Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 66/2004/QĐ-UB | Tam Kỳ, ngày 20 tháng 08 năm 2004 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước số: 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số: 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số: 167/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001-2010;
Căn cứ Thông báo số: 178/TB-UB ngày 06/10/2003 của Tỉnh uỷ về việc thông báo ý kiến kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ về chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp và thuỷ sản, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt;
Theo đề nghị của Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình liên sở số: 1238/TTLS/STC-NN&PTNT ngày 02/8/2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 2004-2007)".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND & UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện - thị xã, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc tỉnh, các tổ chức kinh tế và cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Nơi nhận : | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ( GIAI ĐOẠN NĂM 2004-2007)
( Ban hành kèm theo Quyết định số: 66 /2004/QĐ-UB ngày 20/8/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam )
Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp, địa hình đa dạng, có nhiều vùng sinh thái khác nhau: vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng cát ven biển; có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nông dân có nhiều kinh nghiệm về nghề chăn nuôi bò. Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và bò sữa sẽ tạo được nhiều việc làm cho người lao động, đồng thời khai thác được tiềm năng đất đai, lao động nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính và chiếm tỷ lệ giá trị cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh ban hành quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bò sữa, trồng cỏ và công nghệ chế biến sản phẩm từ chăn nuôi bò theo phương thức bảo toàn vốn trên địa bàn tỉnh như sau:
Điều 1. Nguyên tắc và phương thức hỗ trợ.
1. Nguyên tắc hỗ trợ:
a. Thực hiện hỗ trợ theo cơ chế có bảo toàn và hỗ trợ sau đầu tư từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh nhằm khuyến khích nhân dân trong tỉnh đầu tư vốn phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bò sữa, đầu tư trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò và chế biến sản phẩm từ chăn nuôi bò nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi bò hàng hoá, xoá đói giảm nghèo.
b. Hỗ trợ đầu tư phải đúng vùng, lãnh thổ theo quy hoạch được duyệt và trong tổng kinh phí theo Nghị quyết của HĐND tỉnh bố trí hàng năm để đầu tư phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bò sữa, trồng cỏ chăn nuôi bò và sản xuất chế biến sản phẩm từ chăn nuôi bò.
2. Phương thức hỗ trợ:
Hỗ trợ tiền trực tiếp cho các đối tượng nuôi bò cái lai sinh sản, bò thịt chất lượng cao và bò sữa theo phương thức:
+ Hỗ trợ một phần có bảo toàn vốn để nuôi bò cái lai sinh sản, bò sữa,
+ Hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng (nếu có) sau đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để đầu tư thêm vốn nuôi bò, trồng cỏ phục vụ nuôi bò và công nghệ chế biến sản phẩm từ chăn nuôi bò.
Điều 2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ.
1. Đối tượng:
Hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, các HTX và các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý (gọi tắt chủ đầu tư) sản xuất, kinh doanh đầu tư phát triển chăn nuôi bò cái lai sinh sản, bò thịt chất lượng cao, bò sữa, trồng cỏ nuôi bò và sản xuất chế biến sản phẩm từ chăn nuôi bò nhằm mục đích sản xuất hàng hoá.
Riêng các đối tượng nêu trên là đồng bào dân tộc thiểu số thì không phân biệt nuôi bò lai hay bò địa phương.
2. Điều kiện hỗ trợ:
a. Bò cái lai sinh sản: Là bò cái có ít nhất 50% máu bò giống nhóm Zêbu hoặc bò ngoại khác dùng làm bò cái nền để lai tạo với bò đực giống nhóm Zêbu, giống bò chuyên thịt, chuyên sữa và có cam kết của chủ đầu tư nuôi sinh sản ít nhất 5 năm. Riêng các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nuôi bò cái sinh sản nói chung lần đầu, có cam kết nuôi sinh sản ít nhất 5 năm (không phân biệt giống bò lai hoặc giống bò địa phương) cũng được hưởng các ưu đãi theo cơ chế này.
b. Bò sữa: Là bò cái có ít nhất 50% máu giống bò chuyên sữa Holstein Friesian (HF) hoặc các giống bò sữa khác nằm trong danh mục các giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh do Bộ Nông nghiệp & PTNT công bố, được nuôi để khai thác sữa hàng hóa ít nhất là 5 năm và nuôi thường xuyên từ 2 con trở lên.
c. Bò thịt: Là bò có ít nhất là 50% máu giống nhóm bò Zêbu, bò chuyên thịt nuôi thường xuyên từ 05 con trở lên để bán thịt. Riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ 01 con trở lên và không phân biệt giống bò lai, bò địa phương.
d. Trồng cỏ: Là canh tác các giống cỏ trồng (hòa thảo, hỗn hợp, họ đậu) theo quy trình của cơ quan chuyên môn dùng làm thức ăn cho bò.
Người trồng cỏ phải gắn với nuôi bò hoặc tự cân đối khả năng tiêu thụ cỏ, diện tích trồng cỏ từ 0,1 ha (1.000 m2) trở lên và cam kết trồng thời gian ít nhất là 3 năm.
Điều 3. Mức hỗ trợ của ngân sách tỉnh.
1. Tạo giống bò bằng phối tinh nhân tạo:
Nhà nước hỗ trợ 100% tinh đông lạnh (các giống bò nhóm Zêbu, bò chuyên thịt, chuyên sữa), nitơ, dụng cụ phối giống.
Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ thêm tiền công đối với phối giống bò nhóm Zêbu, bò chuyên thịt là 15.000 đồng/con bò cái có chửa; đối với phối giống bò sữa là 30.000 đồng/con bò cái có chửa. Trường hợp phối giống bò sữa đẻ ra bê đực, chủ đầu tư được hỗ trợ 200.000 đồng/con.
2. Bò cái lai sinh sản:
Chủ đầu tư nuôi mới bò cái lai sinh sản không phân biệt tự lai tạo hay nhập mua được Nhà nước hỗ trợ một lần theo hình thức cho mượn vốn không tính lãi trong thời hạn 36 tháng với mức 02 triệu đồng/con khi bò đẻ lứa thứ nhất (những bò cái lai có sẵn đã sinh sản từ lứa thứ 2 trở đi không được hỗ trợ) với điều kiện chủ đầu tư phải có cam kết nuôi ít nhất là 5 năm.
3. Bò sữa:
Chủ đầu tư nuôi mới bò sữa giống không phân biệt tự tạo hay nhập mua con giống từ ngoài tỉnh (bò giống tối thiểu 15 tháng tuổi), được nhà nước hỗ trợ một lần theo hình thức cho mượn vốn không tính lãi trong thời hạn 36 tháng với mức 05 triệu đồng/con.
4. Trồng cỏ:
Chủ đầu tư trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò trên diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi hay khai hoang được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng (nếu có). Mức tiền vay được xem xét hỗ trợ lãi suất được quy định cụ thể tại Điều 5 của quy định này.
Điều 4. Cơ chế cho vay vốn từ các ngân hàng
Các chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn cho vay của các chi nhánh Ngân hàng phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của nhà nước về quy trình, thủ tục cho vay và trách nhiệm về trả lãi suất theo định kỳ, hoàn trả vốn khi hết thời hạn vay theo đúng cam kết với các chi nhành Ngân hàng.
Trường hợp chủ đầu tư vi phạm cam kết với các chi nhánh Ngân hàng hoặc có rủi ro xảy ra thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, các Chi nhánh Ngân hàng xử lý theo quy định hiện hành của nhà nước (đối với phần vốn vay từ các chi nhành Ngân hàng).
Điều 5. Hỗ trợ lãi suất tiền vay.
- Chủ đầu tư có đầu tư phát triển chăn nuôi bò cái lai sinh sản, bò thịt chất lượng cao, bò sữa, trồng cỏ nuôi bò và sản xuất chế biến sản phẩm từ chăn nuôi bò, chủ động huy động nguồn lực hiện có để thực hiện dự án. Ngoài phần vốn nhà nước cho mượn không tính lãi, nếu có nhu cầu vay vốn được các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho vay thì ngân sách hỗ trợ 50% mức lãi suất tiền vay phải trả thực tế tại thời điểm phát sinh để đầu tư theo mức vốn vay của từng dự án cụ thể. Riêng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số mức hỗ trợ trợ lãi suất tiền vay là 100%. Tiến độ vay vốn theo thực tế của việc đầu tư vốn cố định và giống cây con, thời gian hỗ trợ lãi suất 36 tháng đối với nuôi bò cái lai sinh sản và bò sữa, 12 tháng đối với nuôi bò thịt và trồng cỏ chăn nuôi bò theo cơ chế này.
- Mức hỗ trợ lãi suất tiền vay phải trả căn cứ theo hợp đồng vay vốn tín dụng hoặc khế ước vay và giấy nộp trả lãi tiền vay hàng tháng, 6 tháng hoặc cả năm của các chi nhánh Ngân hàng.
- Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất là theo hợp đồng vay thực tế với các chi nhánh Ngân hàng nhưng tối đa không vượt các mức sau:
+ Bò cái lai | : | 6 triệu đồng/con |
+ Bò sữa | : | 10 triệu đồng/con |
+ Bò thịt | : | 3 triệu đồng/con |
+ Xây dựng chuồng, trại bò sữa
+ Trồng cỏ phục vụ nuôi bò | :
: | 8 triệu đồng/chuồng (3 con/chuồng) 3 triệu đồng/1ha |
Việc hỗ trợ lãi suất tiền vay được thực hiện hàng quý hoặc 6 tháng một lần, Ban quản lý các huyện - thị xã trình Chủ tịch UBND huyện quyết định và trực tiếp chi trả cho chủ đầu tư.
Chủ đầu tư được ưu tiên miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất và miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, còn được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất và miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất theo quy định hiện hành của tỉnh Quảng Nam.
Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển chăn nuôi bò; đào tạo cán bộ; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò (kể cả bò thịt chất lượng cao, bò sữa) cho các chủ đầu tư, chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn các chủ đầu tư chọn bò đảm bảo chất lượng để phát triển chăn nuôi. Chủ động cân đối dự toán chi sự nghiệp hàng năm của ngành, bố trí, sắp xếp cán bộ kỹ thuật về thú y, khuyến nông trong biên chế của ngành (kể cả các huyện - thị xã) trực tiếp theo dõi, giám sát, hướng dẫn và xử lý kỹ thuật chăn nuôi cho chủ đầu tư tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bò sữa theo quy hoạch của tỉnh.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, UBND các huyện bố trí cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã để hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Từ năm 2005 Ngân sách tỉnh sẽ cân đối hỗ trợ kinh phí khuyến nông, khuyến lâm miền núi để đảm bảo chi hoạt động (cả tiền công). Ngoài ra, ngân sách sẽ từng bước đầu tư về trang thiết bị chuyên ngành để phục vụ thực hiện dự án.
Điều 8. Hỗ trợ khuyến khích thu mua bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Trong giai đoạn từ năm 2004-2007, chủ đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thịt, sữa quy mô nhỏ, cơ sở thu gom, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi bò được hưởng các ưu đãi khuyến khích đầu tư của tỉnh Quảng Nam.
a. Đối với các dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa có quy mô lớn, ngoài phạm vi của cơ chế này thì tuỳ từng trường hợp UBND tỉnh có quyết định về cơ chế hỗ trợ riêng.
b. Các chủ kinh tế vườn, kinh tế trang trại được hỗ trợ lãi suất vay theo Quy định này thì không được hỗ trợ lãi suất tiền vay theo Quyết định số 30/2002/QĐ-UB ngày 04.5.2002 của UBND tỉnh và ngược lại.
CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi bò cấp tỉnh gồm đại diện các cơ quan: UBND, các Sở, ban ngành liên quan, mời các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng tham gia, do Sở Nông nghiệp & PTNT làm thường trực.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo: Chỉ đạo toàn bộ quá trình thực hiện dự án, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền về chủ trương, lồng ghép các chương trình đầu tư hỗ trợ, các chương trình khuyến nông gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí để thực hiện dự án, chỉ đạo và hướng dẫn việc thu hồi và bảo toàn nguồn vốn ngân sách hỗ trợ để nuôi bò.
2. Thành lập Ban quản lý: UBND huyện - thị xã quyết định thành lập Ban quản lý dự án phát triển chăn nuôi để triển khai thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi bò theo các nội dung của quy định, thành phần: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) UBND làm trưởng Ban, Trưởng (hoặc phó) Phòng NN & PTNT làm Phó Ban trực, Phòng Tài chính, các Ngân hàng, kỹ thuật nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi. Tương tự các thành phần trên, UBND cấp xã - phường - thị trấn thành lập Ban quản lý để triển khai thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi. Kinh phí hoạt động của Ban quản lý được phân bổ trong kinh phí đầu tư của chương trình theo quy định hiện hành của nhà nước và thực tế quy mô phát triển chăn nuôi tại các huyện - thị xã.
3. Biện pháp bảo toàn vốn :
Uỷ quyền cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện việc giải ngân và theo dõi thu hồi nguồn vốn ngân sách cho mượn không tính lãi để chăn nuôi bò (phần vốn ngân sách cho mượn để nuôi bò sữa (05triệu đồng/con) và bò cái lai sinh sản (02triệu đồng/con)). Nguồn vốn thu hồi định kỳ báo cáo Ban chỉ đạo cấp tỉnh để bổ sung nguồn tiếp tục đầu tư.
Ngân sách tỉnh chi trả phí quản lý cho Ngân hàng chính sách xã hội theo tỷ lệ quy định hiện hành của nhà nước.
4. Phương thức cấp phát và thanh toán:
- Trên cơ sở biên bản xét duyệt của Ban chỉ đạo huyện - thị xã hằng tháng hoặc quý Ban quản lý dự án chăn nuôi tổng hợp tham mưu UBND huyện - thị xã báo cáo với Ban chỉ đạo tỉnh và kiến nghị những vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện dự án kể cả nguồn vốn và việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ theo quy định này.
- Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các địa phương làm căn cứ để Sở Tài chính chuyển phần vốn ngân sách tỉnh cho mượn sang Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và phân bổ ngân sách về các huyện - thị xã theo hình thức có mục tiêu để chi hỗ trợ lãi suất tiền vay cho đối tượng vay theo quy định này. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chịu trách nhiệm giải ngân vốn ngân sách tỉnh cho mượn cho các chủ đầu tư trên cơ sở hồ sơ đã được Ban chỉ đạo, Ban quản lý các cấp xét duyệt. Riêng nội dung chi cho công tác hỗ trợ lai tạo giống bằng thụ tinh nhân tạo Sở Tài chính cấp phát cho đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT để thực hiện chung trên toàn tỉnh.
- Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì thực hiện:
+ Điều tra, quy hoạch, hướng dẫn bố trí hợp lý theo cơ cấu cây trồng và con vật nuôi từng vùng, đồng thời có trách nhiệm bố trí lồng ghép các chương trình sự nghiệp nông nghiệp, chương trình mục tiêu để thực hiện đầu tư khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
+ Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ để trình UBND tỉnh quyết định. Xây dựng kế hoạch phát triển đàn bò của tỉnh hàng năm để Sở Tài chính căn cứ trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện dự án.
+ Chỉ đạo, xây dựng quy chế, hướng dẫn và phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh theo dõi, thu hồi và bảo toàn nguồn vốn cho mượn không tính lãi từ ngân sách tỉnh. Trường hợp các chủ đầu tư không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu (tức là chưa đủ thời hạn 36 tháng nhưng chủ đầu tư đã bán bò hoặc không nuôi thường xuyên ít nhất 5 năm,..) thì cơ quan quản lý (Sở NN&PTNT) có trách nhiệm báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh và phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thu hồi vốn ngân sách Nhà nước cho mượn không tính lãi tại thời điểm chủ đầu tư vi phạm cam kết.
- Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn cho từng địa phương và chủ dự án về cấp đất, cho thuê đất theo quy định này để các chủ đầu tư yên tâm sản xuất, chăn nuôi và chế biến lâu dài.
- Sở Tài chính cùng Sở Kế hoạch & Đầu tư có trách nhiệm trong việc cân đối nguồn, lồng ghép các chương trình, cân đối kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện. Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh xử lý các nội dung liện quan đến giải ngân, thu hồi nguồn kinh phí ngân sách cho mượn; chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục chi hỗ trợ, thẩm tra quyết toán theo quy định này và chế độ tài chính hiện hành.
- Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn theo quy định về miễn, giảm thuế đối với các chủ đầu tư.
- UBND các huyện - thị xã có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn các xã, HTX, nông dân, các chủ đầu tư trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăn nuôi thú y. Phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm từ chăn nuôi bò. Giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chức năng trong việc quản lý các nguồn kinh phí đầu tư nhằm phát triển đúng mục đích.
- Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của tỉnh (120), Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Chi nhành Quỹ Hỗ trợ phát triển Quảng Nam và các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trong tỉnh có trách nhiệm cùng với UBND các huyện - thị tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư được vay vốn phát triển chăn nuôi.
- Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh theo dõi toàn bộ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh cho mượn từ khâu giải ngân cho đến khâu theo dõi, thu hồi vốn cho mượn khi đến hạn. Phối hợp với Ban chỉ đạo các cấp bảo toàn nguồn vốn và tái đầu tư, nhân rộng dự án. Tập trung nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo thuộc ngân sách tỉnh và nguồn TW cho vay đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để phát triển chăn nuôi bò theo cơ chế này.
- Các cơ quan thông tin đại chúng, UBND huyện - thị xã, UBND xã - phường - thị trấn tuyên truyền phổ biến chủ trương này đến tận thôn, bản và từng cộng đồng dân cư để thực hiện, cùng giám sát, kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay, vốn nhà nước hỗ trợ cho các chủ đầu tư./.
- 1Quyết định 167/2001/QĐ-TTg về biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi - thú y trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2015 do tỉnh Bắc Giang ban hành
Quyết định 66/2004/QĐ-UB về Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 2004-2007) do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 66/2004/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/08/2004
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/09/2004
- Ngày hết hiệu lực: 16/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra