phố tiếp giáp với đường phố ở trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, có mức sinh lợi và kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn đường phố loại 1.

- Đường phố loại 03:

+ Đường phố tại trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch; nhưng có mức sinh lợi và kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn đường phố loại 02.

+ Đường phố không ở trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, có mức sinh lợi và kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn đường phố loại 02.

 - Đường phố loại 04: áp dụng đối với đường phố còn lại.

5. Phân vị trí đất

5.1. Đất nông nghiệp: trong từng loại xã được phân thành 05 vị trí. Cụ thể:

5.1.1 Vị trí 01:

Đất nông nghiệp ở mặt tiền đường có độ rộng nền đường lớn hơn 10 m và cách ranh đô thị trong phạm vi 02 km hoặc trong phạm vi bán kính 02 km tính từ trung tâm xã hoặc khu dân cư tập trung.

5.1.2. Vị trí 02: Đất nông nghiệp nằm ở một trong những vị trí sau:

a. Đất nông nghiệp ở mặt tiền đường có độ rộng nền đường lớn hơn 10 mét và cách ranh đô thị hoặc cách trung tâm xã, khu dân cư tập trung từ trên 02 km đến 05 km;

b. Thửa đất mặt tiền đường có độ rộng nền đường từ 05 mét đến 10 mét và cách ranh đô thị hoặc cách trung tâm xã, khu dân cư tập trung trong phạm vi 02 km;

c. Đất nông nghiệp không tiếp giáp đường, nhưng tiếp giáp hoặc liền kề đất vị trí 01.

5.1.3. Vị trí 03: Đất nông nghiệp nằm ở một trong những vị trí sau:

a. Đất nông nghiệp ở mặt tiền đường có độ rộng nền đường lớn hơn 10 mét và cách ranh đô thị hoặc cách trung tâm xã, khu dân cư tập trung trên 05 km;

b. Đất nông nghiệp ở mặt tiền đường có độ rộng nền đường từ 05 mét đến 10 mét và cách ranh đô thị hoặc cách trung tâm xã, khu dân cư tập trung trong phạm vi từ trên 02 km đến 05 km.

c. Đất nông nghiệp ở mặt tiền đường có độ rộng nền đường nhỏ hơn 05 mét và cách ranh đô thị hoặc cách trung tâm xã, khu dân cư tập trung trong phạm vi 02 km;

d. Đất nông nghiệp không tiếp giáp đường, nhưng tiếp giáp hoặc liền kề đất vị trí 02.

5.1.4. Vị trí 04: Đất nông nghiệp nằm ở một trong những vị trí sau:

a. Đất nông nghiệp ở mặt tiền đường có độ rộng nền đường từ 05 mét đến 10 mét và cách ranh đô thị hoặc cách trung tâm xã, khu dân cư tập trung trong phạm vi trên 05 km.

b. Đất nông nghiệp ở mặt tiền đường có độ rộng nền đường nhỏ hơn 05 mét và cách ranh đô thị hoặc cách trung tâm xã, khu dân cư tập trung trong phạm vi từ trên 02 km đến 05 km;

c. Đất nông nghiệp không tiếp giáp đường, nhưng tiếp giáp hoặc liền kề đất vị trí 03.

5.1.5. Vị trí 05: Đất nông nghiệp ở các vị trí còn lại.

5.1.6. Một số quy định cụ thể về phân vị trí đất:

- Khoảng cách từ ranh đô thị, từ trung tâm xã, từ khu dân cư tập trung đến vị trí đất, được xác định theo tuyến đường lớn nhất hoặc gần nhất đến điểm đầu vị trí đất (không tính theo đường chim bay).

+ Trường hợp có nhiều tuyến đường đến vị trí đất, thì chọn tuyến đường có tiêu chí ở vị trí cao nhất;

+ Trường hợp đất ở xã này, nhưng gần trung tâm xã, khu dân cư tập trung của xã khác thì khoảng cách đến đất được tính theo trung tâm xã, khu dân cư tập trung gần nhất (không phân biệt xã)

- Trung tâm xã trong quy định này, lấy vị trí trung tâm chợ của xã để làm cơ sở xác định khoảng cách từ trung tâm xã đến vị trí đất. Trường hợp xã chưa có chợ, thì lấy vị trí trung tâm UBND xã để làm cơ sở xác định.

- Khu dân cư tập trung trong quy định này, là khu dân cư có từ 30 hộ gia đình trở lên ở liền kề theo các tuyến đường hoặc ở từng cụm liền kề nhau.

5.2. Đất phi nông nghiệp ở nông thôn:

Đất phi nông nghiệp của mỗi khu vực trong từng loại xã (quy định tại điểm 02 mục I phần A) được chia thành 03 vị trí. Cụ thể:

5.2.1. Phân vị trí tại khu vực I:

- Vị trí 01: Đất có mặt tiền tiếp giáp với Quốc lộ, tỉnh lộ, Hương lộ hoặc đường liên huyện, đường liên xã, đường bao quanh chợ hoặc khu thương mại và dịch vụ (gọi tắt là đường giao thông chính) khi có một trong 04 tiêu chí sau:

+ Đất nằm trong phạm vi bán kính tính từ trung tâm UBND xã, trường học, chợ, trạm y tế theo đường giao thông chính 0,5 km;

+ Đất nằm trong phạm vi cách ranh giới đất khu thương mại và dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu theo đường giao thông chính mỗi bên 0,5 km (kể cả đất đối diện các khu vực này);

+ Đất nằm trong phạm vi khu thương mại và dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, khu kinh tế cửa khẩu;

+ Đất nằm trong phạm vi cách trung tâm đầu mối giao thông, chợ đầu mối theo các tuyến đường giao thông chính về mỗi phía theo đường 0,5 km;

- Vị trí 02: Đất có mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông chính nằm trong phạm vi từ giáp đất vị trí 01 đến 01 km theo đường giao thông chính;

- Vị trí 03: Đất các vị trí còn lại của khu vực I.

5.2.2. Phân vị trí tại khu vực II:

Đất có mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông liên ấp (trừ các tuyến đường quy định tại khu vực I) được phân chia thành 03 vị trí như sau:

- Vị trí 10: Đất nằm trong phạm vi khu dân cư tập trung, mà khu dân cư đó gắn liền với một trong những cơ quan hoặc tổ chức sau: Ủy ban nhân dân xã, chợ, trường cấp II trở lên, trạm y tế xã, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất;

- Vị trí 02: Đất trong phạm vi khu dân cư tập trung, nhưng không thuộc khu dân cư tập trung quy định tại vị trí 01 khu vực II;

- Vị trí 03: Đất các vị trí còn lại của khu vực II.

5.2.3. Phân vị trí tại khu vực III:

Đất có mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông nội bộ trong ấp (không thuộc các tuyến đường quy định tại khu vực I, khu vực II), được phân chia thành 03 vị trí như sau:

- Vị trí 01: Đất nằm trong phạm vi khu dân cư tập trung, mà khu dân cư đó gắn liền với một trong những cơ quan hoặc tổ chức sau: Ủy ban nhân dân xã, chợ, trường học, trạm y tế xã, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất;

- Vị trí 02: Đất nằm trong phạm vi khu dân cư tập trung không thuộc khu dân cư quy định tại vị trí 01 khu vực III.

- Vị trí 03: Đất các vị trí còn lại.

5.2.4. Một số quy định cụ thể khi xác định vị trí đất phi nông nghiệp ở nông thôn:

- Đất phi nông nghiệp mặt tiền là thửa đất có ít nhất một ranh (cạnh) của thửa đất giáp với đường giao thông chính. Trường hợp thửa đất mặt tiền (không phải là đất ở) tách ra thành nhiều thửa, mà các thửa đất sau khi được tách ra thuộc quyền sử dụng của một chủ thì tất cả các thửa tách ra nằm trong phạm vi 100 m tính từ mép đường hợp pháp đều thuộc đất mặt tiền;

- Mép đường hợp pháp là mép đường đã hoàn chỉnh, hoặc mép đường đã giải tỏa, hoặc mép đường thể hiện trên cấp giấy CN QSD đất, hoặc mép đường sẽ cấp giấy CN QSD đất nhưng chưa được cấp giấy CN QSD đất, hoặc mép đường đã có văn bản của cấp thẩm quyền công bố thu hồi đất;

- Trường hợp thửa đất nằm trên hai vị trí khác nhau, thì vị trí thửa đất đó được xác định theo vị trí có diện tích nhiều hơn.

- Đường Hương lộ hoặc liên huyện là tuyến đường liên thông từ hai huyện trở lên. Đường liên xã là tuyến đường liên thông từ hai xã trở lên. Đường liên ấp là đường liên thông từ hai ấp trở lên. Đường nội bộ là đường hẻm hoặc đường nhánh của các tuyến đường chính, nhưng không thuộc đường liên ấp, liên xã.

5.3. Đất phi nông nghiệp ở đô thị: được phân chia vị trí theo tiêu chí sau:

5.3.1. Vị trí 01: Đất mặt tiền của đường phố.

5.3.2. Các vị trí tiếp theo:

Không quy định cụ thể vị trí 02, 03, 04 mà tùy thuộc vào vị trí thửa đất tiếp giáp loại hẻm, độ rộng của hẻm và độ sâu của hẻm mà thửa đất đó tiếp giáp. Cụ thể:

- Đất trong hẻm : (quy định cụ thể tại điểm 1.2 khoản 01 mục III phần A)

+ Vị trí đất và giá đất tùy thuộc vào loại hẻm (hẻm chính hoặc hẻm phụ).

+ Chiều rộng của hẻm nhỏ hơn 3,5 mét; từ 3,5 mét đến 05 mét; từ trên 05 mét đến 06 mét; trên 06 mét.

Chiều rộng của hẻm và đường phố được xác định theo mép đường hợp pháp quy định tại tiết 5.2.4 điểm 5.2 khoản 05 mục I phần A.

+ Chiều dài (độ sâu) của hẻm:

- Từ sau thửa đất tiếp giáp mặt tiền đường phố đến mét thứ 100;

- Từ sau mét thứ trên 100 đến mét thứ 200;

- Từ sau mét thứ 200.

- Đất sau 50 mét mặt tiền đường phố (sau vị trí 01): Là đất không có hẻm, nhưng nằm trong cùng thửa đất tiếp giáp mặt tiền đường phố (vị trí 1).

5.3.3. Phạm vi áp dụng đất mặt tiền:

Phạm vi 50 mét đầu tính từ mép đường hợp pháp trong cùng một thửa đất, được xác định là đất mặt tiền. Trường hợp chiều dài thửa đất có chiều sâu (chiều dài) nhỏ hơn 50 mét thì đất mặt tiền được xác định đến hết thửa đất đó.            

6. Quy định về khu vực đất giáp ranh

Đất tại khu vực đất giáp ranh được xác định từ đường phân địa giới hành chính giữa các huyện, thị xã vào sâu địa phận mỗi huyện, thị xã:

- Đối với đất nông nghiệp 300 m.

- Đối với đất phi nông nghiệp ở nông thôn 200 m.

- Đối với đất phi nông nghiệp ở đô thị 100 m.

II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG KHI TÍNH GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT:

1. Trường hợp thửa đất cùng vị trí, cùng loại đất mà có nhiều cách xác định giá đất khác nhau, thì áp dụng mức giá cao nhất;

2. Trường hợp đất phi nông nghiệp, thửa đất có 02 mặt tiền đường trở lên thì tính thêm hệ số K như sau:

- Trường hợp thửa đất có 02 mặt tiền:

Giá đất được tính theo đường có giá cao hơn nhân với hệ số K = 1,2;

- Trường hợp thửa đất có 03 mặt tiền:

Giá đất được tính theo đường có giá cao nhất nhân với hệ số K = 1,3;

- Trường hợp thửa đất có 04 mặt tiền:

Giá đất được tính theo đường có giá cao nhất nhân với hệ số K = 1,4;

III. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ ĐẤT NÔNG NGHIỆP

1. Đất nông nghiệp: Đất nông nghiệp bao gồm:

 - Đất sản xuất nông nghiệp: Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm;

 - Đất lâm nghiệp: Đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;

 - Đất nuôi trồng thủy sản;

 - Đất nông nghiệp khác.

2. Giá đất nông nghiệp:

a) Đất nông nghiệp trong từng loại xã trên địa bàn tỉnh được phân theo 05 vị trí đất (quy định điểm 5.1 khoản 05 mục I phần A) tương ứng với 05 mức giá đất (quy định cụ thể tại bảng giá đất nông nghiệp mục I phần B).

b) Giá đất trong các trường hợp sau được quy định bằng mức giá đất trồng cây lâu năm ở vị trí 01 cùng loại xã trong tỉnh:

+ Đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được xác định là đất ở;

+ Đất nông nghiệp nằm trong phạm vi địa giới hành chính phường, trong phạm vi khu dân cư thị trấn, khu dân cư nông thôn đã được xác định ranh giới theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Trường hợp đất nông nghiệp nằm trong phạm vi khu dân cư thị trấn, khu dân cư nông thôn chưa có quy hoạch được xét duyệt thì xác định theo ranh giới của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư.

c- Đất nông nghiệp khác được tính giá như đất nông nghiệp cùng vị trí.

IV. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP:

1. Giá đất phi nông nghiệp tại đô thị: Được xác định dựa vào vị trí đất.

1.1. Đất mặt tiền đường phố (vị trí 1):

Giá đất được tính bằng giá đất của bảng giá đất phi nông nghiệp ở đô thị.

1.2. Đất trong hẻm:

Đất trong hẻm được xác định giá theo tỷ lệ % so với giá đất mặt tiền của đường phố đó, căn cứ vào các yếu tố như loại hẻm và chiều rộng của hẻm, chiều sâu của hẻm, cụ thể:

a) Loại hẻm và chiều rộng của hẻm:

- Hẻm chính:

 + Chiều rộng từ 06 mét trở lên: Giá đất được xác định bằng 40 % giá đất mặt tiền đường phố (vị trí 01) và phụ thuộc vào độ sâu của hẻm.

 + Chiều rộng từ 3,5 mét đến dưới 06 mét: Giá đất được xác định bằng 30% giá đất mặt tiền đường phố (vị trí 01) và phụ thuộc vào độ sâu của hẻm.

 + Chiều rộng dưới 3,5 mét: Giá đất được xác định bằng 20 % giá đất mặt tiền đường phố (vị trí 01) và phụ thuộc vào độ sâu của hẻm.

- Hẻm phụ:

 + Chiều rộng từ 06 mét trở lên: Giá đất được xác định bằng 70% giá đất hẻm chính và phụ thuộc vào độ sâu của hẻm.

 + Chiều rộng từ 3,5 mét đến dưới 06 mét: Giá đất được xác định bằng 60 % giá đất hẻm chính và phụ thuộc vào độ sâu của hẻm.

 + Chiều rộng dưới 3,5 mét: Giá đất được xác định bằng 40% giá đất hẻm chính và phụ thuộc vào độ sâu của hẻm.

b) Chiều dài (độ sâu) của hẻm:

- Từ mét thứ 01 đến hết chiều dài thửa đất tiếp giáp mặt tiền đường phố (trong phạm vi 50 mét), thì giá đất được xác định bằng giá đất mặt tiền đường phố (nếu mặt tiền thửa đất tiếp giáp mặt tiền đường phố) hoặc bằng giá đất hẻm tương ứng (nếu mặt tiền thửa đất tiếp giáp mặt tiền hẻm). Sau 50 mét giá đất được xác định theo giá đất hẻm tương ứng.

- Từ sau chiều dài thửa đất tiếp giáp mặt tiền đến mét thứ 100: Giá đất tính bằng 100% giá đất của hẻm tương ứng.

- Sau mét thứ 100 đến mét thứ 200: Giá đất tính bằng 80% giá đất của hẻm tương ứng.

- Sau mét thứ 200 trở lên: Giá đất tính bằng 60% giá đất của hẻm tương ứng.

1.3. Đất sau 50 mét mặt tiền đường phố (sau vị trí 01):

Trường hợp không tiếp giáp với hẻm nhưng cùng chung một thửa đất với đất mặt tiền: Giá đất được tính bằng 30% giá đất mặt đường phố hoặc hẻm.

1.4. Trường hợp giá đất ở tại đô thị: quy định tại điểm 1.2, điểm 1.3 khoản 01 mục IV, nhỏ hơn giá đất ở tối thiểu tại đô thị, thì tính bằng giá đất quy định tại khoản 02 mục IV.         

2. Giá đất ở tối thiểu tại đô thị:

- Giá đất ở tối thiểu tại đô thị loại 04 bằng 100.000 đồng/m2 (Một trăm ngàn đồng trên một mét vuông)

- Giá đất ở tối thiểu tại đô thị loại 05 bằng 80.000 đồng/m2 (Tám mươi ngàn đồng trên một mét vuông).

3. Giá đất phi nông nghiệp tại nông thôn:

- Giá đất được xác định theo loại xã, khu vực trong xã (quy định tại khoản 02 mục I phần A) và vị trí trong từng khu vực (quy định tại điểm 5.2 khoản 05 mục I phần A)

- Đất phi nông nghiệp tại nông thôn không phải là đất ở, từ mét thứ nhất đến mét thứ 100 của thửa đất: Giá đất được xác định theo một mức giá tương ứng với vị trí đất. Từ sau mét thứ 100 tiếp theo trong cùng một thửa đất: Giá đất được xác định bằng 50 % giá đất trong phạm vi 100 mét.

V. QUY ĐỊNH TÍNH GIÁ KHU VỰC ĐẤT GIÁP RANH:

- Đất giáp ranh thuộc loại đất nào thì áp dụng theo giá của loại đất đó, nếu có các điều kiện khác như nhau thì tính mức giá như nhau.

- Đất tại khu vực giáp ranh mà các điều kiện về tự nhiên, hạ tầng và mục đích sử dụng không giống nhau thì giá đất bình quân giá đất của 02 huyện, thị xã giáp ranh có cùng vị trí, hạng, khu vực (loại xã) cụ thể như sau:

+ Đối với huyện, thị xã giáp ranh có giá đất cao hơn thì áp dụng mức giá của huyện, thị xã có giá đất cao hơn

+ Đối với huyện, thị xã giáp ranh có giá đất thấp hơn thì trong phạm vi giáp ranh theo quy định được áp dụng giá bình quân của giá đất thuộc 02 huyện, thị xã giáp ranh.

Phần B:

BẢNG GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT

I. ĐẤT NÔNG NGHIỆP:

1. Giá đất trồng cây hàng năm (Bảng I.1)

2. Giá đất trồng cây lâu năm (Bảng I.2)

3. Bảng giá đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Bảng I.3)

4. Bảng giá đất nuôi trồng thủy sản (Bảng I.4)

II. BẢNG GIÁ ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP

1. Giá đất ở nông thôn (Bảng II.1)

2. Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn (tính bằng 80% giá đất ở tại nông thôn)

3. Giá đất ở tại đô thị (Bảng II.2).

4. Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị (tính bằng 90% giá đất ở đô thị).

5. Giá đất khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, khu Công nghiệp Trảng Bàng và khu Kinh tế Cửa khẩu Xa Mát (Bảng II.3)

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 66/2009/QĐ-UBND ban hành bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

  • Số hiệu: 66/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Võ Hùng Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản